Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Sự tích "Cá viên chiên".

Gởi cho mấy trò nhỏ, nghỉ giải lao một chút, 
đọc chơi vui rồi thi nốt mấy môn "cúng cuồi"
Đầu hẻm nhà ku Tuấn béo có một bà lão bán hàng rong.
Mỗi buổi sáng đi học, Tuấn béo đều nhìn thấy bà lão với gánh hàng đã ngồi ở đó, không biết từ khi nào. Những năm ấy, từ lớp Một Tuấn béo đã đi học một mình, mà đi bộ nữa chứ không được ba mẹ chở tới tận cổng trường như các bạn bây giờ. Trường học khá gần nhà và ngày ấy phố xá không đông người, xe cộ còn thưa thớt lắm.

Bà lão hay cười với Tuấn béo mỗi ngày Tuấn đi học, nụ cười của bà lão sao mà hiền từ. Bà còn có giọng nói nhẹ nhàng như mây, ấm và rõ, đầy trìu mến. Tuấn kêu bằng bà Hai và mỗi sớm mai đi học được nghe tiếng nói bà lão, hỏi "sáng đã ăn gì chưa con"  hoặc: "đi học giỏi nghe", Tuấn thấy vui vui, dạ thưa con chào bà rồi nhanh chân bước tới trường, mang theo nụ cười hiền từ của bà vào lớp học.

Hàng quà của bà Hai là bắp non, bánh tráng nướng và một vài thứ khác cho con trẻ.
- Con thích mấy đồ chiên béo béo ngậy ngậy hơn kìa.
Một hôm Tuấn nói với bà như vậy. Bà lão mỉm cười:
- Ngày mai con sẽ có. Bà sẽ làm cho con một món đồ chiên, có béo béo và có ngậy ngậy nữa phải không nào.
Sáng hôm sau, bà lão mang tới cho Tuấn một món ăn chơi là những viên bi nhỏ tròn, vàng ươm, được xiên trong một cây đũa tre nhỏ. 
- Ôi, ngon quá, thơm quá bà Hai ơi - Tuấn béo thật ngạc nhiên.
Bà lão cười với Tuấn, trìu mến:
- "Cá viên chiên" đó con, là tên gọi của nó con à
Từ đó, mỗi ngày Tuấn có một xâu "Cá viên chiên".

Nhưng rồi một hôm Tuấn xịu mặt nói với bà lão:
- Bà ơi, con không thể ăn của bà mãi như thế, và con không có tiền mua quà đâu. Nhà con ba má còn nghèo, con chỉ có một ít tiền phòng khi khát nước thôi.
- Không sao con à, từ ngày mai sẽ có bà tiên trả tiền cá viên cho con. Sáng sáng, con sẽ tìm thấy ở một nơi nào đó ngoài sân hay hiên nhà, có tiền cho con ăn chả cá viên chiên. Đó là của bà tiên để dành cho ku Tuấn đó. 

Ở hàng hiên nhà Tuấn có một cây cột gỗ, cũ kỹ vì nó đã đứng đó từ lâu lắm rồi, hổng biết từ thời ông cố hay ông sơ nữa. Cây cột hổng lên trên nền nhà một khúc đưa lọt mấy ngón tay con nít. Đây là nơi cất giấu những món đồ chơi quý giá của Tuấn béo, khi một con dế cơm, khi con cánh cam hay một món đồ nho nhỏ.

Sáng hôm sau đi học, nhớ lời bà lão, Tuấn béo ra ngoài hàng hiên nhà, khám phá bí mật câu chuyện của riêng tư hai người, nơi đầu tiên là khe hở chân cột. Wow!!! Có một tờ bạc năm đồng rất mới. Tuấn béo mừng lắm, ra khỏi nhà rồi chạy như bay ra gánh hàng rong của bà lão, vừa chạy vừa reo lên thật lớn: "Ai cá viên chiên nóng đơi"...

Nhiều tối học xong bài, tò mò Tuấn lòn tay vô khe cột, không có gì hết, nhưng sáng ra, dù mới ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở lòn tay vô khe cột là đụng tờ bạc, như một tờ bạc tiên.
Từ bữa đó trở đi, ngày nào Tuấn cũng có một tờ bạc năm đồng ở dưới khe cột. Và sáng sáng trong căn hẻm nhỏ nghe vang tiếng rao "ai cá viên chiên nóng"... của anh ku Tuấn.
Cá viên chiên trở thành món hàng quà của bà lão, từ ấy đông dần lên, không chỉ đám con nít như Tuấn và các bạn, khách hàng còn có rất nhiều các anh các chị lớn nữa.

