Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Hết Tết.


Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Biển Côn Đảo.

 

Ngày Tết trốn nhậu, đi chơi thật xa, một nơi thanh vắng.


 

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Xuân đã về.


Lặng lẽ nhìn ngắm con trẻ mừng vui trong những ngày Tết đến Xuân về, những nụ cười hồn nhiên, những đôi mắt sáng trong thấy lòng dịu dàng lại.

 Xuân năm nay từ trước mấy ngày bỗng nhớ con gái lạ. Đã sáu cái Tết xa nhà, Hai không được đón giao thừa và gặp gỡ mừng tuổi đầu năm cùng cha mẹ và em. Sớm mai điện thoại về chúc Tết cha mẹ, hỏi giao thừa bên ấy sao, nghe con gái nói tính đi ngủ để ngày mai còn đi học, thương quá, tất cả cũng vì cái sự học.

Năm nào cũng vậy. Ngày đầu năm mới, cả nhà thường tập trung các gia đình anh chị em cùng các con cháu. Đám nhỏ mừng tuổi cho người lớn với những lời chúc ngộ nghĩnh để chúng sẽ nhận được những bao lì xì cùng một vài lời răn dạy và mong mỏi một năm của người lớn.

Năm tháng cứ đi qua, vẫn ngay phòng khách ngày đầu mỗi năm, các con cháu gặp gỡ cười vui, thiếu vắng Hai lâu lâu rồi, còn Nhí thì lớn lên dần. Năm Hai đi học xa, coi kìa, Nhí còn xíu xiu bé nhất nhà, bữa nay đã sắp thành thiếu nữ rồi, nhưng năm nào cũng muốn giành phần lì xì cho chị Hai nữa.

Coi những tấm hình, thấy thời gian sao bỏ mặc người ta, vội vã đi đâu mà nhanh quá.

Rồi các con sẽ vụt lớn, rồi một ngày gần lắm các con sẽ rời xa vòng tay cha mẹ, sẽ rời bỏ khung trời chật hẹp này, vỗ cánh bay đi tìm kiếm kiến thức cho mình và lựa chọn một cách vào đời cho riêng mình.
Mùa Xuân lại về, mong mỏi cho những đổi thay, về nhiều thứ lắm, cho các con các cháu chúng mình.

Chợt một thoáng thắt lòng. Sự xa cách không mong muốn của những con người yêu thương nhau là nhiều lắm, từ thuở nào tới giờ, ở thời nào cũng có, dù với bất cứ một lý do gì. Biết nói sao nhỉ, người Việt Nam mình phải là vậy hay sao ý.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Tất niên.

Tất niên nhóm nhỏ.
Một năm đi qua mau. Những ngày vội vã. Xen trong vội vã là những câu chuyện cuối năm ở đâu đó quanh ta, những chuyện không đâu và cũng không ngờ ở thời buổi này rớt trên đầu thảo dân, khiến cho ai dù vô tư nhất cũng phải ngồi suy nghĩ, tự hỏi tại sao như vậy và xen chút lo lắng cho cuộc sống này.
Kết năm tự nhiên muốn né những ồn ào, hình thức. Ỷ i việc nhà bà thị xã lo, tất niên nhóm nhỏ với người thân và những bạn bè xa lâu ngày  mới gặp.

Tất niên "Hội mỏng"
Những ngày cuối năm gặp lại mấy anh em bạn cũ ở xa về quê ăn Tết. Tưởng chừng mới đây mà đã mười mấy hai chục năm ở phương trời lạ. Chỉ là những thăm hỏi, ôn lại chuyện xưa và những câu chuyện cười.
"Hội mỏng" tái hiện một thời "một xị một sô" đúng rượu "Cây Lý" pha sô đa trái Tắc của chị Nguyệt "ù", vui thế. Nhớ món Gỏi cá nhà hàng không tên vớ "Hội Mỏng" khu bàn Cờ ngày xưa, lâu quá không được ăn lại, chị Nguyệt đi xa đã mang món gỏi cá ấy đi theo. Ai đó có qua New York, có giờ ghé nhà hàng Sài Gòn của chị Nguyệt nhớ kêu thử món Gỏi cá ở đó, ăn qua rồi mới khen được.

