Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG.


Thân mến chúc gia đình, bè bạn và mọi người mọi nhà
mùa Giáng sinh an lành, Năm mới nhiều niềm vui,
hạnh phúc cùng mọi điều tốt lành.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Nhớ Nhí nhỏ.

Tâm sự về trường lớp, bạn bè và chia sẻ của cha con nhà Nhí thường là trong khoảng thời gian cha con chở nhau trên chiếc xe hai bánh mỗi sớm mai đi học và mỗi chiều tan lớp, nhiều hơn là những chiều những tối kết thúc học chính học thêm trên đường về nhà. Sớm nào cũng vậy, xuống xe trước khi bước qua cổng trường, dù cánh cửa có sắp đóng lại, bé cũng ráng hun cha một miếng rồi chạy vội. Chiều về, bữa nào ra khỏi cổng trường, chào bố rồi tót lên yên sau xe, vẫy hai ngón tay chào bạn là cha biết qua một ngày học vui còn bữa nào vẻ mặt heo héo, xách chiếc cặp nặng trĩu một bên, lững thững một mình ra muộn là cha sẽ chuẩn bị nghe tâm sự trường lớp.

Một bữa bé ra thật muộn, cổng trường đã vắng. Nhìn cái mặt sầu đâu cha biết là có chuyện. Hỏi mãi bé mới nói, bé buồn vì các bạn nói bé hay nịnh cô giáo. Bữa nay con ra muộn vì các bạn đã ra về gần hết, thấy còn một mình cô giáo tiếng Anh ở lại cuối cùng nên phụ cô dọn dẹp tiết cuối. Cô dạy tiếng Anh mà điểm số tiếng Anh của con luôn luôn cao không phải vì con hay gần cô mà vì con được bố mẹ cho học Hội đồng Anh rồi hàng năm còn được đi nước ngoài. Chứ còn cô giáo con học trong nước rồi đi dạy, có những khi còn phát âm sai. Thấy bé con thẳng quá dễ hiểu sai mếch lòng, cha nhắc bé không nên nói điều đó. Bé nói, là con chỉ nghĩ trong bụng vậy thôi.
Rồi những lần đón bé học thêm tiếng Nhật thấy bé cũng thường ra muộn sau cùng, cha bé đã quen và thật vui nhìn cảnh hai cô trò lững thững vừa đi ra vừa cười, trò chuyện vui vẻ. Một bữa lên xe bé nói, cô sắp có em bé, nặng nhọc nên con muốn ở lại sau phụ cô mang đồ và trò chuyện cho cô vui.

Nhớ những chuyến đi chơi xa, bé luôn là thành viên yêu thích giữa đám trẻ quê, nơi miền Tây quê lúa hay vùng đất đỏ cà phê Tây nguyên. Bữa rồi quay lại Pleiku, đám trẻ nhỏ hỏi thăm mãi chị ấy đâu rồi.
Bé thân thiện, dễ gần, thấy thương. Thế rồi bé đi học xa, cha không còn được đưa đón nữa...
Bây giờ ở môi trường mới bé vẫn luôn thân thiện và thích các sinh hoạt xã hội và cộng đồng. Bé đòi đi hỗ trợ cơn bão miền Đông năm rồi mà ở nhà không cho đi, bé tự quyết định cắt tóc ủng hộ các bạn thiếu tóc mà sẽ xin phép cha sau vì vẫn nhớ lời cha dặn phải để tóc dài. Bé tự quyết định bỏ thời gian kèm Toán cho các em khi nhà trường gợi ý. Thật vui, bé nói bé thích làm những việc như thế mà bé chưa nghĩ tới một điều, đó thực sự là công việc đầu tiên trong đời, bé được nhận lương theo giờ.
Bữa ấy email cho bé, nói mẹ qua sẽ mang cho Nhí kẹo dẻo đó. Bé hồi âm liền: Kẹo dẻo? Vui quá nhưng ứ ừ, con muốn mẹ mang cả bố qua đây với con cơ.
Đọc mail của bé, có biết không, mắt cha ngấn nước từ bao giờ...

Bữa rồi làm biếng lên phố, viết đại trên blog chuyện bán xe máy, vậy mà quá trời điện thoại và tin nhắn hỏi thăm. Bán xe cho một gã chưa biết mặt biết tên. Chỉ alu điện thoại, nghe cái giọng hào sảng, dễ gần, gã đọc blog và chia sẻ chút tâm sự người cha. Hẹn gã bữa nào tới coi xe, gã nói coi hình được rồi, hổng thèm coi xe mà chỉ hỏi số tài khoản đặng chuyển tiền đặt cọc liền, gã sợ người ta mua trước mất. Khoái gã. Thì ra gã cũng thích chiếc xe mô tô chở con đi học hàng ngày, thấy vui vui...

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Bán mô tô.


Muốn bán rẻ bạn xe này rồi, Honda Shadow 125, đời 2002, hai máy chữ V dọc, hàng Nhật nhập từ Thái.

Mua của người chán, bán cho người thích. Người chán bán rẻ hơn giá thị trường 15- 20%.
Biển số thành phố, 39- 68, thần tài lộc phát, mại dzô mại dzô, he he...



Năm trước còn nhong nhong với bạn Nhí nhỏ, nắng hay mưa cùng nhau hàng ngày tới trường, đi học thêm hay đi chơi đâu đó. Hồi đó bạn Nhí thích bạn xe này lắm. Năm rồi bạn Nhí đi học xa, không cần cha đưa rước nữa, nên tội nghiệp bạn Shadow bị bỏ quên dưới hầm chung cư.

Từ ngày bỏ nội ô về vùng ven mắc tật làm biếng và ngại ngùng. Biếng chơi blog, biếng lên phố, ngại nắng ngại khói bụi đường xa, ngại triều cường đường kẹt, ngại ham vui bè bạn quên hết lời em dặn dò, quên luôn cả đường về...

Biếng chạy lên phố bán xe nên mượn trang blog làm trang rao vặt mua bán chơi vậy thôi.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Thương.


Nếu như cơn bão ấy không nặng nề đến như thế, nếu nhà cửa lối xóm không bị tốc mái gió bay, nếu cha không bị té, nếu như sớm đưa được cha tới nhà thương và nếu ...

Nhà mình thì tạm yên ổn sau bão nhưng nhìn quanh đâu đây cũng thấy cây đổ, cột đèn nghiêng, nhà tốc mái, làng quê tan tác. Cha cùng với mọi người trong xóm ấp đi dọn dẹp những đống đổ nát trong xã, chạy qua nhà lối xóm phụ giúp người ta, những nhà neo đơn, những người cùng nghèo khó và bị mưa bão làm thiệt hại nặng nề hơn ngay sau lúc cơn bão mới đi qua. Bữa ấy lên mái làm tấm lợp lấy lại nơi ăn ngủ cho một nhà cùng xã, không may cha hụt chân té xuống đất, chỉ một ngày sau cha đi xa mãi, bỏ lại các em côi cút khi còn rất nhỏ.

Em ngồi đó vòng tay bồng đứa em đang còn thơ dại, ánh mắt xa xăm nhìn những người khách lạ từ phương xa tới nhà viếng cha. Em ngồi đó như đang nuốt vào trong nỗi mất mát thật lớn của gia đình, đang sẻ chia cùng đứa em thơ mới chỉ biết ngơ ngác trong nỗi đau thương. Trong ánh mắt ấy đã mang nghị lực của những người dân lam lũ miền quê biển Quảng Trị.

Rồi sẽ qua đi những ngày đau thương, rồi những ngày tới sẽ còn nhiều vất vả. Em sẽ ráng học và sẽ còn làm được nhiều việc phụ mẹ nuôi em. Vững chãi lên em ơi, rồi mai mốt này em sẽ là người đàn ông trụ cột của một gia đình. 



Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Quảng Trị và những người nữ.



Bão mới đi qua, làng quê xơ xác. Vương vãi khắp trong nhà tới ngoài sân là những manh chiếu rách, những mảnh áo không còn lành lặn và những vật dụng sứt sẹo cũ kỹ. Tất cả nháo nhào như một đống rác. Căn nhà kê được một chiếc giường đơn, cái giạt gường không mền gối đã không còn lối cho bước chân hai người, là nhà của mệ đó. Nhìn thử quanh căn nhà bà lão coi có kiếm được thứ gì có thể mang bán đặng lấy tiền mua tôn mới. Tuyệt nhiên không có một thứ gì có thể xài được, may chăng chỉ để mệ xài chứ đừng nói mang bán mang cho ai được. Chị Dậu ngày xưa còn có đàn chó con mang bán chớ nhà mệ á...
Cứ ca ngợi mãi, cứ câu chữ và ngôn từ nhảy múa bao nhiêu năm nay hết kiên định rồi lại định hướng, mà sao khổ hoài... Làm sao có thể coi đây là cuộc sống, con người ta. May vẫn còn đâu đó chút nghĩa xóm và tình người đồng loại. Những mảnh đời cô đơn và cơ cực ấy nhiều lắm quanh ta và ở rất gần, gần ngay mặt lộ, là quốc lộ chứ chưa nói tới vùng sâu vùng xa xôi nơi núi rừng đâu đâu đó nữa.

Bàn tay khô vuốt mãi đôi má nhăn nheo và những vết đau trên thân mình, tấm lưng đã còng trên đôi chân cũng cong quằn và bàn chân nứt nẻ bước lên xuống cái bậc thềm nhà muốn té, ánh mắt xa xăm nhìn người lạ ngơ ngác và căn nhà tình thương trống hênh, u tối và nhỏ xíu xiu như không thể nhỏ hơn nữa núp giữa những bụi chuối đổ gục và rách nát tả tơi sau cơn bão.
Ôi chao, biết nói sao hả mệ, nhìn đời chán thiệt.

Nhà mệ thứ hai cũng buồn, cực và cô đơn giống căn nhà mệ kia. Đường vào nhà cũng xa xa đường lộ, nước ngập một chút bàn chân lấm bùn. Vườn nhỏ trống trải chẳng có thứ gì. Một con gà mái tha thẩn kiếm ăn bên đống rơm rạ dưới rặng tre xanh bên nhà, buồn và cô đơn như chủ nhân của nó. Căn nhà tốc mái sau bão, ai đó đang lợp lại mái dở dang thì hết mất tôn rồi. Thấy người lạ tới thăm cảm động không nói lên lời, bàn tay run nhận chút tấm lòng của những người xa, ánh mắt nói thay lời cám ơn.

Ở một xã khác gần biển, vùng đất ven biển Gio Linh Quảng Trị là một vùng cát trắng  hoang hóa bao nhiêu năm, cuộc sống trên vùng đất cằn này cũng cơ cực như đất đai quê hương ấy. Chợt mừng vì gần đây người dân đã trồng được đậu phộng, nghe nói đậu hợp đất này, một ngày nào đó giữa mùa đậu phộng trổ bông sẽ đi ngang, hy vọng được nhìn thấy màu xanh ngát ở đồng đất nơi này. Người ta nói vậy và anh ấy đang nhìn xa xa cát trắng sau nhà, thầm mong em gái nhỏ mai mốt sẽ khá lên trên vùng đất khô cằn nơi đây..

