Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Mưu sinh đời thường.

Có ai đó nói tại sao người dân cứ mãi chiếm lòng lề đường phố.
Mà đúng, nhiều lắm những thị dân nghèo bán buôn trên đường phố. Để tồn tại ở Sài Gòn, đô thị đông nhất nước này thảo dân phải tự kiếm cho mình một việc làm đủ nuôi sống gia đình, hàng ngày kiếm tiền lo cơm ăn áo mặc, lo con cái học hành. Một việc làm nào đó, lương thiện, riết thành nghề của gia đình. Và cũng bởi là thảo dân nên đời thường họ kiếm cũng chỉ đủ sống. Nhà cửa mấy đời ở trong những con hẻm hun hút hai ba cái siệc, làm sao có nổi hoặc đủ tiền thuê một cửa tiệm, nên từng năm từng năm họ phải bám lấy từng góc phố, lề đường với những khách hàng bình dân quen mặt biết tên, và để gió cuốn đi nửa đời người, một đời người mưu sinh bên lề đường góc phố.

Cô Sương bán xôi bên gốc Dầu trước chợ Đa Kao cứ năm giờ chiều mỗi ngày là có mặt với xe xôi nóng hổi, bất kể nắng mưa. Cô bán đến tối đêm cho khách quen khu Đa Kao, Bà Chiểu. Chỉ nghe chủ khách hỏi thăm: sao lâu không thấy ghé, hay mới dừng xe cô bán xôi dướn mắt: xôi đậu hén, không cần trả lời tay thoăn thoắt mang ba gói ra tận xe, là biết. Hôm rồi ghé hàng thấy có cô bé phụ việc, cô Sương vui vẻ khoe con gái lớn em đó, năm nay lớp 12 rồi, học giỏi lắm, cuối năm tính thi kinh tế. Hỏi nhắm đậu không cô cười hổng biết, trời cho. Nhẩm tính từ ngày ghé cô hàng xôi, có anh chồng phụ bán, thế rồi con bé con nay lớp 12, vậy ra cô bám cái lề đường này hai chục năm có, đã hết nửa đời người.

Nhớ nộm khô bò, bố con ghé mua bên lề đường công viên Lê Văn Tám, chị bán hàng cười nhớ khách: con nhỏ bữa nay trổ giò, mai mốt đẹp gái cho coi. Nghe dân dã mà ấm lòng, như quen biết từ lâu. Cũng một người bán buôn đường phố mấy chục năm nuôi cả gia đình.

Ở ngã ba Hải Triều có bà Tư bán bánh canh gà đã tự bao giờ không biết, nhưng từ đầu những năm 80 cứ chiều đến khi nắng tắt là bà Tư với gánh hàng bánh canh đã ngồi ở vị trí quen thuộc ấy, xì xụp xung quanh là những cô cậu công chức khu trung tâm quận Nhất, các học trò, người thợ bình dân và cả đám thủy thủ bên cảng về. Nhiều bữa coi cách ăn bà Tư biết mới nhậu về, lẳng lặng múc thêm cái cánh gà, ít bánh canh và mấy muổng ớt bằm cay sè với nụ cười hiền từ phúc hậu: mau giã "gựu".
Ai từng ăn gánh bà Tư đều nói không ở đâu có bánh canh gà ngon thế. Lúc lớn tuổi bà đổi gánh hàng sang cái xe đẩy có con cháu phụ giúp. Trộm nghĩ chắc bà đã gắn với góc phố này đến hết cuộc đời. Bên lề đường ấy bây giờ mọc lên một cao ốc, bà Tư chuyển qua lại góc đường hai ba lần, lâu mới có dịp ghé lại không còn thấy gánh hàng bà Tư đâu nữa. Bà thị xã nhà cũng một dân ghiền hàng bánh canh bà Tư nói để bữa nào rảnh đi kiếm thăm.

Suýt nữa thì quên anh Sáu hớt tóc. Mỗi sớm đi đường Ngô Văn Năm mới sáu giờ sáng đã thấy anh loay hoay với cái ghế hớt tóc bên lề đường. Anh kể chuyện đi lính hải quân những năm sáu mươi, hòa bình xuất ngũ về địa phương. Cuộc sống gia đình ở Hải Phòng nhiều năm vất vả quá nên vào đây, có cái nghề hớt tóc cũng nhàn nhã, lương thiện và kiếm cơm được.
Thấy lạ giờ này ai hớt tóc? Ồ, chú em nhầm, sáng giờ anh được mấy cái đầu rồi đấy, sớm sớm người ta tập thể dục bến Bạch Đằng, xong đi bộ về ghé đây. Ra vậy.
Thế là trở thành khách quen của anh từ đấy. Anh Sáu cười phóng khoáng: Tớ có hai thằng con trai, cho đi hải quân ráo.