Tất niên gia đình, cà phê Anh Đỗ.
Ở nhà cũng có khách phương xa về chơi. Anh chị em quây quần, nhà cửa đông vui, thêm nhiều tiếng cười. Nhí nhỏ là người vui nhất vì được ké những chuyến đi chơi. Mọi người ai cũng khen trái cây Việt Nam ngon quá ngon. Nhất là Vú sữa,  Mãng cầu và Xoài cát Hòa lộc mùa này. Tiếc là mọi người vì công việc không ở chơi thêm được để nhấm nhi hương vị ngày Tết Nguyên đán.

Trưa Ba mươi, thắp nén nhang trên bàn thờ. Tết đã đến bên thềm. Cầu mong ông bà cho một mùa Xuân mới tới nhà nhà thảo dân. Cầu cho tháng ngày thanh thản và mọi sự thuận hòa.

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Ốc nướng tiêu.


Ngày Tết, nhà nhà sẽ làm nhiều món ăn ngon, tuy nhiên những món ăn ngày Tết thường có nhiều chất béo, lại dễ đụng hàng ở nhà bè bạn sẽ làm cho người ta mau ngán đồ ăn. Có một món ăn giản đơn không nằm trong thực đơn của những ngày Tết, chắc là sẽ được ưa thích lại dễ làm, và làm nhanh nữa. Là món Ốc nướng tiêu, một món ăn chơi ruột của đất Cần Thơ sông nước.

Hai kí lô ốc Lác hoặc ốc Bưu, lựa thứ sậm màu, bự con một chút, và phải đều con nữa cho đẹp đội hình. Tất nhiên khi làm món phải ngâm trước trong nước gạo hoặc rọng qua đêm để làm sạch hết nhớt trong con ốc.
Người ta mang luộc sơ để lấy ra mấy cái "mày" ốc (và để húp thử thứ nước luộc ấy coi người đời người ta nói "lạt như nước ốc" là sao(!). Nếu sợ ốc lạt, tốt nhất là nướng sơ bề mặt để lấy cái "mày" ra khỏi con ốc.
Nấu lên một hỗn hợp của nước lạnh, nước tương, hành tía, tỏi bằm nhuyễn, dầu mè, dầu hào, và bột gia vị. Thêm chút muối cho đậm đà tình quê, chút đường đúng kiểu miền Nam ưa ngọt và đương nhiên phải có tiêu xay. Tất cả được nấu lên để làm một thứ nước sốt dùng cho món Ốc nướng tiêu.
Nước sốt này vừa đủ ngọt, đủ mặn, đủ béo và một tí sắc màu rồi chế vô con ốc đã hả miệng. Nhớ thêm là đám ốc Bưu kia sẽ luôn phải đặt ngửa từ hồi chế món ăn tới khi mọi người ăn uống xong dọn dẹp. Bỏ thêm một hai hạt tiêu sọ hoặc tiêu xanh lên mặt cho hấp dẫn.
Xếp mớ ốc có nước gia vị đó trên vỉ rồi mang nướng trên than củi. Chú ý kẻo nước gia vị khô hết là hết ngon, nên nướng vừa lửa, châm thêm nước sốt cho ngấm, và khi nước trong con ốc xắt lại, tỏa hơi thơm là vừa ăn. Chuẩn bị thêm miếng gừng xắt và rau Răm ăn kèm, còn ai đó thích thêm vô mấy thứ rau thơm, thêm chút muối tiêu chanh nữa thì tùy khẩu vị.
Nhớ là khi thưởng thức ốc nướng tiêu phải húp theo miếng nước sốt đậm đà trong vỏ con ốc ấy mới đúng kiểu. Cắn thêm hạt tiêu xanh, miếng ốc giòn thơm, nước sốt dịu cay và hăng nồng hương tiêu, nhớ đời.

