Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Mơ ước học.

Mùa hè ở Bắc Mỹ, mặt trời chiếu ở chí tuyến Bắc nên ngày dài, có khi đi chơi từ 6h sáng đến 9h tối trời vẫn còn sáng.

Một sáng nắng sớm kỳ hè đi du lịch, khi các con còn đang ngủ nướng thì cha chúng lọ mọ đi tìm thăm ông Harvard.

Trường đại học Harvard nằm ở thành phố Cambridge tiểu bang Massachusetts, bên dòng sông Charlers xinh đẹp. Hai bên bờ con sông trong xanh và yên ả ấy là hai thành phố Cambridge và Boston, xứ sở của sinh viên với rất nhiều trường đại học. Là những BU, BC bên kia bờ và Harvard, MIT... bên này sông, những trường đại học danh tiếng, là ước muốn của nhiều bạn trẻ và người thân của họ. Nơi này đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hàng năm nhiều người giỏi giang trong nhiều lĩnh vực.

Vào mùa hè nên sinh viên đã nghỉ học, họ về thăm gia đình hay là đã đi du lịch đâu đó sau một năm học tập. Trong khuôn viên các trường đại học tĩnh lặng, thanh vắng nhưng cánh cửa mở rộng đón tiếp những đoàn người, là sinh viên tương lai đi tìm kiếm cơ hội học hành cho mình hay những bậc phụ huynh của họ đến đây thăm quan, tìm hiểu về điều kiện gia nhập cho con cái. Họ từ khắp nơi trên đất Mỹ và chắc chắn trong số du khách đó còn có nhiều người ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Nơi đây giành cho những người trẻ tuổi ưu tú ở khắp mọi nơi.

Đến thăm đại học Harvard chỉ là để tỏ lòng ham học của mình, cho con mình và ngắm nhìn viện đại học danh tiếng, nơi đã đào tạo ra biết bao nhiêu yếu nhân trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Cũng giống như mọi người, ai cũng muốn tới ghi lại một tấm hình kỷ niệm, vuốt tay lên chiếc giày chân trái của ngài John Harvard, vị mục sư đã đóng góp nhiều sách vở và tiền bạc cho nhà trường từ ngày đầu thành lập và nay đang mang tên ông.

Đặt tay lên chiếc giày sáng bóng màu đồng, suy nghĩ, không biết đã có bao nhiêu bàn tay đã đặt lên nơi đây. Nói thật khẽ, như nói với cả các con nữa: Cầu mong cho thế gian an bình, cho đứa trẻ nào cũng được học hành và các con của mình luôn ráng học thành người, mong ông hãy phù hộ.
Đứng ngắm nhìn mọi người đến đây, lượt khách này đến đoàn người khác, nhiều màu da sắc tộc, thấy họ đặt bàn tay lên trên ấy thật lâu và chắc cũng cầu mong một điều như thế.

Bạn trẻ nhà mình ơi, tại sao ta lại không mơ ước nhỉ, mơ ước được bước chân tới đây, làm một thành viên mỗi sáng cắp sách ngang ngực, một túi xách nhỏ khoác vai, lên giảng đường nghe giảng, ở một trường đại học nằm bên bờ con sông ấy.
Biết không, mùa này cây cối trong Viện đại học Harvard đang xanh mướt. Và, cỏ cũng xanh mướt ở khắp nơi.

H1: Bên tượng John Harvard.
H2: Đại học Boston Universyty.
H3: Trong khuôn viên Harvard.
H4: Khách đến thăm Harvard.

13 nhận xét:

  1. cứ mơ ước rồi biết đâu sẽ được ha! Nghe tả cảnh thôi mà sao đã thấy khu ấy thơ mộng và đẹp vậy cà.

    Trả lờiXóa
  2. Phải gieo mơ ước cho mấy bạn nhỏ thôi Bác ơi, mà mình cũng ước ké, mong rằng có lúc được đi đu lịch khảo sát

    Trả lờiXóa
  3. -LKBQ,
    Vô được Harvard thì khó nhưng các trường có tiếng ở khu vực đó là hoàn toàn có thể. Vấn đề là đám nhỏ ráng học, nếu kiếm được học bổng thì tuyệt vời, còn không cha mẹ cũng phải mơ và phấn đấu thôi.

