Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Mùa hoa đỏ.

Ngân yêu màu hoa đỏ, yêu nhất loài bông Sứ đỏ chói chang trong những ngày rực nắng và các loài hoa Bát tiên cho bông hoa màu đỏ.

Ngân yêu bài hát "Thời hoa đỏ" ngay lần nghe đầu tiên. Đi chơi với bạn bè hay đi với cơ quan mỗi dịp hội hè tổng kết, sau liên hoan là màn "Vietnam Idol" nhóm nhỏ và "Thời hoa đỏ" luôn luôn là bài ca đầu tiên Ngân lựa chọn.

Khoảnh sân nhỏ trước cửa nhà là nơi tha thẩn mỗi sáng mỗi chiều trước và sau giờ Ngân đi làm. Những chậu cây kiểng xinh xắn tự tay Ngân vun trồng và chăm sóc đã nhiều năm. Cứ ít bữa lại mang về nhà một cây kiểng nhỏ, khi mua từ những xe hàng rong trên phố, lúc mang về từ nhà một người bạn thân. Nhưng nhiều nhất cây Ngân trồng là loài Sứ Thái. Khoảnh trời riêng tư ấy quanh năm cây lá tươi xanh cùng nhiều hoa nở.

Đụng chuyện những cây bông Sứ, Ngân rất vui được tiếp chuyện một ai đó cùng yêu thích loài hoa này, có thể hàng giờ đồng hồ, tận tình chỉ cách chăm cây. Và vì biết cô chủ vườn yêu quí cưng chiều, quanh năm những chậu Sứ, những cây hoa Bát tiên trong khoảnh sân nhỏ cho hoa đủ màu sắc nở, rực rỡ nhất vào mùa khô.

Ngân nói thứ cây dễ trồng dễ sống, đất càng cằn khô, càng nắng, cây càng cho nhiều hoa, chỉ cần siêng năng cất công bắt sâu và lâu lâu rỡ cây, đôn gốc. Cây Sứ Thái đẹp mà nhiều sâu lắm đó. Rồi Ngân biết làm đẹp cho những cây Sứ ghép, cây trồng bằng hạt, và biết giữ gìn những hạt mầm nhỏ li ti từ khi trái Sứ nhú lên hai cọng nhỏ hình cặp sừng trâu hiếm hoi có được.

Học xong đại học, Ngân yêu và kết hôn với một người lính trẻ, quê ở làng rau Cầu Giấy trở về nhà sau chiến tranh. Hình ảnh người lính luôn là thần tượng của các cô nữ sinh Hà Nội, ở thời xa xa ấy.

Vợ chồng Ngân là cặp mẫu gia đình công chức một thời bao cấp. Nghĩa là tốt nghiệp đại học, ra trường ai cũng được nhà nước phân chia công việc. Chồng Ngân hoàn thành đại học sau những năm quân ngũ trở về rồi làm công tác chính trị chuyên trách ở một cơ quan từ bấy đến nay. Còn Ngân về làm chân thí nghiệm ở một trung tâm nghiên cứu.

Sáng ra cắp ô đi làm, tháng tháng tới kỳ lương lãnh, vài ba năm lên một bậc, hết ngạch chuyển ngạch. Sống bằng đồng lương công chức tới lúc nghỉ hưu, tằn tiện, khéo sắp xếp và chịu đựng, họ cũng nuôi dạy hai đứa con học qua đại học.

Hết tuổi thơ ở Hà Nội, Ngân sống trong cái thời bao cấp của một gia đình công chức như bao nhiêu gia đình thuở ấy, nên khi làm người mẹ, làm người chủ trong tổ yến mỏng của mình, Ngân thấy cuộc sống vậy là đủ, là hạnh phúc, không mơ ước gì thêm.

