Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Thương nhớ người nhà quê.

Khi không còn đất
Tháng Tư ra chơi Hà Nội, nhìn thấy nhiều hơn quang gánh của người quê trên phố. Tháng Tư ra chơi Hà Nội, nghe thấy tiếng súng và nghe thấy tiếng khóc than của những người nông dân mất đất, xót lòng và bỗng nhớ về người nhà quê. Tháng Tư lại cộng thêm vào những điều phải suy nghĩ...

Có một thời, đi về vùng nông thôn, tới đâu người ta cũng đều tìm nhà người nông dân mà ở. Người nhà quê sẵn sàng nhường nhà cho người lạ ở, nhường chiếc giường, chiếc chiếu mới sạch đẹp nhất cho nằm, chia trái bắp miếng khoai bữa đói lòng. Họ là những nông dân, là người nhà quê ấy. Như một lẽ đương nhiên, từ hồi nào giờ, họ sẵn sàng đón nhận hết người tứ xứ về nhà mình ở, từ người lính trẻ đến anh thợ cầu, từ cậu sinh viên đến chị phu lục lộ và nhất là tất cả những đứa trẻ thành phố sơ tán về miền quê những năm chiến tranh.

Tất cả đám trẻ nhỏ ở các thành phố thuở ấy có một phần đời rất đẹp được sống ở nhà quê cho tuổi thơ ghi nhớ. Đó là những năm chiến tranh, hai lần Mỹ ném bom miền Bắc là hai lần đi về miền quê, sống với người nhà quê bao nhiêu năm dài trọ học miễn phí. Đứa có quê được về quê sống với ông bà họ hàng, đứa quê xa thì theo những trường học nội trú đi tới nơi nào có thể tới được, miễn xa chốn đô thành, là về ruộng đồng, sống với người nhà quê.

Nhớ năm ấy tháng Tư ngày mười sáu, bom Mỹ lại một lần nữa ném tới Hà Nội. Từ căn gác cao nhìn qua sông Hồng, bên kia bờ đê, Gia Lâm khói đen bốc cao, kho Đức Giang lửa cháy suốt ngày đêm sau trận bom thả.
Bữa đi học thường ngày hôm ấy cũng là buổi học cuối cùng của tuổi học trò. Chưa kịp thi tốt nghiệp, không có dòng lưu bút, chưa kịp lời chia tay.
Ngay đêm ấy, thêm một lần nữa, mọi gia đình Hà Nội đều dọn dẹp nhà cửa, gói ghém mang theo những vật dụng sinh hoạt tối thiểu cùng những người thân yêu của gia đình, tất cả người già và con trẻ chia tay năm cửa ô, bỏ lại nhà cửa và một Hà Nội vắng lặng chờ mùa Hè. Người ta theo mọi ngả đường rồi rẽ những lối nhỏ đi về các làng quê xa, mang con trẻ lại về nương náu nơi đồng đất của người nhà quê.

Bắt đầu những ngày tháng với người và đất Văn Giang. Hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học của đám trò Chu Văn An Hà Nội năm ấy đều về nhờ đất Văn Giang, Hưng Yên. Trước ngày thi, đám nhỏ tới Văn Giang, chia nhau về làng xã, mượn nhà dân mà ở, mượn trường làng mà thi. Chắc không có những khóa thi nào giống như năm ấy, đi thi từ ba giờ sáng, để sao cho mỗi ngày hoàn thành hết một môn thi trước khi trời hừng sáng.
Người nhà quê với chợ nhỏ.
Người nhà quê ở Cửu Cao ngày ấy thương đám nhỏ thành phố về quê đi thi, thức đêm căn chừng, hối đám nhỏ đi ngủ mau, mai thi rồi giờ này làm sao còn học. Sớm ra nấu bữa cơm gạo mới, kêu đám nhỏ dậy ăn lấy sức đi thi, rồi tay xách theo ngọn đèn dầu đưa tới tận ngôi trường làng. Những trò nhỏ ấy, bây giờ nên người, làm sao quên được những năm tháng và tấm lòng những người nhà quê thơm thảo.

Năm thứ nhất đại học Giao thông lại về đất Văn Giang, lại ở nhờ nhà dân và đi học. Ngày đón sinh viên về xã, người nhà quê bớt ra ít đất ruộng, tre nứa trát vách bùn với rơm khô làm nên cái lớp học cho mỗi lớp, cái bếp ăn tập thể cho mỗi khoa còn đám sinh viên thì về ở với dân, nhà chật hai ba đứa, nhà rộng thì bốn năm, họ nhường hết cho nửa căn nhà với những đồ dùng tốt nhất.

