Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Tết với người quê.


Vợ chồng bạn nói với nhau, ngày giáp Tết chộn rộn, xe đò vội vã, chen chúc, cô ấy còn hai đứa con gái nhỏ sao lấn được với người ta, tội nghiệp. Hay là bố cháu lấy xe chở mẹ con tụi nó về, Vĩnh Long đây đó có bao nhiêu xa. Thế là hai gã xách xe đi. Lúc này không bận bịu việc chi, vợ con kế bên không có, mèo chó cũng không nuôi, bếp nguội sẵn rồi, ngày Tết cũng giống ngày thường, hú nhau là đi thôi, quen rồi.
Hiếm có người nào tận tâm thương người giống vợ chồng nhà gã, hai chín Tết rồi vợ còn kêu chồng lao ra ngoài đường chở mẹ con người giúp việc về quê ăn Tết, mà phải chở về tới tận nhà nghe. Cô gái ấy quê miền Tây lên Sài Gòn phụ việc nhà cho người ta. Được cái siêng năng, làm đâu gọn đó, sạch sẽ hơn người nên giới thiệu qua lại, cô có việc làm phụ việc nhà theo giờ hàng ngày cho ba bốn hộ trong khu đô thị, tằn tiện chắc cũng tạm tạm trả tiền thuê nhà, sinh hoạt cho cả nhà và nuôi hai đứa con nhỏ đang đua học với con trẻ thành phố, đứa lớp bảy đứa lớp một.

Ngày giáp Tết về miền Tây, ngoại trừ cầu An Hữu gần ngã ba còn dở dang, những cây cầu khác làm thêm cho hai tuyến trên đường đi về miền Tây đã thông, người quê đã về ăn Tết với gia đình bớt dần từ mấy bữa trước nên đường xá cũng thư thả ngày cuối năm cạn. Rất nhiều người trở về quê bằng xe hai bánh, lâu lâu một chiếc xe đò ào ào như vẫn thế và khó chịu hơn cả là mấy xe biển xanh, xe 80 của mấy quan giành đường chạy như ăn cướp. Còn các chú phú lít ngày cuối năm vẫn tận tình rình cả xe hơi xe máy, tốc độ hay lấn tuyến ở mọi ngả đường.

Đường lộ lớn cách nhà còn một khúc. Tới nơi gởi xe lối xóm ngoài lộ chính, thấy mấy xe máy đã chờ sẵn để chở vô nhà.  Một con lộ nhỏ ven làng quê đã đúc bê tông bằng đóng góp chung của mọi nhà. Hương quê  nhè nhẹ, nhà cửa người quê be bé bên ruộng lúa xanh ngát đang thì con gái. Thời tiết năm nay lạnh bất thường lại kéo dài, mai vàng trong vườn nhà nhiều lắm nhưng không có được mấy nụ bông. Nhà cửa đã sửa soạn đón Tết, bàn ghế đã bày sẵn trải khăn. Người quê bảo, ở dưới này từ hai tám là từng nhà lai rai cúng rước ông bà về ăn Tết được rồi, nhà trước nhà sau không cứ phải là chiều ba mươi đặng lối xóm còn chạy qua chạy lại với nhau, tìm chung rượu kiếm cớ nói chuyện ngày cuối năm chớ.

