Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Chúc Mừng Năm Mới.

Cùng với mọi người,
một năm nhiều may mắn, sức khỏe và hạnh phúc.


Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Thu đến rồi đi.

Thời gian chạy đi thật nhanh. Mới đó thấy nàng Thu về, bữa nay Thu đã muốn rời xa. Bữa thấy bắt đầu có một vài cơn mưa nhỏ, trời đất mát dịu, mặt cỏ vàng úa sau một mùa Hè nắng hạn đã xanh dần lại, dày thêm lên và mỗi ngày trở nên xanh ngắt sau mỗi cơn mưa, là thấy mùa Thu đã về. Bọn chim, bọn sáo, bọn sóc nhỏ... chạy đi kiếm ăn, chơi đùa tung tăng khắp nơi. Tới lúc ai đó đi gieo thêm những hạt cỏ trong vườn để cho mùa sau thêm xanh thêm đẹp.

Thế rồi cây lá xanh ngắt ấy bắt đầu chuyển màu, đầu tiên chợt thấy lác đác một vài cây bên nhà hàng xóm, rồi sắc nắng đọng lại của mùa Hè lan dần đi khắp nơi, nhuộm lá trên đám cây quanh nhà, trên đường ta đi, ở ngoài đường phố hay những khoảnh rừng ven xa lộ. Cây trước cây sau lá đổi màu, chúng không rủ nhau một lượt để vẽ nên những bức tranh Thu ở đâu đó thật đẹp. Có những loài cây coi xấu xí cả năm nhưng chỉ chờ mùa Thu tới để một lần được thay áo, sặc sỡ màu vàng, màu cam rồi đỏ sẫm, làm đẹp với chúng bạn.

Rồi lá rụng xuống. Mỗi ngày nhiều hơn. Dễ thương nhất những lá phong khô sậm đỏ bay bay trên bãi cỏ, chúng kéo nhau về một góc vườn. Rồi trời xe lạnh. Một đàn chim bay ngang trời, chúng bay về phương Nam, chúng biết ở nơi xa ấy có nắng ấm và không biết chỉ đơn thuần là chúng bay đi tránh giá lạnh khi trên phương Bắc này mùa Thu sắp hết hay bọn chim ấy còn biết đi tìm kiếm niềm vui gì khác, tìm kiếm những điều hấp dẫn ở phương trời xa.

Gần nhà có một tổ chim lạ, là ngôi nhà trên cây bách tùng của một cặp uyên ương, lâu lâu thấy chúng bay ra giỡn với nhau và những sớm mai cất tiếng hót dễ thương. Không biết tên loài chim, chỉ thấy bộ lông trăng trắng, đôi cánh sọc trắng xanh và tiếng hót lảnh lót, nhiều âm điệu giống như loài chích chòe than có thời gian đã nuôi ở nhà. Ít bữa nay thấy vắng bóng đôi chim, chúng trốn lạnh ở trong nhà hay là đã bay đi đâu tránh rét không biết.

Lâu lâu chợt rộ lên tiếng mô tô vội vã ngoài xa lộ, biết là các chàng trai đam mê tốc độ vẫn đang còn tranh thủ những ngày nắng đẹp vui cùng nàng Thu cho hết những ngày ấm áp cuối mùa dong chơi.

Một bữa cái lạnh về, cuối Thu mà ngoài trời đã gần nhiệt độ đông đá, vợ chồng rủ nhau ra vườn cắt vội những trái cà tím còn non, trái cà chua nho nhỏ, những trái ớt xinh xinh và mấy trái bầu dài ra muộn, đặng thu hoạch nốt một ít thành quả trồng trọt còn lại của những ngày nắng hiếm mới đi qua.

Thổi hết lá vàng về góc vườn, vô bao cho kịp ngày đổ lá, làm sạch sẽ cho đỡ mất công người ở nhà. Vợ nói với chồng, mình quét hết lá vàng, mình gom hết cả mùa Thu, rồi bay...  
Ngày mai ta sẽ cùng nhau bay về phương Nam, theo vết những đàn chim bay ấy, để mong khám phá được những điều mới lạ, ở phương trời xa...

 

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Sắc màu.



Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Thu.

Chụp bằng điện thoại.








Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Năm học mới.

Năm học đầu tiên vào đại học, bạn ấy chuyển vô kí túc xá ở cho tiện việc học và chủ yếu là bạn ấy thích thế. Bạn ấy nói con đã có được một phần học bổng, vậy nên xin cha mẹ cho vô kí túc xá, sinh hoạt và sống, cho giống với người ta, cuộc sống một sinh viên nội trú. Nghĩ bụng, có lẽ có một phần nào đó trong suy nghĩ, đã tới lúc các bạn ấy muốn thoát khỏi sự quản lý của cha mẹ hay người lớn trong nhà, thoát ra những nhắc nhở liền liền về giờ giấc, ăn ngủ, lớp trường... và những chăm sóc từng chút một trong sinh hoạt của mình. Có điều mà cha mẹ và người lớn trong nhà ít nghĩ tới, là tới một lúc nào đó,  ở lứa tuổi nào đó, sự chăm chút thái quá của người lớn tới mình đôi khi làm cho các bạn trẻ cảm thấy gò bó, khó chịu, mất tự do.

