Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Nơi tận cùng của làng (1)

Ông Lý sinh ra ở một làng quê yên ả bên dòng Trà Lý, con sông lớn nối với dòng sông Hồng đầy ắp phù sa, chảy qua một vùng lúa mênh mông của đồng bằng Bắc bộ rồi mới đổ ra biển khơi. Ông Lý đi theo cách mạng từ rất sớm. Ông còn là thương binh, đâu từ thời trai trẻ đánh Tây.

Người làng kể ngày ấy anh Lý là con trai cả trong gia đình, nhà có tới chín anh chị em lít nhít cách nhau năm một. Làm anh cả nên phải làm nhiều, phải vất vả. Khi còn nhỏ anh Lý được học hành một ít, qua bậc sơ học yếu lược gì đó được ít lâu, giắt lưng ít vốn thơ phú Hán Nôm ăn nói hơn được người ta ở làng rồi là nghỉ. Anh Lý ở nhà, ngày nông nhàn thì vừa phụ cha vừa học thêm nghề làm thuốc bắc chữa căn bệnh dại khi người ta bị chó cắn, một nghề gia truyền năm đời thày thuốc của cụ kỵ ông bà. Vào mùa thì phụ mẹ làm công việc đồng áng, chẳng bao lâu Lý thành thạo nghề nông, mọi việc làm lụng đều qua tay, anh như một công lao động trụ cột trong nhà.
Người làng kể thuở ấy, ngày Đông gió bấc cắt da cắt thịt, lúa gặt xong ruộng còn ướt là Lý tranh thủ đi cày ải kẻo để ít lâu đất cứng, trâu còn không đủ sức cày nữa là người. Sáng sớm ra đồng, người làng từ xa tới gần mảnh ruộng nhà Lý, rét mướt như thế mà thấy đã có người đang làm ruộng từ bao giờ. Là chỉ thấy con trâu chậm rãi kéo theo cái cày mà không nhìn thấy ai cả. Người đâu không thấy, chỉ nghe tiếng "vắt vắt họ họ" vượt qua bờ ruộng và thấy bóng chiếc cày ngả nghiêng đi theo con trâu trong làn sương muối mờ ảo. Thì ra là Lý đi cày, cu Lý thấp bé tí tẹo như cái kẹo bên cái cày chìa vôi cao ngang vành nón.
Thời ấy, con trẻ ở quê đứa nào chẳng phải làm lụng. Hết chăn trâu cắt cỏ, thổi cơm rồi bế em. Đứa nào lớn hơn một tí là còn phải gánh phân gánh lúa, kéo trục đá lấy thóc khi lúa gặt về, phải xay thóc giã gạo trong cối xay cối giã... toàn là những công việc của người lớn. Làm nhiều, đói ăn, người ngợm gày dơ xương bé quắt bé queo.

Bà Lý gái về nhà chồng làm dâu năm mười sáu tuổi. Những năm ấy ở quê cô Lý là một nàng dâu siêng năng hiếm thấy của một thời nông dân hay lảm hay làm. Là nói chuyện làm lụng trong nhà chồng,, lầm lũi sáng tối việc đồng việc nhà, đưa lưng cho trời cắm mặt cho đất đai đồng ruông. Cả đời người nữ ấy quẩn quanh dưới mái tranh nhà, bờ tre làng và ruộng lúa. Cứ thế làm, mùa này sang mùa khác, năm này qua năm khác. Làm lụng đến khô héo cả người lại.
Những bờ đất đập ải mùa Đông lạnh lẽo hanh khô làm đôi gót chân con gái nứt nẻ chảy máu. Những gánh phân xanh phân chuồng đè nặng đôi vai quanh bờ ruộng trước mùa cấy, những gánh hàng chợ đi chợ về, buồng cau nải chuối hay những thúng chè xanh nhặt hái trong vườn nhà mỗi phiên chợ quê như làm cho tấm lưng người nữ ấy mau còng theo năm tháng và bước chân đi sao cứ cong cong.
Bà Lý gái chỉ có một cái tật hay nói và hay chửi, chửi từ hồi còn trẻ. Kiểu chửi nhà bị mất gà ngày xưa, con công nhà bà con quạ nhà ngươi ấy, chua ngoa, bài bản, dai dẳng, hành hạ và dễ sợ lắm... Có khi chỉ vì những chuyện vớ va vớ vẩn trong nhà như con cái lỡ tay làm vỡ cái bát ăn cơm, hôm nay ai đó quên quét nhà hay chẳng may xẩy tay đánh đổ ít gạo ít muối, là chửi, chửi cả buổi trời. Chửi rồi ngồi đó than thân trách phận, kêu trời kêu đất kêu xóm làng với con cái, rằng sao mà phận mình khổ, có ai biết rằng tôi khổ sở lắm không... Thở than tự làm khổ mình đã như một thói quen của một thời mất rồi.

