Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Niagara falls.


*Niagara falls.

*Ontario lake.

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Lâu đài Hammond.

Nằm ở phía Đông Bắc Boston, thủ phủ của tiểu bang Massachusetts cách chừng một giờ xe chạy là thành phố Gloucester nằm bên bờ biển. Một cái tên khác là Cape Ann, nơi vốn là một làng đánh cá từ đầu thế kỷ 17 khi những người Anh mới đặt chân tới đây. Ở đây có một lâu đài xinh đẹp nằm ven biển nhìn ra bờ vịnh thanh bình. Đó là lâu đài của John Hammond. Ông xây dựng lâu đài này vào năm 1926 như là một món quà cưới cho người vợ yêu của ông, bà Irene là một họa sỹ và cũng là người đam mê sưu tầm đồ cổ.

Hammer sinh 1888 ở San Francisco. Năm tuổi ông cùng gia đình đi Nam Phi theo công việc của người cha là một kĩ sư trong hoạt động khai thác kim cương . Gia đình chuyển về nước Anh năm năm sau Ở đây ông yêu thích cuộc sống của người cổ xưa và những lâu đài ở miền đất này. Đầu thế kỷ hai mươi, gia đình ông trở về Mỹ. Ông gặp được Thomas Edison, người phát minh ra bóng đèn điện. Edison giới thiệu ông với A. Graham Bell, cũng một nhà phát minh ra điện thoại và làm việc ở văn phòng ông ấy như một người thư ký.

Năm 1911 Hammond thành lập công ty riêng về ngành điện báo trên tàu biển. Ông đã thử nghiệm một con tàu không người lái đầu tiên, chạy một vòng 120 mile. Đó là điều thật sự quan tâm lớn của hải quân nước Mỹ và ngành hàng hải. Có thể nói Hammond là ông tổ của ngành vô tuyến điện tàu biển đầy ứng dụng cho ngành đường biển thế giới.

Hammer xây dựng toà lâu đài với niềm yêu thích xứ sở. Gia đình ông chuyển về lâu đài Gloucester năm 1929 và coi nó như là một bảo tàng. Họ sinh sống và làm việc ở đây tới cuối đời. Tại đây ông có rất nhiều phát minh sáng chế trong ngành điện báo hàng hải, television, amplifier, remote điều khiển và nhận được một số huy chương của các trường đại học.

Ngày nay toà lâu đài đó là một bảo tàng nhỏ mang tên Hammond Castle Museum. Đây cũng là một điểm tham quan thú vị cùng với thành phố biển xinh đẹp có nghề đánh cá lâu đời.

Vài hình ảnh trong và ngoài lâu đài.

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Một thoáng New York.

Đi chơi New York từ Milton thuộc tiểu bang Massachusetts. Đường đi qua ba tiểu bang vùng New England đến New York hết khoảng năm tiếng chạy xe. Con đường xuyên liên bang dọc bờ biển phía Đông là những rừng cây kéo dài tít tắp, lâu lâu có những con đường ngang sang những thành phố ven xa lộ và những trạm nghỉ dọc đường cách nhau chừng nửa giờ xe chạy, gồm tiệm bánh Mc Donald, cây xăng và nơi vệ sinh, tuyệt không thấy một ngôi nhà, một vật cản tầm nhìn của người lái xe.

New York City thuộc tiểu bang NY là thành phố lớn nhất và cũng đông dân nhất nước Mỹ, là trung tâm tài chính, thương mại quốc tế. Cảm nhận đầu tiên đến đây là tình trạng giao thông, cảnh sát và sinh hoạt sôi động của một thành phố có nhiều cái nhất thật.

Sợ nhất là kẹt xe và kiếm nơi đậu xe. Mới vào tới thành phố, bạn là người tới đây lần đầu mà đã có cảm giác sắp kẹt xe rồi. Y như rằng. Nhất là những đường hầm qua sông nối khu trung tâm với New Jersey và những con đường cận kề nó. Đi kiếm nơi ăn uống, lỡ gặp kẹt xe hãy ăn tạm mấy miếng bánh để sẵn trong xe cho đỡ đói bụng. Bạn có thể vòng qua lại tiệm ăn vài vòng, nhìn người ta ăn uống ngon lành còn mình cứ đi mà tìm một chỗ đậu xe. Rồi cũng ổn khi bạn chạy ra thật xa rồi lội bộ lại tiệm, nhớ đọc kỹ bảng chỉ dẫn giờ đậu ngày đậu trên đường kẻo phú lít phạt. Hoặc không thôi có một vài bãi đậu nhỏ chấp nhận 15$ một giờ đậu xe, uống thêm chai bia lố năm phút chịu khó nhân đôi.

Vậy ta nên xài taxi chăng. Ở NY, ta xi vàng rải khắp các đường phố khu trung tâm, giá cả không dễ chịu một chút nào nhưng có thể đi chơi thoải mái không mất công, mất giờ kiếm nơi đậu xe hay lội bộ.

Ở trên đường đi hay mỗi ngã tư, chào hỏi hay nhường đường là hiếm thấy hơn. Không phải là xô bồ, như là vội vã mà quên dần đi. Các bạn trẻ da màu với mốt cái quần jeen mặc trễ vừa đi nhún nhảy vừa kéo quần, mốt chi lạ. Có lúc ngồi chơi nơi công cộng bỗng nghe tiếng la lớn, một đội patin ván trượt ào đến ầm ào, hoang dã. Hết hồn.