Trường học gần, cách nhà chừng hai chục phút chạy xe nên không có cảm giác xa xôi lắm nhưng là một thay đổi khá lớn trong đời sống gia đình và với riêng bạn ấy. Bốn năm qua học trung học, dù là ở xa cha mẹ nhưng là sống ở gia đình, có ông bà ngoại, có các dì và có chị Hai, sáng chiều đi học được dì Ba hay chị đưa đi đón về. Dù sao cũng là lần đầu trong đời, từ nay bạn ấy sẽ xa nhà, sống xa người thân, tự mình lo lấy mọi thứ cho mình, từ giấc ngủ tới bữa ăn, việc lựa chọn đồ ăn uống, dinh dưỡng, từ giờ giấc sinh hoạt tới việc đi lại hay mối quan hệ với mọi người. Tự do đó nha, con gái, rồi ít bữa sẽ quen thôi và sẽ thấy thích thú với quãng đời sinh viên ấy. Vô tư, nghịch ngợm, dễ thương và đời người ta đi học, những năm tháng ấy thường chỉ có một lần.

Mẹ con đã chuẩn bị cho cuộc sống mới ở kí túc xá trước cả tháng rồi. Mua sắm những vật dụng cá nhân cùng những lời dặn dò, mọi thứ đã đầy đủ và nhiều nhất vẫn là sự lo lắng và chăm sóc từng chút một của mẹ đó, chắc là con sẽ thấy được điều đó ở nơi ở mới.

Mấy ngày rồi, không còn nghe tiếng gọi, tiếng nhắc chừng giờ giấc, tiếng rầy la con trẻ của mẹ, cũng không còn được nghe tiếng hát cùng tiếng đàn ukulele thỉnh thoảng vang lên từ một góc nào đó trong nhà. Bỗng thấy nhớ và thèm lại cái không khí của mấy ngày trước, mẹ con, em chị ồn ào chí chóe đôi lúc còn gắt gỏng nữa nhưng đó là chúng ta đang ở bên nhau. Còn bây giờ, xung quanh mọi thứ im ắng, một chút gì như trống trải và thiếu vắng, ở quanh đây luôn có một nỗi nhơ nhớ, lo lo.

Âu cũng hợp lẽ bởi nỗi lòng làm mẹ làm cha là vậy. Biết là chẳng có cái gì phải lo và cũng  không hiểu nỗi lo ấy là lo về cái gì, vậy mà thấy đôi lúc bụng dạ chợt nôn nao, đang dở tay làm việc gì bỗng quăng đó, muốn chọn một góc vườn, ngồi xuống thật nhẹ nhàng, nhìn về con đường rẽ xa xa và chỉ để lắng nghe, lắng nghe cái im lặng ở quanh mình.

Những ngày này các bạn nhỏ mọi tuổi ở khắp nơi đã vào năm học mới được non tháng rồi. Sẽ là cái gì cũng mới, háo hức với lớp mới, với thày cô, bạn bè mới. Nhí cũng sẽ như vậy và tin là con gái sẽ hòa nhập và yêu thích môi trường mới, sẽ là nụ cười luôn luôn và thân thiện mỗi khi đi tới đâu, mỗi khi tiếp xúc với mọi người, giống như mỗi lần thay đổi trước giờ, như bản tính vui tươi và thân thiện vốn có ấy của con.

Tới giờ là chia tay cha mẹ và chị gái chiều Chủ nhật tới thăm, Nhí một mình đi lễ ở nhà thờ trong trường buổi đầu tiên. Vậy là con cũng đã bắt đầu tự xắp đặt thời gian và các việc cho mình.
Nhìn bước chân xa dần phía cuối con đường, mùa Hè đã đi qua, lá trên cây và cỏ dưới chân đã muốn chuyển màu, mùa Thu và những ngày mới đang tới. Con đường đi sẽ còn dài con ạ, sẽ là thênh thang dưới chân mình. Hãy bước đi và khám phá, phía xa xa kia bầu trời thật cao, màu xanh và thật sáng.

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Bầu

Mùa hè ở xứ này ngắn ngủi, được ít ngày ấm nắng nên tranh thủ trồng bầu cho vui chân vui tay một chút. Giàn bầu cây lên xanh tốt, bông quá chừng luôn mà bông đực hết ráo, cũng hổng thấy bướm ong quẩn quanh vo ve nữa. Sắp hết mùa hè rồi mà hổng thấy đậu được trái bầu nào, biết nói năng sao với người cho hạt.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Bốn năm qua.

Nhanh quá, thời gian!
Ngày bố con tới tham quan trường học mới.




Bữa nay ngày bé ra trường.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Ảnh.

Đường bờ biển Galveston - Texas.


Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Ảnh.

Vịnh Tampa - Florida và đường bờ biển.



Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Tuyết lạnh.


