Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Quê ngoại.

Chuyến phà Mỹ Luông từ từ cặp bến bên phía cù lao, từ bến đi thêm một thoáng nữa là tới nhà. Mới tới hàng cây trước cổng đã nghe tiếng ông Năm Hứa cười ha hả:
-Cha con anh Mười dzề rồi nè, bây ơi.
Ông Năm giang hai tay ôm lấy cả cha con Nhí mà lắc. Ông mừng vui hết sức.
-Giờ này đã xuống tới nơi, sớm mai bắt con nhỏ thức sớm đây, tội nghiệp hôn. Pha nước ấm cho cha con ảnh rửa mặt, mau bây ơi. Ông xuýt xoa rồi lệnh cho mấy đứa cháu. Ai cũng lăng xăng ríu rít, tiếng cười nói, tiếng dạ ran một góc sân nhà, vang mãi tới mé sông.

Những ngày đầu năm, bước vào mùa Xuân khí trời thật dễ chịu, lại  được nghỉ mấy ngày liền, cha con Nhí khoác ba lô về thăm quê ngoại An Giang. Đó là cù lao Giêng, một hòn đảo lúa mênh mông nằm trên con sông Tiền giang hiền hòa, quanh năm nước đổ.

Cù lao Giêng xanh lúa, xanh lá, cây trái quanh năm, nhiều cá tôm và có thể là điểm đi đến cho những ham muốn khám phá lịch sử hình thành một vùng quê sông nước và chiều dài tôn giáo từ buổi ban đầu cùng với những di tích còn nguyên vẹn, thật đẹp và tĩnh lặng đến ngạc nhiên.

Lần đầu được đi vòng khắp, là cù lao sao mà rộng lớn quá chừng với chiều dài hơn cả chục cây số. Ông Năm nói bề ngang cũng cỡ sáu bảy cây. Đồng ruộng lúa mới sạ, ngút ngát tầm mắt, xa lắm là cao thấp những bày cò trắng và khắp nơi là một màu xanh cây trái tươi tốt. Những kinh đào miên man nước sông đang đổ vào ruộng lúa, mọi người đang sạ trên những thửa ruộng cuối cùng cho một mùa lúa mới. Tới nhà chơi, cậu Ba Giáo nói, ruộng nhà mới sạ xong hồi hôm, năm nào ở đây cũng làm lúa tới ba mùa đó.

Trên cù lao Giêng có nhiều chùa chiền và nhà thờ. Về chùa chiền, đáng kể có chùa Đạo nằm và chùa Bà Vú. Trên cù lao có ba nhà thờ và hai tu viện. Bà con các tôn giáo khác nhau chung sống xây dựng mảnh đất cù lao thanh bình, thân ái. Bầu trời trong và màu xanh mát của cây lá làm nền cho những công trình kiến trúc tôn giáo tuyệt đẹp nơi đây.

Chùa Đạo nằm còn gọi chùa Thành Hoa có một hồ Sen phía trước quanh năm hoa nở, yên tĩnh nhìn ra một nhánh sông Tiền. Xuất phát từ đạo Phật, chùa Đạo nằm xuất hiện ở đây vào giữa thế kỷ trước và có cách tu luyện khác người ta là tu nằm, việc tu hành cùng các sinh hoạt ăn uống tắm gội của sư thày cũng nằm. Chiếc ghe gỗ của thày dùng làm phương tiện xuống núi tu hành, đi về cù lao lập đạo cùng ngôi mộ của sư thày hiện lưu giữ trong khuôn viên của nhà chùa. Hàng năm, hội hay ngày rằm có nhiều khách thập phương về đây dâng hương cúng vái.

Đường vào chùa Đạo nằm đi qua hàng cây Sao cao vút. Đó là một thứ cây lấy gỗ khá phổ biến ở Nam bộ. Cây Sao chịu nắng nóng mùa khô, Sao không ngại ngần mùa úng lụt hay gió bão, Sao không có mấy cành ngang, cây đứng thẳng, vươn lên trời cao, chịu đựng, cần mẫn và thẳng thắn như tính cách người nông dân miền Tây Nam bộ.

