Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Hoa cao nguyên.

Con đường 14 đi lên cao nguyên dù đã mấy năm rồi, đào bới lên xuống cho tới tận bây giờ vẫn xấu xí gập ghềnh như thế. Nhưng với ai đó đã yêu thích và thường lên thăm Tây Nguyên, nếu có thời giờ dịp này đi lên trên ấy, khi mưa sắp hết và mùa khô đang dần tới sẽ thật dễ chịu và thấy như trong một khung cảnh mới và tâm trạng khác.

Núi rừng xa mờ mờ sương trắng và bên ta mỗi sớm mai nắng lên có lá có hoa đậm đà. Hoa người trồng hay hoa dại bên đường, mỗi loài là mỗi sắc hương. Cây Móng bò lơ thơ hoa tím công viên, một cây hoa Giấy hồng tươi rực rỡ trước cổng nhà ai hay những bụi hoa dại bên đường lạ lẫm, giữa nền trời xanh mênh mang thoáng đãng làm nhẹ lòng du khách. Có hai thứ hoa cảm thấy như là riêng tư của cao nguyên mùa này có lẽ là Dã quỳ  và hoa Cà phê.

Lâu lâu ở trên đường đi, một bụi Dã quỳ trong ngày nắng nhìn đã thấy từ xa xa, vàng rực lên một góc. Loài hoa dại bên đường ấy hình như ít được người ta để ý bởi nó chỉ như nằm ở bên lề hay ranh giới giữa những khu vườn, trong năm lá xanh ngắt, bụi tốt tươi cao ngang tầm mắt, chỉ tới mùa hoa nở mới trở nên rực rỡ khắp nơi. Hoa Quỳ, Dã quỳ hay Cúc Dã quỳ, cái tên nào cũng thật dễ thương, có lẽ chỉ dành cho người hoài niệm và du khách phương xa. Hiếm hoi những vạt Dã quỳ trải dài đường đi xưa kia, bởi tiếc là nó chẳng được người ta cưng chiều và gìn giữ lấy từ mùa này sang mùa khác, để những bụi Dã quỳ cứ tự mình mọc dại, tới mùa ra hoa, kết trái rồi lại phát tán đi những mầm cây, loanh quanh cứ mãi ở bên đường.

Hoa Cà phê vào mùa thật dễ thương. Bông trắng muốt mảnh mai mỗi sớm trong làn sương mờ mỏng. Cả một khu vườn rộng, hương thơm ngan ngát dịu dàng cứ quanh quất đâu đó bên mình còn trên cành cây xanh, những bông tuyết trắng đầu mùa tinh khôi vương vãi khắp nơi, chụm đầu lại hay lốm đốm trên mỗi ngách lá. Trong khí trời lành lạnh ấy, bên ly cà phê Ban Mê, thứ bông trắng hương thơm nhẹ nhàng ấy như muốn nhắc rằng mùa Giáng sinh đang tới.
Và, chịu khó chờ đợi bên những cánh hoa xinh, một chút thôi, ta sẽ được gặp và chiêm ngưỡng sự cần mẫn như rong chơi của những cánh bướm cánh ong đang ở đâu đây, sẽ mon men, nhẹ nhàng xà tới rồi mải miết hút lấy hương hoa của đất trời cao nguyên.

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Nhớ người taxi.

Lần gặp gỡ đầu tiên khoảng cuối những năm 70. Gặp là quý nhau liền bởi anh rất thân thiện, hay cười, gợi chuyện, vui chuyện, dễ gần và dễ thân. Anh chạy chiếc xe Renault "cát", thứ xe xăng bốn ngựa nho nhỏ sản xuất từ những năm nẳm, đâu thập kỉ 40, 50 thế kỉ trước. Có một điều mà ai cũng phải thốt lên sao chiếc xe được người chủ của nó giữ gìn một cách đáng nể như vậy. Năm ấy chiếc xe đã có tới trên ba chục tuổi già, thời khó khăn mà nước sơn còn giữ nguyên thủy, nệm ghế sạch sẽ, phủ bọc trắng tinh. Một cái quạt nhỏ sáng bóng phía trên kiếng chiếu hậu quay qua lại nhè nhẹ êm ái không buồn phát ra tiếng động. Mở nắp máy phía sau, mọi thứ từ dây điện tới bình xăng con sạch sẽ, block máy R4 bằng hợp kim nhôm trắng sáng sạch không vương một chút nhớt hay một vệt đen của bụi với dầu. Anh lấy miếng nùi giẻ trắng lau một vòng từ trên nắp máy xuống dưới đáy carte thấy miếng giẻ còn sạch sẽ nguyên xi, rồi cười.
Anh ấy làm nghề chuyên chở công cộng, nghề taxi. Ngày trước anh ở nghiệp đoàn taxi Sài Gòn còn bấy giờ anh làm đại diện cho hợp tác xã taxi Phú Nhuận, đám xe của mấy anh em đồng nghiệp thường đậu trước cổng nhà thương Nguyễn Văn Học, cực lắm, cả ngày ngóng chờ và nhường nhau từng cuốc xe đường dài từ người bệnh. Gặp lại nhau vài lần, có lần lại nhà chơi uống rượu nói dóc. Nhớ nhà anh đâu đó bên Phú Nhuận.
Hợp tác xã taxi của các anh khi ấy là tập hợp những chiếc Renault 4 hay Renault 8 cũ kĩ của đồng nghiệp từ đã lâu. Một thời cái xã hội khốn khó không xăng không nhớt những năm cuối 70, 80, đại gia đình của những người làm vận tải Sài Gòn yêu nghề, yêu xe, mưu sinh với nghề vận tải như taxi, cyclo máy, lambro ba bánh hay xe chạy than củi lầm bụi vẫn ráng tìm mọi cách bươn trải trong cuộc sống, và vực dậy nghề vận tải.

