Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Hải đội Hoàng Sa.

Gởi cho con.
"...Hoàng Sa trời nước mênh mông.
Người đi thì có mà không thấy về"

"Câu ca dao còn lưu truyền trên đảo Lý Sơn kể về Hải Đội Hoàng Sa, là những đơn vị binh phu được triều đình Việt Nam giao nhiệm vụ cai quản Hoàng Sa là một phần lãnh thổ quốc gia. Câu chuyện về những người lính cảm tử sao mà lay động lòng người. Trên những chiếc ghe bầu mong manh trùng khơi 6 tháng mỗi năm, một chiếc thẻ bài, một manh chiếu và 7 chiếc nẹp tre mà mỗi chiến binh mang theo là để mong xác mình được dạt về với quê hương.

Tôi mơ một ngày được đến Lý Sơn để thắp hương cho những ngôi mộ gió chiến binh Hoàng Sa. Dưới mộ không có xác người. Chỉ có đất đắp lên thay cho thịt, cành cây dâu xếp vào thay cho xương. Mà thấm đẫm hồn thiêng liệt sĩ.

Hải Đội Hoàng Sa không phải là bài hát đầu tiên tôi viết về Hoàng Sa. Và nếu trời còn cho tôi sống, thì đây cũng sẽ không phải là bài hát cuối cùng. Ký ức Hoàng Sa sẽ sống mãi ở Lý Sơn, ở mọi nơi nào có người dân Việt sinh sống."

Đó là lời tâm sự của tác giả Trần Bắc Hải. Trước đây anh là người lính, và bây giờ anh là một bác sỹ hiện sống và làm việc tại Úc. Sáng tác của anh vừa qua đoạt giải trong những bài ca ca ngợi đất nước.

Tác giả Trần Bắc Hải một ngày cuối năm se lạnh đã ghé chơi cà phê Anh Đỗ và gởi bài ca này tới con gái cùng các bạn của con đang học ở xa. Các con hãy nghe và luôn ghi nhớ lịch sử nước nhà.
Và mời mọi người cùng nghe bài ca:

HẢI ĐỘI HOÀNG SA
Nhạc và lời : Trần Bắc Hải.


Lời hát:

Sóng xô mạn thuyền gỗ
Gió bay vạt buồm nâu
Nước xanh cát vàng
Mênh mang Hoàng Sa
(Huầy dô huầy, dô huầy dô).

Lý Sơn làng chài lưới
Tráng đinh Đội Hoàng Sa
Tháng Hai buồm căng gió
Dứt áo ra khơi!
(Huầy dô huầy, dô huầy dô)

Điệp khúc:
Xa xa khơi trùng khơi sao mà mắt cay như là cát bay?
Gió những nấm mộ gió xếp hàng trên bờ nhớ Hoàng Sa
(Huầy dô huầy, dô huầy dô)

Tháng Hai phụng mệnh Vua
Chiếu manh cùng nẹp tre
Có đi không về
Vong thân vị Nước(Huầy dô huầy, dô huầy dô)


Lý Sơn làng chài lưới

Đã ghi vào sử xanh
Chiến binh Đội Hoàng Sa
Dứt áo ra khơi!
(Huầy dô huầy, dô huầy dô).

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Có ai đi phượt xin theo.

Một thời gian nghe nói tới từ "phượt".
Đó là một từ mới của các bạn trẻ ham xông pha, lúc đầu nghe ngộ ngộ, lạ tai. Rồi tiếp theo là những từ "đi phượt" hay "dân phượt" thì có cảm giác bụi bụi một tí, mạo hiểm, chấp nhận hiểm nguy một tí, đi và đi, khám phá và cảm nhận. Hiểu phượt là phải đi xe máy, hay là những phương tiện giản đơn nhất. Đi tới những nơi thật lạ, thật xa xôi, ăn uống bụi, ngủ túi và khám phá được nhiều điều lí thú, lạ lẫm của thiên nhiên và con người.

Vào dịp này năm rồi, những ngày gần hết năm, có hai lão bạn thân, tuổi hâm hâm học đòi trò chơi trống bỏi, bày đặt rủ nhau đi phượt. Lão KV ở Hà Nội, lâu lâu đi bộ một mình trên cầu Long Biên và làm thơ, còn lão Đỗ ở Sài Gòn, cũng có cơn một mình lâu lâu ngồi đâu cười đó và gởi tin nhắn cho nàng Blogspot. Hai lão hẹn nhau kẻ ra người vô, gặp nhau xứ Huế rồi cùng đi phượt rừng Trường Sơn.

KV nhanh nhẹn và kinh nghiệm, trước một ngày tới cửa rừng liên hệ với một người địa phương nhờ dẫn đường. Bữa sau, sáng ra hai lão quất người hai tô cơm hến cho chắc dạ rồi xách xe máy từ Huế lên đường. Mấy bữa nay coi bộ mệt mỏi nhưng mới tới cửa rừng, anh bạn KV dường như khác hẳn, chuyện suốt và lâu lâu lại thấy cười tủm tỉm một mình. Cái Thanh bạn chung ở Huế biết hai bạn nam đi rừng, ví nỗi nhớ rừng của lão như ông hổ ở bài thơ cùng tên của Thế Lữ.
Bạn tính đường đi, từ Hòa Mỹ thuộc huyện Phong Điền- Thừa Thiên, ba người cắt rừng đi lên phía Đông Trường Sơn dọc bờ phải sông Ô Lâu. Sắp hết mùa mưa nên ít lo lắng về nước lũ và sên vắt.

Phải công nhận rời xa khỏi Hà Nội và Sài Gòn, hai trung tâm đạt chuẩn về kẹt xe, tiếng ồn và khói bụi, thoát lên rừng như là vào một thế giới khác .

Phát đầu qua suối vừa được chụp hình đang cười tí toét bỗng té cái rầm xuống suối, ướt từ chân lên đầu, may mắn các thứ mang theo đều được bọc ni lon kín. Tưởng đâu như trên cạn cứ chọn miếng sỏi thật lớn mà bước cho chắc ăn, không phải vậy đâu, và kinh nghiệm cho thấy mấy chỗ đó lại là nơi nhiều rong rêu và trơn nhất.

Ở bên ngoài là rừng trồng. Quái lạ, sao ở đâu người ta cứ chọn trồng mấy thứ bạch đàn keo vàng keo trắng chi chi ấy, xấu xí và như làm cho cằn cỗi đất. Vô sâu ít nữa là rừng lá thấp rồi tới rừng nguyên sinh, rậm rạp và nhiều tầng.