Tới chơi nhà dượng Hai Liều, dượng chỉ vườn cây sau nhà, um tùm rậm rạp như một khu rừng nhỏ và cười:
-Dượng là nông dân mấy đời, không có tài sản gì cho con cháu. Dượng có miếng vườn lớn ngày trước chỉ trồng mận, trồng mít ăn chơi. Cách mấy năm dượng mang cây giống về trồng một vườn cây Sao làm của để dành cho con cháu. Chừng ba chục năm nữa cây Sao sẽ lớn vầy nè, đám con cháu sẽ bán đi mà xài, cây thôi mà tiền không đó con.
-Cây Sao làm được những gì dượng Hai ha?
- Ồ... nhiều chớ. Đóng đồ nhà, làm cửa làm sàn nhà, rồi đóng xuồng ghe. Thứ cây này chịu nước dữ lắm. Miền Tây sông nước kinh rạch sông ngòi chằng chịt, đời này qua đời sau đi xuồng ghe. Chở lúa đi ghe, nhà này qua nhà kia chèo ghe, rồi đám cưới, đám dỗ cũng ghe. Xứ mình xuồng ghe muôn đời con à.
Dượng Hai cho hay, khi cây tới tuổi, gỗ cây cứng đanh, đinh đóng không vô, nước không làm mục, cây gỗ Sao lâu năm ấy được xẻ ra, dùng đóng ghe xuồng tốt lắm.

Từ bờ sông bên bờ bắc Mỹ Luông nhìn qua, chóp nhọn của tháp chuông nhà thờ Tấn Mỹ nhô cao trên bầu trời, một màu xanh cây lá in bóng trên dòng sông êm đềm, cù lao Giêng với một vẻ tĩnh lặng thanh bình.

Ông Năm là người công giáo, ông ở trong ban hành giáo họ đạo. Sau lễ sáng Chủ nhật, ông dẫn đi thăm quan và kể chuyện.

Nhà thờ Tấn Mỹ, hay còn kêu nhà thờ Cù lao Giêng là ngôi thánh đường đầu tiên được xây dựng trên đất miền Tây Nam bộ. Một cha cố đạo người Pháp đã xây dựng ngôi nhà thờ ấy từ những năm cuối thế kỷ 19, trên hòn đảo này nó đã đứng đó, nguyên vẹn mỗi lễ sớm lễ chiều đã trên 120 năm.

Giáo sứ cù lao Giang được thành lập rất sớm, từ 1778. Nơi này là trung tâm gắn với sự phát triển của công giáo ở Nam bộ và lưu vực sông Mê kông. Từ cù lao Giêng, những người truyền giáo đi tới nhiều vùng đất Nam bộ hay dùng những con tàu gỗ làm phương tiện di chuyển, ngược sông Mê kông sang tới vùng đất bên xứ Cao Miên.

Ở phía dưới nhà thờ một chút là tu viện thánh Phanxicô và tu viện chúa Quan phòng, cùng với nhà thờ Cù lao Giêng tạo thành một quần thể kiến trúc cổ của công giáo. Những nơi này được xây dựng vào những năm 70 thế kỷ 19, thời kì triều đình lúc bấy giờ ngăn cấm và đàn áp công giáo quyết liệt.

Tới tu viện chúa Quan phòng, ta được biết thêm cảnh đẹp, thật sự ngạc nhiên với vẻ cổ kính và sự tĩnh lặng ở nơi này. Những tòa nhà hai ba tầng theo lối kiến trúc Tây phương nằm trong khuôn viên rộng rãi cỏ và cây xanh. Trước đây là tu viện của các nữ tu, nơi thu nhận trẻ mồ côi và dưỡng lão, bây giờ làm nơi nghỉ dưỡng của các nữ tu đã lớn tuổi và làm cơ sở chữa bệnh, châm cứu cho những người dân trong vùng.

Tu viện Thánh Phanxicô thành lập những năm 50 thế kỷ trước, nhưng trước đó từ ngày thành lập năm 1872, nơi đây là chủng viện giáo phận Đàng Trong, nơi đào tạo các giáo sĩ cho cả vùng rộng lớn đồng bằng sông Cửu long và địa phận Cao Miên.
Đây là tu viện của dòng tu qua lao động khổ hạnh, sống đơn sơ nghèo khó nhưng lúc nào cũng vui tươi và chăm lo cho người khác.
Cũng trong một khuôn viên tĩnh lặng, yên bình và xanh mướt cỏ cây, cánh cổng tu viện khi nào cũng mở. Những thày tu ta gặp trên đường thăm quan mỉm cười thân thiện.

Hình dung trước đây trăm mấy chục năm, làm sao để vận chuyển bao nhiêu đá gạch qua được cù lao để xây dựng nên những công trình kiến trúc công phu này chứ? Ông Năm nói, các vật dụng và rất nhiều thứ được chở từ Pháp qua, còn gạch thì ở đây làm được. Nhí có thấy những lò gạch thật lớn bên kinh chính hồi nãy đó không?