Ốc chín tới để hai phần cho các cô các chị và các cháu xì xụp, một phần mang ra đãi bạn nhậu, vừa bắt mồi, tốn rượu vừa bớt phần ngán ngẩm mấy thứ đồ ăn ngày Tết.
Một lần được thưởng thức món ốc lạ miệng, ngon lành, nên hỏi thăm, được người ta chỉ cho cách làm vậy, chớ người viết hổng biết làm.

Và ai đó có dịp đi ngang hay tới chơi thành phố miền quê Cần Thơ, kiếm giờ ghé cù lao Cái Khế, ngồi lặng yên bên bờ ngắm sông nước lững lờ, ngắm ghe thuyền ngang dọc rồi thưởng thức món Ốc nướng tiêu cùng con cá con tôm ở nơi này, là sẽ biết yêu đất Tây Đô, biết yêu câu hát Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời.

Bên cù lao Cái Khế.

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Câu chuyện cuối năm 2.

Những ngày đi biển bạn đã đọc "Chuyện người vé số". Một bữa ngồi dóc với nhau, trầm ngâm bạn nói, những người bán vé số cơ cực ở thành phố này nhiều lắm, rồi hỏi, có biết bà lão mù chung cư Tự Do không, có nhớ cô Hồng bồng con bán vé số đi bộ mỗi ngày từ Sài Gòn ra Chợ Lớn không?.. Nói nhớ chớ. Cô Hồng thì lâu rồi không gặp, còn bà lão mù đi ngang vẫn ghé, vẫn mua vé số ủng hộ. Lúc này bà cụ yếu rồi, bán sớm và nghỉ sớm lắm. Bạn cũng thường mua vé số của mấy người nghèo, hứa rồi sẽ viết cho bạn đọc chơi.
Sớm mai ghé mua xấp vé, bà lão cười, ráng bán tới 27 Tết. Và cầu cho cậu Hai bữa nay trúng số cuối năm đặng sắm đồ Tết cho mấy nhỏ nghen.


Tết tới nơi rồi.
Con đường ấy sầm uất và ngày đêm luôn tấp nập người xe, dập dìu du khách. Những khách sạn và cửa hiệu hàng hóa sang trọng bậc nhất thành phố luôn sáng trưng ánh đèn. Con đường chạy thẳng từ nhà thờ Đức Bà ra bến sông Bạch Đằng lộng gió. Những ngày này hai hàng cây điệp vàng rợp bóng, nắng sớm xiên cành lá, xuyên qua những dây đèn trang trí, những cánh Mai vàng giăng giăng đón Tết. Mùa Xuân đang về.
Dừng xe nơi ngã tư trên con đường ấy, chợt thấy một bà lão mù với xấp vé số trên tay, nao nao một sớm Sài Gòn.

Ngày xưa gia đình Sáu Kiểm sống dưới Bến Lức bên dòng sông Vàm Cỏ êm đềm trong xanh. Những năm sợ binh đao khói lửa, đầu thập niên sáu mươi, cha mẹ Sáu dẫn con cái chạy lên Sài Gòn. Ngày ấy châu thành Gia Định còn thưa vắng lắm. Loanh quanh bên vùng Thạnh Mỹ Tây dân dã, kiếm được miếng đất bỏ hoang bên bờ kinh Thị Nghè, gia đình dựng nên một nếp nhà rồi định cư nơi đó từ ấy đến mãi sau này.
Cô gái Sáu Kiểm thời trẻ trung siêng năng, làm qua hết việc này việc khác phụ giúp cuộc sống gia đình. Thời gian trôi nhanh, Sáu Kiểm có gia đình riêng trễ hơn người ta. Rồi cô lấy anh chồng lính, thủy quân lục chiến xênh xang, nhưng xa nhà miết, đường con cái cũng muộn màng.