    Trả lờiXóa
  4. -Moon,
    Phải gieo ước mơ cho các bạn ấy chứ, và càng lớn các bạn ấy càng biết nhìn xa đấy, thế hệ sau bao giờ cũng hơn thế hệ trước, tôi nghĩ vậy đó bạn.

    Trả lờiXóa
  5. Em xém chui vô được Harvard ròi đó anh. He he, nói giỡn cho vui thôi. Số của em tử vi nói là cứ abc đến già.
    Em treo link nhà anh ở bên em cho dễ theo dõi bài nhé.

    Trả lờiXóa
  6. -HPLT,
    Đồng ý, tui cũng đã "treo nhà bạn" lên rồi.

    Trả lờiXóa
  7. Đọc bài này mình cũng ước gì mấy bạn nhà mình có dịp 'vuốt tay lên chiếc giày chân trái của ông John Harvard', thầm ước ao vươn lên...

    Trả lờiXóa
  8. -Lana,
    Các bạn ấy ao ước vươn lên và ráng học đi, tôi nghĩ những việc ấy không dễ dàng nhưng cũng không có gì là xa xôi đâu, phải không bạn.

    Trả lờiXóa
  9. Bạn sang Mỹ ngắm ông Harvard
    Chạm mũi giày ông nghĩ tới tương lai
    Tôi ở Việt nam nhìn một người ngoại quốc
    Khắp từ lưng tới mặt - rối mù
    Ông Harvard của bạn ngồi đĩnh đạc
    Chẳng giơ tay có lẽ chỉ mỉm cười
    Ông ngoại quốc quê nhà tay giơ thẳng
    Mắt ngước nhìn chẳng rõ tới đâu
    Bởi trước ông hơn cả mấy cái đầu
    Là cột cờ ngàn đời nay đứng vững
    Lá cờ đỏ và sao vàng sừng sững
    Màu đá rêu phong minh chứng cả ngàn năm
    Đất nước này chối bỏ xâm lăng
    Bởi có các cụ Rùa đội bia thầm lặng
    Bởi có Hoàng thành ngàn năm sâu lắng
    Chẳng một lời vẫn đọng tiếng ngân...

    Bạn mơ uớc cho cuộc đời sự học
    Tôi ước mong một cuộc sống tự do
    Mong một lần nữ thần mang đuốc đó
    Tới Việt Nam soi sáng những lỗi lầm
    Hãy xoá đi những nét trầm ngâm
    Trên mặt người, trên muôn vàn mặt phố
    Trên tượng người rêu phong hoài cổ
    Trên mọi nẻo đường ở khắp miền quê
    Để sự học vươn tới bến đam mê
    Đâu chỉ để kiếm tiền là trên hết
    Ai cũng biết học tói khi chưa chết
    Nhưng học sẽ là gì khi thiếu tự do
    Khi cuộc đời chỉ những âu lo
    Khi tình yêu chỉ là thuê mướn
    Khi Kiến thức giảng đường chỉ là vay mượn
    Và khi âm thanh cũng bất lực như lời?

    Trả lờiXóa
  10. -Bác Nhân,
    Bác nói chuyện ở vườn hoa Canh nông phải không?
    Tuy nhiên chẳng nên nặng đầu chi cho mệt.

    Trả lờiXóa
  11. Thêm tí: Bác ạ, nhà em chỉ quan tâm tới chuyện học chữ cho con thôi.

    Trả lờiXóa
  12. Vui một chút thôi.Ai nấy giờ này mà lo cho con học chữ,mà lại là chữ Mỹ thì thật tốt rồi. Có điều , ngày xưa mình xin học tiếng Pháp, tiengs Anh người ta hỏi: Học tiếng đó để làm gì?Ta đang có tiếng của Lê Nin: U chit sa, U chit Sa, U chit sa rồi mà.
    Chuyện kể cho vui, mình thấy VN mình giờ cũng nhiều người được như bạn rồi, cũng mừng cho tương lai.Mấy cô gái Việt học ở đó thật kỳ công, mới thấy VN mình thời nào cũng có người giỏi.

    Trả lờiXóa
  13. -Chào bạn Hoan ghé thăm,
    Tôi nhớ câu đó rồi: Học, học nữa, học mãi... khỏi thi.
    Thêm chữ khỏi thi sau này cho vui thôi, tại bây giờ nhiều bác xài bằng giả không à.

    Trả lờiXóa