Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Ở ngã tư ấy.

Ngã tư Bình Hòa, Gia Định. Cái ngã tư đầy ắp kỷ niệm của những ngày đầu tiên sống ở miền đất mới. Đó là mùi dầu dừa chiên dầu cháo quẩy, là tiếng pô xe lam, xe xích lô máy của những người lao động bình dân mỗi đêm về sáng.

Gặp anh ở quán cafe ngã tư Bình Hòa, Sài Gòn những năm khó khăn sau chiến tranh. Anh thường ngồi một mình ở phía sâu trong quán.
Người phục vụ như đã quen, khi nào cũng mang ra cho anh một ly cafe đá và chỉ một điếu thuốc trên cái dĩa nhỏ kèm một hộp quẹt cây. Một điếu ba số năm. Những năm ấy, người bình thường ít ai hút thuốc ba số, một điếu thuốc giá bằng bữa cơm bình dân. Sau này mới biết thói quen của anh, sáng ra làm cữ cafe và một điếu ba số trước đã, khỏi ăn sáng, không cần biết ngày hôm đó sẽ cày ra được mấy đồng, mọi việc tính sau. Anh ngồi đăm chiêu, nhìn ly cafe, nhìn điếu thuốc. Hết nửa ly anh chậm rãi kẹp hai cây diêm đốt điếu thuốc. Nhìn anh với cặp mắt kiếng cận nặng và bàn tay thợ với những vệt đen mờ của dầu mỡ quanh viền móng tay, anh rít gọn khói thuốc, tự nhiên tôi có cảm tình.
Một bữa tôi mang lại quán một dĩa hát nhựa mềm, thứ dĩa của Ba Lan một thời, ai cho không nhớ nữa, có bài "Dòng sông vàng" của nhóm nhạc Christine mà tôi rất thích. Thích nhất cái đoạn " hốt" hết bài, hồi đó kêu vậy, chỉ có giàn nhạc chơi với nhau, giống như đoạn "hốt" của bài Hotel Califonia sau này ấy, tuyệt vời. Băng nhạc này còn có bản "Goodbuy", lời bài hát chỉ có đúng một ca từ ấy, được ca lên mỗi lần kết thúc một buổi diễn của băng nhạc và bây giờ trong các sân banh, lâu lâu vẫn nghe đồ đệ môn túc cầu đồng ca, đại khái: nà na na... nà na na... hế hê hề, goodbuy".
Một thời gian dài ấy ở Sài Gòn không phải muốn nghe ca nhạc nào cũng có, băng dĩa nhạc vàng xanh bất kể, người ta quăng đi hết. Bạn có thể thoải mái nghe nhạc cũ, nhạc ngoại ở miền Bắc nhưng ở Sài Gòn thì tuyệt đối không.
Anh bắt chuyện nói quá lâu mới nghe, anh rất thích bản này. Quen anh từ bữa đó.
Những năm sau 75, anh thất nghiệp, sửa xe đạp xe máy tại nhà cho bà con lối xóm hay khách hàng quen mang tới, sống tà tà.

Cũng ở ngã tư ấy có gia đình một người quen, là bạn học bên Nga với bà chị ở nhà. Vợ chồng chị Bình anh Ngọc hiền lành như đất, gặp lúc nào cũng thấy cười. Nhà mặt tiền đường không làm gì, hỏi thì anh chị nói mấy đứa làm được gì thì làm, dư dả góp tiền điện nước.
Một thời gian biết nhau, chúng tôi rủ nhau mở tiệm sửa xe máy tại đây, anh đồng ý liền. Thấy mặt bằng rộng anh bàn để thêm cái tủ kiếng nhận chụp hình, sửa máy ảnh. Nghĩ bụng ông này sao nhiều cái giống mình, ham làm ham chụp ảnh và sửa xe máy, lòng thấy vui. Đi kiếm một cái tủ nhỏ, xách thêm tới tiệm cái bơm xe và thùng đồ nghề, kiếm một vỏ thùng bánh Biscuit vẽ lên hình một hộp phim Kodak thật lớn treo tòn ten trước cửa tiệm. Vẫn nhớ cái hộp phim Kodak ấy do Minh cao, con nhà trà Mai Hạc vẽ. Thế là bắt tay vào việc.

