Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Chúc mừng năm mới.

Xin gởi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới những người bạn yêu quý.
Và cầu chúc An Lành, Hạnh Phúc, Thịnh Vượng
đến cho mọi người, mọi nhà.

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Bê thui xứ Quảng.

Mùa Hè rồi cho mấy nhỏ tham gia dong chơi nửa phần xuyên Việt từ Đà Nẵng đi miền Trung và Tây Nguyên. Là chuyến đi dọc đất nước đầu tiên nên mấy nhỏ háo hức và được chiều chuộng hết mực.
Biết là ở xứ Quảng có nhiều món ăn ngon, ít nhất  nhiều người thừa nhận và rất thích có mỳ Quảng, tôm mũ ni miền biển và món bê thui.
Bữa đó đi thăm khu tháp Chàm cổ Mỹ Sơn, chú Việt nói đám nhỏ bữa trưa sẽ được ăn bê thui Cầu Mống, một  món ăn rất ngon và rất đặc sản của đất Quảng Nam.

Xui xẻo thay cho cuộc chơi, mới rời quốc lộ quẹo đường vô tháp gặp ngay mấy chú phú lít công lộ toét cho một toét. Rất nhiều xe bị "dzịn" lại với lỗi quá tốc độ. Khu vực này nổi tiếng ngoài miền Trung bị phú lít "dzịn" bởi cái biển báo hạn chế tốc độ bốn chục cây số giờ người ta lừa nhau đặt ngay khúc ngã ba cua quẹo, khách lạ lo kiếm đường đi rất khó nhìn thấy. Nhiều người cẩn thận nghĩ là đang khu thị tứ cứ tà tà dưới năm chục là dính.
Mất rất nhiều thời gian, nộp phạt tại chỗ họ không cho và bắt phải vô kho bạc huyện nộp, thương thay khách du lịch và lo nhất là loanh quanh với cái chuyện nộp phạt này không chừng mất cả ngày, làm sao còn bê thui Cầu Mống quê miềng được đây.
Quá trưa ghé huyện, gởi xiền nhờ người ta nộp phạt giùm để lấy giấy xe, khóc thầm lặng lẽ, bụng đói, mất toi gói kinh phí bê thui và thùng bia của các bọ cho người ta mà đã thấy Cầu Mống đâu đâu. Nhìn cái mặt rầu rầu của tài Việt thấy thương hết sức, nhưng quyết là phải cho mấy nhỏ thưởng thức món bê thui đất này.

Rồi Cầu Mống, Điện Phương, Điện Bàn đây rồi, sẽ gặp một dãy các quán bê nằm bên quốc lộ 1A ở khu vực này. Xế bóng ghé quán chị Mười, ráng nụ cười tươi dù trưa tới giờ có phải ăn mầm đá.

Hũ hành tía ngâm đặt trên bàn nhìn thật hấp dẫn, kế bên hai dĩa rau ghém thật sạch mắt gồm xà lách xắt nhỏ, ngò thơm húng quế lẫn giá sống và điểm một ít cải tỉa thơm nồng. Tất nhiên đồ chơi cho bánh tráng cuốn phải đủ chuối chát và khế xắt. Tỏi nữa, nghe nói có tỏi Lý Sơn thì nhất. Lại là ớt xứ Quảng, ớt xanh lớn trái, giòn và cay dã man. Chờ người ta mang thịt bê lên, sốt ruột, đói bụng, cuộn ít rau sống chấm mắm. Lạ, rau ở đây cũng thơm ngon hơn nơi khác là sao. Đặc biệt là mắm cá Cơm để chấm. Nghe đâu làm từ cá Hội An mang vô.
Thực ra mắm xứ Trung miền biển từ mắm Ruốc mắm Sò mắm Rò, mắm con tôm con cá Cơm cá Nục đều ngon, mắm ngon từ Huế trở vô Đà nẵng đến xứ Quảng, phải cái hơi mặn chút thôi.

Bê thui khéo tay, chín vừa tới. Nhìn miếng thịt bê còn hồng, nhưng ăn vừa miệng, ngọt ngay. Món bê không cần thính bóp như các tiệm bê thui ở Sài Gòn thường làm. Trải ra miếng bánh tráng, thịt bê được thái rất đều, vừa cuốn, thêm vào rau sống và phụ tùng cho đủ, cuốn lại chấm với mắm cá, cắn thêm miếng ớt xanh, hít hà... Các bà thị xã ở nhà có khéo tay mấy cũng không cách chi mần bê, pha mắm cá ngon bằng tay chị Mười Cầu Mống...