Ngày sanh đứa con đầu lòng, đang còn nằm trong nhà thương Từ Dũ, bỗng nghe tin dữ chồng chết trận ở Long Khánh, Sáu Kiểm than trời rồi ngã gục. Cô nhìn đứa con bé nhỏ mỏng manh, khóc trên tay ngằn ngặt. Tội nghiệp con gái tôi, mới chào đời mấy ngày đã mồ côi cha.
Đau lòng, thương thân cô Sáu chỉ biết khóc. Người ta đi biển có đôi, còn cô thân gái đi biển mồ côi một mình, yếu ớt như con rắn mới lột da. Sáu khóc chồng từng đêm vơi dần nước mắt, cô đâu có ngờ cái thời hậu sản khó khăn ấy, người phụ nữ khi sanh nở là yếu ớt lắm. Đầu tiên cô thấy dặm mắt, rồi mỗi ngày đôi mắt mờ đi một chút, tới lúc ông trời lấy đi đôi mắt sáng của Sáu Kiểm hồi nào không hay.
Sáu Kiểm ở vậy nuôi con. Cuộc sống vất vả trăm bề, còn thời gian thì cứ trôi đi.

Một bữa rề rà hỏi thăm, bà lão kể chuyện cuộc đời với một giọng nhẹ nhàng, nụ cười hiền cũng nhẹ như không. Cô con gái lớn lên lấy chồng sanh cho bà lão hai thằng cháu. Chồng mất sớm, nó đi bước nữa, giao hai đứa trai cho bà. Cứ thế lớn lên, thằng lớn bây giờ đã có vợ ra ở riêng, hàng ngày đi làm thợ hồ, còn thằng nhỏ nay mười lăm. Thi thoảng mẹ nó về thăm, còn phải lo cho con cái chồng sau nữa chớ. Bà lão chép miệng, mà làm hoài chắc gì đủ ăn.

Ngôi nhà ở hồi nào tới giờ bên Thị Nghè, gần khu bờ kè ấy bây giờ đã không còn nữa. Ngày đó gia đình từ Bến Lức chạy lên trên này, dựng đại căn nhà để ở, mấy chục năm không nghĩ tới miếng giấy lận lưng. Cách nay vài năm, nhà nước giải tỏa khu nhà ven kinh, đền bù cho mấy triệu bạc, nhà cửa sao mua được đây, bà cháu dắt díu nhau về mạn Bình Chánh ở mướn.

Bà lão bây giờ sống cùng đứa cháu ngoại ở một căn nhà thuê cuối phía Tây thành phố. Mỗi sáng trở dậy dát bốn giờ, cơm nước xong xuôi cháu dắt bà ra xe bus đi Sài Gòn. Đường xa, phải đổi hai tài mới ra tới chợ Bến Thành. Ngược đời, khó đi cháu dắt bà đi, từ đó hai bà cháu lội bộ ra đường Đồng Khởi. Rồi tới lúc con đi trường học bà đi trường đời. Là bà đứng bán vé số nơi góc đường còn cháu đi thêm khúc nữa lên tới trường Tình thương bên hông nhà thờ Đức Bà vô lớp học.
Còn may mắn là bà lão không mất tiền xe bus hàng ngày vì ở phường khóm người ta thương, chứng cho bà cái dấu người tàng tật, còn thằng cháu mỗi ngày tốn đi tám ngàn xe bus trong ngân khoản chi tiêu chật chội của bà. Mỗi ngày nhận đại lí chừng sáu chục vé, bán  từ mờ sáng kiếm đủ sáu chục ngàn đồng cho sinh hoạt bà cháu trong một ngày là bà lão về. Dát tám giờ sáng, một người xe ôm tốt bụng chạy tới chở bà ra bến xe để trở về nhà.

Đã hơn hai chục năm như thế, bà lão đứng đó ở chung cư Tự Do bên lề đường Đồng Khởi rợp bóng cây, từ sáng sớm, một mình, yên lặng với xấp vé số trên tay. Đứng mỏi thì bà kê đôi dép ngồi nghỉ mệt bên lề đường. Khách hàng là những người quen đã nhiều năm nay, họ chạy xe Honda ngang tắp vô lề chọn một vài con số hay những khách bộ hành qua lại trên phố cám cảnh trước một bà lão mù. Mỗi ngày bà cầu mong cho mình có sức để đi bán vé số nuôi cháu, cầu mong trời đất thương, làm sao có được căn nhà lá nhỏ, mai mốt đi xa an lòng với thằng cháu ngoại.

