Chuyến đi chơi miền Trung và cao nguyên mới rồi vào ngay mùa mưa, anh em hẹn nhau ráng ghé thăm cụm thác nước Dray Sap thuộc Đắc Nông, nằm cách xa thành phố Ban Mê chừng bốn chục cây số. Hùng, bạn người Hà Nội công tác tại Ban Mê nhiệt tình đưa mấy anh em đi tới tận nơi.

Dray Sap nằm trên sông Serepôk, bắt nguồn Nam Trường Sơn, sông không chảy ra biển Đông như mọi dòng sông mà ngược về tây, nguyện làm một nhánh của dòng Mekong hùng vỹ, mang phù sa về đồng bằng.

Khu vực này nổi danh từ lâu với cụm thác chồng Dray Sap, thác vợ Dray Nur hoang sơ, nước reo ầm vang, bụi tung sương khói cùng với truyền thuyết về một câu chuyện tình lứa đôi cảm động.
Khu du lịch vắng ngắt, mấy chú bảo vệ ngồi hút thuốc vặt, hờ hững nhìn theo mấy du khách lớn tuổi, đi chơi để suy nghĩ nhiều hơn là vãn cảnh. Đường xuống thác ẩm mốc, xơ xác. Nghe người ta nói và được coi hình ảnh thác nước ngày xưa thấy hùng vĩ lắm. Sao bây giờ tới đây, ngay giữa mùa mưa nguồn nước đổ mà dòng thác quá là khiêm tốn.
Anh Thành, người rất yêu thiên nhiên trong đoàn chạnh lòng: Tạo hóa, thiên nhiên đã sinh ra mọi thứ trên đời này. Trong đó con người ta là một sản phẩm của tự nhiên nhưng sản phẩm tự nhiên ấy đã phát triển quá hùng mạnh, vượt ngưỡng, rồi quay lại phá hủy thiên nhiên...
Nghe nói tới thủy điện Buôn Kuop là lớn nhất, còn có thêm vài đập ngăn nước cho những nhà máy thủy điện khác trên dòng Serepôk. Chắc là những công trình ấy đã lấy đi mất nguồn nước của dòng sông này, của thác chồng thác vợ. Nghe cụm từ bóng bẩy "đánh thức tiềm năng thủy điện của Đắc Nông", lại nghe ngành du lịch nơi ấy thở than thủy điện đừng bóp chết du lịch. Có ai đã giật mình trước sự phát triển ồ ạt của thủy điện ở miền Trung và cao nguyên những năm vừa qua.
Đâu rồi hình ảnh đẹp của những thác nước, Dray Sap và Dray Nur với dòng chảy ào ào trải hết mặt thác, bụi nước tung trắng trời?
Chợt nhớ tới anh bạn không được đi chơi chung lần ấy. Anh đang nằm trên một công trường thủy điện rừng núi Lạng Sơn, mỗi ngày chỉ hóng điện thoại theo đoàn. Biết là nghề xây dựng vất vả, phải đi, phải xây nhưng vẫn muốn nhắn với bạn mình về đi thôi, ở chi trên rừng mưa lạnh mười mấy độ, ham chi mấy thủy điện biết có được vài ba "mê" ấy, để rồi thở than, chiều biên giới em ơi... sương mù khắp nơi giăng lối.
 |
Miền Tây. |
Mấy bữa nay nghe tin nước lụt, điện thoại về dưới quê hỏi thăm. Cô Út nhấc máy, nghe giọng nói biết người thành phố quan tâm, cười vang trong điện thoại rồi làm một hơi:
- Anh Mười hả? Trên thành phố có lụt không mà hay dưới này lụt?... Ây da, năm nay nước ngập trắng trơn khắp nơi. Hồi nào giờ mới thấy. Mươi năm trước bị một lần nhưng nước mới tới ngoài sân. Nay ngập tới bếp. Nhà mới cất lên mấy năm, thềm cao ngút mà bữa nay ngấp nghé rồi.
