Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Người đi giao hàng.

Một ngày nghỉ Hè nơi xứ người, trời mưa lùi xùi không có việc gì làm, đi tới chơi một tiệm bán rượu bia ở Quincy MA, vừa thăm chơi vừa coi cho biết thêm những công việc làm ăn của mọi người ở nơi đây. Chập chiều, thêm mưa và bầu trời u ám làm không gian xám xịt, thời tiết ấy làm cho người ta chỉ muốn ngồi nhà, không ai muốn ra đi đâu nếu không có việc gì cần kíp lắm.

Thấy gã tóc bạc ở không một mình, đang lấy khăn tẩn mẩn cẩn thận lau sạch bên ngoài các chai rượu để trên kệ, cậu trai bán hàng trong cửa tiệm lại gần nơi, cười hỏi:
- Bác có muốn đi giao hàng với cháu không? We delivery. Nó chỉ dòng chữ trên kệ rượu.
- Có lý à, ta rất muốn đi với nhà ngươi, đi loanh quanh ngắm thành phố trong mưa đỡ buồn, và để cho biết nữa, đi giao hàng ra sao mà có tiệm được phép đi giao hàng tiệm không. Nhưng hồi về nhớ chia tiền típ cho ta với nha, công áp tải và bảo vệ người đi giao hàng, he he...
Chàng trai vói theo cây dù cho khỏi ướt nước mưa, che lại bịch hàng và giấy tính tiền, quơ thêm cây đèn pin nhỏ, hai bác cháu chạy ra xe lên đường.

Trời vẫn mưa, nhỏ thôi nhưng mưa hoài, từ hồi chiều tới giờ và xám xịt thế này có vẻ như tới đêm cũng không muốn ngừng, lo lo, tối rồi không biết có ngó thấy số nhà người ta. Hai order hai hướng khác nhau, cái hướng cái Tây cái hướng Đông mỗi nhà cách cửa  tiệm chừng hơn hai miles. Nhẩm tính vậy là đi về chừng bảy tám cây số. Thấy chàng trai mở cái GPS tính toán đi nơi nào trước nơi nào sau cho gần nhất rồi quẹo vòng tay lái ngược lại.
Số nhà ở đây thấy sao không liền lạc mà cách nhau tới vài con số, mặc dù hai nhà đứng kế nhau. Tới nhà này 234 nhà kế bên đã 240, cái GPS tít một cái, ngay cổng hai nhà sát nhau. Số nhà người ta thường vẽ ở cửa nhà chớ không mấy nhà có số ngoài cổng. Vậy nên vượt qua khoảng sân cỏ lớn trước nhà, vô tới nơi ngó thấy số nhà trật là lại phải trở ra đường bước sang nhà kế.

Giao chai rượu và thuốc lá xong một điểm, chàng trai vội vã trở ra xe chạy tới điểm giao thùng bia ở nhà thứ hai. Lại bấm GPS, vừa lái vừa trò chuyện.

Mấy người ngoại quốc nhìn họ thật khó đoán tuổi bác ạ. Coi cái mặt thằng Mỹ hồi chiều vô tiệm mua bia ấy, già khằng vậy mà chưa tới tuổi, còn vài ba tháng nữa mới bước qua 20. Cả những cô gái cũng rất khó đoán tuổi, nhưng khó nhất mấy người da màu, nhìn ai ở một độ nào đó cũng đưng đứng tuổi như nhau. Ngồi trong tiệm bán bia rượu và thuốc lá gặp không ít người cả nam cả nữ, khi hỏi ID, người ta nói chờ chút ra ngoài xe lấy vô rồi họ bỏ đi luôn, một đi không trở lại vì sẽ không đủ tuổi, hoặc giả lại lấy vô ID của người khác, nói đi mua giùm hay những lý do khác. Gặp những khách hàng như vậy mình không được bán hàng. Cả những người tới mua hàng đã uống rồi, coi bộ muốn say xỉn rồi, ngắm không ổn mình sẽ không bán rượu bia cho họ. Lỡ sơ suất bán cho người chưa đủ tuổi, phú lít bắt được, đầu tiên là nộp phạt, vài lần họ lấy mất cái "lai sần" là đói cả làng.
Cái đèn pin này á,  không chỉ coi số nhà mà còn để coi giấy tờ khi gặp người mua hàng tuổi còn trẻ. Coi ID, rồi xin lỗi người ta cho tui coi luôn cái dung nhan của người, có đúng cái thẻ mới đưa mình không, có đủ tuổi "dằn" để hút thuốc lá hay đủ "xì dách" mới được quyền uống rượu bia à nha.

