Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Những lão bà đường phố.

Dường như đường phố mấy bữa nay như đông vui hơn, có nhiều người mặc đẹp, có nhiều hoa, nhiều lời chúc mừng và nụ cười, mọi người mừng ngày phụ nữ.

Gió lành lạnh thổi lên từng đợt từ mé sông phía bến Bạch Đằng, len lên con dốc ngắn nơi bà lão thường đứng đó mỗi sáng sớm dưới mái tòa nhà Eden. Sài Gòn tháng Giêng vẫn còn lạnh, từ cuối năm rồi sang đầu năm nay sớm nào cũng lành lạnh. Bà lão nói chuyện, bữa nào cũng ra đây từ sớm, bữa nào bà cũng phải mặc thêm một tấm áo len mỏng nhưng vẫn còn thấy lạnh, chắc tại lớn tuổi rồi. Đứng sớm tới giờ chắc là mệt mỏi, bà lão ngồi sệt bên lề đường vội vã đứng dậy khi nghe tiếng xe máy chầm chậm dừng lại bên mình và như quán tính vói tay đưa ra xấp vé số. (Đọc thêm)
Hỏi bà lão mù nhớ tui không, bà bảo nhớ chớ, cậu Hai chạy mô tô, Tết năm rồi chia bà cháu tui con gà. Nhớ bữa trong năm cậu Hai ghé, còn nhiêu vé lấy hết cho bà lão đi về sớm, còn chở tui ra bến xe nữa. Mắc cười bữa đó các cô các chị bán hàng rong bến xe bus thấy có người lạ chở ra bến ồ lên, cậu Hai giỡn mới trúng độc đắc, ai cũng hỏi được nhiêu nhiêu, kì này bà lão ngon rồi nghe.
Bà lão nói trời thương cho mình còn khỏe, vẫn bán vé số mỗi ngày nuôi mình và nuôi đứa cháu ngoại. Bà than thở thằng cháu học hết lớp ở trường Tình thương bên nhà thờ, năm rồi nghỉ và xin đi làm được mấy bữa, nhưng cũng chỉ mấy bữa rồi nghỉ, không có nghề chỉ để người ta sai vặt, rồi ma cũ nạt ma mới, bị người ta ăn hiếp hoài, nó chán bỏ việc nằm nhà thì bà lại nuôi chớ ai, cậu Hai thương coi có việc gì làm xin cho nó.

Những người nữ ấy bao năm qua mưu sinh trên lề đường, họ đã già đi nhanh quá. Những lão bà đường phố, kêu họ vậy tại bởi biết họ và chỉ gặp họ trên đường phố, có những người gặp từ thuở còn trai tráng đi biển, đường lên xuống cảng là đi qua những con đường đó, là gặp họ dài dài từ đó giờ mấy mươi năm có, họ bây giờ đã là những bà lão đường phố. Từ những năm đó tới năm nay vẫn thế, những năm tháng đời người nơi góc phố.
Đảo một vòng những con đường, năm nay bà Hai già ham việc đã nghỉ, con cái bắt bà phải về không cho ra phố bán nữa. Nhớ bà với những viên kẹo nhỏ chia cho đám nhỏ mỗi lần ghé mua vé số. Bầy se sẻ và bồ câu chắc hết đáp xuống chơi nơi này rồi vì không còn có bà mỗi chiều cho chim ăn.
Bà Hai nghỉ bán vé số ở góc phố này thì  lại có thêm nhiều bà Hai khác thế chỗ. Sài Gòn nắng như thế, mấy lão bà vẫn xoay quanh bóng cây bên lề với những xấp vé số mỗi ngày.

Một bữa bỗng thèm bún chả Xuân Tứ, xách xe chạy tuốt lên Tân Bình. Quán vắng, thấy một bà lão ngồi bên kia cứ nhìn mình ăn, ăn uống kiểu này thấy không đặng bèn kêu một phần bún chả cho bà. Bà lão móm mém bảo không ăn được đâu, chỉ ăn cháo được thôi. Hổng biết làm sao, thôi gởi bà chút ít hồi ăn cháo.
Nhận tờ giấy bạc, bà lão cười móm, kể, quê hương tận ngoài Nghệ An. Chồng chết rồi con chết rồi ở một mình. Buồn chán bỏ xứ đi ít lâu, quay về thì ruộng đất người ta lấy mất từ hồi nào không hay. Lại bỏ đi, là đi hẳn. Bà kể đi thuê nhà trọ ở bên Tân Phú, mỗi ngày qua lại nơi này, động chân động tay lau cái bàn cái ghế, ai thương người ta cho tiền, tôi chỉ ăn cháo được thôi. Cứ sống thế qua ngày, bà bảo, biết làm sao khác được.
Lâu nay ít lên phố, nhưng mỗi lần đi, nhìn đâu đó thường thấy những cảnh đời người cơ cực, đăng đắng lòng.

Bữa qua bữa nay nhiều nơi người ta mít tinh, nơi công sở đi làm sớm ăn mặc đẹp, để trưa để chiều sẽ còn đi nhà hàng mừng ngày phụ nữ, rồi những đôi lứa có dịp đi chơi và bày tỏ tình cảm, thật may mắn nhằm ngày nghỉ cuối tuần. Trên đường phố bày bán hoa nhiều lắm, và có nhiều nơi bán hoa. Hoa nơi cửa chợ, hoa trên lề đường, khắp nơi, hoa lẵng, hoa bông lẻ, để đám trẻ chúc mừng nhau, chúc cho những người nữ. Nhưng mấy lão bà đường phố có để ý đến ngày này và họ có nhận được những lời chúc mừng không biết nữa. Với họ, nhiều người vẫn chỉ là một ngày bình thường trong cuộc mưu sinh, những ngày lầm lủi mong xấp vé số vơi dần, những gánh hàng rong mong nhẹ gánh trên vai. Và sợ với họ, một bông hồng có khi như là một sự sa xỉ và hoang phí lắm.