Ít lâu sau bước chân xuống tàu làm nghề máy dưới tàu biển, nghe những người bạn nghề đi trước nói máy tàu và cả buồng máy phải luôn giữ sạch sẽ, khi đang vận hành và cả khi nghỉ máy, là một việc nhỏ nhưng phải là nếp quen trong việc làm hàng ngày của người thợ máy. Có những máy trưởng tàu biển, khi kiểm tra buồng máy luôn mang theo một khăn lau máy màu trắng, xuống buồng máy cầm khăn quớt qua lại máy cái máy đèn hay các máy phụ để đánh giá ý thức thợ máy. Coi đó là bài học đầu tiên cho một nghề nghiệp mới. Thế là lại nhớ tới chiếc xe Renault 4 và người lái taxi.

Gần ba chục năm sau, những năm 2000 không còn chiếc Renault 4 nào chạy trên đường phố nữa. Một dịp tình cờ, gặp lại một chiếc xe Renault 4, nghĩ ngay là anh và quả vậy. Là anh, được gặp lại người taxi ngày ấy khi ai cũng đã đứng tuổi. Hỏi anh còn nhớ tui không, ông cười ha hả và nhắc lại một vài kỉ niệm nhỏ rồi bá vai nói cố nhân ơi. Nhìn lại chiếc xe của anh sau bao nhiêu năm, bây giờ là xe nhà, dường như đã sơn lại bên ngoài nhưng đồng sơn rất chắc chắn, vẫn nệm ghế bọc vải trắng sạch sẽ gọn gàng, cái quạt nhỏ không buồn phát tiếng động, vẫn block máy hợp kim nhôm trắng tinh ấy, sạch không vương một chút nhớt nhao. Tự động đi kiếm lấy một miếng nùi giẻ trắng, mở nắp máy phía sau xe, đưa tay lòn dưới đáy carte quệt lên xuống cái máy xe, như ngày nào thấy anh ấy làm rồi nhìn nhau cùng cười vang, cố nhân đắc ý hiểu lòng nhau. Vẫn là cái nùi giẻ trắng sạch boong. Một thói quen nghiêm túc, tuyệt vời, ông lão của tôi.

Tại một tối bữa nào buồn buồn ngồi coi ti vi, thấy người ta vinh danh công dân thủ đô ưu tú gì đó ở ngoài Hà Nội cho một bác tài xe bus. Nhìn hình ảnh ống kính phóng viên quay minh họa bác tài đang thăm nhớt máy, nhác thấy cái máy xe bus ấy sao đen thui, thấy như là bụi lẫn nhớt bám đen hết cả cái máy xe, như là đã quá lâu nay không được rửa hay lau chùi. Bữa ấy chợt chạnh lòng nhớ người taxi Sài Gòn năm xưa. Năm nay chắc đã già rồi, không biết giờ này ông ở đâu?

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Tiếc nuối những hàng cây.

Với rất nhiều người, hoặc sinh ra và lớn lên được gắn bó với thành phố này, hoặc đang sống, đã sống một thời rồi đi xa hay dù chỉ là lữ khách một lần ghé thăm thành phố cùng một chút luyến lưu, cảnh quan ở khu trung tâm Sài Gòn có một nét riêng tư rất đáng yêu, rất Sài Gòn.
Trục tam giác các con đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hàm Nghi ra bến Bạch Đằng và lân cận với quần thể có tuổi trên dưới một thế kỉ, từ tòa thị chính tới nhà hát, nhà thờ Đức Bà qua nhà bưu điện, chợ Bến Thành đường qua khu nhà băng, đường sang thương xá Tax, khách sạn Rex đi thẳng xuống mé sông là Majestic một bên và bên kia là nhà quan thuế nhìn sang bến cảng... Những công trình ấy được người Pháp xây cất lên bên dòng Bến Nghé từ thuở sơ khai cuối thế kỉ 19 và tiếp theo những năm đầu thế kỉ 20 để hình thành một "Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi" cho tới ngày nay. Khu trung tâm Sài Gòn mang nét đẹp cổ kính và bền vững với thời gian, cả về kiến trúc và vẻ đẹp.