Bạn mình Dathb bỏ nhỏ, bê thui Cầu Mống nổi tiếng rồi nhưng Cầu Mống còn có thêm món sáo bò gồm thịt bê tái, gân bò hầm nhừ cũng được nhiều người ưa thích!
Bẻ vụn bánh tráng, thứ bánh tráng nướng Phú Chiêm giòn rụm thả vô tô cháo bò, thêm một chút rau sống là ta có thể nhâm nhi thưởng thức. Hoặc ngồi đó rảnh rang, kêu tô xí quách bò, AD và bạn có thể lai rai... Tóm lại với món ăn miền Trung là, cần phải khám phá.

Ai đó đường xa qua xứ Quảng, căn giờ đi ngang Điện Phương dát bữa cơm rồi ghé ăn. Lựa quán có nhiều xe đậu trước bởi cánh lái xe qua lại thường, rành rẽ món và tiệm ăn ngon. Không thôi quán nào cũng được, cũng rau ớt ở đây, cũng con bê xứ này, có hơn nhau là cách bày biện cho đẹp mắt.

Người ta nói mắm cá biển Quảng Nam ngon nhất, bánh tráng thì được làm từ thứ gạo quê thơm thảo từ một làng cùng xã Điện Phương, làng Phú Chiêm nổi tiếng với nghề bánh tráng gạo, còn thịt bê vùng này ngon ngọt nhờ ăn cỏ đồng đất quê mình, rồi trái ớt cay xé lưỡi, rau dưa đất này cũng thơm ngon hơn, trả công cho người nông dân vất vả, nên mới có món bê thui Cầu Mống nức tiếng lâu nay.

Đất Quảng-2012.

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Ai Bánh ướt Heo quay nè.


Đường đi xuyên Việt từ phương Nam ra miền Trung, cách thành phố Huế chừng 25km, đâu đó như gần khu vực "đầm Cầu hai" có một quán ăn nhỏ mang tên Bà Sửu bên đường quốc lộ 1. Bà Sửu nhưng mà lại mần Hợi, Hợi quay, quậy một hơi, món ăn ngon thiệt ngon. Đó là món Heo quay Bánh ướt.


Thiệt tình lúc này ở đâu cũng giống nhau, những người trọng trọng tuổi và các bạn nữ, ai cũng ngán ăn mỡ, ngại ảnh hưởng về sức khỏe theo ngành y thường nói và khuyên người ta, và cả những người sợ mập.
Nhưng cũng thiệt tình luôn, ở quán Bà Sửu, heo quay ăn với bánh ướt, không xài bánh hỏi như miền Nam, thêm một dĩa dưa ghém muối chua giá hẹ cà rốt, hai chén nước mắm ớt ngọt mặn tùy pha theo ý thích cộng thêm dĩa rau sống rửa kỹ, rất sạch sẽ gồm ngò thơm xà lách bắp chuối xắt nhỏ, một dĩa ớt xanh nguyên trái xứ Quảng. Lượm vô chén một miếng heo quay, một miếng bánh ướt, thêm rau giá gia vị và chan miếng nước mắm pha sẵn, cắn thêm miếng ớt trái, và... Thôi rồi!

Nhớ là phải kêu thêm một chén nhỏ hành phi thêm vào dĩa bánh ướt. Ta tạm quên mỡ lưng mỡ bụng này nọ như người ta thường nói, không sợ mập, ta sẽ ăn thử một phần heo quay bánh ướt, cứ nghĩ là có một ít mỡ động vật mà trong dầu ăn không có để tái tạo thành mạch máu, bữa ăn sẽ thật ngon lành.
Tới quán Bà Sửu thấy dát trưa dát chiều khách đông dữ lắm.

Ai đó có dịp đi ngang nơi đó, ghé ăn thử, cho biết và chắc là sẽ nhớ cho mà coi.
Một dải miền Trung nhìn từ ngoài biển.

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Đà Nẵng.

Khá nhiều cây xanh và đường phố ở mọi nơi đều sạch sẽ. Ta có thể đi từ những con phố nhỏ trong nội ô hay từ những con đường ven đô chạy một vòng các đường phố chính rồi dọc theo sông Hàn, cùng nhau dạo chơi trên con đường bờ biển Hoàng Sa Trường Sa, đón gió biển Đông thổi về mát rượi và cảm nhận một ít về Đà Nẵng.
Ở nơi đây bây giờ thật đẹp, gọn gàng và sạch sẽ. Bờ biển Mỹ Khê trải dài phóng khoáng, nắng sáng trên biển bạc, bầu trời xanh trong và mây trắng buông nhẹ trên đỉnh Sơn Trà.