Bão tới, bão đi rồi bão lại về, năm nào cũng thế. Biết là xung quanh còn rất nhiều cuộc đời cơ cực, nhưng không nghĩ có nhiều những mảnh đời cơ cực như thế, và những người nữ thật cô đơn. Biết là ngày này người ta sẽ chúc tụng nhau trên ti vi đài báo lại những câu chữ vinh danh phụ nữ Viêt Nam. Nhưng không biết những người nữ nghèo khó cô đơn ở mảnh đất miền Trung nghèo này có biết tới cái ngày này không nhỉ, ngày 20 tháng Mười phụ nữ Việt Nam ấy. 



Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Về nơi cơn bão đi qua.





Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Nơi tận cùng của làng (3)


Quỳnh mới phá bỏ xong ngôi nhà đất ở phía sau nhà mình, dọn dẹp nốt những miếng vách rơm bùn vỡ vụn ra bờ rào, mái rạ tre tranh đổ hết thành một đống sau vườn rồi đốt. Căn nhà nhỏ này là nhà của bà Mận đã từ mấy năm, ít tháng nay chỉ còn là nơi trú ngụ và phá phách của đám mèo già đi hoang, đêm đêm chúng rủ nhau đến. Tiếng rên rỉ não nề của lũ mèo cùng tiếng gió rít qua căn nhà trống sau lưng ấy, nhất là những đêm mưa gió, nghe rờn rợn. Bà Mận về quê ở một mình, bây giờ bà chết rồi, những người già lần lượt đi hết cả, nhà chỉ có vợ chồng Quỳnh và một thằng cu, căn nhà nhỏ để chẳng làm gì, Quỳnh phá nó đi cho quang quẻ cửa nhà vườn tược.

Ít năm sau khi Quỳnh dựng nên ngôi nhà cho mình, sau lưng ngôi nhà ấy mọc lên một tấm mái tranh. Phía lưng nhà Quỳnh là hướng Bắc nên tường nhà được xây kín để chắn gió mùa Đông Bắc hàng năm lạnh giá. Chỉ cần tựa lưng vào tường sau, lợp bán mái, dựng phên trát vách, thêm vài cây tre và ít gánh rơm rạ là xong một cơ ngơi cho bà Mận. Nói là nhà thực ra nó tuyềnh toàng, trống trải như một túp lều thì đúng hơn, vật dụng trong nhà cũng sơ xài tạm bợ đủ cho người độc thân. Đó là nơi ăn ở của bà Mận ít năm nay từ ngày bà trở về xứ.

Mấy năm trước ấy, một bữa có một bà cụ dáng khách lạ phương xa tìm tới nhà hỏi thăm bà Hồng, Quỳnh mời bà vào nhà, rót nước mời khách rồi chạy đi tìm mẹ. Bà Hồng ngày ấy đã già, không làm được những việc nặng nhọc nữa thì bà trông cháu. Thằng cháu kêu bà bằng cụ, bà thương yêu và rất chăm nó, thường thì bà cháu loanh quanh ở nhà, chán bà bế cháu chạy sang nhà hàng xóm chơi.
Mắt người già không còn sáng nhưng bà Hồng ngờ ngợ khi nghe người khách lạ giọng run run đưa tay gọi "chị ơi, chị ơi...". Bà sững lại một thoáng, thảng thốt "ai như cô Mận, phải cô Mận đấy không?". Thế rồi hai ngườì đàn bà, hai bà cụ già lao vào nhau, ôm lấy nhau trong tiếng nấc. Quỳnh đứng lặng nhìn họ vuốt tóc vuốt vai, sụt sịt "chị ơi" "Mận ơi"... Anh hiểu họ là những người thân yêu, chắc đã xa cách nhau từ lâu lắm. Vợ chồng Quỳnh lẳng lặng ra sau bếp, bắt gà làm cơm đãi khách.
Thấy bà Mận chỉ uống rượu trò chuyện mà không động đũa. Bà Hồng xót xa, khổ thân em tôi, bấy lâu nay em đi những đâu, em ở đâu mà sao tới bây giờ mới trở về? Phải giục mãi bà Mận mới chịu bới một xêu cơm, bà Hồng gắp thêm miếng thịt vào bát rồi để đó. Vợ chồng Quỳnh lặng lẽ ngồi nghe...
Cô Mận bỏ xứ ra đi từ năm mới hòa bình, vào cái đận cải cách ruộng đất ấy. Mấy mươi năm gặp lại nhau, bây giờ họ đã thành bà, họ ngồi với nhau hỏi thăm từng tí một từ gia cảnh, cháu con đến sinh nhai những năm tháng qua, những câu chuyện những con người lộn xộn trong kí ức đến từng bước chân trong cuộc đời mỗi con người, bao gian nan khốn khó, xót xa một đời người, từ cái ngày xưa ấy đến bây giờ.

Ngày xưa... Hai người nữ ấy đều là dân cùng khổ, người cùng làng cùng xóm, chỉ khác nhau là bà Hồng trời cho một tí nhan sắc hơn các cô gái làng. Lúc cô Hồng làm lẽ nhà ông Hoạt thì cô Mận nhỏ hơn ít tuổi, làm con nuôi nhà ông ấy. Nhà Mận thuở ấy nghèo rớt mùng tơi, không có ruộng vườn lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai chị em Mận ở với nhau chỉ biết nhờ cậy họ hàng với xóm giềng. Ông Hoạt thương tình, vừa cần thêm người làm trong nhà, lại được tiếng người ăn ở có phúc nên nhận một đứa về làm con nuôi. Mang tiếng con nuôi nhưng thực ra chỉ là con ở, Mận không làm ngoài ruộng trong vườn thì làm việc nhà, xay thóc giã gạo, giã bèo nấu cám nuôi lợn gà, cơm nước giặt giũ cho cả nhà, làm lụng suốt ngày. Khốn khổ, làm con nuôi người ta còn em thì gởi nhà hàng xóm, không người lo có bữa thằng em đói lả nằm chơi rồi ngất xỉu ngoài đống rơm vì đói. Là người cùng khổ, cô Hồng thương lắm hai chị em. Có bữa nào nhà vắng không ai để ý là cô Hồng lại bới trộm miếng cơm mới nấu xong, gói vào miếng lá chuối dúi vội cho Mận, chạy đi, chạy vội đi kẻo người ta thấy thì chết, về mà đưa cho em. Cũng nhờ những miếng cơm ấy chị em nhà Mận qua được những ngày đói giáp hạt. Cô Mận có còn nhớ không, một lần người nhà ông Hoạt bắt được gói cơm trong tay Mận, lấy đũa cả quất cho một trận đòn nhớ đời, quất muốn rụng ngón tay vì cái tội ăn vụng.
Mấy năm sau khởi nghĩa, Mận bỏ nhà ông Hoạt đi theo du kích, rồi theo hội phụ nữ cứu quốc. Cô Mận có người yêu cùng đội du kích, người ở xóm dưới. Tình yêu đầu đời, tuổi trẻ lãng mạn, niềm tin dễ dãi mơ hồ, tưởng chừng một cuộc sống mới cái gì cũng đẹp tốt sáng trong, cô Mận chỉ biết say mê với công tác hội đoàn và mơ về một ngày mai đời đẹp nắng hồng như hàng ngày hội đoàn người ta dạy bảo.

Thế rồi hòa bình, rồi đội cải cách về làng, không khí cách mạng sục sôi nhưng làng quê xao xác. Trước hôm đấu tố, người ta bắt cô Mận phải đứng ra tố nhà địa chủ Hoạt. Người ta hỏi ngày trước đi ở cực khổ thế nào, bị đày ải bóc lột làm sao, phải tố cáo phải phát huy tinh thần thanh niên, tinh thần giai cấp bần cố. Mình là phụ nữ cứu quốc cơ mà... Đêm ấy về Mận nghĩ mãi. Người nhà ấy không ruột rà với mình, những người ấy chưa hẳn thương yêu mình nhưng Mận đã từng sống trong ngôi nhà ấy, cô thấy người ta cũng hiền lành, cũng chịu làm lụng sớm hôm, cũng đầu tắt mặt tối và như dân làng đội mưa nắng ngày Hè chịu giá rét mùa Đông trên ruộng đồng có khác gì cô và bao người nông dân trong làng, có hơn người ta là hơn được một ít ruộng xa, hơn được bát cơm đầy hay manh áo mặc lành lặn, nên Mận từ chối.
Một đêm đã khuya, người yêu Mận tới nhà, anh du kích trẻ ấy hốt hoảng nói với cô, rằng nghe loáng thoáng đâu tin đội cải cách tính mình vào danh sách đấu tố đợt cuối cho đủ người. Mận là con nhà ông Hoạt đấy, con nuôi cũng là con. Không là con ở thì là con nuôi, không chịu đấu tố địa chủ thì người ta tố mình là con địa chủ, khổ rồi Mận ơi, cô xem thế nào lánh tạm đi đâu ít ngày khi nào ở nhà êm chuyện rồi hãy về.
Đã chứng kiến cảnh đấu tố, chứng kiến đội cải cách lôi người ta đi, những ngày làng quê xao xác và bây giờ đồng chí đồng đội nhìn quanh ai ai cũng đáng sợ. Quê hương bỗng chốc trở nên xa lạ, hôm ấy Mận thật sự sợ hãi. Mồ côi cha mẹ, bà con không ai thân thiết, cô biết đi đâu bây giờ, nhưng còn nếu ở lại có ai bênh vực cho mình, ngày mai biết mình sẽ làm sao. Suy tính cả đêm Mận sợ, sợ quá hóa liều, phải đi trốn thôi, ở lại là chết. Hừng sáng cô vơ vội đôi quang gánh, bỏ quần áo một bên, bên kia ít đồ lặt vặt, phủ lên trên ấy một lớp lá chè xanh và lá chuối, đặt thêm mấy củ khoai luộc chập tối chưa kịp ăn rồi lặng lẽ đi ra khỏi nhà. Sớm ra nhìn cô với đôi quang gánh ấy, ai thấy chắc chắn cũng nghĩ như người đi chợ sớm. Từ sáng sớm ra khỏi nhà, Mận không hề ngẩng mặt lên nhìn ai, cắm mặt sải bước một thôi, biết là đã ra khỏi huyện nhà cô mới dừng chân bên đường ngồi nghỉ. Bây giờ mới nghĩ chẳng biết đi đâu, thoáng thấy bóng người từ xa lại lo sợ, Mận vội quang gánh lên vai, sụp xuống cái nón lá, cứ đường cái mà đi.
Mận cứ đi mãi, tới đâu khát lấy nón vốc nước ao bên đường mà uống, đêm tối gặp cái chòi vó cá hay miếu hoang bên bờ đê bờ ruộng thì tạt vào ngả lưng hay có người ta thì xin ngủ nhờ. Đói lòng gặp việc giữa đường xin đám thợ gặt làm thuê một buổi rồi người ta cho ăn bát cơm khoai, uống bát nước vối qua bữa ngay ngoài đồng. Lại sức là Mận lại đi, đi cho thật xa quê nhà mà không còn để lại một dấu vết.