Bữa ấy ngồi coi TV thấy hình ảnh hai hàng cây Dầu rái cổ thụ trước mặt nhà hát thành phố bị người ta thản nhiên chặt hạ mà muốn than trời. Trước ngày đi chơi xa lượn một vòng Sài Gòn bỗng thấy một khoảng trời trống trải khu trung tâm chợt giật mình, ra là người ta bắt đầu lập hàng rào, lô cốt quanh mấy trục đường chính Sài Gòn để xây dựng nhà ga điện ngầm, không nghĩ là người ta sẽ di rời tượng Trần Nguyên Hãn đi đâu đó, chặt phá mất hàng cây cổ thụ đường Lê Lợi và sẽ đập nốt cái thương xá Tax trăm mấy chục tuổi từ những ngày khai sinh Sài Gòn để cất lên trên nền thương xá ấy một cao ốc mấy chục tầng. Rồi mai này sẽ còn lại gì ở đó nhỉ, khu trung tâm Sài Gòn ấy? Nhà hát thành phố, tòa thị chính hay nhà thờ Đức Bà trơ trọi dưới nắng gắt, lọt thỏm giữa những tòa cao ốc bằng kính mà ở đâu trên trái đất này cũng có. Sài Gòn sắp mất hết rồi nét riêng tư vốn có để trước nay nó luôn được đáng yêu.

Một dạo nào đã xót thương những cụ cây bị đốn bỏ trong công viên nhỏ Chi lăng để làm sáng mặt tiền cho một tòa cao ốc, cũng những cây Dầu hàng trăm năm tuổi theo năm tháng cứ vươn thẳng trên trời xanh mặc nắng mưa gió bão, hàng năm vào mùa có những cánh chuồn bay bay quay tròn trong gió cho đám học trò đuổi bắt sau giờ tan trường. Bây giờ lại thêm các cụ cây già ở khu trung tâm, trước giờ đứng làm đẹp cho mặt tiền nhà hát thành phố đã vĩnh viễn biến mất. Những cây Dầu rái hàng trăm năm tuổi ấy, biết bao tiếc nuối, Bây giờ muốn nhìn lại chúng phải chờ hết bấy nhiêu năm.

Tự hỏi tại sao người ta lại phải làm nhà ga ngay giữa trung tâm như vậy chớ. Đã làm nhà ga Ba son ngay đầu đường Bạch Đằng, chỉ cần sải mấy bước chân trên khu phố đi bộ là vô tới Bến Thành hay nhà hát thành phố rồi, làm thêm chi hai nhà ga nơi nhà hát và chợ ấy, chỉ cách nhau mấy trăm mét cho nhiều tốn kém và phá thêm nét riêng vốn có Sài Gòn. Phải chi để tiền đó làm thêm một khúc nữa ở cuối con đường từ Suối Tiên tới giáp Bình Dương, cho thợ thuyền người ta đi làm ở các khu công nghiệp Bình Dương, Biên Hòa, cho bao nhiêu người được hưởng cái xe điện ngầm và giải tỏa được bao nhiêu xe cộ, thời gian... Và tại sao bên khu đô thị quận Hai quận Chín mới quy hoạch bên kia bờ sông ấy, sao không quy hoạch xây dựng bao nhiêu nhà cao tầng mặc sức.

Nơi trung tâm ấy lâu lâu lại mất đi một ít Sài Gòn, mất đi dần những kỉ niệm hay hình bóng một thuở. Mất rồi cái tiệm rượu của anh chị Tư ở nhà nhường chỗ cho tòa cao ốc Bitex, mất kiosk Nguyễn Huệ trưa Sài Gòn có chị em tiểu muội "một xị một sô", mất bố già bia lạnh hàng đêm, mất ly cà phê Givral sớm chủ nhật, thoáng sau lớp kính một tà áo dài thướt tha trên hè phố, mất thú vui tìm kiếm trong nhà sách Xuân Thu ngày cuối tuần và chắc rồi sẽ mất nốt một chợ hoa ngày cuối năm Tết đến.

Có một góc riêng tư những ngày ở chơi trên đất Mỹ, mỗi sớm ngồi cà phê một mình ngoài porch bên hông nhà, thấy những mảng màu xanh của cỏ và cây dưới nắng sớm làm cho ta nhẹ nhàng thanh thản. Xa là hàng cây Maple lớn nhỏ có bọn Sóc đuổi nhau chạy lên xuống, gần hơn là đám ong bướm la đà qua lại những nụ hoa, thi thoảng một sợi bông trắng nho nhỏ mang theo một hạt mầm bay bay trong gió, ngập ngừng tìm chỗ đậu rồi lại lững thững bay đi, bồ công anh đấy, chúng làm công việc gây mầm cho sự sống sau mỗi mùa Hè để năm sau sẽ có thêm những bụi bông vàng mượt tô điểm trên những thảm cỏ xanh.
Ở vùng này, thấy trước nhà, ranh giới giữa hai nhà trước sau thường có những hàng cây, hoặc lác đác trong vườn nhà thường tồn tại một vài cây, thứ cây cổ thụ có tuổi vài chục tới cả trăm năm hoặc hơn nhiều nữa mà từ khi cất lên căn nhà thuở ban đầu có lẽ người ta đã ý tứ giữ lại. Mỗi vườn nhà người chủ đều trồng thêm nhiều cây và hoa để khi mùa Xuân về là xanh lá xanh cỏ và rực rỡ sắc màu những hoa là hoa. Mọi người ai cũng yêu quý cây cỏ.

