Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Chùa Hương Tích Ngàn Hống

Có một ngôi chùa mang tên Chùa Hương Tích nằm trên đỉnh một ngọn núi cao thuộc dãy Ngàn Hống, người ta thường gọi là dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Ngàn Hống hay có khi là Rú Hống, đấy là các tên gọi theo âm ngữ địa phương. Ngôi chùa cùng một vùng cảnh sắc thiên nhiên, đồi núi, thông reo, suối nước chảy, từng được người xưa nói với nhau: "Hoan Châu đệ nhất danh thắng." 

Nghe lời người kể lại, chùa Hương Tích Ngàn Hống được xây dựng từ thế kỷ 13 đời nhà Trần, cùng thời gian vua Trần Nhân Tông lên tu trên núi Yên Tử ở núi rừng Quảng Ninh. Qua nhiều thăng trầm thời gian, chùa  được khôi phục đầu thế kỷ 20 do công người nghệ sĩ sáng tác tuồng cổ Đào Tấn. Tại bởi trước đó mười mấy năm chùa bị hỏa hoạn.
Người ta kể, chùa  Hương tích trên núi Hồng Lĩnh là nơi công chúa Diệu Thiện, cô con gái út của một vị vương xưa gây dựng nên. Tục truyền lúc trẻ, cô Ba tức là nàng công chúa hiếu thảo ấy một năm nào tới nơi đây, nhìn núi non hùng vỹ, phong cảnh hữu tình, ở lại làm chốn tu hành. Khi nghe tin vương cha mang bịnh, cô Ba dám hi sinh thân mình, làm thuốc chữa bệnh cho cha, sau rồi hóa Phật.

Đi chùa Hương Tích.
Hàng năm cứ vào ngày 18 tháng Hai âm lịch, ngày cô Ba hóa Phật, là ngày được chọn làm lễ chính hội chùa hàng năm, và cứ ba năm lễ hội lớn một lần. Người đi viếng thăm chùa đông dần từ sau Tết nguyên đán. Tới ngày hội chính hay mùa Vu lan, người người ở mọi nơi quanh xứ Thanh Nghệ Tĩnh Bình cùng nhiều du khách từ nơi khác đổ về trảy hội, lễ Phật và tạ ơn trời đất, nơi đây đông vui lắm.
Tới viếng chùa, người già cầu mong phước lành cho con cháu, người trẻ cầu mong hãy thương yêu nhau, và  người người cầu mong cho nước non xã tắc thái bình. 

Sông Lam núi Hồng là một phần nằm chung hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cách thành phố Vinh chừng mươi cây số phía Nam ta sẽ thấy biển chỉ dẫn đường đi đến chùa, đường rẽ hướng ra biển. Cứ đi, ta sẽ tìm đến một hồ nước rộng lớn, trong xanh yên ả, tên gọi hồ nước Hồ Nhà Đàng hay là Hồ nhà Đường, nơi tụ lại của những dòng suối mát chảy ra từ Ngàn Hống, có một bến thuyền dưới chân những ngọn núi, là bắt đầu đường đi vào Hương Tích tự.

Hồ nhà Đàng.
Ta sẽ cùng nhau xuống thuyền, chạy trên sóng nước hồ một hồi trước khi bắt đầu chặng đường dài leo núi lên chùa Hương tích.
Những bậc đá dốc đứng đi lên chùa thực là khó đi, nhất là những bậc đá dốc dựng cuối chặng đường đi, ráng lên tới nơi là phải thở thêm bằng hai tai đấy.
Vậy nhưng đôi lúc trên đường đi gặp được những người lớn tuổi, từng bước đi, cây gậy chống và nụ cười thân thiện như giúp ta thêm mạnh bước chân. Nhưng là kể vậy thôi, những ai yếu sức hãy an tâm khi cáp treo lên chùa đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ mùa lễ hội đầu năm nay. Ta có thể đi lên viếng thăm chùa bằng đường cáp treo len qua các triền núi, ngồi ca bin trên cao ngắm núi rừng Hồng Lĩnh bạt ngàn xanh thẳm khi trời nắng hay lưu niệm những tấm hình Hương Tích Ngàn Hống bao phủ mây mù trong tiết mưa Xuân..
Với khoảng ba bốn cây số leo dốc là thấm mệt, nhưng đôi lúc dừng nghỉ chân, hãy lắng nghe tiếng reo vui từ những cánh rừng thông và ngắm nhìn dòng Hương Tuyền loanh quanh ẩn hiện trong đá, trong hoa dại và lá rừng. Vốc lên má em dòng nước suối trong và mát lạnh sẽ cho ta vơi đi bớt mỏi mệt.
Chiều về xuống núi, thả mình bơi lội dưới Hồ Nhà Đàng trong mát và chờ đợi một con gà mái mơ, thứ gà sống ở gò đồi, chuyên ăn dế ăn mối, thịt ngọt mềm, chấm cùng muối mỏ đâm với ớt rừng, ta có bữa ăn để nhớ Ngàn Hống khi chiều xuống chia tay. 

