Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Chuyện người thợ sắt.

- Năm mới quán xá làm ăn phát tài chưa anh Hai ơi?
Mới qua Tết ít lâu, một sáng sớm chủ nhật, một chàng trai trẻ, ăn bận giản dị nhưng lịch sự, rắn rỏi và tươi cười bước vào quán. Chủ quán mất một hồi mới nhận ra vị khách ngày nào tới đây làm thợ góp công dựng quán cà phê của gia đình.
- Là Hai Thiều đó sao? Có về quê không, vô lâu mau rồi? Chà... nghỉ Tết lâu à nghen, bữa nay coi sửa soạn, nhìn hổng ra, bảnh toỏng, "ăn chơi" quá ta.
- Cho em "ăn" được thôi chớ em không dám "chơi". Năm nay làm tới cận Tết, chiều ba mươi mới được về nhà nên ra Tết nghỉ chơi cho đã. Bữa nay mới vô Sài Gòn đây. Cậu trai cười lớn,
***
Mười hai tuổi, Hai Thiều một mình vô Sài Gòn. Sông Vệ ngoài Quảng Ngãi quê Thiều nghèo, nhà Thiều đông anh em còn nghèo hơn nữa. Nhà lá, con đông, vườn nhỏ, ruộng hai sào, bấy nhiêu làm sao đủ ăn, đủ sống. Ở nhà còn thêm nghề làm bún, mẹ cha thức khuya dậy sớm, quanh năm tối mặt, lo hết bốn thằng con trai sàn sàn nhau, dài lưng tuổi ăn tuổi học.

 Hai Thiều sớm suy nghĩ, Nhìn cảnh nhà, chịu không nổi, nghĩ rằng chỉ có vô Sài Gòn. Ngày ấy đi là đi, ở quê không có lựa chọn, và cũng không có nhiều việc làm. 

Những chuyến xe đò từ phương Bắc vô Nam bất kể khi nào, luôn mang theo mình những thanh niên thiếu nữ từ các miền xa, bỏ quê hương đất trời khắc nghiêt, xa người thân yêu vô Sài Gòn cùng những mơ ước đổi đời. Chiếc xe đò bụi đỏ đường đất, mới cặp bến xa cảng miền Đông là đã có ngay dịch vụ giới thiệu việc làm, kể cả đám nhỏ lau nhau chưa thành niên như Hai Thiều người ta xài được hết.

Sự xuất hiện đột ngột một ông chủ vô hình trên chuyến xe vừa cặp bến, hai thằng nhỏ trên chuyến xe ấy như đã là sở hữu của người ta từ bao giờ, bị nắm tay mà lôi đi. Vô một quán nước sâu trong con hẻm gần xa cảng, chúng được phát đứa ổ bánh mì, ngồi ăn rồi ở đó, cấm có đi đâu. Coi tướng tá mấy người này bặm trợn, rồi nhìn thành phố ồn ào lạ lẫm, đầy người và xe Honda, hai thằng nhỏ ngán, người ta nói sao nghe theo vậy, không dám trái lời, không dám cục cựa.

Đi bán mỳ gõ, đó là công việc đầu tiên của cậu chàng bước vào đời.
Xẩm tối hôm đó, một chiếc xe ôm chở hai cậu trai tới một nơi khá xa, chúng đã được bàn giao cho một người chủ mới. Chỉ sau mươi phút học nghề, mỗi thằng đi theo một xe mỳ gõ ngay đêm đầu tiên đặt chân tới Sài Gòn. Ông chủ của những xe mì nói sẽ lo cho đám nhỏ ăn ngày ba bữa và nơi ngủ đàng hoàng, lương tháng hai trăm rưởi ngàn. Thiều nghĩ, vậy cũng là được lắm.
Nhưng rồi, nói là bao cơm ăn, là những tô mì vét với nước lèo mặn chát sau những vị khách cuối cùng của xe mì. Còn chỗ ngủ nghỉ ư, chỉ là căn phòng trọ tạm bợ không giường chiếu, chục cậu trai tuổi xem xem nhau, đẩy xe mì về tới phòng trọ là quá nửa đêm, ôm nhau cả đám ngủ vùi trên nền xi măng lạnh. 

Thời gian trôi nhanh, Hai Thiều không nghĩ nó bán mì gõ đã ngót hai năm. Lang thang cùng thành phố với tiếng "cắc bụp", quen với ánh đèn vàng vọt hàng đêm dài và đi không biết bao nhiêu là đường đất. Những con phố mới vắng ngắt vùng Gò Vấp, những con hẻm nhỏ ngoắt ngoéo khu Bàn cờ tới những bờ kinh đen bên quận Tư quận Tám.
Bữa nay Thiều chợt giật mình khi nghe ông chủ nói rằng tiền công của nó bấy nay có hai ba triệu gì đó, sau khi trừ tiền bộ quần áo mới mua cho nó đang mặc. Hai năm có bấy nhiêu thôi sao, và nó cũng chưa được cầm trên tay mớ tiền công ít ỏi ấy khi nào. Không thể như thế này được mãi, Hai Thiều tính thầm trong bụng.
 
