Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Chuyện người thợ giày.

Tay nhẹ nhàng đưa từng mũi kim may lại một cánh hoa nhỏ trên chiếc dép xăng đan, một thoáng nhìn qua lại người khách muộn màng, anh thợ bắt chuyện:
- Chắc đôi giày của con gái?
- Của con gái tui, đúng rồi.
- Mấy vụ này thường là các má mang tới, ít thấy mấy ông. Cá chắc với anh luôn, cưng con gái dữ ha. Mảnh khảnh, đỏng đảnh, nhí nhảnh, lanh chanh, he he... Cháu học tới lớp mấy rồi anh Hai?
- Cháu học lớp Tám, nhỏ này lanh chanh, nhí nhảnh ác luôn... mà sao anh hay quá vậy?
- He he... em cũng có một cô con gái, nay học lớp Năm rồi. Lí lắc suốt ngày, cả nhà cưng chiều lắm.

Chiều đã buông xuống trên phố đông người, sắp kết thúc một ngày lao động. Mời nhau điếu thuốc, rít một hơi dài rồi đặt điếu thuốc lên chiếc đe gang kế bên, anh tâm sự:
- Em làm ăn ở góc phố này từ ngày còn là một thằng nhỏ. Vậy mà làm bạn với cái góc phố đã qua hết mười mấy năm rồi đó, anh Hai biết không?
Dáng vẻ bên ngoài, giọng nói và cách nói chuyện, nhận ra người Sài Gòn. Hiểu đời, thân phận và một ít góc cạnh. Tuổi ngoài ba mươi, vậy là anh sinh ra và lớn lên ở thời bình. Anh là một lớp người mới, hay kêu là "thế hệ mới" cũng được, như là người ta vẫn thường nói văn vẻ vậy.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, cũng là một cái nghề - Anh nói.
Em dân Bình Hòa cầu Bông, giáp ranh Phú Nhuận với quận Nhất, gia đình ba mẹ anh chị em dzòng dzòng ở đó hồi nào giờ...

Ở tuổi còn đi học, thường nghe các anh chị nói chuyện học hành để tới nơi tới chốn ở Sài Gòn này là khó khăn lắm chớ không có giỡn. Ngày đó đâu có nhiều trường đại học, đâu dễ dàng vô đại học như bây giờ. Mấy người học hết tú tài, muốn vô đại học ư, muốn đi làm việc ư, phải có cái lí lịch kèm theo. Mà nhà mình không có cái lí lịch chi đó anh Hai à...
Vậy nên học chi nhiều giống mấy anh mấy chị cho uổng sức mình, uổng công cha mẹ. Ngày ấy, biết phận mình hổng tới đâu, em bỏ học ngang hông, ra đường phố kiếm nghề sống, chắc tay một cái nghề sẽ không lo đói. Mai mốt có lấy vợ, kiếm được đủ tiền nuôi vợ con là mừng rồi. Em theo nghề là vậy đó anh Hai.

Hất đầu qua góc xa kia, một cậu trai trẻ tóc vàng cháy cũng đang chăm chú với mũi kim trên một chiếc giày, anh nói:
- Đệ tử của em đó, nhà nó cũng ở trong xóm. Năm nay mười lăm, đúng bằng tuổi em ngày đó khi bước ra đây. Phụ được khá việc và em đang dạy nghề cho nó. Mỗi sáng đạp xe ra đây. Siêng và chịu làm thì sẽ có nghề, không thôi theo đám bạn xấu, hư người ráng chịu.
Em có một đứa con gái, vậy thôi không thêm nữa. Vợ chồng em nói nhau, phải cho con học hành đâu đó, đời mình lỡ rồi.

Ầy da... Con người ta ai không có ước vọng giàu sang, ai có phước có phần, ông trời cho nhiêu hưởng nhiêu, không cho phải chịu anh Hai ơi.