Chiều tan sở mọi người thanh thản, đường xá không chộn rộn, bớt khói bụi và sẽ thật khó để thấy được những bao rác hay những bãi xà bần ở đâu đó ven đường như những thành phố lớn khác. Đâu đó trên đường, ta dễ dàng bắt gặp những chị lao công miệt mài quét lá, mặt đường lề phố sạch bong và có lẽ ý thức giữ gìn của mọi người dân ở thành phố này là phần lớn nhất đã làm cho thành phố sạch đẹp. Chắc chắn ai đó sẽ cảm giác ngại ngùng và mắc cỡ khi suýt quăng ra đường dù chỉ mảnh giấy nhỏ hay một tàn thuốc lá.


Có một góc ở bãi tắm Tiên sa thật đẹp và thật thơ. Một góc nhìn luôn làm cho lòng ta dịu mát. Biển trời và dãy núi xa hòa một màu xanh thật dịu trong nắng. Lâu lâu một con tàu buôn đầy hàng từ cảng xé nước ra khơi. Những chiếc thuyền câu, ghe cào nhỏ bé mong manh, tí teo ở phía dưới. Phía bên kia bờ vịnh, sóng nhỏ vỗ trắng bờ dưới chân núi, còn ở trên cao mây vẫn giăng nhiều và thay đổi từng giờ trên đỉnh Hải Vân.


Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Thương hoài miền Trung.

Dải đất hẹp miền Trung, biển và cát ngoài này và xa xa kia là màu xanh núi non. Nắng và gió, vẫn đẹp theo mùa và cũng cực theo mùa. Ai đó đã qua chơi, đã cảm rồi là nhớ, là có dịp lại đi.
Người ta nói cấp này miền Trung mưa nhiều, và cuối năm thường bão tố bất tử, rồi mưa rồi lạnh, rồi ngại ngùng đường xa nhưng đã trót thương nhớ miền Trung rồi, đi được là cứ đi. Dài rộng thời gian, rủ nhau đi tàu lửa cũng vui.
Hải Vân Sơn.

Những ngày này quanh đèo Hải Vân thấy gió nhè nhẹ, mát mẻ và ít thôi một hai thoảng cơn mưa nhỏ, qua khung cửa xe chụp hình khó đẹp, nhưng vẫn rất tình. Xa rồi ngọt trái nam trần, mây giăng nhiều trên đỉnh Hải Vân.

Sông Bồ hay dòng Ô Lâu, bắt nguồn từ những con suối nhỏ từ Trường Sơn nên một dòng trong xanh.  Mùa này dòng sông Bồ lặng lẽ, nước xanh ngắt, xuôi về hòa cùng với sông Hương cho Huế ngọt ngào.

Vẫn Huế mộng mơ với sông Hương mang mãi tình yêu dịu ngọt, màu trắng cao ốc xen lẫn màu xanh nhà vườn và mây đen đang lờ lững rủ nhau về hẹn những ngày mưa, mưa mãi, để cho lòng nhớ ai.
Huế thương.

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Lại đi.

Không khí Noel và đón chào năm mới đã nhìn thấy ở mọi nơi.
Người ta đi chơi và mua sắm. Người ta mong đợi những ngày nắng đẹp, những ngày tuyết rơi ở mỗi phương trời khác nhau. Sẽ là dịp sau một năm làm việc cho mọi người quây quần bên nhau, tạm quên những mệt mỏi của một năm cũ rồi mong cho những ngày mới tốt lành.

Người làm công không lương được thưởng một chuyến đi chơi xa xa ít ngày. Vừa là dong chơi vừa là trốn nhậu.
Đất nước Malaysia xinh đẹp và xanh màu thật hấp dẫn và để cho người ta nhiều điều suy nghĩ.

1,2: Không khí Noel và mua sắm ở siêu thị Time square- Kuala Lumpur.
3. Cây thông Noel ở khách sạn, kết bằng những vỏ chai nước suối bỏ đi.
 Kuala Lumpur về đêm.

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Giáp năm.

