Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Đong đưa.

 Khi người ta muốn làm quen với nhau, lúc ban đầu còn khó. Phải có một cử chỉ, một động thái như là kiểu dò đài, như là muốn ra tín hiệu, muốn tỏ ra thân thiện, rồi mới làm quen được với nhau, sau rồi có khi thành bè bạn. Người đời gọi cái tín hiệu ban đầu ấy là đong đưa thì phải. Mà không phải chỉ con gái mới biết đong đưa. Con trai người ta biết đong đưa đấy, có khi còn khéo hơn phái nữ.

Chuyến đi chơi xa ở xứ người, một bữa dùng chân ghé thăm thành phố "Người mất gậy" gắn với truyền thuyết của một vị vua ở đất này. Battambang là thành phố lớn thứ nhì của đất nước Chùa Tháp. 
Đang một mình nghiêng ngó một ngôi chùa cổ bên đường bỗng nghe: Em ơi em ơi, em đâu rồi, làm sao cho tôi hôn làn tóc rối... Ngạc nhiên, ơ ở cái xứ này sao lại có được một giọng ca Việt. Ở khung cảnh ấy, khi ấy là một giọng ca thật lạ mà thật hay. Xung quanh chỉ có mình mình với bức tượng  Bayon trên cổng chùa nhìn nhau, mỉm cười nhưng yên lặng, nào có ai đâu.

Đường phố vắng. Xa xa kia dưới bóng mát cây xanh bên công viên ven sông, có một cậu trai ngồi bán ghế xếp, võng dù. Đi tới gần hơn thì đúng là cậu trai ấy, đang say sưa cất tiếng hát, như con chim lẻ bầy một mình gọi bạn, bằng tiếng hát quê hương ở một phương trời xa. 
Thỉnh thoảng đưa mắt hướng về người khách đang đi tới, tiếng hát cậu trai ấy nhỏ dần, Làm sao, làm sao cho có đôi...
Rõ ràng là một cảm giác đong đưa, cậu trai ấy đang muốn đong đưa với mình đây. Nhận tín hiệu, thế là lại gần, là mỉm cười, người Việt phải không, rồi bắt chuyện. Thật là mừng vui khi đồng hương gặp nhau nơi xứ người, trò chuyện thăm hỏi quê nhà và một câu chuyện đời, ngắn ngủi thôi nhưng cảm lòng được một mảnh đời viễn xứ mưu sinh vất vả.

Anh bạn trưởng nhóm trong chuyến đi chơi, "Người Hà Nội", người vui tính và có duyên nhất nhóm, bữa ấy có một kiểu đong đưa thật là khéo. 
Sáng ấy ở Angko Wat. Những đoàn, những nhóm khách du lịch ở mọi phương trời đổ về nơi này thăm thú khá đông. Thật khó chịu với các du khách mang khuôn mặt Á Đông, nhất là mấy người xí số soong thủng chảo thủng, tới đâu cũng lấn ngang hông, hiếm thấy một nụ cười. Ai đó đang giương máy ảnh, máy quay, nhiều người tỉnh queo đi ngang mặt người ta. Nếu ở cái thời còn chụp hình bằng phim âm bản, băng quay từ hiếm hoi, phim hình hư bỏ là có chuyện liền. Riêng những du khách Âu Mỹ thì ai cũng dừng bước chân, chờ người ta xong việc mới bước qua, lại còn mỉm cười và gật đầu chào nhau nữa.

Chắc là cảm mến sự lịch sự và thân thiện của những du khách nữ xinh đẹp, lời cám ơn dường như chưa đủ, "người Hà nội" còn muốn đong đưa nữa, và anh ấy thật là tài ba khi còn phát hiện nhóm cô gái xinh đẹp ấy là người Nga. 

Buông một câu  lả lơi chiều thanh vắng là đây, thấy họ nhìn anh và cùng cười. "Chịu đèn" rồi đây, người Hà Nội nghĩ vậy và lập tức anh chuyển gam, lấy đà bước đi hùng dũng, nhịp tha thiết trầm hùng: Dza- liu- bờ- liu, chia-bia zứt... 

