Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Nơi tận cùng của làng (3)


Quỳnh mới phá bỏ xong ngôi nhà đất ở phía sau nhà mình, dọn dẹp nốt những miếng vách rơm bùn vỡ vụn ra bờ rào, mái rạ tre tranh đổ hết thành một đống sau vườn rồi đốt. Căn nhà nhỏ này là nhà của bà Mận đã từ mấy năm, ít tháng nay chỉ còn là nơi trú ngụ và phá phách của đám mèo già đi hoang, đêm đêm chúng rủ nhau đến. Tiếng rên rỉ não nề của lũ mèo cùng tiếng gió rít qua căn nhà trống sau lưng ấy, nhất là những đêm mưa gió, nghe rờn rợn. Bà Mận về quê ở một mình, bây giờ bà chết rồi, những người già lần lượt đi hết cả, nhà chỉ có vợ chồng Quỳnh và một thằng cu, căn nhà nhỏ để chẳng làm gì, Quỳnh phá nó đi cho quang quẻ cửa nhà vườn tược.

Ít năm sau khi Quỳnh dựng nên ngôi nhà cho mình, sau lưng ngôi nhà ấy mọc lên một tấm mái tranh. Phía lưng nhà Quỳnh là hướng Bắc nên tường nhà được xây kín để chắn gió mùa Đông Bắc hàng năm lạnh giá. Chỉ cần tựa lưng vào tường sau, lợp bán mái, dựng phên trát vách, thêm vài cây tre và ít gánh rơm rạ là xong một cơ ngơi cho bà Mận. Nói là nhà thực ra nó tuyềnh toàng, trống trải như một túp lều thì đúng hơn, vật dụng trong nhà cũng sơ xài tạm bợ đủ cho người độc thân. Đó là nơi ăn ở của bà Mận ít năm nay từ ngày bà trở về xứ.

Mấy năm trước ấy, một bữa có một bà cụ dáng khách lạ phương xa tìm tới nhà hỏi thăm bà Hồng, Quỳnh mời bà vào nhà, rót nước mời khách rồi chạy đi tìm mẹ. Bà Hồng ngày ấy đã già, không làm được những việc nặng nhọc nữa thì bà trông cháu. Thằng cháu kêu bà bằng cụ, bà thương yêu và rất chăm nó, thường thì bà cháu loanh quanh ở nhà, chán bà bế cháu chạy sang nhà hàng xóm chơi.
Mắt người già không còn sáng nhưng bà Hồng ngờ ngợ khi nghe người khách lạ giọng run run đưa tay gọi "chị ơi, chị ơi...". Bà sững lại một thoáng, thảng thốt "ai như cô Mận, phải cô Mận đấy không?". Thế rồi hai ngườì đàn bà, hai bà cụ già lao vào nhau, ôm lấy nhau trong tiếng nấc. Quỳnh đứng lặng nhìn họ vuốt tóc vuốt vai, sụt sịt "chị ơi" "Mận ơi"... Anh hiểu họ là những người thân yêu, chắc đã xa cách nhau từ lâu lắm. Vợ chồng Quỳnh lẳng lặng ra sau bếp, bắt gà làm cơm đãi khách.
Thấy bà Mận chỉ uống rượu trò chuyện mà không động đũa. Bà Hồng xót xa, khổ thân em tôi, bấy lâu nay em đi những đâu, em ở đâu mà sao tới bây giờ mới trở về? Phải giục mãi bà Mận mới chịu bới một xêu cơm, bà Hồng gắp thêm miếng thịt vào bát rồi để đó. Vợ chồng Quỳnh lặng lẽ ngồi nghe...
Cô Mận bỏ xứ ra đi từ năm mới hòa bình, vào cái đận cải cách ruộng đất ấy. Mấy mươi năm gặp lại nhau, bây giờ họ đã thành bà, họ ngồi với nhau hỏi thăm từng tí một từ gia cảnh, cháu con đến sinh nhai những năm tháng qua, những câu chuyện những con người lộn xộn trong kí ức đến từng bước chân trong cuộc đời mỗi con người, bao gian nan khốn khó, xót xa một đời người, từ cái ngày xưa ấy đến bây giờ.

