Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Nhớ hàng Sấu đôi.

Gởi Hà Nội tuổi thơ.

Thành phố đã về khuya, trên những con đường chính vẫn còn ồn ã người và xe cộ nhưng trong những con hẻm nhỏ yên ả ở Sài Gòn, giờ này giấc ngủ đã về.
Nhà ai bên ấy còn chong đèn. Và câu hát của ai nhỏ nhoi trong thanh vắng, sao bỗng thấy nôn nao. "Hà Nội ơi, xanh xanh liễu rủ mặt Hồ Gươm, cô đơn Sấu rụng ngoài ngõ vắng".

Xa Hà Nội đã lâu quá rồi. Trong ký ức xa lắm, khi biết nhớ là đã yêu Hà Nội cùng những cây Sấu gắn với tuổi thơ nghịch ngợm. Và có ai động lòng khi nghe tiếng Sấu rụng ngoài ngõ vắng.

Lúc nhỏ nhà ở phố Ông Ích Khiêm, ngày xưa Hà Nội thưa vắng lắm. Một trưa hè tĩnh lặng, ta có thể nghe được tiếng Sấu rụng lẫn vào tiếng Ve kêu i a. Âm thanh lịch bịch của những trái Sấu chín vàng mọng rớt xuống sau cơn gió như một lời mời gọi.

Ven lối đi rải sỏi trắng bên trong khu nhà ở của đại sứ Tiệp Khắc, ngay góc ngã tư Lê Hồng Phong , Ông Ích Khiêm ấy, có những gốc Sấu già và có tiếng Sấu rụng. Có một đám trẻ khu 3B chờ nghe tiếng sấu rụng và còn biết rằng, ở cánh cổng sắt của khu nhà ấy có một ngăn song chui lọt để vào lối sỏi. Đứa canh me chú lính gác cho đứa nhỏ hơn chui vô lượm Sấu. Cô chủ người Tiệp trong khu nhà xinh ấy như đồng cảm với đám trẻ, lâu lâu mở cửa vẫy tay gọi vào, có lúc rảnh rỗi còn cùng nhau thưởng thức vị sấu chín, rồi cười vang thú vị. Ôi... cái vị ngọt thơm của trái Sấu chín chia nhau ấy, có bao nhiêu năm xa cũng không thể nào quên được.

Mỗi buổi sáng đi học, mẹ hay cho tiền tiêu vặt. Mua một ổ bánh mì pa tê nhỏ, rồi thế nào cũng để dành mấy xu để giờ ra chơi mua cái bánh gối hoặc xà vào chiếc xe Sấu của ông lão người Hoa trước cổng trường tiểu học Phan Chu Trinh. Những trái Sấu được ông lão chọn lựa kĩ càng, no tròn, xanh và sạch sẽ ngâm trong một quả cầu thủy tinh lớn, xung quanh một đám trẻ con xúm xít. Là món Sấu dầm đấy, hấp dẫn vô cùng, Hà Nội bây giờ biết có còn không.

Những ngày mưa to, nhiều trái Sấu cùng những cành cây khô rớt xuống đường. Mưa vừa ngớt, đám trẻ rủ nhau ra đường lượm Sấu rụng và cành cây khô về cho mẹ làm củi chụm. Nhắc nhau phải mặc áo thun lá, bỏ áo trong quần, Sấu lượm được bao nhiêu bỏ hết vô bụng áo. Có bạn lượm được nhiều, lặc lè, lỡ may áo bung ra ngoài, hay lãng quên cúi xuống lượm củi, cả một bụng Sấu xòa ra đường, lăn đi tứ phía. Đám trẻ tụm vào tranh lượm, cãi nhau chí chóe. Vui vậy thôi chớ hồi sau về nhà lại tụm nhau chia phần cho bạn.

Bọn con gái thì khéo và cầu kì hơn. Chúng gọt vỏ, cắt Sấu theo những vòng tròn, ngâm trong chén nước mắm đường tới lúc ngấm rồi mới ăn. Nếu có nhiều Sấu, bọn chúng rửa sạch sẽ rồi ngâm với đường trong một hũ thủy tinh, kiểu làm si rô Sấu, để dành làm thứ nước giải khát gia đình suốt mùa Hè.

