Bữa ấy ở nhà sửa sơ cái sân, xà bần được dọn ra một góc. Chừng ít phút sau đã có một người đạp xe đi ngang xin vào dọn dẹp. Nhanh gọn và sạch sẽ. Đấy là một người nữ, dáng thôn quê, lam lũ. Cô ấy chừng bốn mươi ngoài.
Xong việc, thấy nhà có cây khế trĩu cành, cô xin hái mấy trái. Nói cô cây khế trái sai dữ lắm, quanh năm, cứ lấy đi, nhiều vào, khế ngọt đấy. Cách cô lột bỏ đi cái viền dọc theo từng múi khế, lâu quá mới thấy lại. Thấy bé Nhí đang chơi ở nhà cô hỏi thăm, nói bé nay lên lớp bảy, út nhà tui đó. Cô thật thà, suýt nữa thì em hỏi bác cháu nội hay ngoại. Mời cô ngồi uống nước nói chuyện chơi, cô này ác, bộ cô coi tui già dữ vậy sao cô.
Cô ấy quê đâu ngoài Hải Dương. Vợ chồng dẫn nhau vô đất Sài Gòn, cùng cày cuốc đường nhựa nuôi con ăn học. Hỏi thăm, vui vẻ cô kể chuyện sinh sống và chen được đôi bàn tay để kiếm ra đồng tiền nơi phố thị cũng thật nhiều gian khó. Vợ chồng ở nhà trọ cùng nhiều người đồng hương. Có việc gì làm nấy, việc nhiều thì kêu nhau, không có thì tự đạp xe đi kiếm vòng vòng. Chuyện ăn uống ngủ nghê tạm bợ thôi bác ạ, để dành tiền gởi về quê cho các cháu đi học.
Cô khoe con gái lớn đang năm thứ hai sư phạm tiếng Anh còn đứa nhỏ năm nay lớp mười hai rồi. Một thoáng ánh mắt tự hào cùng nụ cười hiền của người mẹ trẻ, rồi lại cúi xuống lột tiếp cánh khế trên tay, nhưng vất vả lắm bác ơi, mấy năm nay rồi ấy.
Đọc ở đâu đó, rất nhiều, đời thường tha phương mưu sinh và nuôi con ăn học, nhưng ngồi trực diện, trò chuyện cùng cô ấy, thực sự mới biết, mới hiểu và cảm phục những người cha người mẹ lao động một đời mưu cầu sự học cho con cái.
Nói với cô ấy, có hai đứa con học hành được vậy là mừng quá, không phụ lòng mẹ cha lặn lội hôm sớm. Mà cô cũng quá giỏi đi, đúng là những cô gái tỉnh Đông khéo lo toan việc nước việc nhà. Cô nói nhà em biết bài hát ấy đấy bác ạ, cô cười thật vui.Nâng máy xin cô chụp tấm hình, cô hỏi ơ thế nhà bác là nhà báo à. Nói tui phục vợ chồng cô sát đất đó, tui nhà báo mà báo nhà, để kể chuyện nhà cô cho mấy nhỏ nhà tui biết chuyện người ta mà ráng học hành sao cho giỏi, vậy thôi mà cô.
Cô ấy đi rồi, thầm cầu trời cho đứa nhỏ nhà cô năm tới cũng vô đại học cho đáng cái công cha công mẹ.
Mấy bữa nay đọc tin cậu trai Tăng Văn Bình quê Đô Lương xứ Nghệ đậu thủ khoa đại học với điểm số tuyệt đối 30/30, lại nhận được học bổng toàn khóa của trường Ngoại thương. Chị gái Bình cũng đã là sinh viên năm thứ hai. Tội nghiệp hai chị em, cha mất sớm, chỉ còn có mẹ, nghĩ sao, học sao mà ngoan mà giỏi quá chừng.