Ngày xưa... Hai người nữ ấy đều là dân cùng khổ, người cùng làng cùng xóm, chỉ khác nhau là bà Hồng trời cho một tí nhan sắc hơn các cô gái làng. Lúc cô Hồng làm lẽ nhà ông Hoạt thì cô Mận nhỏ hơn ít tuổi, làm con nuôi nhà ông ấy. Nhà Mận thuở ấy nghèo rớt mùng tơi, không có ruộng vườn lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai chị em Mận ở với nhau chỉ biết nhờ cậy họ hàng với xóm giềng. Ông Hoạt thương tình, vừa cần thêm người làm trong nhà, lại được tiếng người ăn ở có phúc nên nhận một đứa về làm con nuôi. Mang tiếng con nuôi nhưng thực ra chỉ là con ở, Mận không làm ngoài ruộng trong vườn thì làm việc nhà, xay thóc giã gạo, giã bèo nấu cám nuôi lợn gà, cơm nước giặt giũ cho cả nhà, làm lụng suốt ngày. Khốn khổ, làm con nuôi người ta còn em thì gởi nhà hàng xóm, không người lo có bữa thằng em đói lả nằm chơi rồi ngất xỉu ngoài đống rơm vì đói. Là người cùng khổ, cô Hồng thương lắm hai chị em. Có bữa nào nhà vắng không ai để ý là cô Hồng lại bới trộm miếng cơm mới nấu xong, gói vào miếng lá chuối dúi vội cho Mận, chạy đi, chạy vội đi kẻo người ta thấy thì chết, về mà đưa cho em. Cũng nhờ những miếng cơm ấy chị em nhà Mận qua được những ngày đói giáp hạt. Cô Mận có còn nhớ không, một lần người nhà ông Hoạt bắt được gói cơm trong tay Mận, lấy đũa cả quất cho một trận đòn nhớ đời, quất muốn rụng ngón tay vì cái tội ăn vụng.
Mấy năm sau khởi nghĩa, Mận bỏ nhà ông Hoạt đi theo du kích, rồi theo hội phụ nữ cứu quốc. Cô Mận có người yêu cùng đội du kích, người ở xóm dưới. Tình yêu đầu đời, tuổi trẻ lãng mạn, niềm tin dễ dãi mơ hồ, tưởng chừng một cuộc sống mới cái gì cũng đẹp tốt sáng trong, cô Mận chỉ biết say mê với công tác hội đoàn và mơ về một ngày mai đời đẹp nắng hồng như hàng ngày hội đoàn người ta dạy bảo.

