Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Sinh nhật chung.

Biết được sinh nhật của nàng là cùng ngày cùng tháng, thật thú vị, chỉ tủm tỉm cười và trông cho ngày ấy mau tới. Để rồi được mua hoa tặng nàng, để rồi hy vọng nàng sẽ nhận lời và hai người sẽ đi chơi đâu đó hay ngồi ăn uống một chút gì.

Sẽ trịnh trọng mừng sinh nhật nàng và nói với nàng rằng, nàng có biết không, ông trời còn cho một người sanh ngày 1 tháng Chín nữa nè, bữa nay hắn ngồi kế bên em đó. Thiệt vậy sao? Chắc là nàng sẽ phải reo lên ngạc nhiên và thích thú, chúng ta sinh ra cùng ngày cùng tháng và hai người sẽ có một kỷ niệm sinh nhật chung đầu tiên đáng nhớ.

Năm ấy hết trẻ rồi, ngoài băm, còn mơ mộng, còn lãng vậy đó.

Ông trời không thương, trông tới trông lui, tới gần ngày ấy bỗng phải đi xa, chẳng sinh nhật nào được ở nhà. Nghề tàu bè là vậy, hàng đầy là chạy, phải chịu thôi, nhưng tiếc, và buồn thế, lỡ dịp.

Lang thang xứ người, biết nhớ vẩn vơ, bèn điện thoại về nhà cầu cứu bạn. Tối ấy, nàng nhận bó hoa chúc mừng từ vợ chồng An Nguyên mang tới. Ở xa xôi, khi ấy liên lạc là rất khó, tới bây giờ nàng vẫn nói, thật ngạc nhiên và cảm động. Cám ơn An nhé, cám ơn Nguyên nhé.

Ngày về bờ, sinh nhật chung đầu tiên ấy, bạn bè tổ chức mừng sinh nhật muộn trên con tàu du lịch sông Sài Gòn, nàng nhận lời tới dự. Tối ấy đến đón nàng, ba nhìn từ trên đầu xuống chân người ta, lạ lẫm, ngạc nhiên, con gái cưng nhà mình quen với ai vậy cà.

Nhìn tấm hình kỷ niệm cũ tàu trên sông, nàng khuất phía sau, nhìn người trai giang hồ bụi bặm chẳng giống ai ấy, và nhận làm nền cho người ấy hết cuộc đời.

Hơm hai mươi năm qua đi, một gia đình hạnh phúc, các con ngoan ngoãn, ráng học hành, không mong ước nhiều hơn và mỗi năm sinh nhật chung là mỗi vui hơn, đằm thắm hơn.

Entry này dành tặng cho nàng, người vợ yêu, và xin chúc mừng sinh nhật cho những ai sinh nhật chung ngày 1 tháng Chín.

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Gà của Nhí và bố.

Buổi chiều về, Nhí hớn hở vui mừng thông báo có hai con gà con mới nở trong lồng ấp, Nhí nói con gà nhỏ xíu, dễ thương lắm kìa. Vậy sao, bố hỏi Nhí còn nhớ bài học tả chú gà con... cái mỏ tí hon, cái chân bé xíu, lông vàng mát dịu, mắt đen sáng ngời... Nhí cười thích thú.

Hội hữu nghị Gà chuẩn bị thành lập gồm các chú Giang còi, Vũ Anh, Sáu Quang và bố. Bố bảo hội nuôi gà để trao đổi, vui vẻ, đẻ nhiều. Hội chưa kịp họp, chú Giang còi phải đi biển, chuyển lồng ấp, lồng úm và cặp gà đá Philippines qua nhà cho bố con Nhí tiếp tục nuôi gà và ấp trứng, bữa nay có hai chú gà Thái mổ vỏ trứng chui ra, vui quá. Đó là hai con của chú gà lùn Thái, chú Sáu Quang cho Nhí tháng trước, còn cặp gà tre chú Đằng cho đã chuẩn bị ấp lứa thứ ba.

Nuôi gà có nhiều cái thú. Nhìn con gà Thái lùn lững thững đi trong sân cùng mấy con gà con thật vui mắt. Coi con gà Phi của chú Giang mang qua, ai cũng xuýt xoa cặp cựa này mà chinh chiến thì thôi rồi. Bố nói sẽ ráng gầy giống thứ gà này thật nhiều vì là gà quý và chú đã cất công mang về từ bên ấy.

Cũng có những chuyện vui. Hôm rồi, chỉ vì một bó rau muống mà suýt nữa ở nhà có chiến tranh. Chuyện là tối bữa đó bố đi nhậu với bè bạn về nhà, mẹ tíu tít lo làm cơm cho bố, ở nhà quen vậy. Thấy bếp có bó rau muống, thứ muống cạn gieo hạt thật non và sẵn mấy trái Sấu nữa, mẹ lấy ra tính làm đồ ăn liền bị cô Hường giúp việc ngăn lại. Không được, rau này không phải của ảnh, không được xài. Hai người nữ co kéo qua lại một hồi, cô Hường tuyên bố, đã nói một lời rau muống này là của gà, không ai được đụng tới. Ơ hơ... cô Hường thương gà hơn cả bố rồi, trong nhà này bây giờ bố đứng chót, sau cả con Sô cô la và đám gà, he he... Phải công nhận mấy chú gà này sướng thiệt, được cả nhà yêu quý và chăm sóc.

