Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Lại chuyện chữ nghĩa học trò.

Chuyện tuần rồi, có một bài kiểm tra môn Văn cho trò. Làm theo một yêu cầu nằm trong cuốn Ngữ văn lớp Tám, tạm kêu là đề kiểm tra đi, nó là dzầy:
"Lập bảng danh sách các nhà văn, nhà thơ quê ở thành phố, tỉnh (hoặc quận huyện) nơi em đang sinh sống theo trình tự: Họ tên, bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất) và tác phẩm chính. Chú ý: chỉ thống kê các tác giả có sáng tác trước năm 1975 ".

Là bài kiểm tra cho trò về làm ở nhà, thấy trò ngồi cắn bút. Có ai dạy cho đâu, không cắn bút mới là lạ, và cha mẹ trò phải phụ con làm bài. Trợ giúp lần thứ nhất móc điện thoại hỏi thăm mấy người quen, hổng biết. Trợ giúp lần hai chọn nhà bác Google, hổng ra. Hỏi thăm tới những bậc tiền bối văn học mới miền Nam thế kỉ trước, ông Hồ Biểu Chánh hay bà Tùng Long, các ông bà í từ chối, không, không... không có phải quê Sài Gòn, người ở dưới miền Tây, người tuốt miền Trung ngoải.
Lại còn điều kiện phải sáng tác trước 75 nữa mới khó.
Nhớ những năm còn đi học, nhóm sinh viên Hà Nội truyền tay nhau được đọc mấy cuốn sách làm người của Nguyễn Hiến Lê hay những tiểu thuyết "Điệu ru nước mắt", "Vết thù trên lưng ngựa hoang" của Duyên Anh, rồi "Loan mắt nhung" của Nguyễn Thụy Long... Trốn học mà đọc, ba bốn đứa châu đầu cùng đọc, bởi sách chỉ nằm trên tay mình được một hai giờ. Ngày ấy đã thích mê đi văn học Sài Gòn rồi.
Những tác giả ấy tuy sống Sài Gòn nhưng quê quán đâu cũng ngoải. Vả lại, những người làm văn hóa, văn học những năm ấy và sau này, mấy ảnh suy nghĩ sao xóa mất ráo văn học trước đây của Sài Gòn rồi còn đâu. Phải nói văn học Sài Gòn những năm trước kia có rất nhiều thành tựu, nếu được tập hợp tuyển chọn lại thì hay biết bao.

Lan man tí rồi trở về cái bài kiểm tra của trò lớp Tám. Ấy là nhà văn quê Sài Gòn, kiếm chưa ra, còn nhà thơ quê Sài Gòn thì chịu hẳn. Mà đề ra như vậy, đã kêu là lập "danh sách" là các trò phải kiếm cho ra cả thơ cả văn mỗi thứ ba bốn vị mới đặng.
Cha trò tìm kiếm một hồi cũng ngọng, rồi nói, hình như người Sài Gòn hồi nào giờ lo mần ăn không hà, hổng có giờ mần thơ mần văn sao á, nên kiếm ra tên nhà văn nhà thơ quê Sài Gòn sao khó quá đi. Để bữa nào mang ra bàn nhậu cuối tuần, ngồi đố khó nhau chắc là sẽ tìm được các nhà thơ, nhà văn quê Sài Gòn. Trò thành phố đã vậy, hổng biết trò ở các tỉnh khác sẽ làm bài văn này ra sao.
Không hiểu người ta nghĩ sao mà soạn ra và duyệt cái bài kiểm tra như thế cho lứa tuổi này, vừa đánh đố vừa xoáy, và chẳng để làm gì với các trò phổ thông, còn bao nhiêu thứ phải học.
Học Văn, tới giờ chắc là người ta vẫn tính "định hướng" cho đám nhỏ ngay từ tiểu học, cho nên sẽ khó lắm, cho trò phát triển và sáng tạo sau này.

Hôm rồi ngồi đọc tờ Thanh niên thấy người ta than thở việc dạy và học môn Ngữ văn của học trò bây giờ, ngay từ bậc tiểu học đã nhiều vấn đề. Thày cô nói tới cách chấm điểm trong môn Ngữ văn và những bài văn mẫu. Chấm Văn như chấm Toán, có thang điểm để chấm, đại loại như đã là tả tóc thì phải đen mượt, tả mũi thì phải là dọc dừa... Rồi chuyện sách văn mẫu, bài văn mẫu tràn ngập ngoài thị trường, hiệu sách nào không có. Học hành như vậy quả là đáng lo quá cho đám nhỏ.