Bất chợt gặp trên đường đi là một chiếc ghe đi tìm bắt cá Chình, Người đưa đường nói ở đây các loại cá Chình suối, cá Tràu suối giống như cá lóc là những sản vật đặc biệt của rừng núi, không lớn con nhưng săn chắc, ăn rất ngon, ngọt thịt.

Giật mình gặp một cậu bé ở cửa rừng. Chui ra từ bụi rậm với mấy con chim mồi và chú chim chào mào mới bẫy được. Đứng giữa rừng, lâu lâu nghe tiếng chim hót các kiểu, thoảng tiếng người hú gọi nhau. Đó là tiếng hú của những người đi mây và lá nón, hai thứ cây làm nghề thủ công. Người đưa đường nói kiểm lâm chỉ cấm đi gỗ và đi củi thôi, còn nghề kiếm mây và lá nón để cho đời chiếc nón Huế xinh tươi đã làm mềm lòng bao trai tráng đó mấy chú à.

Người đưa đường vui tính, luôn đi trước với cây rạ (rựa) trên tay dọn đường, trò chuyện suốt. Hỏi chớ... hai chú đây được mấy con? Nói đứa hai đứa một, con gái không. Ông ngạc nhiên: Đẻ chi đẻ ít rứa? tui có tới chín người con còn thấy thiếu đó rồi cười vang rừng núi. Chuyện vui, đường xa như gần lại.

Tới một con suối đầu nguồn đổ vào sông Ô Lâu, dừng lại nghỉ ngơi. Ở nơi đây có một bãi đá sỏi nhiều màu sắc và hình dáng rất hấp dẫn cho những ai thích chơi hồ thủy sinh.

Đứng đây đã nhìn thấy vệt trắng nhỏ của con đường 15A một nhánh đường Trường Sơn Đông trục Bắc Nam, cách chừng 500m nhưng độ dốc lớn, Đang sung, bạn tính chinh phục con đường này.
Nghĩ đã thấm mệt, và không chủ quan với lứa tuổi, bàn nhau quyết định tạm dừng cái sự sung sướng này của lão Quềnh lại. Ngộ lỡ lên trển lão lại đòi đi tiếp, hoặc tự nhiên lão dỗi không chịu quay về thì biết làm sao với cái lão to cao lừng lững như phi công này chứ. Cũng may mà lão chịu về.

Người đưa đường nói: Ở đây khi mùa mưa lũ, nước đổ về chạy lên núi không kịp, khi nước rút rồi, lối mòn mất hết, không biết đường về.

Ô Lâu mùa nước trong. Nước của những con suối từ nguồn đổ ra, trong xanh và mát lạnh. Càng lên thượng nguồn nước càng trong xanh, lòng suối đầy cát sỏi và nhiều đàn cá cua nho nhỏ.

Giáng trần, thả mình trong dòng suối mát rượi, thế gian như chỉ có mình ta với tiếng rừng. Uống miếng nước suối nguồn tinh khôi ngot lịm, nạp thêm sức mạnh đường về.

Chiều về, bà thị xã người dẫn đường ở nhà đã dọn sẵn một bữa cơm cửa rừng có gà vườn và cá trầu suối của sông Ô Lâu. Chỉ đúng một xị rượu mang theo. Một bữa cơm ngon nhớ đời.

Lớn tuổi còn ham chơi có thể phượt ngắn được. Có bạn cùng cạ thì lâu lâu làm chuyến phượt khỏe người, hít thở bầu trời, mở mang đầu óc, sảng khoái tinh thần. Cùng mấy ông bạn thân ham vui KV, Gtl còn hứa với lòng dứt khoát phải làm một phát xe máy xuyên Việt, rẽ ngang đường xương cá tùy hứng nơi nào thích của hai con đường dọc đất nước cong hình chữ S mến yêu.

Đúng là đi chơi kiểu "phượt" sẽ tìm hiểu và học hỏi được nhiều điều lắm. Và phải cám ơn các bạn trẻ đã bổ sung cho từ điển du lịch từ "phượt". Nghe sao mà hay, mà đã cái lỗ tai và hấp dẫn thế.

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Đi qua các nhà thờ.

Các nhà thờ thường đứng một mình, nổi bật giữa trời xanh hay một nền xanh của cây lá khi ta từ xa nhìn lại. Vì vậy nên cộng thêm với nét kiến trúc nhiều dáng vẻ, cổ kính và trang nghiêm tạo nên những bức tranh của nhà thờ, bất chợt đi qua nhìn thấy, ở đâu cũng đẹp. Vào dịp này hàng năm, ở những nơi này được trang hoàng lộng lẫy và rất đông mọi người đón lễ Giáng sinh và năm mới.
Những tấm hình của máy ảnh du lịch ghi lại những nhà thờ ở nhiều nơi trên đường đi chơi, như là lời chúc tốt lành cho tất cả mọi người nhân dịp Giáng sinh và đón chào năm mới.
Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn.

-Nhà thờ Diên Khánh, Nha Trang. -Nhà thờ Huế. -Nhà thờ bên sông Son, Phong Nha.

-Nhà thờ ở Boston. -Ở Salem. - nhà thờ phố Wall (NY).

-Và những nhà thờ bất chợt trên đường đi.

- Mỗi nơi một dáng vẻ.

-Thánh địa La Vang- Quảng Trị. Nhà thờ đầu tiên tại Việt Nam.

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Cầu mong điều kỳ diệu.

Gió mùa Đông Bắc về..., em ngồi em chải tóc, tay em lạnh, môi em lạnh...

Em ngóng trông tin anh, từng giờ, đã gần một tuần lễ qua đi. Tới bữa nay gần như vô vọng khi các hoạt động tìm kiếm đã ngừng hoạt động.

Cơn gió mùa Đông Bắc vừa qua đi đã mang đi mãi nhiều thuyền bè và mấy chục người con của biển, mang đi bao nhiêu nước mắt của những người thân yêu của họ. Nghe ngóng những thông tin mấy ngày qua, ngơ ngác và xót xa.

Bữa ấy biết bạn tôi đã về bờ, viết một bài trên blog cho bạn Gtl, để người đi biển đọc vui ngày về. Bạn Gtl alu nói bữa nay sóng lớn, rất nhiều tàu vào neo tránh gió ở cù lao Chàm. Bạn thông báo một tin buồn, tàu container Phú Tân của Vinalines chìm rồi, và nhiều tàu cá nữa...
Ngày hôm sau tàu Lucky của bạn nhổ neo đi Bắc phải quay trở lại cù lao Chàm vì sóng gió vẫn còn lớn, rồi nghe tin tức tàu chìm, BV-4248 và nhiều tàu cá nữa...

