Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Cà tím, tám xí.

Buổi chiều mưa buồn, rảnh rang ngồi nhà dạo một vòng hàng xóm, thấy nhà bạn kia ở xa tít tắp mà có món cà tím nướng mỡ hành dọn trên bữa cơm chiều ngon quá, tự nhiên thèm cà tím đến lạ. Giản đơn chỉ thèm dĩa cà tím nướng ăn cơm, nhưng thèm nhất là bây giờ, ước mà có hai ba bạn hẩu, cỡ tay đua công thức 1, một cái lẩu mắm với chai vodka trắng hay Kim Long xứ Quảng cũng đặng.
Ngoài trời chiều đang lâm thâm mưa.

Cà tím làm món ăn nào cũng dễ. Món cà tím nướng thật giản đơn. Ngon hay không ăn thua tay người pha nước chấm, nhưng thích xé dọc trái cà chớ hổng xắt ngang như ở nhà bạn kia, không thôi nướng xong lột vỏ, lấy nỉa đâm trái cà nhuyễn nhuyễn, rưới lên miếng nước mắm nhạt mỡ hành.

Giản đơn nhất chỉ cần xắt ra và ăn sống. Cà tím xắt ngang, hơi dày một chút chấm với mắm ruốc xào thịt heo ba rọi khỏi cần làm thêm món, ăn hao cơm và tối thì trà đá đã đời luôn.

Cà tím xắt dọc, đặt lên  trên một hai con mắm cá Cơm, phải kiếm được thứ mắm cá Cơm Đà Nẵng ấy, tuy hơi mặn ta nêm nếm thêm chút đỉnh nhưng mắm cá Cơm Đà Nẵng hạp cà tím, thơm râu, đậm đà.
Hai thằng bạn hẩu, dĩa cà tím, một chén mắm cá Cơm đánh veo chai "gựu".

Cà tím nấu chín hạp nhất với những món mắm Nam bộ, hay nói khác đi mắm nấu mà không có cà tím là hổng đặng.
Món mắm kho cá Sặt ba rọi cà Tím cũng hao cơm và khát nước. Bữa nào làm một món này thôi, thêm miếng rau thơm ăn cơm, hổng sợ dư đồ ăn.
Ăn tô bún mắm hay bún nước lèo, gắp lên miếng cà tím thấm đẫm mắm cá Linh cá Sặt ngọt thơm, đã gì đâu.
Còn cái lẩu mắm nữa chớ, bao nhiêu thứ rau trên ruộng trong vườn lượm về, mỗi thứ một vẻ một mùi vị ngon một kiểu, thiếu một hai thứ không sao chớ không được thiếu cà tím à nghe.

Đọc bài của bạn, mới còm một còm bên nhà hàng xóm về món cà tím thì tình cờ "cảnh sát trưởng" ở nhà mang tới cho xuất cơm chiều. Đang thèm cà mà như cầu được ước thấy, nhưng cầu được có phân nửa, nghĩa là "có cà, có cá có cả cơm" nhưng không có nhậu.
Món cà tím này hơi lạ, chụp hình luôn. Cuộc đời ăn nhậu lâu năm sao nay mới hay. Món này giản đơn, có thể kêu tên món là cà tím chiên, ăn với cơm hay mang nhậu đều bắt hết. Biết rồi hổng nói, chưa biết thì nhà ai đó đang có nhiều cà tím, làm thử cho người ta nhậu chơi.
Chỉ là cà tím xắt hơi xéo cho đẹp, tẩm ướp gia vị, cay ít nhiều, mặn ăn liền hay nhạt chấm thêm miếng nước mắm, chiên giòn mềm tùy ý thích và tay người làm. Từ giờ bếp nhà có thêm trong thực đơn món "cà tím chiên" hay "cơm cá thu cà tím".

Biết bấy nhiêu tám bấy nhiêu. Thực ra trái cà tím chỉ không ưa cái vỏ của nó mà thôi, bởi nó hơi cứng và làm như nó không tiêu.

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Thương nhớ người nhà quê.

Khi không còn đất
Tháng Tư ra chơi Hà Nội, nhìn thấy nhiều hơn quang gánh của người quê trên phố. Tháng Tư ra chơi Hà Nội, nghe thấy tiếng súng và nghe thấy tiếng khóc than của những người nông dân mất đất, xót lòng và bỗng nhớ về người nhà quê. Tháng Tư lại cộng thêm vào những điều phải suy nghĩ...

