Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Cà phê Anh Đỗ.

Có một bữa vợ chồng ngồi cà phê sáng với nhau trước giờ đi làm, một ngày như mọi ngày, vợ hỏi chồng hay là mình mở quán cà phê chơi anh nhỉ. Ơ, ý tưởng hay chớ, thế là vợ chồng bắt tay nhau cái rụp, mần.

Sang sửa lại ngôi nhà và khoảnh vườn nhỏ, không nhờ ai thiết kế, tự mình thích dọn dẹp, trang trí cỏ cây theo tùy hứng, tự tạo một kiểu cách riêng của mình tại ngay nhà của mình.

Không bị một áp lực sở hụi thuê mướn mặt bằng, mở ra một quán cà phê gia đình vừa sức. Vậy là có một nơi bạn bè tụ bạ, nói dóc và tập mần thơ con cóc, hoặc nhâm nhi ngắm nghía một góc, khoảnh vườn xanh mỗi sáng mỗi chiều, và rồi gia đình sẽ luôn có những vị khách mới.

Chọn ngày bắt đầu sửa chữa là sinh nhật Anh Đỗ chị, chọn ngày khai trương là sinh nhật Anh Đỗ em, sau một tháng, Anh Đỗ quán đón khách.

Ngày khai trương có rất nhiều bè bạn tới chơi và rất nhiều hoa chúc mừng. Anh Đỗ nhí cười vui thế khi có các chú bác bạn học thuở nhỏ của bố, các cô chú bạn blogger SG gởi tặng những lẵng hoa, sách đọc và những lời chúc thân thiết nhân sinh nhật Nhí cũng là ngày sinh AnhDo quán, còn bố mẹ Nhí thì cảm động và cám ơn mọi người thật nhiều.


-Nhí với chú AK7 .
-Các anh chị sinh viên tổ tiếp tân với Nhí.
-Các chú bảo vệ và giữ xe cho khách.

-Thêm vào một hồ san hô, hải quỳ, cá biển là điểm nhấn của quán. Mọi người tới đây chơi sẽ thấy thư giãn với những bạn san hô hải quỳ cùng các chú cá hề, trong đó có cả chú cá con Nemo nữa.
-Những góc vườn, bàn ghế bụi ngoài vườn, cây kiểng, hồ
thủy sinh do tự bố Nhí sắp xếp và tự tay làm cho khoảnh vườn thật riêng tư.

-Các bạn nhỏ rất thích cái xích đu.
-Những vị khách của ngày khai trương.

-Mới sáng ra mở cửa, ha
i chàng trai trẻ ngoại quốc một da trắng một da màu nhào vô mở hàng, nói cười tí toét, đó là hai vị khách đầu tiên của Anh Đỗ quán. Hổng biết có hên không hai chàng trai bự con vui tính.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Mừng sinh nhật Nhí Nhỏ.

Ngày mai Nhí Nhỏ tròn một giáp.

Đang tuổi học trò, là học hành và vô lo. Gia đình tạo cho mọi điều kiện thật tốt để tu dưỡng và học hành và lại được cha mẹ cùng mọi người hết sức cưng chiều.
Nên chỉ một điều, là nhắc cho Nhí Nhỏ: ráng ngoan, ráng học để vui lòng cha mẹ, gia đình và bao nhiêu người quan tâm.

Chuyện vui, có một lần đi du lịch tập thể, một chú ở cơ quan bố trong lúc vui đùa lại sửa tên bé thành bé Nhí Nhố. Bé còn nhỏ, nhưng nghe từ đó biết là không ổn, nghe kỳ kỳ. Thế là bé muốn đổi tên. Chú Giang còi giải thích giản đơn, dễ hiểu: tên Nhí ai nói Nhí Nhố hay El Nino còn có nghĩa là cô gái nhỏ, một từ rất dễ thương ở xứ sở xa xôi, tự tìm hiểu nhé. Không biết bé có tìm hiểu ra không, bố bé không hỏi, nhưng bé không đổi tên nữa. Vẫn là Nhí Nhỏ của bố mẹ, chị Hai, người thân và chúng bạn.

Lại có một lần, chủ đề ở lớp nếu bạn được bà Tiên cho ba điều ước bạn sẽ ước gì, Nhí Nhỏ xài một điều ước là có được một ngàn điều ước để ước cho nó đã.

Khi học lớp Mẫu giáo, bé thích mai mốt lớn lên làm bác sỹ. Nhắc Nhí muốn làm bác sỹ phải học cho giỏi ngay từ nhỏ. Lớn lên một chút, bé nói thích học làm bác sỹ nhưng chỉ chữa bệnh cho những con vật nuôi trong nhà. Mẹ nói, à vậy là lớn Nhí sẽ học làm bác sỹ thú y, đại học nông lâm chắc là có ngành học này. Lớn thêm chút nữa, Nhí nói thích khám bịnh và chữa bịnh cho những con vật nuôi, khi mà chúng đang còn nhỏ, còn dễ thương. Bố Nhí nói, vậy là khó à, mai mốt Nhí sẽ học khoa Nhi thú y và tới 2016 Nhí học hết trung học, chắc gì có bộ môn nhi, khoa thú y, hi hi... Để chờ coi.