Nghe tiếng gà gáy trưa như nghe thấy không khí làng thôn dễ chịu, vơi bớt đi những mệt mỏi thị thành. Và con hẻm phố lao xao tiếng gà gáy mỗi sớm mai thức dậy.
Một bữa, bà hàng xóm sang nhà chơi thở nhẹ, nghe tiếng gà gáy ở bên đây sao thấy nhớ quê quá đi, lâu quá mới tới Tết.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Mơ ước học.

Mùa hè ở Bắc Mỹ, mặt trời chiếu ở chí tuyến Bắc nên ngày dài, có khi đi chơi từ 6h sáng đến 9h tối trời vẫn còn sáng.

Một sáng nắng sớm kỳ hè đi du lịch, khi các con còn đang ngủ nướng thì cha chúng lọ mọ đi tìm thăm ông Harvard.

Trường đại học Harvard nằm ở thành phố Cambridge tiểu bang Massachusetts, bên dòng sông Charlers xinh đẹp. Hai bên bờ con sông trong xanh và yên ả ấy là hai thành phố Cambridge và Boston, xứ sở của sinh viên với rất nhiều trường đại học. Là những BU, BC bên kia bờ và Harvard, MIT... bên này sông, những trường đại học danh tiếng, là ước muốn của nhiều bạn trẻ và người thân của họ. Nơi này đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hàng năm nhiều người giỏi giang trong nhiều lĩnh vực.

Vào mùa hè nên sinh viên đã nghỉ học, họ về thăm gia đình hay là đã đi du lịch đâu đó sau một năm học tập. Trong khuôn viên các trường đại học tĩnh lặng, thanh vắng nhưng cánh cửa mở rộng đón tiếp những đoàn người, là sinh viên tương lai đi tìm kiếm cơ hội học hành cho mình hay những bậc phụ huynh của họ đến đây thăm quan, tìm hiểu về điều kiện gia nhập cho con cái. Họ từ khắp nơi trên đất Mỹ và chắc chắn trong số du khách đó còn có nhiều người ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Nơi đây giành cho những người trẻ tuổi ưu tú ở khắp mọi nơi.

Đến thăm đại học Harvard chỉ là để tỏ lòng ham học của mình, cho con mình và ngắm nhìn viện đại học danh tiếng, nơi đã đào tạo ra biết bao nhiêu yếu nhân trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Cũng giống như mọi người, ai cũng muốn tới ghi lại một tấm hình kỷ niệm, vuốt tay lên chiếc giày chân trái của ngài John Harvard, vị mục sư đã đóng góp nhiều sách vở và tiền bạc cho nhà trường từ ngày đầu thành lập và nay đang mang tên ông.

Đặt tay lên chiếc giày sáng bóng màu đồng, suy nghĩ, không biết đã có bao nhiêu bàn tay đã đặt lên nơi đây. Nói thật khẽ, như nói với cả các con nữa: Cầu mong cho thế gian an bình, cho đứa trẻ nào cũng được học hành và các con của mình luôn ráng học thành người, mong ông hãy phù hộ.
Đứng ngắm nhìn mọi người đến đây, lượt khách này đến đoàn người khác, nhiều màu da sắc tộc, thấy họ đặt bàn tay lên trên ấy thật lâu và chắc cũng cầu mong một điều như thế.

Bạn trẻ nhà mình ơi, tại sao ta lại không mơ ước nhỉ, mơ ước được bước chân tới đây, làm một thành viên mỗi sáng cắp sách ngang ngực, một túi xách nhỏ khoác vai, lên giảng đường nghe giảng, ở một trường đại học nằm bên bờ con sông ấy.
Biết không, mùa này cây cối trong Viện đại học Harvard đang xanh mướt. Và, cỏ cũng xanh mướt ở khắp nơi.

H1: Bên tượng John Harvard.
H2: Đại học Boston Universyty.
H3: Trong khuôn viên Harvard.
H4: Khách đến thăm Harvard.

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Nhắn nhủ với con.

Chàng trai ấy hiện làm việc cho United Pharma, một công ty dược lớn và uy tín của Philippines tại Việt Nam.
Trò chuyện với ba mẹ cậu, kiểu chủ đề cha mẹ và con cái, thấy được sự cố gắng phấn đấu đầy tự lực cánh sinh của lớp trẻ bây giờ.

Lúc nhỏ, anh ấy là học trò năng khiếu toán ở một trường thành phố biển miền Trung. Những năm học phổ thông, anh luôn là học sinh khá giỏi. Một xác định cho mình từ nhỏ, ở tuổi đi học là phải ráng học sao cho giỏi, để không phụ công dưỡng dục của mẹ cha. Nói nhiệm vụ phải học giỏi nghe lý thuyết quá, nhưng đúng là nghĩ như vậy, là phải như vậy, học giỏi để cho nên người.
Tốt nghiệp đại học kinh tế, anh làm việc một thời gian ngắn tại thành phố Hồ Chí Minh rồi tiếp tục học cao học. Tự mình tìm kiếm trên mạng, và qua kỳ sát hạch kỹ lưỡng, anh nhận được xuất học bổng toàn phần học cao học tại Pháp. Một niềm vui lớn cho anh và cho ba mẹ.
Ở môi trường nhiều điều kiện được học và tự học, anh tranh thủ trang bị cho mình không chỉ kiến thức chuyên ngành đã học kinh tế quốc tế mà còn tìm kiếm sách vở để học thêm maketing. Thêm kiến thức để có thể làm việc được với nhiều công việc khác nhau, nghĩ vậy và anh làm được. Anh ấy hoàn thành chương trình cao học và về làm việc ở Sài Gòn. Với anh ấy bây giờ, có thể phỏng vấn và được nhận làm việc ở nhiều môi trường khác nhau. Đó là điều ai cũng mong muốn, ăn thua mình có ráng hay không.