Có một thời, đi về vùng nông thôn, tới đâu người ta cũng đều tìm nhà người nông dân mà ở. Người nhà quê sẵn sàng nhường nhà cho người lạ ở, nhường chiếc giường, chiếc chiếu mới sạch đẹp nhất cho nằm, chia trái bắp miếng khoai bữa đói lòng. Họ là những nông dân, là người nhà quê ấy. Như một lẽ đương nhiên, từ hồi nào giờ, họ sẵn sàng đón nhận hết người tứ xứ về nhà mình ở, từ người lính trẻ đến anh thợ cầu, từ cậu sinh viên đến chị phu lục lộ và nhất là tất cả những đứa trẻ thành phố sơ tán về miền quê những năm chiến tranh.

Tất cả đám trẻ nhỏ ở các thành phố thuở ấy có một phần đời rất đẹp được sống ở nhà quê cho tuổi thơ ghi nhớ. Đó là những năm chiến tranh, hai lần Mỹ ném bom miền Bắc là hai lần đi về miền quê, sống với người nhà quê bao nhiêu năm dài trọ học miễn phí. Đứa có quê được về quê sống với ông bà họ hàng, đứa quê xa thì theo những trường học nội trú đi tới nơi nào có thể tới được, miễn xa chốn đô thành, là về ruộng đồng, sống với người nhà quê.

Nhớ năm ấy tháng Tư ngày mười sáu, bom Mỹ lại một lần nữa ném tới Hà Nội. Từ căn gác cao nhìn qua sông Hồng, bên kia bờ đê, Gia Lâm khói đen bốc cao, kho Đức Giang lửa cháy suốt ngày đêm sau trận bom thả.
Bữa đi học thường ngày hôm ấy cũng là buổi học cuối cùng của tuổi học trò. Chưa kịp thi tốt nghiệp, không có dòng lưu bút, chưa kịp lời chia tay.
Ngay đêm ấy, thêm một lần nữa, mọi gia đình Hà Nội đều dọn dẹp nhà cửa, gói ghém mang theo những vật dụng sinh hoạt tối thiểu cùng những người thân yêu của gia đình, tất cả người già và con trẻ chia tay năm cửa ô, bỏ lại nhà cửa và một Hà Nội vắng lặng chờ mùa Hè. Người ta theo mọi ngả đường rồi rẽ những lối nhỏ đi về các làng quê xa, mang con trẻ lại về nương náu nơi đồng đất của người nhà quê.

Bắt đầu những ngày tháng với người và đất Văn Giang. Hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học của đám trò Chu Văn An Hà Nội năm ấy đều về nhờ đất Văn Giang, Hưng Yên. Trước ngày thi, đám nhỏ tới Văn Giang, chia nhau về làng xã, mượn nhà dân mà ở, mượn trường làng mà thi. Chắc không có những khóa thi nào giống như năm ấy, đi thi từ ba giờ sáng, để sao cho mỗi ngày hoàn thành hết một môn thi trước khi trời hừng sáng.
Người nhà quê với chợ nhỏ.
Người nhà quê ở Cửu Cao ngày ấy thương đám nhỏ thành phố về quê đi thi, thức đêm căn chừng, hối đám nhỏ đi ngủ mau, mai thi rồi giờ này làm sao còn học. Sớm ra nấu bữa cơm gạo mới, kêu đám nhỏ dậy ăn lấy sức đi thi, rồi tay xách theo ngọn đèn dầu đưa tới tận ngôi trường làng. Những trò nhỏ ấy, bây giờ nên người, làm sao quên được những năm tháng và tấm lòng những người nhà quê thơm thảo.

Năm thứ nhất đại học Giao thông lại về đất Văn Giang, lại ở nhờ nhà dân và đi học. Ngày đón sinh viên về xã, người nhà quê bớt ra ít đất ruộng, tre nứa trát vách bùn với rơm khô làm nên cái lớp học cho mỗi lớp, cái bếp ăn tập thể cho mỗi khoa còn đám sinh viên thì về ở với dân, nhà chật hai ba đứa, nhà rộng thì bốn năm, họ nhường hết cho nửa căn nhà với những đồ dùng tốt nhất.

