Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Cô Chi.

Cô Chi quê Vĩnh Long, được bà thị xã nhà tôi đưa lên Sài Gòn phụ giúp việc nhà. Có cô cũng đỡ nhiều vì vợ chồng đều đi làm mỗi ngày, chiều tối mới về.

Cô Chi không lấy chồng, thua tôi đúng con giáp. Ăn nói thẳng tưng, nấu đồ ăn Nam bộ ngon, nhất là cá đồng kho và canh nấu mẳn. Được cái cô ham chuyện cho bà nội sắp nhỏ ở nhà vui, cô được mọi người trong nhà tôn trọng và quý mến, cả tôi cũng vậy. Mà quên, cô Chi không còn đẹp nữa nhưng bận đồ bà ba rất nền. Đấy là con gái tôi nói vậy.

Ở nhà có khoảnh đất chút chíu, một lần ở quê lên cô xách thêm một giỏ cây giống. Xoài cát Hòa lộc nè, cây này bưởi Bình minh đó anh Mười, cái này mận Ấn Độ còn đây là mít vườn nhà, cha ghép hết đó, mau có trái mà sai dữ lắm.

Nói chuyện làm đồ ăn, lâu lâu có bữa ế độ tôi ngồi ở nhà một mình, cô Chi làm chỉ món một, thật ben bén nói anh Mười nhậu chơi đi, mắc mớ gì ngồi buồn so vậy? Mấy cái rau đắng, sầu đâu, khô sặc, khô sửu tôi biết ăn rồi ghiền cũng từ cổ. Có bữa rảnh rang, cô ngồi ké một góc bàn với tôi cho có tay, làm một hai cái xay chừng rồi thôi. Bà thị xã xem ra không chịu vụ ngồi chung này nói tôi anh bình dân quá không nên. Cô Chi biết ý sau thôi không ngồi nhậu nữa.

Một bữa nghỉ bù đang ngồi nhà coi blog, thấy bà nội sắp nhỏ bỗng mở cửa phòng tôi mà không thèm gõ hỏi con Chi có đây không? Tôi ớ người, hồi nãy con nghe cổ nói mẹ đi chợ mà? Rầy rà mẹ sao lạ, hồi nào tới giờ mẹ có khi nào bước lên lầu, bữa nay có chuyện gì vậy? Mẹ vừa xuống lầu vừa nói ừ thì tại có người điện thoại hỏi thăm nó.

Ít bữa đi làm về nghe cô về quê có đám giỗ, rồi không thấy quầy lên. Nhà có người giúp việc khác, mọi người ít nhắc tới, lâu rồi quên cô Chi.

Năm nay cây mít bói lần đầu, được hai trái mới bằng trái bưởi lưng chừng cây trông rất vui mắt. Cây xoài cây bưởi chưa trái nhưng gốc cỡ cổ chân người lớn, tươi tốt xum xuê. Cây mận Ấn Độ trái thôi là trái, sậm màu boọc đô, nhụy hoa rơi đầy sân và ong muỗi vo ve khắp các kẽ lá. Ngày xuân vui vẻ, tôi nói bà xã mấy cây trái này của cô Chi, cà ớt rau thơm kia cũng vậy, ráng giữ mấy giống này mai mốt có trồng. Bà thị xã cười cười em nhớ chứ, mà không biết bây giờ cái Chi nó ở đâu đâu rồi.

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Chuyện hàng ngày.

Mỗi ngày đưa đón bé trên đường đi học, nói cười trò chuyện khơi khơi vậy mà gỡ rối tơ lòng được bao nhiêu chuyện, cho cả cha và con, và cũng có thể là cho một ai đó trong gia đình hay bè bạn. Nào chuyện học của con, chuyện một bài văn, chuyện chiếc lá mọc đơn mọc kép, chuyện ngõ hẻm đường ngang đến những chuyện lộn xộn của chúng bạn trong trường học như mất viết mất tập...

Sáng nay đi học trễ có mấy phút mà kẹt đường, sợ trễ giờ đi thi của con, bố bực bội càm ràm ai lại gài cái đèn đỏ tuyến chính những 50 giây thế. Bé ngồi sau lại vỗ về, giọng tỉnh queo bình tĩnh nào bố ơi.

Buổi trưa ở cơ quan cái máy lạnh hư, không được nghỉ trưa và một buổi chiều làm việc mệt mỏi trong cái nóng tháng Tư, bố lại "nỏng trong người" muốn uống trà dr Thanh.

Chiều về bé kể chuyện bị các bạn chọc phá, phương án méc cô giáo không ổn lắm, bố nói nếu là bố sau hai lần cảnh cáo bố sẽ cho một chưởng. Nhưng là con gái thì không làm vậy được, hãy kiên nhẫn nói chuyện với bạn, tin rằng tự con sẽ tìm ra một cách hay nhất.

Buổi tối sau bữa cơm, bé nói bố đọc cái này nhe rồi đặt lên bàn bố cuốn sách có trang mở sẵn.

Nếu bạn...
Nếu bạn...
Và trong trang sách ấy, chỉ có mấy dòng "nếu bạn" thôi đã "giải tỏa ùn tắc" trong suy nghĩ của hai bố con.

"... Nếu bạn đang bực bội vì bị kẹt xe, đừng thất vọng. Vẫn có những người trên thế giới này, đối với họ, lái xe là điều mà họ thậm chí không bao giờ dám nghĩ tới.
Nếu bạn có một ngày tồi tệ ở chỗ làm, hãy nghĩ đến người bị thất nghiệp nhiều năm nay...
Nếu bạn thấy mình là nạn nhân của những trò cay độc, ngu dốt và nhỏ nhen của người khác, hãy nhớ rằng mọi chuyện còn có thể xấu hơn nữa, bạn có thể trở thành những người đó."
(Quà tặng cuộc sống-Nxb Trẻ 2007)

Đôi khi, cách giải quyết tình huống của các bé thật độc đáo.
Và khi viết những dòng này, hai mẹ con đứng sau coi bố viết, cười mủm mỉm một tý rồi rủ nhau đi ôn bài mai thi tiếp.
Cuốn sách bố mua về đã lâu, đọc lướt lướt, còn bé đọc kỹ hơn, lại chọn được đúng mấy câu trong ngày, nhắc khéo bố từ mai đi đường đừng có nóng, và chắc bé cũng đã biết cách nói chuyện với các bạn trai hay phá trong lớp.
Hãy nhớ bố mẹ luôn coi các bé là những người bạn, những người bạn nhỏ thật dễ thương, biết hôn?