Chuyện vui, nhớ một năm nào đó, điểm trung bình năm của cậu học trò là giỏi, riêng điểm toán thiếu 0,1, yêu cầu học toán chuyên là khắt khe hơn, nên không đạt học sinh giỏi. Trò nhỏ rất buồn và cũng làm mẹ không vui. Cô giáo chủ nhiệm tới gặp mẹ anh, khi ấy đang là giáo viên dạy toán ở một trường khác: hay là xin thày cô phúc tra lại bài cho cháu. Trò ngạc nhiên với suy nghĩ ấy: mẹ mà xin cho con, ngày mai con bỏ học ngay lập tức.
Mẹ anh nói câu chuyện ấy nhớ tới bây giờ. Anh ấy luôn biết tự giác và tự lực để học, những năm về sau anh đã khẳng định mình.

Những ngày qua ai cũng thấy tấm gương sáng về sự học khiến cho ta mừng vui, ngước lên và cảm phục, là tấm gương toán học Ngô Bảo Châu.
Và ngay ở bên ta thôi, cũng có những gương học tập tự lực trong điều kiện của mình để vươn lên vững chãi. Viết một tí, về một người rất dễ trao đổi trò chuyện, rất gần gụi ngay ở bên ta, để cho các bạn trẻ ở nhà mình biết, và để theo mà học với người ta.
Ảnh: Mẹ con cô giáo dạy toán.

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Chuyện của bạn.

Chuyện kể năm ấy gặp bạn ở bến cảng Nha Trang, bạn tặng cho một cây san hô trúc thật đẹp mới mang vào từ Trường Sa, rồi vội vàng về tàu chuẩn bị chuyến đi tiếp tục chở xi măng và đá ra xây đảo. Hai thằng bạn thân chia tay nhau, hai con tàu tách bến theo hai hướng, tưởng mới đây mà đã hơn hai chục năm. Lần ấy bạn đi trên con tàu Vàm Cỏ 24.

Chuyện kể ba năm trước về con tàu SHC Pioner đã bị neo giữ bên Pakistan chỉ vì những lý do không đâu, một dạo báo chí Việt Nam tốn nhiều giấy mực. Các bên liên quan tốn nhiều thời gian đàm phán, hàng năm trời tàu neo đậu, thuyền bộ tan tác không còn tinh thần nằm giữ tàu, lần lượt bỏ về nước. Chuyến ấy Đại sứ ở Pakistan phải trực tiếp can thiệp rất nhiều về những vấn đề của con tàu. Bạn cùng ê kíp nhận phần việc bay sang đưa tàu về nước.

Khi kéo neo lên, hàu đã bám đầy cả trăm ký, con tàu bị giữ đã neo đậu quá lâu. Tàu cũ, 28 tuổi, các máy móc hư hỏng khá nhiều. Đồng nghiệp cũ đã từng đi sĩ quan máy sẽ nghĩ cái thời xưa khó khăn như thế cũng chẳng thể tưởng tượng nổi con tàu đi biển xa mà chỉ còn một máy bơm xài chung cho ballast, la canh, cứu hỏa, nước sinh họat...
Thứ gạo người ta cung ứng là gạo mục không thể ăn nổi dù là ở thời khốn khó xa xưa cũng không ai chấp nhận. Nước sinh họat cung ứng cho tàu, năm phần ngọt năm phần mặn, tắm còn không được nói chi ăn uống. Gom lại hết nước ngưng tụ của các máy lạnh trên tàu được sử dụng cho nhà bếp nấu ăn. Đúng là cái khó ló cái khôn, rồi cũng qua.
Giàn sĩ quan trẻ tuổi bây giờ cũng khác xưa, có những người bằng cấp đâu đó nhưng rất yếu nghề. Bạn không nói nhiều, chỉ biết cùng anh em sửa chữa, phục hồi máy móc và với tấm lòng nghề nghiệp bạn cùng thuyền bộ đưa được con tàu rời bến Pakistan.

Con tàu còn khai thác được một chuyến hàng về Tangiong Priok một hải cảng ở Indonesia trước khi đưa tàu lên ụ sửa chữa ở Thái Lan.