Một đêm nào bỗng nghe trời đất tung hoành, mái nhà đổ sập, cột kèo ngổn ngang, đang ngon giấc ngủ tỉnh dậy bên đống bùn đất. Bom B52 rải từ ngoài sông Hồng qua bờ đê Văn Giang, kéo một vệt qua làng ngay đêm hôm đó. Bao nhiêu cửa nhà người quê, xóm làng tan nát. Người quê lại thu xếp cho đám sinh viên chuyển lên xã trên xa đê, mọi việc ngổn ngang cứ để đó, đã có người lo, an tâm đi mà học.

Không thể quên được ngôi nhà trọ lâu nhất của người nhà quê ở Văn Giang năm ấy. Nhà chỉ có một ông lão và năm người nữ cả vợ dâu con nhưng quần quật suốt ngày, từ làm lúa, làm đay, làm đót. Tối nào sau bữa cơm chiều vợ chồng cũng mang nước chè tươi ra ngồi ngoài sân gạch, nhìn đám sinh viên hoc bài là nhớ là nhắc mấy người con đi lính. Cái sân gạch phơi đầy lúa khi mùa về rồi lại mang lên hợp tác, lại chở đi xa, giao hết cho nhà nước. Ông lão chẳng tiếc gì, chẳng mong gì hơn mau tới ngày hòa bình cho mấy anh em được về nhà với lão. Nhà có một vườn cây Nhót leo kín giàn trước sân, sáng nào Chào mào cũng về ăn quả và hót, nhìn những trái Nhót màu hồng mọng nước, chưa kịp ăn chỉ mới nhắc tên đã muốn ứa nước miếng.

Nhớ chị Hậu làm dâu ở nhà hay cười hay chuyện. Vợ chồng cưới nhau chưa đầy tháng là anh đi lính tới giờ, bẵng mấy năm nay không nhận thơ, bỗng thấy lo lo một dạo, chỉ biết làm việc tối ngày cho quên đi.
Nhớ cô con gái út tên Hoa, chiều nào nghe tiếng hát từ ngoài ngõ là biết Hoa đi làm đồng về. Tối tối ngồi học bài Hoa thường kiếm cớ đi ngang, khi dúi cho củ khoai lang nướng trồng đất ngoài đê, khi lại mấy củ Rong riềng mới luộc còn nóng hổi.

Cứ loanh quanh với Văn Giang như thế, nên những cái tên Cửu Cao, Tân Tiến, Nghĩa Trụ... nhắc tới là nhớ tới một thời làng quê, nhớ tới người nhà quê và những tấm lòng...

Tháng Tư năm nay, bạn bè rủ nhau về gặp mặt sau bốn chục năm chia tay nhau, chia tay thày cô giáo và ngôi trường phổ thông Chu Văn An Hà Nội nâng niu những năm tháng học trò.
Tháng Tư Hà Nội nghe chuyện người ta tổ chức với nhau giành giật ruộng đất ở Văn Giang, nơi một thời được ở với người nhà quê ăn học. Tháng Tư ra Hà Nội chơi nghe thấy tiếng súng và nghe thấy tiếng khóc than của những người nông dân mất đất, xót lòng và bỗng nhớ về người nhà quê. Tháng Tư lại cộng thêm vào những điều phải suy nghĩ.

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Về lại mái trường xưa.









Cùng với bè bạn và thày cô trở về thuở học trò, những ngày xưa thân ái. Ngôi trường cũ bên mép nước Hồ Tây lao xao bao năm qua vẫn thân thương như thế. Khuôn cửa sổ sáng quanh năm đón gió mát Tây Hồ. Những bậc cầu thang đi lên xuống, tay vịn và sàn lớp học bằng gỗ Lim đen bóng. Những gốc cây Xà cừ sù sì cho những lá cành vươn lên cao mãi xanh mát khắp cả sân trường. Tất cả yên bình và ở mỗi ngóc ngách vẫn còn đó biết bao nhiêu kỉ niệm.

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Thăm bạn.