Thế rồi hòa bình, rồi đội cải cách về làng, không khí cách mạng sục sôi nhưng làng quê xao xác. Trước hôm đấu tố, người ta bắt cô Mận phải đứng ra tố nhà địa chủ Hoạt. Người ta hỏi ngày trước đi ở cực khổ thế nào, bị đày ải bóc lột làm sao, phải tố cáo phải phát huy tinh thần thanh niên, tinh thần giai cấp bần cố. Mình là phụ nữ cứu quốc cơ mà... Đêm ấy về Mận nghĩ mãi. Người nhà ấy không ruột rà với mình, những người ấy chưa hẳn thương yêu mình nhưng Mận đã từng sống trong ngôi nhà ấy, cô thấy người ta cũng hiền lành, cũng chịu làm lụng sớm hôm, cũng đầu tắt mặt tối và như dân làng đội mưa nắng ngày Hè chịu giá rét mùa Đông trên ruộng đồng có khác gì cô và bao người nông dân trong làng, có hơn người ta là hơn được một ít ruộng xa, hơn được bát cơm đầy hay manh áo mặc lành lặn, nên Mận từ chối.
Một đêm đã khuya, người yêu Mận tới nhà, anh du kích trẻ ấy hốt hoảng nói với cô, rằng nghe loáng thoáng đâu tin đội cải cách tính mình vào danh sách đấu tố đợt cuối cho đủ người. Mận là con nhà ông Hoạt đấy, con nuôi cũng là con. Không là con ở thì là con nuôi, không chịu đấu tố địa chủ thì người ta tố mình là con địa chủ, khổ rồi Mận ơi, cô xem thế nào lánh tạm đi đâu ít ngày khi nào ở nhà êm chuyện rồi hãy về.
Đã chứng kiến cảnh đấu tố, chứng kiến đội cải cách lôi người ta đi, những ngày làng quê xao xác và bây giờ đồng chí đồng đội nhìn quanh ai ai cũng đáng sợ. Quê hương bỗng chốc trở nên xa lạ, hôm ấy Mận thật sự sợ hãi. Mồ côi cha mẹ, bà con không ai thân thiết, cô biết đi đâu bây giờ, nhưng còn nếu ở lại có ai bênh vực cho mình, ngày mai biết mình sẽ làm sao. Suy tính cả đêm Mận sợ, sợ quá hóa liều, phải đi trốn thôi, ở lại là chết. Hừng sáng cô vơ vội đôi quang gánh, bỏ quần áo một bên, bên kia ít đồ lặt vặt, phủ lên trên ấy một lớp lá chè xanh và lá chuối, đặt thêm mấy củ khoai luộc chập tối chưa kịp ăn rồi lặng lẽ đi ra khỏi nhà. Sớm ra nhìn cô với đôi quang gánh ấy, ai thấy chắc chắn cũng nghĩ như người đi chợ sớm. Từ sáng sớm ra khỏi nhà, Mận không hề ngẩng mặt lên nhìn ai, cắm mặt sải bước một thôi, biết là đã ra khỏi huyện nhà cô mới dừng chân bên đường ngồi nghỉ. Bây giờ mới nghĩ chẳng biết đi đâu, thoáng thấy bóng người từ xa lại lo sợ, Mận vội quang gánh lên vai, sụp xuống cái nón lá, cứ đường cái mà đi.
Mận cứ đi mãi, tới đâu khát lấy nón vốc nước ao bên đường mà uống, đêm tối gặp cái chòi vó cá hay miếu hoang bên bờ đê bờ ruộng thì tạt vào ngả lưng hay có người ta thì xin ngủ nhờ. Đói lòng gặp việc giữa đường xin đám thợ gặt làm thuê một buổi rồi người ta cho ăn bát cơm khoai, uống bát nước vối qua bữa ngay ngoài đồng. Lại sức là Mận lại đi, đi cho thật xa quê nhà mà không còn để lại một dấu vết.

Cô không nhớ đã bao nhiêu ngày và đã bao đường đất, khi tới nơi ấy, thấy là một vùng đồi núi xanh ngát và đầy hương vị thơm chát quen quen của quê nhà, Mận dừng chân. Những đồi chè xanh xen những cánh rừng. Hỏi thăm vào một nông trường chè, cô xin vào làm việc ở đây và không ngờ rằng miền đất trung du ấy đã níu bước chân, giữ Mận ở lại cho tới mãi sau này. Cô du kích địch hậu vô tư, cô cán bộ phụ nữ cứu quốc đầy lí tưởng năm xưa bây giờ là nông trường viên, nhưng ở nông trường cô là một kẻ vô danh, cô chẳng cho ai biết về quá khứ và thân phận mình. Ở đây có những người bạn gái thật tốt, có công việc để tìm quên lãng, có những đồi chè với hương vị chát nồng quen thuộc và những ngày làm việc bình yên để cô quên dần đi nỗi sợ hãi con người. Nhưng giống như nhiều cô gái ở đây, Mận không lấy chồng. Mà có ai để mắt tới gái nông trường, họ làm việc hết ngày tối về ở tập thể cơm nước xong là lăn ra ngủ. Ai ở đây mãi rồi cũng lỡ thì. Mận không nhớ cô đã uống rượu từ bao giờ và một ngày kia kẻ lỡ thì biết mình nghiện rượu. Mận đã bỏ đi mất tuổi xuân trên những đồi chè.
Nhiều năm qua đi, rồi chị em cô cũng tìm được nhau. Cậu em vui mừng gặp lại chị nhưng đâu mất rồi người chị xinh xắn và hồn nhiên của mình ngày xưa, tới bây giờ chị tôi vẫn lủi thủi một mình. Nhìn ánh mắt ái ngại của cậu khi bữa cơm của Mận chỉ một cút rượu trắng và một đĩa rau sống chuối cây xắt nhỏ và rau muống chẻ, Mận biết cậu buồn. Cậu em bây giờ làm thợ cầu, thôi Mận cũng an lòng nhưng cũng như chị, cậu lang bạt khắp đó đây chẳng mấy khi về xứ.

