Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Em ơi, về đi thôi.





Ngày tháng xếp lại rồi, 
Mùa xuân vui đang tới,
Tết đến bên thềm cửa.
Em ơi, về đi thôi.

Củ Chi - Chiều 28 Tết.

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Sài Gòn có góc phố.

 Có một bài hát về Sài Gòn , nghe thật hay do bác Bắc Hải sáng tác. Nhân dịp vào năm mới muốn gởi  cho con gái và những người thân mến đang ở xa. Tết sắp về, nhớ Sài Gòn một nhớ.
Xin phép và cám ơn bác BaChai iêu quý.


Nhạc và lời: Trần Bắc Hải
Guitarist: Thanh Phương
Ca sỹ: Hằng Nga.
Lời bài hát:

1. Sài Gòn có góc phố 
Hàng me đứng nghiêng đầu
Sài Gòn có góc phố
Chiều mưa chờ bên nhau
Sài Gòn có góc phố
Chợ khuya nhóm từ chiều
Sài Gòn cho tôi yêu
Bạc đôi vai áo mẹ
Sài Gòn cho tôi thương
Mỏng manh tà áo trắng
Chiều vàng nắng phố phường
 Điệp khúc:

Cho tôi chiều nay hỏi sao không chiều mưa
Cho tôi chiều nay hỏi gió ngưng bao giờ
Cho tôi chiều nay về gốc cây ngày xưa
Cho tôi chiều nay Sài Gòn có ai đang chờ

2. Sài Gòn có góc phố
Ngày xưa bước đến trường
Sài Gòn có góc phố
Của tôi là quê hương
Sài Gòn có góc phố
Gần đâu quán cây dừa
Trường của tôi không xa
Bùng binh Ông Gióng Nhỏ
Nhà tôi luôn đông vui
Nội tôi cùng ba má
Thường đầy ắp tiếng cười
Điệp khúc.
3. Sài Gòn có nỗi nhớ
Nhiều như sóng vỗ bờ
Sài Gòn có nỗi nhớ
Buồn như một câu thơ
Sài Gòn có góc phố
Chiều mưa gió nhạt nhòa
Để người ai đi xa
Chẳng làm sao quên được
Một nụ hôn thơ ngây
Một giọt mưa trong vắt
Đọng trên lá chưa rơi
Điệp khúc.

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Hội mỏng.

Nhóm bạn ấy chơi với nhau đã khá lâu. Cái tên gọi "Hội mỏng" nghe ngồ ngộ nhưng dễ thương. Mỏng nghĩa là mỏng túi, ngày ấy mỏng nhưng ham chơi và chơi với nhau vui vẻ, vô tư. Không để ý nhau dung nhan, tuổi tác, dày mỏng, hoặc làm công việc gì, thích thì chơi không thích thì thôi.

Quá lâu nay bận bịu công việc và gia đình, ít có thời gian bù khú với đám bạn hội mỏng. Lâu lâu có gặp người này người nọ, thăm hỏi đôi ba câu, cười "khe khe còn khỏe", rồi làm bậy vài ba ly, có gì uống nấy, khỏi cầu kì.
Những năm gần đây, mỗi cuối năm bạn Thành thường tổ chức hội mỏng gặp gỡ tất niên và mời lại chơi. Vậy mà năm nào cũng vướng công chuyện, mãi năm nay mới gặp gỡ lại hội mỏng dịp tất niên. Bạn nào cũng thật vui vẻ, cười không.

Một Lobo năm nay đã vào tuổi con Mèo chẵn. Nhớ những năm xưa, giọng ca nhừa nhựa khàn khàn trên vũ trường Palace hàng đêm vô tư thế nào bây giờ vẫn vậy, ôm đàn ca "Si nâu nói với si đen rằng, giày trắng không đánh si nâu"... vẫn rất hấp dẫn.

Tiến "đại bàng" và Hà, anh nào cũng giừ, vậy mà giọng hát nghe còn rất trẻ trung và nhiệt tình. Bạn Quang Đại gặp thì nhắc ngay những ngày cà phê lề đường rồi qua bên ki ốt quán mẹ con nhà muội muội xinh xinh "xị sô, sô xị" giữa lòng đường Nguyễn Huệ. Ây da, một thời ri-va-lê, ri-va-lết nặn tắc pha sô đa, sao mà bụi bặm và để nhớ hoài.
Bạn Chỉnh rồi bạn Thoáng, các bạn Oanh, Thu, ông bà chủ "Cây tre"... vẫn cười hiền hiền như thế. Ai cũng muối nhiều nhiều tiêu ít ít, chỉ có mấy bạn nữ là cứ đẹp mãi và trẻ mãi không già, gặp nhau cười toe vui ghê.

Tất niên năm nay gặp các bạn vẫn yêu đời như thế. Cái hội mỏng ba chục năm có lẻ, nâng ly cuối năm lại cười khe khe, và, chỉ chúc nhau lấy một chữ thôi: khỏe.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Quê ngoại.

Chuyến phà Mỹ Luông từ từ cặp bến bên phía cù lao, từ bến đi thêm một thoáng nữa là tới nhà. Mới tới hàng cây trước cổng đã nghe tiếng ông Năm Hứa cười ha hả:
-Cha con anh Mười dzề rồi nè, bây ơi.
Ông Năm giang hai tay ôm lấy cả cha con Nhí mà lắc. Ông mừng vui hết sức.
-Giờ này đã xuống tới nơi, sớm mai bắt con nhỏ thức sớm đây, tội nghiệp hôn. Pha nước ấm cho cha con ảnh rửa mặt, mau bây ơi. Ông xuýt xoa rồi lệnh cho mấy đứa cháu. Ai cũng lăng xăng ríu rít, tiếng cười nói, tiếng dạ ran một góc sân nhà, vang mãi tới mé sông.

Những ngày đầu năm, bước vào mùa Xuân khí trời thật dễ chịu, lại  được nghỉ mấy ngày liền, cha con Nhí khoác ba lô về thăm quê ngoại An Giang. Đó là cù lao Giêng, một hòn đảo lúa mênh mông nằm trên con sông Tiền giang hiền hòa, quanh năm nước đổ.