Hỏi chớ sinh hoạt đi lại sao, cái chân ông Năm bữa nay bớt nhiều chưa? rồi làm sao mỗi ngày đi châm cứu,
- He he... mắc cười lắm, mấy bữa cha qua nhà thờ châm cứu, ra đường lộ vừa lội nước vừa cười, nghiêng ngả như người say gượu, đi về rồi cũng tới nơi.
Điện thoại tiếp qua bên kia cù lao, có người thành phố hỏi tới, dù chỉ một lời thăm, nghe giọng Hai Thiết, cô cũng he he cười, như chẳng hề có lụt, vui hết sức:
- Anh Mười hả? Nước lụt khắp nơi, nước lên mỗi ngày. Chúa ơi... bữa trước lúa sắp trổ nay nước trắng đồng. Cả tuần lễ có, mà còn lên nữa, bữa qua nước đứng được một ngày, nay lại mưa lên lại, chắc phải mươi bữa nữa mới xuống, hổng mần ăn chi hết anh Mười ơi.
Hỏi chợ búa cơm nước sao, cô Hai lại cười lớn:
- He he..., mắc cười, bữa nay ngoài đường nước lên tới lưng quần rồi. Ở nhà lấy mấy tấm ván kê trên hai cái lu, mang cái bíp đặt trên đó, nấu mỳ gói ăn chơi....
- Vậy chớ mấy nhỏ nghỉ học ở nhà sao?
- Hổng có, vẫn đi học chớ. Đứa cha cõng, đứa mẹ bồng, té ướt lướt sướt. Bữa qua anh Hai té nè. He he... đâu không té, té cầu khỉ gần nhà, do chính tay chả dựng, cột chớ ai.
Hỏi chớ cá mú sao, lại cười như không hề có lụt:
- Hổng sao hổng sao, nước lên bè lên theo, mấy bè cá cá hổng sao, chỉ có người ta và con nít cực thôi. Chờ mấy bữa nước xuống thôi mà...
Nhớ năm rồi mấy anh em tính ngày tháng rủ nhau về miền Tây ăn cá Linh, ăn canh chua
bông Điên điển khi mùa nước nổi nhưng nước đâu có nổi, chỉ mon men một ít cuối mùa.
Còn năm nay nước lại về nhiều quá, lụt trắng đồng. Ấy vậy nhưng người quê miền Tây vô tư lắm, vẫn vui vẻ trước đỏng đảnh hay giận dữ của thiên nhiên, chỉ nhắc mình ráng thêm, rồi cũng qua đi cơn khó...
Người ta thực sự lo lắng, ngoài những công trình thủy điện đã xây dựng trước đây, sẽ có hơn chục con đập sắp được xây dựng trên dòng Mekong. Dòng sông đang gánh chịu một cuộc chiến giành năng lượng của các quốc gia mà nó đang đi qua để hưởng lợi từ nó. Mối lo lắng như đã rất rõ về về an ninh lương thực khu vực và sinh kế của hàng triệu con người đôi bờ lưu vực Mekong.
Có bao nhiêu những công trình thủy điện trên các dòng sông? Ngăn sông lấy điện ra tiền nhưng cũng là việc đó đã chặn đứng dòng chảy, bức tử những dòng sông từ bao đời tạo hóa, làm xác xơ và biến mất dần những khu rừng đầu nguồn. Sự tổn hại về môi trường sinh thái là không thể hồi phục.
Cứ tháng này vào mùa mưa bão những năm gần đây, ta lại nghe nhiều tin mưa tin bão, tin lũ xả gần xa, tin mất lúa mất cá và mất cả mạng người. Khắp lượt dải đất miền Trung, rồi đồng bằng Cửu long cho đến vùng rừng núi cao cũng không tránh khỏi.
Một nỗi buồn công nghiệp đang làm biến đổi những dòng sông chảy và suối thác điểm tô, làm xao xác những cánh rừng xanh và muông thú, những cánh đồng lúa màu mỡ và vườn cây trái, tất cả đã sống với nguồn nước của mình bao đời nay cùng quy luật đất trời.