Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Nơi tận cùng của làng (2).

Trước cửa nhà ông Lý là cái sân gạch khá lớn nhìn ra vườn chè luôn xanh ngắt. Ở vùng quê thuần nông ấy, hầu như mỗi một gia đình đều có một cái sân lót gạch ở trước nhà, lớn nhỏ là tùy theo nhà neo hay khá giả, có nhiều hay ít ruộng. Cái sân gạch ấy khi mùa màng đến để chứa lúa và trục lúa khi mới gặt ngoài đồng về, rồi trang mỏng lúa ra phơi nắng ngay trên sân. Cái sân gạch để ngồi hóng mát tối đi làm đồng về muộn, để ngồi ăn cơm nơi hàng hiên hay uống chè những đêm trăng sáng. Hết sân gạch nhà ông Lý là vườn chè xanh và cuối khu vườn chè ấy có một căn nhà nhỏ của người hàng xóm, đó là nhà bà Hồng, một người cô bà con trong họ với ông Lý. Nhà đơn chiếc, chỉ có hai mẹ con và không có sân gạch. Chỉ là một tấm nhà nhỏ mái rạ trát vách rơm trộn bùn, khoảnh vườn nho nhỏ đầy rau tập tàng và vài bụi chuối tiêu. Hai mẹ con bà Hồng về sống trong căn nhà ấy từ đận cải cách. Bà Hồng ngày còn trẻ đi làm lẽ người ta và sinh được một cậu con trai là anh Dần bây giờ. Năm ấy đội cải cách về làng, chồng bà bị quy là địa chủ, ông bị người ta mang đi rồi xử bắn. Bà Hồng bị đuổi ra khỏi nhà. Cu Dần còn nhỏ, mẹ con bơ vơ, họ hàng xóm giềng xúm lại dựng nên căn nhà nhỏ ấy cho hai mẹ con, bà ở đây từ đó.

Hình ảnh của bà Hồng là tấm áo nâu lưng thẫm mồ hôi, vành tóc cuộn khăn đen tròn trên đầu, một nụ cười của hàm răng nhuộm đen và môi cốt trầu đỏ. Bà nhai trầu suốt ngày, ít nói, có ai hỏi chuyện mới mở miệng. Nhổ miếng cốt trầu cái toẹt vào gốc cây, kín đáo lấy tay lau miệng rồi cười, rồi nhẩn nha trả lời tiếng một. Ai đó có hỏi bà một điều gì là được chỉ vẽ cặn kẽ từ đầu tới cuối, khi nào thủng câu chuyện người đối diện hiểu rõ, à một tiếng mới thôi. Loanh quanh trong nhà ngoài ngõ, làm việc gì cũng lụi cụi một mình nhưng hễ thấy ai đi ngang bao giờ bà cũng nhẹ nhàng chào hỏi một tiếng, có khi không cần ngẩng mặt lên. Cuộc sống bấy nhiêu năm qua của bà dường như được khép kín trong một vòng tròn chừng vài ba cây số với tâm là ngôi nhà tranh trát vách mái rạ, quanh quanh vườn cây ra ngõ, từ chuồng lợn tới bờ ruộng và xa lắm là tới chợ Đông với gánh hàng rau quả bòn được ít nhiều trong vườn nhà chờ ngày phiên mang hết ra chợ. Bà Hồng chẳng sợ nghèo sợ khó, bà sợ sự ghẻ lạnh của xóm giềng. Những năm mới hòa bình, gặp người quen người lạ xóm làng không dám nhìn mặt ai, ngày có đội sửa sai trở lại bà mới ngẩng đầu lên được một tí.

Anh Dần cũng hiền lành ít nói như mẹ. Anh biết làm đủ mọi công việc của một người nông dân ở làng quê. Anh Dần rất khéo tay. Được nhìn anh ngồi trước hiên nhà đan từng chiếc thúng, đan rổ đan rá bằng nan tre và dây mây thì thật thích mắt. Chân kẹp nan, tay đan thoăn thoắt, xong cái nào đem vào treo lên gác bếp để lên bóng bồ hóng. Anh có tính thương người, hay giúp đỡ người khác. Hễ đi ngang qua nhà ai, nghe tiếng cối xay quay ngắt quãng hay tiếng chày giã gạo chậm chạp là anh vào phụ giúp một tay. Cối thóc xay hay cối gạo giã nào có tay chân anh Dần đụng vào chỉ một loáng là xong.
Anh Dần chỉ học hết lớp Bảy, anh bảo có học thêm nữa cũng chẳng để làm gì, chẳng đi đâu được, cũng chẳng hơn gì người ta. Mấy lần xin đi học trung cấp bảy cộng hai cộng ba người ta đã không cho, rồi năm mấy đợt người ta về làng tuyển công nhân đi khu gang thép Thái Nguyên hay đi học làm công nhân lắp máy ở Hải Phòng cũng đều trượt. Chắc chỉ vì cái lí lịch nhà anh thôi chứ sức khỏe á, anh to cao lừng lững thế này, tay chân khéo léo làm việc gì mà không được. Thế nên thôi học, anh yên phận nông dân, hai mẹ con côi cút nuôi nhau mà sống. Cũng vì biết phận mình anh Dần ít giao du chơi bời với thanh niên trong xóm ngoài làng.