Thời gian chạy thật nhanh. Ít lâu nay vô tư, hàng ngày không để ý bữa nay là thứ mấy, ngày mấy, vậy mà loanh quanh đời mới đó đã qua hết một năm.
Một bữa nghe cảnh sát trưởng điện thoại với mấy người ngoài Hai Bà Trưng khu Tân Định, hỏi thăm việc dựng và trang trí cây thông cho Noel, mới hay lại sắp qua đi một năm rồi.
Giật mình nghe người ta a lô với nhau, tiền công dựng và trang trí cây thông tới năm trăm ngàn lận, tính ra tới hai thùng bia của bọ, đau quá nhảy nhổm, để tui để tui, mấy người nữ sẵn tiền quá đi, có khó chi mấy việc lẻ tẻ này. Hàng xóm thấy cả nhà người ta cùng mần, con nít xúm vô trang trí, vừa vui cửa nhà mà vẫn đẹp lung linh, lại theo ý mình.
Gắn thêm hai dây bóng đèn chớp tắt, tạm ưng ý. Cảnh sát trưởng nói đẹp ớn, xứng đáng hai thùng bia công xá. Vẫn là người làm công không lương, tiền bạc công lao quy hết ra lúa, he he...

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Trung du.


Trà Thái gái Tuyên, là nghe người ta nói vậy chớ chưa quen được em gái Tuyên nào, chưa biết dễ thương làm sao nhưng nhớ về Tuyên Quang là nhớ tới một cái chợ làng quê Việt dưới một gốc cây đa già khi đi ngang thấy loáng thoáng xa xa  là phải dừng lại.

Đơn sơ, rất nhỏ và xơ xác nhưng rất đặc trưng chợ của một vùng quê em miền trung du thuở nào từng được tới, nhìn thấy là lòng nao nao. Thật tiếc là khi đi ngang không nhằm đúng ngày phiên, chỉ còn cảnh chợ chiều. Phiên chợ cây đa già ở đây cứ năm ngày một, nhằm ngày đuôi Hai và Bảy âm lịch. Đó là một ngôi chợ làng ở huyện Sơn Dương Tuyên Quang.


Từng bước chân trong chợ vắng và hình dung có một hàng tò he, một chõng mạch nha, kẹo bột ở một góc cho trẻ nhỏ, nơi kia bán cuốc xẻng, liềm hái lúa hay một cái lò rèn đỏ lửa, một góc bán cây giống là những mầm su hào, khoai tây rau diếp con. Hỏi người đi đường, người ta nói đó là ngôi chợ cổ Sơn Dương, cổ là vì cái nếp phiên ấy không biết đã từ bao đời và chợ dưới gốc đa già không biết đã bao nhiêu năm tuổi.

Nhớ về Tuyên Quang là nhớ một tiệm cơm ven đường với những món ăn ghé ăn rồi xa rồi để nhớ, để thèm một lần được ghé lại.

Con cá Nheo suối nấu măng rừng ư, kiếm đâu ra ở đất xì phố này một con cá Nheo da trơn, mình bông vàng râu dài hai ngạnh sắc để nấu măng rừng? Chắc là loài cá ấy nó cùng họ con cá Lăng, cá Trê cá Bò, nhưng cái giống sống ở nơi sông đầu nguồn suối miền ngược thịt da săn chắc thơm ngon làm sao. Con cá Bống, cá Đục sông Lô cũng là lạ, mang nướng vàng ươm ăn với xôi chiên và nhắm rượu 138, thứ rượu mang tên ngồ ngộ, nghe như cái chỉ thị nghị quyết chống tham nhũng gì đấy thì thôi rồi. Ở đây còn có món ngọn đu đủ luộc chấm muối ớt làm mồi cũng bắt.
Ăn nhậu rồi mời các anh các bác ra bàn uống trà và hút thuốc lào vặt nói dóc cùng em. Trà mạn thật ngon và em cháu lao xao mời chào, dạ thưa lễ phép bây giờ hiếm gặp ở nơi nào.

Ở vùng cao dễ thấy những cái tên tiệm giản đơn, nhìn là đoán chừng tên quán ghép tên vợ chồng, thường thì tên người vợ đứng trước mới hên.
Ai đó ngược Tuyên Quang đi Hà Giang trên quốc lộ 2, ngang cầu Bắc Mục, ghé một lần tiệm cơm Hạnh Lợi, thưởng thức mấy món cá sông suối đầu nguồn cho biết.
Trung du, sông Lô.

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Bài bí dí ảnh.



Trúc Lâm thiền viện Bạch Mã- Thừa Thiên Huế.



Vịnh Tiên Sa và dãy Bạch Mã.