Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Đồ chơi bằng len.

Chú người tuyết dễ thương.
Những âm thanh quen thuộc ở nhà như Nhí rửa tay ăn cơm, Nhí học bài hay Nhí thay đồ đi học... lâu nay không còn được nghe nữa. Nó đã đi theo bạn Nhí nhỏ bàn giao cho dì Ba. Bây giờ thì dì Ba tất bật hàng ngày "đi học" thay cho mẹ Nhí. Khi đám nhỏ không còn loanh quanh bên mình, thói quen làm cảnh sát trưởng chuyển tông sang bố, bố cà phê, bố ăn cơm hay bố đánh răng đi ngủ... làm lâu lâu giật hết cả mình.

Ít lâu cửa nhà yên ắng hẳn, cảnh sát trưởng thường ngồi một mình, mở IPad, gắn tai nghe, mắt ngó lên ngó xuống miệng lẩm nhẩm đếm một hai ba... móc và móc. Phải thừa nhận người ta nhẫn nại ngồi mấy giờ đồng hồ có khi cả ngày để làm xong một sản phẩm. Những đồ chơi bằng len thật dễ thương.
Nhớ lần đi thăm con vừa rồi, trở về nhà với hai va li nặng len, hàng order của cảnh sát trưởng. Đón ở phi trường nàng khoái chí cười toe còn chàng thì méo mặt sợ mấy anh quan thuế sân bay tưởng mình buôn lậu len. Vậy mà mấy bữa nay len cũng gần hết, có em búp bê hay con thú nào là bạn bè và con trẻ lượm hết ráo. 

Không biết từ bao giờ và tại sao Cảnh sát trưởng lúc này ít nói, ít tranh luận. Một bữa rụt rè hỏi, nàng cười cười, có chuyện làm cho vui, cũng bớt nực nội ba chuyện ở đời.

Ông già Noel đắt hàng nhất.

Nhí nhỏ.
Chú dê năm Ất Mùi.

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Cây cỏ với người ta.

Yêu thương cuộc sống này, yêu đất trời và cây cỏ, lòng ta sẽ xót xa bao nhiêu khi nhìn hình ảnh những cây xanh khỏe mạnh, nhiều năm tuổi đang xanh mát trên đường phố bỗng gục ngã dưới lưỡi cưa máy không thương tiếc của những người làm công việc môi trường ở Hà Nội.
Quan chức người rằng chặt cây không cần phải hỏi dân, người rằng nhân dân đã đồng thuận, người rằng không phải chi ngân sách hay không kiếm chác gì trong việc chặt phá hàng loạt cây xanh, người rằng là chủ trương đúng đắn của thành phố... Thật đúng là, ông bà mình nói "miệng quan trôn trẻ".

Người ta không nghĩ rằng mỗi gốc cây sống là một tài sản không có giá, tài sản phải trả giá bằng thời gian. Cây phải vững trãi với nắng mưa bão tố, phải mất vài chục năm có khi phải hết cả một đời người mới có được. Bao nhiêu năm ấy, đặt một lưỡi cưa xuống là kết thúc, thời gian không thể sửa chữa được và muốn nói gì thì nói, đã bất tín và sẽ không có một lý do chính đáng nào cho việc hạ gục những cây cối xanh tươi, mỗi ngày mỗi mang cho người dân thị thành bóng mát yêu thương và bầu khí thở. 
Những chuyện thủy điện tràn lan làm cạn kiệt sức sống của các dòng chảy, chuyện lấp sông Đồng Nai làm dự án cảnh quan cao ốc ở Biên Hòa, chuyện chặt bỏ những cây xanh ở Hà Nội... Ôi nghĩ như chuyện trên trời mà là chuyện thiệt, ai kêu mặc ai người ta cứ làm, họ nhắm mắt mà làm những chuyện ngược đời.
Cây trên rừng lâm tặc đã đốn cho trọc trắng núi đồi, bây giờ là phố tặc đốn cây xanh trong phố. Những kẻ phá hoại sự sống của thiên nhiên và môi trường sống của con người, có khác gì nhau, có chăng một kẻ chặt trộm và kẻ chặt cây giữa ban ngày. Cây cỏ tụi nó lớn lên mỗi ngày như con người ta, nó biết yêu thương con người nên cho trái cho hoa nhưng cũng biết khóc than và oán giận. Người ta sẽ phải trả giá cho mỗi việc làm phá hại môi trường sống của mình.