Một đêm nào bỗng nghe trời đất tung hoành, mái nhà đổ sập, cột kèo ngổn ngang, đang ngon giấc ngủ tỉnh dậy bên đống bùn đất. Bom B52 rải từ ngoài sông Hồng qua bờ đê Văn Giang, kéo một vệt qua làng ngay đêm hôm đó. Bao nhiêu cửa nhà người quê, xóm làng tan nát. Người quê lại thu xếp cho đám sinh viên chuyển lên xã trên xa đê, mọi việc ngổn ngang cứ để đó, đã có người lo, an tâm đi mà học.

Không thể quên được ngôi nhà trọ lâu nhất của người nhà quê ở Văn Giang năm ấy. Nhà chỉ có một ông lão và năm người nữ cả vợ dâu con nhưng quần quật suốt ngày, từ làm lúa, làm đay, làm đót. Tối nào sau bữa cơm chiều vợ chồng cũng mang nước chè tươi ra ngồi ngoài sân gạch, nhìn đám sinh viên hoc bài là nhớ là nhắc mấy người con đi lính. Cái sân gạch phơi đầy lúa khi mùa về rồi lại mang lên hợp tác, lại chở đi xa, giao hết cho nhà nước. Ông lão chẳng tiếc gì, chẳng mong gì hơn mau tới ngày hòa bình cho mấy anh em được về nhà với lão. Nhà có một vườn cây Nhót leo kín giàn trước sân, sáng nào Chào mào cũng về ăn quả và hót, nhìn những trái Nhót màu hồng mọng nước, chưa kịp ăn chỉ mới nhắc tên đã muốn ứa nước miếng.

Nhớ chị Hậu làm dâu ở nhà hay cười hay chuyện. Vợ chồng cưới nhau chưa đầy tháng là anh đi lính tới giờ, bẵng mấy năm nay không nhận thơ, bỗng thấy lo lo một dạo, chỉ biết làm việc tối ngày cho quên đi.
Nhớ cô con gái út tên Hoa, chiều nào nghe tiếng hát từ ngoài ngõ là biết Hoa đi làm đồng về. Tối tối ngồi học bài Hoa thường kiếm cớ đi ngang, khi dúi cho củ khoai lang nướng trồng đất ngoài đê, khi lại mấy củ Rong riềng mới luộc còn nóng hổi.

Cứ loanh quanh với Văn Giang như thế, nên những cái tên Cửu Cao, Tân Tiến, Nghĩa Trụ... nhắc tới là nhớ tới một thời làng quê, nhớ tới người nhà quê và những tấm lòng...

Tháng Tư năm nay, bạn bè rủ nhau về gặp mặt sau bốn chục năm chia tay nhau, chia tay thày cô giáo và ngôi trường phổ thông Chu Văn An Hà Nội nâng niu những năm tháng học trò.
Tháng Tư Hà Nội nghe chuyện người ta tổ chức với nhau giành giật ruộng đất ở Văn Giang, nơi một thời được ở với người nhà quê ăn học. Tháng Tư ra Hà Nội chơi nghe thấy tiếng súng và nghe thấy tiếng khóc than của những người nông dân mất đất, xót lòng và bỗng nhớ về người nhà quê. Tháng Tư lại cộng thêm vào những điều phải suy nghĩ.

28 nhận xét:

  1. Đọc mà ngậm ngùi quá anh.

    Trả lờiXóa
  2. Vụ cưỡng chế đất này đang bị xem xét lại ròi anh ạ, hy vọng bà con sẽ không bị đối xử tệ .
    Anh đi nhanh thế? Không kịp ới nhau nhỉ :-(

    Trả lờiXóa
  3. Được về lại nơi tuổi thơ đi qua sau hơn 40 năm... còn gì bằng hả pác, biết bao nhiêu kỷ niệm xưa ùa về, ngập tràn cảm xúc pác hen.

    Trả lờiXóa
  4. Bộ Binh,bộ Hộ,bộ Hình.Ba bộ đồng tình ...chỉ chết dân quê!

    Trả lờiXóa
  5. Tháng Tư sao có nhiều sự kiện quá.
    Bên đó thì bùi ngùi. Bên ni thì ngậm ngùi.
    40 năm- thay đổi nhiều quá anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
  6. những ký ức của anh về người ở quê thiệt đẹp...