Rủ bạn Nhí nhỏ đi mua về một cây táo nhỏ, trồng nó trong vườn nhà để trông chừng sau ít năm nữa nó sẽ cao lớn được bao nhiêu, sau bao năm thì cây sẽ cho trái, để cho con hái và để một ít cho chim và lũ sóc tới phá, sẽ mất bao lâu nhỉ khi bữa nay trồng xuống thấy nó mới bé tẻo teo vậy nè.

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Sinh nhật.

Sinh nhật mỗi người trong gia đình chắc chắn mấy đứa nhỏ năm nào gần tới ngày cũng nhớ và nhắc.
Đang ngồi ôm máy đọc báo mạng ở nhà bỗng nghe tiếng ca đồng thanh của mấy nhỏ happy birthday bố bi. Bữa nay mấy nhỏ rủ nhau đi đâu từ sáng sớm, ra là chị em tụi nó thỏ thẻ với nhau từ bữa trước, sớm mai đi mua quà sinh nhật cho cha.

Chắc mua cho cha áo da để chạy mô tô là ý tưởng của Hai. Thế là dù đang là mùa Hè nóng nực cũng phải mang tấm áo con mua tặng đặng đóng tuồng chụp hình ghi lại kỉ niệm.

Còn Bạn nhí cũng muốn làm gì cho sinh nhật của bố mẹ, nghĩ mãi bèn bí mật nặn tò he mang tặng. Mẹ không có ở đây thì bé chụp hình tò he gởi mail cùng lời chúc vậy.
Bố bảo, bạn Nhí làm hình mẹ đẹp tựa chị Hằng, lịch sự và xinh xắn còn gắn thêm đôi cánh thiên thần. Còn bố sao, coi thấy giông giống chú Cuội quá, xấu ỉnh. Năm nay sắp tới trung thu Nhí dìm hàng bố quá trời luôn.

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Mùa Hè muộn.

Sắp cuối mùa Hè, ở nơi này ngày vẫn dài hơn đêm. Nắng nhiều nhưng không quá oi nóng để cho mọi người còn rủ nhau đi chơi dịp nghỉ cuối tuần. Cây cỏ như đang tích lũy năng lượng, những ngày này đậm đà màu xanh khắp nơi. Hoa đã nở rộ từ những ngày tháng trước, khi mà mùa Xuân về đây làm cho đất trời trở nên ấm áp, bây giờ chỉ còn đâu đó một vài loài hoa nở muộn cùng những bụi Hồng thích khoe hương sắc vẫn liên tục nhú lên những nụ bông lớn nhỏ. Lâu rồi mới có lại cảm giác vui vui được bước chân trên thảm cỏ rộng thênh thang, nghe mùi cỏ mới cắt ngai ngái thơm thơm dậy khắp quanh mình và được mang vòi ống đi tưới đẫm nước cho cây cỏ. Một cặp chim Robin nâu cam đang loanh quanh lượm lá lót ổ trên một cành thông nhỏ sà mặt đất, chắc sắp tới mùa đẻ trứng, vài chú sóc loay hoay tới lui trên cành cây ngó trộm vị khách lạ tới từ phương xa.

Quay qua quay lại đã qua nửa mùa Hè, giật mình vì ít lâu nay bận bịu việc nhà ít để ý nhiều việc khác, giật mình vì thời gian sao chạy đi nhanh quá mà còn bao nhiêu việc cần làm, giật mình một bữa khi nỗi nhớ bỗng rộn trong lòng. Mùa Hè sắp hết tới nơi rồi, bé con sắp vào năm học mới, bèn tạm biệt bà thị xã "iu vấu", tạm dẹp ba chuyện nhà, quăng điện thoại vô hộc kéo và xách ba lô đi thăm con thôi.

Nghe tiếng reo bố ngay cửa phi trường Logan và cái ôm hôn nghẹt thở làm cho nhẹ nhàng nỗi nhớ. Bạn Nhí "lùng" bữa nay thấy có vẻ cao thêm được "chúc chúc", nụ cười tươi xinh, vẫn còn đó nét ngây thơ và nhõng nhẽo. Bạn ấy hòa nhập được ở môi trường học hành mới nhưng tật vẫn ham chơi hơn ham học, sợ học nhiều và sợ bị giỏi.
Còn một ít ngày Hè muộn, chắc là cha con sẽ có được phần thời giờ chơi vui với nhau để rồi lại cùng vào một năm học mới, sắp tới nơi rồi. Cha Nhí sẽ có ít ngày được đưa đón bé đi học và tan trường, như những ngày xưa Sài Gòn vội vã mỗi sớm chiều.


Chiều cuối tuần, mặt nước mênh mông, yên lặng, nắng hoàng hôn, chỉ có cha con nhà Nhí chơi kayak và chụp hình cho nhau.


Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Sao thế này.


Bàng hoàng hay tin một dịch sởi bị giấu diếm cướp đi hơn một trăm sinh mạng trẻ thơ, con số đang còn tăng lên và tại ngay bệnh viện nhi trung ương ở Hà Nội. Nhìn những tấm hình người mẹ khóc ngất được dìu đi, bà khóc, người thân khóc thương bên người cha lặng lẽ nghẹn ngào bồng xác con ra về từ bệnh viện, xót xa đau đớn quá cho những người làm cha làm mẹ bị mất con. Có bao nhiêu đứa trẻ không được tiêm chủng, không được tiêm nhắc lại hay tiêm rồi mà vẫn nhiễm bệnh, vẫn tử vong. Sinh mạng con trẻ ở xứ mình rẻ nhẹ vậy sao. Tại ai và làm sao nên nỗi này.