Cù lao Giêng xanh lúa, xanh lá, cây trái quanh năm, nhiều cá tôm và có thể là điểm đi đến cho những ham muốn khám phá lịch sử hình thành một vùng quê sông nước và chiều dài tôn giáo từ buổi ban đầu cùng với những di tích còn nguyên vẹn, thật đẹp và tĩnh lặng đến ngạc nhiên.

Lần đầu được đi vòng khắp, là cù lao sao mà rộng lớn quá chừng với chiều dài hơn cả chục cây số. Ông Năm nói bề ngang cũng cỡ sáu bảy cây. Đồng ruộng lúa mới sạ, ngút ngát tầm mắt, xa lắm là cao thấp những bày cò trắng và khắp nơi là một màu xanh cây trái tươi tốt. Những kinh đào miên man nước sông đang đổ vào ruộng lúa, mọi người đang sạ trên những thửa ruộng cuối cùng cho một mùa lúa mới. Tới nhà chơi, cậu Ba Giáo nói, ruộng nhà mới sạ xong hồi hôm, năm nào ở đây cũng làm lúa tới ba mùa đó.

Trên cù lao Giêng có nhiều chùa chiền và nhà thờ. Về chùa chiền, đáng kể có chùa Đạo nằm và chùa Bà Vú. Trên cù lao có ba nhà thờ và hai tu viện. Bà con các tôn giáo khác nhau chung sống xây dựng mảnh đất cù lao thanh bình, thân ái. Bầu trời trong và màu xanh mát của cây lá làm nền cho những công trình kiến trúc tôn giáo tuyệt đẹp nơi đây.

Chùa Đạo nằm còn gọi chùa Thành Hoa có một hồ Sen phía trước quanh năm hoa nở, yên tĩnh nhìn ra một nhánh sông Tiền. Xuất phát từ đạo Phật, chùa Đạo nằm xuất hiện ở đây vào giữa thế kỷ trước và có cách tu luyện khác người ta là tu nằm, việc tu hành cùng các sinh hoạt ăn uống tắm gội của sư thày cũng nằm. Chiếc ghe gỗ của thày dùng làm phương tiện xuống núi tu hành, đi về cù lao lập đạo cùng ngôi mộ của sư thày hiện lưu giữ trong khuôn viên của nhà chùa. Hàng năm, hội hay ngày rằm có nhiều khách thập phương về đây dâng hương cúng vái.

Đường vào chùa Đạo nằm đi qua hàng cây Sao cao vút. Đó là một thứ cây lấy gỗ khá phổ biến ở Nam bộ. Cây Sao chịu nắng nóng mùa khô, Sao không ngại ngần mùa úng lụt hay gió bão, Sao không có mấy cành ngang, cây đứng thẳng, vươn lên trời cao, chịu đựng, cần mẫn và thẳng thắn như tính cách người nông dân miền Tây Nam bộ.

Tới chơi nhà dượng Hai Liều, dượng chỉ vườn cây sau nhà, um tùm rậm rạp như một khu rừng nhỏ và cười:
-Dượng là nông dân mấy đời, không có tài sản gì cho con cháu. Dượng có miếng vườn lớn ngày trước chỉ trồng mận, trồng mít ăn chơi. Cách mấy năm dượng mang cây giống về trồng một vườn cây Sao làm của để dành cho con cháu. Chừng ba chục năm nữa cây Sao sẽ lớn vầy nè, đám con cháu sẽ bán đi mà xài, cây thôi mà tiền không đó con.
-Cây Sao làm được những gì dượng Hai ha?
- Ồ... nhiều chớ. Đóng đồ nhà, làm cửa làm sàn nhà, rồi đóng xuồng ghe. Thứ cây này chịu nước dữ lắm. Miền Tây sông nước kinh rạch sông ngòi chằng chịt, đời này qua đời sau đi xuồng ghe. Chở lúa đi ghe, nhà này qua nhà kia chèo ghe, rồi đám cưới, đám dỗ cũng ghe. Xứ mình xuồng ghe muôn đời con à.
Dượng Hai cho hay, khi cây tới tuổi, gỗ cây cứng đanh, đinh đóng không vô, nước không làm mục, cây gỗ Sao lâu năm ấy được xẻ ra, dùng đóng ghe xuồng tốt lắm.

Từ bờ sông bên bờ bắc Mỹ Luông nhìn qua, chóp nhọn của tháp chuông nhà thờ Tấn Mỹ nhô cao trên bầu trời, một màu xanh cây lá in bóng trên dòng sông êm đềm, cù lao Giêng với một vẻ tĩnh lặng thanh bình.

Ông Năm là người công giáo, ông ở trong ban hành giáo họ đạo. Sau lễ sáng Chủ nhật, ông dẫn đi thăm quan và kể chuyện.

Nhà thờ Tấn Mỹ, hay còn kêu nhà thờ Cù lao Giêng là ngôi thánh đường đầu tiên được xây dựng trên đất miền Tây Nam bộ. Một cha cố đạo người Pháp đã xây dựng ngôi nhà thờ ấy từ những năm cuối thế kỷ 19, trên hòn đảo này nó đã đứng đó, nguyên vẹn mỗi lễ sớm lễ chiều đã trên 120 năm.

Giáo sứ cù lao Giang được thành lập rất sớm, từ 1778. Nơi này là trung tâm gắn với sự phát triển của công giáo ở Nam bộ và lưu vực sông Mê kông. Từ cù lao Giêng, những người truyền giáo đi tới nhiều vùng đất Nam bộ hay dùng những con tàu gỗ làm phương tiện di chuyển, ngược sông Mê kông sang tới vùng đất bên xứ Cao Miên.

Ở phía dưới nhà thờ một chút là tu viện thánh Phanxicô và tu viện chúa Quan phòng, cùng với nhà thờ Cù lao Giêng tạo thành một quần thể kiến trúc cổ của công giáo. Những nơi này được xây dựng vào những năm 70 thế kỷ 19, thời kì triều đình lúc bấy giờ ngăn cấm và đàn áp công giáo quyết liệt.

Tới tu viện chúa Quan phòng, ta được biết thêm cảnh đẹp, thật sự ngạc nhiên với vẻ cổ kính và sự tĩnh lặng ở nơi này. Những tòa nhà hai ba tầng theo lối kiến trúc Tây phương nằm trong khuôn viên rộng rãi cỏ và cây xanh. Trước đây là tu viện của các nữ tu, nơi thu nhận trẻ mồ côi và dưỡng lão, bây giờ làm nơi nghỉ dưỡng của các nữ tu đã lớn tuổi và làm cơ sở chữa bệnh, châm cứu cho những người dân trong vùng.