Một chuyện vui là vào sinh nhật Anh Đỗ Nhí năm nay, bố mẹ sẽ khai trương Anh Đỗ quán. Quán cà phê của chúng ta được tiến hành vào sinh nhật Anh Đỗ chị 25 tháng Mười và bắt đầu hoạt động vào sinh nhật Anh Đỗ Nhí 27 tháng Mười Một. Vui và ý nghĩa phải không nào. Mai mốt này hai đứa nhỏ nhất sẽ tổ chức sinh nhật chung nhé. Vậy là nhà mình sẽ có hai cặp sinh nhật chung là hai đứa Anh Đỗ nhỏ và cặp bố mẹ. Chị Hai ráng kiếm người sinh nhật chung đi cho giống người ta nhe, Hai hi, hi hi...

Đôi điều nhắn nhủ, kể lại mấy câu chuyện vui để cho các bé nhớ, và lại là những tấm hình chụp cho Nhí những năm qua là quà tặng sinh nhật cho bé năm nay đó.


- Ước mơ làm bác sỹ từ ngày đi học mẫu giáo.
- Lại rất ưa thích và tìm hiểu các môn xã hội.

- Và giao tiếp.


- Nhí và em Trung chơi với cá Heo trắng.

- Ước mơ bác sỹ vật nuôi.
- Và cũng biết lao động giúp ông bà ngoại hay là quậy chơi đây?


- Nhõng nhẽo Hai.
- Nhõng nhẽo bố.
- Và nhõng nhẽo mẹ.


- Lang thang đường Lê Hồng Phong Hà Nội phố kiếm hàng Sấu đôi.

- Vừa đi thăm vừa học: thăm Hồ Gươm.

- Và thăm thành nhà Mạc ở Lạng Sơn.

- Về sông ăn cá về đồng ăn cua.
- Cả nhà đi lặn biển.

- Lên tới biên giới.

Và bé luôn nhớ rằng:

Cả nhà ta cùng thương yêu nhau,

Xa là nhớ, gần nhau là cười.

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Mời khai trương.

Thân mến mời các anh chị em và các bạn blog AnhDo dễ thương của tui tới uống cà phê khai trương và chỉ giáo quán nhà: Cà phê Anh Đỗ. Địa chỉ số 14/4 đường Lam Sơn, phường 6 Bình thạnh.
Quán sẽ được khai trương 07h sáng ngày thứ Bảy 27 tháng Mười một 2010.
Anh Do.
Thân mời.

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Lu xa bu.

Ít bữa nay lu bu quá xá việc, nên bê trễ việc chăm sóc nhà cửa. Chắc chừng cuối tuần mới tạm xong việc.

Nhắn nhủ trước với các bạn đội blog, ngày nghỉ cuối tuần này có hò hẹn với ai cũng ráng chừa cho blog AnhDo ít giờ ộp nhé. Tại lại mới có nhuận bút của blog AD nữa rùi, được quyền mời hội. Kỳ này có hai bài Nhớ hàng Sấu đôi và bài về dì Hai chè xôi nước. Vui thế, nhưng kỳ này đổi tông ộp ốc sang tông khác đấy nhé. Thông báo trước tới mọi người để dành hẹn và mong mỏi được sự hưởng ứng của các bạn tui.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Dì Hai Giờ.

góc phố nơi trung tâm thành phố, trước cánh cửa quán bar ấy, mỗi sáng bà cụ ngồi với gánh hàng quà, sao không thấy đâu nữa, một tuần lễ đã qua, rồi một tháng đã qua...

Nhịp sống đô thị vội vã, người qua lại nơi đây hàng ngày hay cả những cô gái là khách hàng quen thuộc dường như lãng quên gánh hàng quà của bà cụ vắng bóng đã ngót một năm...

Thế rồi một sáng nắng sớm cuối mùa mưa, người ta lại thấy bà cụ với gánh hàng rong có mặt nơi góc phố. Ríu rít xung quanh là vài ba cô gái đồng phục văn phòng và mấy cô cậu trò trường trung học gần đó đi học sớm.
-Dì Hai kìa... nhớ dì Hai muốn chết.
-Dì Hai đi đâu bữa đó tới giờ, tụi con nóng ruột không biết hỏi ai, không biết kiếm Hai ở đâu nữa.
-Nhớ tàu hũ, nhớ chè xôi nước dì Hai quá chừng, không có chè ở đâu qua được chè dì Hai, bữa nay con ăn bù ba bốn chén luôn.
Dì Hai mỉm cười, cảm động, tất tả múc tàu hũ, chè xôi nước cho các cô gái bịch nhỏ bịch lớn mang về.

Gánh chè xôi nước ở góc phố ấy từ quê lên phố đã hai mươi năm ngoài, mọi người kêu bà cụ chủ gánh hàng rong ấy là dì Hai. Quê tận ngoài xứ Quảng, dì năm nay đã sáu mươi ngoài. Nắng mưa vất vả nên coi vẻ ngoài dì Hai khắc khổ, già hơn tuổi và ít ai biết được dì đã gắn bó cả một đời với gánh tàu hũ, chè xôi nước ấy.

Có ai đó đang ngồi tâm sự với dì, vẻ mặt chưa hết buồn thương, dì nói năm rồi dì xếp lại gánh hàng rong, về xứ nuôi người cha bịnh. Ông cụ đi xa mãi rồi, nay lại trở vô.
Một năm dì Hai vắng bóng để cho bao người nhớ.

Năm mười ba tuổi, cô bé Hai Giờ với gánh hàng rong trên vai đã đi bán chè dạo khắp vùng quê ngoài Quảng Ngãi phụ gia đình. Lớn lên cũng với gánh hàng tàu hũ và xôi nước, dì Hai Giờ nuôi nấng những đứa con của mình khôn lớn.