Chủ tàu- Một công ty tư nhân với chiếc tàu đầu tiên trong sự nghiệp, khi nghe tin tàu về, không biết nói gì chỉ biết rằng "các chú ấy không mang tàu về được là phá sản, là không nhà, không cửa!"
Anh em tàu Pioner kể xong câu chuyện, nói bạn anh đó, anh ấy hay lắm đấy. Bạn cười vui mà tếu: "Hổng có chi là quan trọng". Cứ nghĩ rằng ở những vùng đất ấy, cho đi du lịch còn ngại nói chi nơi tàu bè bến cảng, và những chuyện vất vả này chẳng bao giờ thấy bạn kể về mình.
Nhiều bữa ngồi nhậu với bạn, thấy nhiều đồng nghiệp hay các công ty rù rì rủ bạn về với họ, thấy thằng bạn mình chỉ cười cười vậy thôi, biết là của quý, hàng hiếm, có giá phết. Mừng bạn một sỹ quan máy tàu biển giỏi.
Bạn mới trở về rồi lại đi, sau hành trình hai vòng quanh trái đất. Bạn được đi qua nơi giao nhau của kinh tuyến gốc và vĩ tuyến gốc trong vịnh Guinea.
Bạn chở gạo tới hòn đảo Cu Ba xinh đẹp, ca hát và uống rượu với những người bạn ở hòn đảo có bài hát Habana xinh tươi bạn hát từ nhỏ. Bạn vòng xuống tới Achentina Nam Mỹ, kiếm cho được mấy đồng tiền mang hình Cheguevara rồi sang tới bờ Tây Phi châu, ghé Guinea xích đạo, thăm Bờ Biển Ngà, quê hương chàng Drogba mà bạn luôn yêu thích. Thật là tuyệt vời.
Nghỉ bờ được sáu tháng, chơi với con cái và nhậu với bè bạn mỗi tuần, dự được cái giải bóng đá thế giới hơi vô duyên của dân kèo trên. Chiều qua bạn nói ngồi cùng gia đình tí, mai đi. Chỉ giản đơn vậy thôi, lại một chuyến biển mới.

Bạn bè vẫn kêu bạn Giang còi, cái tên từ thuở bé teo cùng học.
Viết ít dòng nịnh bạn mình tí, và bạn đọc trước hành trình, như một lời chúc sức khỏe và mọi sự tốt lành cho bạn.
H1: Bạn bên pháo đài Moncada .
H2: Bên bạn bè quốc tế- Cu Ba.
H3: Bạn cùng gia đình

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Biển chiều.


Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

trách giận.

Chiều cuối tuần, mưa lắt nhắt hết buổi. Bất chợt tiếng chuông điện thoại, một số lạ, một số không lưu máy. Ra là giọng người quê đấy, là từ nơi ghi nhớ của những năm tháng thật xa đầy ắp kỷ niệm.

Trách nhẹ tới giờ này sao anh vẫn chưa về Cần Thơ, hơn mười năm anh trở lên thành phố là xa lắm đó, là nhiều đổi dời lắm đó anh có biết không. Bắc Bình Minh giờ thay bằng một cây cầu thiệt lớn anh có hay, và dòng sông bến nước, cả thành phố này nữa, quá nhiều đổi thay. Anh có hay, một sớm, má đứng sau lưng giật mình, thảng thốt, trời đất, nhỏ này có tóc bạc rồi đó bây ơi.
Mà thôi, mới nghe mùa hè này mấy nhỏ được đi chơi đây đó là mừng, hổng phải giận trách chi anh, là trông anh về, cho mấy nhỏ về luôn, bây giờ tụi nó học hành tới tận đâu rồi?

Anh còn nhớ không ngày ấy xa xôi, câu anh nói ngay bữa đầu gặp mặt, chớ... đi khắp Sài Gòn, lục tỉnh, tới đây thấy tấm bảng "kính chào" và "hẹn gặp quý khách" ở quán này là một, bước vô đã thấy mát lòng, nhậu rồi nặng lòng hổng muốn về, mà có đi đâu rồi cũng nhớ quày về Miền Tây mà nhậu. Miền Tây quán của các anh bây giờ vẫn mấy người ở đó, gắn bó mấy chục năm có, vẫn chờ mấy anh về ghé thăm.

Anh còn nhớ chăng, sau mỗi chuyến đi biển xa, về bờ là phải có đuông, thiếu thứ đó là anh buồn thiu, coi cái mặt biết liền. Dễ gì mà có, những đọt Chà là chờ đúng lúc anh về mới mang ra chẻ, nên thấy anh chầm chậm nhâm nhi những con đuông ngậm no nước mắm, chút một, nhìn cách là biết anh quý cái công người ta, chỉ vậy là đủ mát lòng đó nghen.
Anh còn nhớ rắn hầm sả, nhớ chả thác lác hay nhớ cái cách "ra rùa", một lần nào đó em bày cho anh ? Con rùa ấp trứng sao cho gọn gàng, thật khéo, cho bắt mắt, cho dân nhậu dù khó tính cỡ mấy anh cũng chỉ có cười và ồ lên thích thú.
Về đi nghen anh, một bữa nào đó nhắc, cha trách "cái thằng đó... biết còn nhớ đường đi về không chớ."

Cần Thơ có mưa không em? Sao lại chọn một chiều mưa buồn thế để điện thăm, làm cho cái lỗi và cái nhớ như lớn hơn. Đã bao lần tính về thăm Cần Thơ, ít nhất để đến Miền Tây ngồi ngất ngư hết một chiều như ngày xưa ấy, vậy mà vẫn chưa.
Ngày tháng cứ kéo ta đi đâu đó miết, cuộc sống mưu sinh và niềm vui khám phá những miền đất lạ, để lỡ quên đi nơi ấy có một tấm lòng người quê.
Rồi anh sẽ về, cho con cái nó thăm nơi miền đất ấy, nơi đã cho anh nhiều lắm trong cuộc đời.

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

Những hộp bánh trung thu.