Cô không nhớ đã bao nhiêu ngày và đã bao đường đất, khi tới nơi ấy, thấy là một vùng đồi núi xanh ngát và đầy hương vị thơm chát quen quen của quê nhà, Mận dừng chân. Những đồi chè xanh xen những cánh rừng. Hỏi thăm vào một nông trường chè, cô xin vào làm việc ở đây và không ngờ rằng miền đất trung du ấy đã níu bước chân, giữ Mận ở lại cho tới mãi sau này. Cô du kích địch hậu vô tư, cô cán bộ phụ nữ cứu quốc đầy lí tưởng năm xưa bây giờ là nông trường viên, nhưng ở nông trường cô là một kẻ vô danh, cô chẳng cho ai biết về quá khứ và thân phận mình. Ở đây có những người bạn gái thật tốt, có công việc để tìm quên lãng, có những đồi chè với hương vị chát nồng quen thuộc và những ngày làm việc bình yên để cô quên dần đi nỗi sợ hãi con người. Nhưng giống như nhiều cô gái ở đây, Mận không lấy chồng. Mà có ai để mắt tới gái nông trường, họ làm việc hết ngày tối về ở tập thể cơm nước xong là lăn ra ngủ. Ai ở đây mãi rồi cũng lỡ thì. Mận không nhớ cô đã uống rượu từ bao giờ và một ngày kia kẻ lỡ thì biết mình nghiện rượu. Mận đã bỏ đi mất tuổi xuân trên những đồi chè.
Nhiều năm qua đi, rồi chị em cô cũng tìm được nhau. Cậu em vui mừng gặp lại chị nhưng đâu mất rồi người chị xinh xắn và hồn nhiên của mình ngày xưa, tới bây giờ chị tôi vẫn lủi thủi một mình. Nhìn ánh mắt ái ngại của cậu khi bữa cơm của Mận chỉ một cút rượu trắng và một đĩa rau sống chuối cây xắt nhỏ và rau muống chẻ, Mận biết cậu buồn. Cậu em bây giờ làm thợ cầu, thôi Mận cũng an lòng nhưng cũng như chị, cậu lang bạt khắp đó đây chẳng mấy khi về xứ.

Tưởng rằng trốn chạy chỉ ít năm cho qua cơn bĩ cực rồi về, ai ngờ đâu thời gian cứ chạy đi, một cuộc sống mới trên miền quê mới, bạn bè là các cô gái nhiều lứa tuổi ở mọi miền quê về đây chỉ biết lao động, quên cả chuyện chồng con, ngoảnh đi ngoảnh lại đã quá nửa đời. Mấy mươi năm xa, một ngày bà Mận thấy chợt dậy một nỗi nhớ xốn xang, nỗi nhớ ấy mách bảo rằng bấy lâu nay quê hương vẫn luôn trong trái tim bà dẫu cho quê hương có làm đời bà khổ. Bà thầm nghĩ, ừ mình khổ, là tại số phận, tại con người ta chứ đâu phải tại quê nhà. Nơi mình sinh ra còn là nơi ông bà tổ tiên nằm đó, bà Mận quyết phải tìm về quê thôi.
Làng quê bây giờ khác xưa nhiều quá, tuy đường làng vẫn thế lầm cát phù sa, những cầu ao vườn chè bờ tre hay hàng tóc tiên dọc bờ vườn vẫn còn đó, nhưng vắng vẻ, lặng lẽ. Người ta đi đâu hết cả, chỉ toàn thấy người già và con trẻ. Bà Hồng bảo làng quê mình bấy nhiêu năm đồng đất chỉ co lại, con người thì nhiều thêm, thanh niên thanh nữ chúng nó đi làm ăn xa, bỏ con ở nhà rồi lên ở thị thành hết cả rồi. Nghe bà Mận muốn về hẳn sống ở quê nhà, bà Hồng bảo cứ về đi, về ở với tôi, không đói đâu mà sợ.

Sau ít ngày tìm về thăm nơi chốn cũ, bà Mận trở lại miền trung du thu xếp gọn gàng mọi việc. Ít lâu sau bà giã từ quê hương thứ hai trở về xứ, lần này về hẳn. Ngày Mận trở về xứ sở lặng lẽ như buổi ra đi. Đôi quang gánh xưa bây giờ thay bằng chiếc túi du lịch nhẹ bỗng, không gia đình và đôi bàn tay trắng, từ nay bà mong được sống chết phần đời còn lại tại quê nhà.
Nhớ những ngày xưa chị em có nhau, thương yêu đùm bọc thời khốn khó bao nhiêu, bây giờ lòng bà Hồng vẫn vậy. Bà bảo Quỳnh dựng lên căn lều ở phía sau, dựa vào lưng nhà, một thân một mình bà Mận ăn ở hết bao nhiêu đâu mà lo. Ông bà Lý nhường cho thêm mấy thước đất ở cuối vườn chè, nhìn cũng ra một tấm nhà với khoảnh sân nho nhỏ.
Biết là những ngày cuối đời,về quê hương sống chẳng còn bao năm, hai bà lão thương yêu nhau lắm. Mỗi ngày họ qua lại nhà nhau, quấn quít cháu con như là của chung, có việc gì thấy cũng làm cùng nhau. Bữa nào có đĩa cá kho ngon hay bát canh ngọt thế nào vợ Quỳnh cũng dành một phần mang sang nhà bà Mận. Quỳnh nghĩ cũng mừng, từ ngày bà Mận về quê, bà nội Quỳnh như vui hẳn ra, thích nói chuyện hơn và nhà cửa nhiều thêm tiếng cười.
Đúng là khoảng thời gian tuổi già ấm êm của hai chị em bên nhau chẳng được bao năm. Từ ngày bà Hồng mất đi bà Mận buồn hẳn. Căn nhà nhỏ sau lưng ấy luôn lặng lẽ, cứ mỗi đêm về là bà Mận lại ngồi uống rượu một mình, cút rượu trắng và đĩa rau sống trước mặt, mắt nhìn ra vườn chè nhà ông Lý, lặng lẽ cấm nghe một tiếng động. Chỉ khi ánh sáng loáng thoáng sau mấy bụi chè tắt hẳn mới biết bà Mận uống đã say, tắt đèn đi ngủ rồi.
Bà Mận uống rượu suốt, được ít lâu bà cũng đi theo bà Hồng. Lúc chết bọn trẻ thay cho bà quần áo, thấy túi áo bao nhiêu những cọng rau muống sống và hoa chuối xắt đã héo khô, rồi chỗ nào cũng đầy những viên thuốc tây đủ các loại từ kháng sinh đến thuốc bổ. Không biết bà nhặt nhạnh ở những đâu, để làm gì hay đã đến lúc bà lẫn rồi. Bọn trẻ bảo nhau vứt hết vào hòm áo quan cho bà ấy, thêm cả cút rượu bà uống dở dang, mang xuống dưới ấy đôi lúc đỡ nghiền.

Nơi tận cùng của làng là cái gò mả nằm ở rìa làng, giữa cánh đồng của làng và ngay sát bờ tre rậm rạp sau vườn nhà ông Lý. Cái gò mả ấy ngày xưa to lắm nhưng nhiều năm nay, người làng nghe theo xã, giữ ruộng đất cấy cày, đất ven gò mả bị vạt dần sau mỗi lần làm cỏ. Nhà ai cải mộ là phải theo lệ làng, bốc mộ xong mang xương cốt dòng họ về nơi gò mả, cứ một nhánh họ được xây một ô hai ba vuông. Người chết trước cải mộ trước nằm dưới, người sau ở trên, rồi sơn chữ hay khắc tên người vào. Bây giờ xương trên xương dưới chẳng biết người nhà mình nằm đâu, người ở gần kẻ ở xa về thăm ông bà là cứ khói nhang đốt, khấn. Khấn là khấn chung, đốt nhang cũng cho chung với nhau cả. Người già ở làng sắp chết ai cũng sợ nằm vào những ngôi mộ chung ấy. Đành rằng đất còn ít mà người ta chết đi nhiều dần nhưng thấy nó cứ làm sao ấy.

Bà Hồng cũng không muốn nằm trong cái ô hai ba vuông ấy. Bà bảo khi chết đi, nếu để bà nằm trong tấm mộ chung ấy thì đời con đời cháu bà rồi sẽ còn khổ mãi. Quỳnh biết ý bà nội.
Với Quỳnh, ngoài bà nội người thân yêu nhất của mình thì ông Lý và bà Mận là những người hàng xóm gần gũi và thương yêu gia đình nhỏ bé của Quỳnh hơn tất cả, họ đã lần lượt đi xa hết.
Bây giờ, ba ngôi mộ của ông Lý, bà Hồng và bà Mận được nằm cạnh nhau, nho nhỏ thôi nhưng riêng rẽ, ở góc cuối bãi tha ma. Nơi ấy cũng là nơi tận cùng của làng.

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Nơi tận cùng của làng (2).

Trước cửa nhà ông Lý là cái sân gạch khá lớn nhìn ra vườn chè luôn xanh ngắt. Ở vùng quê thuần nông ấy, hầu như mỗi một gia đình đều có một cái sân lót gạch ở trước nhà, lớn nhỏ là tùy theo nhà neo hay khá giả, có nhiều hay ít ruộng. Cái sân gạch ấy khi mùa màng đến để chứa lúa và trục lúa khi mới gặt ngoài đồng về, rồi trang mỏng lúa ra phơi nắng ngay trên sân. Cái sân gạch để ngồi hóng mát tối đi làm đồng về muộn, để ngồi ăn cơm nơi hàng hiên hay uống chè những đêm trăng sáng. Hết sân gạch nhà ông Lý là vườn chè xanh và cuối khu vườn chè ấy có một căn nhà nhỏ của người hàng xóm, đó là nhà bà Hồng, một người cô bà con trong họ với ông Lý. Nhà đơn chiếc, chỉ có hai mẹ con và không có sân gạch. Chỉ là một tấm nhà nhỏ mái rạ trát vách rơm trộn bùn, khoảnh vườn nho nhỏ đầy rau tập tàng và vài bụi chuối tiêu. Hai mẹ con bà Hồng về sống trong căn nhà ấy từ đận cải cách. Bà Hồng ngày còn trẻ đi làm lẽ người ta và sinh được một cậu con trai là anh Dần bây giờ. Năm ấy đội cải cách về làng, chồng bà bị quy là địa chủ, ông bị người ta mang đi rồi xử bắn. Bà Hồng bị đuổi ra khỏi nhà. Cu Dần còn nhỏ, mẹ con bơ vơ, họ hàng xóm giềng xúm lại dựng nên căn nhà nhỏ ấy cho hai mẹ con, bà ở đây từ đó.