Tu viện Thánh Phanxicô thành lập những năm 50 thế kỷ trước, nhưng trước đó từ ngày thành lập năm 1872, nơi đây là chủng viện giáo phận Đàng Trong, nơi đào tạo các giáo sĩ cho cả vùng rộng lớn đồng bằng sông Cửu long và địa phận Cao Miên.
Đây là tu viện của dòng tu qua lao động khổ hạnh, sống đơn sơ nghèo khó nhưng lúc nào cũng vui tươi và chăm lo cho người khác.
Cũng trong một khuôn viên tĩnh lặng, yên bình và xanh mướt cỏ cây, cánh cổng tu viện khi nào cũng mở. Những thày tu ta gặp trên đường thăm quan mỉm cười thân thiện.

Hình dung trước đây trăm mấy chục năm, làm sao để vận chuyển bao nhiêu đá gạch qua được cù lao để xây dựng nên những công trình kiến trúc công phu này chứ? Ông Năm nói, các vật dụng và rất nhiều thứ được chở từ Pháp qua, còn gạch thì ở đây làm được. Nhí có thấy những lò gạch thật lớn bên kinh chính hồi nãy đó không?

Đi thăm giáp vòng xứ cù lao trở về, ông Năm Hứa xoa đầu Nhí cười:
-Quê hương mình vậy đó, thấy đẹp ác không con?
Nhìn gương mặt rạng rỡ và nụ cười thật hiền của ông, hiểu là ông vui mừng và hãnh diện lắm về quê mình. Rồi ông dặn dò:
-Nhớ nghe, quê hương mỗi người chỉ một. Xứ cù lao Giêng là quê ngoại của con đó. Có giờ siêng về chơi, kẻo mai mốt đây học hành đi đâu xa lắc lơ, quên hết người quê, quên sông nước. Biết lo học miết mà hổng biết nhớ đường về quê là hổng có được nghe con...

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Dỗi.

U50, tới U55, rồi U60.
Chép miệng nói là giừ rồi cũng được, hay là lớn tuổi cũng được. Người ta nói khi lớn tuổi có nhiều người trở về trạng thái của con trẻ. Càng lớn tuổi tính tình càng giống con trẻ hơn. Lịch thì người ta nói, ui... người già khó tính, người khác không biết kêu là hâm, thực ra có khi là tật của tuổi già. Có một tật xấu là tật hay dỗi của lứa tuổi, giống như con trẻ...
(Bài đã sửa lại, đọc tiếp Ở đây.)

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Đi lặn biển.

Sài Gòn ít ngày nay sáng nào cũng se se lạnh để cho ai áo đơn áo kép. Miền Nam hiếm khi có cái lạnh thích thú dài ngày như năm nay, nhưng nghe báo nhiệt độ hàng ngày ở ngoài Bắc, nhất là ở vùng núi, là thấy hãi hãi. Lạnh như thế, vậy mà có bạn ở Hà Nội mỗi ngày mỗi bì bõm đi bơi, quá phục bạn ấy cái yêu thích và sự rèn luyện. Còn mẹ con nhà bạn kia đang ham muốn đi Nha Trang lặn biển. Ý muốn này thực hiện dễ thôi, ngay Tết này nghỉ tới tám ngày lận, có máy bay công ty nhà làm được, vé nội bộ hoặc bám càng vô Nha Trang, vừa tránh rét, rồi đi lặn biển luôn, thú vị lắm.

Một lần kể chuyện bác Quang bác Minh ở hội cà phê Đôi Khi của bố, lớn tuổi mà lặn biển và nhảy dù giỏi lắm, có cấp bậc hẳn hòi mà nhảy dù từ trên máy bay xuống chớ không phải bay dù kiểu tàu kéo như Nhí đâu, nhà quê lắm. Con bé ngạc nhiên, là các bác tóc bạc nhất đó sao? Nhí nhỏ để bụng chuyện đó và ra biển bao giờ cũng đòi bay dù và lặn biển. Mấy nhỏ ở nhà cùng có chung nhiều thú vui với cha mẹ và rất yêu thích bơi lặn. Con nhà tông giống cha, biếng học ham chơi và lỳ còn hơn cha. Có máu sông nước nên bơi lội cũng lỳ như rái.
Một lần đi bay dù ở ngoài vịnh, lí do kĩ thuật làm sao không biết, bé con đang lơ lửng trên trời bỗng rớt tòm xuống biển. Cả người cả dù một đùm bì bõm dưới biển. Mọi người trên bờ hết hồn, còn hắn lỳ đòn, một mình vừa bơi vừa chờ ca nô cứu hộ từ bờ chạy ra. Thu dù, kéo dù, lên tới ca nô rồi hắn cười, tỉnh queo, còn giơ chéo hai ngón tay chữ V cười toe.
Theo dõi sự việc, lúc đầu thoáng lo lo, sau rồi thấy hắn bình tĩnh và tự tin hơn mình tưởng. Với các bé, nên tập cho các bạn ấy một thói quen bình tĩnh và tự tin để xử lí trong những tình huống bất ngờ, như một bài học kĩ năng sống vậy. Chơi với những trò chơi sông nước trước hết phải cho các bạn nhỏ học bơi cho kĩ. 

Một lần ở Nha Trang, mấy bố con rủ nhau đi lặn biển. Đi rồi, lặn rồi. xuống lòng biển khơi mà nhìn ngắm một lần, là ai cũng ham lắm. Thế nào có dịp ra biển, nơi ấy mà có dịch vụ lặn là bạn nhỏ đòi đi cho được.

Có một hòn đảo mà đã từ lâu ông Trời đổ xuống đó những đống đá mun lốm đốm trên nền cây cỏ, bởi hình dáng vậy nên hòn đảo được mang tên là Hòn Mun. Nơi mọi người thường tới lặn là vùng biển ở gần đảo Hòn Mun này. Ở đây nước rất trong và xanh ngắt, biển sâu và có nhiều dải san hô ngắn.

Được xuống nước sau phần học lý thuyết chớp nhoáng về kĩ thuật thở bình hơi, cách nói chuyện dưới nước bằng tay, cách mang dây nịt, bình hơi và xử lí một số tình huống dưới biển. Tất nhiên là tay mơ nên có sỹ quan lặn đi kèm phía sau.