Mang theo gánh hàng rong và một mình vô Sài Gòn hơn hai chục năm, dì Hai mưu sinh bằng chính gánh tàu hũ, chè xôi nước ấy từ ngày đó cũng như ngày nay, để lâu lâu gởi tiền về phụ giúp gia đình, người thân và mỗi khi ở quê có việc.
Dì Hai thuê nhà ở chung và cặm cụi mỗi ngày tự mình làm hết tất cả. Hàng ngày cứ chập chiều cơm nước xong là dì Hai ngâm đậu rồi đi ngủ sớm. Nửa đêm mang đậu đi xay, rồi quay ra nấu chè nấu tàu hũ, tới hừng sáng là dì với gánh hàng ra đường. Sài Gòn một ngày như mọi ngày.

Khi đi qua những góc phố Sài Gòn, bất chợt thấy gánh hàng rong, một chiếc nón lá và bóng dáng người phụ nữ. Ai cũng hiểu đó là những bà mẹ của những gia đình còn nhiều vất vả. Họ tảo tần, cần mẫn như những con ong, dù Sài Gòn là ngày mưa hay ngày nắng.

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Thương nhớ người xưa.

Một chiều cuối năm có một người khách lạ qua cầu TMG ghé thăm lại con hẻm nhỏ Vạn Phước.

Đã lâu mới ghé về, con hẻm đã khác xưa nhiều lắm. Đường đi lại trong xóm rộng rãi, nhà cửa khang trang hơn và có nhiều người lạ.
Một dạo, ở nơi này mọc lên thật nhiều quán ốc. Mấy nhỏ học trò, đám sinh viên và những người sành ốc thường rủ nhau về TMG ăn ốc, là về nơi này đây.
Xóm ốc sinh viên trước đó ít lâu khá đông vui, giờ thưa hơn trước. Ở ngã ba quốc tế vẫn có một quán ốc, một quán một. Ở đó bán đủ các loại ốc ruộng và ốc biển. Thêm một xe bột chiên và một xe nộm khô bò, đủ mồi gày sòng môt bữa nhậu bình dân. Đám sinh viên nam nữ sư phạm đang ăn uống và chọc ghẹo nhau, tiếng cười vô tư dài tới tận bờ kinh.

Nhà Sáu Bảnh chuyển đi khỏi hẻm Vạn Phước đã nhiều năm. Sáu có ghé về hẻm một vài lần tính gặp lại người xưa, tính hỏi thăm cuộc sống, và cũng là lẽ thường, trộm nhìn em, xem dung nhan đó bây giờ ra sao.
Nhưng không còn thấy đâu gánh ốc của dì Tư và hỏi thăm chưa gặp được người biết đến Tư. Nghĩ bụng chắc là ở nhà bỏ nghề đã lâu và Sáu tin một điều, xóm ốc sinh viên ở đây chắc chắn có sự khởi đầu và cái hên từ gánh ốc Len nước Dừa của dì Tư xứ Quảng ngày đó. Hẹn với lòng khi nào rảnh sẽ kiếm thăm mẹ con dì Tư cho được.

Bữa nay ghé về hẻm có nhiều thời gian hơn, hỏi thăm rồi cũng kiếm ra được nhà Tư. Đó là một căn nhà nhỏ ở gần nơi xưa.
Không còn gánh hàng ngày xưa mà là một quán ốc nho nhỏ, ghế bàn nhựa nho nhỏ, và một cô bé phụ việc cũng nho nhỏ bên lề đường bờ kinh Nhiêu Lộc. Khách thưa vắng, chỉ một bàn một, đang uống bia, ăn ốc Len và nói chuyện văn thơ.

Dì Tư tay vịn cầu thang lầu đi xuống bước một. Nghĩ bụng Tư năm nay chừng sáu mấy, sao coi mau già và ốm đến nhận không ra. Không còn thấy đâu phong thái chậm rãi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa cười cười, cười miết thôi của ngày xưa. Đôi mắt đã mờ nhìn xa xăm, không nhận ra người khách ruột hàng đêm năm nào. Chậm chạp, lưng đã còng như cả đời vẫn gánh mãi hàng ốc Len trên vai.

Hiền đi đâu về lúc xẩm tối. Vậy là cô ấy trông coi quán ốc bình dân này. Vậy là ở nhà vẫn giữ cái nghề ốc Len xưa nay. Vậy là không có Hoàn ngày đó, vậy là không có cô nhân viên văn phòng công ty xuất nhập khẩu hãnh diện đồng phục sớm tối đi về ngõ hẻm. Hiền vẫn ở nhà với mẹ hết bấy nhiêu năm, có gia đình rồi phụ mẹ, rồi vợ chồng thay luôn mẹ gánh hàng ốc Len, tới giờ.

Khuôn mặt nàng bây giờ là khuôn dì Tư ngày đó. Tuổi nàng bây giờ là tuổi Tư ngày đó, trạc bốn mươi ngoài. Nhưng khác. Khác nhiều lắm. Thay vào cánh trầu tươi là điếu thuốc đượm khói giữa hai ngón tay, bên cạnh ly cafe chiều dang dở nơi phố chợ đông người. Thay vào nụ cười thơm nước cốt trầu là thoáng chau mày ngạc nhiên và cái hất hàm kẻ chợ:
-Anh là ai tới thăm Tư, sao rành Tư, sao hỏi thăm kỹ vậy?
Rồi ánh mắt một thoáng mở to, một thoáng chững lại, một thoáng chợt nhận ra, nàng đứng dậy, quay ngoắt, quầy quả lội qua bên kia đường.