Bông tuyết bay khắp nơi 
đâu đang mùa Xuân không biết, chứ ở đây đã qua Tháng Tư rồi mà bữa nay bông tuyết trắng vẫn bay bay đầy trời. Một màu trắng ở trên đầu, trên mái nhà, dưới mặt đất, ở khắp nơi và trời thì thật lạnh, lạnh xuống dưới cả nhiệt độ đông đá. Nội từ bữa lập Xuân cho bắc bán cầu tới nay, mới có ít bữa mà đã ba lần nơi này tuyết về phủ trắng.
Tuyết rơi xuống phủ kín đất, tuyết giữ lại trên những cành Thông mỗi giờ một nhiều thêm, qua ngày đóng cứng lại thành những tảng nước đá đè nặng lên cành cây, gió qua lại làm khá nhiều lá cành bị gãy dập. Tội nghiệp cây thông sau nhà năm nào cũng gãy, mỗi Hè sang đều phải dọn cây chặt cành gãy. Tội nghiệp cây maple lá đỏ Hè rồi mới mang về trồng, không qua hết nổi mùa Đông vì bị tuyết về đè gãy, tiếc hoài vì cây đã khá lớn. Tội nghiệp mấy củ bông Huệ tây, bông Tu líp nằm im dưới đất cả một mùa Đông chờ đợi, nghe người ta nói Xuân đã về và thấy chút nắng ấm bèn nhú lên mặt đất, trổ bông vàng bông đỏ rực rỡ được mấy bữa, tuyết về làm lá hoa gãy gục hết cả, mùa hoa không trọn vẹn.

Một bữa tuyết rơi, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy tuyết trắng khắp nơi, trời ui ui lạnh lẽo. Với kẻ ở không thì ngồi ở nhà chơi trốn lạnh nhưng còn mọi người ta thì vẫn phải đi làm, đi học. Thật không thoải mái chút nào khi bước ra ngoài bởi đường xá trơn trượt, đi lại khó chịu lắm, chạy xe hơi hay lội bộ cũng vậy. Dù tuyết đã được cào đi nhưng vẫn còn đâu đó dưới đường đi như là luôn luôn có một lớp nước đá mỏng, rất trơn. Vội vã một chút, thiếu cẩn thận một chút là dễ nguy hiểm, chạy nhanh thắng gấp xe dễ trượt vì độ bám đường của bánh xe yếu, còn lội bộ cũng vậy, người già con trẻ bước vội dễ trượt té như chơi.

Dính đòn tuyết lạnh
Cào tuyết trên đường đi xung quanh nhà mình là một việc luôn phải làm mỗi ngày khi có tuyết, bởi không lo dọn dẹp thì không có lối ra vô cho người đi làm đi học, cho người vô đưa thơ gởi đồ. Nếu chậm dọn dẹp thì tuyết sẽ cứng lại như nước đá, dọn dẹp sẽ khó và cực hơn nhiều.
Có bữa, tuyết xuống hồi đêm, hôm trước lãng quên hoặc làm biếng không mang xe vô ga ra là dính đòn với nàng tuyết, sáng ra dọn dẹp chết luôn. Mới hồi hôm hết cả nửa giờ cả nhà mới cào hết đống tuyết từ hàng hiên, driveway ra tới đường lộ, nghĩ bụng với những ngày tuyết lạnh và dày như thế này, thương mọi người ở đây cực quá. Thêm nữa, khi có tuyết lạnh, thấy ướt át, dơ và khó chịu, cũng dễ bệnh nữa.
Nhưng có ai đó nghe trời có tuyết là mừng húm, vì thường bữa nào hoặc là tuyết rơi quá nhiều, hoặc là ngoài nơi công cộng người ta chưa kịp cào tuyết sớm, sợ chúng té thì đổ nợ nên chúng sẽ được người ta thông báo trên ti vi cho nghỉ ở nhà, đó là đám trò lười biếng và ở nhà này luôn có một em. Chúng không nghĩ rằng nếu được nghỉ hoài chúng vẫn phải học bù và mùa Hè của chúng đến chậm và sẽ ngắn hơn.

Nhớ năm rồi, một ngày mùa Đông nàng Tuyết bỗng dưng xuống dong chơi xứ Sa Pa và vài nơi ở vùng núi rừng Tây Bắc xa tít mù tắp, Có ai đó yêu thích Tuyết lạnh, ham mê đi tìm tới nơi, chỉ cần được một lần gặp mặt và chụp chung với nhau tấm hình là đủ. Với nàng Tuyết, thuở ban đầu là lạ lẫm, thấy vui vui và nàng cũng rất đẹp trong khung cảnh nào đó. Ta sẽ muốn nhìn ngắm và thích thú chơi với Tuyết lạnh. Nhưng rồi sau ít lần hò hẹn ta sẽ biết tính nết của nhau, ta sẽ biết ngại ngùng.
Thực sự nếu phải làm bạn hoài với nàng Tuyết lạnh như những ngày qua e sẽ mệt mỏi lắm.

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Ngày Thứ Sáu tốt lành


Tuần Thánh là một tuần lễ trước ngày lễ Phục Sinh. Với những người công giáo tuần lễ này có nhiều sự kiện và nhiều nghi lễ được tổ chức.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trước lễ Phục Sinh một ngày là ngày lễ rất quan trọng, thấy người ta còn gọi là ngày Thứ Sáu tốt lành (Good Friday). Vào ngày này có nhiều nơi tổ chức nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê su khi bị tòa án La Mã bắt và xét xử rồi bị đóng đinh trên thập tự giá.

Giải thích về ngày Thứ Sáu tốt lành, những ngày lễ trong Tuần Thánh, lễ Phục Sinh... và các nghi thức tôn giáo không khó để ta có thể tra cứu tìm hiểu thêm ở đâu đó. 