Thật là thú vị và bất ngờ, với câu hát đong đưa "níu bờ nìu" đã níu họ với nhau. Trình tiếng Nga cỡ "tư vư a nhí" nên cũng lõm bõm, ra là Chiều Mạc Tư Khoa rồi Cuộc sống ơi ta mến yêu người. Công nhận "người Hà nội", anh ấy tài hoa và thanh lịch. Họ chào hỏi nhau rồi chuyện trò ríu rít. Họ còn cho nhau biết tên, tôi là Zenhia, còn mình là Tùng... Họ cười vang mỹ mãn rồi bắt tay, vui thế, và cùng nhau chụp hình lưu niệm, dáng đứng  mấy cô gái Nga nghiêng nghiêng. Đong đưa thế ấy, đến là hay.

Thêm chuyện của ông bạn già Giang còi (Gtl), người đi biển, là một người vui tính và ham bạn bè. Giang còi thuộc một bài ca bằng tiếng Tây ban nha hồi nào không hay, có lẽ từ thuở còn là sinh viên học bên Tiệp. Để ý bao nhiêu năm nay, lâu lâu bất chợt tình cờ nhìn thấy cây đàn ở đâu đó, bạn mình lại ôm đàn ê a: "oy -en- mi-ven -ta -na-bri-ya-en-son"... sao anh thân yêu ra đi bỏ em lẻ loi trong xót xa... Chắc hẳn bài hát đó có nhiều kỷ niệm với bạn mình.

Vậy mà, những chuyến đi biển sang tới những bến bờ xa lạ, ở Cu Ba hay Achentina... những đất nước Nam Mỹ nói tiếng Tây ban nha, vốn liếng chỉ nhiều hơn bài hát Vì sao anh ra đi chút đỉnh để đong đưa, rồi làm quen, bạn mình đã có thêm nhiều bạn bè quốc tế, đủ mọi màu da. Vui nhất là được câu hát đong đưa cùng các cô gái xinh đẹp ở hòn đảo thơ mộng  trong vịnh Caribe, xứ sở của xì gà và điệu nhảy salsa. 

Vậy nên đâu chỉ có đầu mày cuối mắt, đâu chỉ có nụ cười hay ánh mắt mới được quyền đong đưa, người ta còn có những câu hát đong đưa để làm cho nhau phải lòng. Cái đong đưa còn như muốn biểu hiện sự cảm mến và thân thiện giữa mọi người, dù gần gũi trong nhà hay với người xa lạ, luôn làm đẹp và cần thiết biết bao cho cuộc sống này.

23 nhận xét:

  1. hồi...3 đứa mình quen nhau, đong đưa kiểu gì vậy ta ? he hehe

    Trả lờiXóa
  2. Đây chưa thấy đó đung đưa :-D

    Trả lờiXóa
  3. đong (cho lon gạo) đưa (đây)
    thế là thân tình xóm giềng hehe

    Trả lờiXóa
  4. Bác có đang ở TP không thì tối nay em chạy qua quán của bác chơi.

    Lần trước lỡ hẹn với bác em vẫn ngượng ạ.

    Trả lờiXóa
  5. -Mía,
    Đong đưa bàng mắt con ốc mỡ, hờ hờ...

    Trả lờiXóa
  6. -HPLT,
    Chưa, chưa đong đưa đằng đấy, đây còn đang đong đưa bạn R. trước đã.

    Trả lờiXóa
  7. -J.G,
    "Đong" mấy lon gạo, "đưa" cho mượn đỡ, mấy bữa nữa nhà đong gạo sẽ trả.
    Ngày xưa xóm giềng ở t.phố vậy là thường. Tháng đi đong gạo một lần.