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Ế độ.

Ngày trước muốn kiếm được cái thẻ để đi chụp dạo như bác phó nháy đây là cả một vấn đề. Đương nhiên hồi đó phải làm sơ yếu lý lịch ra phường chứng, sau qua phòng hay Sở văn hóa gì đấy xin cấp phép, cũng trần ai khoai củ mới kiếm được cái thẻ đeo trước ngực mà đi chụp dạo. Có thẻ rồi kiếm khách cũng không dễ. Khách du lịch đi theo đoàn thường không khó tính nhưng cũng không dễ chen chân, có hội đoàn cả đấy. Có xuất đi đánh đám như sinh nhật đám cưới thì kiếm được do số nhiều nhưng cơ khổ, cả ngày làm việc liên tục, đói bụng đã đành uống miếng nước cũng không yên, người ta kêu réo từ sớm đến hồi kết thúc. Tàn tàn thì theo xe hành hương hay ngồi công viên, bãi tắm.

Thời nay máy ảnh kỹ thuật số đã phổ thông, giá rẻ trẻ già ai cũng có và nhỏ gọn dễ sử dụng, dễ mang theo. Ngay cái điện thoại di động thôi cũng ghi được thời sự lúc cần, thành thử các bác phó ế.

Bãi biển ngày lặng sóng, nắng đẹp người đông vậy mà đi một vòng không có ai hỏi, mà có hỏi thì người ta cười cười rồi đưa ra cái máy ảnh nhỏ xíu bằng bụm tay, bác phó chán, ngồi ngắm biển một mình rồi đọc báo, hút thuốc vặt.

Nói chuyện với bác phó tụi thợ hình bên Thái, bên Tàu họ thấy đoàn du lịch tới cứ mỗi người trên xe bước xuống ai cũng làm phát cái đã, rửa hình ra một cái dĩa có hình nền phong cảnh sẵn, khi khách tham quan ra đưa khách coi cái dĩa phong cảnh có hình của mình, thấy được là họ mua liền, nhưng phải coi dò dế tướng tá người ta trước khi rửa, cái mặt nhăn nhăn khó chịu, có vẻ kẹo kẹo kiểu như mặt tui đây thì quên đi, còn mấy mợ mợ kia hay mấy cô xinh xinh đó đó, nhất là đám con nít ăn mặc điệu có cha mẹ đi kèm thì tụi nó đòi mua bằng được, mười người hết tám. Bác phó nói hay hay để về bàn với tụi bạn vụ này, nghe cũng có lý.

Trưa rồi đứng nắng, bác phó đứng dậy, búng tàn thuốc cuối cùng, cười nhàn nhạt rồi ra về. Nhìn bác phó khoác giỏ máy đi về bỗng tháy thương thương, cũng là một thời và một cái nghề.

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Còn thương rau Đắng.

Một lần nghe câu ca "Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn, coi khói đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng..." bé nói bé muốn về quê coi đốt đồng và ăn rau Đắng nấu canh. Cha hứa sẽ đưa bé về quê dịp nghỉ hai ngày cuối tuần.
Nhóm bạn hữu có gia đình
mẹ Nga ở Châu Thành Long An, một miền quê Nam bộ mộc mạc dễ thân thương.

Đi qua những mảnh ruộng nước thấy những đàn Ròng ròng nâu đỏ bơi tung tăng, con cá lóc mẹ chắc lượn quanh đâu đó. Năm nay làng quê lại có những đường ống nhựa chạy quanh co, cha nói đó là nước sạch được dẫn tới từng nhà nông dân để sử dụng sinh hoạt và ăn uống, vậy thiệt mừng.Có duyên với tên xã nên hầu như nhà nào ở đây cũng trồng một ít cây leo mang dáng cây xương rồng gai góc nhưng lại cho một thứ trái cây thật ngọt ngào mát rượi, là trái Thanh long. Năm nay trúng mùa lúa, ai cũng mừng vui.
"L
úa khô cất kho hết ráo, ruộng nhà cũng đã sạ xong, lúc rày nghỉ ngơi, mai mốt giá lúa êm rồi tính, giờ thì nhậu đã, có khách thành phố về nè". Chú Út ở nhà thấy mọi người về quê còn mang theo cả con gái nhỏ, cười vui rộn rã khắp nhà.

Sau mưa, vườn nhà lúp xúp đủ thứ rau tập tàng thích mắt. Ra vườn chơi, thấy cha lượm lên một mớ rau dại, chú Út ngạc nhiên: Ủa, anh Hai ở thành phố cũng biết thứ này sao? Là rau Đắng mọc sau hè đó. Thế là chú Út có một bài học "rau Đắng đất" của làng quê của mình cho bé.

Biết không nè? Rau Đắng là món rau nông dân, thảo thơm bội phần, dễ ăn mà dễ nhớ. Mới ăn vô thấy đắng, mà cái hậu ngọt, mát lắm đó nghe.

Ở miền quê Nam bộ có hai thứ rau đắng là rau Đắng biển và rau Đắng đất, cả hai thứ là món rau ăn dân dã, lại là những vị thuốc nam quí
trị ho cảm, nhuận tràng, mát gan. Những món ăn nhà nông là bún mắm, bún nước lèo hay lẩu mắm Nam bộ mà không có anh rau Đắng là bớt ngon đi hết mấy phần.

Thứ rau Đắng biển hay còn kêu bằng rau Đắng ruộng, lá trơn cọng dài, nó mọc nhóc từng dề ở ngoải kìa, và bây giờ nhiều nơi người ta ưa trồng để còn làm các thứ thuốc Đông y. Nhưng rau Đắng biển là không đắng, không ngon bằng rau Đắng đất nghe.