Cảnh sát có ở khắp nơi khu trung tâm trong những ngày lễ, ngày nghỉ. Họ có mặt cho du khách một sự an lòng Họ làm nhiệm vụ nghiêm túc nhưng thân thiện, sẵn sàng mỉm cười, đùa vui và chụp hình kỷ niệm cùng du khách.


Khu trung tâm thương mại thế giới cũ bây giờ thưa khách, ít người ghé thăm hay tại sáng Chủ nhật mọi người ngủ trễ. Nơi đây đang được xây dựng lại với một một cao ốc và môt đài tưởng niệm 11 Tháng Chín để ghi nhớ bao nhiêu con người và một sự kiện đau lòng thế kỷ. Nó đã có một cái tên: Ground Zero.

Bên kia bờ sông Hudson là tiểu bang New Jersey. Ở đó có một công viên mênh mông, là nơi hội hè, biểu diễn và nơi vui chơi công cộng của mọi người. Bạn có thể tới ngồi ngắm biển, ngắm thành phố, ngồi ăn uống ca hát.

Hai ngày nghỉ cuối tuần rồi ở đây có hai buổi biểu diễn máy bay trên bầu trời, người ở đâu mà nhiều thế nhưng việc điều hành đi lại hết sức gọn gàng.

Thú vị nhất là đi chơi ở công viên này hoặc lên tàu đi trên sông Hudson ngắm nhìn New York City với những tòa nhà chọc trời đặt trên mặt nước đẹp như một bức tranh.



Vài hình ảnh CS bảo vệ khu trung tâm, chụp ngày 19,20/6.
(Trên trời, dưới nước, trên bờ, dưới bến cảng).

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Mayflower.


Tháng Chín năm 1620 có một con tàu chở theo hơn 100 người Anh từ châu Âu đi tìm miền đất hứa. Đó là con tàu mang tên Mayflower và họ là những gia đình theo đạo Tin lành (Thanh giáo) vừa bị cố quốc và giáo hội chối bỏ, vừa muốn tìm kiếm vùng đất sống tự do cùng với thuỷ thủ đoàn . Sau hơn hai tháng vượt Đại Tây Dương, con tàu cặp bến Cape Cod thuộc Massachusett nằm miền Đông Bắc nước Mỹ vào tháng Mười Hai. Những người Anh ấy không xuống Cape Cod mà tìm kiếm một vùng đất gần đó là thành phố Plymouth tiểu bang Massachusett bây giờ. Họ định cư tại đây và lập nghiệp.

Những người Anh ấy khi đến nơi này đã phải trải qua một mùa Đông khắc nghiệt, thiếu thốn, bệnh tật và chết chóc. Họ đã biết cách sống vui vẻ, thuận hoà cùng những bộ lạc da đỏ. Họ thành lập làng mạc ở Plymouth, cùng thổ dân canh tác. Họ trồng ngô, trồng bí, trồng rau, nuôi gia súc, để tồn tại và phát triển. Một năm sau, mùa màng bội thu vào mùa Đông 1621 và họ có lễ Tạ ơn đầu tiên trên vùng đất mới với nhiều gà ngỗng, ngô và bí đỏ...

Nhiều năm sau này, những đoàn người Pilgrims tiếp tục những cuộc hành trình vượt đại dương di dân sang vùng Đông Bắc này, hình thành nên vùng New England rộng lớn, tiền đề cho việc hình thành nước Mỹ và một nền dân chủ bằng cách tách khỏi sự phụ thuộc nước Anh.

Mở đầu cho sự bảo vệ độc lập của xứ Tân Thế giới là trận chiến ở Bunker hill tại Boston diễn ra vào ngày này cách nay đúng 235 năm, ngày 17 tháng Sáu 1775.

Đó là những người Pilgrim, họ không phải những người đầu tiên đến Mỹ nhưng họ là những người đã đặt bước chân đầu tiên đi tìm kiếm tự do và hình thành nền dân chủ của nước Mỹ sau này.


H1: Con tàu Mayflower II.
H2: Bé nhí trên tàu Mayflower II.
H3: Bé Nhí với người da đỏ.
H4: Hai bố con ở trong làng của người Pilglims.
H5 Tại lễ kỷ niệm trên đồi Bunker sáng nay 17/06/2010.

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

Chuyện nhà.


Nhà Hai Tiến có cậu con trai lớn được hai mươi ngoài. Thằng Hải tính tình hiếu động từ nhỏ, ngày còn đi học tới đâu cũng quậy phá, đầu cổ tay chân luôn trây trớt. Thày cô giáo ở trường rầy rà đã đành, lối xóm mắng vốn mỗi ngày. Cha mẹ đánh đòn cỡ nào cũng không sửa được. Năm cuối phổ thông cậu trai bỏ ngang, theo bạn bè đua xe hết quận Nhất ra ngoài xa lộ, rồi đánh lộn đánh lạo phá làng xóm, vợ chồng anh Hai rầu thúi ruột không biết làm sao, nói cậu Sáu có cách gì tính giùm coi.