    Trả lờiXóa
  7. Có một điều em thấy là sau bao nhiêu năm, người ta (những người nông dân) vẫn giữ được hồn mình, tấm lòng mình, nét chân chất của mình 1 cách vẹn nguyên anh ạ!

    Nhưng điều đáng tiếc là cuộc sống của mọi người dường như vẫn khốn khó, có khi còn bị bần cùng hóa (vì nhiều nghĩa) nữa, và không gian sống bị thu hẹp đi nhiều!

    E thấy rất xót xa!

    Trả lờiXóa
  8. Vậy là ngày xưa bác sơ tán ở Văn Giang?
    việc ở Văn Giang những ngày rồi làm đổ vỡ nhiều điều lắm pác ơi.

    Trả lờiXóa
  9. Đọc những cái nhớ của Đỗ mà thấy tê lòng. Vào ĐHGT, chưa kịp tới Văn giang, trường đã về Cầu giấy, chỉ nghe khóa trên nói nhiều kỷ niệm về đất Văn giang.
    Cách nay dễ hơn tháng, cùng đám bạn lớp 10 về thăm phủ Khoái, Hưng yên, men theo lối đê qua đất Văn giang, biết chuyện dân Văn giang mấy năm ròng khiếu nại chuyện đất đai kêu trời chẳng thấu, qua Ecopark nhìn vào thấy lòng trĩu nặng biết rằng tới đây Văn giang sẽ là Tiên lãng "phẩy"...thời gian còn vẫn mong manh chút hy vọng. Rồi cái chuyện không mong đợi của người dân Văn giang đã đến. Cái tối 23, sau khi chia tay Đỗ, gần thức trắng đêm theo dõi Văn giang....xem mấy video clip tại Văn giang ngày 24/4 mà lòng đầy căm giận. Trong mọi cuộc chiến, người nông dân vẫn là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất kể cả cuộc chiến chống nội xâm hiện nay.
    Qua Văn giang chắc ai cũng nhớ mua ít chục bánh tẻ có tiếng nơi đây làm chút quà quê. Khi Ecopark xong, có chắc còn món quà quê giản dị đó không?

    Trả lờiXóa
  10. -DT,
    Cách hành xử của chính quyền như muốn đưa người dân về phía đối diện, thương thay.

    Trả lờiXóa
  11. -Titi,
    Mới xảy ra 2,3 ngày nay. Có nghe xem xét lại gì đâu nà? Hay là bạn Ti muốn nói vụ Tiên Lãng.
    Ra HN có ý định ới ời, mong được ngồi với blogger HN nhưng lại mắc bệnh "ngại ngùng", sợ các bạn mình bận bịu công việc khó ngồi với mấy bạn SG nhậu không.

    Trả lờiXóa
  12. -Kien Con,
    Và được ngồi lặng yên nhìn nếp sống HN, ăn phở và uống trà vỉa hè nữa.

    Trả lờiXóa
  13. -PT,
    Tui đoán chừng là Phạm Thanh phải không? Chào bạn ghé thăm. Có giờ đảo qua dóc chơi nhé.

    Trả lờiXóa
  14. -Trăng Quê,
    Trước có người nói tháng Tư một nửa vui một nửa buồn, bây giờ suy nghĩ ra thì chẳng mấy ai vui nổi nữa bạn Trăng ơi.

    Trả lờiXóa
  15. -Minh Xuân,
    Người quê ở đâu cũng thương, cũng khổ và nghĩa tình hết. tui nghĩ vậy.

    Trả lờiXóa
  16. -Bông,
    Đồng ý với bạn cuộc sống của họ luôn khốn khó và còn bị đè nén mọi tầng, như là họ ở dưới cùng rồi.
    Tôi có ghé đọc được một bài bên bạn nhân vụ này.

    Trả lờiXóa
  17. -Lana,
    Đổ vỡ nhiều phải không bạn, trong mỗi người và trong nhiều người.
    Lần sơ tán thứ hai 1972 tụi này về Văn Giang L ạ.

    Trả lờiXóa
  18. -VNQ,
    Bánh tẻ vùng đó, chỉ ở ngoài chợ thôi đã ngon có tiếng. Năm đó K13 về học ở Văn Giang, còn các K khác hình như ở Hà Bắc thì phải.
    Sáng thứ ba tôi và KV cũng ngồi nhà theo dõi từng giờ bên ABS, về lại SG buồn buồn, nặng nề.