Một bữa lang thang bên quận Sáu, thấy mấy người lớn tuổi đang cưa gỗ, Hai Thiều nhảy vô phụ. Chiều về  họ dúi cho Thiều mấy chục. Thấy thằng nhỏ mặt mũi thông minh, dễ thương lại chịu khó, họ nói mơi rảnh qua đây phụ tiếp. Hai Thiều tối ấy về xin nghỉ mì gõ, lấy tiền công và bước vào nghề mới, nghề phụ cưa gỗ ở công ty Trầm Bê.
Công việc ấy chỉ kéo dài nửa tháng, một trưa ngồi ăn cơm dĩa lề đường sát ngay một tiệm sắt. Nhìn người thợ hàn với sản phẩm người thợ và ánh lửa hàn chói lóa, Hai Thiều thích mê đi. Linh tính mách bảo, cậu trai chợt nhận ra là mình yêu mùi thơm của thuốc hàn cháy, mình hợp với sắt thép cơ khí chứ không phải những công việc bấy nay cậu đã làm.

Ngày hôm sau trở lại tiệm. Cậu năn nỉ người chủ tiệm xin vô học nghề, không được thì bác cho tui ở đây phụ việc không công, làm chi cũng được, bác không có giờ chỉ thì để tui coi, tui học lóm cũng được. Thấy thằng nhỏ thật lòng, ông chủ tiệm hàn đã lớn tuổi, thuở xưa cũng vô đất này từ xứ miền Trung chói nắng và vốn tính thương người, ông nhận Thiều chân phụ việc.
Đầu tiên là phụ lấy đồ nghề, dọn dẹp sắt vụn rồi cắt ống, mài ba via, sau là những mối hàn đính đơn giản từ những que hàn sót, Hai Thiều đi vào nghề thợ sắt như vậy.

Ít lâu thành nghề, Hai Thiều đã có chỗ đứng trong nhóm thợ chiến của người đồng hương.
Những năm ấy, các công trình xây dựng rồi nhà cửa người dân Sài Gòn xây cất ở khắp nơi, thợ sắt nhiều việc. Anh có tay nghề khá, nắm bắt ý định của người chủ, đọc bản vẽ kĩ thuật tốt, sản phẩm luôn vừa ý nên được trọng dụng, làm suốt năm không có dịp nghỉ ngơi. Thiều chỉ hơi buồn vì mình không được học nhiều, không có miếng bằng cấp nào bỏ túi nên bỏ uổng nhiều cơ hội ở những công trình lớn, làm việc với người nước ngoài lương cao nhưng người ta cần bằng cấp. Anh ham việc, chỉ cần có việc để đi làm và làm. Có tiền, lâu lâu gởi về quê nhà phụ mẹ cha lo em út ăn học. Anh nghĩ thôi vậy là được.

Một lần cha anh gọi điện, nói hai năm con không về, sắp tới đám dỗ còn nhớ không đó?
Giỗ oải ở quê mỗi năm hai ba lượt. Cha anh trưởng dòng họ, còn anh là con trai trưởng trong nhà. Sực nghĩ mình mải miết lo mần ăn mà quên đi những việc lớn, những việc bắt buộc ở quê nhà, không phải chỉ biết đi làm và gởi tiền về thôi là đủ, mai mốt còn phải thay cha làm trưởng trong họ nữa. Hai Thiều lật đật thu xếp về quê.

Năm ấy về quê, nhìn căn nhà mình xơ xác, mấy anh em trai nay đã lớn, đã bước ra ngoài đời ít lâu, bàn nhau dựng nhà cho cha mẹ. Quê nhà Sông Vệ vào mùa lũ lụt, không lớn nhưng năm nào cũng có. Hai Thiều không thể quên được những ngày lũ, hình ảnh bờ tường nhà bằng đất, lung lay sóng đánh rã ra từng mảng mỗi khi đi lại trong nhà. Và anh em còn luôn nhớ dặn nhau, lũ ngập nhà, kệ, không vội, rón rén bước đi sao cho thật nhẹ kẻo sụp tường nhà.
Rồi chung sức nhau, căn nhà ở quê cũng đã cất xong. Mùa lũ năm nay, nước chỉ mon men, quanh quẩn ít ngày ở ngoài sân rồi rút.

