Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Câu chuyện cuối năm.

Tết tới nơi rồi.
Cả tháng nay lu bu, tới giờ này cô Út không có lấy một ngày rảnh rang để dọn dẹp nhà cửa hay sắm sửa đón Tết. Sáng nào cô tới sở làm cũng muộn giờ và chiều tối nào cũng vội vã chạy vô bệnh viện ngồi với má, ép má ăn một chút gì rồi nói chuyện tới khi má muốn đi ngủ mới trở về nhà. Từ bữa má ở dưới quê lên nằm nhà thương tới nay, cô gởi hai đứa nhỏ về nhà nội sau giờ học, tối cha chúng đón về nhà.
Cô Út không dám nghỉ việc một ngày bởi đã sắp hết năm, phép năm nay có bao nhiêu ngày cô đã xài hết mấy dịp má lên nằm viện. Nghỉ thêm một ngày bây giờ, lỡ người ta không thương, cắt mất mấy cái tiên tiến thi đua gì đó là chớt. Cuối năm Tết tới mà mất khoản tiền thưởng lương tháng mười ba là "dục tùng" cả năm luôn, lấy gì sắm sửa Tết cho hai đứa nhỏ.

Mới bước chân vô phòng, cô Út hốt hoảng:
- Trời đất, sao má dám xài mấy thứ này? Nói hoài, má không kiêng cữ, đau nặng thêm cho coi.
Bệnh viện buổi chiều giờ thăm bệnh. Hai bà lão ngồi với nhau bên giường bệnh nhân, kế bên một dĩa nho tươi, nhâm nhi nói cười chuyện quê tui con tui nghe chừng vui vẻ lắm. Trên bàn cá nhân đầu giường ngủ có thêm một dĩa nhãn, một bịch mấy trái lê.
- Trời đất, toàn thứ ngọt ngay dzầy nè, ở đâu ra vậy má, lê "tàu", thứ độc hại, quăng đi.
- Ba miếng trái cây lẻ tẻ, hổng có đau đớn để bay lo, nhằm nhò gì đâu mà con la hoảng lên như vậy chớ? Bà lão quê quê vì bị con gái rầy rà trước mặt người lạ, coi điệu bộ muốn tự ái rồi.
Chờ người bạn già len lén trở về giường ở phía cuối phòng, bà cụ xuống giọng:
- Con cái người ta mang lại thăm bịnh, bả nói ăn miếng lấy thảo với bả, có ăn một miếng bả mới chịu ăn, hổng lẽ từ chối hoài... Mà bịnh chi bịnh lạ, kiêng cữ riết cho cực, thèm ăn mắm ăn muối, thèm ăn chè, thèm trái cây muốn chớt...
Còn nhãn với lê kia là của bà nội mấy nhỏ mang tới hồi trưa đó. Bay ngon mang quăng đi.

Ba má sống ở quê, xứ Năm Căn Cà Mau, tuốt luốt phía dưới cùng cái đuôi của miền Tây sông nước. Má bịnh huyết áp lâu lâu rồi, mấy năm nay lại thêm chứng tiểu đường nữa. Chừng nào cảm thấy đau quá, mệt mỏi chịu hết nổi bà mới chịu nghe lời các con lên thành phố chun vô nằm nhà thương. Ở mấy nơi này bà thấy khó chịu, nực nội trong người không thể quen được, ít bữa lại đòi về quê. Đợt này là lần thứ ba trong năm bà phải bỏ việc nhà cửa vườn tược lên Sài Gòn trị bệnh.

Nhà cô Út dưới quê đông anh chị em, ai nấy đều có gia đình riêng và sống loanh quanh gần nhà cha má dưới Năm Căn. Ở trên Sài Gòn có ba gia đình, cô Út, anh Ba và chị Bảy. Anh Ba là lính, chị Bảy làm liên doanh, mình Út làm việc cho cơ quan nhà nước. Cô lên Sài Gòn làm nhân viên văn phòng đã khá lâu. Hồi nào giờ làm ở một cơ quan một và một công việc một là văn thơ đánh máy và in ấn tài liệu chuyên môn, hổng lên hổng xuống, tính ra mười mấy năm có.