Mùa nghỉ hè năm ấy về quê với nội dài ngày. Trở lại thành phố là Tuấn nhớ tới bà lão bán hàng rong. Sáng sớm ra ngoài đầu hẻm, Tuấn ngẩn ngơ, bà lão không còn ngồi ở đó nữa.
Hỏi thăm hết mọi người, không ai biết bà lão hiền lành đã đi đâu. Thời gian trôi, mỗi khi nhớ, Tuấn béo nghĩ rằng bà lão của lòng mình chắc chắn là một bà tiên, vào Hè khi các bé đã nghỉ, bà cùng cây chổi thần bay mất về trời.

Rồi những ngày vào năm học mới vẫn không thấy bà lão.
Lên trung học Tuấn chuyển trường. Một bữa bỗng nghe mùi cá viên chiên thơm nức bay qua ô cửa sổ vào lớp học ở tầng hai. Nhìn xuống phía dưới trước cổng trường, một bà lão dưới vành nón lá với gánh hàng rong bé xíu xiu. "A, bà Hai, bà Hai kìa", bất chợt Tuấn béo reo lên làm cả lớp học và cô giáo ai cũng phải ngó nhìn. Và thật kì lạ, bà lão ngước nhìn lên nhìn Tuấn, một nụ cười hiền hậu làm sao.
Giờ ra chơi, Tuấn lao xuống sân trường cùng các bạn. Nhưng nào phải bà Hai. Cũng là một bà lão, cũng là một nụ cười hiền hậu và tiếng nóí cũng êm êm như bà Hai...

Tuấn béo bây giờ.
Lên lớp, cơ sở lên phổ thông lại chuyển trường, đi đâu Tuấn luôn thấy những bà lão bán "Cá viên chiên" trước cổng trường.  Bà lão nào cũng hiền dịu và hay cười. Tuấn béo và các bạn luôn thương quý và lễ phép, ríu rít quanh bà giờ ra chơi.

Cá viên là thịt cá Ba sa, quết cho thật nhuyễn, vo thành viên, chiên lên nghe thơm lừng vị béo, vị ngậy của mỡ cá sông nước Cửu Long, một món quà mà các bé con đều rất thích.
Tuấn béo nhớ mãi nụ cười hiền từ của bà lão ngày còn ấu thơ và tin một điều: bà Hai ấy là một bà Tiên, chính là bà Hai đã nghĩ ra món "Cá viên chiên", ngày ấy chỉ để giành riêng cho Tuấn. "Cá viên chiên" bây giờ ở cổng trường, ở công viên, nơi vui chơi hay bán trong siêu thị, đã là một món ăn chơi thú vị cho tất cả mọi người. 

24 nhận xét:

  1. tưởng bác kể chuyện cổ tích chứ :D. Thật hay hơn vì đó k phải là cổ tích

    Trả lờiXóa
  2. anh Tuấn vẫn béo và bà Hai vẫn cười hiền, chỉ có tờ 5 đồng mò tay vô lục ko thấy nữa
    giờ chắc phải cột 5 ngàn dô quá

    ---
    ở quê có món "kẹo chỉ" rất thần thành ko biết SG có ko ta

    Trả lờiXóa
  3. -Bạn Mía,
    Các bạn M&M thích đồ nướng, không biết có thích cá viên chiên không hè?

    Trả lờiXóa
  4. -J.G,
    Bây giờ không còn tờ bạc 5 đồng, mới biết tờ bạc nó bạc nhanh nhỉ.

    Chưa biết kẹo chỉ, bữa nào về quê JG mang lên cho biết nhé.

    Trả lờiXóa
  5. cá dziên chiên, hồi đó hay ngồi ở góc CMT8, Sương Nguyệt Ánh :D

    Trả lờiXóa
  6. -Mía,
    Bạn mình viết nhận xét rồi xuất bản nhận xét, nó cho ra cái ô đăng nhập,enter. Hình như M không thích kiểu cửa sổ phải không?

