Gởi tặng các bạn Khánh tí, Văn mèo, Trung còi, Tula...
Hà Nội có một con đường đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ chúng tôi trong những năm đầu thập kỷ sáu mươi. Đó là một con đường vắng, đủ dài để chạy một hơi, con đường đó dẫn tới chùa Một Cột có tên: phố Ông Ích Khiêm.
Những buổi chiều nghỉ học, những trưa Hè trốn nhà đi chơi, những đêm ngồi ngoài đường hóng mát, cả một khu vực này là vương quốc riêng tư của tuổi thơ thanh bình. Hầu như tất cả các trò chơi, tử tế hay phá nghịch của đám học trò nhỏ chúng tôi đều diễn ra ở nơi đây, quanh cái ngã tư phố Đội Cấn Ông Ích Khiêm ấy.
Ngày ấy, con phố ấy vắng lắm. Ở đó bọn trẻ có thể đá bóng trên phố mà không bị rầy la vì cả ngày không có mấy người qua lại.
Buổi tối chơi vui ngoài phố, ngóng tiếng kéo lách xách của xe thịt bò khô để chia nhau đĩa nộm, hít hà vị cay xé lưỡi.
Có một ông lão mù tối nào cũng ghé nơi góc phố sáng ấy. Ông lão bán lạc rang húng lìu. Một vài đứa tối tối luôn ở bên cạnh ông lão để coi giùm ông những tờ bạc thật hay chỉ là giấy. Sau này mới hiểu ông lão mù ấy chỉ cần vuốt nhẹ tay lên tờ bạc là đã biết thật giả, nhưng mỗi tối ông vẫn ban phát cho bọn trẻ một hai cái chóp nón, trong đó là những hạt lạc rang húng lìu béo ngậy, giòn thơm nhớ đời.
Ở góc phố vắng đằng kia, lâu lâu có một trận tỉ thí của đám trẻ trong mấy khu tập thể thách đấu "tay bo" với đám trong chợ Ngọc Hà, rất quân tử kiểu con trẻ, một chọi một.
Có một trò chơi thật hấp dẫn là rủ nhau đi câu cá.
Cả đám chia nhau ra hồ rau muống phía sau chùa chính câu cá Săn Sắt , nhiều lắm những chú cá sặc sỡ sọc xanh đỏ với bộ vây đuôi thật dài và yểu điệu, những chú cá đực ấy rất ham chọi nhau. Một hai đứa nhanh chân và lỳ lợm thì được câu ngay ao chùa Một cột, ở đó có rất nhiều cá Rô. Những chú cá bằng bàn tay trẻ con thường quanh quẩn bên những bậc cầu ao, khi thấy bóng người là thoắt ẩn hiện bên cầu đầy hấp dẫn. Mỗi khi giật lên khỏi mặt nước, cá Rô ở chùa Một Cột có hàng vây màu hồng nhạt mạnh khỏe, cong mình giẫy giụa làm tung tóe những giọt nước long lanh dưới nắng xiên mái chùa.
Cần câu cá được làm từ thân cây sắn dài cỡ gang tay, vừa là phao vừa là cần. Khi câu cá nhớ phải lắng nghe. Nếu là tiếng lọc cọc của những cánh cửa gỗ ở ngôi chùa phía sau thì có thể rốn thêm một chút nữa khi phao đang nhấp nháy, còn hễ nghe tiếng dép loẹt quẹt của sư thày là phải mau mắn cuộn cần bỏ túi, vốc nước rửa tay rồi giả bộ đứng chơi đó, nghêu ngao mấy câu hát bên cầu ao.
Có hai hàng cây Cơm nguội vàng và cây Bàng lá đỏ, chúng không nằm kề bên nhau mà vuông góc với nhau nơi ngã tư phố ấy.
Tuổi mới lớn đã thấy hàng cây Cơm nguội nằm dọc hai bên đường dẫn đến chùa Một Cột. Mùa Thu về, lá Cơm nguội vàng dần rồi rơi rụng đầy đường, để tuổi thơ đi qua trông chờ cây đâm chồi, ra lá rồi đậu quả.
Lá cơm nguội mang màu xanh nhẹ của mạ non. Mùa cây ra lá làm đường phố tươi sắc sau mùa Đông ảm đạm. Những chùm quả cơm nguội bé tí ti, xanh mướt hấp dẫn vô cùng với bọn trẻ con trong phố.
Bẻ cành hay leo cây, bằng mọi cách mỗi đứa lấy đầy hai túi quần những quả cơm nguội xanh. Sau rồi dạo quanh những khoảnh vườn nhỏ trong mấy khu nhà tập thể gần đó, thế nào cũng tìm được những cọng lá đu đủ thật thẳng, ruột rỗng nhỉnh hơn quả cơm nguội một tí. Vậy là có thể chia phe ra chơi trận giả được rồi.