Bạn bè vẫn nói với nhau, cái Ngân nó "bôn sệt". Đấy là một từ riêng của một thời chỉ những người luôn luôn nghiêm túc, nói và làm việc một lòng theo sách vở. Kệ ai cười, Ngân cứ sống vậy, không bon chen, sắm sửa, cũng không quan tâm tới sự giàu nghèo. Bạn bè cũ gặp nhau, thấy Ngân lúc nào cũng hồn nhiên, yêu đời phơi phới. Bao nhiêu năm ở đất Sài Gòn, vẫn nước da trắng, tóc để dài cùng nét đẹp sang trọng của người đứng tuổi. Ngân vẫn giữ nguyên giọng nói Hà Nội mang chút nhiệt tình nồng ấm. Cứ như thế mấy mươi năm, cuộc sống qua nhanh như một giấc ngủ dài.

Năm nay hai vợ chồng nghỉ hưu một lượt, trước sau nhau mấy tháng. Chồng hơn Ngân đúng năm tuổi, hai đứa nhỏ học hành xong đều đi làm xa.
Để chuẩn bị cho sự thay đổi lớn trong đời sống của cả hai, trước một vài năm, họ đã tập cho mình những sinh hoạt riêng mà mỗi người dần thích ứng, chờ ngày nghỉ hưu.
Ngân có cái khoảnh sân, còn anh sáng sáng đi bộ ngoài công viên, đều đặn không nghỉ một ngày, lâu lâu tối đi sinh hoạt hội hè. Anh khoe mới vô sinh hoạt ở một câu lạc bộ, được giao lưu đây đó, nhiều niềm vui và thú vị.

Nhóm bạn thân đồng học Chu văn An Hà Nội xưa, nay sống ở Sài Gòn có niềm tự hào riêng là dân trường Bưởi theo cái tên trường thuở ban đầu . Cứ ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng cuối cùng trong năm, định kì họ gặp nhau. Buổi họp mặt năm nay Ngân không tới.

Một bữa đi ngang nhà, nhớ bạn ghé chơi thăm, ở nhà chỉ có mình Ngân, trống vắng và nghe hơi lạnh. Ngân ốm dốc người, khuôn mặt nhiều những nếp nhăn buồn nơi khóe mắt xếp lên nhau kéo tới lọn tóc mai loăn xoăn điểm bạc. Mất đâu rồi dáng vóc và nụ cười vô tư của cô nữ sinh trường Bưởi năm nào.

Hỏi thăm Ngân, sức khỏe có chuyện gì không mà không cho ai hay. Ngân buồn bã nói "giải tán quốc hội" rồi. Là sao, Ngân trống không: "Giải tán hết rồi, cho ông ấy đi tìm đường cứu nước, hai đứa đi làm xa, ở nhà một mình từ ngày nghỉ hưu, mấy tháng nay rồi...

Ngân chậm rãi pha nước mời khách và ngồi kể chuyện.

Đã ít lâu thấy anh ấy hơi lạ. Đụng đến chỗ nào trong nhà, từ những vật dụng đến nhu yếu phẩm, cả tiền lương của anh ấy, không được rõ ràng, lại cả cách trò chuyện, nói năng... Ngân thấy một dạo cứ thế nào ấy, nó không minh bạch. Không, dùng từ ấy không đúng lắm, Ngân cảm thấy như có một không khí dối trá quanh quẩn trong nhà mình. Vợ chồng mà, đã bấy nhiêu năm, quen môi nhớ miếng, lạ hơi là biết liền.

Một ngày thư thả, dọn dẹp cửa nhà bỗng một tấm hình nhỏ rơi ra từ xấp giấy tờ sổ sách của chồng. Là cái gì vậy? Ngân dụi mắt, tim như thắt lại, không thể thở được nữa, chân tay run bắn khi thấy một tấm hình còn mới. Là anh đó, đang cười, nâng trên tay đứa nhỏ tuổi còn ẵm ngửa.

Chuyện xảy ra chừng một năm nay. Một việc động trời như vậy làm sao giấu mãi được. Anh ấy thú nhận tất cả và xin Ngân tha thứ.

Đau khổ, chua chát, vỡ vụn, chỉ sau một tuần lễ họ đã trở thành người xa lạ.
Căn nhà họ đang ở là của cha mẹ Ngân để lại. Tài sản chung một đời công chức một sổ tiết kiệm chia đôi. "Anh hãy đi đi mà tìm một tổ ấm mới".