Tưởng rằng trốn chạy chỉ ít năm cho qua cơn bĩ cực rồi về, ai ngờ đâu thời gian cứ chạy đi, một cuộc sống mới trên miền quê mới, bạn bè là các cô gái nhiều lứa tuổi ở mọi miền quê về đây chỉ biết lao động, quên cả chuyện chồng con, ngoảnh đi ngoảnh lại đã quá nửa đời. Mấy mươi năm xa, một ngày bà Mận thấy chợt dậy một nỗi nhớ xốn xang, nỗi nhớ ấy mách bảo rằng bấy lâu nay quê hương vẫn luôn trong trái tim bà dẫu cho quê hương có làm đời bà khổ. Bà thầm nghĩ, ừ mình khổ, là tại số phận, tại con người ta chứ đâu phải tại quê nhà. Nơi mình sinh ra còn là nơi ông bà tổ tiên nằm đó, bà Mận quyết phải tìm về quê thôi.
Làng quê bây giờ khác xưa nhiều quá, tuy đường làng vẫn thế lầm cát phù sa, những cầu ao vườn chè bờ tre hay hàng tóc tiên dọc bờ vườn vẫn còn đó, nhưng vắng vẻ, lặng lẽ. Người ta đi đâu hết cả, chỉ toàn thấy người già và con trẻ. Bà Hồng bảo làng quê mình bấy nhiêu năm đồng đất chỉ co lại, con người thì nhiều thêm, thanh niên thanh nữ chúng nó đi làm ăn xa, bỏ con ở nhà rồi lên ở thị thành hết cả rồi. Nghe bà Mận muốn về hẳn sống ở quê nhà, bà Hồng bảo cứ về đi, về ở với tôi, không đói đâu mà sợ.