Hình ảnh của bà Hồng là tấm áo nâu lưng thẫm mồ hôi, vành tóc cuộn khăn đen tròn trên đầu, một nụ cười của hàm răng nhuộm đen và môi cốt trầu đỏ. Bà nhai trầu suốt ngày, ít nói, có ai hỏi chuyện mới mở miệng. Nhổ miếng cốt trầu cái toẹt vào gốc cây, kín đáo lấy tay lau miệng rồi cười, rồi nhẩn nha trả lời tiếng một. Ai đó có hỏi bà một điều gì là được chỉ vẽ cặn kẽ từ đầu tới cuối, khi nào thủng câu chuyện người đối diện hiểu rõ, à một tiếng mới thôi. Loanh quanh trong nhà ngoài ngõ, làm việc gì cũng lụi cụi một mình nhưng hễ thấy ai đi ngang bao giờ bà cũng nhẹ nhàng chào hỏi một tiếng, có khi không cần ngẩng mặt lên. Cuộc sống bấy nhiêu năm qua của bà dường như được khép kín trong một vòng tròn chừng vài ba cây số với tâm là ngôi nhà tranh trát vách mái rạ, quanh quanh vườn cây ra ngõ, từ chuồng lợn tới bờ ruộng và xa lắm là tới chợ Đông với gánh hàng rau quả bòn được ít nhiều trong vườn nhà chờ ngày phiên mang hết ra chợ. Bà Hồng chẳng sợ nghèo sợ khó, bà sợ sự ghẻ lạnh của xóm giềng. Những năm mới hòa bình, gặp người quen người lạ xóm làng không dám nhìn mặt ai, ngày có đội sửa sai trở lại bà mới ngẩng đầu lên được một tí.

Anh Dần cũng hiền lành ít nói như mẹ. Anh biết làm đủ mọi công việc của một người nông dân ở làng quê. Anh Dần rất khéo tay. Được nhìn anh ngồi trước hiên nhà đan từng chiếc thúng, đan rổ đan rá bằng nan tre và dây mây thì thật thích mắt. Chân kẹp nan, tay đan thoăn thoắt, xong cái nào đem vào treo lên gác bếp để lên bóng bồ hóng. Anh có tính thương người, hay giúp đỡ người khác. Hễ đi ngang qua nhà ai, nghe tiếng cối xay quay ngắt quãng hay tiếng chày giã gạo chậm chạp là anh vào phụ giúp một tay. Cối thóc xay hay cối gạo giã nào có tay chân anh Dần đụng vào chỉ một loáng là xong.
Anh Dần chỉ học hết lớp Bảy, anh bảo có học thêm nữa cũng chẳng để làm gì, chẳng đi đâu được, cũng chẳng hơn gì người ta. Mấy lần xin đi học trung cấp bảy cộng hai cộng ba người ta đã không cho, rồi năm mấy đợt người ta về làng tuyển công nhân đi khu gang thép Thái Nguyên hay đi học làm công nhân lắp máy ở Hải Phòng cũng đều trượt. Chắc chỉ vì cái lí lịch nhà anh thôi chứ sức khỏe á, anh to cao lừng lững thế này, tay chân khéo léo làm việc gì mà không được. Thế nên thôi học, anh yên phận nông dân, hai mẹ con côi cút nuôi nhau mà sống. Cũng vì biết phận mình anh Dần ít giao du chơi bời với thanh niên trong xóm ngoài làng.

Có lẽ chỉ có bọn trẻ con sơ tán về làng năm nào là những người hiểu anh và thân thiết với anh nhất, và cũng chính đám trẻ ấy là những người bạn thực sự, là một khúc đời vui của anh. Năm ấy chiến tranh, bom đạn Mỹ đã rơi trên miền Bắc, người thành phố gởi con cái họ về các làng quê xa. Ở làng anh Dần cũng có một đám trẻ con từ Hà Nội, Hải Phòng sơ tán về, anh vui lắm. Anh rất yêu con trẻ, bọn trẻ con thành phố ấy dễ thương làm sao, trắng trẻo mịn màng, tiếng nói trong veo, đứa nào cũng ngoan ngoãn lại sáng dạ và bảo gì cũng nghe, nên cứ xong việc nhà, rảnh rang là anh đi tìm mấy trẻ sơ tán rủ chúng đi chơi. 
Đối với bọn trẻ thì làng quê thật là lạ lẫm, đầy khám phá và làm chúng thích thú mê ly. Chỉ từ bờ tre ao cá tới sân đình, từ vườn nhà ra ruộng lúa, ở đâu cũng thấp thoáng những trò chơi nghịch ngợm và thú vị với bọn trẻ thành phố. Anh Dần bày ra nhiều trò chơi cho đám trẻ. Anh đẽo con gụ nhanh và đẹp, bổ xuống đất là đứng yên quay tít, tiếng bạt gió kêu u u. Anh làm súng cao su rồi đi nhặt sỏi về cho bọn trẻ bắn chim. Có tối anh rủ một hai đứa nghịch ngợm hơn một chút, lì lợm hơn một chút đi trộm lúa nếp sữa ở ruộng người ta đêm về rang giã làm mẻ cốm xanh đầu mùa dẻo thơm ngon ngọt. Anh chỉ cho chúng đi mót lúa trên đồng những ngày mới gặt, chỉ cho chúng biết hang nào là rắn hang nào là cua mà thò tay bắt. Thích quá được trèo hái thứ cây Sắn thuyền ăn vào ngọt lịm tím môi, không thấy ở đâu có, hình như chỉ có ở vùng đồng đất này.
Bọn trẻ thích nhất là được đi câu cá. Chọn cành tre già và thẳng để làm cần câu phải là tay anh, cắt dây thép từ sợi dây phanh xe đạp làm lưỡi câu, nung lửa cho mềm uốn rồi tôi, chỉ có mỗi dây cước là phải nhờ bà Hồng đi mua vào ngày chợ phiên. Mồi câu của anh thật lạ, anh lấy gạo mang rang lên rồi giã thành thính, sau đấy lấy cơm mẻ trộn lẫn với nhau thành thứ mồi câu vừa thơm vừa dẻo, lần đi câu nào về cũng được nhiều cá. Những con cá câu được ở ao hay ngoài mương mang về nhà, anh lấy lá sắn non lót một lượt dưới niêu, kho cá rồi ủ trong than trấu. Nấu cơm cũng ủ trong than rơm rạ kín nắp nồi. Cơm cá nấu nồi đất, gạo mới cạn nước ủ kín trong tro rơm rạ, ăn bữa cơm ở nhà anh là nhớ đời.
Thấy anh quấn quít với đám trẻ mới, bọn trẻ con ở làng bảo với bọn trẻ sơ tán đừng có chơi với anh Dần, nhà ấy là nhà địa chủ, bố anh ấy bị cách mạng xử bắn đấy.

Năm ấy anh Dần có một tình yêu. Người yêu anh ở cùng làng, là con gái cưng của một chức sắc hàng xã hàng huyện gì ấy. Anh chị giấu kín lắm nhưng ông chủ tịch vẫn biết, chuyện này khiến ông điên tiết. Từ xưa đến nay có bao giờ ông thèm nhìn nhà ấy. Ông bảo làm sao nhà ta có thể thông gia với nhà ấy được, con gái ông con nhà cách mạng cơ mà, còn gì thể diện của ông, và ăn nói thế nào với cơ quan đoàn thể. Ông cấm tiệt con ông không được giao du với ngữ ấy. Nhưng người làng có câu gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó, tình yêu đôi lứa sáng trong làm sao dứt nhau ra được.
Ngày ấy trai làng đi đâu vãn cả. Hết lượt này lượt khác đi công nhân rồi bộ đội hay thanh niên xung phong, chỉ còn mấy người sức yếu thì ở nhà quê làm ruộng. Nhà nào cũng một đống con trai, nhà nào cũng hai ba thằng bộ đội, những tấm bằng vẻ vang treo trên vách nhà nhiều gia đình đã cũ kĩ.
Anh Dần thì chẳng thể đi đâu, nhà con một nên anh cũng không phải đi bộ đội. Đôi lứa ấy vẫn có nhau ở làng quê, họ vẫn có những khoảng hẹn hò, tay trong tay khi mát dịu dưới chân cát phù sa sau cơn mưa đêm đường đi làm đồng sớm, chân té nước đuổi theo nhau lúc cơn mưa rào mới tạnh, cá rô lách ngược dòng bờ ruộng này qua bờ ruộng khác.
Ông bố ấy nhẫn tâm, không có cưới hỏi gì cả, ông đuổi con gái ra khỏi nhà và trong đầu cũng quyết đuổi anh Dần đi đâu cho khuất mắt. Thế rồi đôi trẻ sinh được một cậu trai kháu khỉnh. Dù có là con một, ít lâu sau anh Dần vẫn nhận lệnh điều động đi bộ đội. Lệnh huyện đã về, làng quê ai làm khác được. Anh Dần lên đường ra trận. Ít lâu sau mẹ thằng Quỳnh bỏ lại con trai cho bà nội, đi lấy chồng ở một huyện khác thật xa.

Thằng Quỳnh lớn lên không nhớ nổi mặt cha. Còn mẹ nó, sau này có đôi lần về thăm nhưng càng lớn nó càng hiểu phận mình và mẹ nó thì còn một gia đình riêng yên ấm. Nó cũng đã quen ở với bà, quen làm ruộng, quen tự chăm lo cho mình đã bao nhiêu năm qua. Thời gian trôi, hai bà cháu lui cui năm tháng giống y hệt ngày xưa bà Hồng lụi cụi với cha nó. Quỳnh lớn lên tự nhiên như củ khoai bông lúa quê nhà, chắc tay trĩu nặng phù sa và tính tình cũng hiền hòa như bà nội của nó.

Nỗi niềm gia đình mình, bà Hồng đã gói chặt trong lòng chỉ đôi khi mở ra những đêm lạnh giá mùa Đông giữa giấc ngủ bên thằng cháu nội. Chợt thức, chợt nhớ đứa con trai và mong ngày con trở về.
Nhưng không có cái ngày ấy mà bà Hồng mong đợi. Một chiều gió bấc, bà nhận giấy báo tử thằng con trai duy nhất của mình ở trên huyện gửi xuống. Bà Hồng chết lặng, không khóc nổi, khi nỗi đau khổ của một kiếp người đã ở nơi tận cùng, bà chỉ muốn nhắm mắt xuôi tay cho hết đi một kiếp người. Nhưng rồi nghĩ tới thằng cháu nội bên mình, giọt máu của con trai bà còn rơi lại, cũng là giọt máu đào của bà, của dòng họ, xót xa...
Đêm ấy đã khuya, bà ôm cháu vào lòng, vuốt đầu thằng cu, cầm nước mắt bà nói với cháu mà như thở than cho cuộc đời mình, tội nghiệp cháu tôi, mới ngần này tuổi... thôi cầu trời cầu phật cho bà cháu tôi từ giờ được yên lành, mồ côi cháu ơi sống với bà, không thể đi đâu xa được nữa, ngoài đường kia bao nhiêu là hung thần cạm bẫy bà sợ lắm rồi. Ở bên cạnh bà, rau cháo có nhau con ơi...
Đau khổ cuộc đời dường như đã quá nhiều cho một người đàn bà. Bà gắng gượng, lại một lần chôn chặt thêm một niềm đau xuống dưới một niềm đau cũ kỹ.