Bà đã lớn tuổi, sống với vợ chồng cậu Hai ở Sài Gòn. Cô Út lấy chồng làm ăn ở tỉnh xa.
Hè mẹ Út mang Tý chuột lên thăm bà ngoại ít bữa, mai sớm đưa Tý chuột về nhập học.

Buổi sáng đi ngang chợ Cũ, "Ủa, mới tháng Bảy, Sài gòn có bánh trung thu sớm vậy cà". Thấy vui, Út ghé mua hộp bánh mang về biếu mẹ.

Bữa cơm trưa. Út nói: "Nhân mùa Vu lan, con mua bánh mời bà ăn lấy thảo". Bà ừa: "Bây xắt bánh cho con gái thằng Hai ăn trước kẻo ít bữa đi học xa, không ai mua bánh cho ăn". Mợ Hai cản: "Thôi Út từ từ khui, để nguyên hộp lỡ bà có muốn cho ai".

Biết tính bà vậy. Bà có mấy đứa cháu nhà ông cậu ở quê. Cuối hè năm nào cũng theo mẹ lên thăm bà rồi mới về nhập học. Nhắm chừng tụi nó sắp lên chơi là bà hay chừa quà bánh cho đám nhỏ. Bà thương ông cậu, thuở cha mẹ mất sớm, hai chị em nuôi nhau. Ông cậu cũng mất sớm, dân tù Côn Đảo từ thời tây, yếu ớt. Con cháu ông cậu cũng là con cháu bà. Bà thường nói, con thiếu cha, tội nghiệp... tụi nó tới giờ...

Bữa cơm chiều. Bà ăn lưng chén, chuyện ít hơn mọi bữa, hộp bánh vẫn nằm ở trên bàn.
Cậu Hai về hay chuyện ngồi lặng thinh. Hồi xuống nhà, lấy ra hai hộp bánh còn treo trên xe máy, bọc thêm tờ nhật trình bên ngoài, lén đặt nơi đầu giường bà một hộp, một mang để kế giỏ đồ cô Út. Hai hộp bánh, hồi chiều cậu Hai mua biếu người ta, mang tới nhà thấy khóa cửa ngoài.

Tối đến. Bà nằm võng một mình. Mợ Hai rù rì với con gái, hồi nó lại gần bà vòng tay: " Thưa nội, cho con ăn bánh nhe nội". Bà vội nhỏm dậy, cười móm: "Ừa, xắt bánh mau đi con. Mơi em nó dzìa rồi!". Mợ Hai pha một bình trà lớn cho cả nhà ngồi ăn trung thu sớm, bà vui lắm.

Lúc đi ngủ bà nói một mình: "Mọi năm qua rằm con Út mới dám mua bánh Trung thu!".

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Góc phố.

một góc phố Sài Gòn, nơi ngã tư Đồng Khởi Lý Tự Trọng, có một bà cụ với gánh hàng nhỏ bán đồ ăn sáng, ngày nào cũng ngồi từ rất sớm. Bà cụ ngồi đó, yên lặng, nhìn thẳng như một pho tượng, như đã từ rất lâu...

Mỗi lần đi ngang, chắc vào cái giờ hiếm khách, nên in lại trong trí nhớ là hình ảnh một bà cụ với một gánh hàng rong đơn giản, luôn nhìn thẳng, không quan tâm gì đến nhịp xe vội vã của người đời ở nơi ngã tư trung tâm, để mỗi sớm đi ngang là nhớ, là phải ngoái nhìn bà cụ, như là một biển báo, nhớ rẽ phải nhé, hướng ấy đi đến tòa thị chính.

Chỉ trước đó ít giờ, cách ngăn một khung cửa kính sau lưng bà cụ, là ánh đèn mờ ảo, là rượu mạnh, thuốc lá và tiếng cười, là tiếng nhạc và tiếng trống, là những chiếc xe đẹp. Là thời gian và tiền bạc của nhiều vị khách nước ngoài và những người thành đạt. Sài Gòn đôi khi có những nghịch cảnh, và cũng đôi khi nghịch cảnh lại ở rất gần nhau.

Không biết bà cụ bán món sáng gì, tính một bữa nào đó ghé lại, cụ ơi bán cho con thứ gì ăn sáng coi nào, nhà cụ ở đâu, tới mấy giờ mới hết hàng vậy. Cứ nấn ná đang vội, để mai, lại để mai, mãi chưa ghé được. Chỉ một lần dừng xe đèn đỏ, kịp chụp lại tấm hình nhòe ở nơi góc phố... Mấy bữa rồi đi ngang góc phố ấy, bỗng thấy trống vắng.

Người ta không cho bà cụ ngồi ở nơi ấy nữa chăng? Không lẽ, đáng gì đâu mấy giờ sớm ấy, mà có khi hồi hôm bán khuya người ta còn chưa kịp thức, sao biết được có bà cụ sáng sáng vẫn ngồi bên hè phố.
Hay Sài Gòn mấy bữa nay mưa, cứ sớm ra đã lắc rắc, bà cụ nghỉ? Không phải, người bán hàng gánh ai quản nắng mưa.
Hay là bà cụ bệnh, mà dễ lắm, mấy bữa nay trời cứ ui ui, mưa nắng thất thường.
Hay là... không lẽ.

Ở góc phố nơi trung tâm thành phố, trước cánh cửa quán bar ấy, mỗi sáng bà cụ ngồi với gánh hàng quà, sao không thấy đâu nữa, một tuần lễ đã qua, rồi một tháng đã qua...
 (Đọc tiếp ở đây).