Ngày Thứ Sáu tốt lành năm nay cả nhà ở bên nhau và cùng dự nghi thức tưởng niệm cảnh Chúa bị hành hình của nhà thờ trong vùng. Mẹ Nhí và chị Hai cùng với mọi người theo chân Chúa đau đớn vác thánh giá và những người lính La Mã áp giải Chúa Giê Su từ trên đồi về tới nhà thờ. Bố bạn Nhí thì trong vai phó nhòm lăng xăng tới lui với máy chụp hình còn bạn Nhí bữa nay trong vai Veronica. Đó là người phụ nữ đã gặp Chúa ở trên đường đi rồi lau mồ hôi và máu trên khuôn mặt của Chúa bằng tấm khăn trùm đầu của mình. Và rồi trên tấm khăn ấy đã hiện lên hình khuôn mặt của Chúa Giê Su đầu đội dây gai.

Mặc dù đã lập Xuân nhưng ở vùng Đông Bắc này nhiệt độ ngoài trời mấy bữa nay vẫn còn khá lạnh. Tuy vậy vẫn thật là vui. Và đứng ở một góc xa xa nhìn tới, nhẹ nhàng quan sát những vai diễn của các bạn ấy, chợt thấy năm nay bạn Nhí nhà ta thực sự đã lớn lên rất nhiều.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Đọc báo.

Có nhiều lắm những tai nạn đau lòng những ngày vừa qua. Từ sau Tết tới giờ, hầu như ngày nào cũng có tin tai nạn giao thông, vài ba người chết mỗi vụ, từ đô thị tới vùng sâu vùng núi, từ hè phố hiên nhà tới đường cao tốc thênh thang... Đang trên đường đi học hay đi làm, những cái chết thảm thiết và bất ngờ, vô lý đến độ người ta chết đi mà không thể hiểu được tại sao lại như thế.

Xe đò chạy ngược chiều trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Thật kinh khủng. (Hình Internet) 
Xe con chiếm đường ngược chiều đụng ông cháu đang chạy xe máy bắn tung lên trời, xe ben còn kéo theo rơ moóc làm chết hai phụ nữ, xe con ngược chiều đụng trực diện xe khác trên xa lộ bẹp dúm, xe bồn đâm xe khách cháy rực giữa đường, xe chạy trên phố đâm vào nhà người ta, xe ngáo đá dzòng dzòng thành phố, rồi xe ben hay xe đò ngang nhiên chạy ngược chiều trên đường cao tốc... Nhiều lắm, đủ mọi kiểu ở mọi nơi. Mới bữa nay thôi, xe công vụ công an cán chết hai thanh niên và ông lão quét rác trên đường phố Cần thơ. Thật là hãi hùng quá.

Có bao nhiêu gia đình chịu nỗi khổ đau cả một kiếp người vì tai nạn xảy đến trên đường khi đi học, đi làm, kể cả trong kỳ nghỉ hay đi dự lễ. Có biết bao nhiêu những đứa trẻ mồ côi vì tai nạn giao thông đã lấy đi mạng sống của cha mẹ chúng hay có bao nhiêu đứa trẻ chưa kịp lớn lên đã  không trọn hình hài cũng chỉ vì tai nạn giao thông.
Những hình ảnh sao mà xót xa quá, nhiều lắm trên các báo mạng. Một chú bé mới ba tuổi băng trắng toát ngơ ngác nằm trong bệnh viện đã mất cả cha mẹ và một bên chân phải của mình trong một tai nạn khi gia đình vợ chồng người công nhân đưa con mình về quê Nha Trang ăn Tết. Một cậu bé ở Hà Tĩnh cũng ba tuổi cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, lẫm chẫm nhón chân lên thắp nhang cho cha mẹ mình lần lượt chết đi trong hai tai nạn giao thông tiếp theo nhau...
Ít bữa trước thấy hình ảnh người mẹ trẻ ở Gia Lâm Hà Nội khóc lặng trước cái chết thảm thương của cha và con trai mình trong một sớm mai ông đưa cháu tới trường bằng xe máy. Chồng cô ấy cũng mới chết vì tai nạn giao thông một năm trước đó, là nỗi đau chồng lên nỗi đau...
Và mấy bữa nay, nhà ấy có hai cô con gái rượu, một gia đình nông dân hiền lành ở Đắc Lắc. Đứa con gái nhỏ rất ngoan, rất xinh đang học năm giữa phổ thông trung học, bữa đi học về, một tai nạn giao thông cộng thêm thói vô trách nhiệm của bác sĩ ở bệnh viện trong việc cứu chữa, bữa nay cháu bé phải cưa bỏ đi một bên chân vì hoại tử. Nhìn con bé đôi mắt trong sáng buồn buồn động viên lại mẹ, thương quá, lại nhìn cha nhìn mẹ bé ráng nén nỗi xót xa vào lòng để động viên chăm sóc cho con gái trên giường bệnh, thật là đắng lòng, thấu hiểu và muốn chia sẻ nỗi lòng của người làm cha làm mẹ...