Mấy thanh niên thấy khách thành phố về, đứa chạy vội đi kéo về hai thùng Sài Gòn xanh nhỏ thứ đặc biệt, đứa mang lên hai con cá lóc đồng rọng sẵn trong lu mang nướng, đứa vô bếp xào nấu, không lâu xong tiệc nhậu. Người quê vốn luôn hiếu khách như thế.
Đám nhỏ thành phố về lâu mới gặp lại em út bạn bè mừng rỡ chạy chơi lăng xăng đâu đó, mấy người nữ lui cui dưới bếp còn đàn ông kéo nhau nhập tiệc. Ái ngại với mấy thùng bia, mấy trăm ngàn của người quê là nhiều chớ không ít, trả lại người ta đi, để tiền xài Tết, nói người thành phố về sông ăn cá là quý rồi, muốn uống rượu đế chớ không uống bia. Rượu đế pha nếp than, nhạt nhưng ở nhà làm được, uống vô lâu say nhưng nhẹ lòng.
Những câu chuyện quê quanh mâm cơm ngày cuối năm với những tiếng cười rổn rảng, những ngôn từ miền Tây đậm dân dã, chuyện cực nhọc pha với hài hước của mỗi người đi làm ăn xa về với người ở lại, vô tư, vui vui nhưng đăng đắng vương theo mỗi bước gian truân. Bàn rượu có bấy nhiêu người mà đã quá nhiều công việc mưu sinh đời thường. Người quê ở lại thì cả năm loanh quanh chăm thêm đàn gà đàn vịt hay một hai con bò kiếm chút thu nhập ít ỏi bởi đồng đất không sinh thêm ra và cả nhà bấy nhiêu người còn được vài ba công ruộng. Người quê lên thành phố làm từ phu hồ, lái xe thuê, người giúp việc nhà hay bốc vác ở cảng, xoay vần với cuộc sống nhiều vất vả và hầu như ai cũng còn nghèo lắm. Nỗi lo mưu sinh nhưng phớt đời của người miền Tây bên trong những câu chuyện quê mộc mạc ấy làm cho lòng dịu lại, và ai đó học được ở người quê biết quên những chuyện đời nhiễu nhương, biết cho qua vất vả và những muộn phiền không đáng. Rồi một năm cũng qua đi.

Nhớ con cá lóc đồng miền Tây. Thứ con cá lóc đồng nơi đây, lóc bắt trong ruộng trong rạch mùa này ủ trứng cho sinh nở tháng Tư, đầu nhọn nho nhỏ thôi mang nướng với lửa rơm, thịt dai thơm mà ngọt ngay khác hẳn con cá nuôi. Cái bộ đồ lòng con cá lóc đồng ấy, chủ nhà dành riêng cho anh Hai, anh Ba trên thành phố về, nó sắt lại, dai dai và béo ngậy, cái vị đăng đắng nhân nhẫn ấy thì chỉ có về quê mới kiếm ra. Chủ nhà chiêu cho một ly đế xây chừng, chỉ cắn mỗi lần một miếng nhỏ từ cái bao tử, lượm thêm miếng muối hột bỏ miệng nhâm nhi, ở thành phố không có mồi nem công chả phượng nào sánh được.
Ngày giáp Tết được về đối ẩm với người quê để Tết về cứ nhớ tới người quê và cảnh quê, nhớ niềm vui gia đình xum vầy ngày cuối năm, nhớ tấm lòng cùng những nụ cười quê chân thật và cái cách gì đó, để biết cho qua những vất vả của cuộc sống này và những muộn phiền không đáng.

Cảnh quê ngày Tết.
Sài Gòn, nam thanh nữ tú, Tết ở khu Phú Mỹ Hưng Q7

14 nhận xét:

  1. Anh nhắc đến cá lóc đồng ở miền tây làm thèm quá, phải nói là ngon tuyệt vời, người dân miền tây thì hiếu khách dể thương vô cùng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bàn nhậu là những người lần đầu tiên gặp mặt, nhưng người miền Tây hiếu khách, trò chuyện cởi mở như thân tình đã lâu. BK thèm cá lóc đồng ở miền Tây là đúng rồi, chắc lâu quá mà.

      Xóa
  2. can nha o canh dong lua xanh biec. Nhin binh an va yen a qua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhìn màu xanh của lúa và cảm nhận yên ả của làng quê thật thú vị.

      Xóa
  3. Tết về quê là nhất rồi đó anh. Tết quê là Tết của mình.

    Trả lờiXóa
  4. Xa vợ con ngày tết thì lại được bù trừ cảnh ấm cúng chân tình như vầy nhất anhpac nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng tối ở nhà một mình thấy buồn buồn.

      Xóa
    2. Chia sẻ với nỗi lòng cuả anh. Sang bển đươc ko anh Nghia

      Xóa
    3. Cám ơn bạn, là nói vậy thôi, rồi cũng phải quen đi chớ Út.

      Xóa
  5. Vinh long ma o huyen nao vay Anh.?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về Tam Bình bạn ơi.

      Mấy bữa cuối năm rồi tính theo anh B về xứ mà anh nhiều việc nên vội đi trước. Chắc sẽ có dịp nào đó được về thăm bà cụ thì thật là vui.

      Xóa
  6. Trả lời
    1. Sau những ngày này rồi, lại mỗi người mỗi nơi một năm mới lo toan mới trong cuộc mưu sinh nhiều vất vả.

      Xóa