Nhìn  thấy những hình ảnh cuối cùng của hai mẹ con nhà ấy qua camera theo dõi hành trình phương tiện và thêm những tấm hình trong đám ma hai mẹ con người ta nơi quê nhà, thật não lòng. Cậu con trai mười tuổi ngả mình trong lòng mẹ trên chiếc xe đò sau ngày về quê đám dỗ bà ngoại muốn mau mau trở về thành phố cho kịp học. Chỉ ít phút sau đó chiếc xe đò gặp nạn, đứa bé ấy bỏ thế giới này, và rồi mẹ cậu cũng lặng lẽ ra đi theo cậu. Nỗi đau đớn lớn quá của gia đình người nông dân miền Tây không thể nói thành lời. Biết hỏi ai, hỏi tại sao lại có thể để một chiếc xe bồn đủng đỉnh trên làn xe cao tốc một trăm cây số giờ vun vút để tưới mấy cái cây ở cái dải phân cách bé tí của con đường cao tốc Trung Lương.

Chuyện mới đây nhóm bạn bảy em nhỏ Lai Châu qua sông bị thủy điện đổi giờ xả nước cuốn trôi, một em mười tuổi mãi mãi không trở về với bè bạn và gia đình. Chuyện mới nhất là hai em nhỏ bảy tuổi chết bên một hồ nuôi cá ở Quảng Nam.
Chuyện dạy dỗ, cư xử với con trẻ đang hết sức nhẫn tâm. Từ chuyện em bé gái mới hơn mười tuổi bị trói bên gốc khế tuốt trên mạn Lạng Sơn đến em bé gái Chư Sê khốn khổ trong siêu thị sách xứ cao nguyên xa xôi nghèo khó. Rồi những chuyện bạo hành trẻ từ mầm non đến tiểu học, trung học...

Những mong được lãng quên đi chuyện bà mẹ ôm chặt đứa con trong lòng mình cùng nhau mãi nằm dưới lòng sông Sài gòn của chiếc tàu Dìn Ký năm trước, mong quên đi hình ảnh những người mẹ khóc ngất bên bãi biển Cần Giờ chờ tìm được xác con cuối năm rồi, bảy chàng trai nhỏ chung một ngôi trường và đều là con trai một của bảy gia đình ở Dầu Tiếng Bình Dương.
Nhưng chỉ mấy ngày nay thôi, nhiều tin tức về con trẻ khiến ai cũng phải giật mình, bàng hoàng và xót xa. Tai nạn giao thông, đuối nước, bệnh dịch, xâm hại con trẻ... và sẽ còn những gì nữa. Sự an lành cho con cháu mình trong xã hội luôn là nỗi nơm nớp lo trong lòng mẹ cha ông bà, bất cứ lúc nào, ở đâu, thành phố, nơi miền quê xa xôi hay núi rừng hẻo lánh.
Xã hội ngày càng làm sao thế này.

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Những lão bà đường phố.

Dường như đường phố mấy bữa nay như đông vui hơn, có nhiều người mặc đẹp, có nhiều hoa, nhiều lời chúc mừng và nụ cười, mọi người mừng ngày phụ nữ.

Gió lành lạnh thổi lên từng đợt từ mé sông phía bến Bạch Đằng, len lên con dốc ngắn nơi bà lão thường đứng đó mỗi sáng sớm dưới mái tòa nhà Eden. Sài Gòn tháng Giêng vẫn còn lạnh, từ cuối năm rồi sang đầu năm nay sớm nào cũng lành lạnh. Bà lão nói chuyện, bữa nào cũng ra đây từ sớm, bữa nào bà cũng phải mặc thêm một tấm áo len mỏng nhưng vẫn còn thấy lạnh, chắc tại lớn tuổi rồi. Đứng sớm tới giờ chắc là mệt mỏi, bà lão ngồi sệt bên lề đường vội vã đứng dậy khi nghe tiếng xe máy chầm chậm dừng lại bên mình và như quán tính vói tay đưa ra xấp vé số. (Đọc thêm)
Hỏi bà lão mù nhớ tui không, bà bảo nhớ chớ, cậu Hai chạy mô tô, Tết năm rồi chia bà cháu tui con gà. Nhớ bữa trong năm cậu Hai ghé, còn nhiêu vé lấy hết cho bà lão đi về sớm, còn chở tui ra bến xe nữa. Mắc cười bữa đó các cô các chị bán hàng rong bến xe bus thấy có người lạ chở ra bến ồ lên, cậu Hai giỡn mới trúng độc đắc, ai cũng hỏi được nhiêu nhiêu, kì này bà lão ngon rồi nghe.
Bà lão nói trời thương cho mình còn khỏe, vẫn bán vé số mỗi ngày nuôi mình và nuôi đứa cháu ngoại. Bà than thở thằng cháu học hết lớp ở trường Tình thương bên nhà thờ, năm rồi nghỉ và xin đi làm được mấy bữa, nhưng cũng chỉ mấy bữa rồi nghỉ, không có nghề chỉ để người ta sai vặt, rồi ma cũ nạt ma mới, bị người ta ăn hiếp hoài, nó chán bỏ việc nằm nhà thì bà lại nuôi chớ ai, cậu Hai thương coi có việc gì làm xin cho nó.