Tới ngôi nhà thứ hai, thấy một bạn nhậu đã đứng chờ ngoài hàng hiên từ hồi nào. Ngồi ngoài xe nhìn cậu trai lật qua lại cái gì, ID hay bằng lái, chắc là coi có bị sửa chữa hay ghép ảnh không. Đèn hành lang chợt sáng rồi lại tắt, nghe tiếng chàng tai cười he he, ngó lên rọi đèn pin ngay mặt thằng Mỹ bự chảng lia qua lia lại. Chủ hàng và khách mua hàng dường như đã quen thuộc cảnh này, bạn nhậu tỉnh queo và cũng nghe tiếng nó he he cười trước ánh đèn pin chói rọi.

Xong việc không mất bao nhiêu thời gian, đường về bác cháu chuyện tiếp.

Mấy người thanh niên ghiền rượu bia thuốc lá mà chưa đủ tuổi là tụi nó mánh lắm bác ạ, bằng lái xe có đứa sửa năm sinh, dán ảnh, giấy cớ mất... mình thấy nghi ngại là không dám giao hàng đâu.
Thằng hồi nãy bự con, mặt già chát mà mới qua sinh nhật hai mốt được hơn tuần lễ. Không biết nó uống lén từ hồi nào, coi mặt là thấy bợm nhậu, chắc là nó qua mặt phú lít từ lâu rồi. Cháu tính tiền chưa rồi nó đã tu gần hết chai bia. Nhưng thằng quỷ này kẹo ác, típ có hai đô. Thôi kệ, có còn hơn không, đỡ tiền xăng, he he...

Nghĩ là ở nơi này có những người không chạy xe hơi, có thể họ ở khu chung cư và đi làm vì đúng tuyến đường xe bus hay subway đi làm hàng ngày. Ít đi đâu, có mua bán gì thì kêu điện thoại cho người ta mang hàng tới. Có những người đã già cả, đơn chiếc hoặc những người chỉ là biếng ra đường cũng thường ngồi nhà kêu điện thoại cho người ta giao hàng tới nơi. Ai đó ngồi ôm ti vi coi đá banh hay đang dát nhậu dở dang, lái xe đi mua rượu lỡ gặp cảnh sát, miệng hơi rượu bia là tiêu luôn. Rồi khi mưa rơi tuyết lạnh, ngồi nhà kêu cửa hàng mang tới cho khỏe.

Vậy nên đi giao hàng là một nghề, của một người ở cửa tiệm. Công việc ấy cùng cái giấy phép được giao hàng tại nhà có cái hay riêng của nó. Và việc làm ăn, kiếm ra đồng tiền không dễ gì, khi đêm hôm khi mưa nắng một mình, thương chàng trai trẻ siêng năng, nhanh nhẹn và thạo việc.
Mùa Đông đang lại gần. Khi tuyết rơi ướt át, đi lại nhớp nháp và lạnh căm chạy đi giao hàng chắc là cực lắm. Bữa nay ngồi nhà nhớ những chiều tối đi giao hàng với anh bạn trẻ nơi xứ người, mới nghe tin miền Đông Bắc xứ ấy tuyết bắt đầu rơi.
Quincy-MA.