Năm ấy anh Lý bỏ xứ ra đi. Lý do ư, khi đã già về sống ở quê, có lần bác kể với đám trẻ, ngày ấy bỏ xứ ra đi đầu tiên phải nói là tại đói. Những năm ấy đói kém lắm, đến khoai sắn dong riềng cũng không có mà ăn. Không phải tới Ất Dậu đâu, đói từ trước năm ấy nhiều. Thêm phần nữa, anh Lý  muốn bỏ nhà đi đã lâu, từ năm mà ở nhà đi hỏi vợ cho anh. Khi ấy anh Lý mới chừng mười hai mười ba. Người làng còn gọi tên là cu Lý con nhà Nghi cơ mà. Sợ quá phải làm chồng khi chưa biết một khái niệm về người nam người nữ.
Chán cuộc sống cực nhọc quanh năm ngày tháng, sợ phải làm chồng, một bữa người làng rủ rê, anh Lý cùng ông chú họ dẫn nhau bỏ quê tìm lên mạn ngược, đâu đó vùng núi rừng Yên Bái Lao Kay. Cuộc sống cũng chỉ là làm thuê cho người ta, đổi sức lấy bát cơm ngày hai bữa. Ngày tháng qua đi nhanh vẫn vất vả cực nhọc, anh Lý đôi lần tính chuyện trở về xứ mà đường xá xa xôi cách trở, nơi rừng xa heo hút biết đường nào đi. Một bữa nghe người ta lao xao rủ nhau đi cướp chính quyền, anh Lý đi theo ông chú họ, thế là hai chú cháu thành Việt minh.

Bao nhiêu năm xa quê, rồi anh Lý ghé về thăm nhà. Bên rặng tre già ao cá vườn chè xanh hình thành một gia đình nông dân người mẹ với hai cô con gái còn người cha đi hoạt động xa. Anh Lý về rồi lại đi biền biệt. Đận cải cách ruộng đất, cả nhà lao đao anh Lý cũng không về. Từ rừng núi anh về đồng bằng rồi làm việc ở thành phố. Hết làm pháp chế, lao động qua tuyên huấn, công đoàn, bao nhiêu năm cứ một thân một mình.

Anh lên bác rồi lên ông. Bấy nhiêu năm hễ gặp bác Lý là thấy hình ảnh một dáng đi tất bật còng còng như lúc nào cũng chực dúi lên phía trước. Chẳng biết bác ấy làm gì nhưng nhìn biết là người làm việc nhà nước. Mùa Hè là chiếc sơ mi màu cháo lòng bỏ trong cái quần xanh công nhân còn ngày Đông lạnh giá gió mùa thổi vẫn chiếc quần vải xanh ấy, thêm vào chiếc áo đại cán bốn túi bên ngoài, tới đâu là vội vã vứt chiếc xe đạp bên tường nhà, lạnh quá, xuýt xoa, lập cập. Cũng vẫn một chiếc xe đạp hiệu Hữu nghị bao nhiêu năm trời lọc cọc đạp từ Hải Phòng khi đi Hà Nội họp hành, khi đi thăm anh em nơi xa hoặc đạp về quê thăm gia đình. Mỗi chặng đường đi có vài chục tới cả trăm cây số đi từ "Phòng", mà cũng chỉ được gọn trong một ngày Chủ nhật, đạp xe đi khi mờ đất rồi trở về lúc đêm khuya, ngày mai còn phải đi làm.

