Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Lại thở than xí cho đời bớt khổ.

Lại là chuyện học hành của đám nhỏ, chuyện năm nào cũng có.
Câu chuyện từ trong năm của cha con nhà kia. Viết nháp bài từ bữa đó nhưng ngại lỡ cô giáo có bờ lốc bờ leo mà đọc được, con bé con bị ém xì bùa, tội nghiệp nó.
Chuyện là có một bữa, cha bé nhận cái giấy mời phụ huynh học sinh tới gặp chủ nhiệm, giật mình nghĩ bụng chắc là con cái nhà mình có chuyện chi chắc lớn à, mới có giấy mời cha mẹ tới mần việc. Nhưng không phải, thực sự không có gì ầm ĩ, vậy mà lâu lâu nghĩ  thấy hơi buồn buồn.

Ở trường học ấy có tiết mục báo bài qua tin nhắn điện thoại, cha mẹ nào thích thì đóng tiền nhận tin nhắn  về thời khóa biểu mỗi ngày để theo dõi và nhắc bài cho trẻ.
Bữa ấy giờ Toán, tiết học trước cô dặn chuẩn bị bài tới là Đại số nhưng tin nhắn phụ huynh nhận được bữa ấy lại là chuẩn bị bài Hình học. Ở lớp có tới vài ba em soạn bài lộn. Mấy trẻ đó bị cô phạt đứng lên trên bảng trước cả lớp và cô nói sẽ mời phụ huynh tới gặp.
Giờ ra chơi con bé con mon men nơi cầu thang lớp học. Nhỏ nói với cô giáo: "Con muốn được trao đổi với cô, xin cô đừng gởi giấy mời về nhà vì ba mẹ con bận lắm. Con sẽ cố gắng sửa chữa khuyết điểm và không muốn bố mẹ thêm lo lắng". 
Con bé con không thể biết rằng nó đã làm cô giáo rất bực bội khi nó dám xài từ "trao đổi" với cô chủ nhiệm lớp. Cô đã rất buồn và nói với phụ huynh bé rằng, bao nhiêu năm dạy học cô chưa gặp một học trò nói năng hỗn như vậy(!)
Cha mẹ phải cùng thày cô dạy dỗ con trẻ, nhưng chắc chắn cha mẹ sẽ là những người lo lắng về kiến thức và nhân cách con cái mình hơn ai hết. Cha mẹ bé không thể rày la, bởi nghĩ rằng bé xài từ "trao đổi" ấy là được, là mạnh dạn, tự tin chớ không có hỗn. Tuy nhiên sẽ dạy thêm cho bé những từ ngữ có thể xài được, có thể hay hơn trong cách thưa chuyện với cô giáo.
Một dịp tình cờ, trao đổi câu chuyện cùng những người bạn giáo viên, một phổ thông trung học và một giảng viên đại học, nghĩ rằng chắc chỉ cô giáo kia vậy thôi, không ngờ các bạn cũng phản ứng không chấp nhận nhỏ xài từ ngữ như vậy. Ngỡ ngàng, vậy là cha bé đã sai? hay là lâu nay ta đã chia vụn đại từ nhân xưng để tỏ lễ phép còn phải chia từ ngữ cho ai mới được xài. Trong trường hợp này sẽ phải xài "bá cáo cô" hoặc "kính trình cô" đặng làm ưng bụng cô giáo.

Mấy năm rồi học bán trú, sáng cha con chở nhau đi học đi làm, chiều tan làm tan học cả ngày cha con một cuốc đi về, còn khỏe và vui vẻ. Vậy mà vưỡn thở than cái nỗi bụi khói nước ngập đường đào.
Năm nay không có bán trú. Trưa mới đi học tới chiều về. Mỗi tuần lễ buồn vui có thêm vài bữa học cả sáng cả chiều, mà sáng học tới giữa buổi rồi về nhà, đầu giờ chiều tới lại chớ không có ở trong trường.

Có bao nhiêu học trò đi về hàng ngày và những khoảng giữa chừng ấy ai sẽ là người đưa đón chúng trường có hay. Trường hổng thèm thương người ta chạy đầy ngoài đường nắng mưa, cũng hổng thương phụ huynh còn đi làm sáng tới chiều mỗi ngày. Biết nhờ ai đón đưa ngoài các bác Honda ôm đứng tuổi, cẩn thận mà phải thân thân mới được.