Hàng ngày anh đứng trông cửa tiệm, tôi đi làm ở cơ quan, buổi trưa buổi chiều hay lúc nào rảnh việc là nhao ra tiệm, có việc cùng làm xe máy hoặc phân công nhau đi đánh đám, là đám ma đám cưới, sinh nhật hay có khi chỉ là một đám tiệc nhỏ chụp năm bảy tấm kỷ niệm. Có bữa mới ráp xong cái máy xe, rửa tay chưa sạch hết vệt dầu nhớt đã khoác vai giỏ máy đi đám cưới, siêng thế. Vất vả nhưng được làm việc khiến cho ta yêu đời. Việc sửa máy ảnh lâu lâu có cái, hẹn khách có tới hai ba tuần lễ nhưng anh làm nhoằng phát xong. Anh có khiếu cơ khí và thật khéo tay. Máy ảnh sửa xong được giữ lại trong thời gian mấy tuần lễ ấy vừa để thử máy, vừa để sử dụng cho hai người đi đánh đám. Nói thêm là hồi đó làm tiệm chụp hình, ban đầu anh em có đúng một cái Canon QL, thứ máy lấy nét kiểu giản đơn hai hình chập một, lên phim nhanh tiết kiệm được ba bốn tấm phim. Cái máy cà cộ ấy mà, thế mà chụp ra ảnh nét và sáng. Ngày ấy nhu cầu ảnh là ghi dấu kỷ niệm, cần sáng đẹp rõ mặt người là chính chứ chưa có nhu cầu nghệ thuật như những năm sau này.

Thời gian, mỗi người một công việc khác nhau. Sau này anh lập được một xưởng thêu máy, làm ăn được. Vợ chồng anh lo cho cậu trai lớn đi du học, một cậu đang phổ thông và giành nhiều thời gian để chăm lo cho một cậu trai không may mắc bệnh TK.

Chúng tôi vẫn chơi với nhau từ đó tới giờ, thăm hỏi động viên, lo làm ăn và lo cho gia đình. Lâu lâu anh alu nhớ mày quá, ra đây làm một ly, có khi tám chín giờ tối còn kêu, anh nói giờ mới xong việc.

Với tôi, những năm tháng ấy, mới tốt nghiệp đại học kỹ thuật, ôm mớ lý thuyết xuông biết cái gì. Ở ngã tư ấy, tôi học được ở anh đức tính siêng năng, ham muốn tìm tòi, mày mò, và đã làm gì là làm cho được trong nghề cơ khí máy móc rất nhiều hấp dẫn.
Những năm sau tôi sang nghề đi biển, làm việc trên những con tàu lang thang nhiều nơi, tôi tiến bộ và luôn vững chãi trong công việc của mình, từ ngày đầu làm thợ cho đến một sỹ quan máy tàu biển. Trong tâm thức tôi luôn luôn nghĩ đến anh, đến những gì đã học từ anh.

Một sáng mở hộp thơ nhận được mấy tấm hình cũ của hơn ba mươi năm trước. Là từ hộp thơ của anh, anh gởi kỷ niệm cho tôi. Nhớ ra là tấm hình tôi chụp ngày khai trương cái tiệm hình năm xưa. Kỷ niệm chợt về. Tôi hiểu như là anh muốn nói với tôi khi những ngày này mới nghe người ta nói hãy gần với nhau nhưng chúng ta đã thân với nhau từ những ngày xưa ấy.
Ở ngã tư Bình Hòa, Gia Định ấy, chúng tôi đã chơi với nhau như vậy những ngày đầu tiên, tới giờ đã ba mấy năm. Ngày gặp nhau hai anh em ở hai khía cạnh cuộc đời.

Viết cho anh L- 30 Tháng Tư 2010

5 nhận xét:

  1. Hình hồi ấy trông các bác rất Hippy.
    Đầy kỷ niệm.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Đỗ đứng bên trái hay bên phải vậy?

    Trả lờiXóa
  3. -Phú,
    Đúng là đầy kỷ niệm. Ngày đó tôi cũng biết làm thơ cho cái ngã tư và ngã năm Bình Hòa nữa chứ. Để có giờ tìm lại, đọc chơi.

    Trả lờiXóa
  4. -VMC,
    Đứng bên trái mang mắt kiếng là nhân vật của câu chuyện. Tôi là người ôm máy chụp ảnh nên không có trong hình. Hì hì. Những năm đó người cầm máy thường khg có hình, chụp cho người ta không à.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi mới thêm vào câu cuối của bài viết.
    Nếu T-L có đọc cho một ý kiến nhé.

    Trả lờiXóa