Đau đớn quá, bất công quá con người ta đối với nhau, có nhiều kẻ quá coi rẻ tính mạng của mình và của người khác. Đọc báo còn thấy những chuyện cướp giật, lộn xộn ngày càng nhiều trong xã hội ít lâu nay. Ném đá vào xe đang chạy, thanh niên mang vũ khí sẵn sàng gây sự, đánh lộn, chém đứt cả bàn tay, lấy cả mạng người, công an đánh người yêu bằm tím mặt mũi chấn thương sọ não, xách súng vô trường học quậy.... Bây giờ đây mỗi người ta, khi bước chân ra khỏi nhà là cảm giác thấy bất an khi nghĩ tới nhiều nỗi hiểm nguy luôn rình rập, là lo lắng và sợ hãi cho chính mình, cho con cái, cho người thân của mình.
Có đọc báo thấy câu nói xã hội "dân chủ đến thế là cùng", rồi cũng lại đọc của ai đó thấy câu "xã hội Việt Nam đã ở vào tình trạng khủng hoảng chạm ngưỡng báo động, trên mọi phương diện", nghĩ mà đau.

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Mùa Đông.

Buổi sáng không thấy người đi bộ thể dục, buổi chiều không thấy mấy người nhẩn nha dẫn mấy bạn chó đi dạo chơi như mọi khi. Những chiếc xe kín mít lao vút trên đường phố vội vã. Người ta cũng vội vã, chạy từ nhà ra ngoài xe hay vội vã chạy từ xe vô nhà, vô sở làm, trường học, siêu thị hay nơi nào đó mình cần tới. Làm gì ở trong đó đi, đừng có ra ngoài trời, lạnh lắm.

Một màu sắc ảm đạm, từ bầu trời kéo xuống mặt đất. Mọi thứ xung quanh trở nên khô khan, cứng rắn. Những cây maple xanh mướt trong vườn nhà, trong một khoảnh rừng nhỏ hay dài dài trên đường lộ đâu mất rồi. Góc kia nhớ là có mấy cây hoa họ Anh đào, rồi cây Mộc lan... Mùa Đông không phân biệt được thứ cây là cây gì, chỉ thấy cây trụi hết lá, vươn những cánh tay khẳng khiu lên bầu trời nhàn nhạt xam xám. Có mấy bụi cây Cẩm tú cầu bên vườn nhà hàng xóm, gặp nhau lần trước nở đầy hoa trắng, hồng, tim tím chen với lá xanh mướt, bữa nay cành khô trơ trọi, lỏng chỏng như mấy ống đũa tiệm ăn chiều đã dẹp. Chúng nó bị bỏ quên bên góc vườn, chỉ có người ở xa đến còn nhớ, rằng mùa Xuân năm trước các em đã rất xinh đẹp. 

Những ngón tay ngón chân của mình sao cũng giống như cây cỏ, tự nhiên bỗng cong queo, nhăn nheo, khô khan và mốc thếch, nụ cười của mình bỗng méo mó, nhăn nhó trong xuýt xoa cái lạnh, giọng nói mình là lạ vì da má căng và đôi môi khô khô như muốn nứt nẻ. 

Ôi, mùa Đông ở xứ lạ thật là xấu xí.

Bữa nay có nàng Tuyết về.
Buổi sáng ra khắp nơi một màu trắng nhàn nhạt. Tuyết đọng trên cành lá của những cây xanh họ nhà Thông, mùa Đông không rụng lá, coi thấy một chút thơ mộng. Tuyết trải nhẹ trên mái nhà, trên vườn cỏ làm cho mặt đất sáng lên, rồi mặt trời bắt đầu lên, phụ họa thêm vào một ít nắng sớm vàng ấm. Đêm qua tuyết rơi, chỉ mong manh một ít thôi nhưng sáng ra nhìn thấy cũng làm bớt đi xấu xí của những ngày Đông ui ui xám xít mấy bữa qua.

Dù sao có nàng Tuyết về, như là trời đất ấm hơn, bớt chút khô khan và cũng làm cho người ta, phương xa mới tới thấy là lạ, chợt vui…

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Ngày cuối năm.

Còn nửa buổi chợ nữa là muốn hết năm rồi. Sáng sớm ra thấy lạ, mấy bữa nay trời bỗng lành lạnh khác với mọi năm, nhiệt độ xuống chừng hai mươi độ, ra đường người ta phải mặc thêm áo khoác vẫn nghe gió lạnh. Người phương Nam vốn không quen chịu lạnh nhưng tới giữa buổi thì nắng nóng rồi, cái nón lá với cái áo sơ mi cài một nút trên cùng, kiểu mặc của các cô các chị bán buôn miền quê Nam bộ ngồ ngộ ấy, không che nổi hết một ngày cái nắng Sài Gòn giữa mùa khô cho những người bán hoa Tết trên đường phố.
Chiều cuối năm, hàng hoa Tết khu Phú Mỹ Hưng một số đã dọn dẹp về nhà, người cho thuê sạp đã bắt đầu gỡ đi khung mái nhà chợ, còn một số đông vẫn lo bán hàng, hàng hoa còn la liệt, còn nhiều lắm, mà thời giờ thì sắp cạn, ngày cuối năm đang ngắn lại dần. Quá trưa nắng đã ngả, cả dãy mai vàng nằm phơi nắng, bông đã nở nhiều và những cánh mai vàng lâu lâu rơi rụng xuống một ít theo cơn gió, theo công lao chăm sóc cả năm trời của người trồng hoa. Chiều cuối năm ngoài chợ, người mua hoa không nhiều bằng người dạo chơi, người bán hoa uống vội ly nước, quệt tay áo ngang miệng đứng dậy mời chào, rồi mắt buồn đuổi theo những bước chân khách dạo xa dần.