Anh Ba đang làm xếp ở một đơn vị kinh tế thuộc quân khu Bảy. Hàng ngày luôn có một cậu lính trẻ ghé bệnh viện thăm má đều đều vào mỗi buổi chiều. Lính anh Ba rắn rỏi, đẹp trai, nhanh nhẹn và nói cười sảng khoái, một hai "má con" ngọt ngay làm má và mọi bệnh nhân trong phòng đều vui cười theo mỗi chiều anh tới. Khi hỏi thăm bữa nay ăn uống được không má, khi lại hỏi bữa nay còn đau nhiều ít, chỗ nào đâu con bóp vai cho khỏe nè. Có bữa vô không thấy nói gì, cười cười mở hộp sữa giành cho người già để trên bàn, pha một ly rồi nghiêm nét mặt, giọng cà rỡn: "Con lịnh cho má, uống hết ly sữa này coi, xong rồi nằm đó, coi ti vi chớ không tới lui đâu nữa. Má có tuân lịnh không tui về báo cáo thủ trưởng Ba cho biết". Má khoái, cười và nghe lời như con nít, uống hết ly sữa rồi lên giường nằm coi ti vi.
Tới một chút chiều thôi rồi về nhưng chiều nào thấy má cũng vui. Có bữa khi anh lính trẻ đi về lâu rồi, má còn ngồi hoài, cười cười một mình rồi nói cũng một mình, "phải chi hồi đó nghe lời ổng, sanh thêm con Út chót".

Chị Bảy cũng làm công việc văn phòng nhưng ở một công ty liên doanh với nước ngoài. Lần nào má lên trên này nằm viện, công ty cũng cho người tới thăm. Đợt này cuối năm bao nhiêu việc mà cũng ráng tới hai ba lần rồi. Có bữa cả một đoàn đông người. Má khoe mấy nhỏ xúm lại bóp chân tay, đã quá trời. Ra về còn gởi cho một bì thơ mấy trăm ngàn đồng. Mấy người trẻ tuổi sao mà giỏi giang, sạch sẽ và xinh xắn quá chừng. Tụi nó nói làm công đoàn bên cơ quan con Bảy đó.

Út thấy buồn buồn. Cơ quan anh Ba quân lệnh như sơn, quan tâm đã vậy. Chị Bảy làm việc với liên doanh ngoại quốc mà tình cảm dữ dội, cách mấy bữa lại cho người ghé thăm má. Còn cơ quan mình á, sao không ai ghé thăm má tui, một chút thôi cũng được, cho tui mát dạ vừa động viên cho má. Làm cơ quan nhà nước cơ mà, chủ quản tận ngoài thủ đô, phải hơn mấy người kia chớ. Làm sao vậy cà.

Út nghĩ, chắc là bà má già thèm lắm một lời thăm hỏi của cơ quan cô con gái cưng nhà mình. Lúc này mà có ai tới, giới thiệu cơ quan, công đoàn con Út tới là má mừng lắm, tự hào lắm. Là sẽ thấy nụ cười, là động viên thật nhiều cho bà má miền quê, là có chuyện để mà "tám", mà khen con gái cưng với mấy người bạn già cùng nằm bệnh viện.
Một tối, nhỏ Thắm bạn học lúc trước, bây giờ lấy chồng Sài Gòn, đi chung mấy người bạn tìm tới bệnh viện thăm má, không biết ai cho nó hay tin má nằm viện mà tới. Lũ nó về rồi Út nói má, mấy đứa làm chung con đó, đại diện cơ quan vô thăm má. Má ngạc nhiên, ủa má tưởng con Thắm là học với bay hồi dưới quê, vậy thôi chớ cũng làm việc chung sao?.. Dạ phải, nhỏ đó đó, ngày trước học chung nhưng mà bây giờ cũng làm chung nữa, nó làm "công đàng" ở cơ quan đó má. Út dối má mà hổng dám ngước nhìn lên. Bữa đó không nghe má nói thêm, chỉ ngồi yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ.
...
Chiều nay đi làm về, Út ghé quầy tạp hóa dọc đường rồi mới vô bệnh viện. Cô mua chục cam tươi, thêm hộp sữa bột, kí đường, và mấy chai nước suối. Mới lãnh sớm lương kì I, Út kiếm bì thơ bỏ vô năm trăm ngàn, đưa hết cho má, hớn hở:
- Bữa nay có quà của mấy anh chị ở cơ quan gởi cho má nè. Cuối năm nhiều việc quá đi, Hà Nội triệu tập các anh chị công ty ra ngoải họp. Lãnh đạo rồi thanh niên, "công đàng" cũng họp hết ráo, không ai tới được.
Má cầm bì thơ, nhìn gói quà, nhìn Út, ngờ ngợ:
- ... Ờ phải, chớ có quên cuối năm ngày Tết, ráng ra ngoải o bế người ta cho có việc hoài hoài đặng mần, đặng lấy tiền nuôi con ăn học. Má bữa nay thấy khỏe nhiều rồi.
- Các anh chị gởi chút quà lấy thảo và một ít tiền má mua trái cây, họ còn nói a... mong má mau hết bịnh còn kịp về quê ăn Tết chớ.
- Ờ ha, họ nhiều việc quá vẫn còn giờ nhớ má, mà sắp tới Tết rồi sao bay? Mau quá hà! - Má nhìn Út, cười méo xẹo - Chừng nào về gặp mấy anh chỉ nói má gởi lời cám ơn nghen.
Cô Út thoáng đọc trong mắt má câu hỏi, tại sao vây con? Cô biết tính mẹ, coi bà già trầu lệt xệt vậy chớ tinh tường lắm, nhỏ lớn mọi chuyện khó giấu được má điều gì... Út lén bước ra ngoài, cô ngại ngùng vì nói dối thiệt khó, lo má lại hỏi sâu thêm nữa biết nói sao.
Má ngồi ngay lại, quay hẳn người qua ô cửa sổ nhìn ra bên ngoài.

