Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Chị Chiemi.


Sáng sớm mai là ngày khai trường, vậy mà tối nay chị Chiemi vẫn còn ở đây, ngồi đàn cho Nhí những bản nhạc du dương, chị chơi piano thật là tuyệt vời. Tập luyện với Nhí đôi ba câu tiếng Nhật, chụp tấm hình lưu niệm và một ít giờ giỡn đùa tươi vui, mấy chị em cười tít hết cả mắt. 

Chị Chi ghé qua nhà chơi, thăm gia đình bé Nhí trước khi ra sân bay trở về nước Nhật. Chiemi mang theo luôn cả va ly hành lý, cặp sách để lát nữa tới giờ sẽ ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất, vừa được ở đây chơi lâu lâu, vừa kịp đi chuyến bay khởi hành lúc12 giờ khuya. Mai sớm sang tới bên kia chừng 5 giờ sáng Việt nam, còn ở Nhật khi ấy đã là 7giờ sáng, là vừa kịp giờ để sớm mai dự ngày khai giảng năm học mới. Hành lý của chị sẽ do hãng hàng không chở về nhà, còn chị Chi mang cặp học từ sân bay đi thẳng tới trường. 
Ôi! quá phục chị Chi. Mẹ chị đã đi trước một ngày vì công việc, bữa nay chị tự đi về Nhật một mình, và chị Chiemi hơn Nhí có ba lớp, chị mới học lớp 10 thôi đó.

Ở nước Nhật, cứ vào đầu tháng Tư hàng năm là bước vào mùa khai giảng năm học mới cho tất cả các cấp học, từ tiểu học cho tới các anh chị lớn đại học. Mới được về quê nội hơn tuần lễ, nghỉ ngơi thăm quê hương và cùng gia đình làm một số công việc từ thiện, chị Chi đã phải trở về Nhật cho kịp nhập học.
Mùa khai trường năm nay khi hoa Anh đào nở thật đẹp nhưng sau sự kiện động đất và sóng thần Tháng Ba ngày 11, ở khắp nơi còn vương một nỗi đau thương chung của cả nước Nhật.

Chị Chi mang hai dòng máu Việt Nhật, chị là con gái của cậu Bảy và cô Michiko. Ba chị là cậu Bảy của Nhí, ngoài việc học hành thường dạy hai chị em chị Chi về những việc làm nhân nghĩa. Mẹ chị, cô Michiko nhiều năm trước làm việc ở một tổ chức quốc tế nói tiếng Pháp tại Việt Nam khá lâu. Lúc nhỏ cả nhà ở quê nội, ngay tại Sài Gòn, sau lớn đến tuổi đi học cả nhà mới về quê ngoại ở gần Nagoya thuộc miền trung nước Nhật.
Chị Chi có cậu em trai dễ thương, rất hay cười tên là Keizo cùng về chơi thăm quê nội kì này rồi ở lại Việt Nam. Em Keizo ở lại với cha và vào năm học này sẽ đi học ở một trường giành cho các bạn nhỏ Nhật bản nằm bên Phú Mỹ Hưng quận Bảy, trường của em Kei cũng khai giảng trong tháng Tư năm nay. Chị Chiemi thì quay về với mẹ, cô Michiko bây giờ đang là giảng viên ở một trường đại học ở Nhật Bản.

 Ngồi nghe kể chuyện, bé Nhí còn phục và học được ở chị rât nhiều điều hay.
Là chuyện tối khuya nay bay về Nhật, vậy mà cả một ngày hôm nay, sáng giờ chị và em trai cùng đi với cha lặn lội xuống dưới miền Tây để khánh thành một cây cầu mới vừa xây xong cho bà con nông dân nơi đây. Đó là một trong những chiếc cầu bê tông thay cho cầu khỉ ở một xã vùng sâu thuộc tỉnh Vĩnh Long trong một chương trình được thực hiện lâu dài do ba mẹ và những người bạn Nhật Bản vận động. Nhí được biết thêm có một cây cầu ở dưới ấy người ta lấy tên của chị và Keizo để đặt cho nó nữa. Vậy cây cầu ấy được kêu là cầu chị Chi hay chị Mi? và Kei nữa chứ. Vui quá và thật là thú vị.