16 nhận xét:

  1. thích những qui định nghiêm về bia rượu thuốc lá bên ấy quá anh ạ. Em cũng thích thỉnh thoảng được trải nghiệm những công việc khác nhau, đặc biệt là những việc cần giao tiếp như này :)

    Trả lờiXóa
  2. Bác sẽ nhớ và thương con gái trong mùa đông nơi xứ người hơn tất cả cho mà xem

    Trả lờiXóa
  3. những chuyện xứ xa vầy ít được nghe, chắc anh thanh niên cũng buồn buồn nên mới rủ đi cùng cho dzui nhỉ

    Trả lờiXóa
  4. -Titi,
    Thấy bên ấy quy định nghiêm chỉnh rượu bia thuốc lá kể cả người dùng và người bán bạn ạ.
    Mỗi người một việc, đôi lúc muốn thử đứng vô nơi chỗ của người ta cho biết và chia sẻ cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  5. -Út 9,
    Đúng vậy đó Út, mùa đông về không chỉ nhớ thêm mà còn lo lo cho con gái nhỏ, bên ấy lạnh dữ lắm.

    Trả lờiXóa
  6. -Guy,
    Ai đó, ở đâu cũng làm việc, mỗi người có việc riêng của mình. Đi đây đó luôn muốn hòa vào cùng những người bình dân yêu quý xung quanh mình, cảm nhận một tí, viết linh tinh vui vui vậy Guy.

    Trả lờiXóa
  7. Hehe, có một người nhớ một người khác ở xa xa...
    Mấy tiệm bán rượu bên đó nghiêm túc thật pác hen, đâu ra đó không như ở mình, con nít vừa chập chững biết đi là có thể bị sai đi mua rượu... buồn!

    Trả lờiXóa
  8. -Kien Con,
    Bố sai con lon ton đi mua "gượu" về lại còn thấy là tự hào, khoe cùng khắp mới đau răng chớ bạn Kien.

    Trả lờiXóa
  9. có nhiều tiệm họ cho phép giao hàng, có nhiều tiệm thì không. Mà nhất là mấy tiệm bán beer/rượu thì lại càng nghiêm khắc hơn.

    Bác này đi qua xứ người chơi mà tỉ mỉ theo dõi mọi thứ luôn nha.

    Hay!

    Trả lờiXóa
  10. -Dã Quỳ,
    Đầu tiên mình nghĩ giao hàng tới nhà ai muốn giao thì giao, vậy mà không phải, tiệm nào được phép mới được giao, và người đi giao hàng hình như cũng phải có chứng chỉ đã học qua lớp mới được giao hàng sao ấy.

    Trả lờiXóa
  11. "Ở bên người này nhớ người kia", ý lộn "ở bên này nhớ người bên kia" phải hông bác, hì hì hì

    Trả lờiXóa
  12. Em đã chứng kiến 1 ông bố cho thằng con nhỏ 3 tuổi uống gần hết 1/2 chai bia trứơc mặt em và bố mẹ thằng nhỏ đó cười dzui dzẽ như là hãnh diện lắm kìa, bà mẹ trẻ thì nói với em là " ba nó cho nó uống quen rồi, nên nó không say và thấy chai bia mở ra thì tự nhiên uống liền " thiệt hết ý kiến luôn, cái này phải nói là pó tay và pó chân luôn:)

    Trả lờiXóa
  13. -Moon,
    Nhậu miết cũng mệt, đi chơi thì chưa tới độ nê nhớ hết luôn mấy người bên kia rồi chớ bạn.
    Hội ốc lâu lâu chưa thấy hội hè.

    Trả lờiXóa
  14. -Bảo Kim,
    Ui ui, chuyện đó chắc là chuyện bên nhà mình phải không, vui thế, chắc chắn ông bố nhậu ác luôn.

    Trả lờiXóa
  15. Đúng là tiệm nào được phép giao hàng thì mới được giao. Còn chuyện ng` giao hàng có phải học qua lớp & có chứng chỉ hay không thì tuỳ tiệm, tuỳ nơi nữa.

    Trả lờiXóa
  16. -Dã Quỳ,
    Chắc là mỗi tiểu bang có cách khác nhau phải không bạn, nhưng sự quản lý về buôn bán thấy rất hợp lý.

    Trả lờiXóa