Đi thăm giáp vòng xứ cù lao trở về, ông Năm Hứa xoa đầu Nhí cười:
-Quê hương mình vậy đó, thấy đẹp ác không con?
Nhìn gương mặt rạng rỡ và nụ cười thật hiền của ông, hiểu là ông vui mừng và hãnh diện lắm về quê mình. Rồi ông dặn dò:
-Nhớ nghe, quê hương mỗi người chỉ một. Xứ cù lao Giêng là quê ngoại của con đó. Có giờ siêng về chơi, kẻo mai mốt đây học hành đi đâu xa lắc lơ, quên hết người quê, quên sông nước. Biết lo học miết mà hổng biết nhớ đường về quê là hổng có được nghe con...

30 nhận xét:

  1. CÔNG NHẬN NHÍ SƯỚNG THẬT, CÓ QUÊ MÀ VỀ CHƠI CHỨ NHIỀU NGƯỜI O CÓ QUÊ ĐỂ VỀ ĐỂ NHỚ VÀ CÓ NHỮNG NGƯỜI CỐ QUÊN CẢ QUÊ VÀ NƠI CHÔN RAU CẮT RỐN CỦA MÌNH.

    Trả lờiXóa
  2. Chùa Đạo cấu trúc và màu sắc của mái nhìn hơi lạ ha.

    Cù lao Giêng vào mùa lũ có bị ngập không bác Đỗ?

    Trả lờiXóa
  3. lần sau về, hú tiếng cho về ké nghen bác

    Trả lờiXóa
  4. Trần Kiến Quốclúc 06:06 25 tháng 1, 2011

    Chỉ trên cái cù lao ấy mà có bao công trình và sự kiện. Hay thật!
    Con gái đi như vậy chắc sướng lắm?

    Trả lờiXóa
  5. Có thời gian mà về ở các Cù lao của miền Tây thì thích lắm.Tôi đã từng ở cù lao Dung (Sóc trăng)gần tuần.Nó đã đem lại cho tôi một cảm giác tuyệt vời ko thể nào quên.Nào là cá Chạch kho tiêu,nào là cá Thòi lòi nướng...Chặc chặc!Tks ĐN.
    -Có lẽ sau Tết chờ K6Ls zô rủ nó đi chuyến nữa.

    Trả lờiXóa
  6. @AK7 : nhẽ ra ông em phải viết rõ là cái cảm giác tuyệt vời với các món nhậu sau một tuần ở Cù lao Dung thì mới chính xác.
    @ĐN : đọc bài của em mà thấy thèm.

    Trả lờiXóa
  7. -ND,
    Tui nghĩ ai mà không nhớ quê, có điều có giờ về được thường không, hoặc có những vùng quê nào đó khg còn kỉ niệm để về.

    Trả lờiXóa
  8. -Lana,
    Chùa trong Nam không bắt buộc theo kiểu dân gian, tui nghĩ vậy, nhiều chùa xây dựng chưa lâu, nhiều chùa đổ bê tông, cẩn sứ...
    Cù lao Giêng có đê bao nên khg ngập nước bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  9. -Mía,
    Nếu bạn Mía muốn khám phá những vùng đất lạ, có dịp đi nhé.

    Trả lờiXóa
  10. -Ak7,
    Miền Tây còn có rất nhiều vùng quê, mỗi nơi rất riêng. Có nhiều giờ đi được nhiều nơi cho biết.

    Trả lờiXóa
  11. -Anh PH,
    Như là quảng cáo du lịch thôi anh à.
    Nhưng được đi chơi khắp nơi thú lắm.

    Trả lờiXóa
  12. Cái đoạn cuối cùng, đọc mà rưng rưng. Hồi xưa ông Nội em cũng dạy tụi em vậy đó Bác Đỗ, giờ có đứa đi xa thiệt, rồi năm hết tết đến là cứ nhớ quê Nội.

    Trả lờiXóa
  13. -Phung Tran,
    Bạn sắp được về quê phải không? Nhớ về mùa trái cây nhé.

    Trả lờiXóa
  14. @ĐN:He he!Pác quên tớ trước kia làm việc ở Cty VTC ah.Giờ chỉ muốn đi thăm lại những vùng đã từng ghé thôi,biết đâu...?
    -@pác PH:Ô hay!Pác ko thấy chú linh Cẩu đang khư khư giữ chai Chivas (Dậy mãi mới đc)ah.Chuyến này về hàng thằng em đã Order có chưa,hay là Lơ```Lơ```?

    Trả lờiXóa
  15. Đẹp rất ác và rất art hén bác.
    Đi quá trời đi à.