Việc còn lại của Ngân từ giờ đến cuối năm, Ngân nói bán căn nhà, chuyển đi đâu xa khỏi nơi này, ra ngoại thành càng tốt. Đi để quên ba mươi năm cuộc đời mà mình ráng mãi, ráng làm một ngọn nến lung linh thắp sáng một gia đình. Cái lung linh tắt ngấm ở cuối dốc, năm Ngân nhận sổ lương hưu.
Ngân khóc.

Ngân hiểu chứ, như bao nhiêu người khác cùng thời, làm việc một đời để đi qua hết những năm tháng khốn khó. Mới mấy năm nay, cuộc sống bớt khó khăn do con cái đã trưởng thành và thời cuộc ít nhiều đổi thay. An phận, không ngước lên, không nhìn xuống, cả cuộc đời Ngân chỉ biết sống cặm cụi, tằn tiện làm việc và nuôi dạy con cái ăn học, cho tới bây giờ. Ngân xót xa: "Ai mà ngờ, cứ nghĩ ông ấy không biết làm ăn gì như người ta nhưng hiền lành, làm công tác chính trị chuyên trách, cả đời nói về những điều tốt lành, sao lại có thể xảy ra chuyện ngược đời như vậy được". Tại số phận hay tại cuộc đời này không bao giờ muốn san xẻ sự công bằng.

"Mình gói ghém nghĩa vợ chồng cùng tất cả sách vở của ổng... đốt hết rồi". Ngân khóc. Khóc mà như cười chua chát ...

Ngân cứ nói, cứ khóc cho vơi nỗi lòng...

Nhớ một lần tới chơi, gặp Ngân đang tỉa cây. Yêu đời, Ngân hỏi bạn có thích trồng Sứ đỏ không? dễ lắm. Này nhé: cắt nhánh, phơi khô nhựa cây, cặm xuống là có một cây. Rồi cây Sứ hiếm khi ra trái, nhưng khi trái Sứ còn xanh, cột chắc trái lại kẻo trái Sứ khô sẽ nứt. Hạt Sứ mong manh, nở ra theo gió bay đi. Trồng cây như trồng người. Cây Sứ mọc lên từ hạt mầm sẽ vững chãi, dáng đẹp, chậm nhưng được chăm sóc hàng ngày sẽ lớn lên bền vững, dễ gì những bông đỏ kia nhạt màu.

Bất giác hỏi Ngân, chứ .. những chậu Sứ với hoa thật đẹp đâu hết rồi bạn ơi?
Ngân không nói, khoát tay, bĩu môi và một cái nhún vai mơ hồ.

Ở một góc khoảnh sân còn sót lại mấy miểng chậu bể nát vụn. Những chậu bông bằng sứ đã biến mất khỏi khoảnh sân nhỏ làm cho căn nhà trống trải trước sau, và như rộng thêm ra.
Những gốc Sứ và gốc Bát tiên được gom lại chất đống, lộn xộn, không đất, không nước và không biết đã bao nhiêu ngày nằm đó, vẫn còn nhú lên những nụ bông đỏ tươi rói.
Tháng này ở Sài Gòn sắp vào mùa hoa đỏ.

20 nhận xét:

  1. Càng sống, càng đọc, càng nghe, càng chứng kiến nhiều, em càng thấy có khi phụ nữ bọn em phải hình thành suy nghĩ bị phản bội là điều không nên mong, nhưng luôn có thể tới bất cứ lúc nào và mình nên ung dung chấp nhận anh Đỗ nhỉ?

    Vie

    Trả lờiXóa
  2. Nếu sự đổ vỡ xảy ra ở tuổi về già em nghĩ nó đau đớn hơn khi còn trẻ tuổi phải k anh?

    Em có bà cô dạy Anatomy and Physiology, 4 lần li dị, giờ gần 60 tuồi vẫn còn đi dạy. Có lần cô em tâm sự trong lúc em vô trường làm Lab bù cho bữa em bị xỉu, 2 người tâm sự, cô nói cái lần đầu nó không đau buồn nhiều vì khi ấy cô còn trẻ, còn nhiều sự lo toan, nhưng lần sau hết thì cô nằm viện, cứ tưởng là sẽ chết vì thủi thủi có 2 vợ chồng già.