Bữa ấy bạn bè Cần Thơ kêu cuối tuần về dưới này dự đám hỷ, tuần này có tới hai đám lận. Đã tới lúc đám con cái tụi nó trưởng thành hết lượt rồi. Điện thoại lên xuống rủ rê, sẽ còn đi chơi đây đó vui nữa, về đi, ráng về đi, lâu quá lâu rồi không thấy cái mặt.
Đã huốt một lần tháng rồi vì hẹn hò nhau về chơi, cuối tuần lại gặp chuyện Hà Nội vào tổ chức học hành nghiệp vụ vớ vẩn ở sở làm, kì này cha con quyết đi cho được.

Buổi trưa dự đám xong, bỏ lại Hoàng tử bia cho đám bạn bè cũ tiếp tục quần thảo dạo quanh mấy nhà hàng bên cù lao Cái Khế, mấy bác cháu tách bầy, lấy xe, cướp tài rủ nhau về miền sông nước, thăm trại Ba ba giống của gia đình Hải "Ba Phi" ở Trường Long A. Chú Hải lúc trước cũng là sĩ quan máy tàu biển một thời đi chung., tính tình thích bông lơn, hài hước, ưa giỡn đùa, dóc chuyện cho vui cửa nhà nên có cái tên bác Ba Phi.

Mấy nhỏ đi ra đường có người lớn hướng dẫn là học hỏi được nhiều điều bổ ích không có trong sách vở. Một chiều thú vị với ghe xuồng, sông nước, vườn cây trái chín và câu chuyện dòng kinh xáng, rồi được chơi chung với những đứa trẻ quê hiền lành, ngoan ngoãn, thân thiện và dễ thương hết sức.

Trại Ba ba là một khu vực mấy ao hồ rộng lớn cho Ba ba lớn, kế bên là những hồ xi măng cho ba ba nhỏ và chuồng ấp trứng, tất cả nằm trong vườn nhà.
Những chú Ba ba nhỏ xíu chỉ bằng đồng xu đang nằm phơi nắng ngang ngửa trên những tàu lá dừa quăng trong hồ làm giá thể. Đám Ba ba nhỏ nằm đè lên nhau, ngọ nguậy leo lên lưng lên cổ nhau giỡn đùa rồi cùng té nhào xuống nước. Đám khác tò mò đưa qua lại cái cổ nho nhỏ, giương đôi mắt cũng nhỏ xíu xiu nhìn ngó nghiêng người lạ rồi lủi nhanh xuống nước. Tắm mát chút chíu chúng lại cùng nhau rào rào bò lên xuống tàu lá dừa đến là vui.
Những chú ba ba ấy được chừng một hai tuần tuổi. Những ngày khởi đầu của chúng từ những quả trứng nhỏ màu trắng hàng đêm Ba ba mẹ bò lên bờ đẻ.
Ở góc mỗi hồ nước có một bãi nhỏ chứa cát sông được che chắn nắng mưa, là nơi Ba ba mẹ bò lên đó đẻ trứng. Đêm đêm tĩnh lặng, Ba ba lên bờ, chậm chạp tìm tới nơi quen thuộc bươi cát lên, đẻ ra rất nhiều trứng rồi lấp lại. Sáng ra người ta thu số trứng ấy chọn lựa rồi mang vô phòng ấp. Trứng được xếp lớp dưới nền cát một cách đều đặn rồi phủ lên trên một lớp cát chừng gang tay. Nằm trong cát với nhiệt độ ổn định trong phòng ấp và duy trì độ ẩm thích hợp, chừng sáu chục ngày Ba ba con nở, tự chui ra khỏi cát, bò vòng vòng rồi rớt xuống một cái chậu nhỏ đặt ở góc nhà. Người ta chỉ việc lượm những chú nhỏ xinh xinh ấy bỏ vô thau nước, bắt đầu một sự sống.
Trong hồ lớn, những chú Ba ba lớn hơn loay hoay trên những khúc cây nổi trên mặt nước, loài ba ba rất thích phơi mình trên nắng. Những chú nuôi lấy thịt chừng một năm tuổi đạt trên nửa kí lô, còn những Ba ba sinh sản phải nuôi lâu hơn.

