Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Đảo Cồn Cỏ.

Tàu về Cửa Việt - Cửa biển Thạch Hãn.
Đi từ phương Nam ra, qua khỏi thành phố Đông Hà bạn sẽ rẽ phải để chạy trên con đường 9 ven theo sông Thạch Hãn chảy ra cửa biển Cửa Việt. Còn nếu đi từ Hà Nội vô, cũng trên quốc lộ 1 khi sắp tới sông Bến Hải, ta rẽ trái theo tỉnh lộ 70 chạy tới Cửa Tùng để chậm rãi dọc theo đường ven bờ biển thanh vắng thật đáng yêu nối hai cửa biển của dòng Bến Hải và Thạch Hãn, hai con sông xanh ngắt, nặng nghĩa tình sắt son của bao người dân đất Quảng Trị. Đứng bên bờ cát trắng ven biển ấy, ta sẽ thấy nơi xa xa ngoài khơi một vệt xanh nổi lên trên nền trời nước, là Cồn Cỏ đó, một hòn đảo xinh tươi ngoài biển Đông của tỉnh Quảng Trị, nơi có những người lính đảo ngày đêm canh gác biển trời một vùng đất nước.
Cồn Cỏ cùng với đảo Lý Sơn phía dưới một chút của tỉnh Quảng Ngãi được coi là mốc đánh dấu đường cơ sở lãnh hải nước nhà theo quy định quốc tế ngoài biển Đông nên vị trí ấy thật là quan trọng.
Một chuyến tàu từ cảng Cửa Việt chừng ba giờ đồng hồ sẽ đưa chúng ta tới hòn đảo dễ thương ấy.

Tới thăm đảo Cồn Cỏ thích nhất là một bầu trời khoáng đãng, biển nước trong xanh, rừng cây tĩnh lặng và được trò chuyện với các anh lính đảo, những người lính giản dị, vui tươi và vô cùng mến khách. Những câu chuyện kể cứ miên man cho ta hiểu biết thêm cuộc sống nơi này và thêm yêu đảo yêu người. Ta sẽ đi dạo chơi trên những con đường nhỏ có hàng Trâm ổi rực sắc vàng cam quấn bước chân đi và chắc chắn sẽ ngồi cùng nhau bên bờ cát trắng ngắm mặt trùng dương xa tận chân trời, đất nước bao yêu quý.

Huyện đảo Cồn Cỏ thành lập đã được hơn tám năm. Đảo không xa bờ lắm, cách cảng Cửa Việt chừng mười tám hải lý. Cầu cảng nằm ở phía Tây đảo, ngọn hải đăng và đài tưởng niệm anh hùng ở hai vị trí đồi cao còn trung tâm huyện nằm ở phía Nam. Ta có thể chạy một vòng quanh đảo, hòn đảo tròn như một con ốc nhìn từ trên cao, một bên là rừng cây thấp và ngoài kia biển xanh sóng vỗ nhẹ rì rào. Bờ Đông của đảo là một bãi cát trắng chạy dài điểm những vỉa đá đen bóng thật đẹp bên bờ nước xanh ngắt.
Cuộc sống của người dân và lính đảo còn nhiều khó khăn từ việc đi lại của tàu thuyền vận chuyển những thiết yếu cho cuộc sống ở đảo những ngày sóng gió, việc thiếu nguồn nước ngọt trên đảo hay nguồn điện, khí hậu khắc nghiệt của mùa Đông giá lạnh hay mùa hè nắng đổ.

Dù cư dân chưa nhiều và chủ yếu ở đây là những người lính nhưng những năm gần đây Cồn Cỏ đã nhiều đổi thay nhờ sự quyết tâm xây dựng đảo và sự cần cù của cư dân đảo. Ngọn hải đăng nằm một mình trên ngọn đồi cao của đảo đã bao năm tháng miệt mài báo sáng cho đường đi của những con tàu ngoài biển khơi bây giờ đang có thêm bạn là những ngôi nhà mới, là ngôi trường học, trạm y tế, là trụ sở làm việc khang trang cho một huyện đảo mới. Một âu tàu và bờ cảng mới đang được gấp rút hoàn thành cho ghe tàu làm hàng hay ngư dân vào neo đậu khi trời dông bão.

Bông Trâm ổi rực rỡ trên lối đi và bất chợt đâu đó, ta có thể nhìn thấy những bụi nhỏ Trâm ổi ở một góc khác đứng một mình khoe sắc với nắng vàng, những cây Dừa cạn bông hồng bông trắng đong đưa hay vạt muống biển bông tím dịu hiền bò trên bờ cát. Chúng ở khắp nơi là do hạt theo gió mang đi, nhưng còn những cây bí đỏ, những cây đu đủ nặng trái, sao có nhiều thế ở trên đảo. Anh lính trẻ đi cùng cười hiền, cứ phát quang ở đâu là thấy chúng mọc lên, như là chúng cứ tự mọc tự lớn lên mà không cần người ta chăm sóc ấy.

