Nhà Hai Tiến có cậu con trai lớn được hai mươi ngoài. Thằng Hải tính tình hiếu động từ nhỏ, ngày còn đi học tới đâu cũng quậy phá, đầu cổ tay chân luôn trây trớt. Thày cô giáo ở trường rầy rà đã đành, lối xóm mắng vốn mỗi ngày. Cha mẹ đánh đòn cỡ nào cũng không sửa được. Năm cuối phổ thông cậu trai bỏ ngang, theo bạn bè đua xe hết quận Nhất ra ngoài xa lộ, rồi đánh lộn đánh lạo phá làng xóm, vợ chồng anh Hai rầu thúi ruột không biết làm sao, nói cậu Sáu có cách gì tính giùm coi.
Ở trong cái gia đình lớn này tiếng nói của Sáu Quang rất có uy với con cháu. Đám nhỏ có làm điều chi sai quấy nghe tới cậu Sáu là rắp rắp dạ thưa. Cái uy khiến chúng sợ vì cậu Sáu nói chuyện hợp lý, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, vừa tình cảm và rất uy tín.
Xem chừng ý thằng cháu không muốn đi học tiếp, Sáu Quang bàn với mấy anh chị kiếm việc cho nó làm thôi, chuyện học hành để mai mốt tính. Hai Tiến than trời, học không qua nổi cái tú tài thì ai nhận cho đi làm đây.
Thằng Hải có khiếu hội hoạ. Nhớ lúc nhỏ, một bữa cả nhà ngồi chơi, thấy nó tay viết tay giấy, biểu vẽ được hôn, thử coi. Vài ba nét phác nó vẽ ra ngay cái khung cảnh mấy cậu cháu đang nghiêng ngả ăn nhậu, ai cũng khoái chí khen nó giỏi thiệt, hay thiệt. Càng lớn năng khiếu càng rõ hơn, nó ham vẽ chứ không ưa đi học.Đành lòng, Hai Tiến đi xin việc cho con. Qua mấy người bạn giới thiệu, nó thử việc rồi được nhận vào làm một chân đồ hoạ của một công ty quảng cáo.
Một vài năm qua đi, vợ chồng Hai Tiến tạm an lòng với thằng Hải tuy không đại học này nọ như người ta nhưng nay đã trưởng thành, được giám đốc công ty thương quý, mà quý thực sự vì nó được việc, nó có tài, lương cứng trả bằng Mỹ kim, năm rồi lên tới năm trăm một tháng. Là tạm an lòng vậy tôi chớ cái nết ngang ngược của nó vẫn còn đó, lâu lâu nghỉ việc theo bạn bè mấy ngày chơi, cũng có những chuyện phiền nhưng không lớn.
Mấy tháng rồi bỗng nó bỏ việc hẳn. Lâu cũng có nhậu nhẹt rồi phóng xe ồn ào ngoài phố nhưng nhiều thời gian nó nằm lỳ trong phòng. Thế rồi ít bữa nay không biết sao nó bỗng chốt chặt cửa cả ngày, cơm nước cũng quên luôn. Lâu lâu nghe tiếng nó la trong phòng "không được, không thể như vậy được". Vỗ về rồi hỏi có chuyện gì nó quyết không nói. Vợ chồng Hai Tiến nhìn nhau rối ruột lại kêu cậu Sáu. Được rồi để đó tui coi sao, Sáu Quang vào cuộc.Anh em nhà Sáu Quang có một xưởng nhỏ sản xuất đất sạch, phân vi sinh cho cây kiểng. cung cấp cho các siêu thị. Đây là nguồn thu nhập cho sinh hoạt của đại gia đình. Công nhân trong xưởng cùng là người gia đình, một ít quen biết qua bà con. Trong xưởng có nhỏ Đào quê dưới Bến Tre làm việc ở đây cũng được mấy năm. Con nhỏ cũng cỡ hai mươi, thiệt thà, chân quê xinh xắn, thêm cái hiền lành nết na lại rất siêng nên các cô các chị trong xưởng ai cũng thương quý.