Tết sắp tới rồi. Ta vẫn chợt thoáng thấy đây đó những người già cả hàng ngày trên đường phố. Mỗi người mỗi gia cảnh khác nhau nhưng họ nghèo lắm, tài sản chỉ là một đời nhẫn nại để tồn tại với cuộc sống và trách nhiệm với cháu con. Thời gian cứ trôi qua, xã hội có đổi thay nhiều, họ chẳng bao giờ khác hơn, có chăng là mái đầu đã bạc phơ nắng Sài Gòn cùng gió bụi thời gian.

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Câu chuyện cuối năm.

Tết tới nơi rồi.
Cả tháng nay lu bu, tới giờ này cô Út không có lấy một ngày rảnh rang để dọn dẹp nhà cửa hay sắm sửa đón Tết. Sáng nào cô tới sở làm cũng muộn giờ và chiều tối nào cũng vội vã chạy vô bệnh viện ngồi với má, ép má ăn một chút gì rồi nói chuyện tới khi má muốn đi ngủ mới trở về nhà. Từ bữa má ở dưới quê lên nằm nhà thương tới nay, cô gởi hai đứa nhỏ về nhà nội sau giờ học, tối cha chúng đón về nhà.
Cô Út không dám nghỉ việc một ngày bởi đã sắp hết năm, phép năm nay có bao nhiêu ngày cô đã xài hết mấy dịp má lên nằm viện. Nghỉ thêm một ngày bây giờ, lỡ người ta không thương, cắt mất mấy cái tiên tiến thi đua gì đó là chớt. Cuối năm Tết tới mà mất khoản tiền thưởng lương tháng mười ba là "dục tùng" cả năm luôn, lấy gì sắm sửa Tết cho hai đứa nhỏ.

Mới bước chân vô phòng, cô Út hốt hoảng:
- Trời đất, sao má dám xài mấy thứ này? Nói hoài, má không kiêng cữ, đau nặng thêm cho coi.
Bệnh viện buổi chiều giờ thăm bệnh. Hai bà lão ngồi với nhau bên giường bệnh nhân, kế bên một dĩa nho tươi, nhâm nhi nói cười chuyện quê tui con tui nghe chừng vui vẻ lắm. Trên bàn cá nhân đầu giường ngủ có thêm một dĩa nhãn, một bịch mấy trái lê.
- Trời đất, toàn thứ ngọt ngay dzầy nè, ở đâu ra vậy má, lê "tàu", thứ độc hại, quăng đi.
- Ba miếng trái cây lẻ tẻ, hổng có đau đớn để bay lo, nhằm nhò gì đâu mà con la hoảng lên như vậy chớ? Bà lão quê quê vì bị con gái rầy rà trước mặt người lạ, coi điệu bộ muốn tự ái rồi.
Chờ người bạn già len lén trở về giường ở phía cuối phòng, bà cụ xuống giọng:
- Con cái người ta mang lại thăm bịnh, bả nói ăn miếng lấy thảo với bả, có ăn một miếng bả mới chịu ăn, hổng lẽ từ chối hoài... Mà bịnh chi bịnh lạ, kiêng cữ riết cho cực, thèm ăn mắm ăn muối, thèm ăn chè, thèm trái cây muốn chớt...
Còn nhãn với lê kia là của bà nội mấy nhỏ mang tới hồi trưa đó. Bay ngon mang quăng đi.