    Trả lờiXóa
  7. ủa, là sao bác? là bác viêt bên nhà Mía ha?
    Mía chỉ còm được khi chủ blog set kiểu như bác hiện tại thôi,vì thường đọc và còm luc đang ở cty, chứ về nhà thì chế độ nào cũng còm được :)

    Trả lờiXóa
  8. Tuấn"Trường sơn",Tuấn "guide"&Tuấn béo or Mạp gì đó là thằng 3*5.Bạn mình viết để bà con có chuyện comment.Ja na neho ne mám rád.

    Trả lờiXóa
  9. hihi... thích cái món đó nên có biệt danh Tuấn Béo phải rồi!
    Em không lên cân, bạn em nó xúi, tối tối chiều chiều ăn vài xiên cá viên chiên cho nó có chút ít chất béo cho dễ mập. :)

    Trả lờiXóa
  10. Thêm chút bột ngọt:khi đi ăn nhậu rủ thằng Mập nào đó đi cùng,cho nó gọi đồ ăn,xem nó gắp thứ gì mình gắp theo thứ đó.Nó gắp thịt,mình gắp thịt.Nó gắp cháo,mình múc cháo.Nó gắp xương,mình gắp xương.Nó gắp sạn,mình gắp sạn(dễ tiêu hoá như gà+vịt),mai mốt mình mập.Tụi mập ăn khôn lắm.

    Trả lờiXóa
  11. Cám ơn bố bi. Chiều nay thi Văn, còn Toán và Anh văn nữa là xong rồi nè.

    Trả lờiXóa
  12. Em ăn cá viên chiên rồi bị nhức đầu vì em bị dị ứng với bột nêm, bột ngọt. Bởi vậy, bây giờ đi ăn ở đâu cũng phải rủ người ngồi chung, có gì người ta...đỡ mình :-D

    Trả lờiXóa
  13. -Gtl,
    Câu chuyện đọc chơi vui, nhưng tụi mình thì không thích chơi kiểu mập rồi, ăn nhậu dễ bịnh lắm.

    Trả lờiXóa
  14. -LKBQ,
    Không biết cá viên chiên có mập không, nhưng biết là làm mồi nhậu nháp được bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  15. -Chúc cho Nhí nhỏ làm bài tốt.

    Trả lờiXóa
  16. -HPLT,
    Bạn bị dị ứng bột ngọt là phải chọn hàng quen không xài bột ngọt, hoặc đi ăn đâu đó là phải dặn trước với bếp.
    "Người ta đỡ... mình", lỡ món nào cũng có bột ngọt sao đỡ nổi Thang ui.

    Trả lờiXóa
  17. Rất kì lạ là những người bán hàng rong họ không biết được rằng, họ thường được nhớ như vậy.
    Hình như ai cũng có kỉ niệm với các bà, cô, chị bán hàng rong thời tuổi thơ. Đầy trìu mến và đầy trân trọng.

    Trả lờiXóa
  18. Quành vô nói tiếp, hai cha con nhà này chơi mật khẩu ta ơi, he he

    Trả lờiXóa
  19. Dễ thương quớ, em thì nhớ nhất món bánh chín tầng mây. NGon mát gì đâu :-D

    Trả lờiXóa
  20. -Bạn Moon,
    Nghĩ là bạn cũng nhớ những gánh hàng rong như thế.
    Và mật khẩu cha con nhà này, mấy môn thi "cúng cuồi", nói lái là cuối cùng rồi nghỉ hè chơi cho đã.
    Anh Gtl còn mật khẩu khó hơn: 3* nghĩa là Gtl nói tui 3 sao, VNI mình 5 là dấu gì? Ba sao thêm dấu, xoáy.

    Trả lờiXóa
  21. -Titi,
    "Chín tầng mây, ăn bổ hơn Bê đui" (Dzi ta mưn B12). Đó là tiếng rao của những người bán "chín tầng mây" ngày xưa ở Hà Nội.
    Giống y chang bánh này, trong Nam kêu là bánh Da lợn. Nếu có dịp vô SG, tui sẽ mua bánh da lợn đãi bạn tuyệt luôn.

    Trả lờiXóa
  22. công nhận xoáy, nhứt là những ngừ quen gõ téc lét như mình

    Trả lờiXóa
  23. -J.G,
    Ừa, xoáy quá phải ngồi suy đoán mệt lắm.

    Trả lờiXóa