Phải công nhận mang trên người một mớ đồ chơi lỉnh kỉnh bình hơi mấy chục kí lại đeo thêm dây nịt bằng chì nên lúc đầu xoay trở thấy nặng nề, khó chịu. Tuy nhiên khi xuống nước, lực đẩy của nước biển cân bằng lại và một hồi là quen. Việc hít thở bằng miệng từ bình ô xy chậm hơn một tí. Ai cũng quen hít thở bằng mũi nên phải tập trung tư tưởng, lỡ quên đi, thở bằng mũi là mất nhịp, hụt hơi một tí và dễ bị cuống khi ở dưới nước.

Lượt đầu lặn xuống để làm quen với bộ đồ lặn kềnh càng, khi lên xuống nhịp nhàng rồi là thấy ham liền. Lượt hai trở đi xuống sâu dần, lâu hơn và khám phá đáy đại dương với rất nhiều bí ẩn và hấp dẫn.Thoáng thấy đâu đó một chú Hải quỳ sáng trắng như tuyết, uốn lượn mềm mại. Từ đáy biển, từng đụn san hô đẹp đẽ vươn lên như những cây nấm nhiều kích cỡ, ta thú vị mơn trớn vuốt ve những xúc tu san hô mềm mại đang ngoe nguẩy làm cho chúng giật mình co lại, giấu đi những bông hoa sắc màu. Những chú cá con bơi lăng xăng, cùng với san hô, hải quỳ tạo nên bức tranh biển hình dáng và màu sắc kì thú. Ai đó thích lặn biển lại yêu chụp hình thì sắm cho mình một máy chụp dưới nước, chắc chắn sẽ có được những bức ảnh dưới lòng biển khơi sống động tuyệt vời.

Đọc bài bên nhà các bạn hàng xóm biết được có nhiều bạn lớn, bạn nhỏ yêu thích bộ môn bơi lội nên tám tí chuyện lặn biển cùng các bạn mình đọc chơi. Và các bạn nhỏ, nếu có dịp hè nào đi biển, hãy xin phép cha mẹ, lặn thử chơi một lần để khám phá lòng biển khơi, sẽ thấy hấp dẫn và đầy lý thú.

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Giừ.

Anh, chú, rồi tới bác.
Những đại từ nhân xưng thay đổi theo thời gian đôi khi nghe người ta kêu bỗng giật mình. Lại sắp một năm nữa đi qua, mỗi người ai cũng được thời gian thêm vào cho mình một tuổi. Người trẻ lớn thêm một tuổi, thêm trưởng thành thì thích thú năm mới tới, chớ người lớn tuổi là không thích năm cũ năm mới một tí nào.

Năm rồi đi chơi ở Nha Trang, chú tài xế taxi nói, chị với cháu ngồi sau, còn chú ơi, chú ngồi trên với cái ba lô. Nghe kì kì, lườm cho thằng nhỏ một phát, hai mẹ con ngồi sau cười vang chọc quê "chú ơi chú, đi đường nào đây?"

Mấy năm trước, đi tới đâu, người ta kêu anh chị, nghe thấy bình thường, không si nghĩ chi hết. Sau lác đác có đứa lúc kêu chú khi kêu anh. Chủ động xưng anh em trước rồi tụi nó cũng anh em theo.

Cuối cuối năm rồi, quen rồi đi chơi với mấy bạn mới, trẻ trung, vui tính và hiểu biết, thấy cũng vui vui. Dụ mấy nhỏ kêu anh, thấy chúng cười cười.

Chỉ có mỗi bạn trai ấy kêu anh, mà kêu tới anh cả nữa rồi cười toe. Nghĩ bụng ta với mi anh chú bác chi cũng ngồi nhậu được với nhau, cạch ly rồi cười được với nhau. Rảnh rang buồn vui alu với nhau khi mô đi nhậu cũng được, lúc xỉn xỉn dám kêu nhau cha nội cũng hổng có sao. Có mấy nhỏ kia, phái tụi nó kêu anh kìa.

Mấy nhỏ kia cảnh giác, cứ bác mà phang. Ai hiểu sao thì hiểu, hoặc là tui kêu anh tới bác đó, giừ rồi mờ, hoặc là tui kêu giùm mấy nhỏ ở nhà, nghĩa là tui kiu bác là anh đó.

Có nhỏ tính kêu anh, nhưng nghĩ sao lại nói trỏng, viết trỏng là AnhDo kìa. Vậy là hắn kiu anh là anh blog chớ hổng phải kiu mình là anh, hơi đau răng một tí, vẫn phải cười.

Nhỏ kia xoáy hơn. Một bữa ngồi chung ba thế hệ, ba hồi kêu bác bác, ba hồi kêu anh anh, ba hồi cười cười làm nhỏ cháu hổng biết là sao, quay qua quay lại nhìn cho kĩ người đối diện, một hồi nhỏ cháu cười toe: ông ơi vui ha!.. Thế có chít tui không!

Dụ tụi nó kiu anh, tụi nó càng kiu bác, thành ra cả làng kiu bác ráo, thế mới đau. Mà mấy người khác có biết dung nhan người ta sao đâu. Trẻ trung, nhiệt tình, ham chơi, ham tụ tập, ham cười, ham giành nói, (hổng có giành micro nghen). Chỉ có điều mái tóc mới hơi bàng bạc chút chút thôi, kêu chi tới bác.

Nghĩ bụng, dụ hoài không được vẫn còn một cách,
Phen này ông quyết đi nhuộm tóc.

Sì phố thiếu cha
tiệm gội đầu.
He he...

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Con trẻ.

Bỏ lại thành phố những sáng chiều chen chân đường đi học, đôi lúc giật mình, hú hồn trong dòng người xe. Bỏ quên ti vi, game và tường rào nhà ai nhà nấy cô đơn thành phố, về miền quê...
Ở quê có rất nhiều điều mới lạ, ở quê không có tường rào, chỉ có bụi cây cắt tỉa. Ở quê chỉ có những trò chơi thôn quê đơn giản, nhưng niềm vui sướng và thích thú thì không tả nổi và tiếng cười, tiếng giỡn đùa của đám trẻ luôn có ở xung quanh, hiên nhà, đầu ngõ, bờ kinh. Chắc chắn các bạn trẻ ấy cảm nhận được tình người miền quê sông nước, giản dị, thiệt lòng và thương quý.
Ai cũng muốn chiều lòng nhau, ở thêm một ngày đi, rồi thêm một ngày nữa...
Hay là Tết này ta lại về quê.