Chiều muộn, hàng ngày vào giờ này những người bệnh khỏe mạnh hơn một chút, nhúc nhắc được là đi lại ra vô ngoài vườn hóng mát. Bên ghế đá một cụ ông ung dung ngồi đọc sách, một cụ bà đang ngồi chơi với đám trẻ nít, chắc là đám cháu nội ngoại. Đứa con gái ngồi kế bên, đứa nhỏ leo lên lòng bi bô, mấy bé trai hiếu động chạy chơi lăng xăng trên sân cỏ bệnh viện.

16 nhận xét:

  1. Anh người Bắc mà viết văn phong miền Tây ngày càng sống động. Vẫn ghé đọc anh đều đặn. Năm mới chúc anh vui.

    Trả lờiXóa
  2. -DT,
    Tại mình thích dân miền Tây giản dị chân chất DT ạ.
    Cám ơn DT vẫn thường xuyên dạo quanh nhà và góp ý.

    Trả lờiXóa
  3. Cô Út làm sao để má vui và mau hết bệnh, bất chấp thiệt hay giả... :)
    Người bịnh ai cũng muốn nhận sự quan tâm, đó là cách động viên tinh thần lớn nhất. Vui thì mau hết bịnh thôi hen.

    Trả lờiXóa
  4. Anh viet van dam chat Nam bo . Doc la thay hien len hinh anh ba cu nguoi Nam chan chat , gian di.
    Co nhung loi noi doi chang hai ai thi cung nen noi. Neu lam cho ba cu vui thi noi doi cung nen.

    Trả lờiXóa
  5. anh viết văn kể chuyện giọng nhẹ nhàng hiền lành cứ như ông già người nam vậy :))

    Trả lờiXóa
  6. -Kien Con,
    Nhưng mà hình như bà già lờ mờ biết đó Kiến ơi.

    Trả lờiXóa
  7. -Trăng,
    Mấy bà già trầu miền Nam nói năng giản đơn, dễ gần hết sức. Và ngôn ngữ miền Tây cũng hay chớ bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
  8. -Xuân,
    Ôi trời! Giống "ông già" miền Nam sao? Hu hu... Bạn chưa có già đâu.

    Trả lờiXóa
  9. hihi, vậy thì cho em xin lại 2 chữ "ông già"

    Trả lờiXóa
  10. -Xuân,
    Chưa có già nhưng tóc lại bạc rồi nên không cần xin lại chữ ấy đâu.
    Vui vui bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  11. Út đừng có buồn. Thời buổi này, tết nhất người ta phải o bế ở "ngoải", lo cho cấp trên, hiếm rồi những người lo cho nhân viên dưới quyền như ông ngoại quốc nọ. Út đánh máy, "hổng lên hổng xuống" nên biết tự lo cho má vui, đánh máy cẩn thận có khi lỗi phải ai không biết, còn bị đổ thừa "tại nhỏ đánh máy" thì lại buồn.

    Trả lờiXóa
  12. Công đoàn quan tâm tới người lao động hay không là do lãnh đạo cơ quan đó chu đáo với NV ?Cơ quan cô Út chỉ chu đáo với cấp trên ngoài HN không quan tâm tới NV của mình thì phải coi lại năng lực mấy ông lãnh đạo cơ quan,chỉ lo giữ ghế?

    Trả lờiXóa
  13. Út đã đọc bài rồi,vui quá và cũng mắc cỡ nữa. Hôm nay má đã ra viện và về quê chuẩn bị đón Tết rồi. Xin cảm ơn các anh chị đã cảm nhận được tâm trạng thực của Út.

    Trả lờiXóa
  14. -Bạn ND,
    Đúng là nhỏ này cũng hay bị "lỗi tại nhỏ đánh máy". he he...

    Trả lờiXóa
  15. -Dathb,
    Bạn từng làm với liên doanh, bạn từng chăm lo những đồng nghiệp dưới quyền của mình nên bạn hiểu phải không.
    Nhưng bây giờ và nhiều nơi là vậy, nên Út tủi thân về sự thờ ơ.
    Bạn cũng biết cô Út này luôn đó.

    Trả lờiXóa
  16. Út Mười,
    Má ra viện về quê rồi phải không?
    Chúc cả nhà ăn Tết vui vẻ nha.

    Trả lờiXóa