Năm rồi cha con cuốc đi cuốc về thì năm nay bé đi bốn cuốc, thêm bốn cuốc bác tài xe ôm, vị chi mươi cuốc xe nhỏng ngoài đường lộ mỗi ngày của hai người lớn chưa đủ cho mỗi cái sự học phổ thông của một đứa nhỏ. Đó là bỏ không nói tới mấy vụ muốn học đờn ca sáo thổi, học vẽ, bơi lội thể thao hay bao nhiêu thứ học khác. Có ngày chạy sô ba ca thêm một cuốc tiếng Anh sau giờ học, cơn mưa chiều lướt sướt, vội vã ven đường miếng bánh đỡ đói lòng vô lớp học. Nhìn con trẻ xót lòng.
Khỏi hỏi tại sao đường phố nhà mình khi nào cũng đầy người và xe cộ.

Thấy xứ người ta nhà cửa tầng cao, cứ san sát san sát nhau, trải dài mãi mà đi ngoài đường phố hổng thấy mấy người ngơ ngác chen chân sấp ngửa. Nhiều thành phố như vậy và không cứ thứ Bảy Chủ nhật, kể cả những ngày thường cũng rứa. Nhìn đường phố người ta phát ham, lại muốn thở than cái sự đi lại ở nhà mình.

36 nhận xét:

  1. Thầy cô ở VN có cái bịnh: nâng mình lên quá cao và coi học trò như rác. Trời ơi, Bác đụng trúng nỗi niềm của em hồi học đại học, giờ qua Mỹ học mới thấy quyền "làm sinh viên" của mình. Thôi, sân si quá cũng không tốt nhưng mà nhiều thầy cô như vậy đó Bác. Tức cái là hồi đó đi học cứ bị bà cô thu học phí chửi bới xỉa xói mà k dám nói gì mới ghê chứ.

    Trả lờiXóa
  2. Xin được cảm thông&chia sẻ với cha con cô bé!Em cũng có hai cháu,được học bán trú mà đưa đi đưa về cũng đã là tám bận,thằng anh xong tới nhỏ em,lại học thêm nào toán nào anh ngữ...muốn nói một câu rằng đuối như trái chuối nhưng sợ con cái nó nản thêm thì lại khổ đành thôi!Muốn cho con bớt học thêm thì tụi nhỏ không chịu sợ không theo kịp tụi bạn,đành thôi...

    Trả lờiXóa
  3. Đọc nghe thương mấy đứa nhỏ quá bác, nếu mà như vậy thì coi như bỏ công ăn việc làm chỉ để đưa rước con cái. May mà một đứa, cỡ hai đứa là tiêu.
    Thầy cô và hệ thống giáo dục của mình có cái hay nhưng cũng đầy cái dở, vì vậy bạn ngán cái kiểu học mà cũng quan liêu bao cấp đó lắm bác ơi, nên quyết không cho anh nhỏ vô trường công, dù tuyến của ảnh là vô Hòa Bình đó chớ, học mà như hành vậy, mẹ còn chịu không nổi huống hồ chi con.

    Trả lờiXóa
  4. Rất đồng cảm với bác "lâu nay ta đã chia vụn đại từ nhân xưng để tỏ lễ phép còn phải chia từ ngữ cho ai mới được xài"
    Ngôn ngữ việt quá phong phú tới mức rợm. Tôi đồ rằng nếu không cách mạng ngôn ngữ (tiếng việt) e chừng khó thể thay đổi được tư duy.
    Đặc trưng (phần lớn) tư duy người Viêt - cho đến bi giờ - là lòng vòng, :), mà sự ảnh hưởng của cách dùng từ ngữ trong diễn giải là không nhỏ.

    Trả lờiXóa
  5. -Ừa PhungPat,
    Mình là cha mẹ mà luôn coi con cái là bạn nhưng khó lắm thày cô ở mình coi trò là bạn.
    Bạn Phụng mới đổi tên theo chàng?

    Trả lờiXóa
  6. -VT,
    Đúng là lo mấy nhỏ không theo kịp bạn vì có học trước học sau. Và có một điểm ưu tiên vùng miền trong "học thêm" mà hổng ai nói phải không.
    Hai đứa là càng phải ráng nữa bạn ơi.
    Cám ơn VT ghé chơi nhà và chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  7. -Moon,
    Tôi có suy nghĩ giống bạn nên năm đầu cho học quốc tế. Nhưng không thể phủ nhận ở trường công các môn tự nhiên thày cô dạy rất tốt và bọn nhỏ cũng khá.