Hồ chứa nước mới xây dựng chưa xong, bao năm qua ở đảo rất thiếu nước ngọt nhưng lính đảo biết trữ nước trong mùa mưa, để dành cho sinh hoạt và nuôi trồng trong cả năm. Những vườn rau xanh tự túc xanh ngát xum xuê rau trái là chuyện đương nhiên với những người lính dù ở bất cứ nơi đâu nhưng các anh còn làm được những vườn cây kiểng rất dễ thương nữa. Nghe các anh kể chuyện, lính đảo Cồn Cỏ thích uống nước chè xanh nên các anh đã phải bỏ đi một vườn kiểng để dành nước chăm những cây chè mang ra từ đất liền. Nắng gió và không hợp thổ nhưỡng, cây chè quặt quẹo mãi ba năm sau mới chịu xanh tốt và bây giờ trở thành cư dân của đảo.

Ở đảo còn có những cư dân dễ thương khác là cây bàng vuông, rồi các chú ốc nón, ốc thổ xinh xinh ở đây rất nhiều và đặc biệt là loài cua đá có vỏ nâu đốm bóng, dày và cứng như đá. Cứ mưa xuống là cua đá từ trong hang đá bò ra thật nhiều. Một thời chúng là một món ăn bổ dưỡng cho lính nhưng cũng lâu rồi con cua đá được mọi người ở đây giữ gìn, bảo tồn loài cua rất riêng tư cho hòn đảo của mình.

Ngày nắng đẹp, dõi tầm mắt về đất liền, nơi ấy xa xa là bờ cát trắng như một sợi chỉ, nắng ánh trên biển bạc điểm một vài con thuyền câu, cao hơn là hàng dương xanh và dải Trường Sơn chạy dọc theo đất nước. Hòn đảo xanh tươi được đón sớm mặt trời những ngày biển lặng và kiên cường trong mùa dông bão, ngày đêm trấn giữ bờ biển Đông của đất nước. Nơi đây sẽ trở nên một điểm đến du lịch luôn hứa hẹn cho ta thật nhiều khám phá.
Có đi đâu xa, nhớ là ta sẽ tới thăm Cồn Cỏ thân thương một ngày nắng đẹp, bạn nhé.







Cửa sông Bến hải.

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Mây.


Mây núi.






Mây nước.





Và mây với mặt trời.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Ảnh của bạn..

Bạn, những ngày trên biển.
Một vài tấm hình mùa Xuân 1988 của ông bạn giừ Giang còi - Gtl. Những chuyến tàu cùng anh em tàu Vàm Cỏ 24 chở đá ra quần đảo Trường Sa giữ đảo. Những ngày ngay sau trân chiến quân Trung Quốc cướp đảo Gạc Ma của Việt Nam, tháng Ba 1988.
Nhân dịp này nhắc lại và nịnh bạn mình phát.

Mời mọi người đọc lại "Bạn tôi".


Cùng anh em đội tàu Vàm Cỏ 24 ra đảo.
Đọ pháo Trung Quốc nào.

Gtl ( bìa trái, lại ở trần) những ngày đầu
cùng các bạn và lính đảo chìm Đá Nam
Ở cột mốc Song Tử Tây. (bìa phải, ở trần)

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Nấu canh trứng dễ thiệt.

Hai Thành đi chơi xa ra miền Bắc mấy ngày. Trước bữa đi kêu lại, nè, tui mới đi Long Xuyên về, có mấy hộp mắm chưng cá Linh, của hiếm, bảo đảm cậu thích. Không cần phụ tùng gì ráo, chỉ dưa leo- mắm- cơm nguội. Mang về thử coi.
Bữa trước ông bạn giừ Giang còi- Gtl alu, buổi trưa nay tới quán nhậu phát. Làm mấy ve rồi bạn gởi cho hũ "cà phấu" tự bạn mới mần xong, cà nén đàng hoàng, không hóa chất, trái non, hạt còn mềm, tuyệt hảo.

Hổng hiểu sao bạn bè tâm lý ác, để bữa nay ngồi nhà một mình, sắp tới bữa lại biếng ra ngoài, nhìn hũ cà muối và mấy hộp mắm chưng của bạn, cảm động ứa nước miếng.
Quyết định tự nấu cơm, bởi việc bếp núc, nấu ăn hồi nào giờ có người ta lo cho hết. Bao nhiêu năm rồi mới lại được nấu cơm nên sợ nhất cái nồi cơm điện vì nấu nướng mà không được nhìn thấy. Mấy người nữ họ quen cữ nước quen gạo, còn mình có khi nào ngó tới, không chừng nấu ra cháo để tới sáng mai. Cũng phải alu hỏi cảnh sát trưởng chế độ nấu cơm sao nấu cháo sao cho chắc, và may phước ông bà thương, nồi cơm nấu ra ngon lành vừa chín tới. Nghe lời bạn dặn để cơm cho nguội, chưng cách thủy lon mắm cá Linh và kiếm thêm dưa leo trái ớt. Nhìn món "cà phấu" của nhà Gtl là nhớ liền món canh trứng mà mấy nhà hàng xóm hay nhắc tới, vậy là bữa nay có cơm canh ngon lành ở nhà một mình.
Viết một tí cám ơn mấy ông bạn giừ, công nhận lâu thật lâu mới được ăn cà nén ngon như thế. Và nhắn ai đó có ngang Long Xuyên, nhớ kiếm về ít hộp mắm chưng cá Linh ở dưới làm quà, người Sài Gòn còn nức nở nữa nói chi các bạn ở xa. Còn một điều nữa, công nhận nấu canh trứng dễ thiệt.