Ngoài những cơn bão và áp thấp nhiệt đới, hai mùa gió Tây Nam và Đông Bắc là định kỳ hàng năm phải gặp của nghề biển. Gió mùa ở cấp độ nhỏ và vừa, sóng lừng làm cho con người và cả những con tàu rất mệt mỏi, vất vả trên biển nhưng vẫn chạy cho đúng lịch trình.
Nhưng đợt gió mùa Đông Bắc này nhà chức trách không có những dự báo thời tiết sóng gió ở cấp độ cao cùng với lệnh cảnh báo hoặc hạn chế các phương tiện hoạt động. Những mất mát quá đau thương.

Em đã thoảng lo lắng khi viết lời góp đầu ở bài viết "Nỗi nhớ của người đi biển" và rồi cả nhà hoãn lại một chuyến đi chơi xa. Em im lặng ngóng chờ mòn mỏi và chỉ thốt lên được: Cầu Mong và Lạy Trời. Ta hiểu với nhau là rất khó nhưng vẫn có chứ những điều kỳ diệu ở đời này, mong cho với nhiều người lắm, nhưng với em ít nhất xin một điều kỳ diệu cho cho người anh mình trên con tàu BV-4248.

Đôi lúc ngồi chơi trò chuyện, em chợt nhắc tới người anh đi biển.
Chúng tôi chơi với nhau chưa lâu, nhưng tôi nghĩ sẽ một ngày nào đó, cả nhóm có dịp đi chơi chung. Chúng tôi sẽ được ngồi bên hàng dương vi vu ngoài bãi biển, hóng gió, ly rượu cay nhâm nhi với con cá con tôm anh mang về từ nơi biển xa, như một lần tôi đã ngồi một buổi chiều với những chàng trai biển Bình Thuận quê em.
Tôi hình dung anh ấy có nụ cười hiền lắm, và uống rượu cũng một cây xanh rờn.

Tôi muốn chia xẻ với em và tôi vẫn cầu mong cuộc đời có những điều kỳ diệu.

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Mùa hoa đỏ.

Ngân yêu màu hoa đỏ, yêu nhất loài bông Sứ đỏ chói chang trong những ngày rực nắng và các loài hoa Bát tiên cho bông hoa màu đỏ.

Ngân yêu bài hát "Thời hoa đỏ" ngay lần nghe đầu tiên. Đi chơi với bạn bè hay đi với cơ quan mỗi dịp hội hè tổng kết, sau liên hoan là màn "Vietnam Idol" nhóm nhỏ và "Thời hoa đỏ" luôn luôn là bài ca đầu tiên Ngân lựa chọn.

Khoảnh sân nhỏ trước cửa nhà là nơi tha thẩn mỗi sáng mỗi chiều trước và sau giờ Ngân đi làm. Những chậu cây kiểng xinh xắn tự tay Ngân vun trồng và chăm sóc đã nhiều năm. Cứ ít bữa lại mang về nhà một cây kiểng nhỏ, khi mua từ những xe hàng rong trên phố, lúc mang về từ nhà một người bạn thân. Nhưng nhiều nhất cây Ngân trồng là loài Sứ Thái. Khoảnh trời riêng tư ấy quanh năm cây lá tươi xanh cùng nhiều hoa nở.

Đụng chuyện những cây bông Sứ, Ngân rất vui được tiếp chuyện một ai đó cùng yêu thích loài hoa này, có thể hàng giờ đồng hồ, tận tình chỉ cách chăm cây. Và vì biết cô chủ vườn yêu quí cưng chiều, quanh năm những chậu Sứ, những cây hoa Bát tiên trong khoảnh sân nhỏ cho hoa đủ màu sắc nở, rực rỡ nhất vào mùa khô.

Ngân nói thứ cây dễ trồng dễ sống, đất càng cằn khô, càng nắng, cây càng cho nhiều hoa, chỉ cần siêng năng cất công bắt sâu và lâu lâu rỡ cây, đôn gốc. Cây Sứ Thái đẹp mà nhiều sâu lắm đó. Rồi Ngân biết làm đẹp cho những cây Sứ ghép, cây trồng bằng hạt, và biết giữ gìn những hạt mầm nhỏ li ti từ khi trái Sứ nhú lên hai cọng nhỏ hình cặp sừng trâu hiếm hoi có được.

Học xong đại học, Ngân yêu và kết hôn với một người lính trẻ, quê ở làng rau Cầu Giấy trở về nhà sau chiến tranh. Hình ảnh người lính luôn là thần tượng của các cô nữ sinh Hà Nội, ở thời xa xa ấy.

Vợ chồng Ngân là cặp mẫu gia đình công chức một thời bao cấp. Nghĩa là tốt nghiệp đại học, ra trường ai cũng được nhà nước phân chia công việc. Chồng Ngân hoàn thành đại học sau những năm quân ngũ trở về rồi làm công tác chính trị chuyên trách ở một cơ quan từ bấy đến nay. Còn Ngân về làm chân thí nghiệm ở một trung tâm nghiên cứu.

Sáng ra cắp ô đi làm, tháng tháng tới kỳ lương lãnh, vài ba năm lên một bậc, hết ngạch chuyển ngạch. Sống bằng đồng lương công chức tới lúc nghỉ hưu, tằn tiện, khéo sắp xếp và chịu đựng, họ cũng nuôi dạy hai đứa con học qua đại học.

Hết tuổi thơ ở Hà Nội, Ngân sống trong cái thời bao cấp của một gia đình công chức như bao nhiêu gia đình thuở ấy, nên khi làm người mẹ, làm người chủ trong tổ yến mỏng của mình, Ngân thấy cuộc sống vậy là đủ, là hạnh phúc, không mơ ước gì thêm.

Bạn bè vẫn nói với nhau, cái Ngân nó "bôn sệt". Đấy là một từ riêng của một thời chỉ những người luôn luôn nghiêm túc, nói và làm việc một lòng theo sách vở. Kệ ai cười, Ngân cứ sống vậy, không bon chen, sắm sửa, cũng không quan tâm tới sự giàu nghèo. Bạn bè cũ gặp nhau, thấy Ngân lúc nào cũng hồn nhiên, yêu đời phơi phới. Bao nhiêu năm ở đất Sài Gòn, vẫn nước da trắng, tóc để dài cùng nét đẹp sang trọng của người đứng tuổi. Ngân vẫn giữ nguyên giọng nói Hà Nội mang chút nhiệt tình nồng ấm. Cứ như thế mấy mươi năm, cuộc sống qua nhanh như một giấc ngủ dài.