    Nghe nhiều, thấy nhiều thì lại sợ nhiều anh ah, không biết có phải là nổi sợ chung của những người sắp lấy chồng không nữa.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài này, rất thương, rất buồn...
    Cuộc sống với những biến động là điều không thể tránh khỏi, nên mỗi người cần phải đối mặt với những biến động ấy, và tìm giải pháp cho những ngày sắp tới, chứ không phải nhìn lại những ngày qua mà u sầu, đúng không bác ?
    Cho Moon thở dài đánh thượt một hơi nha, oi iiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii

    Trả lờiXóa
  4. Theo em, những năm tháng đã qua không nên coi là chưa từng có hoặc cố xóa nó. Dẫu sao, chuyện vừa xảy ra không làm thay đổi được ký ức về nó.

    Trả lờiXóa
  5. Không biết nói gì, đúng là, càng chứng kiến nhiều, càng thấy " đời, đúng là đời".

    Trả lờiXóa
  6. -Bạn ND,
    Không thể là những câu chuyện phổ biến, nên theo tôi thì không nên để suy nghĩ ấy trong đầu đâu. Mình phải cùng nhau xây cái tổ của mình chứ. Không lý thuyết một tí nào

    Trả lờiXóa
  7. -Phung Tran,
    Tôi cũng nghĩ sự đổ vỡ ở tuổi già là đau đớn vì đây là thời gian rất cần nương tựa nhau.

    Nhưng đừng có sợ gì hết bạn ơi. Những câu chuyện của người đi trước bạn chỉ để đọc cho mình thêm vững chãi.
    Chúc vui nhé.

    Trả lờiXóa
  8. -Moon,
    Mình cũng chỉ biết thở dài và lắc đầu trong câu chuyện này.

    Trả lờiXóa
  9. -Phú ơi,
    Chị ấy rất bất ngờ.

    Trả lờiXóa
  10. -Mía,
    Đúng là đời đấy. Nhưng buồn hơn khi phải chứng kiến và mất niềm tin.

    Bạn về rồi phải không, chưa thấy bài ảnh của chuyến đi.

    Trả lờiXóa
  11. "Đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ"
    Tội nghiệp cô ấy,ở tuổi này mà bị cú sốc ấy sẽ mau già lắm đây

    Trả lờiXóa
  12. Đúng là chẳng biết thế nào nhỉ

    Trả lờiXóa
  13. Bài này... Lana đọc thôi nha. Xin không nói gì.

    Trả lờiXóa
  14. có chuyện ko hay xảy ra cho một người anh họ (con cậu ruột) nên chuyến đi NT bị hủy bác ạ.

    Trả lờiXóa
  15. -M.S,
    Mong cho thời gian và bè bạn sẽ cho chị ấy vui lại với cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  16. -L2C,
    Chỉ là một câu chuyện cá biệt, bạn nhỉ. Là người thân càng không biết nói gì nữa.

    Trả lờiXóa
  17. -Ừa Lana,
    Biết là có gót hài ghé nhà là vui rồi.

    Trả lờiXóa
  18. Mía,
    Vậy là chỉ về PT thôi?
    Chuyện người bà con ổn rồi chưa bạn?

    Trả lờiXóa
  19. Thật buồn phải không chị Ngân.Em cũng rơi vào hoàn cảnh như chị sau 33 năm cố gắng hết mình làm 1 ngọn nến lung linh.Và bây giờ khi đã kiệt sức vì tổ ấm gia đình thì lại đối mặt với sự thật .Nhưng có lẽ em còn may mắn khi bên em còn 2 đứa con trai rất yêu và hiểu mẹ.Chúng là con trai mà gần gũi mẹ,hiểu những vui buồn của mẹ.Nhưng chúng lại không cho phép bất kì 1 người đàn ông nào tới gần mẹ của chúng.....

    Trả lờiXóa
  20. -Chào bạn ND ghé thăm,
    Chia sẻ cùng bạn. Ráng lên thôi, và tìm vui. Cuộc sống là của mình và có nhiều niềm vui lắm, nhất là bên bạn có hai bạn nhỏ kia nữa.
    Thân mến.

    Trả lờiXóa