Đám nhỏ đi tham quan một vòng về đã có một rổ trứng Ba ba mới luộc, đó là những trứng không mang ấp được loại ra.
Trứng của loài bò sát này, Ba ba hay trứng rùa ngộ lắm nghe, có luộc cách gì tròng trắng không khi nào đông được, còn tròng đỏ ăn bùi và ngậy, ngon hết sức, ăn hoài không biết chán.
Bên gốc cây Mận hiên nhà, một bàn nhậu giản đơn Ba ba xé phay, là thịt Ba ba xé trộn với bắp chuối chấm muối ớt hột. Tô cháo ba ba đậu xanh mới ngọt ngào làm sao.
***
Chuyến biển năm ấy tàu chở hàng tới cảng Bangkok, con tàu Sông Hậu đã làm xong hàng xuất chạy ra ngoài neo chờ lấy hàng về. Được mấy ngày nghỉ ngơi, Ba Phi cùng máy trưởng thuê một chiếc xe con đi Pataya kiếm chỗ chơi. Bác tài vui chuyện, giới thiệu trên đường đi có những trang trại cũa nông dân Thái, nơi là vườn quýt sản xuất theo công nghệ Ixraen, nơi là trại nuôi Ba ba lấy giống từ Đài Loan...
Ba Phi chợt nghĩ, Pataya đã đi chơi rồi, hay là bác tài dẫn vô thăm mấy trang trại sản xuất ấy, coi nông dân Thái người ta mần ăn sao, có lý à.

Bỏ ngang chuyến đi chơi Pataya lần ấy, rẽ vô một làng nhỏ ngang đường, một trang trại nuôi Ba ba bề thế, mê ly. Ba Phi là lẫm, mê mẩn nhìn những chú Ba ba nhỏ xinh giương đôi mắt nhỏ xíu ngó nghiêng người lạ.
Người chủ trại tiếp đón mấy thủy thủ Việt nhiệt tình hữu nghị. Ra về ông vui vẻ tặng Ba Phi cuốn sách kỹ thuật nuôi in bằng tiếng Thái. Ba Phi mang về cất trên giá sách của mình, anh nghĩ biết đâu nào, có một ngày nào anh sẽ cần đến nó.

Đúng là đi một ngày đàng học được một sàng khôn. Nhiều năm sau, chia tay biển lên bờ, Ba Phi mang cuốn sách nhờ người ta dịch. Đi tìm con giống, mầy mò, rồi nghề dạy nghề, Ba Phi cũng không ngờ mười mấy năm sau, anh lại có thêm một cái nghề cho mình, nghề sản xuất và cung cấp Ba ba giống. Và bây giờ bè bạn thân mật kêu anh thêm cái tên Hải "Ba ba" chớ không chỉ Hải  "Ba Phi" như ngày xưa nữa.

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Giật mình.

Nghỉ việc, những ngày đón đưa con đi học, đường phố Sài Gòn dát sáng dát trưa, dát xế dát chiều, thêm một vài buổi tối trong tuần, thú vị và mệt mỏi, nhưng được thêm gần gụi con trẻ, để thêm thương và để thêm kỷ niệm, cha con thêm nhớ nhau mai mốt này.

Một bữa gặp anh xe ôm vẫn chở con đi học vào những giờ nhập học và tan lớp không giống ai của lớp của trường, khi cha mẹ còn đang ở trong sở làm. Hai chú cháu với nhau đã nhiều năm nay. Hỏi thăm:
- Lâu quá, cả tháng nay mới gặp, lúc này khỏe không anh?
- Khỏe, nhưng mà lúc này thì... hơi "hẻo" chúc - Anh cười hiền.

Chợt giật mình, hổm rày như là đã vô tình giành mất phần việc hàng ngày, trộm nghĩ ít gì phần cơm trưa của người bạn thảo dân nhờ vả bấy nay. Tối ấy điện thoại:
- Ngày mai anh giúp giùm đưa đón con nhỏ dát trưa, tui dát sáng chiều được rồi, nắng nôi nực nội quá xá chịu hổng nổi, hai cánh tay đen thui rồi nè.
- He he... tại chưa quen đó thôi... mà tui cũng đen vậy.
Đừng có lo, coi nước da vậy mà "phẻ", hổng dám bịnh một ngày. Tới một khi nào đó, anh có đi nắng hoài cũng hổng có đen thêm nữa đâu, he he... Sớm mơi nhỏ học Toán, chợ Thị Nghè phải hôn? Anh khỏi cần nhắc chừng, tui vẫn nhớ giờ vô lớp, giờ tan học của bé mà anh Hai...

