Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Bạn lề đường.

Một sáng đi làm sớm hơn mọi khi đặng ghé anh Sáu hải quân sửa sang sắc đẹp. Một góc phố quen bữa nay vắng hoe trống trải, dọc bên lề đường ấy không còn bóng một chiếc ghế hớt tóc.

Mọi sáng, khi nắng sớm hắt lên từ sông Sài Gòn phía bến Bạch Đằng, ai đi qua góc phố này là gặp một xóm nhỏ hớt tóc lề đường, nằm ở đó từ bao giờ không biết. Sát bờ tường của cao ốc đang xây là mấy chiếc ghế xoay hớt tóc, mấy cái kiếng soi và thấp thoáng bóng mấy anh thợ cạo hiền lành. Tuổi cỡ sáu chục như anh Sáu là lớn nhất, người trung trung, người trẻ hơn một ít, người miền Tây, người Sài Gòn, người xứ Nghệ, Hải Phòng... Ai có khách thì cắm cúi lạch xạch tay kéo, những người còn lại chưa có khách thì yên lặng ngồi đọc báo, thỉnh thoảng một đôi câu qua lại đàm luận tin chính sự xã hội, thật trật tự yên bình.

Ở một góc kia có bóng ai đang lui cui với cây chổi đót. Lại gần ra là anh Sáu, anh đang loanh quanh quét rác bên gốc cây Goòng của anh trồng năm nào.
- Bị người ta "dzịn" mất hết rồi phải không?
Anh Sáu ngẩng lên, thấy người quen, anh cười nhẹ, hơi buồn buồn:
- Ờ, họ lấy đi hết rồi. Không được đặt ghế hớt tóc ở đây nữa. Họ nói phường khóm đã đăng kí khu phố sạch đẹp! Không để được những chiếc ghế mất văn hóa ở đây nên họ dẹp hết rồi.

Biết là thế nào cũng có ngày này nhưng không nghĩ là sớm vậy. Chắc là khi tòa cao ốc bên này xây xong, cầu cũng phải hai năm nữa, thì mới tính chuyện đi kiếm một nơi nào khác. Nhớ một lần nào đó ngồi hớt tóc hỏi chuyện, anh nói vậy. Anh Sáu bấm đốt ngón tay tính thời gian làm việc ở đây, nói đúng là hớt tóc ở cái lề đường này, vậy mà đã mười mấy năm rồi đó.

Cuối năm, tính kiếm ít tiền để dành tiêu Tết, rồi mua quà cho cháu nội năm mới mà móm rồi, anh Sáu cười. Yên lặng một lúc rồi anh nói với bạn, như tự nói với mình, giá mà phường khóm người ta quan tâm, tổ chức quy củ lại, hoặc để mình tự tổ chức cũng được, như ngoài An Dương Hải Phòng ấy, thấy người ta làm hay lắm, đẹp đẽ, lịch sự, văn hóa, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân, rồi thu thuế, có phải hay biết bao.
Anh Sáu hình dung ra một dãy phố có những chiếc ghế hớt tóc bên những chiếc dù đồng màu, một dãy thẳng băng sạch sẽ lịch sự, những người hớt tóc cũng ăn bận đồng phục, áo bỏ trong thùng, lịch sự ân cần với khách, đó là khu phố văn hóa đấy chớ.
Anh lại cười, hớt tóc tai, cạo râu ria làm đẹp cho người là làm đẹp cho đời, cũng là văn hóa chớ...

Một bà mẹ chở con trờ tới, hỏi thăm mấy câu rồi dợm chạy xe đi, thằng nhỏ nhất định không chịu, con muốn hớt tóc ở đây kìa. Anh Sáu lại gần xoa đầu nó, nhẹ nhàng, nghe mẹ hớt đỡ đâu đó một bữa, kì sau ông sẽ hớt cho con, nghe lời đi con ngoan.

Anh Sáu nói chuyện người này về miền Tây đổi nghề khác, còn cậu ngồi góc kia thì về Vinh rồi, nghe nói mở tiệm hớt tóc ngay nhà vợ, cũng đông khách lên dần, mừng cho nó. Hỏi anh, anh nói chừng nào kiếm được nơi làm việc tiếp anh sẽ điện thoại. Nghe chừng anh còn lưu luyến nơi này lắm, khung cảnh quen thuộc và những khách hàng quen đã bấy nhiêu năm.