Còn ô mai Sấu hay món Sấu xào lại là những món ăn vui vui, dễ thương và dễ nhớ của các cô gái Hà Nội. Nó còn là món quà Hà Nội mang đi khắp mọi miền.

Mỗi năm , nhìn trái Sấu đầu mùa là nhớ món canh sườn non hay thịt heo nạc nấu với Sấu. Và đôi lúc thèm quay quắt món thịt Vịt om Sấu, ăn chung với bún mẹ nấu khi xưa. Hoặc giản đơn thôi, bữa cơm trưa Chủ nhật chợt thèm một tô nước rau muống dầm thêm vài ba trái Sấu xanh.
Cũng bởi nhớ nên mỗi mùa Sấu về, ngăn đá tủ lạnh ở Sài Gòn nhiều năm nay đã biết trữ lấy thứ trái cây mà vắng nó, lâu lâu khiến người ta cứ phải nhớ.

Có một con phố rất riêng, hai hàng Sấu chạy dài tăm tắp trên lề đường, ở phía bên nhà số chẵn. Đó là phố Phan Đình Phùng Hà Nội. Mỗi dịp về thăm Hà Nội là ai đó phải ráng một lần đi dọc con đường xưa, là đi bộ dưới bóng lá của hàng Sấu đôi ấy.

Lúc lớn hơn, nhà chuyển về phố Lý Nam Đế, học trường Chu Văn An. Sáng sáng đi học trên đường Phan Đình Phùng dưới hai hàng Sấu còn ướt sương đêm, cúi lượm một vài xác Ve lột muộn bên gốc Sấu, và bỏ vào một ngăn riêng trong cặp sách.
Đi hết con đường Sấu đôi, bước sang bên kia ngắm mặt nước Hồ Tây mờ sương là sắp tới cổng trường. Ngôi trường Chu Văn An Hà Nội cổ kính nằm bên mép nước Hồ Tây lung linh.

Rồi hàng Sấu đôi che nắng trưa hè đường về, bóng lá xum xuê, mát rượi. Những cạnh rễ thật to chia ra bao quanh thân cây và có những đường rễ chạy ngoằn ngoèo trên mặt đất. Đường học về nhảy cóc trên những cọc rễ đâm lên của các bác Sấu, để mau về nhà.

Có một năm nào đó ra thăm Hà Nội, đi lại trên con đường ấy, thấy người ta đã láng xi măng sát tới gần gốc Sấu, sao lại thế nhỉ, chắc họ không biết là sẽ chẳng còn chỗ đâu cho rễ Sấu thở.
Ở nơi rễ thở ấy, là những khoảnh đất cho Ve sầu sinh nở. Khi quanh đám rễ của bác Sấu già đùn lên những đụn đất nhỏ tươi ươn ướt, trong mỗi đụn đất ấy có một chú ấu trùng, chờ đến tối đêm nó bò lên thân bác Sấu già, lột vỏ ra trở thành chú Ve. Lại chờ cho đôi cánh khô đi, hút ít sương đêm cho đầy bọng phấn, chú Ve bò lên cành cao rỉ rả gọi hè.

Hai hàng cây đứng đó đã bao năm rồi không biết. Lúc nhỏ đi bắt Ve sầu trên cây, thấy các bác Sấu đã già lắm rồi. Tới giờ thêm mấy chục năm, hàng Sấu đôi vẫn già như thế, không lớn thêm nhiều, không đổi thay lòng.
Vẫn hàng năm lá rụng vàng dọc đường đi bộ, cho các chị công nhân mỗi chiều quét lá vất vả xạc xào. Bù lại, tới mùa trổ bông, năm nao hàng cây cũng đều đặn cho những chùm hoa lớn với những hoa Sấu nhỏ lấm tấm trên đầu ngọn cành cao. Để rồi kết trái, cho người Hà Nội và để năm nào cũng có ít trái gởi vô Sài Gòn, là trái Sấu đường Phan Đình Phùng đó... và để cho ai cứ mãi nhớ nhung.