-Con trai leo cây, hái trái, con gái hái hoa, làm điệu.









-Cây mít mới trồng, xíu xiu mà trái bự vậy sao?
-Tập cho người thành phố chèo xuồng để biết với người ta.









-Kêu con kinh hay con mương đây? Ô, chị muốn kiu sao cũng được, chỉ biết là tắm mương, té nước đã quá đã, dzui quá dzui...
-Mấy trò chơi của trẻ nít ở quê dzậy thôi đó, chị có thích hôn?









-Bài học đời thường, em ấy sẽ được chơi gì, học gì trên sông nước quê mình?
-Và ông ngoại ơi, xê cái đầu lại coi, bỏ cá bè, lên thành phố
làm hồ chi dzợ? để tóc bạc hớt trơn dzậy nè?

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Tết có về quê?

cù lao Giêng, Chợ Mới có ông nông dân tên Năm Hứa. Ông là ông cậu ruột bên bà thị xã. Tôi kêu cậu Năm còn ông kêu tôi tới thứ Mười, theo thứ bên nhà ngoại. Biết là cậu Năm có cảm tình và rất thương quý Mười, lâu có công chuyện lên Sài Gòn, bận cách chi ông cũng phải ghé chơi với Mười. Ngồi nhâm nhi, tâm sự một đêm, chuyện đời, chuyện nhà, chuyện mần ăn bên chung rượu đế. Ổng còn thương Mười vì nết uống rượu thiệt tình, hiền lành, chịu nghe chuyện.

Rất riêng cái chất ông nông dân miền Tây thứ thiệt của cậu Năm. Chân tình, khảng khái, thiệt lòng, chịu làm, chịu nhậu và cả đời bám lấy ruộng vườn sông nước. Ở quê ông làm lúa là chính, có khi nuôi cá tôm. Ông còn biết làm nhiều thứ nữa, nên không mấy lúc thấy ông ở không. Cũng vì biết nhiều, lại chịu làm nên dáng đi của ông thấy khi nào cũng vội vã, cực. Và cuộc đời nông dân của ông cũng cực, hồi đó tới giờ.

Ông có triết lý của một lão nông Nam bộ và ông thường dạy đám nhỏ con cháu trong nhà: "Sống đời, đã biết ăn miếng cơm uống miếng rượu, ly nước là phải biết mần, mần cho ra lúa ra gạo". Khi có sức mần trả nợ cho lúc nhỏ chưa mần được, người lớn phải nuôi. Rồi mần nhiều nữa để chừa lúc già có cái mà ăn, con cái không phải nuôi. Vậy nên, lúc nông nhàn ông chỉ cho đám con cháu từ trồng sen trồng ấu tới nuôi gà đá, đan thúng đan bội hay cách leo cây hái gòn. Có một thời, ông đi câu từng con cá giống Ba sa trên sông theo nước về. Con cháu nói cha lớn tuổi, bớt việc kẻo bịnh, ông chỉ cười, mặc tao.

Chuyện năm rồi. Cả nhà hẹn nhau Tết tây đi Hà Nội chơi, nghe gió mùa về, sợ lạnh lại đổi, thôi về quê ngoại. Ông Năm nghe tin vui mừng hết sức, alu lên nói về đi về đi, có mớ rắn bông súng thằng Bảy mới kiếm được, tao rọng sẵn chờ bây, béo mập ú nu ngon hết sức, thứ này nướng mọi, nhậu rượu đế bá chấy. Mà về nhớ mang theo con nhỏ luôn nghe.

Cuối năm, qua đầu năm bận bịu bao nhiêu việc nên không về quê, cũng không đi đâu được. Lại hứa thôi Tết ta chắc chắn về. Cậu Năm không giận miếng nào, còn đùa vui: Dzậy chớ mớ rắn bông súng rọng đó chờ bây tới Tết chắc còn bằng nắm đũa sao? Mà bây nhớ cậu tên Năm Hứa hông? cho hứa lần này nữa thôi nghen.
Vậy mà rồi Tết ta cũng không về được, thêm một lần lỗi hẹn với người quê.

Một sáng sớm nghe chuông điện thoại, số tỉnh. Đầu dây là tiếng con bé cháu mếu máo: Dượng Mười à, mới đưa ông ngoại con vô bệnh viện bên Sa Đéc. Đêm hồi hôm mệt, cái... đi nằm nghỉ sớm, được một hồi hổng biết sao, cái... ú ớ không nói được, rồi tay chân tự nhiên xụi lơ hết trơn, làm sao bây giờ...
Ôi Trời cậu Năm, người Mohican cuối cùng của tôi trên cù lao, người của những câu chuyện đầy ắp nghĩa tình sông nước miền Tây...
Chuyển cái alu qua ông, nghe đầu dây bên kia ờ ờ cậu cậu con con, nhẹ hều như gió thoảng trong điện thoại...
Con bé cháu điện lại nói ông ngoại khóc dượng Mười à.

Thở dài một cái, ân hận mấy lần thất hứa, không về quê với ông. Ở tuổi này phàm những việc gì muốn làm, tính làm, rồi lần lữa không làm, để rồi ...

Nhưng may phước, chữa chạy ở mấy bệnh viện, rồi chịu đi lại, châm cứu bên một cơ sở của tu viện Chúa Quan phòng ở ngay trên cù lao, ông nói lại được, đi lại được tuy chân bên trái còn yếu. Ông nói Chúa còn thương ông.
Hứa thế nào cũng cho con nhỏ về thăm xứ cù lao, thăm ruộng lúa bờ kinh, thăm cá bè ông Năm và đi chơi sông nước. Rồi trong căn nhà sàn bên sông, ngồi cùng ông bên chung rượu chuyện trò những tâm tình của người quê. Ông lại cười hiền trong điện thoại, về đi về đi và nhớ nói với con nhỏ rằng, ông Năm ngóng nó từng ngày đó nghe con.

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Cám ơn bạn.