Ba má sống ở quê, xứ Năm Căn Cà Mau, tuốt luốt phía dưới cùng cái đuôi của miền Tây sông nước. Má bịnh huyết áp lâu lâu rồi, mấy năm nay lại thêm chứng tiểu đường nữa. Chừng nào cảm thấy đau quá, mệt mỏi chịu hết nổi bà mới chịu nghe lời các con lên thành phố chun vô nằm nhà thương. Ở mấy nơi này bà thấy khó chịu, nực nội trong người không thể quen được, ít bữa lại đòi về quê. Đợt này là lần thứ ba trong năm bà phải bỏ việc nhà cửa vườn tược lên Sài Gòn trị bệnh.

Nhà cô Út dưới quê đông anh chị em, ai nấy đều có gia đình riêng và sống loanh quanh gần nhà cha má dưới Năm Căn. Ở trên Sài Gòn có ba gia đình, cô Út, anh Ba và chị Bảy. Anh Ba là lính, chị Bảy làm liên doanh, mình Út làm việc cho cơ quan nhà nước. Cô lên Sài Gòn làm nhân viên văn phòng đã khá lâu. Hồi nào giờ làm ở một cơ quan một và một công việc một là văn thơ đánh máy và in ấn tài liệu chuyên môn, hổng lên hổng xuống, tính ra mười mấy năm có.

Anh Ba đang làm xếp ở một đơn vị kinh tế thuộc quân khu Bảy. Hàng ngày luôn có một cậu lính trẻ ghé bệnh viện thăm má đều đều vào mỗi buổi chiều. Lính anh Ba rắn rỏi, đẹp trai, nhanh nhẹn và nói cười sảng khoái, một hai "má con" ngọt ngay làm má và mọi bệnh nhân trong phòng đều vui cười theo mỗi chiều anh tới. Khi hỏi thăm bữa nay ăn uống được không má, khi lại hỏi bữa nay còn đau nhiều ít, chỗ nào đâu con bóp vai cho khỏe nè. Có bữa vô không thấy nói gì, cười cười mở hộp sữa giành cho người già để trên bàn, pha một ly rồi nghiêm nét mặt, giọng cà rỡn: "Con lịnh cho má, uống hết ly sữa này coi, xong rồi nằm đó, coi ti vi chớ không tới lui đâu nữa. Má có tuân lịnh không tui về báo cáo thủ trưởng Ba cho biết". Má khoái, cười và nghe lời như con nít, uống hết ly sữa rồi lên giường nằm coi ti vi.
Tới một chút chiều thôi rồi về nhưng chiều nào thấy má cũng vui. Có bữa khi anh lính trẻ đi về lâu rồi, má còn ngồi hoài, cười cười một mình rồi nói cũng một mình, "phải chi hồi đó nghe lời ổng, sanh thêm con Út chót".

Chị Bảy cũng làm công việc văn phòng nhưng ở một công ty liên doanh với nước ngoài. Lần nào má lên trên này nằm viện, công ty cũng cho người tới thăm. Đợt này cuối năm bao nhiêu việc mà cũng ráng tới hai ba lần rồi. Có bữa cả một đoàn đông người. Má khoe mấy nhỏ xúm lại bóp chân tay, đã quá trời. Ra về còn gởi cho một bì thơ mấy trăm ngàn đồng. Mấy người trẻ tuổi sao mà giỏi giang, sạch sẽ và xinh xắn quá chừng. Tụi nó nói làm công đoàn bên cơ quan con Bảy đó.

Út thấy buồn buồn. Cơ quan anh Ba quân lệnh như sơn, quan tâm đã vậy. Chị Bảy làm việc với liên doanh ngoại quốc mà tình cảm dữ dội, cách mấy bữa lại cho người ghé thăm má. Còn cơ quan mình á, sao không ai ghé thăm má tui, một chút thôi cũng được, cho tui mát dạ vừa động viên cho má. Làm cơ quan nhà nước cơ mà, chủ quản tận ngoài thủ đô, phải hơn mấy người kia chớ. Làm sao vậy cà.