Năm nay hai vợ chồng nghỉ hưu một lượt, trước sau nhau mấy tháng. Chồng hơn Ngân đúng năm tuổi, hai đứa nhỏ học hành xong đều đi làm xa.
Để chuẩn bị cho sự thay đổi lớn trong đời sống của cả hai, trước một vài năm, họ đã tập cho mình những sinh hoạt riêng mà mỗi người dần thích ứng, chờ ngày nghỉ hưu.
Ngân có cái khoảnh sân, còn anh sáng sáng đi bộ ngoài công viên, đều đặn không nghỉ một ngày, lâu lâu tối đi sinh hoạt hội hè. Anh khoe mới vô sinh hoạt ở một câu lạc bộ, được giao lưu đây đó, nhiều niềm vui và thú vị.

Nhóm bạn thân đồng học Chu văn An Hà Nội xưa, nay sống ở Sài Gòn có niềm tự hào riêng là dân trường Bưởi theo cái tên trường thuở ban đầu . Cứ ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng cuối cùng trong năm, định kì họ gặp nhau. Buổi họp mặt năm nay Ngân không tới.

Một bữa đi ngang nhà, nhớ bạn ghé chơi thăm, ở nhà chỉ có mình Ngân, trống vắng và nghe hơi lạnh. Ngân ốm dốc người, khuôn mặt nhiều những nếp nhăn buồn nơi khóe mắt xếp lên nhau kéo tới lọn tóc mai loăn xoăn điểm bạc. Mất đâu rồi dáng vóc và nụ cười vô tư của cô nữ sinh trường Bưởi năm nào.

Hỏi thăm Ngân, sức khỏe có chuyện gì không mà không cho ai hay. Ngân buồn bã nói "giải tán quốc hội" rồi. Là sao, Ngân trống không: "Giải tán hết rồi, cho ông ấy đi tìm đường cứu nước, hai đứa đi làm xa, ở nhà một mình từ ngày nghỉ hưu, mấy tháng nay rồi...

Ngân chậm rãi pha nước mời khách và ngồi kể chuyện.

Đã ít lâu thấy anh ấy hơi lạ. Đụng đến chỗ nào trong nhà, từ những vật dụng đến nhu yếu phẩm, cả tiền lương của anh ấy, không được rõ ràng, lại cả cách trò chuyện, nói năng... Ngân thấy một dạo cứ thế nào ấy, nó không minh bạch. Không, dùng từ ấy không đúng lắm, Ngân cảm thấy như có một không khí dối trá quanh quẩn trong nhà mình. Vợ chồng mà, đã bấy nhiêu năm, quen môi nhớ miếng, lạ hơi là biết liền.

Một ngày thư thả, dọn dẹp cửa nhà bỗng một tấm hình nhỏ rơi ra từ xấp giấy tờ sổ sách của chồng. Là cái gì vậy? Ngân dụi mắt, tim như thắt lại, không thể thở được nữa, chân tay run bắn khi thấy một tấm hình còn mới. Là anh đó, đang cười, nâng trên tay đứa nhỏ tuổi còn ẵm ngửa.

Chuyện xảy ra chừng một năm nay. Một việc động trời như vậy làm sao giấu mãi được. Anh ấy thú nhận tất cả và xin Ngân tha thứ.

Đau khổ, chua chát, vỡ vụn, chỉ sau một tuần lễ họ đã trở thành người xa lạ.
Căn nhà họ đang ở là của cha mẹ Ngân để lại. Tài sản chung một đời công chức một sổ tiết kiệm chia đôi. "Anh hãy đi đi mà tìm một tổ ấm mới".

Việc còn lại của Ngân từ giờ đến cuối năm, Ngân nói bán căn nhà, chuyển đi đâu xa khỏi nơi này, ra ngoại thành càng tốt. Đi để quên ba mươi năm cuộc đời mà mình ráng mãi, ráng làm một ngọn nến lung linh thắp sáng một gia đình. Cái lung linh tắt ngấm ở cuối dốc, năm Ngân nhận sổ lương hưu.
Ngân khóc.

Ngân hiểu chứ, như bao nhiêu người khác cùng thời, làm việc một đời để đi qua hết những năm tháng khốn khó. Mới mấy năm nay, cuộc sống bớt khó khăn do con cái đã trưởng thành và thời cuộc ít nhiều đổi thay. An phận, không ngước lên, không nhìn xuống, cả cuộc đời Ngân chỉ biết sống cặm cụi, tằn tiện làm việc và nuôi dạy con cái ăn học, cho tới bây giờ. Ngân xót xa: "Ai mà ngờ, cứ nghĩ ông ấy không biết làm ăn gì như người ta nhưng hiền lành, làm công tác chính trị chuyên trách, cả đời nói về những điều tốt lành, sao lại có thể xảy ra chuyện ngược đời như vậy được". Tại số phận hay tại cuộc đời này không bao giờ muốn san xẻ sự công bằng.

"Mình gói ghém nghĩa vợ chồng cùng tất cả sách vở của ổng... đốt hết rồi". Ngân khóc. Khóc mà như cười chua chát ...

Ngân cứ nói, cứ khóc cho vơi nỗi lòng...

Nhớ một lần tới chơi, gặp Ngân đang tỉa cây. Yêu đời, Ngân hỏi bạn có thích trồng Sứ đỏ không? dễ lắm. Này nhé: cắt nhánh, phơi khô nhựa cây, cặm xuống là có một cây. Rồi cây Sứ hiếm khi ra trái, nhưng khi trái Sứ còn xanh, cột chắc trái lại kẻo trái Sứ khô sẽ nứt. Hạt Sứ mong manh, nở ra theo gió bay đi. Trồng cây như trồng người. Cây Sứ mọc lên từ hạt mầm sẽ vững chãi, dáng đẹp, chậm nhưng được chăm sóc hàng ngày sẽ lớn lên bền vững, dễ gì những bông đỏ kia nhạt màu.

Bất giác hỏi Ngân, chứ .. những chậu Sứ với hoa thật đẹp đâu hết rồi bạn ơi?
Ngân không nói, khoát tay, bĩu môi và một cái nhún vai mơ hồ.

Ở một góc khoảnh sân còn sót lại mấy miểng chậu bể nát vụn. Những chậu bông bằng sứ đã biến mất khỏi khoảnh sân nhỏ làm cho căn nhà trống trải trước sau, và như rộng thêm ra.
Những gốc Sứ và gốc Bát tiên được gom lại chất đống, lộn xộn, không đất, không nước và không biết đã bao nhiêu ngày nằm đó, vẫn còn nhú lên những nụ bông đỏ tươi rói.
Tháng này ở Sài Gòn sắp vào mùa hoa đỏ.

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Nỗi nhớ của người đi biển.