Quỳnh biết cảnh nhà biết bà nội khổ nên an phận từ nhỏ, chỉ biết đi học, về nhà chơi với bà và lo cho bà, lo cho cuộc sống bà cháu tốt hơn. Nó còn làm ruộng, làm thuê, chăm chỉ hệt cha nó, sẵn lòng giúp ai đó buổi cày buổi cấy hay góp công với người ta khi xây nhà dựng cột đổ mái bằng. Quỳnh sống tằn tiện, dành dụm rồi cũng tự mình dựng được trên nền nhà cũ  một căn nhà ba gian thay cho căn nhà mái rạ trát vách rơm trộn bùn thuở trước, nhỏ thôi nhưng tạm sáng sủa cho hai bà cháu, và để còn lấy vợ sinh con.

Cha Quỳnh chết ở chiến trường từ ngày còn chiến tranh, mãi nhiều năm sau hòa bình bà nội nó mới hưởng danh thơm làm bà mẹ Việt Nam anh hùng, được ít năm rồi chết. Thế là bà Hồng cũng trọn được một đời người, nuôi con mồ côi rồi nuôi cháu mồ côi. Quỳnh thêm một lần đặt di ảnh lên bàn thờ, di ảnh bà nội nó.
Từ ấy đến giờ, thằng cháu nội một của bà Hồng vẫn sống ở ngôi nhà trên mảnh đất nhỏ ấy, nơi góc vườn xưa từ thuở cải cách bà nội nó bị đuổi ra, với gia đình nhỏ của nó. Khép kín, lặng yên, thanh đạm, hạnh phúc, bây giờ một thế hệ mới đã sinh ra, lớn lên ở nơi này, thế hệ thứ tư của nhà bà Hồng.

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Nơi tận cùng của làng (1)

Ông Lý sinh ra ở một làng quê yên ả bên dòng Trà Lý, con sông lớn nối với dòng sông Hồng đầy ắp phù sa, chảy qua một vùng lúa mênh mông của đồng bằng Bắc bộ rồi mới đổ ra biển khơi. Ông Lý đi theo cách mạng từ rất sớm. Ông còn là thương binh, đâu từ thời trai trẻ đánh Tây.

Người làng kể ngày ấy anh Lý là con trai cả trong gia đình, nhà có tới chín anh chị em lít nhít cách nhau năm một. Làm anh cả nên phải làm nhiều, phải vất vả. Khi còn nhỏ anh Lý được học hành một ít, qua bậc sơ học yếu lược gì đó được ít lâu, giắt lưng ít vốn thơ phú Hán Nôm ăn nói hơn được người ta ở làng rồi là nghỉ. Anh Lý ở nhà, ngày nông nhàn thì vừa phụ cha vừa học thêm nghề làm thuốc bắc chữa căn bệnh dại khi người ta bị chó cắn, một nghề gia truyền năm đời thày thuốc của cụ kỵ ông bà. Vào mùa thì phụ mẹ làm công việc đồng áng, chẳng bao lâu Lý thành thạo nghề nông, mọi việc làm lụng đều qua tay, anh như một công lao động trụ cột trong nhà.
Người làng kể thuở ấy, ngày Đông gió bấc cắt da cắt thịt, lúa gặt xong ruộng còn ướt là Lý tranh thủ đi cày ải kẻo để ít lâu đất cứng, trâu còn không đủ sức cày nữa là người. Sáng sớm ra đồng, người làng từ xa tới gần mảnh ruộng nhà Lý, rét mướt như thế mà thấy đã có người đang làm ruộng từ bao giờ. Là chỉ thấy con trâu chậm rãi kéo theo cái cày mà không nhìn thấy ai cả. Người đâu không thấy, chỉ nghe tiếng "vắt vắt họ họ" vượt qua bờ ruộng và thấy bóng chiếc cày ngả nghiêng đi theo con trâu trong làn sương muối mờ ảo. Thì ra là Lý đi cày, cu Lý thấp bé tí tẹo như cái kẹo bên cái cày chìa vôi cao ngang vành nón.
Thời ấy, con trẻ ở quê đứa nào chẳng phải làm lụng. Hết chăn trâu cắt cỏ, thổi cơm rồi bế em. Đứa nào lớn hơn một tí là còn phải gánh phân gánh lúa, kéo trục đá lấy thóc khi lúa gặt về, phải xay thóc giã gạo trong cối xay cối giã... toàn là những công việc của người lớn. Làm nhiều, đói ăn, người ngợm gày dơ xương bé quắt bé queo.

Bà Lý gái về nhà chồng làm dâu năm mười sáu tuổi. Những năm ấy ở quê cô Lý là một nàng dâu siêng năng hiếm thấy của một thời nông dân hay lảm hay làm. Là nói chuyện làm lụng trong nhà chồng,, lầm lũi sáng tối việc đồng việc nhà, đưa lưng cho trời cắm mặt cho đất đai đồng ruông. Cả đời người nữ ấy quẩn quanh dưới mái tranh nhà, bờ tre làng và ruộng lúa. Cứ thế làm, mùa này sang mùa khác, năm này qua năm khác. Làm lụng đến khô héo cả người lại.
Những bờ đất đập ải mùa Đông lạnh lẽo hanh khô làm đôi gót chân con gái nứt nẻ chảy máu. Những gánh phân xanh phân chuồng đè nặng đôi vai quanh bờ ruộng trước mùa cấy, những gánh hàng chợ đi chợ về, buồng cau nải chuối hay những thúng chè xanh nhặt hái trong vườn nhà mỗi phiên chợ quê như làm cho tấm lưng người nữ ấy mau còng theo năm tháng và bước chân đi sao cứ cong cong.
Bà Lý gái chỉ có một cái tật hay nói và hay chửi, chửi từ hồi còn trẻ. Kiểu chửi nhà bị mất gà ngày xưa, con công nhà bà con quạ nhà ngươi ấy, chua ngoa, bài bản, dai dẳng, hành hạ và dễ sợ lắm... Có khi chỉ vì những chuyện vớ va vớ vẩn trong nhà như con cái lỡ tay làm vỡ cái bát ăn cơm, hôm nay ai đó quên quét nhà hay chẳng may xẩy tay đánh đổ ít gạo ít muối, là chửi, chửi cả buổi trời. Chửi rồi ngồi đó than thân trách phận, kêu trời kêu đất kêu xóm làng với con cái, rằng sao mà phận mình khổ, có ai biết rằng tôi khổ sở lắm không... Thở than tự làm khổ mình đã như một thói quen của một thời mất rồi.

Năm ấy anh Lý bỏ xứ ra đi. Lý do ư, khi đã già về sống ở quê, có lần bác kể với đám trẻ, ngày ấy bỏ xứ ra đi đầu tiên phải nói là tại đói. Những năm ấy đói kém lắm, đến khoai sắn dong riềng cũng không có mà ăn. Không phải tới Ất Dậu đâu, đói từ trước năm ấy nhiều. Thêm phần nữa, anh Lý  muốn bỏ nhà đi đã lâu, từ năm mà ở nhà đi hỏi vợ cho anh. Khi ấy anh Lý mới chừng mười hai mười ba. Người làng còn gọi tên là cu Lý con nhà Nghi cơ mà. Sợ quá phải làm chồng khi chưa biết một khái niệm về người nam người nữ.
Chán cuộc sống cực nhọc quanh năm ngày tháng, sợ phải làm chồng, một bữa người làng rủ rê, anh Lý cùng ông chú họ dẫn nhau bỏ quê tìm lên mạn ngược, đâu đó vùng núi rừng Yên Bái Lao Kay. Cuộc sống cũng chỉ là làm thuê cho người ta, đổi sức lấy bát cơm ngày hai bữa. Ngày tháng qua đi nhanh vẫn vất vả cực nhọc, anh Lý đôi lần tính chuyện trở về xứ mà đường xá xa xôi cách trở, nơi rừng xa heo hút biết đường nào đi. Một bữa nghe người ta lao xao rủ nhau đi cướp chính quyền, anh Lý đi theo ông chú họ, thế là hai chú cháu thành Việt minh.

Bao nhiêu năm xa quê, rồi anh Lý ghé về thăm nhà. Bên rặng tre già ao cá vườn chè xanh hình thành một gia đình nông dân người mẹ với hai cô con gái còn người cha đi hoạt động xa. Anh Lý về rồi lại đi biền biệt. Đận cải cách ruộng đất, cả nhà lao đao anh Lý cũng không về. Từ rừng núi anh về đồng bằng rồi làm việc ở thành phố. Hết làm pháp chế, lao động qua tuyên huấn, công đoàn, bao nhiêu năm cứ một thân một mình.

Anh lên bác rồi lên ông. Bấy nhiêu năm hễ gặp bác Lý là thấy hình ảnh một dáng đi tất bật còng còng như lúc nào cũng chực dúi lên phía trước. Chẳng biết bác ấy làm gì nhưng nhìn biết là người làm việc nhà nước. Mùa Hè là chiếc sơ mi màu cháo lòng bỏ trong cái quần xanh công nhân còn ngày Đông lạnh giá gió mùa thổi vẫn chiếc quần vải xanh ấy, thêm vào chiếc áo đại cán bốn túi bên ngoài, tới đâu là vội vã vứt chiếc xe đạp bên tường nhà, lạnh quá, xuýt xoa, lập cập. Cũng vẫn một chiếc xe đạp hiệu Hữu nghị bao nhiêu năm trời lọc cọc đạp từ Hải Phòng khi đi Hà Nội họp hành, khi đi thăm anh em nơi xa hoặc đạp về quê thăm gia đình. Mỗi chặng đường đi có vài chục tới cả trăm cây số đi từ "Phòng", mà cũng chỉ được gọn trong một ngày Chủ nhật, đạp xe đi khi mờ đất rồi trở về lúc đêm khuya, ngày mai còn phải đi làm.