Ở trong cái gia đình lớn này tiếng nói của Sáu Quang rất có uy với con cháu. Đám nhỏ có làm điều chi sai quấy nghe tới cậu Sáu là rắp rắp dạ thưa. Cái uy khiến chúng sợ vì cậu Sáu nói chuyện hợp lý, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, vừa tình cảm và rất uy tín.
Xem chừng ý thằng cháu không muốn đi học tiếp, Sáu Quang bàn với mấy anh chị kiếm việc cho nó làm thôi, chuyện học hành để mai mốt tính. Hai Tiến than trời, học không qua nổi cái tú tài thì ai nhận cho đi làm đây.

Thằng Hải có khiếu hội hoạ. Nhớ lúc nhỏ, một bữa cả nhà ngồi chơi, thấy nó tay viết tay giấy, biểu vẽ được hôn, thử coi. Vài ba nét phác nó vẽ ra ngay cái khung cảnh mấy cậu cháu đang nghiêng ngả ăn nhậu, ai cũng khoái chí khen nó giỏi thiệt, hay thiệt. Càng lớn năng khiếu càng rõ hơn, nó ham vẽ chứ không ưa đi học.
Đành lòng, Hai Tiến đi xin việc cho con. Qua mấy người bạn giới thiệu, nó thử việc rồi được nhận vào làm một chân đồ hoạ của một công ty quảng cáo.

Một vài năm qua đi, vợ chồng Hai Tiến tạm an lòng với thằng Hải tuy không đại học này nọ như người ta nhưng nay đã trưởng thành, được giám đốc công ty thương quý, mà quý thực sự vì nó được việc, nó có tài, lương cứng trả bằng Mỹ kim, năm rồi lên tới năm trăm một tháng. Là tạm an lòng vậy tôi chớ cái nết ngang ngược của nó vẫn còn đó, lâu lâu nghỉ việc theo bạn bè mấy ngày chơi, cũng có những chuyện phiền nhưng không lớn.

Mấy tháng rồi bỗng nó bỏ việc hẳn. Lâu cũng có nhậu nhẹt rồi phóng xe ồn ào ngoài phố nhưng nhiều thời gian nó nằm lỳ trong phòng. Thế rồi ít bữa nay không biết sao nó bỗng chốt chặt cửa cả ngày, cơm nước cũng quên luôn. Lâu lâu nghe tiếng nó la trong phòng "không được, không thể như vậy được". Vỗ về rồi hỏi có chuyện gì nó quyết không nói. Vợ chồng Hai Tiến nhìn nhau rối ruột lại kêu cậu Sáu. Được rồi để đó tui coi sao, Sáu Quang vào cuộc.

Anh em nhà Sáu Quang có một xưởng nhỏ sản xuất đất sạch, phân vi sinh cho cây kiểng. cung cấp cho các siêu thị. Đây là nguồn thu nhập cho sinh hoạt của đại gia đình. Công nhân trong xưởng cùng là người gia đình, một ít quen biết qua bà con. Trong xưởng có nhỏ Đào quê dưới Bến Tre làm việc ở đây cũng được mấy năm. Con nhỏ cũng cỡ hai mươi, thiệt thà, chân quê xinh xắn, thêm cái hiền lành nết na lại rất siêng nên các cô các chị trong xưởng ai cũng thương quý.
Hội "bà tám" ở xưởng mấy bữa nay lào xào nhỏ Đào xin nghỉ việc về quê. Ờ thì cha má kêu về nó phải về chớ. Ầy dà.., về dưới mần ruộng thì uổng con nhỏ quá. Chắc là cha má nó kêu về gả chồng đó mà, tuổi này dưới quê ít cũng một hai lửa. Bộ nó nghỉ luôn sao? Vậy mà không ai nghe nó nói năng chi hết cà.

Sáu Quang rề rà với thằng nhỏ mất mấy ngày. Mèng đéc ơi, có gì đâu, cậu quý tử nhà ta thương con Đào. Vậy chớ sao bây không nói với ba má bây, mắc mớ chi đàn ông con trai chun vô phòng rên khóc? bây hèn lắm con ơi, mà bữa nay nó nghỉ việc về quê mất tiêu rồi còn đâu. Trời ạ, nó về quê lấy chồng đó, cậu Sáu không biết đâu, thằng nhỏ rên.

Bàn sơ với vợ chồng Hai Tiến, sớm mai Sáu Quang tất tả xuống Bến Tre. Một bữa sau quầy lên mặt mũi buồn xo. Nó lấy chồng thiệt ông ơi, tháng tới cưới. Tui xuống dưới nhằm ngay ngày nói, họ nghĩ tui về dự đám nói nên cả nhà mừng quá trời. Đêm hồi hôm lòng buồn dzậy mà nhà trai lại nghĩ mình đại diện bên nhà gái trên thành phố xuống mới dzô duyên ác, người ta mừng mình uống muốn chớt luôn.
Thằng Hải nghe chuyện không nói miếng nào vô phòng chốt chặt cửa luôn từ đó.

Chuyện như đã rồi. Lại rối. Thằng Hải ở luôn trong phòng cả ngày, tối đến xuống ăn uống chút đỉnh cho có, không nói năng nửa lời. Vợ chồng Hai Tiến xót con bàn mãi cũng không ra cách.