Mỗi chiều thứ Sáu, dù đang làm việc trên tàu, dù ở những vùng biển xa xứ tít tắp mù khơi, bạn ấy vẫn luôn nhớ về buổi tối cuối tuần Sài Gòn đang có một nhóm đồng bọn định kỳ gặp mặt. Thế là cộng trừ chênh lệch múi giờ, canh me đúng giờ nhậu, alu về tếu táo mấy câu, cười he he mấy phát cho bớt đi nỗi nhớ rồi lại trở về làm việc.
Nơi nào có sóng điện thoại thì nói chuyện dài hơi và khắp lượt từng người, nơi nào không có sóng, nhớ quá thì lấy bộ đàm nói chuyện qua đường dây dịch vụ của công ty. Nhớ nhóm bạn lúc nào cũng đông vui, ấy là nỗi nhớ bạn bè.

Từ lâu, các công ty vận tải biển đã có dịch vụ điện thoại bằng bộ đàm qua vệ tinh để những người đi biển xa và gia đình được nói chuyện với nhau. Đó là nhu cầu, và cũng là điều cần thiết làm an lòng cho người đi xa cũng như người ở nhà. Nhớ vợ, nhớ con cái lắm chớ, nên kiếm giờ để chuyện trò cùng vợ con bất cứ khi nào có thể, căn dặn chuyện học hành, nuôi dạy con cái...
Mỗi khi tàu neo đậu ở một vùng biển xa, liên lạc quốc tế được là điện, mắc cũng phải hỏi thăm một chút mới an lòng. Đó là nếp quen của bạn, của mọi người đi biển khi đã có gia đình. Lâu lâu nhớ vu vơ, ấy là nỗi nhớ nhà.

Thời gian ngoài giờ đi ca trên biển, các bạn trẻ sử dụng để học thêm, thường là sinh ngữ. Người khác nghiền ngẫm những tiểu thuyết, sách vở, báo chí mang theo. Thường thì ai cũng mua một số lớn sách truyện, báo chí các kiểu mang xuống tàu trước giờ rời bến.
Thứ sách vở ấy nhâm nhi chẳng được bao lâu là hết, quay qua đọc lại. Có những bài thơ, hay những tin quảng cáo trên báo được đọc đi lại tới thuộc làu.

Ngày trước thông tin mạng chưa được như bây giờ, một khi hai tàu Việt cùng cặp ở một cảng nước ngoài, nhìn cờ nhìn cảng đăng ký, đọc tên tàu là biết nhau. Hỏi thăm nhau qua lâu mau rồi việc đầu tiên là đi tuần khắp các phòng để xin báo chí sách vở về đọc tin nhà. Ấy là nỗi nhớ bờ.

Cũng có những nhóm tìm vui bằng hội nhóm nhỏ, đủ tụ xòe bài hoặc ê a mấy chung rượu cay cho vơi nỗi nhớ.

Bạn ấy có những thú vui hay khi thời gian rảnh là làm những việc như khi đang ở nhà. Ấy là trồng rau xanh, chơi cá kiểng, nuôi gà. Những hồ cá, vườn rau di động trên tàu, mang nó đi khắp các châu lục. Các bạn ấy trồng đủ mọi thứ rau thơm và rau cải, rau muống... vừa để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ bờ, vừa bổ sung nguồn rau xanh quí báu cho những ngày tháng đi biển xa.
Có lần, nghe đám thanh niên đi chung tàu với bạn thán phục anh già này ròm mà dẻo dai, cá say ổng mới say, cái gì làm cũng được hết trơn. Đúng là con sói biển. Lão già Gien ti lê.

Vốn khéo léo và là dân cơ khí chính hiệu lại thích làm việc, thời gian rảnh rỗi bạn loay hoay bên bàn nguội, tạo ra những vật dụng nho nhỏ. Những sản phẩm nhỏ ấy vừa có thể sử dụng được lại vừa như thứ một đồ chơi xinh xinh để tặng bạn bè và người thân sau những chuyến đi dài ngày trở về. Thực sự, đó là việc làm và món quà độc đáo, không thể đụng hàng ai hết. Một lần, cầm món đồ giản dị nhưng phải mất nhiều thời gian và tỷ mỷ, muốn hỏi bạn một câu rằng, bạn đã đưa vào những vật dụng bé bé xinh xinh ấy bao nhiêu phần nỗi nhớ của người đi biển.

Nhìn những cây búa, cái xẻng con của bạn, lại nhớ về thời con trẻ trên núi rừng Bắc Thái. Những chiếc chiến đấu cơ Mig của Nga hay F của Mỹ được bọn trẻ con gọt tay từ cây gỗ Ba gạc, mang chuốt bóng bằng lá Nhám của rừng để làm đồ chơi. Sản phẩm của bạn làm ra luôn giống thật và thuộc loại đẹp mắt, chau chuốt nhất trong đám.

Chuyến rồi về bờ được ít bữa, kịp bù khú và tếu táo với bè bạn mấy độ đơn sơ, chơi với con cái và kịp tổ chức mừng sinh nhật cho Gấu mẹ vĩ đại, bạn lại ra khơi. Hai lần đi ngang vùng biển nhà chỉ kịp alu mấy phát. Bữa nay bạn về, lượn vòng Dung Quất, Hải Phòng rồi lại chuẩn bị chuyến đi tiếp theo mà hổng được ghé Sài Gòn, lại mang theo nỗi nhớ của người đi biển.

Có những người bạn có thể chơi với nhau mấy chục năm, có những người bạn hễ gặp mặt là muốn ngồi nhâm nhi, đôi khi chỉ là xị Chuối hột và trái Cóc xanh, nói chuyện vu vơ với nhau hàng giờ, là một niềm vui cuộc sống.
Có những người vợ luôn biết cất đi nỗi nhớ, gánh vác việc nhà, nuôi dạy con cái lớn khôn là một điều trân trọng và không thể thiếu được với người đi biển.

-H1,2: Con tàu Lucky bạn đang đi và nhân vật trong bài.
-H3,4: Bạn Gtl thích làm những món đồ chơi của người lớn.
-H5: Gia đình trước một chuyến biển.

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Cây Sơn trà và người coi giữ.

Trên một ngọn núi kia ở một vùng đất xa xôi nằm cao trên mực nước biển hơn hai cây số có một cây bông Sơn trà đã trên ba trăm năm tuổi. Bấy nhiêu năm, cây Sơn trà đều đặn trổ bông và lớn lên mãi, bởi nó luôn có người quan tâm và săn sóc, hàng ngày nâng niu từng cành lá, nụ hoa.