Ông Lý trở về hẳn quê hương, trở về với ngôi nhà nơi mình sinh ra lớn lên, nơi có vợ con mình ở đó chờ đợi một cuộc sống gia đình khi tuổi ông đã nhiều chiều đã xế. Nhiều năm trước ngày trở về ông Lý làm việc ở một trường Trung cấp nghề của đất Cảng, cũng sống ngay tại trường. Nơi ăn ở của ông là một căn phòng nhỏ chừng hơn mươi mét vuông, nằm đầu hồi một dãy nhà ngang mặt quay vào vách ngọn đồi ở góc cuối cùng của ngôi trường. Căn nhà ấy là nơi sinh hoạt ăn ở bao nhiêu năm trời của ông Lý. Một chiếc giường đơn cái gối đơn lạnh lẽo, một góc đủ kê một chiếc ghế với cái bàn nhỏ vừa dùng làm bàn làm việc, vừa bàn ăn và tiếp khách. Có khách tới nhà chơi thì giường cũng là ghế. Một chiếc bếp dầu ở góc nhà, bộ tách trà sứt sẹo và vài ba bát đũa soong chảo nhỏ đủ nấu nướng sinh hoạt cho một người. Cánh cửa căn phòng đời trọ ấy  hễ mở ra là dậy nồng mùi ẩm mốc, mùi bếp dầu tắt vội trộn với mùi nước điếu thuốc lào vừa hôi vừa khét.
Có ai đó tới chơi cám cảnh thở than thương cảm, ông Lý bảo cơm niêu nước lọ mãi cũng thành quen, rồi nhe hàm răng thưa vàng cáu khói thuốc lào cười ha hả. Anh em con cháu trong nhà có dịp tới thăm hỏi sao bác tự làm khổ mình thế, phải chi xin về quê làm việc gần nhà hay là đón bác gái ra "Phòng" ở chung, xin nhà nước cấp cho căn nhà nho nhỏ, phải có gia đình người ta mới cấp nhà cho chứ, sống cho đỡ khổ. Ông Lý thường chép miệng, quen thế rồi, mà xin với xỏ, đâu phải chuyện dễ.

Những năm đầu mới nghỉ hưu, ông Lý vẫn ở lại căn phòng hơn mươi mét vuông ấy. Người ta chẳng bõ đòi lại, mà có đòi lại cho người khác chắc chẳng ai thèm ở lại mang tiếng. Vẫn tự cơm nước lấy một mình hàng ngày nhưng rảnh rỗi hơn. Lương hưu không biết có đủ hút thuốc lào và uống rượu vặt, ông Lý mở ra một hàng bán nước chè cho đám sinh viên ngay trước cổng trường ngày trước mình làm việc. Ông còn nhận trông xe máy cho mấy đứa sinh viên thường cúp cua hay gửi xe ngoài cổng.
Hôm ấy trời mưa, quán chè mạn của ông ướt lướt sướt, loay hoay với mấy gói thuốc lá và hũ kẹo lạc bị nước mưa tạt ướt, ông bỗng nghe tiếng cậu sinh viên, thôi chết mất xe rồi. Trời ơi, có đứa nào thất đức nhè lúc trời mưa ông không để ý lấy đi mất chiếc xe máy ông lão nhận giữ cho người ta.
Ông Lý phải đền chiếc xe ấy. Chi dùng dè sẻn, người thân giúp một ít, cả năm tiền bán chè chén và trừ dần lương hưu hàng tháng, hơn một năm sau ông mới đền hết chiếc xe máy. Đến nước này ông phải trở về xứ, nơi ông sinh ra và vợ con ông vẫn là những nông dân ở đó bấy nhiêu năm ông đi xa.

Những năm ấy làng quê vui đón ông về. Bà Lý gái tảo hôn năm xưa nay cũng đã già nhưng nhờ trời cho còn sức khỏe. Ngày xưa nói nhiều chửi nhiều bao nhiêu bây giờ chẳng mấy khi bác tham gia chuyện gì, ai làm sao mặc. Với ông thì cơm nước hàng ngày, chăm sóc cho chồng như muốn bù đắp cho những ngày xưa ấy. Một thời gian thay đổi nếp cũ, vui với gia đình họ hàng và xóm giềng, nhìn vợ nhìn con cháu, nhìn cuộc sống bình dị của làng quê như khơi dậy những nghĩ suy từ rất xa... và ông đã ngộ ra nhiều điều...
Ông Lý uống rượu thường hơn, không nhiều lắm nhưng ngày nào cũng phải có. Rồi ông đi tìm niềm vui mới ở đám trai làng mình, làng bên. Và từ ấy, thường là sau ngày lĩnh lương hưu đầu tháng, sáng sáng người ta thấy ông lững thững bước chân, tay xách nậm rượu đi sang làng bên, quá trưa mới "liu tiu" về nhà. Ông đi đánh bạc với đám thanh niên ở làng bên. Bữa nào muộn không thấy ông là có đứa vù xe máy sang nhà gọi, "phỏm" đi bác Lý, lên xe cháu chở, bên ấy hôm nay còn có rượu ngon lắm. Ông chơi bài dở nhưng mê chơi và thích được nịnh. Bọn trẻ trai làng biết điều này và chỉ mấy ngày sau kì lương hưu là ông hết tiền. Tại ông cả, ai bảo cứ nghe bọn trẻ khen uống rượu tài, vừa uống vừa đánh bài làm sao còn mở nổi mắt. Ông biết thế nhưng vẫn thích. Ông được vui, được cười ha hả. Những chiếc răng thuốc lào trên hai hàm răng thưa thớt của ông mỗi ngày như chạy xa nhau thêm, không sao, được cười ha hả là ông vui rồi.