Một bữa Sáu Quang nói để tôi xuống dưới chuyến nữa coi. Lúc quầy trở lên coi bộ dạng vui vẻ nhưng Sáu "bảnh tẻng" không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng cười tủm tỉm một mình.

Mấy anh em lại ngồi bàn với nhau. Tui hỏi chuyện con bé rồi, Sáu nói, đám đó cũng như bao đám ở quê. Thằng nhỏ hồi nào tới giờ ở quê luôn, dân đi biển đánh cá, hiền lành dễ thương. Tụi nó biết nhau từ nhỏ nhưng mới trò chuyện với nhau mấy bữa nay hà, cha mẹ hai bên nói chuyện rồi tự ráp với nhau, đặt đâu tụi nó phải nghe, lối xóm nếp quê mà. Hỏi chuyện con Đào, nó nói lâu lâu anh Hải có nói chuyện công việc này nọ chơi chớ không có nói chuyện đó đó với con khi nào. Hỏi có thương thằng Hải không nó ngồi im ru. Rồi, vậy là tui biết, tui có cách. Thưa chuyện, ba má nó nói không được đâu, đám nói rồi làm sao hồi, sức mấy người ta chịu, rồi lối xóm cười cho, chắc chớt luôn.
Bây giờ tôi tính dzầy...dzầy, mơi tui anh xuống dưới, kéo Năm Nghĩa theo luôn.

Xuống dưới Bến Tre đêm ấy tàn tiệc nhậu, cha má con Đào nghe chừng xuôi xuôi, còn khó là gia đình bên kia thôi. Sáng ra Sáu phân công Năm Nghĩa đi trước hết. Phải rồi, cái mặt anh Năm với mấy anh em nhà ông Nguyễn Lân bà con nông dân dưới quê không ai lạ. Tôi đi giữa còn anh Hai, cái mặt anh hơi ngầu đi sau chót, mà sao giờ này anh còn tiếc chi bộ râu nữa, mau vô nhà làm sạch hết đi, để vậy coi sao đặng.

Tưởng đâu khó, té ra bên nhà cậu trai lại giản đơn. Bà con xóm ấp thấy người thành phố xuống kéo qua chơi đông thiệt đông. Được thấy mặt ông Đăng Nghĩa, được nói chuyện hể hả lại được nắm tay với ông "phân bón cho nhà nông" trên truyền hình thì vui mừng hết biết. Ông bà sui hụt cũng vui vẻ, thiệt tình: ai biết đâu tụi nó đã thương nhau hồi nào trên trển. Thôi, anh sui tui "ừa" rồi thì tui cũng xin nhường dâu cho mấy anh, nhưng ông tiến sỹ phân bón đây là phải ở lại nhậu một bữa nghe, nhậu cho say nghe để tui thưa chuyện với bà con lối xóm chớ.

Ít lâu sau vợ chồng Hai Tiến làm đám cưới cho thằng Hải với con Đào. Gần năm nay đôi trẻ quấn quýt lo xây tổ ấm. Thằng Hải xin đi làm lại, cơ quan cũ còn thương cũng nhận lại. Tình yêu có sức mạnh thay đổi, một sự thay đổi không ngờ mà ai cũng thấy. Cậu trai chững chạc và nghiêm chỉnh từ công việc đến nói năng đi đứng. Nó bỏ hẳn đám bạn quậy phá, vừa lo làm vừa lo học cho hết chương trình phổ thông và quyết tâm năm tới sẽ thi vô đại học. Nó đã thực sự là một người đàn ông của gia đình.

Kể xong câu chuyện, Sáu Quang lượm ly rượu làm cái "oóc" thật kêu: vậy mà mấy lần xuống Bến Tre tui cứ nghĩ đi thưa chuyện khó này, xóm ấp người ta mà lấy phảng đuổi dợt mình chắc có nước nhảy sông, rồi cười lớn. Lâu rồi mới nghe Sáu Quang cười đã đời như vậy.

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Thật không công bằng.

Ngồi coi đá banh một mình, ở một nơi thật xa, một buổi sáng thanh bình, một mình một bia, không độ đám gì với ai, nghĩ sẽ là một trận cầu vô tư. Vậy mà coi hết giờ đá, ngồi một lúc lâu nghĩ tới trận khai mạc World cup giữa chủ nhà Nam Phi và Mexico tự nhiên thấy sự bất công ngay trước mắt hàng nhiều triệu người mà vẫn phải chịu. Đúng ra Mexico ăn 2-1.
Vẫn nghĩ Mexico hơn phân, và thực sự chơi hay hơn rất nhiều.
Nhưng tại sao trước một trái banh rõ như thế, một áo vàng bọc lót dưới cùng cầu môn ai ai cũng thấy mà khi trái banh đã nằm trong cầu môn Nam Phi, lá cờ liệt vị vẫn được căng lên và trọng tài chính vẫn "yét- sơ- a- ra- phát" được thì huấn luyện viên giỏi cỡ Morinho cũng phải chịu thua, chỉ còn nước đá gió chửi thề.

Bụp được tấm hình trái phạt góc này, một cu áo vàng đứng sát cột dọc (Ảnh). Không lẽ mình tẩu hỏa?
Thế mới ngẫm, đá banh cũng giống chuyện đời vậy, tất cả chuyện lớn nhỏ, người cầm trịch đã quyết, có cố mà giơ tay thì "chiện cũng đã gồi"! Chuyện cá độ đá banh cũng "dzậy", có ngày "chớt gồi" mà vẫn còn đau.