Ông Lý trở về hẳn quê hương, trở về với ngôi nhà nơi mình sinh ra lớn lên, nơi có vợ con mình ở đó chờ đợi một cuộc sống gia đình khi tuổi ông đã nhiều chiều đã xế. Nhiều năm trước ngày trở về ông Lý làm việc ở một trường Trung cấp nghề của đất Cảng, cũng sống ngay tại trường. Nơi ăn ở của ông là một căn phòng nhỏ chừng hơn mươi mét vuông, nằm đầu hồi một dãy nhà ngang mặt quay vào vách ngọn đồi ở góc cuối cùng của ngôi trường. Căn nhà ấy là nơi sinh hoạt ăn ở bao nhiêu năm trời của ông Lý. Một chiếc giường đơn cái gối đơn lạnh lẽo, một góc đủ kê một chiếc ghế với cái bàn nhỏ vừa dùng làm bàn làm việc, vừa bàn ăn và tiếp khách. Có khách tới nhà chơi thì giường cũng là ghế. Một chiếc bếp dầu ở góc nhà, bộ tách trà sứt sẹo và vài ba bát đũa soong chảo nhỏ đủ nấu nướng sinh hoạt cho một người. Cánh cửa căn phòng đời trọ ấy  hễ mở ra là dậy nồng mùi ẩm mốc, mùi bếp dầu tắt vội trộn với mùi nước điếu thuốc lào vừa hôi vừa khét.
Có ai đó tới chơi cám cảnh thở than thương cảm, ông Lý bảo cơm niêu nước lọ mãi cũng thành quen, rồi nhe hàm răng thưa vàng cáu khói thuốc lào cười ha hả. Anh em con cháu trong nhà có dịp tới thăm hỏi sao bác tự làm khổ mình thế, phải chi xin về quê làm việc gần nhà hay là đón bác gái ra "Phòng" ở chung, xin nhà nước cấp cho căn nhà nho nhỏ, phải có gia đình người ta mới cấp nhà cho chứ, sống cho đỡ khổ. Ông Lý thường chép miệng, quen thế rồi, mà xin với xỏ, đâu phải chuyện dễ.

Những năm đầu mới nghỉ hưu, ông Lý vẫn ở lại căn phòng hơn mươi mét vuông ấy. Người ta chẳng bõ đòi lại, mà có đòi lại cho người khác chắc chẳng ai thèm ở lại mang tiếng. Vẫn tự cơm nước lấy một mình hàng ngày nhưng rảnh rỗi hơn. Lương hưu không biết có đủ hút thuốc lào và uống rượu vặt, ông Lý mở ra một hàng bán nước chè cho đám sinh viên ngay trước cổng trường ngày trước mình làm việc. Ông còn nhận trông xe máy cho mấy đứa sinh viên thường cúp cua hay gửi xe ngoài cổng.
Hôm ấy trời mưa, quán chè mạn của ông ướt lướt sướt, loay hoay với mấy gói thuốc lá và hũ kẹo lạc bị nước mưa tạt ướt, ông bỗng nghe tiếng cậu sinh viên, thôi chết mất xe rồi. Trời ơi, có đứa nào thất đức nhè lúc trời mưa ông không để ý lấy đi mất chiếc xe máy ông lão nhận giữ cho người ta.
Ông Lý phải đền chiếc xe ấy. Chi dùng dè sẻn, người thân giúp một ít, cả năm tiền bán chè chén và trừ dần lương hưu hàng tháng, hơn một năm sau ông mới đền hết chiếc xe máy. Đến nước này ông phải trở về xứ, nơi ông sinh ra và vợ con ông vẫn là những nông dân ở đó bấy nhiêu năm ông đi xa.

Những năm ấy làng quê vui đón ông về. Bà Lý gái tảo hôn năm xưa nay cũng đã già nhưng nhờ trời cho còn sức khỏe. Ngày xưa nói nhiều chửi nhiều bao nhiêu bây giờ chẳng mấy khi bác tham gia chuyện gì, ai làm sao mặc. Với ông thì cơm nước hàng ngày, chăm sóc cho chồng như muốn bù đắp cho những ngày xưa ấy. Một thời gian thay đổi nếp cũ, vui với gia đình họ hàng và xóm giềng, nhìn vợ nhìn con cháu, nhìn cuộc sống bình dị của làng quê như khơi dậy những nghĩ suy từ rất xa... và ông đã ngộ ra nhiều điều...
Ông Lý uống rượu thường hơn, không nhiều lắm nhưng ngày nào cũng phải có. Rồi ông đi tìm niềm vui mới ở đám trai làng mình, làng bên. Và từ ấy, thường là sau ngày lĩnh lương hưu đầu tháng, sáng sáng người ta thấy ông lững thững bước chân, tay xách nậm rượu đi sang làng bên, quá trưa mới "liu tiu" về nhà. Ông đi đánh bạc với đám thanh niên ở làng bên. Bữa nào muộn không thấy ông là có đứa vù xe máy sang nhà gọi, "phỏm" đi bác Lý, lên xe cháu chở, bên ấy hôm nay còn có rượu ngon lắm. Ông chơi bài dở nhưng mê chơi và thích được nịnh. Bọn trẻ trai làng biết điều này và chỉ mấy ngày sau kì lương hưu là ông hết tiền. Tại ông cả, ai bảo cứ nghe bọn trẻ khen uống rượu tài, vừa uống vừa đánh bài làm sao còn mở nổi mắt. Ông biết thế nhưng vẫn thích. Ông được vui, được cười ha hả. Những chiếc răng thuốc lào trên hai hàm răng thưa thớt của ông mỗi ngày như chạy xa nhau thêm, không sao, được cười ha hả là ông vui rồi.

Một dạo ông Lý không đi đánh bài nữa. Đám trai làng có tới nhà ông cũng đuổi, hàng ngày ông thường ở nhà, bên sân gạch cầu ao vườn chè, nhặt nhạnh cỏ lá, quét tước sân phơi hay loanh quanh hàng xóm tếu táo một thoáng rồi về.

Một chiều ông ngồi nhà uống rượu một mình, ông muốn uống thật say. Đến tối hết việc nhà bà Lý gái ngồi nhìn ông uống rượu rồi giục đi ngủ, mãi ông mới chịu. Sáng hôm sau không thấy ông Lý dậy sớm như mọi bữa, mọi người gọi mãi không nghe ông trả lời, mới hay ông Lý đã ra đi từ bao giờ.

Người làng bảo, suốt đời ông Lý cực khổ, cô đơn, tội nghiệp. Người khác nói, ô hay, lang thang đây đó cả một đời, khổ thì khổ nhưng được chết vậy là sướng. Nhiều người lại bảo nhau, ông Lý đến khi chết mới được sướng.

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Chờ Sầu đâu thay lá.

Lão kêu lại nhà lai rai mừng cái hồ cá bạn cho hôm rồi, tui trang trí sửa sang coi có đặng không. Lâu rồi không còn chơi cá nhưng vẫn chưa nục nghề, công nhận lão trang trí cái hồ coi đẹp mắt. Chín con cá Koi, chín con tôm càng xanh cùng rong rêu núi đá. Cá Koi lão đi tận Đồng Nai mua cho rẻ, còn thả tôm càng xanh cho mấy nhỏ biết chút đồng quê.
Chạy xe lại chơi với lão ngang một vườn ươm nhỏ, bỗng thấy mấy bụi Sầu đâu bèn bẻ ít ngọn mang tới nhà cho lão. Nhìn thấy bó Sầu đâu, lão cười cười rồi kể chuyện.

Nhà lão tháng này có việc hỷ, lo đám cưới cho con gái cưng sắp tới. Giáp ngày cưới còn một nơi chưa đi được, hơi xa xôi một chút, dưới mạn Long An lận. Điện thoại báo hỷ và mời bà con rồi nhưng nghe chừng chưa an lòng, sáng ấy lão nói với vợ: "Mình à, anh bàn chút chuyện, anh tính vợ chồng mình cùng nhau đi đưa hết số thiệp cưới, chạy Honda tà tà từ Phú Nhuận nhà mình đi Cần Giuộc không bao xa, đưa thiệp tận tay bà con mời người ta cho nó trang trọng, má nó chịu vậy không? Muộn lắm quá trưa mình về tới nhà. Rồi việc dưới đó mình về qua lộ năm mươi, kiếm ít lá non Sầu đâu mang về Sài Gòn. Sẵn còn mớ khô Sặc ngon má nó mới mua đó, chiều kêu Năm Giáo, Sáu Bảnh, Giang còi tới lai rai được rồi. Tui nghe nói đâu bên khúc đường đó người ta trồng sầu đâu nhóc, mùa này là mùa Sầu đâu ra lá non mình hay không".
Nghe ông xã bàn vậy, Tư Lê ừa liền. Cô hỏi quãng đường đây đó đi về nghe chừng hơi xa, mình nhắm chạy Honda được hôn? Lão cười, chuyện nhỏ. Cô Tư biết ông xã ghiền Sầu đâu khô Sặt và ghiền đám bạn đi biển cũ nhậu nhẹt hạp cạ, từ ngày lão có đứa cháu nội ít ra quán xá mà ưa ngồi ở nhà trò chuyện dóc chơi. Hên xui không chừng bữa nay kiếm được ít nụ bông mấy ổng còn khoái nữa. Ừa, một bó nụ Sầu đâu đầu mùa trộn khô Sặt bổi, nghe nói đã muốn ứa nước miếng.

Người quê giữ chân lại nhậu chiều mát hãy về nhưng thấy đường xa nên thôi, xong việc gởi thiệp mời, báo hỷ cùng bà con dưới quê là tạm xong công việc trong một ngày, vợ chồng thủng thẳng ra về. Đường về mau hơn đường đi, ngồi sau xe máy ôm eo ông xã, an lòng, cô Tư hỏi chồng chớ hồi sáng nghe mình nói dưới này Sầu đâu nhóc, đâu thấy đâu. Lão nói cứ từ từ khắc có.

Rồi cũng gặp được ven đường nhiều cây lớn nhỏ đang mùa cho những đọt non mềm mại. Lựa một cây lớn lá xanh mướt, vợ chồng Tư ghé lại bẻ lấy một ít lá non, đủ trộn dĩa lớn khô cho một tụ nhậu ở nhà rồi móc điện thoại nhắn mấy người bạn lát chiều ghé nhà tui nghen, có mồi bén mang về cho tụi bay đây.

Cô Tư vui vẻ trò chuyện cho đường xa ngắn lại, còn lão thì đang phê vì mới kiếm được mớ lá xanh non và hình dung đám bạn hẩu cười vui chiều nay với dĩa mồi Sầu đâu khô Sặt, lão bất chợt nghe tiếng còi chói tai trưa nắng, giật mình. Thôi rồi phú lít dzịn, lão chậm rãi tắp xe máy vô lề.
Chiếc xe biển xanh một bên hai ba chú lính, một chú trẻ măng chừng tuổi thằng Hai con nhà mình giơ tay ngang vành nón chào nghiêm, bảnh toỏng ác luôn. Lão cười hỏi tui có lỗi chi đó mấy chú. Chú lính kêu lão trình ra mấy món ăn chơi. Lão đưa đủ bằng lái cà vẹt xe với cái căn cước rồi cười giả lả: "Vợ chồng tui lớn tuổi, chạy xe thiệt chậm, đàng hoàng sát lề đường có chi đâu mà mấy chú thổi?"