Những người nữ ấy bao năm qua mưu sinh trên lề đường, họ đã già đi nhanh quá. Những lão bà đường phố, kêu họ vậy tại bởi biết họ và chỉ gặp họ trên đường phố, có những người gặp từ thuở còn trai tráng đi biển, đường lên xuống cảng là đi qua những con đường đó, là gặp họ dài dài từ đó giờ mấy mươi năm có, họ bây giờ đã là những bà lão đường phố. Từ những năm đó tới năm nay vẫn thế, những năm tháng đời người nơi góc phố.
Đảo một vòng những con đường, năm nay bà Hai già ham việc đã nghỉ, con cái bắt bà phải về không cho ra phố bán nữa. Nhớ bà với những viên kẹo nhỏ chia cho đám nhỏ mỗi lần ghé mua vé số. Bầy se sẻ và bồ câu chắc hết đáp xuống chơi nơi này rồi vì không còn có bà mỗi chiều cho chim ăn.
Bà Hai nghỉ bán vé số ở góc phố này thì  lại có thêm nhiều bà Hai khác thế chỗ. Sài Gòn nắng như thế, mấy lão bà vẫn xoay quanh bóng cây bên lề với những xấp vé số mỗi ngày.

Một bữa bỗng thèm bún chả Xuân Tứ, xách xe chạy tuốt lên Tân Bình. Quán vắng, thấy một bà lão ngồi bên kia cứ nhìn mình ăn, ăn uống kiểu này thấy không đặng bèn kêu một phần bún chả cho bà. Bà lão móm mém bảo không ăn được đâu, chỉ ăn cháo được thôi. Hổng biết làm sao, thôi gởi bà chút ít hồi ăn cháo.
Nhận tờ giấy bạc, bà lão cười móm, kể, quê hương tận ngoài Nghệ An. Chồng chết rồi con chết rồi ở một mình. Buồn chán bỏ xứ đi ít lâu, quay về thì ruộng đất người ta lấy mất từ hồi nào không hay. Lại bỏ đi, là đi hẳn. Bà kể đi thuê nhà trọ ở bên Tân Phú, mỗi ngày qua lại nơi này, động chân động tay lau cái bàn cái ghế, ai thương người ta cho tiền, tôi chỉ ăn cháo được thôi. Cứ sống thế qua ngày, bà bảo, biết làm sao khác được.
Lâu nay ít lên phố, nhưng mỗi lần đi, nhìn đâu đó thường thấy những cảnh đời người cơ cực, đăng đắng lòng.

Bữa qua bữa nay nhiều nơi người ta mít tinh, nơi công sở đi làm sớm ăn mặc đẹp, để trưa để chiều sẽ còn đi nhà hàng mừng ngày phụ nữ, rồi những đôi lứa có dịp đi chơi và bày tỏ tình cảm, thật may mắn nhằm ngày nghỉ cuối tuần. Trên đường phố bày bán hoa nhiều lắm, và có nhiều nơi bán hoa. Hoa nơi cửa chợ, hoa trên lề đường, khắp nơi, hoa lẵng, hoa bông lẻ, để đám trẻ chúc mừng nhau, chúc cho những người nữ. Nhưng mấy lão bà đường phố có để ý đến ngày này và họ có nhận được những lời chúc mừng không biết nữa. Với họ, nhiều người vẫn chỉ là một ngày bình thường trong cuộc mưu sinh, những ngày lầm lủi mong xấp vé số vơi dần, những gánh hàng rong mong nhẹ gánh trên vai. Và sợ với họ, một bông hồng có khi như là một sự sa xỉ và hoang phí lắm.

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Tết với bạn.

Sắp qua tháng Giêng, phải có lời cám ơn bè bạn cái chớ, vì Tết này đã quan tâm tới nhau.
Chuyển về ở căn hộ khu Phú Mỹ Hưng xa nội ô, biếng lên phố và biết có ai muốn tới không nên Tết không sắm sửa chi, nghĩ chỉ lo hai bữa cúng ông bà và trời đất là xong. Vậy mà ngày giáp năm bạn bè ơi ới gởi đồ, sợ kẻ ăn Tết một mình buồn. Bạn gái của vợ, bạn trai của chồng gởi quà Tết lại nhà đầy một tủ lạnh, đủ từ cái bánh chưng bánh tét, thịt kho chả lụa tới củ kiệu tôm khô, lại có cả hũ cà pháo ông bạn Gtl tự tay muối nén nữa chớ. Thật lòng cám ơn mọi người.

