Những năm thật xa ở miền Bắc, khi những trung tâm công nghiệp mới xây dựng có rất nhiều nam nữ thanh niên ở nhiều vùng thôn quê Bắc bộ tìm đến khi có dịp tuyển công nhân. Mỗi năm độ Xuân về, họ được cùng nhau trở lại thăm quê. Thường về đến Hà Nội, mua sắm một ít quà Tết cho mẹ cha và các em thơ quê nhà rồi mới tính đường về xứ. Gặp gỡ nhau nơi bến tàu xe hay ở một nhà ai đó đồng hương, người ta hỏi thăm nhau:
- Phòng về hở?
- Không, nhà em làm trên Thái...
Là hỏi chị làm ở cảng Hải Phòng, là trả lời em từ khu gang thép Thái Nguyên về, hay từ Việt trì, từ mỏ than Uông Bí, Mạo Khê... Họ còn thường hỏi thăm nhau:
- Đi thoát ly lâu chưa?
- Cũng hai năm, ba năm... Rồi cười...
 |
Đức và hai cha con. |
Nghe được mấy từ "đi thoát ly" trong câu chuyện của chàng trai ấy, tình cờ trên một chuyến xe. Cũng là một cuộc mưu sinh, thấy hay hay...
- Này chàng trai, câu chuyện thật hay giữa núi rừng thật đẹp, quê hương thứ hai của bạn, hãy chụp chung với cha con nhà tui một tấm hình kỉ niệm đi nào.
Chiếc xe đò biển số 17 sau ba ngày đêm trên đường xa và đèo dốc Bắc Nam, về đến bến xe miền Đông khi trời đã về chiều. Thân mình và áo quần vương nặng bụi đường và đặc quánh mồ hôi, Đức bước xuống xe. Sài Gòn choáng ngợp, người xe và ánh đèn cùng những tiếng nói lạ lẫm.
Đức sinh ra ở làng quê của mình và ở đó tới năm mười bảy tuổi. Đó là một làng quê yên ả, bao đời thuần nông ở miền duyên hải Thái Bình. Nơi xa nhất anh đi tới là ngôi trường cấp ba huyện Thái Thụy cách nhà hơn chục cây số. Anh biết đến Hà Nội, Sài Gòn hay các nơi khác trên đất nước này chỉ qua chiếc vô tuyến truyền hình nhỏ ở nhà mình thường coi mỗi tối mà chưa hề đi đâu xa. Nói chuyện ra tới Hà Nội hay vô chơi tận Sài Gòn, đi chơi đúng nghĩa, như là một giấc mơ xa, xa xôi lắm. Thậm chí thị xã Thái Bình quê anh, anh cũng chưa một lần tới.
Một bữa, Thái, thằng bạn học chung chơi chung từ tấm bé, đi lính quân khu bảy nghỉ phép về chơi nhà kể chuyện Sài Gòn, Đức mê lắm và anh nhớ nhất một câu ku Thái nói:
-Công ăn việc làm ở Sài Gòn dễ dàng lắm, còn Sài Gòn thì đẹp như tây.
Một bữa Đức nói với cha mẹ: Con muốn "thoát ly", con đi Sài Gòn.
Cha mẹ Đức ngạc nhiên lắm. Không biết bao nhiêu lần, các anh chị rủ nó ra chơi Hà Nội một lần cho biết, hay ra tỉnh chơi thôi, chỉ thấy nó lắc đầu, vậy mà bỗng dưng hôm nay lại đòi vào tận Sài Gòn. Một tuần lễ âm thầm chuẩn bị, Đức không nói năng nhiều. Khi mẹ hỏi tới lần thứ ba, Đức cầm tay mẹ cười:
- Con mẹ lớn rồi, mẹ cứ để con đi.
Mẹ vót vét hết trong nhà được bốn trăm ngàn đồng. Nhờ ku Thịnh nhà bà Thịnh chở ra bến xe thị xã. Anh mua vé hết trăm mấy, bằng tiền riêng của mình. Mẹ may thêm vào mặt trong áo anh một cái túi nhỏ, bỏ vào đó bốn trăm ngàn đồng, còn cẩn thận cài thêm chiếc kim tây để không thể rớt.