    Trả lờiXóa
  16. Xin thông báo với mọi người. Hiện nay Toàn bộ vùng Chợ Mới (trong đó có Cù Lao Giêng) được đầu tư 01 dự án quy mô lớn có gần 2000 tỷ hà. Mà Tụi Tôi đang điều hành. Xây dựng hệ thống đê bao , cống, cầu..... Tăng vụ (03 lúa và 01 màu). Khi xong DA chắc chắn quê vợ ĐN (à nhà bên vợ ĐN) ai cũng tiền xài không hết cho mà xem.... sướng chưa?
    P.S

    Trả lờiXóa
  17. -AK7,
    Bên ấy đi được nhiều nơi sông nước miền Tây nên nhớ là phải. Tranh thủ đi chơi không có mọi thứ bây giờ thay đổi nhanh lắm.

    Trả lờiXóa
  18. -Moon,
    Chưa kể đồ ăn nữa bạn ơi, quê đặc thù và cũng ngon ác luôn.

    Trả lờiXóa
  19. -Tamthuduc,
    Tôi cũng nghe nói chuyện tới một dự án du lịch nào đó. Nếu làm du lịch vùng kiểu miệt vườn, homestay gì đó, giữ gìn chất quê cảnh quê thì cũng là hay.

    Trả lờiXóa
  20. -Lana,
    Nói thêm, năm nay người ta trông nước nổi mà không có bao nhiêu nước. Tôi thấy ở cù lao phải bơm nước từ sông lên kinh, có vẻ thiên nhiên bị phá vỡ.

    Trả lờiXóa
  21. Nhớ năm nào theo AnhDo về Cần Thơ được thưởng thức món thịt rắn kiểu miền Tây. Răn còn nguyên da, nướng đặt cuộn tròn trên đĩa, ấn tượng vì sự dân dã nhưng tuyệt vời. Cũng đến 20 năm rồi chứ ít gì, hồi đó tóc còn xanh chứ không trắng láng như bây giờ nhỉ.

    Trả lờiXóa
  22. Dự án Du Lịch chỉ là phần kết hợp thôi. Sau khi hoàn thành Dự án chính thức (tức là đã bao an toàn, có cầu cống, kinh mương...)mới triển khai vào giai đoạn sau (sau năm 2015).
    P.S

    Trả lờiXóa
  23. -Ông "Ngại",
    Kể phát thèm.
    Vô SG đi, sau Tết mấy anh em xuống Cần Thơ chơi phát, rồi đi phá đám PS chơi.

    Trả lờiXóa
  24. -PS,
    Tôi nghe nói đâu còn làm cầu Mỹ Luông. Bà con nghe chừng háo hức.

    Trả lờiXóa
  25. 1. Cái vụ cầu là thật đấy, nghe nói gì nữa.
    2. Mấy năm nay nước kém do bị ảnh hưởng từ thượng nguồn sông MeKong. Anh Bạn "Môi hở răng lạnh" ngày xưa chúng ta tá túc đã làm mấy cái hồ to nhất nhì thế giới để ngăn nước đầu nguồn, vui thì họ tháo đập (cho phía dưới ngập chơi - Ai bảo bay không nghe tao)còn buồn thì đóng đập giữ nước cho mấy thằng mày hạn hán chơi (ai bảo bay chống tao). Thế đấy.
    3. Ra Tết Anh em có du hí Cần Thơ thì xẹt xuông Long Xuyên chơi nha.(Trỗi ở LX có 02 thằng hà)
    P.S

    Trả lờiXóa
  26. Bác Đỗ, Tết về nữa đi Bác, về quê thích lắm bác ơi

    Trả lờiXóa
  27. -M.S,
    Đường xá, cầu ngon lành rồi, hứng đi là đi thôi bạn nhỉ.
    Tết này chắc là M.S về quê phải không?

    Trả lờiXóa
  28. Các Bác đi nhiều-Chơi nhiều vậy đã thưởng thức món gà đá (gà chọi ấy) hầm sả chưa?. Gà phải bắt ở mấy trường gà bên nước bạn CPC đem về mần . Chà món này mà mần xong nhậu với rượu nóng(kiểu Nhật bổn)bắt lắm đấy. Ra Tết nước kém cá không nhiều và ngon, ta chơi món này nha.
    P.S

    Trả lờiXóa
  29. Gà chọi hầm xả hay Cari đều ngon,nhưng pác P.S đã thử gà chọi nấu lẩu khoai Môn hay khoai Sọ chưa,thử đi khắc biết ah!

    Trả lờiXóa
  30. -PS và AK7,
    Gà chọi hầm khoai môn hay khoai sọ bá chấy. Suy từ vịt xiêm hầm khoai môn ra là biết. Thêm rổ rau muống non với ba xị đế. Nhắc tới bắt thèm.

    Trả lờiXóa