28 nhận xét:

  1. Thương quá những người nghèo ở xứ mình, nhất là các cụ già.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người già rất nhiều người nghèo lắm, thường vẫn lao động tự nuôi sống mình và còn phụ cho con cháu. Như là họ lao động hết cả cuộc đời.

      Xóa
  2. "mỗi lần đi, nhìn đâu đó thường thấy những cảnh đời người cơ cực, đăng đắng lòng", ai cũng quan sát cuộc đời với tấm lòng như đại ca thì dân tình sẽ đỡ lắm, và đất nước sẽ chóng phát triển. Chỉ tiếc người giàu lòng nhân ái thì nghèo tiền bạc và quyền lực, người có quyền lực thì thường quá bận rộn, không nhìn được thấu cái nỗi của nhân gian! :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bận rộn một phần, nhưng họ hô hào khẩu hiệu thôi chứ không biết quan tâm tới dân sinh, không làm được những chính sách thiết thực cho người nghèo, người dân người già nghèo khó bao năm tự lo hạnh phúc chớ trông cậy vào ai được.

      Xóa
  3. Đúng vậy anh, một bông hồng là rất xa xỉ đối với họ. Chắc họ không biết 8/3 là gì.
    Về những vùng quê, nhìn người phụ nữ thương lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Ừa bạn Trăng, về những vùng quê còn gặp nhiều người nữ cơ cực nữa, nhất là những người già và neo đơn.

    Trả lờiXóa
  5. Thật ra PN VN cực ghê lắm, nhất là ở vùng nông thôn, còn chẳng được tôn trọng, chẳng được tự do..và...Rất ít người PN được chia sẻ trong cuộc sống. Về già lại chẳng được chăm sóc phải bươn bả kiếm ăn. Thương lắm bao hoàn cảnh trong cuộc đời này, em rất đồng cảm với bài anh viết.

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn Út. Ngày 8 tháng Ba viết bài này là muốn chia sẻ cùng những người phụ nữ, chỉ biết lo làm ăn, lo cho chồng con suốt đời. Cũng muốn gởi gắm một chút suy nghĩ cho đám nhỏ ở nhà.

    Trả lờiXóa
  7. từ thời trai trẻ đi biển lận....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừa GUY, có lão bà gặp họ mua vé số từ thời chưa có "dzợ" lận...

      Xóa
  8. "Người con gái Việt Nam da vàng".

    Trả lờiXóa
  9. "Cô gái Việt Nam ơi!
    Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
    ..........
    Cô gái Việt Nam ơi
    Nếu chữ "hy sinh" có ở đời
    Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
    Cho lòng cô gái Việt Nam tươi"

    Trả lờiXóa
  10. em muốn viết thử vài dòng

    Trả lờiXóa
  11. Không biết con cái đâu hết mà để những bà già phải lang thang kiếm sống như vậy.
    Cắm ghép Implant

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết an sinh xã hội và đầy tớ nhân dân mấy mươi năm nay đi đâu hết để những bà già tự lo hạnh phúc ấy chớ.

      Xóa
  12. Hix... Không mong chính quyền sớm Bit, chỉ mong nhiều đấng Nam nhi đọc bài và Chuyển đổi suy nghĩ , năng động hơn trong chính gia đình mình thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn, độc lập tự lo hạnh phúc mà.

      Xóa
  13. Bác ui, dzô điểm danh là có đọc bài này rồi, nhiều lần lắm rồi nghen bác. Nên giờ bác cho đọc bài mới được hông bác ? :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhắc nhở phải không bạn. Cả tháng lu bu và thiếu hứng thú nói dóc hay tâm sự nên chỉ coi báo và coi bài của mọi người. Các bạn mình lúc này thấy hình như ai cũng biếng hết.

      Xóa
  14. Lâu rồi mới đọc trang văn
    Của chàng lính biển từ hồi chưa dzơ
    Thương cho ngày tám tháng ba
    Mà bạn tôi chỉ nhìn hoa thẫn thờ
    Chẳng thấy đẹp chẳng thấy thơ
    Chỉ thấy bóng Mẹ dật dờ ngồi quanh
    Chỉ thấy quang gánh đồng hành
    Cả cuộc đời Mẹ tấm tranh phận nghèo
    Xấp vé số mỏng tèo teo
    Nâng lên đặt xuống ngóng theo bóng người
    Ước chi có một nụ cười
    Đi theo Mẹ mãi như ngày.... " trúng lô"
    Giả vờ như thật như mơ
    Biết đâu rồi chuyện chẳng ngờ hiển linh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời còm của anh hay quá, cám ơn anh.
      Ngày 8 tháng Ba thấy thương những người nữ lao động vất vả. Bữa ấy cũng ra mua vé số chớ, mà hổng trúng một số nào hết, he he...

      Xóa
  15. Bài viết rất hay! Cảm ơn bạn đã chia sẻ.

    Trả lờiXóa