Một dạo ông Lý không đi đánh bài nữa. Đám trai làng có tới nhà ông cũng đuổi, hàng ngày ông thường ở nhà, bên sân gạch cầu ao vườn chè, nhặt nhạnh cỏ lá, quét tước sân phơi hay loanh quanh hàng xóm tếu táo một thoáng rồi về.

Một chiều ông ngồi nhà uống rượu một mình, ông muốn uống thật say. Đến tối hết việc nhà bà Lý gái ngồi nhìn ông uống rượu rồi giục đi ngủ, mãi ông mới chịu. Sáng hôm sau không thấy ông Lý dậy sớm như mọi bữa, mọi người gọi mãi không nghe ông trả lời, mới hay ông Lý đã ra đi từ bao giờ.

Người làng bảo, suốt đời ông Lý cực khổ, cô đơn, tội nghiệp. Người khác nói, ô hay, lang thang đây đó cả một đời, khổ thì khổ nhưng được chết vậy là sướng. Nhiều người lại bảo nhau, ông Lý đến khi chết mới được sướng.

10 nhận xét:

  1. Trí nhớ anh tốt thật! Đời bác Lý nhiều chiện nhưng nghe rất điển hình của những người cần lao một thời nhỉ :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là nghe chuyện kể ngày 27-7 viết về người ta một tí bạn ạ. Cần lao mà khổ một đời.

      Xóa
  2. Số phận bác Lý là một trong những bản sao của một Số phận.
    Mất một cuộc đời triền miên mông lung chưa bằng mất một cái xe máy vỉa hè cụ thể
    Mong ông cụ thanh thản nơi suối vàng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn TS1, quả là "Mất một cuộc đời triền miên mông lung chưa bằng mất một cái xe máy vỉa hè cụ thể". Và tới cuối đời ông lão mới ngộ ra nhiều điều.
      Thấy TS1 có tấm hình làng quê Bắc bộ quá đẹp (Mới đi Diện Biên về?), xin phép lấy về minh họa bài viết này nhé. Chôm trước cám ơn sau.

      Xóa
  3. Thích câu chuyện này quá anh Đỗ à. Đúng là một mảnh đời, một thân phận. Nhưng Bác đã sống trọn vẹn một cuộc đời.
    Anh gột tả rất thực hình ảnh một người dân quê Việt Nam. Rất sinh động, rất thực như là một người tôi gặp đâu đó hồi còn ở quê.
    Cám ơn anh nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sống trọn một cuộc đời, nhưng cuộc đời sao mà cực quá. Cảm thông phải không bạn.
      Cám ơn TQ.

      Xóa
  4. Môt cuộc đơi bij đánh mất.

    Trả lờiXóa
  5. Chẳng bon chen, chẳng nợ nần
    Khỏe trai: lầm lụi chuyên cần kiếm ăn
    Vợ con đâu nặng gối chăn
    Thân một mình vốn đã quen suốt đời
    Với trai trẻ vẫn vui cười
    Quen cả tiếng chửi của người ấp tay
    Yêu người quên khổ vẫn say
    Nên đâu thấy khổ, đắng cay,mặn mòi
    Quên đi cả kiếp tôi đòi
    Cũng quên đi cả những lời tảo hôn
    Biết quên, như vậy lại hơn
    Nhẹ lòng!
    Chỉ có...
    giận hờn....
    trời xanh...

    Trả lờiXóa
  6. Không phải quen đâu anh LeNhan, mà là phải chấp nhận một cuộc đời như vậy, làm sao được.

    Trả lờiXóa