Cây bông Sơn trà cho bông sắc hồng đỏ tùy theo nắng. Lá cây và bông cây trông gần giống như bông và lá cây Trà mà người ta dùng lá và búp làm thứ nước uống thanh tao. Có dịp đi chơi loanh quanh vùng núi cao ấy, bất chợt ta có thể thấy những bụi Sơn trà lúp xúp, bông đỏ cũng lúp xúp như lá, như cây và một màu đỏ quyến rũ, từ xa nhìn thấy ắt ta muốn lại gần.

Có một người đàn ông sống cùng cây Sơn trà cổ thụ năm tháng trên vùng núi cao ấy. Năm nay ông chín mươi ngoài, chưa tròn trăm và ông đã ở bên cây từ khi còn là một cậu trai mười ba tuổi cho tới bây giờ.

Một đời người theo một đời cây. Một đời người chỉ để chăm sóc cho những cành cây bông, cứ xoắn xuýt với nhau lớn lên theo ngày tháng, gió mưa, ngày Đông hay tháng nắng, và để cùng với cây cho đời những bông nụ hồng tươi, bông Sơn trà.

H.1: Sơn trà trổ bông.
H.2: Hình lưu niệm với người coi giữ cây.
H3: Cây bông Sơn trà hơn 300 tuổi.

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Lan man cái túi bao tử.

Đi đâu ra khỏi nhà, bạn sẽ có một mớ lủng củng đồ nghề cần thiết mang theo người.

Các mợ, các chị, các bạn gái đương nhiên là nhiều thứ đồ chơi rồi. Ngày xưa nữ luôn luôn là một cái bóp đầm khoác vai hoặc cầm tay mang theo, tối thiểu là ít phấn son giữa tiệc lấy ra soi soi bôi bôi quệt quệt. Lâu nay họ dùng một cái giỏ xách lớn, khoác vai hoặc để hờ hững trên cánh tay. Lịch sự và không biết họ để những gì trong đó nhưng hầu như ai cũng có, lại hay soi nhau về kiểu cách và tên hiệu của cái giỏ xách đó. Một lần tình cờ biết giá cả của mấy cái giỏ xách nữ, quy ra bia ắt phải kêu trời.

Phái mày râu cũng khá nhiều đồ lỉnh kỉnh. Ngoài bóp, kiếng mát, viết, hộp quẹt cùng gói thuốc lá, luôn luôn phải có cái alu. Mấy anh ngồi bàn cạo giấy lâu năm, lớn tuổi mà khi đi đâu quên mang theo cái "tỏ" hai ba độ là nhiều khi bó cẳng bó giò.

Những khi đi du lịch bắt buộc kèm theo là cái máy chụp hình kỹ thuật số, ra khỏi biên giới còn thêm vào cái hộ chiếu nữa. Có ông mắc bịnh ghiền, luôn mang theo chai dầu xanh, lâu lâu mở nắp bôi bôi, quệt mũi phát rồi đút túi. Tính ra gần chục món ăn chơi. Mớ đồ chơi ấy không thể nhét hết túi áo túi quần, hoặc nếu bỏ túi được hết cũng lủng củng, dễ rớt hoặc trông tướng tá ăn mặc lùi xùi lắm, bất tiện.

Những năm tám mươi được đi về Hồng Kông, Singapore phát hiện mấy anh béo bán đồ ăn ở chợ, ở nơi ăn uống tập trung thường mang một cái túi nhỏ trước bụng. Thao tác bán hàng mau lẹ, vừa làm đồ ăn vừa nói xáo xào, nhận tiền, thối tiền lẻ veo veo. Mấy chuyến sau sang thấy có nhiều người xài, coi bộ lịch sự, hay hay.

Cậu Hai nhà Hồ Bá trong nhóm đi chung là người xài đầu tiên. Cậu nhanh ý, ưa ứng dụng và thường phát hiện những ý hay ở xứ người ta, phát hiện nơi bán băng dĩa nhạc mới hay những cửa hiệu bán đồ độc không đụng hàng. Cũng nhờ cái nết dễ thương ấy, chuyến đi nào cũng một cái list dài mua đồ giùm cho người ta.

Cuốn hộ chiếu màu xanh quá khổ nhét túi ngực, tay xách một bịch hàng đi vẩn vơ trên phố, ở mấy thành phố cảng Đông nam Á coi quê quê, biết liền thủy thủ Việt Nam, còn bỏ cái "chiếu" túi sau quần jeen lại rất dễ rớt. Cậu Hai bỏ "chiếu" vô cái giỏ ấy mang trước bụng, nhét thêm cái walkman phong cách đàn ông một thời và vài ba băng cassette, tiền bạc chìa khóa bỏ ráo vô đó, đi bờ tay không, gắn tai nghe nhạc, coi bảnh tẻng lại khỏi lo rớt đồ. Thấy hay, cả băng làm theo và cái túi da nho nhỏ ấy của mấy anh béo bán Dầu cháo quẩy được mang tên cái túi bao tử.

Sau này nhiều người xài, và xài lâu. Công nhận cái túi bao tử ấy tiện lợi. Đi du lịch nhét hộ chiếu máy ảnh, thuốc lá hộp quẹt, kiếng và tiền lẻ, vừa xinh.

Túi bao tử gọn gàng và tiện lợi nên nó được nhanh chóng lan đi khắp nơi. Một dạo, rất nhiều người ở nước ngoài về thăm quê ai cũng có một cái, nên sau người ta còn kêu túi bao tử là cái túi Việt kiều.
Mấy năm trước qua Mỹ chơi vẫn xài cái bao tử, chứa đủ đồ nghề, cả cái máy hình du lịch Canon S50 khi ấy còn bự và nặng. Một bữa ông anh cột chèo nhìn thấy, nói cái này Việt kiều ưa xài, giờ xưa rồi không ai xài, coi quê. Ây dà, dzụ này mới à, kiều là kiều thế nào, tụi tui xài thứ này đầu tiên ở Sài Gòn, hai chục năm ngoài, đâu theo ai đâu. Nhưng rồi cũng nghe, không xài nữa. Đi đâu cái máy cũng phải cầm tay, vướng víu bất tiện, hay bỏ quên. Thế là lại xài lại cái bao tử nhà quê khi đi du lịch.

Có nhiều người xài một hai bao tử nho nhỏ mang cùng dây nịt, người bao kiếng, người bao điện thoại và có nhiều kiểu bao hộp quẹt xinh xinh. Rất mất thiện cảm với mấy người xài hộp quẹt hàng hiệu, bạn mượn không cho, đốt thuốc giùm xong rồi bỏ lại vô bao, có vẻ kỹ tính quá. Ngày trước chơi Zippo không cây nào giữ được lâu, vậy mà còn chê người ta kỹ tính.