Sau mùa lúa, khi ruộng bãi khô, le hoe những cây rau hoang dại, không ai trồng mà khiêm tốn mọc lên từ những hạt bông bay đi theo gió, ngậm
trong đất qua mùa lúa. Ngoài bờ ruộng hay trong vườn nhà, đi đâu cũng dễ thấy một nhúm xanh xanh. Cây rau lớn lên là xà mặt đất, rồi ra những bông trắng nhỏ li ti, là rau Đắng đất đó. Ta phải lượm lấy từng nhánh cây một, nhẹ tay lặt lấy ngọn mang về. Muốn nấu canh hay ăn sống đều là ngon, ăn một lần là nhớ.
Rau Đắng đất thiệt dễ ăn. Bình dân là lượm ít rau Đắng ngoài chái bếp hiên sau, nhổ cả rễ, rửa sạch lựa cọng non để cho ráo nước. Cuộn giữa hai đầu đũa một nhúm rau Đắng đất, chỉ cần chấm với nước cá kho hay thịt kho ăn với cơm, xong bữa hết nồi cơm thịt cá còn nguyên.

Thiệt là vậy sao? Bé reo lên ngạc nhiên thích thú.

Chưa hết đâu nào. Ta có thể nấu canh rau Đắng với thịt bằm.
Nếu có giờ thì ta kiếm cá rô hay cá lóc đồng, nấu canh rau Đắng cá hoặc nấu cháo cá rau Đắng. Nhớ là lấy đầu cá nấu cho ngọt cháo. Rau Đắng rửa sạch, để trong tô chung với những miếng cá lóc phi lê, thêm ít hạt tiêu xay, khi cháo chín là đổ vô tô. Ui da, tuyệt vời.
Tô cháo cá ăn với thứ rau hoang dại là xà mặt đất ruộng, mồ hôi rịn ra trên trán, hà hít hương vị đồng quê, và cái nhân n
hẫn đăng đắng vẫn giữ mãi trong miệng, lắng đọng đã đời.
Chú Út đùa vui: Rau Đắng mọc sau hè là thứ ngon nhứt, nơi sau hè là nơi mà đám con nít cỡ con đêm Hè còn đang giấc ngủ, mắt nhắm mắt mở ra được tới đây là đứng "xả bầu tâm sự", mưa xuống chứa chan, hạt rau chui vào lòng đất, rồi cây rau Đắng mọc lên mau nhất, nhiều "muôn trùng lục quân" sau hè và nó được ăn trước hết. Chú Út cười khoái chí: cứ ăn đi khắc ghiền, về thành phố mai mốt là nhớ cho coi. Mà cái ông già nhạc sỹ Bắc Sơn hay thiệt, cũng dân nhậu tổ, "còn thương rau Đắng mọc sau hè" mãi đó nghe con.

Bữa đó sẵn cá Lóc dọng trong lu, cô Út làm cho cả nhà một nồi lớn cháo cá rau Đắng, bé cứ nhớ mãi...

Bé lại nghĩ đến một bữa nào sẽ về thăm quê, bất chợt nhìn thấy lốm đốm đâu đó một vài mảng cây xanh đơn sơ nhỏ bé, lấm tấm bông trắng bên bờ ruộng lúa, cùng thích thú reo lên, cùng nhau xà tới lượm về những cọng rau Đắng đất thảo thơm.

Người ta nói, khi rau Đắng đất được hái lên, rời vườn rời ruộng là mau héo. Nó chân quê mộc mạc, nó chỉ muốn loanh quanh nơi ruộng vườn với thảo dân, nó hổng muốn đi xa hơn về nơi phố thị. Nên ai ơi có nhớ rau Đắng đất thì về.

***

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Nhớ lúa.


Cô Hường giúp việc là người Khme, Tết Chol Chnam Thmay năm nay không về quê vì đã nghỉ lễ bữa cuối năm.

Bữa ấy cô xin về có đám giỗ, nói tuần lễ mà đi tới hơn mươi bữa. Bực bội vì cô không giữ lời, rồi đang không phải nghỉ phép ít ngày coi chừng nhà giùm cổ, nên cô mới ngó mặt lên đã bị làm một chập. Cô Hường như biết lỗi, lấy ra chai rượu chuối hột và miếng cốm dẹp, pha ly nước trái Quách đá đặc sản Trà Vinh nói anh Mười thử coi, chai rượu cha em gởi còn mấy thứ này của nhà hết đó. Tiện lúc không có việc gì gấp gáp cô rề rà ngồi nói chuyện.

Nói ngay em về đám dỗ có một bữa à, giỗ là nói cho có vậy thôi chớ nhằm lễ về thăm con anh à, con nhỏ ở với ngoại, nó hiểu chuyện nhà, ít nhớ mẹ, biết mẹ đi mần ăn xa kiếm tiền nuôi con chớ có bỏ nó đâu.

Mấy tụi em hẹn nhau về quê chính là dự lễ cúng Trăng, ở quê em kêu là lễ Óoc om bóc năm có một lần, sau lễ rồi đi cắt lúa, nhớ lúa lắm anh Mười ơi! Làm trên thành phố mấy năm nhưng cứ dịp này mấy tụi em rủ nhau về quê ít ngày đi cắt lúa. Anh hổng cho về là tui bỏ về quê luôn đó.

Ây dà... cổ còn dọa cả chủ nhà nữa kìa! Ngồi nhâm nhi cốm dẹp, nghe cô kể chuyện hiểu thêm được về người quê.

Hàng năm dịp này lúa chín, mấy chị em về quê xúm nhau cắt lúa nhà chừng ba bốn bữa là rồi, cha với thằng Út lo gánh về, suốt rồi phơi, bán lúa trả tiền nợ phân giống. Xong lúa nhà mấy đứa lại kéo nhau đi cắt mướn. Hỏi cắt mướn được nhiêu cô cười: mấy công ruộng này tính có mấy chục một công hà, người ta đặt từ đầu năm, cha má ở nhà kẹt lấy tiền xài trước rồi, lúc này tới mùa thì về cắt, nếu lúa trúng họ cho thêm, thất thì như là cắt lúa trừ nợ, cũng là nhớ lúa, mệt mà dzui quá chừng luôn. Hết rồi mới theo người ta đi cắt mướn kiếm tiền. Coi sức em giờ cắt một công mỗi ngày anh Mười tin hôn? người ta trả ngày cũng được trăm mấy, tùy lúa đứng lúa đổ, ruộng khô ruộng nước có khi thêm được chút đỉnh. Có giờ có sức đi theo cái máy suốt lúa, nó tới đâu mình theo tới đó chừng nào hết lúa về, một mùa cũng kiếm bộn. Ngày trước có mùa mấy tụi em kéo nhau đi cắt lúa, từ Vĩnh Long cắt sang Tân An lên tới gần thành phố hồi nào không hay, đêm nằm ngoài ruộng thấy đèn sáng xa xa... dzui hết sức dzậy đó hỏi sao không nhớ lúa!