Những chai sần trên đôi bàn tay, bộ áo quần bạc màu đường phố, nụ cười hiền lành, nhẫn nại cùng một giọng nói an phận nhưng thạo đời về nhân tình thế thái với quan niệm về cuộc sống đặc chất thảo dân Nam bộ, anh là người hiểu biết và đã quá quen với những vất vả cuộc đời.
Cẩn thận trở ngược đầu đôi dép, bỏ bịch ni lon gọn gàng, anh cười chia tay, của anh xong rồi đó, rồi dặn dò:
-  Con nhà giàu giày hàng hiệu may lại đường chỉ, con nhà nghèo thường thêm gót hay dán lại đế bong keo. Làm hoài tui biết mà. Con nít học trò ưa chạy nhảy, mau sút mấy thứ trang trí này, rồi mấy cái móc khóa nữa. Có rớt thứ nào nhớ lượm mang tới tui may lại cho. Anh thợ giày quay qua dọn dẹp đồ nghề, lại cười vang.

Nghề sửa chữa giày dép ít người để ý tới, hoặc có để ý khi có việc phải tới rồi lại đi, lại quên. Nên khi có được một người trò chuyện về nghề nghiệp của mình, dù chiều muộn rồi vẫn không thấy gì vội vã, khách chủ mau xích lại gần nhau. Một cảm giác gần gũi, anh thợ giày thật vui chuyện trong ít phút trải lòng cùng người khách lạ, có lẽ là người khách cuối cùng trong ngày.
Chỉ là một cái đe nhỏ bằng gang, một cái máy mài nhỏ cùng mấy thứ đồ chơi búa nhỏ kềm nhỏ, kim chỉ cũng nho nhỏ và đôi bàn tay khéo léo là sở hữu của anh suốt những năm ấy ở nơi này.
Ngày tháng cứ trôi qua như dòng người xe vẫn chạy mãi trên đường phố. Có những đôi guốc cao, những đôi giày bóng, những đôi xăng đan mềm vẫn mòn gót ngang nơi anh ngồi. Ở đó có môt góc đời và một góc phố.

30 nhận xét:

  1. Chứ nghề nào cũng có nét đẹp riêng của nó anh hen. Bởi vậy giữa chốn sài thành này, chịu khó làm thì không có gì phải sợ.
    Chỉ sợ những thanh niên cao to, sức khỏe mà can đảm ngồi đó ngửa nón ra chờ người khác cho, không cần lo đến ngày mai.

    Trả lờiXóa
  2. Anh thợ giày nhận xét 1 câu đúng phóc:)

    Trả lờiXóa
  3. Góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bác đi làm giày xa nhà dữ vậy, chắc mối quen hả bác?

    Trả lờiXóa
  4. -Kiến,
    Đúng là mỗi công việc, mỗi nghề đều có nét đẹp riêng, nỗi vất vả riêng. Và đúng là ở SG, chịu khó làm thì không sợ đói. Nhưng những góc phố ấy của thảo dân chông chênh lắm.

    Trả lờiXóa
  5. -BeBo,
    Mẹ BeBo muốn nói tới câu nói nào của anh thợ giày? Chuyện đi học ngày trước phải không? Một thời lạ kì.

    Trả lờiXóa
  6. -Moon,
    Góc NKKN -Lê Thánh Tôn, đúng rồi. Đôi lúc tới đó khi có việc giày dép của Nhí, và cậu ấy cũng vui chuyện, còn hay nói chuyện chơi gà nữa chớ.

    Trả lờiXóa
  7. Câu này nè:Cá chắc với anh luôn, cưng con gái dữ ha. Mảnh khảnh, đỏng đảnh, nhí nhảnh, lanh chanh, he he... Cháu học tới lớp mấy rồi anh Hai?

    Trả lờiXóa
  8. Em vô chào Anh Cả đầu tuần.Em thích entry này,đọc nhẹ nhàng lắm
    Chúc Anh Cả một tuần mới vui vẻ!

    Trả lờiXóa
  9. -BeBo,
    Ừa, đúng rồi, vui ha. Nên mới nói với anh ấy: sao anh hay quá vậy.