Bình đã mang về nhà đáp lòng cho mẹ ít gì cũng là hai lần thủ khoa. Người mẹ ấy vừa giữ trẻ mầm non, vừa làm ruộng ở quê nhà, tảo tần nuôi mẹ già, nuôi hai đứa con hiếu thảo.
Bình Phước có "Chàng thủ khoa nông dân" vừa đậu đại học 29,5 điểm. Là anh cả trong nhà, từ nhỏ Quý đã phải lam lũ cùng bố mẹ đi làm thuê, phụ hồ, về nhà nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc hai em khi bố mẹ đi làm(T.Trẻ).
Chúc mừng cho những đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang và hạnh phúc thay cho những người mẹ quê chịu thương chịu khó ấy.
***
Đọc thấy ngậm ngùi.
Trả lờiXóaChung quanh ta có biết bao nhiêu mảng đời rất đáng để ta "đọc", phải hôn Bác.
Một entry xúc động. Đọc xong thấy thêm yêu cuộc sống anh ạ.
Trả lờiXóa-Bạn Moon,
Trả lờiXóaTôi cũng nghĩ là quanh ta có rất nhiều người để cho ta thấy, ta đọc và học theo họ, từ những giản dị nhất.
-Chào bạn HoaLu ghé thăm.
Trả lờiXóaCuộc sống có rất nhiều người và nhiều điều đáng yêu phải không bạn.
Tôi sẽ ghé thăm bên bạn thường nhé.
Rất vuikhi đọc những câu chuyện kiểu này của anh, nó làm người đọc thêm yêu đời và tin vào những điều tốt đẹp. CẢm ơn anh
Trả lờiXóa-Phú,
Trả lờiXóaMình cũng muốn đám nhỏ của mình đọc và hiểu về những người xung quanh mà phấn đấu trong cuộc sống.
Lana cũng đã gặp những người mẹ quê ra thành phố làm oshin giúp việc cho nhà người để lấy tiền gửi về quê cho con đi học. Đắng lòng.
Trả lờiXóaNhững câu chuyện như thế là đặc trưng nhất cho 'hy sinh vì con', ước muốn vươn lên, và cái gọi là 'tính hiếu học' của người dân quê. Khi những đứa trẻ thành phố có dịp gặp, biết những câu chuyện này thì sẽ rất giá trị đối với chúng.
-Lana,
Trả lờiXóaLàm như ông trời thương, mấy đứa nhỏ của họ phần đông đều ráng tâm học hành đâu đó bạn nhỉ.
Ông viết hay,phải ko "bạn nhỉ"?
Trả lờiXóa-Gtl,
Trả lờiXóaÔng bạn già xuất hiện. Tôi hiểu ý nhấp nháy bạn nhỉ của ông. Cho nó thân thiện, cho nó trẻ, ấy mờ!
Anh ĐN à , theo em những đứa trẻ nhà nghèo mà học giỏi là đáng trân trọng , nhưng dù sao thì chúng cũng có động lực : học để thóat nghèo . Còn đám con nhà giàu mà học giỏi cũng đáng khâm phục lắm chứ , chúng gần như chẳng có động lực nào buộc chúng phải học cả
Trả lờiXóa-Đồng ý với Ráo em,
Trả lờiXóaMình nói với nhau là những người nghèo còn phấn đấu được như vậy, những người có điều kiện hơn thì đám con cái phải phấn đấu hơn nữa. Chuyện NBChâu vừa rồi, cha mẹ Gs, phó Gs, người ta vậy rạng danh vậy chớ.
Mình thấy người thật việc thật ngay ở bên cạnh mình, viết cho con cái thấy, như lời nhắn nhủ cho con cái mình coi gương mà ráng học cho nên người, Ráo đồng ý khg?
Bài viết nào của anh cũng hay, thấm đậm tình người. Đoc mà cứ sợ hết bài. Cám ơn anh thật nhiều.
Trả lờiXóaChào bạn Guong Le ghé thăm nhà. Bạn có thời gian ghé đọc chơi cho vui nhé.
XóaChúc Giáng sinh vui vẻ.