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Bạn tôi.

Mùa xuân năm 88, gặp bạn ở Cầu Đá Nha Trang. Ngày đó chúng tôi cùng đi biển và bây giờ bạn vẫn đang đi biển. Chơi với nhau từ thuở học trò tới giờ, đã mấy chục năm.

Lần ấy, con tàu Tây Đô của tôi và tàu Vàm Cỏ 24 của bạn cặp mạn nhau ở cảng Cầu Đá. Bạn mới chở đá ra Trường Sa về, chuẩn bị chuyến biển nữa ra đảo, còn tôi chuẩn bị nhận hàng đi Singapore. Hai đứa kéo nhau ra quán ngồi nhâm nhi và nói chuyện đời.

Chiếc Vàm Cỏ 24 của công ty Vitranchat được Bộ Tư lệnh Hải quân trưng dụng phục vụ chiến đấu Trường Sa thời gian 5 tháng. Trước khi ra đảo, tàu vào Ba Son sửa chữa hoàn thiện và đăng kiểm. Những ngày này, tin tức của trận hải chiến Trường Sa với những tên tuổi, quê quán của 64 chiến sỹ hy sinh, mất tích trên ba con tàu của hải quân Việt Nam chiến đấu với hải quân Trung Quốc, được phát đi phát lại suốt trên hệ thống phát thanh của hai chiếc tàu săn ngầm Hải quân đang cặp sát chiếc 24 ở công xưởng Ba Son, chắc là đang trong thời gian tìm kiếm thi hài của những chiến sỹ Hải quân mất tích. Hai thủy thủ tàu Vàm Cỏ 24 nghe những tin tức trận hải chiến mới xảy ra ngoài đảo vội vã lên bờ vì sợ hãi. Sau này khi kết thúc chiến dịch chở cát đá xi măng ra đảo, hai thủy thủ ấy cũng bị công ty sa thải. Bạn tôi kể đến đây cười, mình thì con nhà nòi rồi.

Chiếc Vàm Cỏ 24 của bạn chuyến ấy chở 2000 tấn đá xanh ra đảo chìm Đá Nam để xây dựng ngôi nhà bát giác cho những người giữ đảo. Bạn còn chuyên chở luôn các thiết bị và những người làm việc cho trạm dự báo khí tượng đầu tiên trên đảo này. Tàu cũng qua Song Tử Tây là hòn đảo nổi lớn hơn.

Ra Đá Nam, thấy nhiều tàu chiến Trung Quốc lởn vởn phía ngoài xa xa. Hải quân ta trên đảo cũng trong tư thế sẵn sàng nhả đạn nếu tàu bên ấy tiến vào gần hơn. Những ngày bạn tôi ra đảo không gặp súng nổ. Khả năng phía lính Trung Quốc quan sát thấy Vàm cỏ là loại tàu buôn nên không lại gần.

Kéo anh em lính trẻ lên tàu, Vàm Cỏ 24 có thứ gì được là lôi ra nhậu ráo. Kể cả nước ngọt, gạo, chén bát đến dép giày sách báo sang tên hết cho lính. Anh em ở đảo cực và thiếu thốn đủ thứ, họ nói rằng lên con tàu họ tưởng như là đi lạc tới một thành phố nào đó.

Những ngày ở đảo bạn sống như người lính thực thụ, sống với lính những ngày rất lính. Bạn có nụ cười thật tự hào bên ụ pháo của cỗ xe tăng được ngụy trang kín đáo dưới hầm để bảo vệ đảo. Bạn kịp ghi lại kỷ niệm bên cột mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây cùng các sỹ quan, chiến sỹ Hải quân canh giữ đảo.

Hai đứa chơi với nhau được ít ngày khi tàu đang làm hàng. Nói với bạn tao thèm được đi Trường Sa như mày quá, không dóc miếng nào, bác Đồng Sỹ Nguyên đang ở cảng Nha Trang trực tiếp điều động tàu đấy. Bạn cười chân thật xen chút tự hào: Có gì đâu, vậy mà nhiều người, cả sỹ quan, thuyền trưởng, một vài ông sỹ quan Hải quân nữa, nói tới ra đảo mấy người dám đi. Sau này bạn được tặng một kỷ niệm chương Trường Sa. Lâu lâu kể chuyện thời đi biển, chúng tôi trân trọng bạn về những ngày bạn đã ra đảo mùa xuân năm 88.

Trở lại những ngày ở cảng Cầu Đá năm ấy. Ngày hôm sau bác Nguyên lệnh cho tàu Tây Đô của tôi gỡ bỏ hàng xuất khẩu, chở gạo gấp ra Bắc cứu đói.

Tàu đầy hàng, hai đứa chào nhau đi hai hướng, tôi trực chỉ phương Bắc chở gạo ra Hải Phòng còn bạn tôi nhắm biển Đông chở chuyến hàng đầy đá và xi măng tiếp tục chuyến biển ra Trường Sa xây đảo.

Chia tay, bạn tặng cho một nhành lớn san hô trúc thật đẹp mới lấy về từ Song Tử Tây.