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Về miệt Hậu Giang.

"Con kinh xanh xanh, những chiều êm ả nước trôi"...
Đường lộ dọc một bên con kinh, xe chạy bon bon. Con kinh xáng thẳng tắp, con đường cũng thẳng tắp. Hết phân nửa con lộ là lúa, lúa mới cắt từ ruộng về trải đầy mặt lộ, cái sân phơi tự nhiên của xóm ấp. Nghe không khí thơm dịu mùi làng quê, mùi mùa màng của lúa, của rơm và có cả mùi khói đốt đồng.
Thấp thoáng chiếc ghe chèo ngoài kinh, một bến nước bên bờ ai ngồi giặt áo. Những đứa trẻ đi bên đường vẫy vẫy, nhoẻn cười với người lạ. Một đàn vịt lang thang đi chơi ngang tranh thủ sục mỏ vô đống lúa bên đường. Vượt qua những bụi cây, những xóm nhỏ là ruộng đồng xa tít tắp. Bầu trời cao vút, mây trắng nhởn nhơ, đồng đất miên man lúa mới gặt. Xa xa những đụn khói trắng nhỏ, chợt như nghe thấy đâu đây câu ca của ông lão Bắc Sơn, "mây trôi lang thang cho hạ buồn, coi khói đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng"...

Người quê dẫn đám nhỏ thành phố về chơi miệt sông nước Hậu Giang, đường xa lòng lâng lâng khoáng đạt. Bất chợt đọc thấy đâu đó một địa danh khi đi ngang. Kinh xáng Xà No, rồi thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A. Ồ, những cái tên miền quê nghe lạ không kìa, mấy cô cậu trò nhỏ ở thành phố về quê chơi nhìn nhau thích thú. Bé Nhí ngạc nhiên, là sao, là sao có cái tên kinh xáng Xà No, rồi thị trấn Một Ngàn, ngộ quá hà.

Người quê cười thật hiền, không chỉ có cái tên Một Ngàn. Đi tới nữa còn có Bảy Ngàn, có Tám Ngàn và có tới Mười bốn ngàn rưởi lận con gái. Lúc này ta đang chạy trên con lộ dọc kinh Xà No, ngang thị trấn Một Ngàn. Lên tới trên kia có con kinh tẻ, đi đò thêm khúc nữa là về tới nhà. Ngồi ngoan ngắm cảnh quê, chụp hình chơi đi, tới nhà rồi kể chuyện Xà No với thị trấn Một Ngàn cho nghe.

Được ngồi trên ghe chạy dọc một dòng kinh quê, mấy nhỏ thành phố tò mò, lạ lẫm, mắt sáng rỡ, thèm thuồng nhìn những đứa trẻ quê bì bõm tắm dưới dòng kinh lúc chiều về. Chúng nói cười, giỡn đùa sóng nước thật vô tư. Những người nữ chợ chiều tan thanh thản con đò dọc, nhìn sang nụ cười vui cùng khách lạ. Tài công xuồng máy giảm tay ga kẻo sóng đánh ướt áo, ghe bên kia người ta chèo tay. Ô kìa, có con Cún ở nhà cũng thích đi ghe, mới nghe tiếng máy ghe nổ giòn không biết từ đâu trên bờ phóng vội xuống.

Người quê kể rằng.
Con kinh Xà No do người Pháp khởi công trong năm đầu tiên của thế kỷ trước, năm 1901 và hoàn thành hai năm sau đó. Đào kinh không phải bằng sức người mà người ta xáng cạp bằng máy móc chạy hơi nước đơn sơ thời đó. Kêu tên "Kinh xáng" Xà No là vậy.
Con kinh xáng ấy bề rộng mấy chục mét và dài tới bốn chục cây số có. Bắt đầu từ con rạch nối sông Cần Thơ rồi chạy ngang gần hết huyện Châu Thành A quê mình. Kinh chạy mãi tới thị xã Vị Thanh, bây giờ là thành phố thủ phủ của tỉnh Hậu Giang mình đó. Từ Vị Thanh muốn qua Rạch Giá Hà Tiên, đi ra biển bờ Tây hay xuống dưới mũi Cà Mau là cứ tới luôn bác tài.
Vậy là hồi nãy mấy người khỏi chạy xe hơi, có thể xuống ghe từ bến Ninh Kiều theo sông Cần Thơ về tới đây đó nghe. 