Cái kiếng hậu xe máy của anh Tư 
Lật qua lại ba món ăn chơi, thấy đủ cả, thấy hai người lớn tuổi đi đứng đàng hoàng tốc độ này nọ không sai sót điều gì, chú lính chậm rãi một vòng quanh chiếc xe máy rồi nói cái kiếng chiếu hậu xe của cô chú bị nứt kìa, cô chú không thấy sao. Cô chú đã vi phạm điều số này này, khoản số này này, phạt tiền số này này... không thôi giữ giấy tờ xe rồi sao sao đó nữa... Chú lính nói một hơi. Ôi trời, mệt rồi, lão nghĩ.

Thấy ông xã rút bóp đưa tiền cho chú lính rồi khoát tay, mình ơi về thôi kẻo nắng. Cô ngạc nhiên và tự nhiên thấy buồn buồn. Kéo tay ông xã cô hỏi: "Chớ cái kiếng xe mình nứt có chút chíu vẫn coi thấy đường mà. Em còn không hay kiếng xe anh bị nứt sao họ hay vậy, đứng bên đường từ xa mà họ hay xe nứt kiếng chiếu hậu rồi kêu mình vô? Mà sao mình phải làm vậy chớ?".
Cô Tư ít đi đâu xa, có đi lại cũng chỉ quãng đường từ nhà tới sở làm hay đi chợ rồi về. Hồi nào giờ mới gặp chuyện này. Lão nói, tại mình ít đi không gặp không biết chớ đó chỉ là một chuyện hàng ngày, còn nhiều chuyện nữa, ở mọi nơi, mọi việc khác. Ít năm nay thấy bịnh nặng rồi, ây da... biết chừng nào Sầu đâu thay lá...

Con lộ nắng như gắt hơn, lão chạy xe về. Bó Sầu đâu lá non treo trên tay lái chiếc xe máy, kế ngay cái kiếng nứt vô duyên ấy, buồn buồn rớt xuống đường. Cô Tư thấy, lão cũng biết đó mà không muốn lượm. Nghe Tư nhắc: "Kìa mình", lão lầm bầm: " Mấy thằng nhỏ bây giờ sao ác nhơn dữ luôn, cái kiếng xe tui dzợ mà tụi nó lỡ lấy tiền của tui cho được. Mẹ bà!..mất toi thùng bia rồi còn gì đâu chiều nhậu."

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Ảnh.

Bàu Trắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Những kẻ thất nghiệp dễ thương.

Một chuyến đi ngắn, một vòng tròn Sài Gòn lên thành phố cao nguyên thăm anh bạn già đang trị bịnh trên Đà Lạt, lượn xuống Phan Rí Cửa thăm cô em mới chia tay Sài Gòn về quê, chạy  tiếp dọc theo con đường bờ biển để đi Long Hải thăm một người bạn nữa rồi trở về, mục đích chỉ là đi thăm hỏi, chỉ cần ngồi với nhau một chút, dóc ít câu chuyện và chỉ muốn ngó coi dung nhan ấy hổm rày ra sao, là đủ.

Hứng thú nâng máy tìm những hình ảnh ưng ý như bị mất đi bởi mới ra khỏi thành phố, quãng đường có mấy chục cây số tới Dầu Giây hết mất hai tiếng mấy đồng hồ. Đường lên Đà Lạt một chút lại biển báo thị tứ, tốc độ cùng những trạm thu phí cứ lần lượt hiện ra. Nói chơi với cậu nhân viên thu phí, hỏi xe mới đóng tiền phí cầu đường tức thì, hết mấy triệu đồng mà sao như là gặp trạm thu phí nhiều hơn vậy nè. Cậu trai chỉ biết cười trừ, gật gù như muốn nói đó là một quả lừa ngoạn mục. Sài Gòn lên tới Đà Lạt hết bốn trạm thu phí và một trạm đang xây, đổ hết cho BOT, mà đường xá có giống thứ gì đâu, xế chiều mới lên tới Phố núi.

Đà Lạt vẫn thế, se lạnh và buồn buồn. Phố núi đẹp, trầm tĩnh và thơ mộng nhưng với rất nhiều người, nơi này đã mất đi rất nhiều phần thơ mộng từ ngày Đồi Cù không còn là nơi của những người bình dân. Thế nhưng Đà Lạt vẫn thật đáng yêu trong một chiều mưa nhỏ, quán nhỏ lành lạnh bên nồi lẩu bông Atiso giò heo nghi ngút và một chai vodka ngồi trò chuyện cùng những người bạn.

Tháng rồi, một bữa thấy nhớ nhớ mấy nhỏ, alu hỏi thăm lúc này mần ăn sao, lâu nay không tụ tập, mấy anh giừ nhớ, bữa nay muốn rủ mấy nhỏ đi đâu đó, ăn uống tí chút để ngồi nói dóc chơi được không. Hơi ngạc nhiên nghe em nói mai em về miền xa rồi, về luôn, em về với mẹ, giọng em nhè nhẹ buồn. Vậy nên bữa nay tìm về nơi cửa biển ấy.

Nơi em ở là một thị trấn ven biển có cảng cá khá lớn ở khu vực miền Trung. Đặc sản ở đây là hải sản ngư dân đánh bắt về từ biển, nổi tiếng ngon là ghẹ, cá nục, sò điệp. Ngồi ở nhà thưởng thức đồ biển ngon thiệt ngon do mẹ em mua về, còn cha và anh Ba ở nhà cứ théc méc, rằng không thể hiểu nổi con bé nhà mình lại chơi được với mấy anh giừ ngắc giừ ngơ thế này, bạn á, bạn là bạn như thế nào, he he...
Em nói, về đây phụ cửa hàng cho ba mẹ đã lớn tuổi rồi, cuộc sống nhẹ nhàng, vui nữa vì có đám cháu ở nhà ngày một đông thêm, nhưng ghét nhất ở đây chắc chỉ có cái loa phường cột ngay đầu hồi, ngày ba lần cứ tới giờ là ọ ẹ. Mới năm giờ sáng nó kêu hết cả mọi người dậy, tội nghiệp hai bé Ty My của em, nghỉ Hè rồi, cái giờ ngủ ngon của con trẻ...

Bữa rồi blogger xì phố tiễn em về xứ, kêu nhiều mà người bận việc nhà, người mắc bận lễ lạt, có mấy mống le hoe, em có buồn không? Mà thôi kệ đi, ai cũng có việc mình, bữa nào gặp lại sau. Em về miền xa là cái hội xì phố vắng rồi, chắc sẽ nhớ những bữa ốc ộp vui vui, trò chuyện vô tư he he cười. Ừa, thôi về núp bóng mẹ cũng được, và có nhiều giờ hơn chơi với Ty My. Hổng biết lâu lâu em sẽ nhớ những kỉ niệm buồn vui của Sài Gòn? Ngoài các bạn bè, đồng nghiệp cũ chắc là sẽ nhớ xóm blog và chiều chia tay em. Sài Gòn chiều ấy mưa dữ lắm, mà mưa lâu nữa. Đón em đi nấu cơm từ thiện ở xa về trong lành lạnh và áo gió, liêu xiêu một mình bên hàng hiên nơi ngã tư, mưa ướt áo em rồi...

Đường ven biển từ Phan Rí Cửa xuôi Nam lầm cát bụi đẹp mà hoang vắng. Những đồi cát vàng thấp thoáng đâu đó xa xa thật hấp dẫn cho trẻ ưa trượt cát hay dân chơi mô tô địa hình. Mũi Né bây giờ mọc lên nhiều bảng hiệu tiếng Nga và đầy du khách người Nga. Những khu khách sạn, resort vắng vẻ dọc biển Hàm Thuận và khu hoang phế dọc biển Kê Gà xơ xác của dự án dở dang cảng bô xít.

Đêm ở La Gi, một thị trấn nhỏ ven bờ biển miền Trung. Trời đã tối hồi lâu, kiếm mãi mới ra một khách sạn nhỏ tạm tiện nghi và giá cả nhẹ nhàng. Anh quản lý khách sạn cười toe chào hỏi như từng thân quen từ hồi nào mở rộng cửa mời khách. Nhìn nụ cười của anh là có cảm tình rồi. Nhận phòng xong nói anh kiếm giùm một ít mồi và kiếm thêm hai người bạn nữa cho đủ tay nói dóc, trà tam rượu tứ, tụi tui có hai người à. Khách sạn vắng, tối lâu rồi mà chỉ có một chiếc xe hơi của đám này chạy vô là khách bữa nay. Người quản lý cười hiền, mấy tụi em cũng mới đường xa đi về tức thì, một chặng đường dài, mệt quá không biết có ngồi cùng mấy anh được không đây.

Rồi cũng ngồi với nhau, lạ rồi thành quen, hạp cạ là ngồi được tới khuya và tâm sự bao nhiêu điều của cuộc sống. H, người quản lý khách sạn dân quận Tư Sài Gòn, công nhân tàu cuốc một thời, thất nghiệp về thị trấn nhỏ này trông coi cái khách sạn cho người bà con. Anh cười, thời buổi khó, khách sạn ế ẩm, khách không có thì mình cũng như người thất nghiệp. Anh buồn kể, sớm nay ở Sài Gòn lên đây, nhằm ngày cô con gái cưng đi thi tốt nghiệp trung học, móc túi không có được mấy trăm ngàn cho con động viên nó đi thi, thấy đắng trong lòng.
Mấy anh biết không, hai anh em mới một vòng đi hết gần hai ngàn cây số mới về tới chiều nay đó. Đáng nể hai anh em thiệt chớ, hai ngàn cây số chạy xe máy không? Chứ sao, tụi em từ La Gi đi Phan Thiết Phan Rang, lên Đà Lạt Gia Lai, dzòng dzòng rồi lại đi Bình Dương Sài Gòn rồi sớm nay mới từ thành phố về lại La Gi. Một chuyến đi vừa là thăm bạn bè người quen vừa đi kiếm việc làm. Cười thật vui anh nói, cậu em đây một kiến trúc sư và tui một quản lý khách sạn, nghe ngon lành vậy mà là thất nghiệp. Anh em tui sẵn lòng làm việc gì cũng được, làm đâu cũng ưng, kể cả làm thợ hồ, vậy mà không ở đâu có việc gì cho mình.
Thế rồi họ lại quay về cái khách sạn của thị trấn nhỏ ven biển này, khách sạn nhỏ lâu thật lâu mới có một phòng.