Sau ít ngày tìm về thăm nơi chốn cũ, bà Mận trở lại miền trung du thu xếp gọn gàng mọi việc. Ít lâu sau bà giã từ quê hương thứ hai trở về xứ, lần này về hẳn. Ngày Mận trở về xứ sở lặng lẽ như buổi ra đi. Đôi quang gánh xưa bây giờ thay bằng chiếc túi du lịch nhẹ bỗng, không gia đình và đôi bàn tay trắng, từ nay bà mong được sống chết phần đời còn lại tại quê nhà.
Nhớ những ngày xưa chị em có nhau, thương yêu đùm bọc thời khốn khó bao nhiêu, bây giờ lòng bà Hồng vẫn vậy. Bà bảo Quỳnh dựng lên căn lều ở phía sau, dựa vào lưng nhà, một thân một mình bà Mận ăn ở hết bao nhiêu đâu mà lo. Ông bà Lý nhường cho thêm mấy thước đất ở cuối vườn chè, nhìn cũng ra một tấm nhà với khoảnh sân nho nhỏ.
Biết là những ngày cuối đời,về quê hương sống chẳng còn bao năm, hai bà lão thương yêu nhau lắm. Mỗi ngày họ qua lại nhà nhau, quấn quít cháu con như là của chung, có việc gì thấy cũng làm cùng nhau. Bữa nào có đĩa cá kho ngon hay bát canh ngọt thế nào vợ Quỳnh cũng dành một phần mang sang nhà bà Mận. Quỳnh nghĩ cũng mừng, từ ngày bà Mận về quê, bà nội Quỳnh như vui hẳn ra, thích nói chuyện hơn và nhà cửa nhiều thêm tiếng cười.
Đúng là khoảng thời gian tuổi già ấm êm của hai chị em bên nhau chẳng được bao năm. Từ ngày bà Hồng mất đi bà Mận buồn hẳn. Căn nhà nhỏ sau lưng ấy luôn lặng lẽ, cứ mỗi đêm về là bà Mận lại ngồi uống rượu một mình, cút rượu trắng và đĩa rau sống trước mặt, mắt nhìn ra vườn chè nhà ông Lý, lặng lẽ cấm nghe một tiếng động. Chỉ khi ánh sáng loáng thoáng sau mấy bụi chè tắt hẳn mới biết bà Mận uống đã say, tắt đèn đi ngủ rồi.
Bà Mận uống rượu suốt, được ít lâu bà cũng đi theo bà Hồng. Lúc chết bọn trẻ thay cho bà quần áo, thấy túi áo bao nhiêu những cọng rau muống sống và hoa chuối xắt đã héo khô, rồi chỗ nào cũng đầy những viên thuốc tây đủ các loại từ kháng sinh đến thuốc bổ. Không biết bà nhặt nhạnh ở những đâu, để làm gì hay đã đến lúc bà lẫn rồi. Bọn trẻ bảo nhau vứt hết vào hòm áo quan cho bà ấy, thêm cả cút rượu bà uống dở dang, mang xuống dưới ấy đôi lúc đỡ nghiền.

Nơi tận cùng của làng là cái gò mả nằm ở rìa làng, giữa cánh đồng của làng và ngay sát bờ tre rậm rạp sau vườn nhà ông Lý. Cái gò mả ấy ngày xưa to lắm nhưng nhiều năm nay, người làng nghe theo xã, giữ ruộng đất cấy cày, đất ven gò mả bị vạt dần sau mỗi lần làm cỏ. Nhà ai cải mộ là phải theo lệ làng, bốc mộ xong mang xương cốt dòng họ về nơi gò mả, cứ một nhánh họ được xây một ô hai ba vuông. Người chết trước cải mộ trước nằm dưới, người sau ở trên, rồi sơn chữ hay khắc tên người vào. Bây giờ xương trên xương dưới chẳng biết người nhà mình nằm đâu, người ở gần kẻ ở xa về thăm ông bà là cứ khói nhang đốt, khấn. Khấn là khấn chung, đốt nhang cũng cho chung với nhau cả. Người già ở làng sắp chết ai cũng sợ nằm vào những ngôi mộ chung ấy. Đành rằng đất còn ít mà người ta chết đi nhiều dần nhưng thấy nó cứ làm sao ấy.

Bà Hồng cũng không muốn nằm trong cái ô hai ba vuông ấy. Bà bảo khi chết đi, nếu để bà nằm trong tấm mộ chung ấy thì đời con đời cháu bà rồi sẽ còn khổ mãi. Quỳnh biết ý bà nội.
Với Quỳnh, ngoài bà nội người thân yêu nhất của mình thì ông Lý và bà Mận là những người hàng xóm gần gũi và thương yêu gia đình nhỏ bé của Quỳnh hơn tất cả, họ đã lần lượt đi xa hết.
Bây giờ, ba ngôi mộ của ông Lý, bà Hồng và bà Mận được nằm cạnh nhau, nho nhỏ thôi nhưng riêng rẽ, ở góc cuối bãi tha ma. Nơi ấy cũng là nơi tận cùng của làng.