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Nhớ Mẹ.

Nam bộ có con Bù mắc, nó nhỏ cỡ con muỗi, màu xanh xanh, có khi nâu nâu hơi giống con Châu chấu nhỏ. Nhà nông còn kêu nó là con rầy.
Hàng năm
, lâu lâu lại có đợt con Bù mắc kéo nhau bay vào thành phố. Ngay ở Sài Gòn cũng có. Chỗ nào sáng đèn là có cả đám Bù mắc bu lại. Ngồi ăn cơm hay coi ti vi là nó xà tới. Chúng loe hoe quanh ngọn đèn, đã rồi rớt xuống một mớ chết dưới đất. Có năm, có nơi sáng ra quét đầy nhà con Bù mắc. Chúng mà bám vào người thì ngứa phải biết. Đầu tiên là gãi nhè nhẹ, rồi gãi mạnh hơn mới đã, rồi gãi đã tay thì thôi. Tới lúc đó là trây trớt chân tay, là nổi mề hết cả.
Một bữa thấy Mẹ ngồi gãi mà xót, nói đại: "Có bù mắc vô nhà là trúng mùa đó". Mẹ thôi gãi cười: "Ừ, thế cũng tốt, lúa nhiều, nông dân bớt khổ".
Mẹ nói nó giống con Thiêu thân. Người lớn tuổi hay nhớ về những kỷ niệm. Chắc Mẹ cũng luôn nghĩ về ngày xưa.


Nhớ ra con Thiêu thân. Hồi bé đi sơ tán về vùng quê, có lần được dự "đêm hoa đăng" của học trò. Những đêm ấy vui lắm. Tối đêm mà ai cũng quàng khăn đỏ như đi học, trống ếch cà rùng, mọi người mang đèn dầu hỏa thắp sáng trên một thau nước rồi để ở từng góc ruộng cho đám con Thiêu thân bay vào, rơi xuống và chết lớp lớp trong thau nước. Hồi nhỏ nhớ là nó làm hại cây lúa, chết đi là phải. Nhưng sao nó dại, tự lao đầu vào đèn, đúng là đồ con Thiêu thân. Con Bù mắc cũng gần giống kiểu con Thiêu thân, cũng dại, cứ thấy ánh đèn ở đâu là lao tới.


Những năm tháng thường đi về các tỉnh miền Tây, hai bên đường không có mấy công ty, nhà xưởng hay nhà cửa như bây giờ. Mới qua khỏi xa cảng đã thấy thôi là ruộng lúa bạt ngàn. Miếng ruộng này lúa mới cắt mấy bữa, đang đốt đồng thơm mùi rạ. Miếng kế bên lúa đang chín. Kế nữa lúa đang trổ đòng còn xa xa ngoài kia thấy người ta đang xạ lúa. Lúa mần quanh năm, là con Bù mắc nó từ đây mà ra.


Ngày đó còn đi biển. Sau mỗi hành trình, tàu về chạy trong luồng. Chiều xuống là lúc tàu về gần nơi thị tứ buông neo, khi ở Mỹ Tho, lúc Sa Đéc, Vàm Nao, cặp bờ lúc cảng Cần Thơ, Long Xuyên... Mấy nơi này nhiều Bù mắc lắm. Biết có nó là khó chịu nên tối đến tắt hết đèn trong phòng, đóng cửa táp lô thật kín, không hiểu bằng cách nào đám Bù mắc vẫn chun vô ngủ chung với mình. Thế là ngứa là gãi, ngứa riết gãi riết. Cả đêm nằm ngủ lơ mơ, đập, gãi, lại ngủ tiếp, riết rồi cũng quen, sáng ra là quên.


Năm ấy ở Sài Gòn cũng có nhiều Bù mắc. Biết tẩy tụi nó rồi, lại tắt hết đèn trong phòng, chỉ mở một cái ở hồ cá kiểng suốt đêm, đánh lừa Bù mắc sa vào hồ cho đám cá hồn nhiên ăn no. Ấy vậy mà vẫn có một đám Bù mắc tinh khôn chun vô phòng làm phiền mẹ. Thì ra là tại cái ti vi, mẹ nói vậy.
Sáng ra Mẹ vẫn bị ngứa, gãi trầy cả chân. Xót Mẹ lại nói: "Bù mắc nhiều chắc lại trúng mùa đó". Mẹ thôi gãi, lại cười: "Ừ, Mẹ quên, nhưng đừng có đánh lừa mẹ, Bù mắc hại lúa chớ trúng mùa là sao?"

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Hương tích-Ngàn Hống.

Có một chùa Hương Tích trên đỉnh một ngọn núi của Ngàn Hống hay dãy Hồng Lĩnh ở huyện Can Lộc Hà Tĩnh. Đó mới là chùa Hương Tích gốc.
...
Ai đó có dịp đi ngang xứ Nghệ Tĩnh, ta có thể ghé thăm chùa Hương Tích Ngàn Hống để biết thêm một di tích của dải đất miền Trung...
(Đọc tiếp: Bài viết lại)

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Bệnh mùa hè cần chữa.

Tranh thủ cả lúc đánh răng trước giờ đi ngủ.

Tại phim Avatar?
Tại kênh Disney?
Tại cha mẹ chiều con?

Ai đó binh con nói: ...tại đang nghỉ hè mà.
Ảnh chộp hè 2010.