Một bữa nào ta ghé tới một Trung tâm giới thiệu việc làm và Bảo hiểm thất nghiệp tại một quận ở Sài Gòn. Có thể bắt gặp rất nhiều người ở nơi đây. Người xin mẫu đơn, người khai báo, người trình diện... mỗi ngày đông như mọi ngày. Trong số họ phần lớn là các bạn trẻ. Những gương mặt sáng, nhìn họ thông minh và sức khỏe. Ta sẽ biết là các bạn ấy nhận đỡ những đồng lương thất nghiệp vài ba tháng, cũng là tiền tích góp của mình người ta giữ giùm, rồi lại vội vã chạy đi các ngả đường để tìm lấy một công việc mới cho mình, biết là gian nan lắm.
Một bữa nào đó ta đi trên đường xa. Có thể thấy bộ mặt của nền kinh tế trên dọc đường đi, những pano quảng cáo trống trải, tả tơi như lâu rồi không ai cần tới nó nữa, người ta còn lo chống chọi với tồn tại hay phá sản, lo lương công nhân hay giảm biên chế, lo thất nghiệp của bao nhiêu con người và chưa biết thời khó khăn này kéo dài tới chừng nào...

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Xếp hàng ở Nhật.



 Chỉ là mua cá viên chiên ăn chơi.


Hay vội vã sớm mai đi làm.







Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Buổi sáng.

Dừng chân bên một tiệm ăn sáng, cậu bé tựa lưng cây xà cừ đứng nghỉ. Cậu đang thích thú ngắm nhìn hai bạn nhỏ ngồi chung với cha mẹ, chắc trạc tuổi mình đang giỡn đùa cùng nhau ở một góc quán. Hồi lâu, nâng nhẹ rổ bánh trên đầu đặt xuống chiếc bàn trống ngoài hàng hiên dưới bóng mát, cậu bé rón rén ngồi vào một bên mép ghế. Cậu nhìn rổ bánh Cam đi bán sáng tới giờ còn chừng phân nửa rồi lại đưa mắt tìm mấy nhỏ hồi nãy ở nơi góc quán...
Chợt nghe mùi đồ ăn thơm ngon quyến rũ, cậu bé quay sang, giật mình khi thấy trước mặt mình ai đó mới đặt lên một tô phở gà. Ánh mắt cậu mở to đầy ngạc nhiên. Chị phục vụ bàn đứng bên nói nhỏ: "Của em đó, em ăn đi".
Mắt vẫn mở to và đảo mắt tìm hết một vòng quanh, cậu bé thấy ở một góc xa xa một ánh mắt hiền hậu đang nhìn về nó. Cậu nhoẻn cười thích thú rồi ngồi đó hết nhìn những hũ gia vị xinh xinh lại nhìn tô phở nghi ngút khói mà chưa biết phải làm sao. Một hồi đứng lên, nó rón rén từng bước đi lại phía chiếc bàn xa xa ấy. Cậu bé vòng hai tay trước ngực và cúi đầu: "Con cám ơn cô". Nhận thêm một nụ cười thật hiền hậu giống như ánh mắt cười hồi nãy, cậu lại nhoẻn cười một mình và trở lại bàn.
Vẫn cái nón cũ kỹ che nắng trên đầu, cậu bé yên lặng ngồi ăn hết tô phở ngon lành. Kéo ống tay áo quẹt ngang miệng rồi nó sửa soạn lại rổ bánh. Đã muộn rồi vẫn còn hơn phân nửa số bánh Cam chưa bán hết, nó nhìn lại nơi góc quán một lần, đặt rổ bánh lên đầu và bước vội ra nắng sáng,  

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Góc phố Sài Gòn.


Có một góc nhỏ bên lề đường với những gương mặt quen dưới vệt nắng in bóng cây thánh giá từ nóc nhà thờ Tin lành đường Phan Đăng Lưu, một góc rất nhỏ trong bao nhiêu góc phố của Sài Gòn. Mỗi ngày ngang nơi ấy, năm tháng đi qua in vào trí nhớ những gương mặt thảo dân đường phố, bây giờ chợt thấy là những gương mặt thân quen, một khi vắng xa rồi là thấy nhớ. Ở góc phố ấy có đôi ba chiếc xe ôm chờ khách, hàng ngày mấy bác tài chống xe hờ hững tờ báo cũ trên tay, có một anh thợ khóa trẻ, một xe chuối nướng nước dừa, thay nhau từ mỗi sớm mai đến khi trời tắt nắng.

Sáng tới xế là nơi của anh thợ khóa và kế đó luôn luôn là mấy bác tài xe ôm. Anh "khóa ơ" lề đường ấy thật dễ thương, cậu trai còn trẻ, nhanh nhẹn và hay cười, chừng hai mươi ngoài với một tay nghề khá. Một tủ đồ nghề cơ động rất nhỏ có những mẫu chìa khóa các kiểu nho nhỏ xinh xinh, một cái ê tô kẹp cũng nho nhỏ và mấy cây giũa thô giũa nhuyễn. Người ta ghé làm thêm bộ chìa khóa xe máy hay cánh cửa nhà để dự phòng hoặc tới sửa một ổ khóa cổng lâu ngày nắng mưa gỉ sét nhưng rất nhiều là những cú alu kêu tới tận nhà.
Ai đó kẹt ổ khóa, hoặc bỏ quên chìa trong phòng rồi lỡ tay chốt cửa hay làm rớt mất chìa khóa nhà, xe máy đâu đó không kiếm ra là alu tới cậu trai. Trong vòng phủ sóng, quăng cái xe đẩy đồ nghề khóa bên góc đường, nháy mắt với mấy anh xe ôm đang chờ tài trông chừng giúp, chỉ chừng năm phút sau cậu trẻ có mặt nơi điểm hẹn, nhoẻn cười. Mở ổ hay làm chìa mới tại chỗ ư, nhấp nháy là cửa mở, hí hoáy thêm vài ba phút nữa là xong cái chìa, cậu trai cười xòa rồi lại hối hả trở về góc phố.

Khi chiều bớt nắng là có chiếc xe đẩy của cô Sáu bán chuối nướng nước cốt dừa ở nơi đây. Cô bán mấy món ăn chơi dân dã thôi nhưng cũng là món rất dễ ghiền với các cô gái Sài Gòn. Cô Sáu bán hàng chắc là đã lâu và ngon miệng nữa nên mấy bạn gái làm việc gần đó hay nhà ở quanh quanh khu Phú Nhuận Bà Chiểu, ai ưa ăn món chuối, món khoai Nam bộ này là biết danh cô Sáu.
Vậy nên lâu lâu ra đường, nghe ở nhà ai hỏi có đi ngang khúc đó không, là biết muốn nhắn gởi mua giùm bịch chuối nướng mang về. Nhớ một bữa đầu năm ghé hàng chuối nướng gặp ngay khi khách đông, mấy cô gái đồng phục văn phòng xà tới hàng chuối nướng bên lề, ríu rít:
- Sao bữa nay Sáu bán hàng mình ên vậy nè, có cần tụi con phụ được việc chi không đó?
Sài Gòn những ngày đầu năm mới, đi làm ai cũng như đẹp hơn và vui chuyện hơn. Múc thêm miếng nước cốt dừa bỏ vô bịch chuối cho khách, Sáu Thủy ngẩng nhìn lên qua vành nón lá, mỉm cười, nhẹ gật đầu chào, chắc là chủ khách đã quen biết nhau lâu rồi:
- Năm mới phát tài chưa mấy em, nghỉ Tết năm nay dưới quê vui dữ không mà tới giờ này chưa thấy lên tới, là nói mấy nhỏ còn dưới quê ấy, năm nào cũng vậy. Chắc là tui lại phải đi kiếm người khác phụ rồi. Mấy em đây có em nào dám ra đường đứng bán chuối nướng với tui thì nói, tui nhận liền, trả công ăn chuối nướng mệt nghỉ, he he... Đầu năm nào cũng vậy, tết qua là tui phải đứng bán một mình.

Cô Sáu tay lật qua lại mấy miếng chuối bọc lá nướng trên bếp, tay múc miếng nước cốt dừa, tay bỏ vô bọc khoai mỳ ít mỡ hành, lại tay đưa người này bịch chuối, người kia bịch khoai mỳ, ngẩng đầu lên nhìn chớ không cần hỏi. Chắc cô Sáu quen hết nết ăn quà của khách hàng mình sao á. Còn khách tới đây vừa chờ cô bán hàng cho mình vừa đứng coi đôi tay cô làm đồ ăn thoăn thoắt, vừa thích thú vừa chuyện dóc chơi. Mà cũng không nghe ai nói mình mua món gì, chủ khách có nói chuyện là nói chuyện vui của mình những ngày mới qua, sau rồi ai cũng nhận được một phần quà của mình ưa thích, là ít khoai mỳ mang về hay bịch chuối nướng còn nóng hổi, bấy nhiêu thôi thứ quà giản dị của xe hàng dong cô Sáu.

Bán buôn nhỏ ở nơi góc phố rồi, là một kế sinh nhai, Sáu Thủy cần mẫn góc phố ấy vậy đã mười mấy năm. Cô nói trời thương, đứng nắng suốt vậy mà ít có dám bịnh. Thường thì cô thuê thêm một hai người làm chung, khi không có ai kêu đỡ bạn bè phụ ít ngày. Chiếc xe đẩy của cô Sáu có một cái lò nhỏ, có những cái tô làm bằng gáo dừa  và muổng đũa cũng làm từ thân cây dừa, nho nhỏ dễ thương. Góc phố Sài Gòn dậy mùi quê thơm thơm của chuối nướng, mùi béo ngậy của nước dừa. Ai đó một lần ghé coi mấy cô trong bộ đồ bà ba hiền lành, nón quê nghiêng nghiêng che nắng mưa, trò chuyện một ít rồi mua về nhà bịch chuối nướng nước dừa ăn thử là biết.
Chị em cô Sáu hàng ngày đứng bán ở góc phố ấy, đến chừng nào hết hàng họ mới trở về nhà. Từ chập chiều tới tối, một ngày như mọi ngày...

Những ngày chợt nhận thấy một cái gì rất rõ, là cái thiếu vắng của những gương mặt góc phố. Như là đã quen rồi, khi mọi ngày đi làm về, đi học về, ngang mỗi góc phố phải là những gương mặt ấy, quầy hàng ấy. Đôi lần chợt thấy thiếu vắng ai, ta thường tự hỏi bữa nay ở nhà họ có chuyện gì.
 Dù họ là dân thành phố lâu rồi hay mới ở miền quê lên, ai cũng phải sinh sống bằng một nghề riêng của mình ở nơi góc phố ấy. Có người mới làm thị dân góc phố ít lâu, người đã năm năm lề đường, có người mười năm, mười mấy hay còn lâu hơn rất nhiều nữa. Họ rất chăm chỉ, yêu nghề, yêu đời và mặc dù nắng hay mưa. Họ là bộ mặt của thảo dân thành phố, những bộ mặt mưu sinh đời thường.

Góc Sài Gòn, khi ở bên nó ta thấy bình thường, nhưng vắng nó, hoặc ta phải đi xa nó, chợt một lúc nào đó ngồi một mình, thấy nhớ thật nhớ...