Xe đò Thái Bình - Sài Gòn về tới bến miền Đông, Đức ra khỏi bến xe thật sự choáng ngợp, anh không biết đi đâu. Tạt vào một hàng cơm tấm, xong bữa anh ngồi ngắm người xe qua lại trên đường.
-Chú ở ngoải vô?... kiếm việc làm phải không?
Đức chợt giật mình, anh ngồi đó đã lâu rồi mà không hay, hàng cơm chỉ còn hai ba người khách. Một ông lão cầm xấp vé số trên tay, dợm đứng dậy lại ngồi xuống.
Ông Ba, tên người bán vé số, nhìn tướng cậu trai thông minh nhanh nhẹn, thăm hỏi tâm sự mấy câu rồi rủ Đức về theo ông. Cái duyên con người ta, nhìn ông, Đức thấy cảm tình. Tối bữa ấy về chân cầu Calmette, ông Ba quăng cho Đức cái gối. Là nửa gối nửa mền, Đức thiếp đi, giấc ngủ êm đềm sau một chặng đường dài. Đêm đầu tiên Sài Gòn, anh nằm ngủ dưới dạ cầu Calmette.
Đức thức dậy sớm bởi tiếng xe lam, xe ba gác máy chói chang ở trên đầu. Sờ tay lên ngực, cái túi nhỏ có tiền của mẹ may vẫn còn đó.
Ông Ba đi đâu về, dúi cho Đức một chiếc bánh bao còn nóng. Bữa sáng đầu tiên ở Sài Gòn với chiếc bánh làm anh ấm bụng, tấm bánh Đức được ăn lần đầu, sao mà ngon lạ. Anh nhìn ông Ba thấy thân thiết quá.
Cầm một sấp vé số, Ông Ba đưa Đức nói đi bán kiếm tiền mà sống. Ở Sài Gòn ngày nào không mần, không ra tiền là đói, không có ai nuôi ai đâu con. Đi bán đi. Gặp ai đi đường cũng phải mời, bán cho ai cũng được, miễn hết được là tốt. Mỗi tấm có hai trăm, bán hết chỗ đó con sẽ được hai chục ngàn, nhắm bán không hết thì quá trưa dát hai giờ cách gì cũng phải về đây, để trả vé cho người ta. Mỗi tấm vé hai ngàn, dư chục tấm kể như bữa nay không đủ ổ bánh mì ăn tối đâu con. Về chậm thì ráng mà ôm vé số dư, ngồi đó cầu ông Trời thương, chiều xổ trúng độc đắc thì đổi đời, nghe con.
- Nhớ đường về nghe, lỡ hổng nhớ thì đường đi ở ngay miệng con đó. Già Ba dặn dò thêm.
Một tuần lễ trôi qua, mọi việc xuôi xẻ, nghĩa là ngày nào Đức cũng bán hết vé sớm, ăn uống qua bữa rồi trở về dạ cầu. Đức coi ông Ba như là cha mình. Ông tốt với mình quá. Đức cảm nhận đây là người đàn ông tốt bụng thật sự, mình có gì đâu để ông lợi dụng, kể cả sức lao động. Chỉ là cảnh cơ nhỡ với nhau...
Mỗi ngày sấp vé số mỗi dày thêm và ngày nào cũng hết sạch trơn, Đức còn về sớm nữa. Số tiền mẹ cho anh chưa xài tới, lúc này đã được nhân đôi.
Một buổi chiều về, Đức gợi chuyện xa gần với già Ba, tính bỏ không đi bán vé số nữa.
- Con biết là ông Ba thương con lắm. - Anh nói. Công việc này sống cũng được nhưng ông Ba thông cảm cho con, thanh niên, có sức vóc, con thích làm việc ổn định, nặng nhọc cũng được và có cuộc sống bằng sức vóc của mình.
Thực sự là người đàn ông tốt bụng, suy nghĩ một hồi ông Ba nói gọn:
- Tùy con, Sài Gòn không thiếu chuyện mần, chỉ sợ bây làm biếng thôi chớ... "qua" biết có một chỗ này.