Cây Goòng anh Sáu trồng ở một góc lề đường năm nào lớn lên mau thiệt. Hơn một năm không để ý tới nó, bữa nay nhìn lại thấy cái gốc cây lớn quá chừng đi. Anh Sáu luôn rất vui khi ai đó nói chuyện về cây Goòng ấy. Anh nhắc cây như một kỉ niệm một góc đời một góc phố từ ngày tới đây dựng lên cái ghế hớt tóc.
Và giờ đây như quyến luyến cây Goòng, nhớ công việc hàng ngày nên sáng nào anh cũng ra đây, quét dọn rác và lá rụng, như muốn giữ sạch cái lề đường thân quen, rồi kéo một chiếc ghế nhựa nhỏ ngồi đọc báo bên cây Goòng.

16 nhận xét:

  1. "Không để được những chiếc ghế mất văn hóa ở đây..."
    ---
    Não nề!

    Trả lờiXóa
  2. Trái tim con người thật khổ, vì phần lớn cuộc sống buộc phải chứng kiến những mất mát, hix...

    Trả lờiXóa
  3. Không hiểu tại sao chứ tôi lại thích cái văn hóa lề đường. Hình như nó là một phần của hình ảnh SG. Giờ văn minh tiến bộ quá, mà hình như tệ nạn từ văn minh tiến bộ đó còn khó chữa hơn là mấy "chiếc ghế mất văn hóa" này nhiều.
    Sài gòn xưa gắn với hàng quán lề đường, buôn thúng bán bưng, mà lại đẹp và gần gũi.
    Chỉ tội cho những người đang cố gắng kiếm chút tiền vì năm hết Tết đến.

    Trả lờiXóa
  4. Đúng buồn cho cái sự "văn hóa" của nước nhà, chỉ toàn hình thức mà không hề quan tâm đến nội dung...

    Trả lờiXóa
  5. -Thanh,
    Biết sao được. Tại làm thảo dân mà, người ta nói sao nghe vậy.

    Trả lờiXóa
  6. -Titi,
    Bạn có thấy hình anh Sáu hàng ngày tới lui bên gốc cây quét lá dọn rác. Rồi cũng qua.

    Trả lờiXóa
  7. -Trăng Quê,
    Quán xá lề đường và hàng gánh ở đô thị, hay những chiếc xích lô đạp... khéo tổ chức thì là một nét văn hóa rất riêng của mình. Người sống đô thị đã rất gần gũi với nó, khách du lịch cũng thích thú.
    Có điều bây giờ người ta chỉ thích dẹp và cấm.

    Trả lờiXóa
  8. -Kien Con,
    Nỗi buồn văn hóa thì nhiều. Hình thức là di tích phải đập xây lại mới, làng quê xây nhà ống nhà tum, lễ hội om sòm rềnh rang... Và nội dung thì ai cũng biết rồi phải không bạn.

    Trả lờiXóa
  9. hình như khúc đường Ngô văn Năm phải không anh?

    đi ngang đã thấy và không thấy hàng hớt tóc mà không để ý đã bị dẹp

    không cái gì còn mãi nhỉ :(

    Trả lờiXóa
  10. Em nghi nhung cai dep cua sg la nhung goc duong, nhung quan via he, nhung cau chuyen ben le duong...Mat di, mat rat la lon...

    Trả lờiXóa
  11. -Guy,
    La o goc duong do do Guy. May anh tho hot toc hien lanh va vui chuyen. Tui thuong hot toc o do.

    Trả lờiXóa
  12. -Carpe Diem,
    Tui cung nghi vay. Cuoc song le duong cua SG co khi da la nep cua nguoi dan. Va nhung cau chuyen le duong goc pho SG co rat nhieu dieu hay dep.
    Hay nhat la dep chuyen le duong o mot so con duong chinh, con sap xep lai trat tu le duong se tao cong an viec lam cho biet bao nhieu nguoi.

    Trả lờiXóa
  13. Là tại vì, các bác đặt bút ký 'dẹp mấy cái ghế mất văn hóa' í, các bác í hớt tóc ở những chỗ 'văn hóa khác' kìa, không phải văn hóa của anh Sáu :(

    Trả lờiXóa
  14. -Lana,
    Ờ ha, không nghĩ ra. Và cả anh Sáu cùng mấy anh thợ hớt tóc cũng không nghĩ ra.

    Trả lờiXóa
  15. Số phận Vinaline Queen đã được biển cả định đoạt!Một thuyền viên đã được tàu Anh cứu cách nơi tàu đắm 350 km về phía Singapore.Tiếng chuông lại rung lên tại hãng bảo hiểm hàng hải Lloyd báo có 1 con tàu đắm trên thế giới.Hy vọng 23 thuyền viên còn lại xuống được phao cứu sinh?( tàu lật quá nhanh khả năng thợ máy đi ca không thoát kịp?)

    Trả lờiXóa
  16. -Còm của Dathb đã chuyển lên bài trên.

    Trả lờiXóa