Còn cái tên thị trấn Một Ngàn là dzầy nè.
Từ ngày mới có kinh xáng Xà No, dọc theo con kinh cứ một ngàn mét người ta lại đào một con kinh lớn, giữa hai kinh lớn đào một kinh nhỏ. Những con kinh ngang ấy được nối lại bằng một con kinh dọc bên trong kia nữa, tạo nên những ô bàn cờ thông nhau dẫn nước vô ruộng, tưới nhanh mà tiêu cũng nhanh. Từ Một Ngàn nơi này, người Tây mở ruộng lên Hai ngàn, rồi có thị trấn Bảy Ngàn... tới Tám ngàn rồi Mười bốn ngàn rưởi ở dưới nữa. Vậy nên thị trấn nơi đây mới mang cái tên Một Ngàn.
Dòng nước ngọt từ sông Hậu theo hai cửa Ô Môn và sông Cần Thơ qua kinh xáng Xà No chảy về vùng đất mới. Nhờ có hệ thống thủy lợi kiểu ô bàn cờ mang nước ngọt khai thông tháo phèn, rửa mặn, cả một vùng đất từ Cần Thơ chạy tới Rạch Giá hai bên bờ kinh từ hoang hóa dần đã trở thành một vùng đất tốt, một đồng lúa mênh mông không có bến bờ, mỗi mùa màng dâng cho đời biết bao nhiêu lúa gạo và cây trái miền nhiệt đới.

Những thị xã, thị trấn bên dòng  kinh Xà No như Vị Thanh, Một Ngàn, Bảy ngàn... ban đầu hình thành có khi chỉ từ một xưởng đóng ghe thuyền, có khi  từ một cái nhà máy xay lúa... Người đông dần hình thành chợ búa, thành làng xã, thành những vùng quê trù phú, vườn cây trái bốn mùa. Người dân đã dần về sinh sống dọc hai bên bờ từ khi có dòng kinh Xà No.

Một điều tuyệt vời của con kinh xáng Xà No là chiều rộng kinh tới sáu chục mét, lại có chiều sâu cho ghe thuyền lớn nhỏ mặc sức lưu thông. Hành khách, bạn hàng cùng lúa gạo, cây trái, hàng tiêu dùng có thể chở tới khắp mọi miền. 
Người ta dùng "Con đường lúa gạo" để nói về dòng kinh này bởi sự đi lại tấp nập của ghe thuyền buôn bán, xuất khẩu lúa gạo từ vựa lúa mênh mông đôi bờ kinh. Tự nó đã làm nên một trục giao thông đường thủy dễ dàng, thiết thực và quan trọng từ Sài Gòn tới thủ phủ miền Tây là Cần Thơ qua Hậu Giang tới Rạch Giá hay có thể đi tới xứ Năm Căn, Cà Mau nơi địa đầu đất nước.

Những dòng sông, những dòng kinh Nam bộ gắn liền với cuộc sống của người nông dân từ thuở sơ khai, như một phần không thể thiếu để tạo nên tính cách người dân và văn hóa miền Tây sông nước.
Nghe người quê kể chuyện sông nước nơi này mới hay biết, rồi tìm, rồi hiểu thêm những nét yêu thương của quê hương mình, hiểu về những cái tên làng xã, tên chợ, tên kinh gắn với những bước đi của ông cha hình thành cuộc sống quê hương.

Ai đó nhắn rằng một bữa nào sẽ kiếm con tàu đò đi từ Sài Gòn. Tàu đi qua sông lớn sông nhỏ, qua kinh qua rạch để về Cần Thơ ăn cá, qua miệt Hậu Giang ăn rắn ăn rùa. Và tàu đi xa hơn nữa, để "dừng chân ghé qua thăm miền ước mơ, Hà Tiên mến yêu, đẹp như xứ thơ... xanh xanh màu ánh mắt em gái chiều năm xưa, như vấn vương ai..."