Đường hoa Nguyễn Huệ những ngày giáp Tết tấp nập người ta dạo chơi. Sài gòn quanh năm mải miết lo làm ăn, hoặc không thuận trên đường đi làm hàng ngày, nên nhiều người có khi cả năm không ra tới Sài Gòn, nghĩa là không ra tới khu trung tâm thành phố. Quay đi quay lại hết năm, ráng gọn ghẽ việc nhà, tranh thủ cùng gia đình dạo chơi trên con đường hoa Nguyễn Huệ một đêm cuối năm cho thư thả lại con người.

Ở dưới hàng hiên cửa hiệu thời trang bên lề đường có một người nữ ngồi khuất sau dòng người nắm tay nhau đi chơi. Cô ấy đang mải miết vê bột nếp màu, nặn ra những con Tò he bé nhỏ xinh xinh.
Đang đi chơi với bố, Nhí chợt reo lên thích thú "tò he" và xin mua một bông hồng. Cùng xà vô hàng Tò he, bố dóc với cô hàng Tò còn Nhí ngồi chăm chú coi đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Cô tên Huệ, hay cười và rất vui chuyện. Hỏi quê đâu, cô cười, vẻ tự hào:
- Bác mà hỏi thăm mươi người Tò he thì cả mươi là người làng em đấy, làng Xuân La, Phú Xuyên. Làng nghề em ngày trước có cả trăm nhà, giờ không còn bao nhiêu người theo nghề, mà ai có làm làm nghề này cũng đi tứ xứ hết bác ơi.
Cô vê một miếng bột nhỏ màu xanh làm ống tay áo, lại một miếng bột đen nhỏ làm mái tóc, vừa đủ, không dư một chút bột nào. Đồ nghề hầu như không có gì ngoài mấy ngón tay thoăn thoắt, vậy mà nhoáng cái có một cô tiên xiêm áo tha thướt, dậy mùi nếp quê.
Cô Huệ kể: Bột nặn Tò he được cô nhồi từ bột gạo và nếp nên tò he có mùi thơm, cô trộn màu bột bằng màu phẩm chân nhang hay các thứ màu từ lá cây, lỡ con nít nghe mùi thơm, có lén ăn không có hại.

Mà phải có văn hóa mới biết lúc nào ra tò he kiểu gì. Tỉ như ti vi đang chiếu Tề thiên là nhà em cứ Tôn Ngộ Không, Bạch cốt tinh mà nặn, sắp Tết thì ông già Nô en, he he... Rồi màu sắc, áo quần sao cho hợp lý, rồi những đặc trưng của Tò he... Để làm sao cho người ta nhìn là thấy ngay, à đây là Lý Thông gian ác, Thạch Sanh khảng khái dũng cảm, nhìn vào con Tò he toát ra vẻ nghịch ngợm của Tề thiên, lão Trư ngộ nghĩnh , hài hước hay một ông già Nô en hiền lành... Nghề mà, là thế đấy bác ạ.
Bỗng có tiếng còi hoét hoét, người ta đi dẹp lề đường trước giờ khai mạc đường hoa, cô Huệ lật đật mang bàn đồ nghề nép vô một bên cánh cửa, chép miệng:
- Ở Hà Nội người ta hiểu Tò he, nên còn biết quý. Ngày Tết nhất ngồi nặn Tò he ngoài đường, không mấy khi bị đuổi, lâu lâu còn nhận được nụ cười cảm thông nhẹ vơi vất vả. Còn mấy người áo xanh áo vàng này ở Sài Gòn không có văn hóa Tò he, ngồi làm chỗ nào cũng bị đuổi, có đứa còn dọa đá bay cái bàn của nhà em chớ.
Ấy thế nhưng người Sài Gòn lại rất thích mua Tò he, chả mấy ai mặc cả, em bán Tò he con dễ mười ngàn, con khó gấp hai, bán veo veo ấy, thích lắm.
-Vậy chớ Tết không về quê ăn Tết sao?
Cô Huệ cười lớn, giọng vương chút bụi bặm, rất "luýnh":
- Ơ cái nhà bác này, Tết mà về quê thì có mà móm à? Tết mới là mùa làm ăn chứ bác, em ngồi đây mười cái Tết dư lày rồi. Nhà bác có biết không, vợ chồng nhà em chia nhau hai đầu lề đường Nguyễn Huệ, cày hết cái Tết Sài Gòn cũng kiếm khớ đấy.
Hỏi đùa đủ nhậu không, cô cười khơ khơ, ai cho nhậu, hết mùng, mất nửa tháng kiếm hăm mấy ba chục triệu chớ ít sao, để dành làm được ối việc nhớn.
Nhẩn nha một hồi, vê miếng bột, ịn vào cái lược gãy, gắn thêm bộ râu trắng cho cho tò he Nô en, cô kể chuyện tiếp:
-Ngày xưa là những phiên chợ quê trong vùng bao giờ cũng có vài hàng Tò he, rồi hội đình hội làng là phải có Tò he. Còn bây giờ là đi đến xứ người, nơi người ta đi chơi xuân, đi xem hội. Ngày thường nhà em lại ngồi trước cổng trường, bán cho học trò. Chẹp, cái nghề. Buồn vui, rảnh rang đón tàu xe lang thang đâu đó kiếm ít tiền tiêu cũng được.
Ra Giêng vợ chồng em đi tiếp lễ hội, nhiều lắm bác ơi, nơi nào cũng có. Khi nào hết hội mới về, mà đã về quê là chỉ có chơi với con với cháu thôi, không có làm việc gì hết.
Vui chuyện cô khoe, từ ngày lên ngôi Hà Nội, ruộng vườn tự nhiên lên giá, nhà nào thích thì bán, còn nhà em cứ để đó, thuê người ta làm. Nông dân bao nhiêu đời quen rồi, người sinh chứ đất có sinh đâu, để dành ruộng vườn cho con cháu. Làm người Hà Nội á, còn lâu mới được. Chúng em vẫn thích gọi Hà Tây cơ, chỉ thích là cửa ngõ thủ đô thôi.
Thấy bố con ríu rít, có vẻ ngạc nhiên cô hỏi, bố con à, bố con thật à? Nhí hồn nhiên, bố của con đó. Cô Huệ Tò he bỗng cười rũ, ối giời ơi... nhìn nhà bác kìa, còn cứng hơn cả nhà em ấy, thế mà em có cháu nội cháu ngoại bằng cần này cả rồi đấy, hơ hơ...

Chia tay, cô Huệ vẫn còn cười, nhà em tặng cho nhà bác bài thơ này mà về viết bờ nốc.
Tò he anh bán mấy đồng,
Em mua một cái cho chồng em chơi,
Chồng em đánh hỏng đánh rơi,
Em mua một cái em chơi một mình.
Thấy bố móc điện thoại tính lưu câu thơ, Nhí cười toe, khỏi, khỏi, để con nhớ bài thơ này cho bố. Nghe bố hỏi chuyện cô ấy là biết ngay thế nào bố cũng có một bài Tò he.