Ngôi chùa Hương ở huyện Mỹ Đức thuộc Hà nội bây giờ được xây sau này vào cuối thế kỷ 17. Khi vua Lê đàng trong, chúa Trịnh đàng ngoài, đường về Hương Tích Ngàn Hống đi lễ chùa xa xôi, chúa Trịnh mới tìm thày tìm núi, cho xây dựng nên một Hương Tích thừ hai "thiên nam đệ nhất động" để mọi người đi lễ hội chùa Hương cho gần. Hai ngôi chùa mang nhiều nét giống nhau, là cùng có chùa trong chùa ngoài, là cùng mang một tên gọi Hương tích, là cùng đi đò trên suối nước trước khi leo dốc đá lên chùa.

Ai đó có dịp đi ngang xứ Nghệ Tĩnh, ta có thể ghé thăm chùa Hương Tích Ngàn Hống để biết thêm một di tích của dải đất miền Trung nắng gió, để được đứng trên đỉnh Ngàn Hống, phóng  tầm mắt ngắm phong cảnh hùng vĩ, tĩnh lặng và hữu tình của một vùng xứ Nghệ Tĩnh non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

7 nhận xét:

  1. -Gởi mọi người,
    Bài cũ, sửa lại để gởi đi, lỡ đăng để copy nên đăng lại luôn, đọc lại chơi vậy.

    Trả lờiXóa
  2. đi tới nơi cũng đuối anh ha. Con suối dẫn vào dốc đá có dễ đi không nhỉ.

    Trả lờiXóa
  3. -BQ,
    Người lớn tuổi đi được thì mình phải đi được chớ bạn ơi. Con suối có khúc chảy quanh chân mình trên đường đi, nhẹ nhàng, mát lạnh.

    Trả lờiXóa
  4. SÔNG NƯỚC HỮU TÌNH, THIÊN NHIÊN THẬT TUYỆT VỜI. AI THẤY NHỮNG NGÔI CHÙA THƯỜNG ĐƯỢC XÂY DỰNG Ở NHỮNG NƠI ĐẸP TỰA THIÊN THAI.

    Trả lờiXóa
  5. -KGA,
    Đồng ý với bạn là những ngôi chùa thường được người ta chọn xây dựng ở những nơi có thiên nhiên thật đẹp. và người ta chắc còn coi kĩ cả phong thủy nữa sao ấy.

    Trả lờiXóa
  6. hề hề... tại em sợ không ổn cho con nít cùng đi í mà. Giờ nghe diễn tả con suối mát lạnh uốn quanh chân nhẹ nhàng thì thích lắm. :)
    em già rồi hay sao nhỉ, cứ nghe đi tới đâu cũng phải ngó nghiêng xem đến nơi đó mà có việc gì thì mình có bảo đảm an toàn cho con được không hay tại do nghe nhiều điều bất an quá mà ra. huhu....

    Trả lờiXóa
  7. -BQ,
    Đã có cáp treo rồi mà, bạn cho bé đi an tâm.
    Có điều luôn phải ngó nghiêng khi đưa đám nhỏ đi đâu. Tui cũng vậy, giống bạn.

    Trả lờiXóa