- Cậu Út đã vô đại học ngành xây dựng, thằng thứ lái xe cạp đá ngoài Vũng Tàu còn một đứa làm thợ mộc ở quê. Vậy là ổn, bốn thằng trai dài lưng tốn vải nhà em nay đã trưởng thành.Từ năm nay thì lương em tự tiêu xài, đã tới lúc Hai Thiều này được lo cho mình chớ.
Cậu trai kết thúc câu chuyện vẻ mãn nguyện. Rồi Hai Thiều nháy mắt, cười thật lớn:
- Em lo để dành tiền đặng mai mốt cưới vợ anh Hai à...

21 nhận xét:

  1. Mừng là đã có lúc Hai Thiều hái được quả ngọt sau bao nhiêu năm vất vả.
    Hình như là bổn phận của những người trót sinh ở vị trí đầu, phải lo cho những người đi sau.
    Cứ lớn cho nhỏ trước đi, rồi nhỏ từ từ sẽ chăm lại lớn. Bác hén, :) he he

    Trả lờiXóa
  2. -Bạn Moon,
    Rồi ông trời cũng thương người chịu khó phải không bạn.

    Trả lờiXóa
  3. Chịu khó rồi Trời không phụ lòng người. Chỉ thương xứ mình đất chật người đông, nhiều người chăm chỉ vẫn chật vật để sống.
    Biết làm sao được.

    Trả lờiXóa
  4. Oh, gởi còm men xong thì thấy mình nói trúng ý chủ nhưn :)

    Trả lờiXóa
  5. mền cũng chịu khó mà trời phụ hoài, huhu

    Trả lờiXóa
  6. -Lana,
    Đúng là đất chật người đông. Tôi cũng thấy xung quanh mình có rất nhiều người chịu khó mà cuộc sống còn chật vật nhiều. Bước ra đường là thấy, thành thị cũng như nông thôn.

    Trả lờiXóa
  7. -Mía,
    Bữa nay nghe bạn Mía than nè, ông Trời không có phụ ai đâu, từ từ tới lượt từng em mà, hì hì...

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là "có công mài sắt, có ngày nên kim" thiệt ha!

    Phục những người có chí như Hai Thiều này lắm ơ!

    Cám ơn bác Đỗ kể lại câu chuyện này nha!

    Trả lờiXóa
  9. Ý chí của dân miền Trung được hun đúc từ sự vượt khó...Đáng nể thiệt.

    Trả lờiXóa
  10. Đọc bài này nhớ lại hồi nhỏ - cấp 2 đạp xe từ TX vào Sông Vệ ăn don "bà Xê" , nhớ don và Sông Vệ

    Trả lờiXóa
  11. -Dã Quỳ,
    Bạn ấy có chí, và chịu làm nữa, nên sẽ còn làm được nhiều việc và cuộc sống rồi sẽ khá hơn. Mình tin vậy.

    Trả lờiXóa
  12. -AK7,
    Bạn ấy thông minh và nhạy nghề. Tôi làm việc với anh bạn trẻ ấy nhanh và đúng ý. Mình vẽ hình chiếu mấy món đồ, cậu ấy đọc làm đúng luôn.

    Trả lờiXóa
  13. -Chào bạn QD,
    Vậy là bạn cũng ở gần Sông Vệ ha?
    Tôi được nghe "don" mà chưa được ăn. Có dịp nào ra chắc phải đi kiếm cho biết.

    Trả lờiXóa
  14. bác Đỗ: sg cũng có "don", ko cần phải ra QN đâu bác :)

    Trả lờiXóa
  15. chúc anh Thiều kiếm đuợc vợ hiền
    nhớ gửi thiệp cho bác Đỗ nhé

    Trả lờiXóa
  16. -Mía,
    Tôi không biết đấy. Vậy bữa nào hội mình lên chương trình bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
  17. -J.G,
    Hì hì, mong mọi việc tốt đến với bạn ấy..

    Trả lờiXóa
  18. Sax!Vẽ hình chiếu rồi mà không đọc được thì chỉ có nước bán ve chai đồ nghề.

    Trả lờiXóa
  19. -AK7,
    Vấn đề là cậu ấy đã bỏ học từ năm 12 tuổi, chưa học hình học, nói gì vẽ kĩ thuật.

    Trả lờiXóa
  20. Nghe kể mà em cũng ghiền Hai Thiều quá, nếu Hai Thiều không chê công ty Không Gian Đẹp nhỏ nhoi thì qua anh em xin chuyển lời mời cậu ấy về làm cho công ty, nếu được mời luôn chú em thợ mộc cùng về :)

    Trả lờiXóa
  21. -Cám ơn bạn Phú,
    Mình sẽ chuyển lời. Mình cũng rất khoái những người chịu cực, chịu làm.

    Trả lờiXóa