Rồi cũng có bạn Tết tới chơi nhà, mấy bạn blogger tre trẻ, vui vui. Nhờ ông bạn vàng nấu nướng chút đỉnh gì đó tiếp khách, cũng có được bữa gặp nhau đầu năm tạm vui, đáng lẽ phải đưa tin và mấy hình ảnh liền những ngày còn Tết cho thời sự. Nhưng bữa ấy khi bạn bè ra về rồi, ở nhà có chuyện buồn nên bây giờ mới gởi mấy tấm hình họp mặt bữa ấy. 
Chỉ cần hai chai whisky cho ba người, các bạn ấy đã hạ đo ván chủ nhà. Biết là mình khg còn trẻ nên sau một hiệp đấu đã bị tuổi trẻ hạ đo ván ngay tại sân nhà, thế là không có nổi lời chào chia tay khách. Còn may mắn lúc mới gặp mặt anh chị em đã có lời cầu chúc năm mới cho nhau. Tuổi tác là vậy đó, tuổi tác nhắc nhở cho mình không ỉ i mình còn khỏe, một thời ngông nghênh đã qua rồi.
Cám ơn bạn bè đã ghé chơi và bạn nào có đọc bài này, cười vui cái và thêm vào một lời xin lỗi của chủ nhà không được chu toàn và bị hạ đo ván bữa đó nhé.



- Chai rượu của anh B giờ mới mở, có một giải thưởng nhỏ.
- Món Bào ngư ngon tuyệt, cám ơn bạn mình.


- Phát tài đầu năm. Coi kìa có người cười người nhăn...
- Nụ cười thay lời chúc cho Năm mới. 

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Tết một mình.


Ngày giáp Tết người ta ai ai cũng muốn dẹp hết mọi chuyện làm họ đã lo cả một năm dài để sớm về nhà cùng gia đình cuối năm đón Tết. Người về dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bánh trái cúng ông bà tổ tiên, người ở xa ba lô túi xách vội vã lên đường về quê. Nhưng đâu đó quanh đây vẫn có nhiều người lắm, Tết một mình.
Chiều muộn ngày giáp Tết rồi mà em gái nhỏ vẫn một mình mang khẩu trang với dòng chữ bán bảo hiểm bên lề đường. Thấy thương thương.

Thực ra ở Sài Gòn hay trên các nẻo đường, ở nhiều nơi và có nhiều lắm những người lao động bình dân đón Tết một mình, như là họ không có cái Tết cho mình nữa. Đã quanh năm với những công việc bình dị để kiếm sống, ngày nào biết ngày đó nên những ngày này cũng vẫn chỉ là kiếm sống, hoặc muốn kiếm thêm một tí về nhà cho con cháu hay giản đơn mỉm cười cùng khách, ngày đầu năm xuất hành lấy hên khi khách hỏi thăm.

Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, dạo quanh phố phường một khúc, dù ngày Tết đường xá có thưa thớt, ở một góc phố vắng lặng chợt hiện một mình bóng anh phu xe dưới bóng cây xanh ngày đầu năm nắng nóng ngóng chờ cuốc xe ôm đầu năm. Đằng kia lóc cóc bước chân người bán vé số dạo cũng một mình nhẫn nại đang xa dần. Nơi vui chơi đô hội, một chùm bóng bay lầm lũi  bước đi dọc con phố không nhìn thấy mặt người...

Làm bộ điện thoại, chỉ dám len lén chụp từ xa mấy tấm hình ghi nhận, sợ chạnh lòng những người Tết một mình, sợ làm buồn lòng người ta ngày đầu năm mới.



Còn có thêm kẻ này cũng Tết một mình.

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Tết với người quê.


Vợ chồng bạn nói với nhau, ngày giáp Tết chộn rộn, xe đò vội vã, chen chúc, cô ấy còn hai đứa con gái nhỏ sao lấn được với người ta, tội nghiệp. Hay là bố cháu lấy xe chở mẹ con tụi nó về, Vĩnh Long đây đó có bao nhiêu xa. Thế là hai gã xách xe đi. Lúc này không bận bịu việc chi, vợ con kế bên không có, mèo chó cũng không nuôi, bếp nguội sẵn rồi, ngày Tết cũng giống ngày thường, hú nhau là đi thôi, quen rồi.
Hiếm có người nào tận tâm thương người giống vợ chồng nhà gã, hai chín Tết rồi vợ còn kêu chồng lao ra ngoài đường chở mẹ con người giúp việc về quê ăn Tết, mà phải chở về tới tận nhà nghe. Cô gái ấy quê miền Tây lên Sài Gòn phụ việc nhà cho người ta. Được cái siêng năng, làm đâu gọn đó, sạch sẽ hơn người nên giới thiệu qua lại, cô có việc làm phụ việc nhà theo giờ hàng ngày cho ba bốn hộ trong khu đô thị, tằn tiện chắc cũng tạm tạm trả tiền thuê nhà, sinh hoạt cho cả nhà và nuôi hai đứa con nhỏ đang đua học với con trẻ thành phố, đứa lớp bảy đứa lớp một.

Ngày giáp Tết về miền Tây, ngoại trừ cầu An Hữu gần ngã ba còn dở dang, những cây cầu khác làm thêm cho hai tuyến trên đường đi về miền Tây đã thông, người quê đã về ăn Tết với gia đình bớt dần từ mấy bữa trước nên đường xá cũng thư thả ngày cuối năm cạn. Rất nhiều người trở về quê bằng xe hai bánh, lâu lâu một chiếc xe đò ào ào như vẫn thế và khó chịu hơn cả là mấy xe biển xanh, xe 80 của mấy quan giành đường chạy như ăn cướp. Còn các chú phú lít ngày cuối năm vẫn tận tình rình cả xe hơi xe máy, tốc độ hay lấn tuyến ở mọi ngả đường.