Định bụng có một chút gì thăm hỏi, một chút chuyện ngày xưa để cười ha hả cho ấm lòng, nhưng Sáu Bảnh không nghĩ mọi người sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy.

Không đủ can đảm nâng máy chụp một tấm hình, dù là Tư hay Hiền hay quán ốc đơn sơ bên bờ kè. Sáu lặng lẽ mua một phần ốc Len, bày ngay ngắn lên bàn và lấy ra chiếc máy hình nhỏ.
Chỉ có dĩa ốc của Tư là không thay đổi. Thoảng lên mùi béo ngậy của ốc Len nước cốt dừa và mùi thơm hăng của những cánh rau răm.

Chưa một lần nắm tay em dù vụng về hay sôi nổi, nhưng bao nhiêu năm Sáu vẫn cứ nhớ Tư, nhớ Hiền, nhớ gánh hàng ốc Len và nỗi trăn trở công ăn việc làm của những năm tháng xa. Cái nhớ lâu lâu cứ chợt về.

Một lần, dì Tư vừa nhai trầu, vừa đảo ốc vừa chỉ cách làm món ốc Len nước Dừa. Mãi về sau này, mỗi lần nhìn dĩa ốc Len Sáu lại nhớ: "Ốc Len xào dừa, để qua ngày xào lại, là ngon hơn, béo hơn, ngậy hơn đó cậu Hai, nhậu đi rồi biết".

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Cũng một mối tình

Thời gian chạy đi mau mắn, đánh dấu thêm một vạch, thêm một chuyến đi nữa cho mình, chuyến biển này Sáu Bảnh lên bờ nghỉ phép để chuẩn bị đi nhận một con tàu mới về cho công ty. Sáu rất vui vì đúng dịp, được ở nhà loanh quanh ngõ hẻm với mẹ lại có thêm một niềm vui mới đang chờ.

Một bữa đi ăn sáng, Sáu tình cờ gặp Hiền ngồi cùng một chàng trai ở quán hủ tiếu Kỳ Đồng. Hỏi thăm, Hiền nói:
-Anh ấy làm trên quận, bữa nay chở em đi xin việc.
-Vậy sao? Việc làm với em quan trọng đến vậy sao? Ờ mà cũng đúng, nếu xin được việc làm là quá tốt, má sẽ mừng lắm đó. Vừa hỏi, lại tự trả lời, Sáu buông một câu trật lấc. Sáu Bảnh hơi mắc cỡ nghĩ bụng cái dzụ này người đời kêu là có hơi hướm ghen tuông, lãng nhách.

Buổi chiều ấy bàn giao công việc, thu dọn tư trang, chia tay anh em tàu đi chuyến biển mới, Sáu về nhà nghỉ phép và lên kế hoạch cho những ngày sắp tới.

Gặp anh Phương ở đầu hẻm, Sáu dúi cho anh mấy gói thuốc lá rồi anh em kéo nhau xà vô gánh ốc. Chuyện qua lại chủ khách một hồi rồi cũng sang chuyện Hiền và chuyện xin việc làm. Kể chuyện sáng nay gặp Hiền đi xin việc, Sáu vui vẻ bàn với dì Tư:
-Hay là Tư cho em Hiền đi học lấy một cái nghề gì đi, rồi từ từ xin việc làm sau.
Dì Tư ngần ngừ:
-Nó nói để má cực mãi như vậy đâu được. Mới nghe đâu có cậu nào đang hứa xin việc cho nó. Tui nói tính cho kỹ, cả cuộc đời giao tay người ta, rồi lại khổ như tui... Biết mình lỡ lời, Tư chợt im lặng.
Hiểu thêm cảnh nhà và tâm sự của mẹ con Hiền, Sáu nói:
-Tư nên để em Hiền tính, là cuộc đời của cô ấy mà.
Như là hai mẹ con thường bàn về chuyện này nhiều lắm, nên Tư vẻ không chịu:
-Tui nói hoài cậu Hai, kiếm thằng chồng vững chãi lấy chỗ mà dựa, biết lo mần ăn cho vợ con nhờ. Nó nói chừng nào xin được việc làm nó mới lấy chồng.

Nghĩ mình có nhiều bạn bè, nhờ ai đó chắc là được việc, Sáu mạnh dạn, thiệt tình:
-Hay là Tư nói em Hiền khỏi tính toán nhiều. Con tính cho Tư nghe có được không nè? Thích đi làm để từ từ con tính cho, không thôi lấy chồng đi rồi ở nhà nuôi con, có Sáu này lo hết. Tư coi kỹ lại coi, không dóc miếng nào, Sáu này cũng "bảnh tẻng" ác chiến luôn, đâu chịu thua kém ai đâu Tư.
Anh Phương bơm thêm:
- Phải đó Tư, Sáu Bảnh không nói thôi, nói là làm, làm là xong việc, tui biết hắn quá mà.
Tư không nói, chỉ ngồi nhai trầu, mắt nhìn về cuối con hẻm xa xa.

Những ngày cuối tuần luôn được mọi người trông chờ và yêu thích, nhất là những đôi trẻ. Nhưng tại sao lại có một ngày cuối tuần tệ hại và vô duyên như vậy với Sáu Bảnh.