Có lẽ chỉ có bọn trẻ con sơ tán về làng năm nào là những người hiểu anh và thân thiết với anh nhất, và cũng chính đám trẻ ấy là những người bạn thực sự, là một khúc đời vui của anh. Năm ấy chiến tranh, bom đạn Mỹ đã rơi trên miền Bắc, người thành phố gởi con cái họ về các làng quê xa. Ở làng anh Dần cũng có một đám trẻ con từ Hà Nội, Hải Phòng sơ tán về, anh vui lắm. Anh rất yêu con trẻ, bọn trẻ con thành phố ấy dễ thương làm sao, trắng trẻo mịn màng, tiếng nói trong veo, đứa nào cũng ngoan ngoãn lại sáng dạ và bảo gì cũng nghe, nên cứ xong việc nhà, rảnh rang là anh đi tìm mấy trẻ sơ tán rủ chúng đi chơi. 
Đối với bọn trẻ thì làng quê thật là lạ lẫm, đầy khám phá và làm chúng thích thú mê ly. Chỉ từ bờ tre ao cá tới sân đình, từ vườn nhà ra ruộng lúa, ở đâu cũng thấp thoáng những trò chơi nghịch ngợm và thú vị với bọn trẻ thành phố. Anh Dần bày ra nhiều trò chơi cho đám trẻ. Anh đẽo con gụ nhanh và đẹp, bổ xuống đất là đứng yên quay tít, tiếng bạt gió kêu u u. Anh làm súng cao su rồi đi nhặt sỏi về cho bọn trẻ bắn chim. Có tối anh rủ một hai đứa nghịch ngợm hơn một chút, lì lợm hơn một chút đi trộm lúa nếp sữa ở ruộng người ta đêm về rang giã làm mẻ cốm xanh đầu mùa dẻo thơm ngon ngọt. Anh chỉ cho chúng đi mót lúa trên đồng những ngày mới gặt, chỉ cho chúng biết hang nào là rắn hang nào là cua mà thò tay bắt. Thích quá được trèo hái thứ cây Sắn thuyền ăn vào ngọt lịm tím môi, không thấy ở đâu có, hình như chỉ có ở vùng đồng đất này.
Bọn trẻ thích nhất là được đi câu cá. Chọn cành tre già và thẳng để làm cần câu phải là tay anh, cắt dây thép từ sợi dây phanh xe đạp làm lưỡi câu, nung lửa cho mềm uốn rồi tôi, chỉ có mỗi dây cước là phải nhờ bà Hồng đi mua vào ngày chợ phiên. Mồi câu của anh thật lạ, anh lấy gạo mang rang lên rồi giã thành thính, sau đấy lấy cơm mẻ trộn lẫn với nhau thành thứ mồi câu vừa thơm vừa dẻo, lần đi câu nào về cũng được nhiều cá. Những con cá câu được ở ao hay ngoài mương mang về nhà, anh lấy lá sắn non lót một lượt dưới niêu, kho cá rồi ủ trong than trấu. Nấu cơm cũng ủ trong than rơm rạ kín nắp nồi. Cơm cá nấu nồi đất, gạo mới cạn nước ủ kín trong tro rơm rạ, ăn bữa cơm ở nhà anh là nhớ đời.
Thấy anh quấn quít với đám trẻ mới, bọn trẻ con ở làng bảo với bọn trẻ sơ tán đừng có chơi với anh Dần, nhà ấy là nhà địa chủ, bố anh ấy bị cách mạng xử bắn đấy.

Năm ấy anh Dần có một tình yêu. Người yêu anh ở cùng làng, là con gái cưng của một chức sắc hàng xã hàng huyện gì ấy. Anh chị giấu kín lắm nhưng ông chủ tịch vẫn biết, chuyện này khiến ông điên tiết. Từ xưa đến nay có bao giờ ông thèm nhìn nhà ấy. Ông bảo làm sao nhà ta có thể thông gia với nhà ấy được, con gái ông con nhà cách mạng cơ mà, còn gì thể diện của ông, và ăn nói thế nào với cơ quan đoàn thể. Ông cấm tiệt con ông không được giao du với ngữ ấy. Nhưng người làng có câu gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó, tình yêu đôi lứa sáng trong làm sao dứt nhau ra được.
Ngày ấy trai làng đi đâu vãn cả. Hết lượt này lượt khác đi công nhân rồi bộ đội hay thanh niên xung phong, chỉ còn mấy người sức yếu thì ở nhà quê làm ruộng. Nhà nào cũng một đống con trai, nhà nào cũng hai ba thằng bộ đội, những tấm bằng vẻ vang treo trên vách nhà nhiều gia đình đã cũ kĩ.
Anh Dần thì chẳng thể đi đâu, nhà con một nên anh cũng không phải đi bộ đội. Đôi lứa ấy vẫn có nhau ở làng quê, họ vẫn có những khoảng hẹn hò, tay trong tay khi mát dịu dưới chân cát phù sa sau cơn mưa đêm đường đi làm đồng sớm, chân té nước đuổi theo nhau lúc cơn mưa rào mới tạnh, cá rô lách ngược dòng bờ ruộng này qua bờ ruộng khác.
Ông bố ấy nhẫn tâm, không có cưới hỏi gì cả, ông đuổi con gái ra khỏi nhà và trong đầu cũng quyết đuổi anh Dần đi đâu cho khuất mắt. Thế rồi đôi trẻ sinh được một cậu trai kháu khỉnh. Dù có là con một, ít lâu sau anh Dần vẫn nhận lệnh điều động đi bộ đội. Lệnh huyện đã về, làng quê ai làm khác được. Anh Dần lên đường ra trận. Ít lâu sau mẹ thằng Quỳnh bỏ lại con trai cho bà nội, đi lấy chồng ở một huyện khác thật xa.