Sắp Tết rồi. Sài Gòn vẫn kéo dài những buổi sáng lành lạnh dễ thương của gió mùa Hà Nội chia phần. Nghe thông báo có quà của Hà Nội, nhóm nhỏ "Hội ốc ộp Sì phố" mừng ríu rít, tổ chức một bữa nói dóc tại cà phê Anh Đỗ, vừa là tất niên, vừa là trao phần quà của thủ đô nhớ về địa phương xa. Đó là Sấu dầm Hà Nội của Lanablog, món quà rất hợp các bạn nữ.
Ai cũng rất thích. Ngon lành, ấm tình và cám ơn nhiều nhé, bạn Hà Nội.

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Givral và bia Bố già.

một góc đường phố trung tâm thành phố có một nhà hàng nổi tiếng bao năm nay với các loại bánh ngọt tuyệt hảo. Đó là nhà hàng Givral, cái tên gọi thân thuộc với người Sài Gòn đã từ lâu. Ở đó vừa bán bánh, vừa cà phê sáng, và dát trưa chiều có bán nhà hàng.

Sài Gòn không thể có góc ngã tư nào đẹp hơn thế. Bạn có thể ngồi ở đó vừa uống cà phê, ăn sáng hay ăn uống một chai bia, vừa cảm nhận cuộc sống đường phố qua lớp kính trong suốt bao quanh nhà hàng.

Có một thoáng tà áo dài nhẹ lướt ngoài ô cửa, có tay trong tay nắm chặt, đôi lứa qua đường hay tiếng ồn ào quen thuộc của dòng người xe nối đuôi nhau, lâu lâu chợt len qua khe cửa kính hẹp.
Bên kia đường là nhà hát thành phố cổ kính, thân quen đổ dài bóng nắng. Khách sạn Caravelle quý phái nằm dưới một chút và góc kia là nhà hàng Lam sơn bán đùi cừu cơm nị của già Bảy Thuận. Sài Gòn thật thanh bình và thân thương.

Có một nhóm bạn tứ xứ chơi thân với nhau, lâu lâu gặp nhau thường hẹn ngồi Givral. Mỗi lần tới, bước vô cửa là Sáu Minh, con trai nhà Mai Hạc trà danh chơi chung nhóm đưa mắt một lượt tìm kiếm "muội" và "bố", hai người phục vụ bàn thường xuyên ở đây, họ đều là người Hoa, hiếu khách và rất hay cười.
-Chào bố. Đó là câu nói cửa miệng của Sáu, quay qua kiếm cớ cười toe với muội một cười, rồi mới đi lại ngồi bàn quen thuộc.
-Ô là là... chào Sáu Minh mạnh giỏi, "la dze" chứ?
Thường đứng bên tay nắm cánh cửa kính ra vô, người bồi bàn già ấy mỉm cười nhớ khách.
"Bố" có một nụ cười rất hiền, ông tận tình với khách đến không thể nỡ buồn ông một điều gì. "Muội" cũng rất hay cười. Thấy khách quen ghé là nhỏ Phụng, tên cô gái, đang làm gì cũng chạy ra, chào cái, cười cái, tít hết cả đôi mắt một mí, còn khuôn mặt bầu bầu ửng hồng xinh xắn như búp bê. Cho tới bây giờ nhớ, là thấy những gương mặt thân thương của họ cùng với nụ cười.

Là người Hoa, họ phục vụ khách theo phong thái người Hoa, ân cần, niềm nở và để luyến lưu cho khách. Khi nào cũng áo trắng thắt nơ, khi nào gặp mặt cũng là nụ cười và khi nào cũng thấp thoáng ở bên cửa kính. Bạn có một cử chỉ hơi khác hay đưa ánh mắt như tìm kiếm, họ hiểu ý và nhanh lắm, sẽ có miếng nước tương, dĩa ớt nhỏ hay là thứ gì đó đúng là bạn đang cần.
Nằm kế bên nhà hàng Givral là một quán bia nhỏ mang tên Bố già. Cái tên ấy là anh em tự kêu với nhau vậy chớ quán không bảng hiệu, không quảng cáo, chỉ những người biết mới vô. Quán bé xí xì xi, chừng mấy mét vuông chứa đồ và đủ cho mình chủ quán đứng lên ngồi xuống xoay trở. Khách vài ba người ngồi ghế xúp dưới mái hiên ngoài lề đường Lê Lợi trước cửa quán, uống bia lạnh không mồi.

Tàu về bến buông neo. Ngoài Nhà Bè, cảng thực vật hay khu cảng Sài Gòn, đâu cũng vậy, làm xong thủ tục là anh em thủy thủ hết ca trực vội vã đi bờ sau những ngày lang thang biển. Người có gia đình thì trở về nhà, người ở tỉnh thì đi chơi thăm bạn bè đâu đó. Lần nào cũng vậy, đi bờ buổi tối chung với cu Cự Tửu là phải lội bộ tới thương xá Eden góc đường Lê Lợi Đồng Khởi, ngồi uống bia cho đã, tới khuya ngất ngư rồi mới về thăm nhà.

Bố già, người đàn ông lớn tuổi, tóc để dài và bộ râu cũng dài, áo thun quần soọc một mình ngồi quán bán và tiếp khách. Ông chủ quán từng trải, hiểu đời nhưng trò chuyện là thấy ông chừng mực, hiền lành. Ông ưa chuyện với những người khách hiểu biết, ưa khôi hài, ngang tàng và hơi bụi bặm một tí, tại bởi khách tới uống bia nơi đây vốn đã là khách chọn.

Sài Gòn những năm ấy có hai nơi ướp bia lạnh ngon nhất là ở đây và quán Mỹ Nguyên lâu đời của dì Hai ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Những chai bia được ướp trong nước đá trộn thêm ít muối cho một nhiệt độ thích hợp, bia đúng tầm, đặc kẹo, sền sệt, nhừa nhựa, lạnh ngắt nhưng vẫn giữ được mùi bia thơm, uống vô tới đâu biết tới đó.
Những chuyến đi biển chung với cu Cự Tửu nên mới biết nơi này, tối đêm về chung hai thằng cùng ghé, không có nó thì đi một mình, về đây làm chay ít chai ướp lạnh, dóc với chủ quán vài câu chuyện, đã gì đâu.