Buổi tối thứ Bảy ấy kéo qua hết nửa tuần rượu mà như không ai muốn nói chuyện với ai. Mặc kệ hai anh em ngồi uống, kêu xị sô thì Tư lấy sô xị, bỏ thêm miếng nước đá và mấy trái tắc. Suốt buổi làm như dì Tư hổng muốn nói năng chi hết, chỉ ngồi nhai trầu bỏm bẻm dù biết ý Sáu muốn trò chuyện riêng với dì . Sao vậy thì Sáu không hay nhưng với thái độ ấy của người mẹ, hẳn có chuyện gì với Hiền rồi.

Nghĩ vậy nên nói chuyện vòng qua vòng lại, đá nọ đá kia lựa mãi mới qua được chuyện bé Hiền. Tư làm như không nghe tiếng Sáu Bảnh hỏi thăm, đứng lên xuống làm bộ xắp xếp lại rổ rá xoong nồi.

Hồi lâu yên lặng , nhổ miếng cốt trầu, lấy tay thoa miệng, mãi dì mới nói, thật nhỏ:
-Con Hiền ấy... như là nó có người yêu rồi đó cậu Hai.
-Cái gì? Tư nói lại coi?
Uống nãy giờ đã nhiều, Sáu Bảnh như tỉnh rượu hẳn, muốn nhảy nhổm.
Chờ một hồi cho Sáu bình tĩnh lại, Tư tiếp:
-Nó quen thằng Hoàn làm trên ủy ban quận, lâu lâu rồi chớ không phải mới đây.
-Lâu là bao lâu? Con mới đi ba bốn chuyến biển chứ mấy. Sáu sốt ruột.
-À... Tính tình thằng đó hiền lành, không thuốc lá trà rượu gì ráo. Ba nó đâu cũng làm lớn, đang tính xin việc cho con nhỏ vô bên Trimex, kêu là công ty xuất nhập khẩu chi đó, làm việc văn phòng đàng hoàng.
Ờ... mà thực ra con nhỏ chưa có ý gì với thằng Hoàn, mới có vụ hứa xin việc, làm con Hiền trông hoài mấy tháng nay. Mới nghe thằng Hoàn nói xa xa, chừng nào rồi công ăn việc làm nó xin phép dẫn ba má nó qua. Ờ... mà tui chưa có nói năng chi hết, cũng chưa có giờ bàn với con Hiền.
...
Tối ấy về nhà Sáu thấy buồn.
Ôi, cái gọi là công ăn việc làm, để có một vị trí làm người lao động trong xã hội là quan trọng, là khó khăn vậy sao, là lệ thuộc vậy sao, là ai cũng phải đánh đổi vậy sao?
Thật lâu rồi Sáu mới cảm nhận một nỗi buồn như thế, tự nhiên buồn, vừa như đánh mất một cái gì, vừa như tiếc nuối một cái gì. Nỗi buồn vu vơ thật lạ.

Chỉ sau đó ít bữa, Sáu Bảnh gặp Hoàn tình cờ nhưng lại như một sự xắp xếp, và lại ở ngay nơi gánh hàng ốc của dì Tư. Vừa nhai trầu bỏm bẻm, cười, dì Tư vừa hỏi thăm một cậu trai mới chạy xe tới: "Hoàn mới sang đó à, con Hiền nó đang chờ con trong nhà".
Sáu cũng đang ngồi đó, vẫn cà cưa sô xị với anh Phương như mọi khi, hai người ngạc nhiên hết sức, mà quê. Anh Phương uống nửa ly rượu cười khùng khục:
-Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Sáu tợp một hơi ly rượu bỗng dưng lạt lẽo, dĩa ốc Len đắng nghét còn cái mặt sượng trân. Bỗng dưng muốn đập phá, Sáu đá mạnh chân anh Phương:
-Ngồi đó lẩy Kiều, thôi nín đi cha nội.

Nghe cách Tư kêu thân mật "con" với cậu trai, Sáu Bảnh cảm thấy câu chuyện tình như đã rồi và với mình như là sự chối bỏ. Ấm ức và buồn lòng, Sáu đứng dậy chào dì Tư:
-Vậy là đó giờ Tư giỡn chớ hổng phải con.
...
-Mà sao Tư ác dữ, nỡ giỡn vậy với con hả Tư?...

Đó cũng là bữa ốc Len cuối cùng của Sáu Bảnh nơi ngã ba quốc tế của con hẻm Vạn Phước.

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Ai ốc Len xào Dừa.

Chuyến biển đi về hết một tháng. Háo hức trông chờ mau được về bờ nên thời gian với Sáu Bảnh như quá dài so với những chuyến đi khác.

Ở tàu vẫn đi ca biển, rồi lại lo quan thuế, hàng họ bán buôn hết cả tuần lễ mới xong xuôi, bữa nay Sáu mới được nghỉ. Chập tối giao ca sớm, Sáu đi bờ. Đây mấy lon sữa bột cho bọn trẻ con nhà bạn, đây xấp hình mang đi rửa, thôi nôi, sinh nhật con nhà ai không biết, mang về khắc có người tới lấy. Món quà nho nhỏ cho Tư và Hiền đây rồi, Sáu vơ vội giỏ quà của chuyến công tác, phóng xe như bay về con hẻm Vạn Phước thân thuộc.

