Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Cái không phải của mình.

Ngồi nói dóc, thằng cháu 8x khoe chuyện mấy năm nay không tốn tiền internet. Nó kể chuyện vẻ khoái chí rằng từ ngày chuyển công tác vào đây từ Hà Nội, tự nhiên một hôm ở nhà mở máy có wifi liền, hàng xóm có nhà nào nó trả tiền bao trọn gói cước nên xài vô tư, khỏi khi nào tắt, khỏi cần mật khẩu. Hỏi chớ không phải của mình, xài của người ta không thấy kỳ cục sao? Nó cười vô tư kệ chứ, xài chùa bao giờ cũng sướng.

Nhớ một lần qua chơi bên Quincy (MA), một sáng mở cửa thấy có mấy thùng hàng ai để trước nhà từ bao giờ, hỏi ra là mấy thùng sữa mỗi tháng của ông bà ngoại. Buổi chiều nhân viên xã hội mang lại thêm một thùng nữa nói từ tháng này thêm một. Dì Ba từ chối nói dư rồi trả lại. Buổi tối đi chung chở con gái vào trường học, dì Ba và Hai ghé cửa hàng mua ít lon sữa, cũng thứ ấy, cho Hai mang vô ký túc xá xài lỡ lúc học đêm đói bụng. Tính hỏi, sực nghĩ ra sữa kia là của quỹ xã hội, không xài hết trả lại cho người khác xài, con mình không được xài, không phải của mình.

Lại nhớ cậu Năm, ông nông dân miền Tây ham làm ham nhậu. Quanh năm cậu Năm vất vả làm ăn. Mùa vụ xong, lúc nông nhàn ông còn bày cho đám trẻ làm mọi việc từ trồng sen, trồng ấu tới đan bội, hái gòn. Ông dạy chúng lúc có sức, ăn chén cơm uống ly nước là phải mần. Mần trả cho lúc nhỏ chưa mần được và mần dư để đó lúc già có xài, là xài cái của mình.

Bữa hôm nghe cậu Năm bị tai biến, alu xuống hỏi thăm, nghe người già cũng khóc. Giọng ông buồn buồn, nhẹ hều như hơi gió trong điện thoại, cậu xụi mất một bên tay rồi con ơi.

7 nhận xét:

  1. Bạn Lana nói: Ý nghĩa lắm Đỗ à. Mỗi người có ý thức hơn một chút cuộc sống sẽ đẹp và đáng yêu hơn bao nhiêu!

    Trả lờiXóa
  2. Xin lỗi bạn Lana, trục trặc một tý nên phải đăng bài lại và đăng lại nhận xét của bạn.

    Trả lờiXóa
  3. Anh Đỗ:
    Tiếc là cái thói xài đồ chùa ở nhà mình phổ biến quá, mọi người cũng vô tư với cái lý do "có Liên Xô chịu".

    Trả lờiXóa
  4. Ý thức về cái sự mần-ăn này, ngoài người nông dân chân chính, giờ trở nên rất hiếm hoi, cái tâm lý ăn nhiều mần ít hoặc không phải mần gì vẫn nhiều hơn, lấn át hơn

    Trả lờiXóa
  5. -VMC,
    Ở mình xài đồ chùa phổ biến thật, nhất là của cơ quan nhà nước, nghe chuyện có người vào cơ quan mỗi ngày tắm giặt xong mới về nhà, buồn cười.

    Trả lờiXóa
  6. Phú à, tôi rất chịu cái triết lý "mần-ăn" của cậu Năm nông dân ấy.

    Trả lờiXóa
  7. -Bạn Lana,
    Mình phải dạy con ý thức cộng đồng từ nhỏ, bạn đồng ý không?

    Trả lờiXóa