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Bạn tôi.

Nhiều năm đi biển và xa biển cũng đã nhiều năm. Biển đã cho tôi trưởng thành với khoảng thời gian sống và làm việc vô tư, trung thực và những người bạn thực khỏi bàn cãi. Nên luôn nhớ biển và bè bạn.

nhà kêu bạn là "cậu Hai" còn đám anh em đi biển chung với nhau chúng tôi kêu bạn với cái tên thân mật "chị Hai".

Những ngày đi biển đầu tiên đã có cậu ấy. Bước xuống hầm máy một con tàu biển có quá nhiều lạ lẫm, có gì chưa hiểu cậu tận tình chỉ vẽ. Nhớ một bữa hai thằng chui dưới hầm máy làm việc, đang xì xụp hàn ống nước thì lửa bùng lên. Mấy cái vụ bà hỏa ở dưới tàu ghê gớm lắm, rất đáng sợ. Mình hết hồn luống cuống chưa biết làm gì thì cậu quay người vớ bình bọt chữa lửa mà cậu đã chuẩn bị từ lúc nào, bình tĩnh dọng ngược đầu, bình phun bọt sè sè. Lửa tắt còn cậu nhe răng cười.

Bạn cùng phố lúc nhỏ, bằng tuổi nhau, cùng trại trẻ đi sơ tán từ những năm lên chín, sau lại cùng học lang thang khắp nơi với trường nội trú.
Những ngày này 46 năm trước khi "Sự kiện vịnh Bắc bộ" 5 tháng Tám cũng là lúc hai đứa cùng bè bạn chia ta
y tuổi thơ phố Lý Nam Đế với đá dế ve sầu, với gốc sấu xù xì ghi nhớ, xa Hà Nội tránh đạn bom đi học. Chơi với nhau từ đó tới giờ.

Năm 72 bạn đi lính Hải quân còn mình vào đại học. Những lần được về phép cậu súng sính trong bộ đồ hải quân oai hùng làm bạn bè thèm muốn và thán phục.
Khi chiến tranh kết thúc, bạn về công xưởng Ba Son một thời gian rồi chuyển ngành qua vận tải biển.

Những năm 80 duyên hai đứa lại một lần hội tụ để được làm việc chung với nhau trong ngành đường biển. Rồi cùng bỏ Sài Gòn, về đầu quân cho tỉnh, cả đám rủ nhau đi. Cùng công ty, lại cùng đi biển trên một con tàu của Mekongship. Được làm cùng nhau, chơi với nhau bấy nhiêu năm quả là hiếm, ch
ắc chỉ thời ấy và chỉ tụi mình mới có.

Lúc nhỏ đi học luôn cùng trường nhưng dưới mình một lớp. Tới khi làm việc dưới mớn nước ở tàu lúc nào cậu cũng trên mình một bậc. Trên tàu Cần Thơ, cậu đi sỹ quan máy 3 thì mình thợ máy cho cậu, khi thi lên máy 3 quay về lại đi chung con tàu Sông Hậu thì cậu đi máy 2. Ngoài đời cậu luôn giành cho mình sự tôn trọng và ưu ái. Ngược lại, lâu lâu có những cư xử hơi khó với đời mình vẫn alu hỏi ý kiến cậu.

Ở công ty hay ở dưới tàu hễ có việc gì đụng đến anh em dù việc công hay việc riêng là cậu phùng mang, mọi cách bảo vệ anh em trước đã, lý do hay nguyên nhân sự việc xét sau. Tuy nhiên cậu luôn có lý và uy tín.

Tàu sắp hành trình chẳng ai còn giữ tiền Việt, lại muốn lên bờ nhậu, hỏi chị Hai. Đang hành trình trên biển, hết đồ ăn dự trữ cá nhân, lại thèm trứng gà, rau chua, hỏi chị Hai. Hôm nay về bờ mình sẽ liên hoan sao đây, hỏi chị Hai. Băng nhạc, nhóm nhạc nào mới ra, nghe được, hỏi chị Hai. Cả nhóm đi từ Cần Thơ về Sài Gòn mấy giờ xuất phát, dừng nghỉ ở đâu, ăn cơm chỗ nào chị Hai đã có sẵn chương trình. Thậm chí hết thuốc lá cũng hỏi chị Hai là có ngay gói ba số dù cả đời chẳng bao giờ cậu hút một điếu.

Lại nhớ có một chuyến đi sóng to gió lớn, cậu đầu bếp của tàu yếu sóng nằm bẹp, mấy ngày chỉ có cháo húp đỡ. Một sáng thức dậy nhìn ra cửa táp lô thấy đàn cá heo giỡn đùa lên xuống bên thân tàu, biển đã êm. Mùi đồ ăn thơm nức và tiếng ồn ào từ bếp ăn. Đứng nhìn cậu nấu bếp, thì ra chị Hai vừa hết ca trực, đói mấy ngày nên tự nấu cho mình một tô mỳ đặc biệt ba trứng gà, đặt ngay ngắn trên bàn ăn. Mới quay đi lấy đũa, Cự Hà phó 2 ở tàu từ đâu xuất hiện đã ngồi bên tô mỳ cậu mới nấu, kê cái mỏ như kiểu phun nước miếng vào tô. Thì ra cu Hà làm biếng, biết chị Hai nấu mỳ ngon, núp đâu đó rình sẵn. Tưởng chị Hai sẽ cho thằng bạn cái đá nhưng không, cậu nhường đũa muổng cho nó ăn rồi nhăn mặt lầm bầm cái thằng ấy kinh ghê, muốn ăn nói tao nấu cho ai lại làm thế, không la lối một tiếng. Cu Hà cùng khu, cũng cùng nhóm chơi từ nhỏ, tuổi xem xem hài hước và phá đám một cây.