    Trả lờiXóa
  8. -Chu Nam Cuong,
    Tôi cũng thấy đọc trên báo chí, họp hành, những diễn giải trong các sự việc với những từ ngữ họ nghĩ ra được hay thế chớ. Kiểu như lòng dzòng cũng thành chữ "song hỷ".
    Cám ơn anh ghé nhà chơi và góp ý.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi nghe nói tiếng Nhật có loại ngôn ngữ gọi là"lễ ngữ"?Có lẽ ở Việt nam cũng vậy?Chỉ có điều chúng ta chưa đưa riêng ra như một loại ngôn ngữ riêng dành cho cha mẹ,ông bà,thầy cô và ngoại giao vậy.Tiếng Anh cũng phân biệt ở Anh,ở Mỹ,ở Úc khác nhau.Từ"trao đổi"chỉ dùng cho người ngang hàng hoặc là đồng nghiệp với nhau?Còn bọn trẻ có từ rất hay "Thưa với thày(cô)".Bao đời nay dân mình đều dùng từ khi đối với người lớn hơn mình hay người mình kính trọng này rồi.Vài ý đưa ra có gì sai mong mọi người bỏ qua nha.

    Trả lờiXóa
  10. mình thấy tính cách của bé con AnhDo thật hay, rất tiếc cô giáo lại suy nghĩ như vậy. Mình thấy cháu chẳng có gì phải sửa cả, ngôn ngữ cháu dùng rất chuẩn và mình tin thái độ cháu khi nói câu đó hẳn rất lễ phép. Một hệ thống từ trên xuống chỉ muốn ai cũng là cừu thì sao khá nổi :(

    Trả lờiXóa
  11. Em thấy bên mình cứ thích áp đặc, cứ thích tỏ ra quyền lực. Nhiểu trẻ bị mất đi cái tính tự tin. Làm gì cũng thậm thụt, rụt rè. Mấy cô như vậy mà cho qua bên này dạy, chắc là ngày nào cũng về nhà mà ôm gối khóc.

    Cho dù cô và trò, cũng có thể trao đổi với nhau. Em thấy không gì không ổn trong cách nói của con anh. Có chăng là sự không ổn trong các bật thầy cô giáo.

    Trả lờiXóa
  12. Đáng lẽ phải cải cách thái độ, phương pháp dạy và tư duy sư phạm của các cô trước ròi mới cải cách giáo án. Em cũng giống Moon, thà "hy sinh" rất nhiều chứ nhất quyết không cho con học trường công :-P

    Trả lờiXóa
  13. ôi em nhỏ giờ toàn học trường công
    giờ lục lại chẳng nhớ đã bất mãn những gì nữa
    ---
    hồi học đại học thuyết trình xong quay xuống lớp hô vang "common báby" (ý là xin ý kiến phát biểu)
    thầy trò ôm bụng cười cả lớp haha

    Trả lờiXóa
  14. Đồng ý với nhiều bạn comment ở trên chuyện cháu AnhDo thưa chuyện như vậy rất lễ phép, mạnh dạn, tự tin và không có gì sai quấy. Chỉ có các thầy cô mất tự tin thôi.

    Than xong rồi có thấy bớt khổ không anh :) Chúc vui nhe.

    Trả lờiXóa
  15. Anh chị có tính cho bé con theo chị đi học?

    Trả lờiXóa
  16. chút nữa là hỏi giống bạn DT :)).
    Bác, bỏ mặc cái sự đời, cứ ủng hộ con những gì bác thấy đúng thôi. Từ từ rồi thầy cô sẽ quen với việc " bị trao đổi " hà.

    Trả lờiXóa
  17. Cụm từ Nhí dùng không đúng ý cô rồi, phải tách làm 2 vế là : Truyền dạy và tiếp thu.
    Phản ứng của cô cho thấy bệnh hình thức và bất bình đẳng trong học đường ở VN.

    Trả lờiXóa
  18. -Dathb136,
    Đồng ý chớ, đám nhỏ phải có lễ nghĩa thưa gởi, vâng dạ... trước sau câu, chúng ta vẫn dạy con vậy mà. Tuy nhiên những từ ngữ khác cần thoáng trong sử dụng và đúng nghĩa. Có những việc tôi vẫn nói với con: "Bố mẹ muốn bàn với con chuyện này", mặc dù con rất nhỏ. Lắng nghe và rất tôn trọng ý kiến của đám nhỏ.