Bữa ấy tan trường đã lâu,  các trò nhỏ đã lần lượt theo cha mẹ đón về nhà hết cả, cổng trường đã thưa vắng. "Ngày tháng Mười chưa cười đã tối", đường phố đã chuẩn bị lên đèn, bóng tối sụp xuống nhanh. Ở một góc sân trước cổng trường vẫn còn một nhóm nhỏ trò nữ lớp Tám đang đứng túm tụm với nhau. Chúng chỉ chịu chia tay khi ba mẹ chờ lâu ngoài cổng phải chạy tới nơi kiếm tìm. Một vài bà mẹ gắt gỏng con cái vì nỗi chờ đợi. Chợt thấy mấy đôi mắt đỏ hoe, các má lặng im. Con bé con cũng có mặt trong nhóm học trò đó.
Câu chuyện trường lớp tiếp tục trên đường về của cha con nhà kia, thì ra cũng lại chuyện Ngữ văn.
- Các con làm việc gì trong đó để các má chờ lâu quá vậy? Lần sau không nên như thế.
- À... Tại bữa nay có chuyện nên các bạn mới ở lại. Có một bạn... Mấy tụi con phải động viên bạn. Bạn ấy khóc quá trời.
- Có chuyện gì? Tại sao bạn lại khóc?
Câu chuyện của đám trò nhỏ là có một cô bạn trong khối lớp Tám. Cuối tháng Mười một vừa rồi bạn xếp loại học sinh trung bình mà không được đánh giá học sinh khá dù điểm trung bình các môn đều khá cao. Riêng môn Ngữ văn tháng rồi chỉ đạt điểm 5. Bạn rất đau khổ, bạn khóc.
- Xếp hạng trung bình không phải là xấu. Tháng tới ta sẽ ráng thêm, rồi còn thi học kì nữa, còn nhiều cơ hội sửa chữa nữa mà.
- Thì tất cả chúng con đều nói vậy với bạn, nhưng bạn vẫn khóc và còn nói chỉ muốn lao vô tường chết đi cho rồi.
- Ây dà... tầm bậy nào. Không bao giờ được có suy nghĩ đó, he he...  và tất cả mấy tụi con cũng không có xài mấy cái từ ngữ đó nghe, không nên một chút nào. - Bé con ngồi sau xe cũng he he cười theo:
- Là bạn ấy nói vậy đó. Chắc là bạn ấy sợ về nhà sẽ bị mẹ rầy la.
- Ừa, ba mẹ nào cũng có kì vọng về con cái của mình hết, mà kì vọng nhiều thứ lắm kìa. Ít nhất từ bây giờ, ai cũng muốn con cái mình, tất cả những đứa nhỏ phải học cho giỏi và ngoan. Ngoan ngoãn nghe lời thì dễ rồi, chỉ có học giỏi là hơi khó thôi.
...
Lặng yên một hồi, cô trò nhỏ khều cha nó, để ngày mai tới lớp con sẽ nói thêm với bạn ấy, là thi học kì sắp tới rồi, mà điểm học kì hệ số 2 lận. Đó là cơ hội, ráng lên một xí là qua ngưỡng khá thôi mà.

18 nhận xét:

  1. Vụ này thì em ngán nhất rồi.

    Em toàn mượn cớ con em đặc biệt để tránh không phải nhồi sọ con những thứ nặng đầu vô bổ.

    Trả lờiXóa
  2. -L2C,
    Nhưng những thứ nặng đầu vô bổ ấy nó lại nằm trong chương trình học, nằm trong sách giáo khoa của đám nhỏ thì sao con mình né được L2C ơi?

    Trả lờiXóa
  3. Em tin nhà trường nào cũng có những thầy cô có tâm (có tầm nữa). Vì thế ba của trò có lẽ nên giữ những bài văn và đề văn 'có vấn đề' đến trao đổi với nhà trường hoặc lãnh đạo bộ môn. Mình trao đổi một cách chân thành, từ tốn và mang tính xây dựng họ sẽ lắng nghe. Hy vọng sẽ điều chỉnh được gì đó, không chỉ cho trò lớp 8 mà còn cho nhiều trò sau này nữa.
    (Xin chia sẻ là Lana mới đây đã làm một việc tương tự với trường Dim Mei và kết quả khá khả quan).

    Trả lờiXóa
  4. Pác thử vào đây soi thử có không: http://nhavantphcm.com.vn/thu-vien-tac-gia.html
    Đúng là khổ cái thân bọn học trò...

    Trả lờiXóa
  5. Sao con không hỏi lại thế văn chương cộng sản hay phi cộng sản?
    Mẹ kiếp cái kiểu "ráo rục". Thú thực với bác em nói bậy vì bắt em làm bài tập về nhà kiểu này đến cụ em sống lại em cũng chả làm nổi.
    Chỉ một câu: Nơi em ở không có ai!

    Trả lờiXóa
  6. -Lana,
    Bạn sẽ không có giờ để trao đổi đâu, bởi nó có khá nhiều.
    Bài văn trên nằm trong sách ngữ văn lớp 8, toàn quốc! Khg phải nhà trường mà do những người biên soạn. Tôi nghĩ học Văn như vậy không để làm gì.