Hội "bà tám" ở xưởng mấy bữa nay lào xào nhỏ Đào xin nghỉ việc về quê. Ờ thì cha má kêu về nó phải về chớ. Ầy dà.., về dưới mần ruộng thì uổng con nhỏ quá. Chắc là cha má nó kêu về gả chồng đó mà, tuổi này dưới quê ít cũng một hai lửa. Bộ nó nghỉ luôn sao? Vậy mà không ai nghe nó nói năng chi hết cà.
Sáu Quang rề rà với thằng nhỏ mất mấy ngày. Mèng đéc ơi, có gì đâu, cậu quý tử nhà ta thương con Đào. Vậy chớ sao bây không nói với ba má bây, mắc mớ chi đàn ông con trai chun vô phòng rên khóc? bây hèn lắm con ơi, mà bữa nay nó nghỉ việc về quê mất tiêu rồi còn đâu. Trời ạ, nó về quê lấy chồng đó, cậu Sáu không biết đâu, thằng nhỏ rên.
Bàn sơ với vợ chồng Hai Tiến, sớm mai Sáu Quang tất tả xuống Bến Tre. Một bữa sau quầy lên mặt mũi buồn xo. Nó lấy chồng thiệt ông ơi, tháng tới cưới. Tui xuống dưới nhằm ngay ngày nói, họ nghĩ tui về dự đám nói nên cả nhà mừng quá trời. Đêm hồi hôm lòng buồn dzậy mà nhà trai lại nghĩ mình đại diện bên nhà gái trên thành phố xuống mới dzô duyên ác, người ta mừng mình uống muốn chớt luôn.
Chuyện như đã rồi. Lại rối. Thằng Hải ở luôn trong phòng cả ngày, tối đến xuống ăn uống chút đỉnh cho có, không nói năng nửa lời. Vợ chồng Hai Tiến xót con bàn mãi cũng không ra cách.
Một bữa Sáu Quang nói để tôi xuống dưới chuyến nữa coi. Lúc quầy trở lên coi bộ dạng vui vẻ nhưng Sáu "bảnh tẻng" không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng cười tủm tỉm một mình.
Mấy anh em lại ngồi bàn với nhau. Tui hỏi chuyện con bé rồi, Sáu nói, đám đó cũng như bao đám ở quê. Thằng nhỏ hồi nào tới giờ ở quê luôn, dân đi biển đánh cá, hiền lành dễ thương. Tụi nó biết nhau từ nhỏ nhưng mới trò chuyện với nhau mấy bữa nay hà, cha mẹ hai bên nói chuyện rồi tự ráp với nhau, đặt đâu tụi nó phải nghe, lối xóm nếp quê mà. Hỏi chuyện con Đào, nó nói lâu lâu anh Hải có nói chuyện công việc này nọ chơi chớ không có nói chuyện đó đó với con khi nào. Hỏi có thương thằng Hải không nó ngồi im ru. Rồi, vậy là tui biết, tui có cách. Thưa chuyện, ba má nó nói không được đâu, đám nói rồi làm sao hồi, sức mấy người ta chịu, rồi lối xóm cười cho, chắc chớt luôn.
Bây giờ tôi tính dzầy...dzầy, mơi tui anh xuống dưới, kéo Năm Nghĩa theo luôn.
Xuống dưới Bến Tre đêm ấy tàn tiệc nhậu, cha má con Đào nghe chừng xuôi xuôi, còn khó là gia đình bên kia thôi. Sáng ra Sáu phân công Năm Nghĩa đi trước hết. Phải rồi, cái mặt anh Năm với mấy anh em nhà ông Nguyễn Lân bà con nông dân dưới quê không ai lạ. Tôi đi giữa còn anh Hai, cái mặt anh hơi ngầu đi sau chót, mà sao giờ này anh còn tiếc chi bộ râu nữa, mau vô nhà làm sạch hết đi, để vậy coi sao đặng.Tưởng đâu khó, té ra bên nhà cậu trai lại giản đơn. Bà con xóm ấp thấy người thành phố xuống kéo qua chơi đông thiệt đông. Được thấy mặt ông Đăng Nghĩa, được nói chuyện hể hả lại được nắm tay với ông "phân bón cho nhà nông" trên truyền hình thì vui mừng hết biết. Ông bà sui hụt cũng vui vẻ, thiệt tình: ai biết đâu tụi nó đã thương nhau hồi nào trên trển. Thôi, anh sui tui "ừa" rồi thì tui cũng xin nhường dâu cho mấy anh, nhưng ông tiến sỹ phân bón đây là phải ở lại nhậu một bữa nghe, nhậu cho say nghe để tui thưa chuyện với bà con lối xóm chớ.