Út nghĩ, chắc là bà má già thèm lắm một lời thăm hỏi của cơ quan cô con gái cưng nhà mình. Lúc này mà có ai tới, giới thiệu cơ quan, công đoàn con Út tới là má mừng lắm, tự hào lắm. Là sẽ thấy nụ cười, là động viên thật nhiều cho bà má miền quê, là có chuyện để mà "tám", mà khen con gái cưng với mấy người bạn già cùng nằm bệnh viện.
Một tối, nhỏ Thắm bạn học lúc trước, bây giờ lấy chồng Sài Gòn, đi chung mấy người bạn tìm tới bệnh viện thăm má, không biết ai cho nó hay tin má nằm viện mà tới. Lũ nó về rồi Út nói má, mấy đứa làm chung con đó, đại diện cơ quan vô thăm má. Má ngạc nhiên, ủa má tưởng con Thắm là học với bay hồi dưới quê, vậy thôi chớ cũng làm việc chung sao?.. Dạ phải, nhỏ đó đó, ngày trước học chung nhưng mà bây giờ cũng làm chung nữa, nó làm "công đàng" ở cơ quan đó má. Út dối má mà hổng dám ngước nhìn lên. Bữa đó không nghe má nói thêm, chỉ ngồi yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ.
...
Chiều nay đi làm về, Út ghé quầy tạp hóa dọc đường rồi mới vô bệnh viện. Cô mua chục cam tươi, thêm hộp sữa bột, kí đường, và mấy chai nước suối. Mới lãnh sớm lương kì I, Út kiếm bì thơ bỏ vô năm trăm ngàn, đưa hết cho má, hớn hở:
- Bữa nay có quà của mấy anh chị ở cơ quan gởi cho má nè. Cuối năm nhiều việc quá đi, Hà Nội triệu tập các anh chị công ty ra ngoải họp. Lãnh đạo rồi thanh niên, "công đàng" cũng họp hết ráo, không ai tới được.
Má cầm bì thơ, nhìn gói quà, nhìn Út, ngờ ngợ:
- ... Ờ phải, chớ có quên cuối năm ngày Tết, ráng ra ngoải o bế người ta cho có việc hoài hoài đặng mần, đặng lấy tiền nuôi con ăn học. Má bữa nay thấy khỏe nhiều rồi.
- Các anh chị gởi chút quà lấy thảo và một ít tiền má mua trái cây, họ còn nói a... mong má mau hết bịnh còn kịp về quê ăn Tết chớ.
- Ờ ha, họ nhiều việc quá vẫn còn giờ nhớ má, mà sắp tới Tết rồi sao bay? Mau quá hà! - Má nhìn Út, cười méo xẹo - Chừng nào về gặp mấy anh chỉ nói má gởi lời cám ơn nghen.
Cô Út thoáng đọc trong mắt má câu hỏi, tại sao vây con? Cô biết tính mẹ, coi bà già trầu lệt xệt vậy chớ tinh tường lắm, nhỏ lớn mọi chuyện khó giấu được má điều gì... Út lén bước ra ngoài, cô ngại ngùng vì nói dối thiệt khó, lo má lại hỏi sâu thêm nữa biết nói sao.
Má ngồi ngay lại, quay hẳn người qua ô cửa sổ nhìn ra bên ngoài.

Chiều muộn, hàng ngày vào giờ này những người bệnh khỏe mạnh hơn một chút, nhúc nhắc được là đi lại ra vô ngoài vườn hóng mát. Bên ghế đá một cụ ông ung dung ngồi đọc sách, một cụ bà đang ngồi chơi với đám trẻ nít, chắc là đám cháu nội ngoại. Đứa con gái ngồi kế bên, đứa nhỏ leo lên lòng bi bô, mấy bé trai hiếu động chạy chơi lăng xăng trên sân cỏ bệnh viện.

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Bài bí dí ảnh.

Đội đá vá trời.



Đồng thanh tương ứng.

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Tên đẹp, dáng cũng đẹp luôn.


Xứ Tân Châu miền Tây đã từ lâu êm đềm một miền sông nước gạo trắng nước trong và cây trái trĩu nặng phù sa Mekong. Dòng sông mênh mông đủ loài tôm cá quanh năm ngày tháng. Nơi đây giáp ranh xứ Cao Mên, xưa nay là chốn giao thương, ghe xuồng lên xuống bán buôn sầm uất.