Ghé thẳng nhà dì Tư, cũng là lần đầu tiên. Một căn nhà nhỏ, rất nhỏ. Mọi thứ trong nhà đều đơn giản nhưng gọn gàng. Hiền ở nhà một mình. Một thoáng ngạc nhiên, cũng một thoáng chấp nhận người ấy tới nhà mình như là chuyện đương nhiên, Hiền cười và trách nhẹ:
- Thấy anh đi đi về về từ mấy bữa, làm những gì mà bữa nay mới thấy anh ghé.
-Mọi người mạnh giỏi hết không? Ây dà, anh bận quá, lại ca kíp nữa, nhưng bữa nay xong hết rồi. Sáu khoái chí và cảm động với lời trách giận nhẹ nhàng nhưng lại thoảng nhớ nhung ấy. Thấy có hai đứa ở nhà không tiện, sáu hẹn Hiền tối ra nói dóc với má. Cô bé không nói, chỉ cười thật tươi.

Sáu Bảnh có một tuần lễ vui vẻ, hưng phấn, chỉ thích đi về quanh quẩn trong con hẻm đã quen mòn. Nhưng sao lạ, những ngày này Sáu mới nhận ra, con hẻm nhỏ dường như đẹp đẽ hơn, thanh bình và thơ mộng hơn bấy lâu nay.

Những câu chuyện giữa Sáu với mẹ con dì Tư là chuyện vụn vặt của mọi thứ đời sống vất vả khi ấy. Những người trong cuộc hiểu biết được về nhau khá nhiều. Với Hiền, suy nghĩ lớn nhất của cô là phải tìm việc làm. Từ ngày hết phổ thông, mấy năm nay chỉ quẩn quanh trong cái ngõ hẻm, và cuộc sống gia đình trông tới trông lui vẫn là một tay mẹ với hàng ốc Len. Cô thèm muốn được đi làm như người ta, để độc lập và để phụ mẹ. Cô chưa nhìn thấy môt ánh sáng nào cho cuộc sống mai sau của mình và mẹ. Có nhiều đêm, nghĩ hết chuyện nhà, Hiền chợt mơ đến một vùng đất nào đó mà hàng ngày và ở nơi nào người ta cũng hay nói chuyện. Dù xa xôi tới đâu chăng nữa nhưng cô có việc làm, và mẹ cô bớt cực.

Tối ấy, ghé gánh ốc dì Tư đã thấy anh Phương dân phòng ngồi từ lúc nào.
Anh Phương uống không nhiều nhưng ghiền, tối nào cũng loanh quanh nơi ngã ba quốc tế. Chất lính, thẳng thắn bộc trực, anh thích ngồi với Sáu vì hai người nói chuyện nhậu hạp cạ. Hơn nữa từ ngày có sự xuất hiện của bé Hiền bên hàng ốc, anh Phương là người làm nền ngẫu nhiên cho Sáu, một cây tung hứng, bơm vá cho bạn nhậu có nghề.

Gặp Sáu Bảnh, vẻ nóng ruột, Tư nói liền một hơi:
-Cậu Hai có cách chi nói giùm con Hiền nhà tui. Nghe theo đám con Trang bên chợ, tối ngày nói chuyện vượt biển. Nguyên đám bên xóm chợ ấy học chung với con Hiền nhà tui, hết phổ thông rồi nghỉ, hổng có đứa nào biết lo mần ăn.
Nói ngay chúng cũng rủ nhau xin đây xin đó mà có nơi nào người ta nhận cho đâu. Quẫn trí, tụi nó tính vậy. Trong đám có con Ngọc sắp đi rồi, nhưng là nó đi bảo lãnh. Mấy đứa ở nhà thấy vậy càng nôn dữ.
-Ấy da... ba chuyện này lớn à, không nói linh tinh được đâu Tư, coi chừng lính bắt à nghen.

Suy nghĩ, Sáu khuyên nhủ nhẹ nhàng:
-Tư bán buôn hôm sớm, tiền đâu lo vượt biển, cái vụ đó là tốn tiền dữ lắm. Mà đừng đánh đổi mạng sống của mình như vậy, đi biển gian nan hiểm nguy lắm Tư ơi.

...Nhớ tới một chuyến biển năm nào, tàu Cần Thơ đang trên đường đi Hồng Kông thì gặp một chiếc tàu nhỏ thả trôi trên biển. Một vài người nam nữ trên tàu quơ tay quơ áo vẫy gọi từ xa. Tàu Cần Thơ giảm máy và dừng lại cách xa một khúc. Đó là một chiếc tàu cá Việt Nam, mang số QN. Những tiếng nói giữa biển rất khó nghe, lại là tiếng nói dân biển miền Trung, nặng chịch, nghe rõ được mấy từ "chết máy ba bốn ngày rồi". Hiểu đại khái họ cần dầu và nước, chết máy, lại hết hơi nên không đề được máy chạy.
Được thuyền trưởng đồng ý, Cự Tửu phó nhất trên tàu lệnh anh em thủy thủ thả dây lái, bên kia thả một thuyền thúng, kéo dây cho họ qua. Tư Mận phó ba tay ôm sẵn chiếc rìu, Đạt bột máy hai đi ca sẵn sàng tay máy stand by. Mình làm việc nghĩa nhưng lỡ rủi gặp tàu cướp biển giả dạng hay có súng ống là lập tức chặt dây dọt lẹ. Giữa biển trời mênh mông, độc lập không ai hết, không xã hội, chỉ mình mình, phải làm như vậy để giữ chính mạng mình.
Anh em thủy thủ tiếp xuống chiếc thuyền thúng nước ngọt, lương thực và một lượng dầu diesel đủ chạy tới bờ theo tính toán. Thả dây kéo cho tàu chạy rồi chào tạm biệt. Đó là luật ứng xử trên biển và cũng là nguyên tắc sống . Không biết rồi con tàu ấy sẽ đi đến đâu...