Từng yêu lắm một Hà Nội cùng Tuổi thơ cây và góc phố và nỗi Nhớ hàng sấu đôi, nên chia sẻ với cỏ cây và người Hà Nội. Thật mừng vui vì người Hà Nội đã lên tiếng, mọi người cùng nhau ở trên mạng xã hội và cả biểu ngữ xuống đường, mừng vì người ta đã lúng túng không thể trả lời, tạm dừng tay dù là miễn cưỡng và mảng xanh thành phố đã mất mát ít nhiều.

Nhớ một ngày mùa Hè ra Hà Nội năm rồi, ngồi dưới bóng mát hàng cây Sấu đường Trần Phú, dóc chơi chuyện đời với thằng Đô bán trà mạn ở đầu phố. Nó bảo lúc nhỏ em học dốt, làm việc gì cũng chẳng nên thân nên hay bị mẹ mắng là thằng ăn hại. Em biết mình dở mình dốt nên lớn lên cũng chẳng dám làm gì nhớn, bán trà mạn kiếm cơm. Cũng may em không phá hại nên ăn hại cũng chỉ làng nhàng hại ngày mấy bát cơm. Em mà phá hại á, chắc cả nhà em đói, vợ con em có mà ra đê, hê hê... Thế nên thà em làm thằng ăn hại còn hơn làm thằng phá hại, anh nhở.

Hàng cây Xà cừ khu Phú Mỹ Hưng Q7 chăm chút, tỉa cành mỗi mùa mưa, 20 năm thành lập mới được nhiêu đây.





Coi cây cỏ nhà người ta thấy mà ham.
Boston.

Mỗi cây đường phố được giữ gìn bằng khung kim loại màu chắc chắn và chuyên nghiệp, mới thấy người ta thương cây (Tokyo).
Vườn thông già kiểu bonsai ở Tokyo.

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Tháp và truyền hình.

Tháp TH Tokyo
Trong mấy cái tháp cao cao của truyền hình, may mắn lên được hai tháp, một tháp xưa nhất được xây dựng từ những năm cuối thế kỉ 19, từ thời chưa có truyền hình và một tháp mới nhất, cao nhất được xây dựng xong chừng ba năm nay. Hai anh em tháp này cách nhau tới trăm mấy năm tuổi.

Tháp Eiffel là quảng bá thành tựu của công nghệ xây lắp kết cấu thép với đinh tán còn tháp Tokyo do nhu cầu sóng truyền hình trong một thành phố hiện đại đã dầy kín các khối nhà quá cao tầng. Người ta kết hợp tháp truyền hình với hệ thống nhà hàng và mua sắm hấp dẫn cho du khách bốn phương. Lên tới nơi là để ngắm nhìn thủ đô tuyệt đẹp của nhà người ta từ trên cao, chụp hình kỷ niệm hay có thể mua đồ lưu niệm, ăn uống một chút gì đó ở một khung cảnh lạ.

Nghe đâu mấy bữa nay ở xứ mình người ta bàn với nhau tính xây một ngọn tháp truyền hình và lại muốn rằng nó phải là cao nhất khu vực. Khu vực Đông Nam Á hay là châu Á đây, duyệt là nhất châu Á thì đương nhiên sẽ nhất quả đất luôn. Không biết sẽ để làm chi nhưng thấy họ nói chuyện, bàn chuyện xây tháp truyền hình đơn giãn như đang giỡn vậy.
Cứ nghĩ mấy nhà người ta tiền bạc nhiều nhất nhì thế giới thì họ xây nhất xây nhì chớ xứ mình nghèo, sao phải vậy. Nghèo mà còn nợ nần, nghèo mà bề bộn biết bao nhiêu là việc bức thiết cần cho đời sống dân tình, việc bỏ quá nhiều tiền vào những công trình như mấy cái tháp cao nhất, sân bay thật to hay tượng đài cảng biển này nọ làm như chưa phải lúc.