Hình 1: Bạn trên tháp pháo có ngôi sao màu lửa ở Song Tử Tây.
Hình 2: Tàu Vàm Cỏ 24, phía sau xa xa là đảo chìm Đá Nam, bạn đội nón tai bèo.
Hình 3: Cột mốc chủ quyền ở đảo Song Tử Tây. Bạn đứng bìa phải.

Nhân ngày bạn về sau hành trình vòng quanh trái đất và đi qua kinh độ 0, vĩ độ 0.

Chuyện của bạn(tiếp) ->

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Nhớ mẹ.

Năm ấy.
Một hôm hỏi mẹ, con tính đi thăm ngoại bé Nhí, mẹ thấy sao. Mẹ nói các con nên đi đi. Bà ngoại nghe đâu mới mổ tim, lại hơn Mẹ mấy tuổi. Ở nhà còn có tụi nó ở quanh đây cả, chạy qua chạy lại được mà, Mẹ thấy đang khỏe lắm. An tâm, vợ chồng cùng nhau đi thăm ông bà ngoại và tiện coi nơi ăn học của con gái lớn. Đi xa vẫn nhớ nụ cười của Mẹ với câu nói đùa: Mẹ với cái Ny ở nhà coi chừng nhà cho. Đi xa ít bữa, ở nhà Mẹ bệnh nhưng Mẹ cũng ráng đợi các con về đủ rồi mới ra đi mãi. Mẹ chẳng muốn con cháu hầu bệnh một ngày, nên vào viện rồi Mẹ đi luôn ở đó, như ngọn đèn sáng tới lúc hết dầu rồi tắt.

Tới thắp nhang cho Mẹ ở nhà tang lễ có cặp vợ chồng lạ, gia đình nói là khách của anh đấy. Nhìn thấy quen quen mà nhớ chưa ra. Anh ấy nắm tay: Xin chia buồn cùng anh, tôi ở hẻm 28... tôi có chút chuyện muốn nói với anh. "A" lên chợt nhớ và cười với anh: Bữa nay coi anh ăn mặc lạ quá nên không nhận ra. Sau nghĩ lại thấy mình vô tình, sơ sót, nếu có nghĩ chắc lẽ anh sẽ mỉm cười, đùa: bộ mọi ngày coi tui lùi xùi lắm sao.
Đó là người chạy xe hon da ôm đứng ở đầu hẻm, mỗi khi đi về ngang thường mỉm cười và gật đầu chào. Anh và tôi tuổi cũng xem xem.

"Anh ấy cấm tôi đi xe ôm vì đường xá, xe cộ bây giờ lộn xộn lắm, mẹ thì đã yếu rồi, có đi đâu phải đi taxi chớ không có ngồi hon da, thế nhưng làm sao tôi dám đi taxi, xót ruột lắm. Anh mà để anh ấy biết tôi đi xe ôm của anh là không được với tôi đấy". Bà dặn tui vậy đó, người xe ôm nói. Vậy mà... mới đây mà bà đã là người thiên cổ... Anh ấy tiếp. Bữa nay mới dám nói anh hay, đừng nghĩ gì, đừng giận gì tui nghe. Tính tui vốn cẩn thận, đâu đó lắm. Nhà chị em anh, nhà ông bác sỹ thường khám bệnh cho bà và nhà mấy người bạn già của bà tôi biết hết trơn.
Tôi nắm tay anh: Không có gì đâu, tôi biết hết mà. Có bữa đi làm về sớm, thấy anh đỡ bà cụ xuống xe rồi đưa vào tận trong nhà, tôi vội quay ra... Mình làm được gì cho bà vui vẻ, thảnh thơi là mừng rồi. Tiện đây tôi cũng cám ơn anh nhiều lắm.

Lúc ra về người lái xe ôm nắm chặt tay: Tôi mất Mẹ sớm lắm. Bữa nào có giờ đi nhậu với tôi một bữa nghen, coi bộ tôi khoái anh rồi đó.

Năm nay cả nhà đi thăm ngoại. Không còn Mẹ ở nhà coi chừng nhà cho.

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Chuyện cái alu.

Hồi hôm có một người lạ hoắc điện thoại tới muốn gặp một ai đó nghe tên cũng lạ hoắc, rất nhẹ nhàng: Bạn ơi bạn gọi lộn số rồi. Vậy mà nghe lại trong máy: Lộn là lộn thế nào!..

Cái điện thoại bùng nổ ở ta đã mấy năm nay. Ở khắp mọi nơi, điện thoại cố định, không dây, di động đã là phương tiện quá phổ thông, quá quen thuộc với mọi người rồi. Ở nhà, ở cơ quan hay ở ngoài đường, cả ở ngoài ruộng lúa ruộng mía cũng có điện thoại. Xung quanh cái điện thoại lâu nay có nhiều chuyện vui có, cười có.

Ông nông dân đi làm ruộng bây giờ chạy xe máy, mang theo cái alu không dây khuyến mãi của nhà bác điện lực, lúc nghỉ tay alu nói chuyện cả tiếng với con gái tuốt trên thành phố rồi ngồi bờ ruộng cười một mình. Một ông khác dân nhậu ghiền thuộc diện "ai kiu tui đó" đi đâu công chuyện gì xã trên xã dưới, cái alu không dây luôn mang theo khỏi sợ lỡ bữa nhậu nào. Vài tháng nửa năm có người tới đưa phiếu tính tiền alu, nghe thấy tiền triệu lùng bùng lỗ tai, méo miệng: thấy người mặc đồ nhà nước quăng vô nhà, mỗi nhà mỗi cái alu, tưởng đâu nhà nước cho không xài chơi, giờ biết lấy tiền đâu trả.