Là chuyện sớm này đi với cha và em Keizo về huyện Măng Thít, một huyện ở tuốt dưới Vĩnh Long, được đi ghe máy trên những kinh rạch về vùng sâu với những người nông dân trồng lúa, với các em nhỏ học trò nghịch ngợm và thân thiện. Chuyến đi xa thật là thú vị.
Quê hương mình xanh ngát với dừa nước và cây trái, nhiều lúa gạo nhưng còn thiếu nhiều lắm những cây cầu qua bao nhiêu kinh mương ở đất này, cho các em nhỏ đi đến trường, cho người già đi lại lỡ khi đau bịnh hay để các bác nông dân vận chuyển nông sản đi về. Chiếc xe Honda ôm một bác nông dân chở chị Mi bị sụp ổ gà té ruộng quê, đau quá mà vẫn cười, tại đường đi và cầu tre quê mình còn nhỏ nhắn, lắt lẻo gập ghềnh khó đi mà.
Là chuyện động đất ở Nhật rất bình thường, như những chuyện hàng ngày, mỗi người dân Nhật đều đã làm quen từ khi còn nhỏ và được học cách ứng phó. Chị Chi kể chuyện thảm họa sóng thần và động đất vừa qua gây một thiệt hại vô cùng lớn lao cho nước Nhật, chưa biết khi nào mới hồi phục lại nhưng người Nhật Bản đón nhận đau thương và bình tĩnh với những việc cần thiết phải làm lúc này.
Mỗi lần đất nước và con người bị thiên nhiên tàn phá, nước Nhật lại một lần vươn lên mãnh liệt.

Nếu người Á Đông nói chung trọng Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, thì người Nhật Bản với triết lý sống còn là Tĩnh Minh Chính trực. Âu quan niệm sống đó giải thích tâm tình của người Nhật là trầm tĩnh, kín đáo, thẳng thắn và kỷ luật, giải thích cho tinh thần không biết khuất phục gian khó và những ước mơ luôn vươn tới của con người ta.

Đến giờ chia tay để ra phi trường, mai vào năm học mới, chị nhớ là sẽ phải chợp mắt chút đỉnh trên máy bay để có sức sớm mai dự lễ khai trường. Chúc cho chị giữ mãi nụ cười hiền lành và dễ thương của ngày hôm nay, chị Chiemi nhé.

10 nhận xét:

  1. Em rất ngưỡng mộ tư chất của người Nhật. Bé Nhí may mắn gặp được một người bạn như thế. Mà Nhí học đàn lâu chưa vậy anh?

    Trả lờiXóa
  2. -HPLT,
    Mấy người đó là chị em bà con chớ không phải bạn, Nhí là vai em bạn ạ. Còn vụ học đàn của Nhí thì ba hồi học rồi nghỉ, kém lắm, bạn ấy như là không có hứng thú.

    Trả lờiXóa
  3. Chi thật xinh và dễ thương.

    Trả lờiXóa
  4. -VMC,
    Và phục luôn bạn nhỏ này lịch chơi và làm việc ngày cuối trước khi về Nhật khai giảng nữa.

    Trả lờiXóa
  5. JG đây rất hứng thú thì lại chẳng có đàn tập, trớ trếu quá a giừ mùi ơi hehe

    Trả lờiXóa
  6. -J.G,
    Bạn tới tui tập, học phí trả bằng gựu, he he...

    Trả lờiXóa
  7. ồ, có giáo duyên ở đó à?

    Trả lờiXóa
  8. Sóng thần vừa qua khắp nơi đều khen ngợi tính cách của người Nhật trong khó khăn khắc nghiệt.Cô bé này thật dễ thương và tính cách cũng rất hay, rất Nhật.

    Trả lờiXóa
  9. -J.G,
    Có "dáo" có cả "diệu" luôn, thứ bảy hàng tuần, khe khe...

    Trả lờiXóa