Tại coi báo mạng bữa rồi thấy người ta mới kí kết với nhau xây dựng tháp cao nhất ấy tại Hà Nội, nên mới chợt nhớ ra ở nhà mình, truyền hình đâu hai ba tháng nay bị cắt dứt khoát bởi quyết định của "cảnh sát trưởng". Một bữa thứ Sáu ngày mười ba ở nhà Nàng nói: Từ bữa nay không đóng tiền cáp truyền hình nữa, khỏi ti vi, khỏi thời sự game show gì ráo, truyền hình Tết này cũng cho tèo luôn,  Khỏi ti vi khỏi cáp kiếc vừa mất tiền vừa nực nội. Muốn giải trí ư? Mở coi ZingTV, FPTplay được rồi, cập nhật liền liền, cả ngàn ngàn phim đơn, phim bộ đó coi mệt nghỉ.

Ra là cái nực nội bấy lâu đại khái kiểu một bữa ngồi coi truyền hình nghe anh ca sĩ tự xưng nào đó hát "Nơi đảo xa" như tra tấn lỗ tai khán giả, làm hư hết bài ca và buồn lòng người sáng tác, lại một bữa coi mấy người ta đố nhau trên TV rằng mẹ yêu con vì con giống ông hàng xóm hay ông ở đầu ngõ... Giọt nước cuối cùng làm tràn ly, để cho Nàng dứt khoát cắt cáp truyền hình ở nhà là tại "vở tuồng" điều ước thứ bảy. Như là vừa thương người ta lại vừa tổn thương mình, Nàng bảo, sao mà nhà đài họ nỡ lòng nào, người ta... "Về đâu mái tóc người thương", bài hát ấy của Nàng thích, Nàng thường hát những khi đứng làm bếp một mình.

Trên tháp TH Tokyo Sky Tree
Bố con trên tháp Eiffel

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Ở Góc Quê.

Đám nhỏ lớn dần lên, rồi đi học Đông học Tây đâu đó, rồi rất nhiều tụi nó không muốn trở về để ở lại nhà những cặp vợ chồng tạm gọi là son như thế, lâu lâu họ tụ nhau đi chơi xa xa một chút. Có một Góc Quê yên bình nằm trong khu rừng cao su bên mặt hồ Dầu Tiếng của anh chị TB, thật đẹp và tĩnh lặng, luôn nhẹ nhàng và thanh bình.

Những lần về chơi nơi này thật thú vị.
Dạo bước chân trần quanh con đường nhỏ rêu phong để gót chân son không còn vương bụi hay cùng nhau nấu những món ăn dân dã, nấu nước uống mủ Trôm hay lá Vối quê để thêm vào mình một ít thiên nhiên cho nhẹ lòng và tạm quên đi những lo toan bề bộn.
Chiều mát thư thả buông mái chèo để tĩnh lặng cùng mặt nước nhìn ngắm hoàng hôn thật chậm xuống dưới núi Bà Đen hay nhẹ buông câu bên hồ nước để thêm chút kiên nhẫn với cuộc đời.
Cũng không quên đi tìm một vài tấm hình ưng ý và để sắm tuồng chụp hình ai cho facebook, cho blog, dù chỉ là cho đẹp đội hình vậy thôi chớ ai mà biết các cần thủ nửa mùa ngồi nhiều giờ nhẫn nại mà biết có tìm được chú cá nào không.
Ngày đầu năm tây lịch với chuyến đi ngắn tới chơi nơi này như một khởi đầu của năm mới cho những chuyến đi xa.