Hôm bữa đi chơi về, từ miền Tây lên Sài Gòn, ghé làng hoa Sa Đéc thăm vườn cây và những người trồng hoa. Ngày giáp Tết ở đây nông dân đang chuẩn bị hoa và cây kiểng cho thành phố. Các vườn bông đang mải miết thu hoạch, các loại hoa đang được nhà vườn bao bì đóng gói cẩn thận đưa lên xe ba gác, xe tải chở về thành phố hay tới những vùng lân cận.
Ngạc nhiên ở làng hoa Sa Đéc với những cây Trúc mai và cây Hoàng yến thật lớn, cao ngang mái nhà và bông nở vàng rực thật đẹp. Lâu nay ở Sài Gòn chỉ thấy những bụi nhỏ bông vàng dễ thương. Có rất nhiều loại hoa được trồng ở đây, năm nay thấy hầu hết những hoa ngắn ngày, màu sắc và bình dân. Mấy chị mấy cô miệt mài làm việc, thấy khách thành phố ghé thăm vui cười trò chuyện và cho phép chụp ảnh. Hỏi thăm một chút, thì ra làm bông cũng cực chớ, cực hơn làm lúa chớ không thua. Nhìn cây bông, hoa lá được vậy là bao nhiêu công sức. Năm nay thời tiết thất thường, làm bông không được như mọi năm.
Chợt nhớ ít bữa trước đọc tin ở đâu đó, thấy người ta nỡ dẫm đạp lên không xót thương vườn cây hoa ở nơi công cộng hay chuyện nhà vườn trồng hoa Tết ở một vùng quê, hoa kiểng chăm sóc tới ngày đơm bông chuẩn bị mang bán Tết, bỗng một sớm mai thức giấc thấy những chậu hoa kiểng của mình bị người ta đêm hôm tới phá tan nát hết. Nhìn hình ảnh những gốc bông bật rễ héo hon khắp nơi, thật xót thương cho người nông dân và oán giận kẻ ác. Thấy báo chí đăng tin rồi cũng thấy im nhưng thật buồn vì sao thế trong xã hội bây giờ nảy sinh nhiều điều ác.

Dạo lại một vòng khu chợ hoa Phú Mỹ Hưng, đêm cuối năm sắp hết, chỉ còn hơn hai giờ đồng hồ nữa là tới giao thừa mà vẫn còn những người bán hoa vẫn còn đứng ngoài chợ. Và hoa nữa, hoa kiểng còn nhiều lắm. Nhà quản lý khu chợ đã cắt điện mất rồi, chợ hoa Phú Mỹ Hưng bây giờ tối thui. Ở một góc kia mấy chiếc xe tải đang bốc xếp lên xe để chở về nhà những cây kiểng có giá trị một chút là những bụi lớn bông giấy đỏ, chậu bông Sứ hay những cây bon sai lâu niên. Ở ven lề phố dưới ánh sáng nhàn nhạt của những cây đèn đường, những người bán hoa với một vài người khách trễ vẫn còn mua bán. Âu cũng là an ủi bởi tới giờ này người bán hoa biết chở bỏ đi đâu cả đống hoa kia cho kịp giờ trở về nhà đón năm mới với con cái của mình, những là bụi bông cúc, vạn thọ, bụi hướng dương, mùng gà..

Chiều cuối năm dạo quanh chợ hoa Tết định lòng tìm chụp lấy một tấm hình hoa đẹp làm thiệp chúc mừng năm mới, năm trước rồi năm này, bắt gặp những ánh mắt thoáng buồn giữa rừng hoa màu sắc, sao cứ thấy chạnh lòng nghĩ tới họ, những người trồng hoa và người bán hoa. Mau về nhà thôi, về đi kẻo con cái tụi nó đang trông...
Ngoài đường lúc này vẫn thỉnh thoảng chợt rộ lên tiếng xe máy vội vã chạy về nhà. Đã có tiếng lục bục của pháo bông đón năm mới, nhìn về phía trung tâm thành phố ánh sáng xanh đỏ sáng rực một góc trời.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Nam Ô.

Tiên Sa nhìn sang, bên kia bờ vịnh là Hải Vân sơn, xéo một chút là Nam Ô.

Nam Ô khi xưa là một làng chài thanh bình, làng quê có cát trắng, có sông có biển có núi non phía xa xa. Vùng đất ấy nằm dưới chân Hải Vân sơn cong cong cuối bờ vịnh đẹp bên cửa một con sông nhỏ và trông ra biển Đông đón nắng sớm ông mặt trời. Với những người dân làng chài ở đây thì con cá con tôm đánh bắt được trong mỗi mùa đi biển làm cho nơi này được người ta nhớ tới với địa danh cùng với sản vật của biển.