Đường lộ lớn cách nhà còn một khúc. Tới nơi gởi xe lối xóm ngoài lộ chính, thấy mấy xe máy đã chờ sẵn để chở vô nhà.  Một con lộ nhỏ ven làng quê đã đúc bê tông bằng đóng góp chung của mọi nhà. Hương quê  nhè nhẹ, nhà cửa người quê be bé bên ruộng lúa xanh ngát đang thì con gái. Thời tiết năm nay lạnh bất thường lại kéo dài, mai vàng trong vườn nhà nhiều lắm nhưng không có được mấy nụ bông. Nhà cửa đã sửa soạn đón Tết, bàn ghế đã bày sẵn trải khăn. Người quê bảo, ở dưới này từ hai tám là từng nhà lai rai cúng rước ông bà về ăn Tết được rồi, nhà trước nhà sau không cứ phải là chiều ba mươi đặng lối xóm còn chạy qua chạy lại với nhau, tìm chung rượu kiếm cớ nói chuyện ngày cuối năm chớ.

Mấy thanh niên thấy khách thành phố về, đứa chạy vội đi kéo về hai thùng Sài Gòn xanh nhỏ thứ đặc biệt, đứa mang lên hai con cá lóc đồng rọng sẵn trong lu mang nướng, đứa vô bếp xào nấu, không lâu xong tiệc nhậu. Người quê vốn luôn hiếu khách như thế.
Đám nhỏ thành phố về lâu mới gặp lại em út bạn bè mừng rỡ chạy chơi lăng xăng đâu đó, mấy người nữ lui cui dưới bếp còn đàn ông kéo nhau nhập tiệc. Ái ngại với mấy thùng bia, mấy trăm ngàn của người quê là nhiều chớ không ít, trả lại người ta đi, để tiền xài Tết, nói người thành phố về sông ăn cá là quý rồi, muốn uống rượu đế chớ không uống bia. Rượu đế pha nếp than, nhạt nhưng ở nhà làm được, uống vô lâu say nhưng nhẹ lòng.
Những câu chuyện quê quanh mâm cơm ngày cuối năm với những tiếng cười rổn rảng, những ngôn từ miền Tây đậm dân dã, chuyện cực nhọc pha với hài hước của mỗi người đi làm ăn xa về với người ở lại, vô tư, vui vui nhưng đăng đắng vương theo mỗi bước gian truân. Bàn rượu có bấy nhiêu người mà đã quá nhiều công việc mưu sinh đời thường. Người quê ở lại thì cả năm loanh quanh chăm thêm đàn gà đàn vịt hay một hai con bò kiếm chút thu nhập ít ỏi bởi đồng đất không sinh thêm ra và cả nhà bấy nhiêu người còn được vài ba công ruộng. Người quê lên thành phố làm từ phu hồ, lái xe thuê, người giúp việc nhà hay bốc vác ở cảng, xoay vần với cuộc sống nhiều vất vả và hầu như ai cũng còn nghèo lắm. Nỗi lo mưu sinh nhưng phớt đời của người miền Tây bên trong những câu chuyện quê mộc mạc ấy làm cho lòng dịu lại, và ai đó học được ở người quê biết quên những chuyện đời nhiễu nhương, biết cho qua vất vả và những muộn phiền không đáng. Rồi một năm cũng qua đi.

Nhớ con cá lóc đồng miền Tây. Thứ con cá lóc đồng nơi đây, lóc bắt trong ruộng trong rạch mùa này ủ trứng cho sinh nở tháng Tư, đầu nhọn nho nhỏ thôi mang nướng với lửa rơm, thịt dai thơm mà ngọt ngay khác hẳn con cá nuôi. Cái bộ đồ lòng con cá lóc đồng ấy, chủ nhà dành riêng cho anh Hai, anh Ba trên thành phố về, nó sắt lại, dai dai và béo ngậy, cái vị đăng đắng nhân nhẫn ấy thì chỉ có về quê mới kiếm ra. Chủ nhà chiêu cho một ly đế xây chừng, chỉ cắn mỗi lần một miếng nhỏ từ cái bao tử, lượm thêm miếng muối hột bỏ miệng nhâm nhi, ở thành phố không có mồi nem công chả phượng nào sánh được.
Ngày giáp Tết được về đối ẩm với người quê để Tết về cứ nhớ tới người quê và cảnh quê, nhớ niềm vui gia đình xum vầy ngày cuối năm, nhớ tấm lòng cùng những nụ cười quê chân thật và cái cách gì đó, để biết cho qua những vất vả của cuộc sống này và những muộn phiền không đáng.

Cảnh quê ngày Tết.
Sài Gòn, nam thanh nữ tú, Tết ở khu Phú Mỹ Hưng Q7

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Đường lên Tây Nguyên.




Sớm mai, lành lạnh và sương mù giăng trắng những nẻo đường.
Một vài chiếc xe công nông lạch bạch trên đường và những bạn nhỏ đường đi học sớm.
Nắng chiều với bụi đỏ cao nguyên và những vạt dã quỳ cuối mùa rực nắng.