Thằng Quỳnh lớn lên không nhớ nổi mặt cha. Còn mẹ nó, sau này có đôi lần về thăm nhưng càng lớn nó càng hiểu phận mình và mẹ nó thì còn một gia đình riêng yên ấm. Nó cũng đã quen ở với bà, quen làm ruộng, quen tự chăm lo cho mình đã bao nhiêu năm qua. Thời gian trôi, hai bà cháu lui cui năm tháng giống y hệt ngày xưa bà Hồng lụi cụi với cha nó. Quỳnh lớn lên tự nhiên như củ khoai bông lúa quê nhà, chắc tay trĩu nặng phù sa và tính tình cũng hiền hòa như bà nội của nó.

Nỗi niềm gia đình mình, bà Hồng đã gói chặt trong lòng chỉ đôi khi mở ra những đêm lạnh giá mùa Đông giữa giấc ngủ bên thằng cháu nội. Chợt thức, chợt nhớ đứa con trai và mong ngày con trở về.
Nhưng không có cái ngày ấy mà bà Hồng mong đợi. Một chiều gió bấc, bà nhận giấy báo tử thằng con trai duy nhất của mình ở trên huyện gửi xuống. Bà Hồng chết lặng, không khóc nổi, khi nỗi đau khổ của một kiếp người đã ở nơi tận cùng, bà chỉ muốn nhắm mắt xuôi tay cho hết đi một kiếp người. Nhưng rồi nghĩ tới thằng cháu nội bên mình, giọt máu của con trai bà còn rơi lại, cũng là giọt máu đào của bà, của dòng họ, xót xa...
Đêm ấy đã khuya, bà ôm cháu vào lòng, vuốt đầu thằng cu, cầm nước mắt bà nói với cháu mà như thở than cho cuộc đời mình, tội nghiệp cháu tôi, mới ngần này tuổi... thôi cầu trời cầu phật cho bà cháu tôi từ giờ được yên lành, mồ côi cháu ơi sống với bà, không thể đi đâu xa được nữa, ngoài đường kia bao nhiêu là hung thần cạm bẫy bà sợ lắm rồi. Ở bên cạnh bà, rau cháo có nhau con ơi...
Đau khổ cuộc đời dường như đã quá nhiều cho một người đàn bà. Bà gắng gượng, lại một lần chôn chặt thêm một niềm đau xuống dưới một niềm đau cũ kỹ.

Quỳnh biết cảnh nhà biết bà nội khổ nên an phận từ nhỏ, chỉ biết đi học, về nhà chơi với bà và lo cho bà, lo cho cuộc sống bà cháu tốt hơn. Nó còn làm ruộng, làm thuê, chăm chỉ hệt cha nó, sẵn lòng giúp ai đó buổi cày buổi cấy hay góp công với người ta khi xây nhà dựng cột đổ mái bằng. Quỳnh sống tằn tiện, dành dụm rồi cũng tự mình dựng được trên nền nhà cũ  một căn nhà ba gian thay cho căn nhà mái rạ trát vách rơm trộn bùn thuở trước, nhỏ thôi nhưng tạm sáng sủa cho hai bà cháu, và để còn lấy vợ sinh con.

Cha Quỳnh chết ở chiến trường từ ngày còn chiến tranh, mãi nhiều năm sau hòa bình bà nội nó mới hưởng danh thơm làm bà mẹ Việt Nam anh hùng, được ít năm rồi chết. Thế là bà Hồng cũng trọn được một đời người, nuôi con mồ côi rồi nuôi cháu mồ côi. Quỳnh thêm một lần đặt di ảnh lên bàn thờ, di ảnh bà nội nó.
Từ ấy đến giờ, thằng cháu nội một của bà Hồng vẫn sống ở ngôi nhà trên mảnh đất nhỏ ấy, nơi góc vườn xưa từ thuở cải cách bà nội nó bị đuổi ra, với gia đình nhỏ của nó. Khép kín, lặng yên, thanh đạm, hạnh phúc, bây giờ một thế hệ mới đã sinh ra, lớn lên ở nơi này, thế hệ thứ tư của nhà bà Hồng.