Một buổi sáng ở một ngã tư, đèn xanh bật lên hồi lâu rồi mà dòng người nhúc nhích mãi mới lên được, ra là có tới hai cặp thanh niên dừng xe ngay ngã tư nói chuyện điện thoại, mặt mũi tỉnh queo. Mọi người đi qua ai cũng phải ngoái nhìn từ đầu xuống chân, rồi ai đó trong đám đông tặng thêm mấy câu chửi thề cho mang theo đến điểm tâm bữa sáng.

Ở nhà hồi đó có con bé ở quê giúp việc, một lần khi nhận giấy báo cước, bà thị xã nhăn nhó: Bố có cô nào ở tỉnh mà mấy tháng rồi cước gọi liên tỉnh quá trời vậy?.. Ầy, việc thì ở cơ quan chứ bố không có mang việc về nhà khi nào, bố cũng không xài máy bàn, mà coi giờ gọi, mã tỉnh biết liền chứ gì. Một hồi sau nghe tiếng bả la cô bé giúp việc rồi nhăn nhăn: alo aléo thế này thì chết! Hổng biết nó "tám" với ai mà có cuộc tới cả tiếng? Tiền triệu điện thoại còn đâu mà trả lương cho nó đây?
Nhăn thì nhăn, tiền cước vẫn phải trả.
Chuyện nực nội nữa là cứ nghe chuông reo là nó nhao tới, bất kể đang ở trong bếp hay ngoài sân, nhanh lắm, vồ lấy máy à lố à lô... ba bốn lượt. Ừ à vài câu, buông máy rồi: điện cô Mười!

Bạn kể chuyện ở cơ quan có cô bé làm việc được, trông xinh gái phết, phải cái tật alô làm mất bao nhiêu điểm. Thế mà sếp lại đặt nó ngồi trực tổng đài. Mỗi lần điện thoại cơ quan reo lại nghe cái điệp khúc: Alố, gì đấy ai đấy...ừ.
Một hôm bạn nói chuyện với nó: Này cháu, mỗi lần gọi điện sang cơ quan người ta, nghe mấy cô trực tổng đài bên đó nói một câu dạ một tiếng thưa một tiếng, xin lỗi, xin chờ, xưng danh đâu đó. Chẳng biết lớn nhỏ, xấu đẹp ra sao nhưng trời nóng nực vầy mà nghe hơi gió thấy mát rượi lỗ tai. Bữa nào cháu thử coi. Chỉ thấy con bé cười cười: Cháu quen mất rồi.

Một trưa chủ nhật alu kêu thằng bạn thân đi nhậu. Đầu dây là một giọng nữ, cũng giống nhà bên đây, thường là cô bé giúp việc ở nhà nó luôn nhấc máy. Mừng vì bạn có nhà liền buông giọng cợt nhả: Em gái leng leng, kêu anh Thắng giùm anh coi! Bỗng nghe đầu dây bên kia: Đứa nào đấy? Tao má thằng Thắng đây. Nghĩ bụng thôi bỏ mịa tôi rồi, vội vàng: Con xin lỗi cô Tư, con tưởng cái Hoa đầu dây. Tổ cha bây! giờ này rủ nhau đi nhậu hả, sớm vậy? giữ máy chờ nó chút đi con. Hú vía, may mà bà già không giận, cạch đến già cái kiểu ăn nói lớp xớp ấy.

Lại chuyện cười nữa. Một bữa ngồi café với mấy người bạn, có thằng cháu gọi điện hỏi chút việc. Đang dở tay quậy café bấm ngay vào phím nghe loa. Qua lại mấy câu xong nghe nó cám ơn đàng hoàng, bỗng lại nghe cái loa eo éo "ông ấy nói nhiều quá". Thế có chết tôi không. Mấy thằng bạn khoái chí cười sằng sặc.
Vừa mắc cỡ với mấy người bạn, vừa cáu thằng nhỏ, vẫn để loa gọi lại nó: Mày mới nói cái gì đấy? Im lặng một hồi mới nghe nó trả lời: Ơ thế hồi nãy chú nghe được à? Cháu nói bạn cháu mà. Lại im lặng một hồi rồi nó tiếp: Thôi cháu xin lỗi chú, tại cháu học chú đấy. Hôm trước sau lúc alô nghe chú nói xấu sếp lớn thằng cha này cái tật nói dai... cháu quên mất chú dặn muốn nói bậy gì gập máy rồi hãy nói, hì hì... Cho cháu rất rất xin lỗi nhé.

Ngẫm ra thằng nhỏ cũng hay, nó còn dạy cho mình bài học nho nhỏ về văn hóa alu. Thế mới đau răng. Nghĩ bụng thằng cu này mai mốt lớn chắc nó còn "đêu" hơn mình nhiều.

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Ai ơi có nhớ canh chua.