Gặp một đám đông nhộn nhạo chiếm gần hết đường phố. Một chiếc xe tải biển xanh lố nhố dân phòng và mấy anh cảnh sát đang lui cui xếp lên xe và chở đi vài ba cái bàn ghế nhựa, ca chén, bảng hiệu. Những khuôn mặt thị dân hướng theo nuối tiếc nồi cơm của cả nhà ngày hôm ấy. Buồn rầu và cam chịu, dường như họ đã quen thuộc với những chuyện này. Rồi mai lại sắm những bàn ghế mới, lại lo cơm áo mới. Dân dã miền Nam không muốn lo xa quá.

Có hai phía của cái lề đường thành phố, một là cảnh quan đô thị cần chỉnh trang và một là cuộc sống đời thường của thảo dân đã bao nhiêu năm bám lấy cái lề đường để mưu sinh.
Nhìn đống bàn ghế chỏng chơ trên chiếc xe tải bỗng nghĩ đến cô hàng xôi, chị khô bò, bà Tư bánh canh và anh Sáu hớt tóc. Một bữa nào ghé lại, chỉ mong vẫn gặp những nụ cười ấy, vẫn là những đôi bàn tay thoăn thoắt bên góc phố lề đường.

9 nhận xét:

  1. http://guihuongchogio.vnweblogs.comlúc 04:59 14 tháng 5, 2010

    Không dẹp những quán hàng rong thì vỉa hè sẽ không còn chỗ cho người đi bộ, mà dẹp thì những người dân nghèo như bà Tư bánh canh, cô hàng xôi, bác cắt tóc không biết mưu sinh thế nào. Giá như có đủ công ăn việc làm cho họ hoặc ít ra có nơi cho họ kinh doanh mà không làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị thfì vẫn hơn...

    Trả lờiXóa
  2. ủa anh ơi, khu Hải Triều (chỗ bán rượu ngoại) bây giờ còn hàng miến gà và cẳng gà không vậy anh? Em không qua đó mười mấy năm rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Cái cầu nó đẻ cái cung, khi XH vẫn là văn hóa mặt tiền,thì vỉa hè còn quá tải vì quá nhiều chức năng : dành cho người đi bộ, để xe cho các của hàng, chỗ dừng chân cho các gánh hàng rong..vv. Chưa kể nhiều người còn nhớ chị hàng xôi, bà bán bánh khúc và những tiếng rao đêm

    Trả lờiXóa
  4. Đỗ viết đúng tâm trạng tui. Mỗi lần nhìn thấy cái xe dân phòng đi dọn vỉa hè, nhìn người ta tất tả chạy, tất tả truyền thông báo cho nhau... biết là luật phải theo mà sao vẫn cứ xót lòng.

    Trả lờiXóa
  5. -Chào Thanh Chung,
    Lề đường góc phố là đặc thù của VN mình rồi. Bạn mới viết về đặc sản HP, tất nhiên ý bạn là bác Tấn, nhưng tôi nghĩ phải có bác N.Hồng, mặc dù không sinh ra ở HP. Đội ăn nhậu tôi nghĩ đã nói đặc sản là ăn uống. Với tôi đặc sản HP là bánh đa cua và bún cá. Không ở đâu có rau nhút và bạc hà ngon như trong 2 tô ấy ăn ở HP. Và ăn ở những hàng những gánh lề đường, góc phố. Bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
  6. -Chào bạn HPLT ghé thăm.
    Đọc trang của Lana tôi cứ đoán tên bạn là Mai Cúc, vì ở m.Nam hầu hết mọi nhà tết thường mua hoa cúc.
    Chỗ bán rượu đường Hải Triều đập rồi, mọc lên cao ốc, hình bông Sen gì đó. Còn quán bán miến gà, phở, xôi (tên là Cấm Chỉ) chuyển qua bên kia đường phía đối diện, bán sáng đêm. Ăn nhậu đêm ở đấy thanh bình lắm bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  7. Việt ơi, tôi đang tính bữa nào có giờ nói dóc với mấy người bán đêm, bánh chưng bánh giò bánh khúc, nghe họ tâm sự chơi.

    Trả lờiXóa
  8. -Bạn Lana,
    Nhìn vẻ mặt thảo dân lúc ấy, và đặt mình vào người ta, mình thấy sao ấy.

    Trả lờiXóa
  9. May ra trong SG còn hủ tíu " Gõ ", Hà Nội chắc chỉ có mấy chú nghiện đi chôm đồ.

    Trả lờiXóa