Xe cộ và người đi càng đêm càng thưa dần. Một vài cặp tình nhân chậm bước không nhớ đường về. Những nghệ sỹ, nhạc công tan hát muộn, ăn mặc đẹp và ai cũng điệu đàng cùng nhạc cụ đồ nghề, vội vã những bước chân hai ba bậc tam cấp nhà hát thành phố, để mau trở về nhà. Mấy xe khô mực, bắp nướng lâu lâu lượn qua lại dướn mắt, cười cười, gật đầu ráng mời chào thêm một vài vị khách cuối ngày. Những người bán vé số đã dần về, về nhà hay về đâu...

Ngồi đó, ở một nơi giữa trung tâm thanh lặng, nhâm nhi, nhìn ngắm, mỉm cười với cuộc sống đường phố về đêm thật nhiều thú vị, hiểu thêm đời, thêm người và yêu lắm Sài Gòn ơi.

Không biết bây giờ họ đang ở đâu rồi, "bố", "muội Phụng" và "bố già" bia lạnh ấy.
Nhìn chiếc cần cẩu đưa cánh tay dài màu vàng lia qua lại trên những bức tường quen, chợt nhớ họ da diết. Cái ô vuông Eden, Givral này có quá nhiều kỉ niệm với rất nhiều người Sài Gòn, đang ở đây hay đã đi xa, sẽ không còn nữa mai này, sẽ chỉ còn là hoài niệm.

Givral và bia lạnh bố già đã đi vào kỷ niệm. Khi khách sạn Caravelle đã nối dài qua đùi cừu cơm nị của già Bảy và kế bên là bia tươi Lion, bóng đổ nhà hát đã mất dần. Ở trung tâm này, nơi có những viên gạch nền móng đầu tiên của thành phố, nơi có lề đường đi bộ nắm tay nhau chậm bước dưới mái hiên cổ, có cột đèn cô đơn đầu phố, nơi ấy có những gốc Dầu rái cổ thụ vươn thẳng lên trời, thả xuống đường những cánh chuồn quay tròn trong gió, nơi ấy có những người từ lạ thành quen... đầy ắp kỷ niệm...

Một bữa nào nghe tin Givral sẽ ra đi thấy buồn buồn. Bữa nay tại nơi góc phố ấy, những bức tường của kỷ niệm đang rớt xuống những mảng vỡ cuối cùng...

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Thư của Thông non.

Rừng Thông, thứ Sáu ngày 7 tháng Giêng 2011.
Kính gởi bác kiểm lâm trực ở Rừng Thông.


Kính chào bác kiểm lâm.
Cho cháu xin tự giới thiệu, cháu là Thông non, thuộc họ nhà Thông.
Cháu viết thư này kính gởi bác, mong rằng bác sẽ sắp xếp giúp đỡ cho một gia đình du canh du cư người Ê-đê hiện đang trú ngụ tạm thời tại nơi cháu cùng với các cây thông khác đang ở- Rừng thông.

 
Cháu và các bạn cháu khi còn nhỏ đã được nghe kể về một cây thông có thể giúp ích cho con người như thế nào, và vì sao họ lại cần đến cây thông. Thông- giống cây của cháu là dạng cây lấy gỗ. Sau này chúng cháu sẽ cung cấp gỗ cho loài người. Ngoài ra, có các loại cây khác chuyên cung cấp thứ khác. Ví dụ như vỏ cây Quế có thể dùng làm thuốc...
Cây quang hợp để điều hòa không khí cho con người, cây là ngôi nhà vững chắc cho thỏ, sóc... chui vào để tránh rét nếu nó có thân rỗng. Mưa đổ ào ào khó làm sói mòn đất nếu có rừng cây che chở... Rõ ràng là con người và động vật, côn trùng khác rất cần rừng cây. Vậy mà...

Vào một ngày nọ, cả khu rừng xôn xao hẳn lên: Con người vào rừng! Một người mặc áo gi lê gài cẩn thận, tóc chải chuốt nhìn sang trọng lắm. Đi liền sau đó là hai người ăn vận che tóc tai, mặt mũi, chỉ thò ra một đôi mắt gian manh, ti hí. Một tên láo liên nhìn xung quanh, bắt tay với ông sang trọng kia rồi bảo với tên còn lại:
-Xếp, rừng thông đây. Chắc không có tên kiểm lâm nào đâu, ta làm luôn chứ?
Tên xếp gật đầu, rồi liền sau đó đưa cho tên kia... ôi trời, một cái rìu thật to! Hắn tiến đến một trong những cây thông gần đó, rồi chặt. Chát! Chát!... Rắc! Cây thông ấy đổ xuống.
Hắn chặt thêm vài ba cây nữa và chất chúng lên xe. Chuẩn bị chặt tiếp thì chúng nghe tiếng kêu của bác:
-Ê, các anh làm gì đó?
Hoảng vía, hắn cùng đồng bọn chạy mất.


Lâu sau, lại có thêm một tốp hai người lớn, hai trẻ em và một em bé được một trong hai người đó mang theo trên lưng. Họ mặc trang phục người Ê-đê truyền thống. Họ lại chặt thêm vài ba cây nữa và bắt đầu xây nhà ở khoảng đất mà trước kia là của những cây thông xấu số.

Cháu không thể hiểu nổi: Tại sao họ lại sống một cách du canh du cư như vậy? Nếu con người cần gỗ và khí Oxy từ chúng tôi thì tại sao lại khai thác vô tội vạ như vậy? Họ có biết thiếu chúng tôi, đồi sẽ là đồi trọc, đất sẽ là sa mạc khô cằn, họ có thể đốn rừng cây để làm nương rẫy mà không thể bỏ chút thời gian trồng lại những gì họ đã lấy đi sao?
Tại sao chính phủ, nhà nước không kiếm việc cho dân du canh du cư ở một nơi cố định để không đi tới đâu cây đổ tới đó? Như vậy có công bằng cho loài cây chúng tôi không?

Cháu xin nhờ bác một việc: Giúp cho gia đình dân tộc Ê-đê đó được có việc làm ổn định và hãy khuyến khích người dân bỏ lối sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Khuyến khích nhân dân, tuyên truyền cho họ hiểu tầm quan trọng của cây rừng.