Nhớ cảnh ấy, Sáu Bảnh ái ngại và lo lắng. Dì Tư đưa mắt nhìn xa tuốt cuối con hẻm, buồn buồn:
-Cái Hiền nói con biết má khuya sớm cả đời mà cuộc sống hai mẹ con vẫn cực hoài nên mới nghĩ tới chuyện đi đâu đó để đổi lấy cuộc đời khác.
Xứ Quảng thì tít tắp mù khơi, có hai má con đất này, nhờ cạy ai được. Đi tới miền đất nào cũng được, miễn là má bớt cực như chừ.

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Tuổi yêu muộn.

Bữa đó ráng ngồi, rồi Sáu Bảnh cũng gặp được con gái dì Tư lúc cô bé ra giúp mẹ dọn hàng. Cô bé hiền lành, xinh xắn, lại nghe dì Tư kêu tên bé Hiền luôn. Thiệt là dễ thương! Cảm nhận ban đầu ấy, Sáu thầm trong bụng nhưng lặng lẽ không nói.

Con hẻm coi mênh mông vậy mà cũng nhỏ. Được ít ngày nghỉ ngơi loanh quanh ở nhà, chịu khó canh me một chút, Sáu Bảnh có nhiều dịp giáp mặt Hiền. Lúc đi chợ, khi Hiền học may thêu hay đi chơi cùng chúng bạn. Mỗi lần nhác thấy cô bé từ xa, Sáu luôn vui cười và buông một lời thăm hỏi nhẹ nhàng khi đi ngang như muốn đánh tiếng cho ai đó biết rằng, có ai đang để ý ai.
Hiền học hết phổ thông rồi nghỉ, chưa có việc làm. Một thời gian hai người vài lần nói chuyện, vui vui miệng, lâng lâng lòng kiểu trai gái mới quen nhau.

Một ngày thứ bảy nhân một dịp vui, anh em nhà Hồ Bá mời tới chơi nhà, Sáu ngỏ lời mời Hiền đi chung cho có bạn. Ngần ngừ rồi ngày sau nàng cũng nhận lời.
Bữa ấy đi chơi như một ngày vui bình thường, không có gì đáng nhớ ngoài việc đám bạn thân ai cũng mừng cho Sáu có cô bạn gái trẻ trung xinh xắn. Bạn bè bữa đó là đám bạn chơi chung từ nhỏ và làm việc chung trên tàu biển lâu nay.
-Cấp này chắc là cu cậu bớt đi chơi, bớt nhậu là chắc. Cu Cự chọc phá đầu tiên.
Còn cu Đạt chọc phô hơn, choang choang trước cả làng:
-Làm đám cưới được rồi ông ơi, trong đám bạn bè, nội ngoại còn có mình ên cậu thôi đó.
Ông bạn Giang còi lại xoáy hơn, gặp ai là kê miệng gần lỗ tai người ta, bụm tay giả bộ như thì thầm điều gì đó, liếc mắt nhìn Sáu, nhìn cái Hiền rồi phá lên cười.
Hiền mắc cỡ lỉnh ra ngoài sân ngồi chơi còn Sáu chỉ cười cười không nói nhưng trong bụng thấy ưng rồi, tình trong như đã, mặt ngoài còn... làm bộ đó thôi.
Bữa ấy Sáu thấy hơi buồn buồn vì trước lúc đi chơi, Hiền hẹn đón tuốt ngoài cổng trường Vạn Phước. Tại sao không đón tại nhà nhỉ? Đàng hoàng mà. Khi về lại đòi xuống xe ngoài cầu TMG rồi lội bộ vô. Nàng né tránh đi chung, hay ngại ngùng gặp ai chăng?

Từ bữa quen bé Hiền nhà Dì Tư, tự nhiên Sáu hết thích sống bụi, bà con trong hẻm thấy tối nào anh Phương dân phòng với Sáu cũng ngồi chơi bên gánh ốc dì Tư, sớm hơn mọi khi.