Một nồi canh riêu cá chép, nấu với trái dọc nướng và thìa là, thêm một rổ rau diếp xắt nhỏ cùng với cà chua, nếu không có rau diếp thì thay bằng xà lách lá dài không xoăn cũng được, và ăn với bún. Đó là một món ăn hết sức hấp dẫn của Hà Nội xưa với những ai đã ở Hà Nội và xa Hà Nội, là nhớ. Có những lần ngồi trò chuyện dóc với bạn bè, chợt thèm quay quắt bữa riêu cá nấu dọc ăn với rau diếp xắt và cà chua bột. Hỏi thăm, người Hà Nội cười vui, rau diếp bây giờ kiếm đâu ra.

Ở miền Nam, món canh chua khó mà thiếu trong bữa cơm hàng ngày hay thực đơn đãi khách tới chơi nhà. Vị chua có thể nấu từ nhiều thứ trái cây như cà chua chanh, khế, me chua. Người ta còn có món canh chua nấu lá Giang, nấu với trái Thanh trà hay miền Tây sông nước còn có món canh chua trái Bần ăn kèm bắp chuối xắt nhỏ và bông So đũa rất đặc biệt...
(Cây Quế màu.)
Một lần về miệt Cần Đước Long An, người quê chỉ cho cây Quế màu nấu canh chua, thứ cây mọc nhóc ở bờ bụi, ở trong vườn nhà. Quế màu là tên gọi ở địa phương. Có nơi người ta kêu nó là cây Bụp giấm hay trong sách vở người ta kêu tên Hibicus gì đó, là một vị thuốc nam rất quý. Canh chua lá Quế màu là món ăn của người quê Long An. Lựa lá non xanh, rửa sạch, xắt ra nấu với cá lóc rất thú vị. Lúc sau này nhịp sống vội vã, bận rộn, lo ruộng với lúa quanh năm có giờ đâu. Nấu canh chua, vói hũ me chua trữ sẵn trên kệ bếp, quậy lên cho nhanh. Lá Quế màu bị lãng quên lâu nay, cây Quế màu đứng buồn nơi góc vườn.

Một lần, người bạn đi Hà Nội về mang đến cho mấy trái Dọc. Ở nhà, con gái Nam bộ không à, đâu biết là trái gì. Bày cho mấy người nữ nướng trái Dọc, lột vỏ, đâm ra rồi nấu nồi canh chua cá chép ăn kèm rau sống, ai cũng khen ngon, vị chua lạ, thanh và dịu.

Cô Hường giúp việc nhà, nói Trà Vinh quê em cũng có trái cây giống thứ này, trái có mủ vàng dính tay, dính áo quần là giặt hổng muốn ra. Người Khme cũng nướng lên vậy, nhưng lột vỏ rồi đâm ra làm nước chấm chớ không mấy ai nấu canh chua. Đám trẻ tụi em thì thường chờ cho trái chín vàng, lấy xuống ăn chơi, chua chua ngọt ngọt, vui lắm. Ngạc nhiên, thiệt không đó? Nói cô vậy nó giống trái Dọc ngoài Bắc rồi, bữa nào ở quê có ai lên nhớ gởi theo nhà mình ăn thử nghen.
(Trái Bò húc.)
Lần ấy về thăm quê, lúc lên thành phố cô mang theo ít trái. Thế là sưu tầm thêm một thứ trái cây nấu canh chua ít người biết, đó là trái "Bò húc" ở vùng quê Trà Vinh.

Bữa ấy khách ở Hà Nội vào chơi, cô Mười ở nhà đãi khách quý, nấu nồi canh chua cá Diêu hồng, thìa là và trái Bò húc, ăn với bún. Mọi người ai cũng thích thú và tấm tắc khen ngon. Ngon thiệt không? nói thiệt chớ hổng nịnh chủ nhà nghe, sau bữa ăn cô Mười đùa vui. Người Hà Nội thiệt tình: mới được ăn lần đầu, nhưng đúng là nó chua thanh, dịu hơn trái Dọc, ngon thiệt ngon đó. Vậy là ở miền Nam có thứ trái cây nấu canh chua tuyệt vời ít người được biết.

Bò húc là cái tên riêng của người Khme ở Trà Vinh gọi tên trái nên hỏi ông Google ông lắc đầu hổng biết gì hết. Nhìn bên ngoài hơi khác với trái Dọc ở miền Bắc. Trái Bò húc vỏ ngoài xanh, trơn láng coi đẹp mắt. Cách nấu làm giống như trái Dọc, đem trái nướng lên cho mềm rồi lột vỏ nấu chung với cá, ba bốn trái một nồi bảy tám người ăn. Vị chua thanh, dịu, lạ nhưng ngon lắm.

Cây Bò húc ở Trà Vinh là thứ cây thân gỗ, vỏ cây màu xanh. Cây mọc tự nhiên trong vườn nhà hoặc bờ rào do chim ăn trái rồi bay đi thả hạt, tự mọc lên chứ không mấy ai trồng. Cây lớn vài năm là cho trái , trái xài được chừng tháng Tư tháng Năm, sau đó là trái chín.

Là người quê nói vậy đó. Dặn người tới mùa nhớ gởi nhiều lên nghen, để chia mọi người ăn cho biết. Người quê nói có nhớ canh chua, anh ráng kiếm giờ về dưới chơi đi, cho biết quê biết cây. Quê Nam bộ còn nhiều cây trái nấu món canh chua ngon lắm anh có biết không.