Bỏ một nắm quả Cơm nguội vào miệng và với cọng đu đủ ấy, thổi hạt bắn nhau, trúng đạn hơi đau rát một tí nhưng đầy thích thú . Đứa trẻ nào có được cái súng thổi bằng ống đồng hay thủy tinh là của hiếm, bắn đâu trúng đó, lâu lâu cho bạn mượn, thổi mấy nắm hạt đã miệng rồi phải trả lại.
Những quả cơm nguội còn lại trên cây vàng đi rồi đỏ lên dần theo nắng. Quả Cơm nguội ăn chát xít, khô và lạo xạo, không ngon nhưng mùa Cơm nguội nào cũng phải có nó cho đỡ nhớ.
Phố Đội Cấn có hàng cây Bàng cổ thụ sát tường rào khu K93 đứng vuông góc phố với những cây cơm nguội ấy. Những gốc Bàng không biết từ bao giờ, xù xì những cục mắt nu rất to xung quanh thân còn rễ cây nổi lên ngoằn ngoèo trên mặt đất, chạy dài làm nứt cả tường rào.
Khi Hè về là có Bàng chín. Quả Bàng càng lớn càng tròn căng, vàng dần. Có những quả no nắng, rám nửa đỏ nửa vàng. Đấy là những quả Bàng ngọt nhất, mềm nhất và thơm đượm mùi học trò. Đập vỡ hạt Bàng, và phải khéo tay, bọn trẻ con lại tìm được trong đó vị bùi, béo lại thơm của nhân Bàng nho nhỏ.
Những năm sau này, nghe ai đi chơi Côn Đảo, chỉ dặn dò nhớ mua giùm cho bạn môt hộp nhân Bàng sấy ngoài đảo nghe.
Chỉ cần sáu bảy cái lá Bàng lớn và mấy cây tăm tre, bọn trẻ con có thể làm được một cái mũ cánh chuồn của các quan ngày xưa, thay nhau trịnh trọng lên giọng làm ông cụ non.
Những cái lá Bàng lớn và xanh non làm mũ cánh chuồn ấy, là của một ông lão bán xôi trong chợ Ngọc Hà làm rơi lại. Mỗi ngày ông hái một ít lá về rửa sạch để mai sớm bà lão ở nhà gói xôi bán cho người ta.
Xôi sáng Hà Nội thơm lừng, lá Sen xôi Xéo, lá Chuối xôi Ngô hay lá Bàng xôi Lạc...
Ngày ấy, đám trẻ con cũng có những câu hát riêng của chúng, rằng mùa Đông áo đỏ, mùa hạ áo xanh, cây Bàng mở hội là chim đến vây quanh, rằng chim ơi chim, kìa cây Bàng đâm chồi, rủ nhau về trước ngõ chim tha hồ chim hót vui...
Hàng cây bàng cổ thụ nay không còn nữa trên đường Đội Cấn, chỉ còn lại vài bác Cơm nguội già ở bên kia đường, chắc là hàng năm vẫn mùa Thu cây trút lá vàng, cho gió thổi bay tới tận cổng chùa Một Cột.

Có một cây liễu, cành lá là xà bên mặt nước Hồ Gươm ngay góc phố Hàng Khay. Một căn nhà nho nhỏ hình bát giác, đứng đó một mình ven hồ nước đã từ lâu lắm. Đó là quầy kem một thời mang tên Bốn Mùa.
Có những chiều nghỉ học, cả đám học trò ríu rít chạy xe đạp tới nơi đây. Chị bán hàng mậu dịch luôn ưu tiên bán cho lũ học trò ấy mỗi lượt cả một mũ kem cốm, chị mỉm cười âu yếm nhìn chúng, và nhớ về một thời đi học.
Có một ngày tiệm kem Bốn Mùa bên hàng liễu rủ, những thằng bạn thân Chu Văn An Hà Nội, một ngày học cuối cùng, giã trường thân yêu, chia tay mãi mãi tuổi học trò.
Nhiều năm xa Hà Nội, mỗi khi tìm về là sẽ một vòng đi thăm các bác Sấu già, hàng cây Cơm nguội và về bên cây liễu rủ. Ở đó dù tháng nắng hay ngày Đông giá lạnh, sẽ được ngồi nhâm nhi kỷ niệm bên ly cafe buổi sáng và lặng lẽ ngắm mặt Hồ Gươm đong đưa với mây trời.
Với ai đó, Hà Nội là phố cổ, là cửa ô, là khúc ca, là hương hoa sữa nhưng với chúng tôi, Hà Nội là góc phố tuổi thơ với con đường yên vắng và những bác cây thân yêu, già nua cũ kỹ.***
Người ta khoác lên mình những cây xanh của Hà Nội những chiếc áo điện đủ sắc màu của đèn Led nhân sinh nhật ngàn năm Thăng Long. Nghĩ là cho các bác cây già đỏm dáng ít ngày, nhưng nghe nói đâu, những chiếc áo điện và đèn màu nặng nề ấy sẽ được những cây xanh của xứ sở nhiệt đới mang trên mình để làm duyên với đời trong mười năm nữa, tới tháng Chín năm 2019. Hết một đời con trẻ đi học. Và không biết các bác cây già có thấy thích thú những chiếc áo ấy không nhỉ.