    Trả lờiXóa
  19. "Người nhà quê sẵn sàng nhường nhà cho người lạ ở, nhường chiếc giường, chiếc chiếu mới sạch đẹp nhất cho nằm, chia trái bắp miếng khoai bữa đói lòng. Họ là những nông dân, là người nhà quê ấy. Như một lẽ đương nhiên, từ hồi nào giờ, họ sẵn sàng đón nhận hết người tứ xứ về nhà mình ở, từ người lính trẻ đến anh thợ cầu, từ cậu sinh viên đến chị phu lục lộ và nhất là tất cả những đứa trẻ thành phố sơ tán về miền quê những năm chiến tranh."
    Anh nói tôi mới nhớ. Đúng là những năm đó người nhà quê thật là hiếu khách.
    Có một lần cả đoàn làm cầu về quê tôi. Cả xóm chia nhau cho cả đội tá túc trong nhà cả ba tháng. Khi họ đi rồi, cả xóm tui còn nhắc.
    Anh bộ đội đi ngang qua xóm trở về đơn vị, trời mưa, phải vào nhà tui trú mưa. Rồi trời tối, đi không được, ông già khuyên anh ta ở lại. Chị xẻ thịt con gà làm cơm tối đãi khách...

    Oái ăm thay, họ chất phát và hiền lành nên bao giờ cũng bị gạt, bị đàn áp...

    Trả lờiXóa
  20. -Trăng Quê,
    Ngày xưa vậy đó, bây giờ liệu có còn?
    Xã hội thay đổi, lòng người đổi thay quá nhiều.
    Tham lam và lường gạt đã làm mất niềm tin của tất cả. Khổ nhất và luôn luôn vẫn là người nông dân.

    Trả lờiXóa
  21. bài viết rất hay, anh! Đúng là tháng Tư, tháng của những ngày buồn, và người dân nghèo lúc nào cũng phải chịu khổ.

    Trả lờiXóa
  22. -C.D,
    Nghĩ về người nông dân, khổ một phần, và còn luôn thiệt thòi và mất mát nữa T.

    Trả lờiXóa
  23. Không hiểu sao anh em trên mạng thì "sục sôi" thế mà ngoài đời(ở cả những vùng gần V G)cứ bình chân như vại ấy. Lạ ghê?
    Em đã hỏi bao người từ HN đến vùng quê yên ả, nhiều người chả biết gì?
    Bức xúc quá!

    Trả lờiXóa
  24. -Út 9,
    Tại người ta bưng bít hết, có báo chí, thông tin nào nói gì đâu bạn. Báo mạng một số còn bị ép buộc phải gỡ xuống. Vậy nên mọi người không hay đó bạn.

    Trả lờiXóa
  25. Ngoài lề chút: Em vừa đọc bài Yêu người ngóng núi của NG: NGỌC TƯ thấy yêu thành phố mình quá

    Trả lờiXóa
  26. -Út 9,
    Tôi nghĩ nếu người ta biết làm đúng và nâng niu thành phố này bao nhiêu năm qua thì sẽ khác nhiều nữa.

    Trả lờiXóa
  27. Anh ra Hà Nội chẳng gọi tôi
    Chốn cũ bạn xưa biết bận rồi
    Mất đâu dăm phút, a-lô cái
    Cho thỏa lòng, cho đỡ cút côi!

    Anh ra Hà Nội, lỡ quên tôi
    Đường sấu ngày xưa vẫn hàng đôi
    Có người qua đó mà chưa thấy
    Sấu đã trổ hoa trắng khắp trời

    Hà nội ngày tháng cũ, anh ơi
    Về mái trường xưa, tóc bạc rồi
    Mắt em mùa thu vương đến lạ
    Cho anh về...con đường sấu đôi...

    Anh có thấy Hồ Tây nay hẹp lại
    Đường Cổ Ngư xưa nay đã đôi làn
    Chiều bên hồ còn đâu lao xao sóng
    Mái tóc buông xưa, nay tiếng thở dài...

    Trả lờiXóa
  28. -LeNHan,
    Đọc bài thơ của anh em cảm thấy có lỗi. Mấy bữa ấy có nghĩ trong đầu nhưng lại muốn để Hè này sẽ có nhiều thời gian hơn. Anh LeNhan thông cảm nhé.
    Luôn luôn là lời còm với một bài thơ thật hay và tình cảm. Cám ơn anh nhiều.

    Trả lờiXóa