Thấy mấy ngón tay còn băng trắng, hỏi cô nói do vướng cỏ, thứ cỏ ngô cỏ bắp gì đó sắc như lưỡi dao, nó y chang lá lúa, lẫn với lúa cứa vào tay ngọt ơ, gặp cây hái nục không đứt nổi thân cỏ là coi chừng nó kéo lưỡi hái lên cứa vô ngón tay, tụi em ghét nhất thứ cỏ này. Hồi đó có ghét nhà ai tuốt nắm bông cỏ ném vô ruộng tới mùa cắt lúa biết nhau liền...

Thôi chuyện vậy thôi nghen, em phải đi nấu cơm. Cô ngoái lại huơ tay, coi dzậy chớ hổng nhằm gì đâu. Tại nhớ lúa mà.

Bỗng giật mình, nhớ lúa! cái từ ngữ giản dị và nhìn ánh mắt của người quê khi nói về lúa là hiểu họ yêu cây lúa nhường nào. Thế rồi người ta ai cũng có hội hè, kỷ niệm rồi nhớ xưa, hoài cổ. Mình có hội lớp hội trường người ta cũng có vậy, mắc mớ gì mình lại giận, lại dỗi với người quê có cái hội nhớ lúa mộc mạc chân chất ấy nhỉ.

Bất giác suy nghĩ về con người và cuộc sống của nông dân ở miền Tây, nghĩ mãi về cảnh tấp nập lúa lên xuống ghe bầu trên những dòng kinh và nghĩ mãi về những cánh đồng lúa bạt ngàn ở nông trường Sông Hậu dưới miệt Hậu Giang...

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Gừng già cay thiệt.


Những trận cầu derby bao giờ cũng đáng xem. Ở lượt đi MU-MC tháng Chín năm rồi, phút 90 của trận đấu thằng gù Benllamy lật kèo trên bằng bàn gỡ hòa 3-3 cho MC, tỉnh hết cả người. Nhưng ngay phút cộng thêm thứ 6, người thừa Owen đã lấy điểm cho chính mình bằng bàn thắng thứ tư cho MU. Các hãng cá cược kêu trời còn dân cá cược kèo trên hò reo cám ơn ông trọng tài đã tự động kéo dài thêm 2 phút.
Tối qua hai đội gặp nhau lượt về trên sân MC, phải theo MC thôi phần vì sân nhà, phần yêu thích kẻ bị hắt hủi Tevez. Đau đớn cho MC phút 90+3, còn mười giây nữa kết thúc trận, anh già tóc vàng Scholes kê cái đầu nhẹ nhàng góc xa 1-0 lấy về 3 điểm.
Phải thừa nhận lão già Ferguson cay thiệt. Ra sân với Neville rồi Scholes rồi Giggs, toàn gừng già, MC chỉ sơ sẩy có mấy giây cuối cùng mà...
...mất mất hai thùng bia của bọ

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Mùa hoa Bò cạp vàng.

Có ai đó mới nhắc, kìa tháng Tư mùa hoa Bò cạp vàng nở.
Trên đường đi làm dừng xe một ngã tư, ngước lên chợt thấy một chùm hoa vàng tươi kéo dài đung đưa trong gió, để một thoáng quên đi bụi khói và chộn rộn người xe trên đường phố đông, và để chợt nhớ một thời cây hoa vàng Bò cạp.

Một tháng Tư năm nào cùng về thăm nhà em. Hai đứa dừng chân uống nước mía gần chợ Linh Xuân chợt ngỡ ngàng có cây gì kìa, bên kia đường hoa vàng từng chùm, từng chùm dài điệu đà trên khắp thân cây, điểm những vòm lá xanh non. Hai đứa xuýt xoa sao có cây hoa lạ, đẹp đến thế. Hỏi em em nói mới lần đầu được thấy, và cũng như em, lần đầu. Về tới nhà hỏi chị Hai liền, tội nghiệp em, chị trách nhẹ: đi chung chỉ cho Năm mấy lần đó thôi, bé Năm quên rồi sao? thứ bông đó dưới Châu Đốc quê mình kêu Lan Miên, rồi còn tên gì nữa đó. Mùa này có công chuyện lên xuống Sài Gòn, đi ngang lần nào chị cũng dừng nghỉ chân chỗ đó, cây bông lớn thiệt lớn và cũng đẹp thiệt hiếm.
Vẫn nhớ chỉ có nó đứng một mình vàng rực nổi bật giữa trời nắng tháng Tư xanh ngắt không một gợn mây, ai đó vẫn thường đi về trên quốc lộ 1, khúc đường cong từ dưới dốc nhìn lên sẽ thấy và sẽ nhớ đến cây bông vàng đó một thời.
Vốn yêu thích cỏ cây và không chịu lắm cái tên hoa của chị Hai, thế là tìm thêm được những cái tên khác của nó nào Ô sa ka, là bông Bò cạp nước, là hoa Bò cạp vàng...
Những năm ấy, mỗi lần đến thăm em, dù là mùa tháng Tư hoa nở hay mùa lá xanh, nhìn thấy cây là sắp về tới nhà em, là sắp được gặp em, là mong cây ơi hãy mau ra hoa... Và từ tháng Tư năm ấy mùa hoa Bò cạp vàng như là lời hẹn riêng đang tới.