Hè rồi, ông anh cột chèo tặng cho một cây quẹt Dupont, nặng chịch và tiếng "coong" của cái lẫy Dupont mỗi lần mở quẹt thật là mê ly, không xài không đặng. Vậy mà cây quẹt bị quăng hoài, quên hoài, xém mất mấy lần. Anh giáo dạy vẽ bé con ở nhà thấy vậy tặng cho cái giỏ cũng là một dạng cái túi bao tử. Túi ba ngăn, một ngăn cho cái máy ảnh để chơi blog, một ngăn cho em Dupont và một cho cái "tỏ". Tiện ích, đặt tên cho nó là cái giỏ bao tử dê, xài liền, hết dám chê ai kỹ tính.

Nhớ một năm nào còn trẻ trung có cô bạn gái tên Sương con một nghệ sỹ nhiếp ảnh ở Phú Nhuận. Cô bé có chiếc răng khểnh xinh ơi là xinh, chơi chung băng chụp hình, chắc là có cảm tình riêng nên một dịp sinh nhật tặng cho cái bao tử chuột để xài Zippo. Chê người kỹ tính, xài mấy bữa rồi quăng cái bao, cô bé giận không thèm chơi nữa.
Tuổi trẻ sao vô tình, bây giờ không biết bạn Sương ấy ở đâu.

Những kiểu túi bao tử ấy không vì ngại quê, ngại kỹ mà lãng quên nó, bởi thực sự nó rất hữu dụng. Có nhiều anh bạn già đi đâu xa vẫn xài túi ấy. Ai cũng nói cái túi bao tử tiện ích lắm đó bạn ơi.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Nhớ và tiếc.

Có những cánh chuồn cứ quay tròn trong gió, rơi xuống từ cành cao tít trên trời của những cây Dầu Rái cổ thụ, để cho đám học trò trường chuyên trên đường Lý Tự Trọng Sài Gòn giờ tan trường rủ nhau chạy theo đuổi bắt. Đám trò nhỏ gọi tên là những cánh chuồn chuồn và lượm lấy một nắm cất vô cặp sách mang về nhà chơi với em. Chúng rủ nhau lên lầu hay sân thượng, thả cánh chuồn chuồn rơi xuống đất, nhìn nó quay tròn bay theo gió, cười vui ríu rít.

Đó là một trò chơi vui của tuổi học trò với trái của cây Dầu già khi mùa trái rụng.

Nhưng ở một công viên nhỏ hiếm hoi nơi trung tâm thành phố, công viên Chi Lăng trên đồi dốc đã bao nhiêu năm, những cây Dầu hàng trăm tuổi to lớn mấy vòng tay, thân cây vững chãi đâm thẳng lên trời đã không còn nữa. Người ta đã hạ hết các bác Dầu già đáng thương và đặt lên trên nền công viên cũ ấy những bụi cây nhỏ dại quê mùa, lý do để xây một tầng hầm chứa xe và nghiễm nhiên công viên đã biến thành khuôn viên mặt tiền, chỉ để làm đẹp cho tòa cao ốc Vincom.

Những cây Dầu to lớn đã biến mất hơn một năm nay, ai đó vẫn cứ nhớ và tiếc những bóng cây cả trăm năm Sài Gòn mới có được, chỉ trong phút chốc...
Chính vì vậy nên rất nhiều người dân Sài Gòn không thích cái bãi xe ngầm và tòa nhà Vincom ấy.
Rồi đây, những trò cũ của Lasan Taberd, của trường chuyên Trần Đại Nghĩa ghé về nơi đây thăm lại, có ngẩn ngơ không khi không bao giờ còn tìm thấy nữa bóng dáng những bác Dầu Rái thân quen và hùng dũng.

Hiếm khi vô mấy cao ốc này vì hổng biết mua sắm. Tuy vậy lâu lâu khi Cảnh sát trưởng gia đình đi shopping, muốn lấy điểm nên chở đi, chỉ là ngó nghiêng cho có.

Có hai người bạn blog bị tai nạn ở cái dốc Vincom. Đi ngang, chạy xe máy một vòng lên xuống nơi để xe của tòa nhà này, không phải đi mua sắm mà coi cái đường ra vô của nó ra sao mà làm cho các bạn ấy tai nạn.
Đúng là đường lên xuống của nó rất dài và dốc, khúc cua quẹo gần 90 độ. Đã có một vài tai nạn ở chỗ này. Vậy là bạn ấy bị đụng cái con lươn này đây khi xe mất thắng. Con dốc dài như thế, cái trớn hay còn gọi là quán tính của xe và người sẽ rất lớn.

Có một vài cái tại sao, giá mà... nhưng việc đã rồi, muốn nhắc nhở cho mọi người cẩn thận khi đi lên xuống nơi ấy hay nhiều nơi khác tương tự, nhất là các bạn nữ.
Phải để số thấp lúc đi xuống cũng như lên, xuống sẽ là thắng số và lên sẽ mạnh không sợ tụt dốc. Các bạn đi xe tay ga không có số thì phải đi xuống với tốc độ chậm nhất có thể, không xài thắng trước khi cua quẹo. Một điều luôn luôn là nếu có chở ai hãy để họ vô cửa trước chờ mình gởi xe. Bạn tôi không nghĩ rằng hai người lớn trên xe xuống dốc là cái trớn rất lớn. Cái thắng đứt cũng vì không chịu nổi cái trớn của hai người cả một quãng dốc dài.

Dạo một vòng nhà bạn bè, lại thêm một bạn nữ tai nạn, hơi buồn buồn, con gái trây trớt tay chân mặt mũi tội nghiệp. Sài Gòn bây giờ đã quá đông xe cộ, ý thức lưu thông trên đường đáng báo động. Vậy nên mỗi người luôn phải biết giữ mình thôi.
Mong các bạn ấy dưỡng bệnh cho mau khỏe, và rồi luôn chú ý mỗi lần đến với cái dốc Vincom.

Tự nhiên lại thấy nhớ và tiếc cái công viên Chi Lăng.

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Ngôi nhà của chúng ta.

Viết cho các con.
Được một ngày nghỉ không hò hẹn ai, không độ đám gì là bố Nhí chỉ thích ngồi ở nhà, làm những việc không tên và tỉa cây cắt cỏ, lên sân thượng chơi với mấy con gà tre và đám chim bồ câu. Nghe chúng gáy, chúng gù với nhau và xem chúng ấp trứng, nuôi con.

Sớm nào mẹ Nhí cũng pha hai ly café đá, bố mẹ ngồi cafe sáng ngoài vườn và nói dóc trước giờ đi làm.