Nhớ những năm xưa chở hàng hóa đi về qua xứ Tân Châu Hồng Ngự miệt An Giang, thấy sông nước mênh mang, thấy ghe xuồng tấp nập và con gái miền quê e lệ xinh tươi, hiền hòa hiếm có. Từ xa nhìn tới, thấy thị xã giản dị, nhà cửa thấp tè nhưng những cây ăng ten san sát, cao vút trời thâu ti vi coi mấy kênh bên Cao Mên bên Thái chớ hổng coi ti vi bên nhà. Ngoài chợ tràn ngập hàng hóa ngoại. Tân Châu yên ả, lo mần ăn, đất và người hòa quyện văn hóa các dân tộc người Việt, người Kh'me, người Hoa nhiều đời chung sống trên đất này, với bán buôn và nghề trồng dâu nuôi tằm nức tiếng một thời lụa Tân Châu.


Em Hoa mơ hay là Ngũ sắc
Về dưới quê lại được nghe một câu vè khác: 

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu,
Anh thương em chẳng ngại sang giàu,
Thương vì cái nết trước sau chung tình...



Lâu lâu được xổ dò.
Còn biết nơi đây nổi tiếng với những thú chơi tao nhã bông kiểng, bon sai hay chim cá và gà.  Giống gà ở đây do các nghệ nhân tạo ra từ bao giờ không biết, mang thương hiệu gà tre Tân Châu nổi tiếng được nhiều người ưa thích. Gà Tân Châu đá không hay nhưng đẹp, rất kiểng.



Tóc ánh kim...
Gà Tân Châu chỉ chừng vài trăm gram, nhỏ nhắn dễ thương, hiền lành và rất thân thiện với người ta. Chúng thích loanh quanh chơi với người, nhưng cũng hiếu chiến với những bạn gà lạ. Thân hình thon dài và đặc biệt gà Tân Châu sở hữu bộ lông mượt mà, toàn thân mềm mại như lụa, lông cổ dày rực màu và bộ lông đuôi dài cong như đuôi Phụng.

Thích mấy em này, tên đẹp, dáng cũng đẹp luôn nên thích nuôi và rất cưng chiều các em.
Đầu năm phải sửa soạn, làm điệu, chụp hình đặng năm mới cho các em gà tre Tân Châu đẻ nhiều, siêng ấp và nuôi con khỏe dạy con ngoan.
Bước nhảy lấy le.

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Những vòi nước mát.

Đầu năm rảnh rang ngồi nhà coi hình ảnh, khai trương Năm mới bằng mấy tấm hình du lịch cho chân tay nó hên. Cầu năm mới sẽ có được những chuyến đi chơi xa xa lý thú.

Cha con nhà kia khoái vọc nước. Có dịp ở không lang thang trên đường phố vắng xứ người ta, rủ nhau đi kiếm những vòi nước công cộng để chụp hình và vọc nước chơi.
Có rất nhiều vòi nước cũ kĩ, rêu phong nhưng đẹp lắm, không biết đã đứng đó từ đời nào. Nước mát lạnh làm cho không khí đường phố cũng dịu mát, bớt phần khô nóng của mùa Hè. Nhiều vòi nước không có khóa, rả rích chảy suốt ngày đêm, và an tâm dòng nước mát ấy là nước sạch, nước uống được. Có nhiều du khách tới uống ngon lành và lấy nước vô chai mang theo.

Những chú chó kiểng, những bầy bồ câu chơi đùa với du khách đã rồi thường hay loanh quanh nơi vòi nước mát. Thật là tiện ích cho khách dong chơi và người đi đường  Nhìn những vòi nước mát ấy, ta còn thấy nó là những đồ vật trang trí hết sức dễ thương đặt ở nơi công viên, nơi quảng trường hay trên hè phố.

Những vòi nước mát công cộng ấy thực sự để làm cho đường phố ra dáng đường phố.