Tết năm ấy đưa em về thưa mẹ, cây Bò cạp vàng sắp trổ bông mùa thứ ba.
Bữa cơm đầu năm nhà có ba mẹ con, nhẹ nhàng và đơn giản như mọi nhà những năm ấy. Đưa em về rồi, không nghe mẹ nói gì, vẻ không được vui. Tối đến ngồi với mẹ giả lả: thì mẹ chẳng hối con lo mà lấy vợ đi là gì? Gặng mãi mẹ mới hỏi tại sao em lại lấy dao để cắt bánh chưng?
Đi học, thi cử, chọn nghề, đổi nghề, làm ăn... mẹ biết tính con trai luôn tự quyết định cho mình, mẹ chẳng bao giờ tham gia. Nhưng biết là chỉ một chuyện này phải có ý mẹ, rất nhẹ nhàng mẹ nói chỉ một chuyện này mẹ muốn tham gia. Một phần nghe lời mẹ, còn lại một phần muôn đời chỉ là những chuyện không đâu.

Mùa bò cạp vàng năm ấy lại lao vào công việc, lại những chuyến đi xa, bỗng quên đi cây cổ thụ ven đường chợ Linh Xuân và Tháng Tư có mùa hoa vàng Bò cạp nở.


Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Trái Sa kê.

nhà có một cây Sa kê năm đầu tiên cho ra trái. Bữa ấy một trái chín rụng dưới gốc cây, nó muốn nói Sa kê tui xài được rồi nè. Lựa trên cây được thêm dăm trái chín. Ôi, cái cây thật dễ thương, mới trồng đây thôi đã cho trái, những trái nho nhỏ lẫn trong lá lơ thơ vậy mà nhiều lắm.

Sa kê là thứ cây dễ trồng, chẳng biết có ở xứ ta từ khi nào. Cây lớn nhanh, cho bóng mát xum xuê, lá có hình dáng giống kiểu lá phong và lớn như một cái quạt. Nghe người ta nói lá Sa kê phơi khô mang nấu nước uống chữa bệnh tim mạch rất công hiệu, mà phải lượm từ những lá già tự nó rụng xuống. Trái Sa kê lớn cỡ trái xoài tượng, đặc ruột, nhìn bên ngoài hệt một trái mít nhỏ. Bỏ vỏ, xắt nhỏ chiên bơ, ăn có vị béo, thơm ngon lẫn lộn giữa khoai tây và khoai lang chiên. Nếu có thêm dĩa bò lúc lắc hay bít tết kèm theo thì khỏi phải đi tiệm, ăn bữa cũng được mà nhậu cũng được. Dân nhậu khoái đã đành, các bà thị xã khó tính đều khen, còn các bé chờ mẹ chiên xong đã, bỏ thêm miếng đường với bơ mà chấm với nó, đã ăn một miếng là muốn ăn hoài.

Những năm trước đội thường nhậu hay la cà ở bình dân quán 90G Trần Quốc Toản, ở đó có một cây Sa kê thật lớn. Là khách nhậu quen lâu năm, uy tín cả hội, nết nhậu đằm thắm nên lâu lâu có trái nào chín, mấy cô phục vụ bàn lại để dành chờ bữa nào thợ nhậu tới mới chiên cho ăn.
Nên mới biết, mới ghiền và mới trồng.

Bữa cuối tuần ngồi nhậu nhóm nhỏ, mang theo những trái Sa kê lứa đầu để lúc chia tay gởi mỗi người một trái ăn chơi lấy thảo. Dặn xắt dzậy, chiên dzậy, kèm thịt bò dzậy dzậy.., ai cũng vui vì có bạn chưa một lần ăn thử. Chợt nghe tiếng ai "tưởng trái gì lạ, hàng xóm có cha trồng cây này, lá bay qua nhà bực bội, tui ghét thứ này.., mà lúc này hay loanh quanh với mấy thứ vớ vẩn này thế, bộ già rồi sao?". Ra là thằng bạn nhậu từ năm nẳm tới giờ, lúc này khá, mới chuyển về khu Phú Mỹ Hưng. Bạn mình bỏ trái Sakê sang bàn kế bên ra về. Trái Sakê vô duyên lăn một vòng, dừng lại ở cạnh bàn, nằm buồn một mình. Lúc ấy nghĩ chẳng biết có nên lượm lại trái Sakê ấy mang về hay không?
Đi về cứ nhớ hoài trái Sa kê nằm lại một mình, không hiểu bạn tự nói bạn, nói với trái Sakê hay nói với mình đây?
Tự nhiên nghĩ buồn buồn, tội nghiệp cho trái Sakê!

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Vợ chồng Út Điền.

Út Điền ngồi nhà một mình. Anh đang buồn, buồn lắm, và rất nhớ vợ con.
Cô Út về quê mang theo thằng nhỏ ngót tuần lễ không một lần a lô, nóng ruột mấy bữa nay mà anh không dám điện thoại hỏi thăm, anh đang có lỗi với vợ con.

Đúng ra Út Điền buồn và lo cả tháng rồi. Anh mượn nợ nhiều người, mỗi người một ít nhưng cộng lại đến mấy chục triệu. Nghĩ tới con số hàng chục Út nghe ớn ớn. Hàng ngày tới công ty, làm như không ai muốn dòm anh nữa. Thấy anh người ta ngó đi đâu như sợ anh hỏi mượn tiền, còn những người anh mượn nợ mới thấy họ từ xa Út vội đi tránh sang ngả khác.

Ông Sáu là tổng giám đốc một công ty lớn trên thành phố. Ngôi thứ ông vai chú, một dịp về đám giỗ ở quê chừng mươi năm trước, thấy Út Điền tướng tá cao ráo nhanh nhẹn, mặt mũi sáng tươi liền kéo Út lên Sài Gòn cho học lái xe, sau rồi về lái cho ổng từ đó tới giờ.
Suốt mấy năm đi với ông, Út làm đúng những gì như chú Sáu căn dặn. Đón đưa thủ trưởng luôn đúng giờ, ít chuyện, nhất là những chuyến công tác xa đi cùng thủ trưởng. Ăn bận lịch sự, nói năng đàng hoàng và luôn vui cười khi giao tiếp...
"Lái xe cho thủ trưởng không sang cũng phải lịch sự thẳng thớm, để người ta coi thấp mình là coi thấp cả công ty, cả giám đốc đó", cô Út vẫn dặn chồng vậy và thường tự tay chuẩn bị đồ mặc cho anh mỗi sớm đi làm. Cô làm kho ở một công ty khác, cũng chú Sáu xin việc cho.
Thu nhập của vợ chồng Út không nhiều nhưng do khéo léo, tằn tiện chăm bẵm gia đình, vợ chồng Út Điền hài lòng với cuộc sống hiện tại, vốn liếng là thằng cu sắp tới tuổi đi học, ngoan ngoãn, rất dễ thương và căn hộ bình dân đã trả góp được hơn phân nửa.

