Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Nói dối.

Chuyện của nhà kia. Bữa ấy,  vợ chồng đi cùng nhau tới dự đám giỗ ở nhà một người bạn.
Vào tiệc, lâu lâu bà thị xã ngó qua căn nhà đối diện rồi khều ông xã phát. Cái khều ấy được hiểu ý là uống in ít thôi, hoặc là bữa nay về sớm đó nghe. Cứ nghĩ bài này thuộc lâu quá rồi, "khi mới quen nhau em hay lấy tay em khều khều", các bà thị xã nào không giống nhau cái khều nhắc nhở ông xã khi đi ăn nhậu. Chưa được mấy tuần, về là về thế nào. Nực nội rồi đó nhưng cũng muốn nhường nhịn nhau cho thuận thảo nên ông xã phải miễn cưỡng đứng dậy. Trước khi về ráng châm đầy ly chào bàn phát "chăm phần chăm" cho đỡ ghiền.

Mỗi lần nói dối,
 cái mũi lại dài thêm một khúc.
Bữa ấy khều không phải chuyện uống, là chuyện khác. Mới ra khỏi nhà bạn, bà thị xã te te lội sang bên kia, vừa đi vừa kêu ai đó: "Tám ơi, Tám à...Tám!". Có cô gái nào đó đang ngồi chơi trước hiên nhà ngẩng lên, đứng dậy bước vội vô nhà. Quay lại yên vị trên xe rồi mới nghe bà xã ấm ức: "Là cô Tám đó bố có biết không?".
Tám là tên cô giúp việc nhà hồi tháng rồi, cô làm việc được đúng tuần lễ thì biến mất. Dịp ấy ở Sài Gòn kiếm người giúp việc nhà khó, không có mấy nhà người ta ở với nhau được lâu. Một bữa, bà thị xã liên lạc với Trung tâm Bình Minh, một trung tâm môi giới việc làm ở quận để kiếm người giúp việc nhà. Sau khi đóng phí môi giới đâu mấy trăm ngàn đồng, sớm hôm sau có ngay cô Tám tới.
Làm được chừng tuần lễ mới quen hơi cửa nhà, một bữa thấy Tám điện thoại với ai hồi lâu rồi xin phép về quê một bữa, chỉ một bữa thôi. Tám về đặng thăm và mua thuốc về cho bà cụ ở nhà bịnh, mai sớm trở vô liền. Thấy nói người già bịnh, bà thị xã hối Tám về liền đi và ứng trước cho tháng lương còn ông xã dúi thêm một ít phụ Tám tiền xe nè, và thêm một ít mua thuốc cho cụ nè.
Bữa sau không thấy Tám về. Mấy bữa tiếp theo không nghe alu aleo, nghĩ bụng chắc là bà cụ bịnh nặng. Qua tuần lễ cũng không thấy bóng dáng Tám đâu, đành chịu chớ biết sao giờ. Bà thị xã nói, cô ấy nghỉ luôn rồi, trung tâm ấy nói dối đó, cả cô Tám cùng nói dối luôn. Ông xã nói, ai mà đi nói dối mẹ già mình bịnh nặng, vô phước.

Vậy mà bữa nay Tám ở Sài Gòn sao? "Chắc mình nhìn lộn đấy". Ông xã an ủi bà thị xã. "Không dám đâu, em nhìn thấy cổ từ khi mình mới tới đầu hẻm". Tính chuyện ngày mai trở lại coi có chính xác là Tám không, mắng vốn một lần cho bớt giận nhưng rồi không làm vậy được. Hãy coi như mình nhìn lầm, vì không muốn mất thêm chút niềm tin mong manh trong lòng.

Trước ít lâu, đọc đâu đó về câu chuyện một con người hư vô được dựng lên gắn với hình tượng một bó đuốc sống từ những năm nẳm, tới bây giờ người ta mới nói ra, ngỡ ngàng.
Mới đây, lại đọc đâu đó, có một vị giáo sư già ở tuổi gần đất xa trời, một ngày bỗng nhận rằng chính mình là người đã gán tên tác giả Lý Thường Kiệt cho bài thơ thất ngôn tứ tuyệt khuyết danh "Nam quốc sơn hà". Rồi sau đó ông cùng đồng sự và học trò viết vào sách giáo khoa dạy dỗ cho con người ta từ cấp tiểu học tới trên đại học. "Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì tiếng nói phải". Ông đã có lời xin lỗi muộn màng, một lời xin lỗi ở Quốc tử giám trước các thế thế hệ thày giáo và học trò, trước hương khói tổ tiên và trước thềm ngàn năm đất Thăng Long. Lại ngỡ ngàng, không biết đã có bao nhiêu thế hệ học trò, có bao nhiêu con người học rồi lại dạy lại người khác theo cái giáo khoa ấy nữa.

Có quá nhiều chuyện dối và người nói dối. Mỗi kiểu cách mỗi khác nhau, nhưng những lời nói dối thì dù của ai cũng giống nhau, làm cho lòng tin của con người ta bị tổn thương ghê gớm.

20 nhận xét:

  1. Xã hội làm ta tổn thương ghê gớm. Thôi đành dành dụm chút niềm tin làm vốn cho mình! Vả, nếu không có niềm tin e khó sống, nên hãy cứ tin nhưng không đầu tư chút đó cho xã hội!
    Kính bác!