Cái vườn cỏ chỉ nhỏ xíu xiu ấy, nhưng tự tay bố Nhí đã xào xáo, trồng cỏ, trồng cây, làm non bộ, nuôi cá kiểng. Thay đổi biết bao nhiêu kiểu vườn, bao nhiêu thứ cây, để luôn mới và đẹp chỉ để cho người ta thuê, người ta hưởng, còn mình mấy năm nay mới là lúc được hưởng thụ nó.

Nhà mình dọn về căn nhà gần hai mươi năm.

Năm ấy bố mẹ ôm Hai mấy tháng tuổi rủ thêm gia đình chú Giang còi, dọn về nhà mới. Nói là mới, thực ra bạn bè đã mua nó trước đó hai năm. Hồi đó giao hết cho bạn bè quản lý tài chính, lúc mình đi biển dài ngày chúng xách tiền đi mua nhà. Tội nghiệp bạn bè, khi ấy về còn bị mắng để vốn buôn bán chớ, mua nhà làm cái giầy.

Nghĩ hồi đó cũng lãng thiệt. Dân đi biển, chưa vợ con. Làm đó, có đó, rồi mất đó, có lúc tay trắng, vài lần là quen, coi vật chất chẳng có cái gì gọi là lớn cả, nên bỏ mặc ngôi nhà bấy nhiêu thời gian chỉ vì cái nhà cứ loằng ngoằng chuyện giấy tờ mãi. Chán, lại đi biển triền miên, mãi đến khi sanh Hai được ít lâu mới tính đến chuyện nhận nhà về.

Những năm đầu tiên ở đây có bao nhiêu kỷ niệm.
Loay hoay nghề nuôi cá kiểng kinh doanh một thời. Một tầng lầu xếp chật giá thể, hồ đẻ cho cá. Nuôi từ con cá nước ngọt cao cấp nhất là loại cá Rồng như Bạch Ngân Long hay Kim Long hồng vỹ mang ở nước ngoài về, cá Dĩa, Ông tiên đến cá con nít chơi như Ba đuôi, Bảy màu. Lúc đó bố Nhí còn có giống cá Hồng kim Chu sa ngoài Hà Nội và nhiều loại cá kiểng khác.

Cùng với chú Giang hai người thay nhau, người đi biển người ở nhà chăm sóc, bận hơn con mọn. Rồi xách cá lên tàu, mang theo buôn bán. Mắc cười, nhớ chuyện một lần lên bờ xách một xô cá Tỳ bà, chú cát tơm Xì phố gác tàu cười chọc quê dân tàu bè tỉnh buôn bán không lo, lo chơi tầm bậy tầm bạ. Chú cát tơm không biết mỗi con Tỳ bà nâu, bây giờ kêu cá lau kiếng khi ấy mua 1$ Sing bán tới 10$ Mỹ. Làm bộ nhà quê ngây ngô, bấm bụng cười.
Không theo mãi được nhưng niềm tự hào nghề cá bố vẫn giữ trong lòng khi cái Tết năm ấy đi chơi Hội hoa xuân, lúc qua gian hàng cá kiểng, chị Hai ngồi trên cổ bố vói tay chỉ chỏ và bập bẹ: Bố ơi cá bố kìa. Bé con tinh thế. Đó là ba con chép Nhật mang về lúc nhỏ từ nước ngoài, bố nuôi trong hồ ngoài trời thật lớn và đẹp. Cá được người ta mua trước Tết, rồi trưng bày trong gian hàng cá kiểng mang tên một nghệ nhân, dù sao cũng vui chứ với thành quả ấy của mình.

Dạo ấy tiếc nhất những chú kiếm Chu sa mắt đỏ kiếm đỏ, chú út nhà Hồ Bá mang cho một cặp giống từ Hà Nội, nhân lên được nhiều quá chừng, thật đẹp. Khi bỏ nghề cá kiểng, mang cho người ta hết. Bây giờ chơi cá lại, tuyệt nhiên không còn thấy giống cá ấy nữa, kể cả nhờ các bạn ngoài Nghi Tàm Quảng Bá cũng chịu. Ngoài đời bây giờ chỉ còn thấy Hồng kim mắt đen, kiếm nửa đen nửa đỏ.

Trong đám bạn cá kiểng hồi đó còn mỗi Dũng "cháo" theo nghề. Đại gia đình nhà bạn làm hết các thủy cung cá biển trong thành phố, lẫy lừng một thời. Phải nói cậu giỏi, chịu làm. Bữa trước coi ti vi đưa tin công ty Thanh Hải của cậu, bây giờ cậu bỏ hết cá biển, chuyên cá Chép hay còn gọi cá Koi Nhật bản, quy mô thật lớn, bảnh tẻng.

Những năm cuối thời bao cấp ấy, lương tháng không đủ cà phê ăn sáng, mẹ Nhí nghỉ việc sở làm ở bệnh viện Từ Dũ, bố Nhí nghỉ phép dài ngày ở bờ. Hai người tự tay sửa chữa làm đẹp căn nhà đã xuống cấp. Bố Nhí thì sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, sửa chữa điện hay sơn quết dán giấy tường, rồi trồng cỏ cây xung quanh nhà. Mẹ Nhí giỏi giang tự đọc sách rồi nấu đồ ăn Tây không mấy thua kém ai. Lâu lâu có một vài cặp vợ chồng người Pháp qua Sài Gòn, cậu Bảy dẫn về nhà ở một hai phòng. Ngôi nhà cho thu nhập từ đó.

Thế rồi một bữa tự nhiên ông Nike ghé nhà. Ông Nike thích căn nhà có khuôn vườn nhỏ. Ông ấy đòi ở nhà mình. Rồi mấy đời giám đốc kỹ thuật Nike đều thích ngôi nhà của chúng ta. Thế là bỏ hết cá kiểng, thế là bồng Hai đi. Lúc về ngoại ở lúc đi thuê nhà người ta. Khi có thêm bé Nhí nhà mình vẫn đi thuê nhà ở.
Tuy vất vả một thời nhưng ơn Trời, ơn ông Nike và ơn ngôi nhà yêu mến nay mới có điều kiện cho hai bạn nhỏ học hành.

Và hơn hết trong cuộc sống này, mỗi sự thành công của bố mẹ Nhí không thể thiếu vắng bè bạn, nhất là những người bạn chí cốt trên những con tàu Cần Thơ, Tây Đô, Sông Hậu và chàng trai Singapore A Quây luôn cùng với bố hợp tác và giúp đỡ hết mình trong những năm đi biển sung sức.

Chỉ là một câu chuyện kể với các con, khi chiều về, ông mặt trời đã xế bóng.

Và thế rồi, có một bữa sáng ngồi uống cafe với nhau, ai đã hỏi ai tại sao ở đây lại không là một quán café sân vườn để cho ta cùng ngồi chơi nhỉ.