Ông Sáu ghiền đánh bài. Mỗi lần đi đâu xa họp hành xong rồi luôn có một nhóm đệ tử các công ty con ở địa phương ngồi hầu ông tại nhà một ai đó, không thôi ở khách sạn. Út Điền ngồi coi, lâu lâu cầm bài giùm. Sẵn có khiếu nên coi riết Út biết đủ món, tay cứng nữa là khác. Sập xám có tý, xì dách hay tiến lên, đánh phỏm thì bình thường, Út còn biết đánh phé, mà đánh phé thì tay mơ khó bắt mạch được Út lắm, bài lớn nhỏ mặc, ngồi tố lúc nào cũng cười cười, tỉnh queo.
Khi thiếu tay ông Sáu kéo Út vô cho đủ tụ, còn đủ người rồi thì Út ngồi ngoài coi, lâu lâu chạy lấy nước đá, thuốc lá. Những lúc ông Sáu mệt, lúc ông đói đi dằn bụng hay đi xả e mới tới lượt Út cầm bài. Tệ nhất là khi gặp dây bài thua liền liền, hà hà cười ông nói: đổi tay xả xui, Út lên bài mậy rồi ông ra giường nằm coi ti vi. Nằm đó nhưng ông nghe hết, thấy dây còn xui thì ông lim rim như ngủ còn dây hên về thì ông nhảy xuống nói đưa tao, đưa tao. Bữa nào đánh ăn ổng cho được nhiêu hay nhiêu còn bứt trến thì Út tự móc tiền túi ra chung.
Út ghiền bài hồi nào không hay.

Chuyện xui xẻo mới xảy ra hồi đầu năm.
Một tối đi công tác Vũng Tàu, đang ngồi chơi bài như mọi khi bỗng nghe điện thoại ổng reng, rồi eo éo như là tiếng phụ nữ, ông Sáu nghe xong nói Út cầm bài giùm tao đi chút xíu về.
Đêm ấy ông không về. Một ngày xui, Út ngồi chịu trận. Đánh đến giữa khuya thì mang nợ một mớ, Út bỏ đi ngủ hứa mơi sớm về Sài Gòn em gởi tiền trả mấy anh.

Út Điền mượn đỡ ít tiền anh em trong cơ quan tính đi gỡ lại, Sài Gòn không thiếu chỗ đánh bài.
Trò bài bạc đã thua là mong gỡ, đã gỡ là đánh đúp mong gỡ nhanh, càng gỡ càng thua. Ai biết đâu nào mấy sòng bài đất Sài Gòn này nó ém bùa ngải làm sao, mới vô thì ăn đấy, rồi thua liền liền, say đòn, thua nữa, thế là nợ. Cái nợ từ người này lan tới người khác, Út dính chùm.

Cả tháng thấy chồng khang khác, cô Út hỏi xa xa lúc này bộ anh bận lắm sao, hay là có cô nào đó?... ba nó đi công tác miết nhiều lúc em thấy lo lo... Hổm rày thấy anh rầu rầu, lại ốm nữa? Hay để bữa nào nghỉ một ngày, kiếm giờ đi khám tổng quát coi coi có bịnh gì không.
Đến nước này Út Điền đành thú thiệt với vợ. Cô Út kêu trời, có chuyện vậy sao? nhiều đến vậy sao?
Anh bàn bán cái xe máy trả nợ, cô nói cái xe anh được nhiêu, sao đủ? rồi mai mốt lấy gì đi làm đây?
Tối đêm lúc con đã ngủ, cô Út nói mai sớm em điện xin công ty nghỉ phép ít ngày, sẵn cho con về quê thăm má rồi tính...

Điện thoại trên bàn bỗng réo vang, Út Điền mừng lắm, chắc chắn vợ anh rồi, cái di động anh đã tắt nhiều ngày vì sợ người ta réo nợ. Anh vồ lấy máy, là giọng cô Út chớ ai: Ba nó ở nhà mình ên sao, ngoan hén? dưới này còn đám dỗ nhà bà Tư bánh ít nên em ở thêm, bữa nay xong rồi. Con hả, con khỏe. Mọi việc em lo ổn rồi, em không cho má hay chuyện của anh, khỏi lo lắng chi hết, có lo là lo mần kiếm tiền mai mốt trả lợi má. Mà ở nhà coi chừng nhà nghe, mơi mẹ con dìa, mang khô lóc lên cho nhậu. Vậy thôi nghe.

Út Điền buông máy thở phào, lại má. Anh ứa nước mắt, ân hận.
Hồi nào tới giờ, mỗi khi vợ chồng khó khăn nhất vợ anh lại chạy về níu áo má.

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Nghêu Sò Ốc Hến.

Truyện về cô giáo của tôi và ba cậu học sinh cá biệt của lớp học tiếng Anh năm ấy. Câu chuyện có liên quan tý đến một thằng em dại nên cũng kể về cậu ấy trước.

Quốc Dũng là thằng em dại đúng nghĩa của đội chúng tôi từ hồi nhỏ xíu cho đến mãi sau này. Hồi bé lúc còn ở Hà nội khu 3B Ông Ích Khiêm, trước khi đi sơ tán cậu ta là thành viên của đám trẻ con quậy phá nhiều trò trong khu. Nhớ nhất là chuyện các cậu thường canh gác người lớn cho đám chúng tôi nhảy vào bơi lội trong hồ nước công cộng của khu tập thể. Sau này những năm cuối 80 Dũng cũng đu theo đàn anh xuống miền Tây đánh thuê cho đội tàu biển tỉnh Hậu Giang. Cậu là út trong gia đình Quốc Thái, Quốc Bình.

Năm ấy tôi và Dũng đi chung con tàu mang tên Tây Đô, chạy loanh quanh Đông Nam Á. Không nói về công việc, trong cuộc sống hàng ngày cậu thưòng vui đùa tếu táo với mọi người và lúc nào gặp cậu cũng thấy nụ cười thường trực trên môi. Cười hoài nhiều lúc coi thấy ghét nhưng khi sóng to gió lớn, say sóng mềm người nhìn cậu cười nói hay đi hầu ông anh ly cafe cũng thấy ấm lòng.