    Trả lờiXóa
  2. Có lúc mói dối cũng có lợi ví dụ như trong chiến tranh cần thiết để tuyên truyền kích động binh sĩ,nhưng sau đó nên giải thích hoặc đính chính lại cho mọi người hiểu mục đích nó là như thế!Ngoài một, hai người có lòng tự trọng về cuối đời,còn lại coi như đương nhiên nó là như thế!Trường hợp Nguyễn văn Bé là một ví dụ ,mặc dù mọi người đã biết mười mươi? Còn vụ cô Tám ai bẩu cậu dại ra TT,tự mình chui vô rọ.

    Trả lờiXóa
  3. -Thanh,
    Không có niềm tin thì sao sống được. Nhưng chỉ có niềm tin trong gia đình, người thân và bạn bè thì không đủ. Dành dụm và nạp thêm và né tránh tổn thương ( Né xa đứng dòm. Coi như không biết, không có. Lại mắc bệnh vô cảm, he he...).
    Cám ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  4. -Dathb136,
    Lời nói dối của osin hay của vị giáo sư cũng như nhau. Nhưng người có ảnh hưởng tới xã hội nói dối tai hại biết bao nhiêu.

    Trả lờiXóa
  5. Hehe!Nói dối như người họa sỹ già trong câu chuyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O'HENRY thì sao nhỉ?

    Trả lờiXóa
  6. -Ak7,
    Bức vẽ chiếc lá cuối cùng là hành động cho niềm tin, cho hi vọng sống, khg phải lời nói dối. Tôi nghĩ vậy.

    Trả lờiXóa
  7. Nói dối là xấu rồi, đều đáng phê phán. Nói dối vợ, dối người yêu là dễ thương và đáng được tha thứ nhất.

    Trả lờiXóa
  8. Chủ nhật rồi có 2 độ nhậu,nhưng vì tuần rồi bị quá tải nên phải nói dối khi bên này mời nói mắc đi bên kia,khi bên kia mời nói bận đi bên này(tránh mếch lòng),cuối cùng được 1 ngày nghỉ khỏe -> nói dối đôi khi củng có lợi.

    Trả lờiXóa
  9. @Đỗ:Mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau về nhân sinh quan.Nhưng ý tôi ở đây là một hành động một lời nói dối đôi khi nó là một hành động,một lời nói dối dễ thương nếu nó giúp đc cho ai đó có một niềm tin...Chỉ có thế thôi.

    Trả lờiXóa
  10. -Việt,
    Nói ngược có vẻ được chớ nói dối khg chịu đâu.

    Trả lờiXóa
  11. -Gtl,
    Lời nói dối dễ thương?
    Nghe lời vợ và bớt sa đà.

    Trả lờiXóa
  12. -Ak7,
    Lạc đề rồi bạn ơi.
    Xài từ "nói dối" ở đây là muốn nhẹ nhàng, dễ thương thay cho "lừa dối".
    Ráng kìm hãm lạm phát. Tháng rồi, lúa gà tăng 8 lên 9, lên 10 ngàn/kí lô, tăng 25%, he he...

    Trả lờiXóa
  13. ở quê em kiu là "nói láo" đó

    Trả lờiXóa
  14. sợ nhất là gặp người nói dối, có người nói dối riết mà cứ tưởng mọi việc mình nói là thật.
    Sợ hơn là gặp những người nói dối mà không nghĩ rằng mình dối :(

    Trả lờiXóa
  15. -J.g,
    Nói láo, hay nói dóc, hay ngoài Bắc kêu nói phét, vẫn khác với nói dối.
    Anh nghĩ vậy biết đúng khg.

    Trả lờiXóa
  16. Có khi phải nghe những lời nói dối, hết cả một đời mới hay.
    Lại spam, nó thấy Mía ngọt nên ôm hàng hoài.

    Trả lờiXóa
  17. Một lần bất tin... vạn lần bất tin, pác nhỉ?

    Trả lờiXóa
  18. -Kien Con,
    Quả vậy.
    Nhưng mà hồi nào giờ xài anh em ngọt ngay, sao bữa nay lại chuyển sang tới pác dzợ?
    Lâu mới thấy tiếng. Bận bịu phải không?

    Trả lờiXóa
  19. -Nước lũ về,cả nhà mình sống trong cảnh màn trời chiếu đất,nhưng khi gọi đt cho con đang học ở xa,ba vẫn trấn an con:"Nhà mình vẫ bình yên.Con nhớ giữ gín sức khỏe để học tập".
    -Chiều cuối tuần,gò lưng trên chiếc xe đạp chở bạn gái đi chơi trong lúc những cặp trai gái khác vun vút phóng qua trên những chiếc máy đắt tiền.Bạn gái nhồi phía sau thỏ thẻ hỏi:"Anh có mệt không?"."Em đừng lo.Anh ko mệt đâu".
    Và còn nhiều nữa trong dòng đời hối hả đua chen,có thể vẫn cần những lời nói dối như thế,những lời nói dối mang nhịp điệu yêu thương và cả hơi ấm của sự hy sinh của những người luôn nghĩ về nhau.ST

    Trả lờiXóa
  20. -Gtl,
    Ây dà, bạn mình lại quay trở lại bài cũ. Bữa nay Chủ nhật có giờ phải không.

    Trả lờiXóa