26 nhận xét:

  1. Đọc bác viết mà muốn ra HN một lần quá bác ơi.
    Thèm sấu ngâm và canh chua sườn nữa, hổng lẽ lại mò ra hương xưa ăn :(

    Trả lờiXóa
  2. Có đường Hoàng Diệu cắt Phan Đình Phùng nữa, giờ vẫn có hàng sấu già hai bên đường. Lana mỗi ngày đi làm qua Hoàng Diệu rồi chạy dọc Phan Đình Phùng, dưới tán lá xanh mát, chưa đi xa mà đôi khi đã nhớ hai hàng Sấu già.

    Trả lờiXóa
  3. Trên đường Hoàng Diệu là xà cừ chị Lana ơi, sấu ở Trần Phú cắt với Hoàng Diệu.
    Không gian tuổi thơ của ai cũng đẹp, nhưng của bác Đỗ lại ở chỗ đẹp nhất của thủ đô rồi.
    Em có gần 5 năm đi bộ mỗi chiều ở những góc phố bác Đỗ nhắc tên, nay mạo muội mang ra đây cùng chia sẻ, Hà Nội nhé:

    http://nguoilavuaden.blogspot.com/2009/11/pho-ta-qua.html

    Trả lờiXóa
  4. @NLVD:Sao lại Trần phú cắt với Hoàng Diệu được.Đường Trần Phú chỉ dài lên tới ngã ba Trần Phú và Điện Biên Phủ thôi.
    @Mía:Hương xưa không phải người Hà nội nấu.Hãy thử ghé Hà Nội quán năm trên đường Trương Định q3.

    Trả lờiXóa
  5. -Mía,
    Chưa ra Hà Nội một lần sao? Thế là thiệt thòi đấy. Nếu thích canh sấu, bữa nào có giờ rủ bạn đi ăn nhé.

    Trả lờiXóa
  6. -Lana,
    Bạn cũng đi làm mỗi ngày dọc hàng Sấu đôi đấy sao? Không biết nó đã bao nhiêu tuổi. Mong người ta đừng đụng tới nó.
    Đi xa rồi mới thấy nhớ hơn bạn ơi.

    Trả lờiXóa
  7. -AK7,
    Xa Hà Nội lâu nên bạn quên đó, bạn chỉ nghĩ khu Hoàng thành. Đường Trần Phú dài, qua vườn hoa Canh Nông là cắt H.Diệu, tới vườn hoa Tập kèn mới hết đường Trần Phú mà.

    Trả lờiXóa
  8. -NLVD,
    Chào bạn ghé thăm.
    Ngày trước Hà Nội vắng người, hiếm thấy xe máy ngoài đường, ô tô thi thoảng, nên nhẹ nhàng và đẹp. Và cũng đồng ý khu vực Ba Đình quanh Hồ Tây là đẹp.
    Để tôi sẽ ghé đọc bên bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  9. em thấy trong siêu thị có bán trái sấu đó. Nhưng mà ngoài món sấu là với nước rau muống làm canh thì em khg biết chế biến gì khác hết.
    Em cũng chưa ra HN một lần nào. Sẽ đi, sẽ đi và đến thăm hàng sấu đôi ấy!

    Trả lờiXóa
  10. Một bài viết rất hay. Phải yêu HN lắm, nhiều kỷ niệm với HN lắm mới viết rung động được như vậy. Cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  11. Èo,đúng là lẫn rồi.Xin lỗi bạn NLVD nha.

    Trả lờiXóa
  12. -BQ ơi,
    Mình không rành làm bếp, nhưng gõ ông Sấu là ra cách nấu ăn đấy.
    Bạn có giờ đi chơi Hà Nội mùa này thích lắm.

    Trả lờiXóa
  13. -VMC,
    Đúng là yêu HN lắm.
    Anh bạn AK7 mới nhắc chuyện, ngày mưa bão, sấu rụng là đám trẻ mặc áo may ô quần đùi ra đường. Lượm sấu bỏ đầy bụng áo may ô mới về.
    Bữa qua đăng bài rồi không có hình minh họa, alu kêu người bạn ngoài HN tới đường Sấu đôi chụp giùm tấm hình gởi vô, coi hàng Sấu đôi giờ sao, khg thích xài hình internet.
    Mà tôi nhớ hình như HN có mỗi hàng Sấu đôi ở đường PĐP phải không nhỉ.