Lần ấy tàu chúng tôi trả hàng ở Penang, một hòn đảo xinh đẹp ở bờ Tây Malayxia. Như thường lệ hôm ấy Dũng rủ tôi đi bờ chơi và mua sắm trước khi về nước. Buổi chiều trôi nhanh, tôi hối cậu về cho kịp chuyến đò đại lý kẻo trễ lại tốn tiền thuê đò ngoài. Trên đường về anh em đang nói dóc, cậu bỗng tạt vào một cửa tiệm quần áo bên đường. Cậu ta thấy một chiếc áo kiểu và hỏi mua. Đứng chờ cậu ngoài cửa nghe tay chủ tiệm mập mạp người Hoa nói: thirteen còn nghe Dũng ta trả giá: twenty. Giời ạ, mới dợm bước chân vào thì nghe tay chủ tiệm cười lớn và nói cũng lớn: Oke là, oke là... Dũng đếm tiền xoẹt xoẹt rồi kéo tôi đi. Thấy cái áo cũng đẹp nghĩ mình nghe nhầm, nên thôi.
Tối đến ở câu lạc bộ dưới tàu Dũng ta mang áo ra khoe mọi người. Có cậu đầu bếp tên Hải cũng mang chiếc áo hệt vậy, chỉ khác màu: Em cũng mới mua chiếc này. Dũng hỏi nhiêu? Có 10 đồng hà. Cái miệng Dũng đang cười cười bỗng từ từ méo xẹo. Biết rồi, tôi ôm bụng mà cười, cậu quê kéo ngay về phòng nói: thằng béo này đểu anh ạ, nó lừa em. Chắc mai phải lên phố bắt đền. Tôi vẫn cười: không phải nó đểu đâu em ơi, tại mình dốt. Dốt tiếng Anh. Tao nghe rõ nó nói thớt-tin cho mày trả giá 10 đồng nó bán. Lỗ tai mày nghe thớt- ty nên mày trả giá 20 đồng, phải tao cũng sẽ oke là... chứ nói gì nó. Cậu quê bỏ đi đâu một lúc, hồi ấm ức thế nào lại sang phòng tôi thủ thỉ: anh ạ, kỳ này nghỉ phép phải đi học tiếng Anh thôi.

Mà học thật.
Sau chuyến ấy tôi và Dũng nghỉ phép. Nghề tàu biển mỗi lần nghỉ phép cũng được vài ba tháng. Nghỉ ngơi chơi một tý, rồi lo mà lấy vợ đi con ạ, ba mấy rồi! Mẹ tôi bảo tôi.

Tôi đăng ký vào học một lớp tiếng Anh ngoài giờ ở trường Lê Quí Đôn Q3. Lớp học do một ông giáo già phụ trách và có khoảng hơn hai chục học sinh. Ngoài ba học sinh lớn có tôi, một anh bạn tên Chiến đồng nghiệp nhưng ở một công ty khác và một anh đứng tuổi công tác ở Quận uỷ quận Nhất, theo như lời anh ta giới thiệu, còn hầu hết là các bạn trẻ. Ba chúng tôi ngồi bàn cuối cùng, phần vì lớn tuổi, phần do thói quen"đời chúng ta đâu có độ là ta cứ đi". Nhưng chẳng phải vì cần bằng cấp, hay lên lương lậu gì, học để có mà xài nên tôi học hành khá nghiêm túc.

Một hôm bước vào lớp không phải là ông giáo già mọi khi mà là một cô giáo trẻ. Cô dạy thay cho thày giáo già chuyển sang trường khác. Không khí ở lớp học dường như thay đổi hẳn, nhất là bàn học sinh cá biệt ở cuối lớp, ai cũng đi học đúng giờ và chẳng có ai chuồn về sớm như mọi khi.
Phải nói cô giáo mới của lớp tôi khá xinh. Cô tên Dung. Ngoài nét đáng yêu và vẻ hiền hoà của tà áo dài cô thường mặc lên lớp, giọng con gái Hà Nội lâu lắm mới được nghe nhẹ nhàng và êm ái như đã muốn hớp hồn tôi, một chàng lãng tử ngoài "băm" nhưng ham chơi quên lớn, quên cả chuyện gia đình.

Một dịp nhân ngày lễ nhà giáo, ngoài lẵng hoa của lớp học, trên bàn cô còn có một giỏ lan nhỏ của riêng tôi tặng cô. Cũng đã có những dòng suy nghĩ là lạ trong tôi.
Rồi một chiều tan lớp, chờ cho mọi người về hết, ngần ngại gặp cô, tôi đặt vấn đề cần phụ đạo về ngữ pháp. Không ngờ cô thật vui vẻ: Em còn giờ rảnh vào thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần, anh cũng cần luyện nhiều về ngữ pháp. Hay chiều thứ Bảy này anh đến đi, nhà em ở đường Nguyễn Trọng Tuyển- Phú Nhuận, anh đến hẻm Chùa đi thẳng nhà em ở cuối hẻm.

Lòng mừng khấp khởi, tôi chuẩn bị tất cả những gì có thể chuẩn bị được để thứ Bảy này đến nhà cô giáo.
Nhà cũng dễ tìm. Một căn nhà nhỏ cuối con hẻm bình dân sạch sẽ và yên bình. Nhưng... tôi bỗng chựng lại khi nghe thấy trong nhà như có tiếng người nói chuyện. Ơ kìa.., cô giáo Dung của tôi đang tay trong tay với một người, nửa như cái nắm tay thân thiết, nửa như cái bắt tay tạm biệt.., là tay cùng bàn với tôi, là tay quận uỷ chứ ai!
Như một kẻ ăn vụng sợ người ta nhìn thấy, tôi chạy trốn. Tắt máy xe tôi nhẹ nhàng dẫn bộ dông tới đầu hẻm mới dừng lại thở. Nhưng Trời ạ, lại chuyện gì ở đây thế này? Lù lù trước mặt tôi là thằng Chiến, thằng bạn học ngồi kế tôi ở lớp ngoại ngữ. Nó cười toe toét: Đằng ấy đi đâu đấy? Tôi qua loa: Tính đi phụ đạo...mà thôi... Mặt bỗng nóng ran, tôi nói như quát vào mặt nó: Mẹ kiếp, về thôi, còn may đấy. Thật... nhục hơn quan huyện rồi đạp máy xe phóng thẳng, còn kịp nghe tiếng nó: Ơ! ơ!...cái gì đấy.