    Trả lờiXóa
  19. -P.D,
    Tôi không đồng ý là bé hỗn khi sử dụng từ đó mà ngược lại, động viên bé mạnh dạn trước người lớn với những ý kiến của mình.

    Trả lờiXóa
  20. -Đậu,
    Toi cũng rất ưa con trẻ phải tự tin và tạo điều kiện cho trẻ tự tin. Công nhận học trò nước ngoài được thày cô tôn trọng hơn và người lớn có cách nhìn, cách nói chuyện với tụi nó như người bạn.

    Trả lờiXóa
  21. -Titi,
    Siêu quậy nhà mình học trường tư phải không? Bạn ấy cá tính, thông minh và ưa tìm hiểu. Nhưng vẫn như nói với bạn Moon, các môn tự nhiên trường công rất tốt đấy Titi ạ.

    Trả lờiXóa
  22. -J.G,
    Khi J.G học chắc là chưa có trường tư, bán công hay quốc tế. Chỉ có một hệ thống giáo dục, cách gì cũng phải học nên khó so sánh.

    Trả lờiXóa
  23. -DT,
    He he... than xong thấy rất vui vì được nghe nhiều góp ý của mọi người, DT ạ.
    Cám ơn bạn mình nhiều.

    Trả lờiXóa
  24. -BeBo,
    Chắc cho bé theo gót chị Hai nó quá. Để bé qua tuổi lớn bên cha mẹ rồi tính tiếp bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  25. -Việt,
    Thực ra trong chuyện này nhà trường cũng có lỗi báo bài sai mà cô giáo đã phạt trò đứng trước lớp. Họ phải chấn chỉnh người báo bài, mời phụ huynh chi nữa. Nội việc xài từ "trao đổi" mà cô đã suy nghĩ vậy thì mình sẽ không nói thêm được điều gì nữa.

    Trả lờiXóa
  26. Cái này mấy bữa nay Lana rầu y bác đây bác Đỗ :(

    Trả lờiXóa
  27. You pretty much said what i could not effectively communicate. +1

    My blog:
    Rachat de credit rachatdecredit.net

    Trả lờiXóa
  28. Sao lại rắc rối vậy,một tuần có mấy tiết toán GV qui định tiết nào học hình tiết nào học đại cố định chứ,ai hơi đâu mà cứ ngày nào cũng nhắn tin,phụ huynh thì có phải ai cũng có thời gian mà nhắc nhở con đâu.Có vẻ như quan tâm nhưng thực ra chẳng khoa học chút nào hết

    Trả lờiXóa
  29. -Lana,
    Tôi lo có một bạn thôi. Bạn có hai bạn nên phải lo gấp đôi.
    Than xong rồi ráng bạn ơi.

    Trả lờiXóa
  30. -KL,
    Nhà trường làm vậy mình phải theo thôi bạn ơi. Mỗi ngày mỗi nhắn tin vô điện thoại.

    Trả lờiXóa
  31. còm Mía lại chui vào spam nữa rồi :((

    Trả lờiXóa
  32. -Mía,
    Phải coi mọi người nghĩ sao chớ mình bỏ mặc làm theo ý mình, lỡ không phải sao bạn ơi.
    Mà sao Mía cứ lựa spam mà chui vô dzợ ta? hè hè... có làm gì cái lão spam ấy khg đó?

    Trả lờiXóa
  33. Hài, tội nghiệp cho đám trẻ con lúc nào cũng sợ cô giáo. Rõ chán cho các giáo viên làng mình.

    Trả lờiXóa
  34. -Kien Con,
    Đã chuẩn bị tinh thần chạy sô cho bạn Bim chưa? để sẽ khỏi thở than. Sẽ tăng dần nhịp độ theo từng năm đó.

    Trả lờiXóa
  35. Chả biết nói gì ngoài lời cám ơn rất thật lòng của tôi với những gì quá đồng cảm trong entry này bạn đã viết!
    Cám ơn! Chúc sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  36. -thanhvdgt1,
    Cám ơn nhiều, bạn đã ghé thăm và góp ý.

    Trả lờiXóa