    Trả lờiXóa
  10. -Lặng,
    Chào bạn ghé chơi. Tôi cũng đã dạo qua bên ấy rồi. Cám ơn bạn và chúc vui luôn bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  11. lần kế tiếp em phải ghé ủng hộ ảnh mới được, khúc này đi ngang qua hoài thấy hoài nè
    bình thường hay chạy ra LTHG cho mau

    Trả lờiXóa
  12. làm nhớ chú thợ giầy ở quê Mía ghê :)

    Trả lờiXóa
  13. Anh pác, đề nghị qua nhà Lana liền.

    Vụ anh đánh giày, đúng xì tai "những câu chuyện đường phố" của anh pác, nhẹ nhàng và không ít thú vị. Đang đoán chừng bữa đó anh pác đánh giày con gái trả bi nhiêu. :D

    Trả lờiXóa
  14. Bác thợ giày tỉnh ghê :-D

    Con gái được ba Đỗ chăm thế :-)

    Trả lờiXóa
  15. Bai viet rat hay. Cam on anh cho biet!

    Trả lờiXóa
  16. -J.G,
    Nơi ấy đi ngang đường là thấy mà. Bữa nào tự làm hư dép ghé sửa ủng hộ anh ấy, he he...

    Trả lờiXóa
  17. -Mía,
    Chú thợ giày quê Mía có dễ thương và vui chuyện như anh ấy không? Mía hay một người nào đi xa quê là người thợ giày mất đi một mối. Về quê nhớ ghé và mang dép tới sửa đó nghe.

    Trả lờiXóa
  18. -Lana,
    Thích nói chuyện với những người đường phố. Mỗi người có một câu chuyện riêng để mình suy nghĩ.
    Hổng nhớ sửa dép hết bao nhiêu, nhưng ít lắm, giá cả đường phố bình dân ấy mà.

    Trả lờiXóa
  19. -Titi,
    Đúng là anh ấy tỉnh lắm. Nhận xét anh ấy là "Hiểu đời, thân phận và một ít góc cạnh" mà.
    Cha chăm con gái, giống giống mẹ chăm con trai ha bạn.

    Trả lờiXóa
  20. -Carpe Diem,
    Cám ơn bạn nhiều, ghé nhà đọc chơi và chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  21. Anh Đỗ ơi bài viết hay quá. Làm em nhớ lại hồi xưa mang đôi dép nhựa mà hàn không biết bao nhiêu lần. Đến hồi đứt quá mới đem đi bán lạc xoang.

    Trả lờiXóa
  22. -Chị Ba,
    Ui ui... cái thời có một đôi dép nhựa đi mọi nơi mọi lúc ấy, hàn không biết bao nhiêu lần. Miếng hàn mà không khéo nó cà vô chân đau ớn.
    Vậy là chị Ba cũng được mang dép nhựa hàn, chừng nào hổng hàn nổi cũng khg bỏ, mang bán lạc xoong, he he...

    Trả lờiXóa
  23. Lúc nào cũng thích series "Những câu chuyện đường phố" này của anh (tên series do Lana đặt). Thấy gần và cảm thông hơn với những đời khó nhọc đó, cũng nhờ công người viết. Mỗi góc phố là một góc đời đúng thật, cám ơn anh.

    Trả lờiXóa
  24. -DT,
    Thảo dân SG đa dạng, nhiều nghề nhưng vất vả. Có cái mâu thuẫn giữa nghề kiếm sống hàng ngày của họ với việc giải tỏa lòng lề đường. Khó nghĩ lắm.
    Cám ơn DT chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  25. Bài này thiệt là hay. Anh có cái nhìn vừa sắc bén vừa có hồn.

    Trả lờiXóa
  26. -Trăng Quê,
    Bạn sẽ thú vị khi có giờ rề rà với người lao động bình dân. Được hiểu người hiểu ta thêm.
    Cám ơn Trăng Quê đã chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  27. Hay quá anh ơi ! Mừ anh viết bài này làm em thấy yêu SG quá, hix, sau này khi xa SG chắc em nhớ lắm.

    Trả lờiXóa
  28. -TrucLe,
    Chào bạn ghé nhà chơi. bạn sẽ đi xa SG sao? Sẽ nhớ SG nhiều cho coi.

    Cám ơn bạn nhiều.

    Trả lờiXóa