Ngày hôm sau đến lớp học ba thằng bàn cuối chẳng ai nói vói nhau câu nào. Liếc ngang thấy thằng Chiến thỉnh thoảng tủm tỉm cười một mình. Giờ giải lao tôi lại gần nó: Cười cái đ. gì? Nó bỗng cười rũ ra và trở vào lớp dọn dẹp sách vở . Nó bắt tay tôi: Tớ chuồn đây. Cái bắt tay của nó nói với tôi rằng nó nghỉ học luôn.
Tôi sẽ chờ cô giáo của tôi hỏi sao Thứ Bảy không tới... nhưng khác mọi bữa, suốt buổi học cô nhìn tôi như chưa hề quen. Cuối giờ khi mọi người đã về hết tôi còn nấn ná ở bàn cuối. Cô giáo Dung của tôi từ bục giảng đi ngang qua mà như không thấy tôi. Cái mặt sường sượng của tôi như đông cứng lại.
Xếp bút nghiên, tôi bỏ luôn cái lớp học tiếng Anh mới qua được có nửa kỳ.

Cho mãi về sau này tôi vẫn không lý giải được tình huống lạ lùng xảy ra ở nhà cô giáo Dung hôm ấy. Cô giáo trẻ của tôi làm sao có thể như cô Hến được. Ừ thì một sự ngẫu nhiên của bốn con người ư? Sao lại có sự ngẫu nhiên tai hại đến thế nhỉ!
*2008

Hoa.


1. Sò đo cam (Sà đo).


2. Bò cạp nước (Bò cạp vàng).


3. Bò cạp lửa (Bò cạp đỏ).







Gởi cho Hai mấy thứ hoa và tên gọi đúng,
để cho biết với người ta.



Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Cây Sò đo cam.


Một lần đã lâu lắm, sau chuyến biển về, ngồi bờ bù khú bạn bè hết một buổi bỗng nhớ bánh canh gà, đám bạn rủ nhau tới bà Tư bánh canh lề đường Phù Kiệt, người ta đổi là đường Hải Triều hồi nào không hay. Ăn hết tô bánh canh cay xè của bà Tư tỉnh hẳn, bỗng giật mình nhìn kìa... dưới lề đường cái gì như hoa gạo, lâu thật lâu mới được nhìn thấy. Một, hai và nhiều lắm...
Nhưng không phải, nó là bông Sò đo cam, thích thú rồi tìm hiểu, rồi mới biết, tên nó là Sò đo cam.

Sò đo cam có thân gỗ cứng, cây trưởng thành vừa cho bóng mát vừa cho những chùm hoa lớn màu cam rất thích mắt. Đầu tiên bông hoa nhú lên, lớn dần thành một nụ hoa thật to có những nụ hoa ban đầu trông hệt như những yếm cua xếp đâu đầu với nhau , sau rồi từ mỗi yếm cua đó nở ra một bông hoa nên khi nở bung hết bông thì Sò đo cam phải gọi được là đại đoá. Hoa có màu cam và thường nở rất nhiều vào mùa khô.


Những năm ấy thỉnh thoảng vào chơi ở vườn ươm trong công viên Gia Định coi người ta ươm cây, nhân giống, như là một thú vui nho nhỏ. Trong khuôn viên vườn ươm có một cây Sò đo cam rất lớn, đứng từ rất xa đã nhìn thấy những chùm hoa màu vàng cam thật đẹp. Ở đó có một gia đình người làm vườn, cha mẹ và hai cậu trai vừa làm việc và sinh sống ngay tại đó. Hàng ngày thấy họ chiết ra từ cây lớn những cây con cùng lúc gieo thêm bằng nhiều hạt để nhân thêm thật nhiều Sò đo. Một thời gian sau thấy họ đã có một khoảnh vườn cây Sò đo nho nhỏ trông lạ mắt, cao chừng hai ba gang tay đã mang trên đầu mấy chùm hoa màu cam nặng trĩu. Thời đó những loại cây hoa thân gỗ như Sà đo, Bò cạp... còn hiếm thấy trên đường như bây giờ. Lâu nay ai đó có đi Đà lạt, ngang Bảo Lộc mùa này, Sò đo cam từng chùm hoa đỏ rực rỡ dọc đường.

Một thời gian, trên nền đất của vườn ươm mọc lên một ngôi trường mang tên trường trung học Phú Nhuận. Dĩ nhiên cây Sò đo cam lớn kia không còn ở đó.
Gặp lại cậu làm vườn trong một dịp tình cờ, hỏi thăm mới hay hồi đó có ai để ý đến cái cây hoa màu cam ở góc công viên ấy đâu, cậu ấy tâm sự, kể cả các xếp ở cơ quan. Họ biết gì về cây. Yêu nghề, thương cây những người làm vườn ở đây tự động nhân ra nhiều thứ cây đó rồi họ mang đi trồng ở vài khu công nghiệp, chuyển đi Vũng Tàu, Bình Dương...rồi những cây Sà đo bên Q7 ven kinh Tẻ bây giờ cũng từ cây mẹ đó mà ra. Trước lúc dời vườn đi nơi khác, nhìn cây Sò đo mẹ nằm đó một mình thấy thương, rồi đây người ta cũng chặt bỏ. Thật là may, những ngày cuối có một vị khách lạ tình cờ ghé chơi, hay chuyện hỏi mua về trồng ở vườn nhà ngoài Vũng Tàu. Em chưa khi nào đánh cái bọng cây lớn đến vậy, cậu ta cười. Đã lâu lắm rồi em không ra ngoài đó...

Trên đường đi làm thấy cây Sò đo trổ bông, dừng xe chụp lấy một bông, chợt nghĩ chắc chỉ có những cây Sò đo cam hoa đang nở rực rỡ trên nhiều nẻo đường mới hiểu tâm tình của những người thợ làm vườn.