Đà nẵng nổi tiếng với mắm cá Cơm và vùng Nam Ô này thì nức tiếng với nước mắm một thời.
Mắm cá Cơm Đà Nẵng, mở nắp hũ mắm là nghe thơm phức, tuy có hơi mặn nhưng người nội trợ khéo tay và siêng năng ở nhà sẽ nêm nếm thêm một chút gia vị là vừa miệng. Phải thêm dĩa thịt heo ba rọi, bánh tráng và lặt thêm ít rau vườn, mấy trái cà tím nữa để ăn cơm hay ăn nhậu đều bén ngót. Ta sẽ thấy con mắm mềm mà dai, hương vị đậm đà khác hẳn với mắm cá Cơm ở các miền biển khác.
Còn nước mắm Nam Ô là hàng nước mắm thơm ngon thương hiệu từ lâu rồi nhưng một thời tưởng chừng mai một vì nước mắm công nghiệp và hóa chất lên ngôi chiếm lĩnh thị trường, đẩy dòng nước mắm thủ công truyền thống trở về loanh quanh ở làng.
Làng chài Nam Ô vẫn chờ những mùa cá về, các bà má vẫn làm thứ nước mắm theo truyền thống, nhưng người ta chỉ nấu nước mắm để cho nhà mình xài, quen rồi, để gởi cho người thân, con cháu ở xa hay làm quà biếu bè bạn. Thế rồi người đời cũng biết, rằng nước mắm công nghiệp dẫu có thơm có rẻ cũng làm sao bằng được nước mắm ủ nấu theo cách dân gian. Và bây giờ Đà Nẵng lớn lên, đẹp thêm, nhiều người yêu thích thành phố Đà Nẵng, người ta cũng biết tới và thích nước mắm Nam Ô nữa. Thứ nước mắm màu hổ phách mà trong trong sóng sánh, thơm lừng, bởi nước mắm Nam Ô khó tính, lựa cá theo mùa biển lặng, lựa muối, lựa nắng và lựa cả giọt mồ hôi cùng rất nhiều thời gian của ngư dân và người làm mắm.

Nơi này còn có một điều đáng nhớ nữa với những ai có tâm hồn ăn uống, là món gỏi cá Nam Ô. Đi ngang nơi này chắc chắn ta sẽ kiếm một quán ăn và hỏi thăm món gỏi cá ấy.
Mặt trước là cửa quán, con sông chạy ngang sau nhà, một vùng nước loang nhẹ nhàng là nhánh sông Cu Đê đổ ra biển, xa xa kia là dãy núi xanh mờ Hải Vân Sơn. Phong cảnh thật dễ thương khiến người ta hài lòng không tiếc thời gian để ngồi với nhau nhâm nhi trò chuyện.

Gỏi cá Nam Ô từ những chú cá Trích nho nhỏ thuyền ghe đi biển mới đánh bắt về, người đầu bếp làm gỏi theo cách riêng ở đây rồi mang ra cho khách một dĩa gỏi cá tươi rói ngọt ngay. Thêm một ít bánh tráng, mà phải là bánh tráng Đà Nẵng nha, đầy đặn một chút, một ít rau thơm vườn, có rau rừng thì tốt không thôi thêm vào chuối chát, lá Xoài non, ít ngọn lá Đinh lăng là đủ. Ngồi nhâm nhi gỏi cuốn cá Trích với non nước, là núi ở xa xa, là nước sông Cu Đê đang đứng, là ông mặt trời đang đi xuống khuất dần sau dãy Hải Vân Sơn, ráng chiều đang nhạt và chai rượu vơi dần. Món ăn nhẹ nhàng, dân dã thôi mà đi khỏi là thấy nhớ, là bữa sau nếu còn chơi ở Đà Nẵng thế nào cũng ghé lại. Ai đó có đi ngang Nam Ô ráng để dành bụng ghé vô quán nhé, không thôi có đi chơi ra ngoài Huế, hoặc vô thăm Hội An hồi nào trở về ghé cũng được.

Nam Ô dễ kiếm bởi đường từ Huế vô, qua khỏi hầm theo đường về Đà Nẵng sẽ đi ngang một cây cầu có tên Nam Ô, tới đây là xe chầm chậm lại được rồi. Bây giờ thì làng chài ấy khác với ngày xưa, chạy xe ngang, bên ngoài thấy nơi này cũng giống như mọi nơi phố thị, nhà ống, biển hiệu tiệm quán. Nam Ô giờ là phường là quận thuộc thành phố chớ không còn làng. Đi sâu vô rồi cũng tới bãi cát, tới biển nhưng làng chài mai mốt không biết có còn bởi chạy dài bờ biển miền Trung, thấy nơi nào cũng thật đẹp và luôn hấp dẫn những là quy hoạch với đầu tư.

Đôi lần ghé quán gỏi cá có một giàn bông giấy bên bờ nước, nhóm bạn thường ngồi nhậu dưới giàn bông lúc cuối ngày, ngắm sông nước núi non trong ráng chiều cùng thưởng thức món gỏi cá Nam Ô. Một lần chợt nhớ đôi bạn trẻ blogger dễ thương, ngày ấy đi chơi đâu về ghé gỏi cá Nam Ô rồi viết bài nhem thèm người ta. Không biết lúc này mấy tụi nó tung tăng đâu rồi, có còn nhớ không xứ ấy Nam Ô... Nơi có những con cá Trích cá Cơm vẫn theo ghe thuyền về những mùa cá tháng Ba tháng Tám, nhỏ nhắn mong manh thôi mà đã làm nên tên tiếng Nam Ô, và vẫn khiến người ta đã tới đã biết, có đi đâu đó xa xôi rồi cũng sẽ nhớ quay về.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Bình cứu hỏa và cô bé tiệm rửa xe.