Ông chỉ cho Đức đường đi tới ngã tư Bảy Hiền.
- Đi đường hỏi thêm người ta, con đi tới đó, quẹo vô con đường nhỏ là đã nghe tiếng máy, nhìn ngoài không hay nhưng theo tiếng máy mà đi. Nơi nào càng lại gần càng nghe tiếng máy chạy sành sạch inh tai ấy, là nơi có rất nhiều xưởng dệt của những người xứ Quảng, họ đang cần người, có rất nhiều việc ở đó...
Vậy là Đức chia tay già Ba.
Lương trả nhiêu cũng được, làm bất cứ việc gì. Đức nghĩ và anh xin được việc làm tại một xưởng dệt may tư nhân ở khu dệt may Bảy Hiền.
Công việc đầu tiên là cắt chỉ thừa, thùa nút áo, xếp gọn gàng hàng may, hết giờ thì vệ sinh công nghiệp. Những khi thiếu thợ, ai đó việc nhà hay nghỉ bịnh anh thế vô chạy máy may, máy vắt sổ...
Đúng là anh không biết ngại ngùng một việc gì. Người ta kêu tới việc sửa máy, sửa điện, mô tơ... anh cũng làm hết và làm được việc. Đức sáng dạ, chịu làm và nghề dạy nghề nên ngày tháng qua đi cho anh thành thạo nhiều việc của xưởng dệt may.
Anh rất thích công việc bỏ mối quần áo cho xưởng. Những ngày nắng Sài Gòn, đạp xe đi giao những lô áo quần may sẵn cho các cửa hiệu bán lẻ là được nhỏng trên đường, ngắm nhìn đường phố, những chiếc xe gắn máy lao vun vút, những cô gái Sài Gòn đẹp xinh, đời thật đáng yêu.
Đức tự nhắc mình phải học chắc lấy một nghề và ao ước tự mình làm chủ, dù là chủ nhỏ, một việc gì đó làm trước người ta.
Ít năm sau Đức tạm nghỉ may mặc đi học nghề thợ điện. Với số vốn ít ỏi dành dụm bấy nay anh mua lại áo quần may sẵn của xưởng dệt, vừa đi học điện vừa tìm mối bỏ hàng ở những vùng xa hơn.
Một dịp tới thăm bà con ở thành phố biển Nha Trang, thấy nơi đây chưa có nhiều đại lý, Đức lại nghĩ đến cơ hội làm chủ và quyết định bỏ mối áo quần may sẵn về đây. Cũng ở thành phố biển này anh đã gặp được người thương. Một thời gian thấy công việc thuận lợi, anh về hẳn Nha Trang. Thuê mặt bằng mở một tiệm điện và một cửa tiệm áo quần may sẵn lấy về từ Sài Gòn.
Có được ít vốn liếng, rồi Đức có gia đình. Anh tìm một người bà con giao việc bán buôn ở tiệm áo quần, hàng tuần một lần coi sổ sách, còn anh sang lại tiệm điện, học lái xe rồi đi làm tài xế taxi. Đức nói, để được đi đó đây đã ăn vào trong máu, để được dong duổi trên đường xa, được ngắm nhìn núi rừng và biển trời thành phố quê hương của các con anh, đáng yêu và đẹp đẽ biết bao.
- Em có một miếng đất nhỏ vùng ven, sắp tới em sẽ cất lên một căn nhà nhỏ. Làm được bao nhiêu em cho con đi học. Hai đứa nhỏ nhà em sẽ phải học hành đến nơi đến chốn. Hàng năm về quê thăm cha mẹ, các cụ mừng vui lắm.
Mười sáu năm qua đi thật nhanh nhưng có lẽ cả cuộc đời em sẽ không bao giờ quên được tấm áo mẹ may thêm cái túi nhỏ đựng tiền. Năm nay mẹ đã già yếu. Chắc là sang năm này sẽ đón các cụ về ở chung. Ở quê nhà em đang sắp vào mùa giá lạnh.