Một bữa đang ngồi vui tình cờ dì Tư hỏi:
-Nghe mấy nhỏ trong hẻm nói chứ a... thấy mấy cô gái ra vô nhà cậu hoài, cậu Hai mà biết thương ai, yêu đương lãng mạn này nọ dữ lắm phải hôn?
Ngạc nhiên, nghe cách nói của dì Tư kiểu này, chắc mới nghe tin tây đồn cháy nhà máy nước ở đâu rồi, rồi mẹ con tâm sự gì đây. Ui da, mấy nhỏ trong cái hẻm này cũng bà tám dữ vậy sao. Nghĩ vậy, Sáu tỉnh rụi:
-Ngày trước tui có thương người này người nọ, chuyện hổng tới với nhau được nên phải chịu. Giờ hết còn trẻ mà công việc cứ phải đi miết. Con đi biển mà Tư. Tính lấy vợ về ở với bà già thôi. Nói Tư nghe rồi bỏ, mấy đứa trẻ trẻ mới là lãng. Tình yêu đẹp ư, hổng có đâu. Bây giờ thương nhau liền được là hay quá hay, rủi chưa thương được thì mai mốt thương. Vợ chồng lấy nhau, rồi đẻ con đẻ cái mà không thương nhau thì thương ai bây giờ hỡi trời.
Dì Tư nhỏ nhẹ:
-Ờ, cậu Hai nghĩ vậy được đó...
- Mà bớt nhậu đi cho vợ con được nhờ, lấy vợ rồi biết. Giữ sức kẻo khi đau yếu chỉ có con vợ ngồi đầu giường, nó bón cháo cho ăn, nó ngủ gục tại đó. Mấy lúc đó đời không còn ai khác ngoài vợ con mình đâu cậu Hai.
-Dạ con biết mà dì Tư. Vậy nên người ta khi lấy nhau mới thề rằng lúc mạnh khỏe cũng như khi yếu đau, lúc giàu sang cũng như lúc nghèo nàn, nguyện thương yêu nhau... chớ Tư. Sáu Bảnh trả lời thiệt tình, đâu đó.
-Bạn bè có thân thiết cũng còn lo mần ăn, lo vợ con của họ nữa chớ, còn giờ đâu lo cho bạn nhiều được. Mà cậu hai đây theo đạo Chúa sao biết câu thề ngày cưới vậy ? Dì Tư nói thêm.
-Dạ, là con nghe người ta nói chuyện vậy.
Dì Tư mỉm cười. Uống vô ba sợi nó nói chuyện vui, từ tốn vậy đó, Ầy dà... cái thằng, nhìn cái miệng trai giọng nói Bắc kỳ xạo xạo thấy bà cố.

Người nhai trầu, người mút ốc, trò chuyện nhẹ nhàng nghe chừng hiểu nhau lắm.

Đi biển được xếp vào loại nghề nặng nhọc. Ngoài sóng gió là xa nhà, là thiếu thốn nhiều kiểu. Nhưng những năm khốn khó ấy, được làm việc trên những con tàu buôn đi đây đó là con đường cứu nhà cứu gia đình, nếu bán buôn khéo léo và may mắn còn làm giàu được nữa. Bởi vợ chồng lấy nhau rồi sanh con và nuôi dạy để chung xây hạnh phúc, nhưng khi ấy, một gia đình bình thường lo nổi hai bữa cơm hàng ngày cho con cái, người mẹ người cha nào không méo mặt.

Vậy nên "cái chiếu" thật sự lớn lao và quan trọng với cuộc đời, nó lớn hơn cả "cái vợ". Cái chiếu là một từ riêng anh em đi biển dùng chỉ tấm hộ chiếu biển. Đồng nghiệp lâu ngày gặp thường hỏi thăm nhau: "Chiếu chăn sao rồi?", "Qua được Sở rồi, còn lên Bộ duyệt nữa xong", "Vậy mừng cho bạn". Có cầm tấm hộ chiếu trên tay mới nói chuyện được với đời.

Như cái nhà anh Phát máy trưởng trên tàu VC ấy, có "cái chiếu" duyệt đi lại bao nhiêu năm không được, nghe đâu chỉ vì bên vợ có bà chị ca sỹ đi vượt biển vài ba lần. Sau rồi vợ chồng phải làm cái ly hôn, thiệt giả hổng biết, để làm người độc thân vui tính rồi mới được duyệt cho cái "chiếu" đút túi. Nhìn cảnh ấy, Sáu Bảnh thấy ngại ngùng, lại sẵn tính ham chơi, quên lâu chuyện vợ con.

Quen biết nhiều người, không vướng chuyện nọ thì chuyện kia.
Ở nhà mẹ Sáu lo lo, em út nó con cái hết rồi, con trai lớn của mẹ để vậy sao đặng. Một hai lần, bà dẫn Sáu đến giới thiệu với người ta. Lần nào chuyện trò cũng vui vẻ, bà thầm mừng trong bụng nhưng về đến nhà Sáu lại đủng đỉnh: Con không thích lấy con cán bộ, ưa lý luận lại dân chủ ngược chiều, mai mốt leo lên cổ. Con chỉ thích lấy vợ dân dã.

Có một hai mối tình coi là đằm thắm đó chớ, Sáu tính đặt chuyện cưới xin nhưng đành chia tay vì nhà người ta có sổ nhận hàng gởi từ nước ngoài. Là gì đâu, là ít xà bông thơm, là lâu lâu miếng thuốc bổ, thuốc tây chữa bịnh cho cha mẹ do anh chị sống nước ngoài gởi về. Một cô bạn khác nữa vì cái lý lịch và người ta nói không cưới được đâu, coi chừng cúp chiếu đó. Chuyện là vậy thôi.

Dân tàu biển lấy vợ là phải khai cho hết, chuyện riêng tư ấy không tự mình quyết được đâu, rõ khổ, chỉ sợ cái hộ chiếu chông chênh. Thấy vậy nên Sáu Bảnh thực dụng, yêu biển hơn người ta, yêu thích đời hải hồ lang thang đây đó, bạn bè khắp nơi, nên cứ lông bông mãi.

Một tuần lễ sau Sáu đi biển. Bữa ốc đêm trước ngày đi, anh Phương dân phòng ngồi với Sáu tới khuya, còn Tư chỉ ngồi nhai trầu bỏm bẻm nhìn hai người, lại cười: "Cậu Hai đi mạnh giỏi".