Ít lâu sau vợ chồng Hai Tiến làm đám cưới cho thằng Hải với con Đào. Gần năm nay đôi trẻ quấn quýt lo xây tổ ấm. Thằng Hải xin đi làm lại, cơ quan cũ còn thương cũng nhận lại. Tình yêu có sức mạnh thay đổi, một sự thay đổi không ngờ mà ai cũng thấy. Cậu trai chững chạc và nghiêm chỉnh từ công việc đến nói năng đi đứng. Nó bỏ hẳn đám bạn quậy phá, vừa lo làm vừa lo học cho hết chương trình phổ thông và quyết tâm năm tới sẽ thi vô đại học. Nó đã thực sự là một người đàn ông của gia đình.
Kể xong câu chuyện, Sáu Quang lượm ly rượu làm cái "oóc" thật kêu: vậy mà mấy lần xuống Bến Tre tui cứ nghĩ đi thưa chuyện khó này, xóm ấp người ta mà lấy phảng đuổi dợt mình chắc có nước nhảy sông, rồi cười lớn. Lâu rồi mới nghe Sáu Quang cười đã đời như vậy.
Ồ, thanh niên quậy vậy mà đến mục lấy vợ, thì bố mẹ lại phải vào cuộc nhỉ.
Trả lờiXóaTrời ơi nhà Sáu Quang vậy là trúng lớn rồi. Tạ Trời tạ đất đi thôi. Câu chuyện có hậu quá, đọc cứ run run đến tận cuối à, lo lỡ có gì không suôn sẻ :(
Trả lờiXóaChúc mừng.
Wow, thật là cái kết có hậu. Nhưng lẽ ra phải kéo dài vài ba kỳ nữa, cho dân tình thắc thỏm chớ...
Trả lờiXóa-L2C,
Trả lờiXóaQuậy càng nhiều càng nhát...Vụ này bố mẹ và gia đình không nhảy vào chắc chắn là "huốt" rồi bạn ạ.
-Bạn Lana,
Trả lờiXóaƠn trời, mọi việc xuôi xẻ. Cũng hên là thằng cháu có phản ứng cha mẹ mới hay, còn kịp. Tụi nó yêu nhau thiệt, nhưng không dám nói ra, chúng còn trẻ. Như vậy là quá tốt rồi phải không bạn.
-VMV,
Trả lờiXóaViệc nhà đúng là có hậu. Tôi bạn nhậu với hết cả mấy anh em nhà các anh ấy nên hiểu chuyện.
Blog viết bấy nhiêu thôi được rồi bạn ơi, dài thêm là biếng đọc.
Chuyện hay và kết thúc rất hậu, rất người.
Trả lờiXóaEm thích quá
Câu chuyện thật ở nhà người bạn, Phú à.
Trả lờiXóaTụi tôi cũng nghĩ chuyện của thằng cháu là có phước, có hậu cho gia đình.
Anh den tham que toi
Trả lờiXóaMa nghe tieng sao lung troi
Ngay duoc mua bao co gai ngoi det lua duoi anh trang khuya.
Moi anh den tham que toi
Dong xanh bat ngat chan troi
Ba me gia dang ru chau
Mot doi nguoi nay moi thay tuong lai...
Thu that, cau chuyen cua Do ke rat bat ngo, lam minh lien tuong den mot bai hat da tu xa xua lam.Mot thanh nien thoi nay lai co duoc mot tinh cam trong trang nhu vay thi that tuyet.Nhat la cac bac phu huynh lai sang suot nhin ra va giai quyet lai tuyet hon.Cau chuyen tinh that chan que giua chon thi thanh.Tran trong va cam dong, hon nua lai thay cuoc song con nhieu dieu tot dep lam.
-Chào bác Nhân,
Trả lờiXóaBài hát ngày xưa, từ thuở nhỏ đã in vào đầu, anh nhỉ. Hình như vào những thập niên 50,60."...qua 9 năm xông pha, đời vui tiếng hát câu hò, trở về làng tôi vẫn nhớ, đời bộ đội quen với gian lao..."