    Trả lờiXóa
  14. @NLVD: Chị có lần đi dọc Hoàng Diệu và thấy người ta trèo hái sấu. Chắc hôm nay trên đường về sẽ dừng kiểm tra cho chắc rồi cá độ ốc với NLVD. hihi.

    Trả lờiXóa
  15. -Lana,
    Đọc bài Phố của NLVD rồi, người ta dạo và quan sát kỹ lắm. Ở đường HD nhớ là chỉ có xà cừ lớn thiệt lớn. Và có cả một hàng xà cừ lớn ở giữa đường. Cũng là một con đường rất riêng đấy.

    Trả lờiXóa
  16. é é, cả bác AK7 cũng khao ốc em đê:D

    Trả lờiXóa
  17. @NLVD:He he!Đúng là xấu hổ thiệt,ai đời mang tiếng gốc dân Hà nội những sáu,bảy đời(Tớ gốc quê Thanh Trì).Còn Ốc là chuyện nhỏ,tớ có lòng NLVD có bụng heng.Cho cái hẹn(qua ĐN) đi!

    Trả lờiXóa
  18. Sấu tươi ngâm nước đường chấm với muối ớt chỉ có mùa hè HN.
    Sấu dầm nước luộc rau muống, dầm thêm trái cà chua vào, chỉ cần nhiêu đó và một chén nước mắm sống dằm ớt cay, ăn cả được 4 chén cơm.
    Ô mai Sấu, Moon buồn nhất khoản này, xưa ở Hai Bà Trưng gần cầu Kiệu (cũng gần nhà moon) có ô mai Thuốc Cam Hàng Bạc (gốc HN) cái món ô mai sấu ở đó ngon không thể tả, chua chua ngọt ngọt thơm mùi gừng. Giờ ra HN, đi khắp nơi vẫn không có chổ nào có món ô mai sấu ngon như vậy
    Có chị bạn thân gửi vào, ngon nhưng là một vị khác...
    Vậy mới biết, có những hương vị ngày xưa, giờ muốn tìm lại cũng không được...
    Thương nhất ở Hà Nội, chính là sấu đó bác ơi.

    Trả lờiXóa
  19. -Ơ Moon,
    Vậy ra bạn cũng rành Sấu và rau muống luộc, rồi cả ô mai Sấu vậy sao?
    Còn Sấu tươi ngâm nước đường (hay ngâm cam thảo hay gì đó hổng biết) là món Sấu dầm đó. Người Hoa ở HN ngày trước làm ngon lắm, con nít mê tít thôi.

    Trả lờiXóa
  20. S.dụng hình này cho đẹp. Nếu VNQ có giờ chụp cho một hình khác, ở đầu Hòe Nhai gốc bự hơn nhé.

    Trả lờiXóa
  21. Trần Tiến có bài hát: Hà Nội những năm 2000 đấy: Kìa trái sấu chín đang lăn trên hè: Em đi về phía tôi.Hà Nội ơi!
    Lại có:Trẻ em không còn ăn xin, tàu điện lại kêu leng keng, cụ ông và cụ bà ngồi ven hồ nhìn ...nhớ tuổi thanh niên nữa đấy.Oi hàng sấu đôi.Ôi xếp hàng đôi.Ôi một chứ ĐÔI

    Trả lờiXóa
  22. Em cũng đã nghe bài này, nghe vui vui.

    Trả lờiXóa
  23. Ngay xua voi nhung ky niem thoi tho au se mai mai theo ta di het cuoc doi. Cam on anh voi bai viet that hay, that sac sao, de moi khi doc ta lai nho ve tuoi tho, nho ve nhung goc pho con duong Ha Noi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa không biết nhà bạn HT ở phố nào nhỉ.

      Xóa
  24. Con phố hôm nay
    chạy dài 
    theo nỗi nhớ

    Tiếng bước chân buồn
    côi cút 
    gió lang thang

    Hàng sấu lặng yên
    se sắt
    trút lá vàng

    Trong tiếng mưa rơi
    lặng thầm
    đêm trở lạnh

    Hoang Truc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phố phường Hà Nội thuở tuổi còn đi học, ve râm ran những trưa Hè bạn HT còn nhớ không?

      Xóa