    Trả lờiXóa
  7. -Kien Con,
    Để bạn sẽ coi thử. Nhưng bài k.tra qua rồi. Cũng phải làm không thôi ăn trứng là điểm số toàn bộ kéo tụt xuống.

    Ý là cái đề ra vô lý quá.
    Đố Kiến kiếm được 4 nhà thơ quê ở Đà Lạt, 4 nhà thơ quê ở Sài Gòn, và tác phẩm của họ, đọc tên lên ai cũng gật đầu (không chơi kiểu: nhà thơ Anh Đỗ, hội viên câu lạc bộ thơ tổ 1 khu phố 2 phường 6 quận Bình thạnh đâu nhé). Tui sẽ chiêu đãi cả hội một bữa hoành tráng, không say không trả tiền, he he...

    Trả lờiXóa
  8. -Thanh,
    Đồng ý với bạn luôn: Nơi em ở không có ai. Cũng câu này tui nói với con tui tối bữa đó.
    Một đề Văn rất mắc cười phải không.

    Trả lờiXóa
  9. Tớ thì không dám bàn đến vấn đề dạy Văn, học Văn.Chỉ thấy thương học trò bây giờ. Hình như chúng nó học hơi nhiều so với mình ngày xưa. Nhưng đọng lại bao nhiêu, không ai biết...
    Cái kiểu ra đề thế này thì chắc chắn là muốn học sinh ăn hột vịt lộn thôi.

    Trả lờiXóa
  10. -Trăng Quê,
    Cải cách giáo dục, càng cải càng thua. Đúng là bọn trẻ học nhiều hơn, nhưng học nhiều cái không thiết thực, vậy nên đọng lại không bao nhiêu phải không bạn.
    Học nhiều, học chiếm hết thời gian của chúng nhưng cảm giác những kiến thức cơ bản của các môn học hay kiến thức cuộc sống, đám nhỏ càng thế hệ sau càng thiếu hụt và mất căn bản.

    Trả lờiXóa
  11. Gắn bừa đi vì đến cả thầy cô cũng ko thể nhớ nổi quê ôg nhà văn,cô nhà thơ quê ở đâu đâu.Nếu thầy cô hỏi thì bình tĩnh mà trả lời:Dạ,quê ôg nhà văn Duyên Anh ở tận Lạng sơn vì Hàng thế kỉ trước theo Chúa Nguyễn di cư vào Nam ah!
    Em sưu tầm có chiều sâu!10 điểm về chỗ!!!

    Trả lờiXóa
  12. Em đọc blog đã lâu, hôm nay xin mạn phép còm một cái ạ: em chỉ biết có cụ Vương Hồng Sển may ra có thể đủ tiêu chuẩn này, anh hỏi bác google thử coi ạ.

    Trả lờiXóa
  13. -Chào bạn Nhà Quê,
    Bác Sển có căn nhà riêng ở Bình Hòa Gia Định. Nhưng bác í quê đâu ở miền Tây chớ hổng phải dân SG.
    Cám ơn bạn ghé nhà.

    Trả lờiXóa
  14. Ai ra đề mà oái oăm rứa???

    Mà nói thiệt nha. Thấy tụi nhỏ bây giờ viết Văn mà sao 10 bài hết 9 bài rưỡi giống nhau luôn. Chắc từ những bài "văn mẫu" mà ra há. Mà khổ, đã văn mà còn ra "mẫu" nữa sao ta? Bộ có "mẫu" cho suy nghĩ luôn hả trời?

    DQ luôn nhớ cô giáo dạy Văn hồi học trung học. Cô chấm điểm không theo "văn bản", "mẫu mã" nào hết. Có nhiều khi sau khi ra đề Văn, cô lại tủm tỉm cười và làm như đoán ra luôn học trò nào sẽ viết ra sao luôn. Nhưng cuối cùng, cuộc sống của cô lại vất vả nhất và bị "đì" nhiều nhất vì đã không chịu theo "quy cách" dạy Văn thời đó hay sao á.

    Á .....nhìn lại cách học của tụi nhỏ sau này mà càng lúc càng ái ngại ghê luôn nè.

    Trả lờiXóa
  15. -Dã Quỳ,
    Đề bài in trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 8 của đám nhỏ bạn ạ.
    Học văn mẫu và "mẫu" luôn cho suy nghĩ người ta là một việc thật vô lý.
    Những phụ huynh quan tâm nhiều tới chữ nghĩa của con cái bắt đầu lo lắng rồi bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  16. em cũng ngán ngẫm lắm rồi.hơi đuối

    Trả lờiXóa
  17. -du hoc Anh,
    Ồ, Vui vẻ và ráng lên bạn ơi.

    Trả lờiXóa