Luôn chăm lo cho người khác là một niềm vui của bạn. Bạn bè ai đó còn khó khăn, hoặc tự mình hoặc bàn nhau cùng giúp đỡ. Tính bạn nhẹ nhàng, đâu đó, rất thẳng thắn và rất lính nữa, đặc biệt là rất chu đáo trong mọi việc của gia đình, bè bạn ,đồng ngũ, đồng nghiệp xưa và nay.

Nhiều năm nay bạn chăm thăm hỏi gia đình bạn bè đồng lứa đã sớm về với tổ tiên,
tổ chứcnhững cuộc gặp mặt cùng bè bạn cũ, những người cùng phố xưa Hà Nội. Có giúp nhau được gì giúp, không thôi có gặp gỡ, viếng thăm, có nhìn thấy nhau khỏe âu cũng là niềm vui. Hàng năm, hàng trăm cư dân phố Lý Nam Đế Hà Nội xưa hiện sinh sống ở Sài Gòn lại họp mặt một lần. Ôn kỷ niệm cũ, thăm hỏi phụ huynh, hỗ trợ nhau dạy dỗ con cháu nên người. Cái hội "đồng phố" hình như duy nhất trên thế gian này.

Bạn là anh Hai anh em nhà Hồ Bá. Ngày mai 5 tháng Tám là ngày truyền thống Hải quân của bạn và nhiều các bạn của tôi . Là những lời chúc cũ kỹ, luôn lặp lại thôi, là mong cho bạn và các bạn ấy luôn khỏe, đọc bài viết này, cười vui một cái và luôn nhớ về một thời đầy ắp kỷ niệm.

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Nhà báo "dỏm".

Hôm rồi đi chơi dọc mấy chục cây số bờ biển Thuận Hải, thử kiếm tìm một bãi bờ công cộng cho người dân không ra, than thở mấy câu blog chơi vậy. Bữa nay thấy báo Thanh niên viết bài dài Bãi biển của ai, vậy là mình chưa có già, vẫn còn này nọ thời cuộc phết. Mấy bữa ấy còn ngồi nhậu bụi với cư dân làng chài, mới biết bến thuyền của ngư dân bao đời nay cũng dần mất.
Hỏi thăm nói chuyện cuộc sống chơi, mấy nhỏ vui thiệt vui nói chú này nhà báo chắc. Nói báo chí chi, mấy đứa không thấy tui ôm tài chở mấy người này đi du lịch sao, vậy mà tụi nó hổng thèm tin.

Cuối năm rồi có hai lão hâm hâm rủ nhau đi chơi lang thang các tỉnh miền Trung. Đi đâu người cũng tưởng là nhà báo. Bữa ấy ở một khách sạn Huế. Buổi sáng ra, rầy rà mấy cháu tiếp tân đêm hồi hôm tắt máy chủ, không có internet làm lỡ hết bao nhiêu việc, mấy chú đêm còn viết bài. Mấy nhỏ dạ ran, nhìn nhau le lưỡi và xin lỗi, thế là hôm ấy trở đi mạng lúc nào cũng có. Bài đây là bài blog, hai thằng bạn thân đánh lẻ đi chơi dài ngày, biết là các bà thị xã thẽo theo bước chân nên viết như là bá cáo tình hình bước đi với vợ con và tám với bạn bè chớ báo chí nào đâu.

Bữa ấy ở một khách sạn Tuy Hòa, sáng ra trả phòng sớm để đi chơi sợ trưa về không kịp. Thấy một lão ôm cái laptop một lão cái máy ảnh lăm lăm, mặt mũi hơi nghiêm nghiêm, bà chủ khách sạn cười vui vẻ: mấy chú đi đâu cứ đi, chừng nào về nói mấy nhỏ nó mở phòng vô nghỉ, không tính tiền thêm đâu, lúc này cũng vắng khách.

Đi thăm đầm Ô Loan ở Phú Yên rề rà với dân dã, hỏi thăm chuyện bão lụt, cuộc sống của bà con sau cơn lũ lụt lịch sử cho biết cái cực của người ta, ai cũng vui vẻ nhiệt tình kể chuyện. Lúc về kiên quyết bán rẻ cho hai chú nhà báo kí hào sữa sống đã lột vỏ về làm bữa cháo hào nhớ đời. Lạ, ai cũng nghĩ hai ông nhà báo.

Ông bạn mình đùa vui kỳ này về dặn ai có đi đâu hội thảo hội nghị này nọ nhớ để dành mấy cái bảng tên, chữ tây càng tốt, không thì cái dây xanh xanh, nửa kín nửa hở, nhét bảng tên vào túi áo ngực, có lý à.

Đi chơi bụi, lão bạn chở mình suốt. Báo gì, nhìn lão mình lại thấy giống bác xe ôm thế nào ấy. He he...

Nói vậy chớ, đi vào đời sống dân dã khám phá được thật nhiều điều bổ ích, có những điều mà báo chí cũng không nói được.