Coi báo mạng mấy bữa nay thấy người ta nói nhiều về cái bình cứu hỏa trên xe ô tô, và cái văn bản thông tư số mấy mấy đó bắt buộc người ta phải tự trang bị bình cứu hỏa trên mỗi xe, rồi phú lít sẽ kiểm tra kiểm soát, sẽ phạt tiền nếu không có bình trên xe...
Có người nói, vụ này dân kiện nhà nước xử sao ta? Tui mới mua chiếc xe từ hãng, hãng được nhà nước cấp phép, nhà nước thu thuế cả của hãng, cả người xài xe, tụi tui mua xe xài trả tiền thuế cho nhà nước quá trời luôn, chẳng giống nước nào, chẳng giống ai, thuế vô gấp hai ba lần giá trị chiếc xe luôn. Cũng nhà nước kiểm xe, mới cấp chứng nhận an toàn về kĩ thuật và môi trường cho xe tui chạy đây, đúng luật giao thông luôn. Tại sao bữa nay lính cứu hỏa ra đường bắt phạt tui là sao? Và tất cả các chứng nhận an toàn của các phương tiện đang chạy trên đường từ nay là đồ bỏ hết sao? luật lệ gì kì cục vậy.

Buổi chiều đi rửa xe, cô bé quản lý ở tiệm đưa cho một bình chữa lửa nhỏ xíu xiu, nói chú lấy để trên xe đi, bữa nào trả tiền cũng được, không thôi đi đường lỡ phú lít thổi lại tốn tiền, vừa mất thời gian lại mua nực nội vào người.
Cô bé bỗng hỏi, chú thấy cái dzụ bình cứu hỏa này sao? Rồi nó chỉ cái tem trên kính xe, cháu cứ nghĩ, luật đã cho phép chiếc xe chạy tới đúng ngày này tháng này năm hai mười sáu, đây là chứng nhận an toàn cho chiếc xe, bấy nhiêu là đủ. Hình như luật chỉ qui định trang bị bình cứu hỏa cho xe chuyên chở công cộng, là chở hành khách hoặc là hàng hóa dễ cháy nổ. Khi không ra cái thông tư cứu hỏa lãng xẹt. Nghe chừng cô bé cũng đọc kĩ luật đường bộ.
Hai cô gái loay hoay một hồi không kiếm được chỗ mô cho "dễ thấy dễ lấy" như yêu cầu của mấy ông cứu hỏa, giỡn với nhau hỏi tại sao những ông trùm kĩ nghệ xe hơi Âu Mỹ cả trăm năm nay, từng sản xuất hàng triệu triệu xe hơi cho cả thế giới này xài, và công nghệ ô tô với biết bao nhiêu kĩ sư giỏi thiết kế nội thất mỗi ngày thêm tiện nghi tại sao lại không thiết kế nổi một chỗ chứa bình chữa lửa trên xe chớ?
Cô bé ém cái bình xấu xí ấy vô nơi vẫn để ly cà phê hàng ngày rồi nói, hổm rày mới để ý, không thấy chiếc xe con nào có chỗ chứa cái bình chữa lửa, dù là bình rất nhỏ. Dường như không được ưng ý, hai đứa nhỏ khúc khích cười: trông vô duyên thật, làm xấu cả cái xe của chú. Nhưng thôi kệ, chú cứ để đại chỗ đó, thà có cho nó lành. Mà cháu dặn thêm chú, đừng để xe ngoài nắng, lỡ nóng cái bình nó... nổ thì phiền, còn nữa, nếu mà xui rủi lỡ có cháy xe thì bỏ xe đó mà chạy cho lẹ, cho xa nha chú, rồi a lu 114 kêu cứu hỏa tới cho họ có việc mà làm, he he...

Nhìn cái bình chữa lửa kế bên thấy vô duyên thật, làm xấu mất cái xe và luôn có cảm giác bất an, tất nhiên chỉ để làm vì, để lỡ xui xẻo mà gặp mấy chú phú lít chưa bao giờ thấy dễ thương đỡ phải đôi co, nhưng rồi cũng phải mang nó quăng vô cốp xe. Lại thầm nghĩ, thà rằng bỏ tiền thuế nuôi cô bé tiệm rửa xe làm quan chức có khi đỡ uổng phí, vì chắc chắn là nó không nghĩ ra cái khoản bình chữa lửa trên xe hơi ấy đâu. Bởi ít gì nó cũng hiểu luật một tí, hiểu cứu hỏa một tí, rằng luật với luật thì không được chửi nhau, rằng chữa lửa là việc của ông cứu hỏa và còn biết khuyên bảo người ta, nếu xui xẻo đụng chuyện cháy xe thì mau bỏ cả xe lẫn bình mà dzọt cho lẹ.

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Chúc mừng Năm mới.


Năm mới 2016, chúc Sức khỏe, Hạnh phúc, Niềm vui
và những điều tốt đẹp cho mọi nhà, mọi người.