Bác có thể làm điều đó giúp cháu chứ?
Kính thư.
Thông non.
***
Bài thi viết thư quốc tế UPU năm 2011.
Đề tài: Hãy tưởng tượng mình là một cây đang sống trong khu rừng. Em hãy viết thư cho một người nào đó để giải thích vì sao việc bảo vệ rừng là rất quan trọng.

***
Mẹ nằm võng, yên lặng coi bé viết thơ. Bé viết một lèo hơn một tiếng, giống như làm một bài kiểm tra tập làm văn ở lớp, nhưng ít căng thẳng hơn.
Lưu lại để bữa nào rảnh rang bé coi lại, tự sửa chữa những câu chữ, để mai mốt làm tốt hơn.

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Năm mới ở Sài Gòn.

Một năm đi qua thật nhanh.

Năm cũ, có những niềm vui nho nhỏ khi mỗi người làm được những việc hay tốt cho gia đình, người thân và cho phần nào xã hội. Mỗi việc làm hay tốt cho lại sự thanh thản, một phần trong lành cho môi trường sống vốn ô nhiễm khắp nơi.

Năm cũ, có háo hức và thích thú của những chuyến đi xa, được biết thêm nhiều nơi, nhiều kiếp sống trên vòm trời này. Dù có bao nhiêu cũng vẫn là ít, nên một năm mới tới với mong muốn có thêm nhiều chuyến đi xa nữa. Hít thở những điều mới lạ.

Năm cũ, làm blog AnhDo, tính tí riêng tư để lâu lâu gởi gắm ít tâm sự và những suy nghĩ vụn vặt đời sống, muốn trò chuyện cùng con cái đi học xa nhà. Nhưng rồi lại được thêm những người bạn chơi blog, được tám dóc với bè bạn ở nơi đây. Lâu lâu lật qua lại nhâm nhi, nhà mình qua hàng xóm, thêm vào ít kiến thức, hiểu thêm người, đôi khi một chút buồn vui qua bài viết và những lời còm dễ thương. Thống kê cuối năm cho thấy lượng truy cập của bạn bè trong nước và quốc gia khác tăng dần lên, thấy ấm áp.

Có thêm các bạn chơi blog, dù là đã biết nhau hay chưa gặp ngoài đời, đều rất thân thương và đáng quý, lâu lâu có buổi họp mặt thật mừng vui. Có thể thực mà xa, gần mà ảo và biết là mỗi người trong chúng ta ai cũng có một cuộc sống riêng tư, nhưng ta có niềm vui là được san sẻ, như là lại gần với nhau hơn. Một ngày không vương gót hài ai hoặc không vô thăm nhà người ta một tí là thấy một ngày thiêu thiếu. Để thêm vào cho ta một chút trong lành.

Có một tạp chí Tin học và đời sống ở ngoài Hà Nội, thêm hai ấn bản Thế giới số, Tin học nhà trường, chắc là nhiều người đã biết.
Ở đây có nhiều nội dung hay về các tin tức và ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị cho ta kiến thức quay phim, chụp ảnh , sắm sửa và sử dụng các thiết bị kỹ thuật số... Tin học nhà trường mềm hơn thêm vào các chuyên mục đời sống như: Open haert, Thì thầm, Thế giới sao hay Nước Việt mến yêu... Đọc các ấn phẩm của tạp chí dễ thương và hữu ích.

Năm cũ, blog AnhDo có một số bài viết được Tin học và nhà trường chọn đăng. Tính cua trong lỗ, cả bài đã lên lịch trong tháng tới là được hơn chục bài, đó là những bài viết ngắn cuộc sống đời thường của những người xung quanh. Mỗi lần có cuốn tạp chí mới, cô bé Anh Đỗ Nhí ở nhà luôn là người coi trước rồi cười, vui thế. Cám ơn các anh chị tạp chí và các bạn chơi blog đã giành cho sự ưu ái. Điều đó làm người viết hứng khởi, nghiêm túc hơn, và còn động viên cho sự học của con cái nữa.

Năm cũ, những ngày cuối năm sao lại như nhanh hơn. Cả nhà lúc nào cũng bận bịu, vội vã. Có những việc không tên ở xung quanh nhà nhìn đâu cũng thấy. Chưa kịp coi lại việc gì đã làm xong, đã thêm nhiều việc để làm tiếp nữa, loay hoay, loay hoay, năm cũ qua, năm mới tới.

Chợt nhớ ra ngày tháng cuối năm đã tự thêm vào những việc không tên ấy, là để làm hay, làm đẹp cho một quán cà phê gia đình.

***

Những ngày đầu năm.
Sáng ra mở cửa, gió Đông Bắc mang hơi se lạnh nhè nhẹ len vào nhà. Năm nay ở Sài Gòn, bàn giao hai năm cũ mới được thêm vào ít gió mùa mang hơi lạnh cho những sáng những chiều. Để cho một sớm mai lâng lâng dễ chịu, thanh thản ngồi bên ly cà phê quán vắng, sạch sẽ, yên bình.

Người Sài Gòn bươn chải, làm và làm, có nhiều người không đủ thời gian để hưởng thụ hay để thi vị một chút se lạnh giao mùa.

Sớm mai vào cuộc mưu sinh đường dài, ai cũng vội vã. Tạm quên đi nước ngập đường đào, quên khói bụi, tiếng kèn, tiếng máy xe ngoài đường phố. Vội vã lách qua một xe bánh mì, đi qua hàng cơm tấm, qua khói than sáng sớm và mùi thịt nướng thơm con hẻm nhỏ. Tết tây qua, Tết ta sắp tới, nhiều mối lo như giục người ta đi mau hơn.

Không giống như mọi người ở xứ lạnh chuyên nghiệp, ở Sài Gòn là những chiếc áo khoác, áo gió cũ mới đủ kiểu, chỉ là khoác vội ra đường để bớt đi một ít cái lạnh hiếm hoi chợt đến mà không phải để làm điệu. Một hai bé con chui trong áo gió trùm đầu, ngồi sau xe máy mẹ cha chở đến trường, mắt còn lim dim ngái ngủ, trệu trạo miếng bánh bữa sáng muộn hay một hộp sữa tươi.

Cuộc sống hôm nay nhiều người còn vất vả, sớm mai năm mới ở Sài Gòn se lạnh vẫn hối hả, vẫn thấy rất nhiều nụ cười, như là mong mỏi, như lời cầu chúc tốt lành năm mới cho mọi người, mọi nhà.