    Trả lờiXóa
  8. -L2C,
    Bạn đang ở SG sao? chiều tối nay tui ở quán, nếu có giờ rảnh rang thì ghé chơi nói dóc. Rất mong được đón bạn. Đt của tui nè: 0903808233 và đ/c 14/4 Lam Sơn F6, q.Bình thạnh. (đg Phan Đăng Lưu đi vào)

    Trả lờiXóa
  9. Nếu tín hiệu ban đầu thế gọi là oánh dây thép để TÀ LƯA ạ.

    Đong đưa là phải đu đẩy qua lại ò e nữa.

    Hihi

    Nhưng em thích cách trên blog người ta qua nhà nhau còm và rcmt. Rồi lỡ có dấu hiệu tà lưa và đong đưa quá hóa ra táng nhau phát cũng xôm ạ.

    Trả lờiXóa
  10. -An Thảo,
    Dấu hiệu đong đưa ở lời còm và rè còm á, có thấy liền, dễ thấy.
    Nhưng cái từ "tà lưa" hình như ở trong này xài khác. Nói lái lại, chẳng hạn : công ty A có dấu hiệu tà lưa là cty có dấu hiệu lừa đảo. Cũng có thể chỉ là cách dùng từ của một nhóm.

    Trả lờiXóa
  11. Ngồi một mình trao nhau ánh mắt
    Rượu cạn rồi sao chẳng thấy mềm môi.
    Đó có phải là tín hiệu đong dưa không?

    Trả lờiXóa
  12. Dù xa hay gần cứ được đong đưa với nhau như bác nói là thấy vui bác ơi. Nhưng mà 'đong đưa" còn có một nghĩa bóng nữa, hình như hay được gán cho chị em nhiều hơn, đại loại kiểu Thị Màu đong đưa...Thị Kính ấy:).

    Trả lờiXóa
  13. @Gtl : nhìn ảnh chú Giang chụp với mấy cậu Tây mà giật mình. May đó là mấy ông bạn chứ nếu là thù thì cũng mệt đấy. Nói vậy thôi chứ dân Bắc Âu hoặc Đông Âu thì còn có vẻ lành lạnh khi mới gặp chứ mấy chú Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, .. thì cởi mở và nhiệt tình hết mực ngay cả khi mới gặp lần đầu.

    Trả lờiXóa
  14. -AK7,
    Ngồi một mình trao ánh mắt cho ai đây, có mà soi ánh mắt vào chai rượu thì có.

    Trả lờiXóa
  15. -HoaLu,
    Tại cái tích đong đưa người ta gán cho người nữ, (vd: Này chú tiểu ơi, liếc cái, đong đưa cái- Thị Màu lên chùa) chớ tui nghĩ phái nam đong đưa nhiều hơn mà người ta không nói đó. còn xài từ đong đưa theo nghĩa rộng hay hay chớ bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
  16. -Anh Phú Hòa,
    Gtl nhà mình thuộc gam thân thiện dễ gần

    Trả lờiXóa
  17. -L2C,
    Cám ơn bạn ghé thăm tệ quán và buổi trò chuyện thú vị cùng gia đình và bè bạn.

    Trả lờiXóa
  18. @ĐN:Đúng là giề quá nên trí tưởng "bở" đã cạn.Dốt!

    Trả lờiXóa
  19. Người ta đẹp nhất lúc cất tiếng hát, em nghĩ vậy. Cho nên đong nhau bằng tiếng hát là nhanh nhứt :-D

    Trả lờiXóa
  20. neu co dip , day muom gap a GIANG COI ' LA E GAI NHA QUE DAY

    Trả lờiXóa
  21. -AK7,
    Không phải giề mà là tây tây rồi.

    Trả lờiXóa
  22. -Titi,
    Đúng là khi cất tiếng hát, người ta đẹp và đáng yêu, dễ gần.

    Tôi nhớ có một thời cái từ "đong nhau" tụi tui xài như là tiếng lóng chỉ đánh lộn, hì hì...

    Trả lờiXóa
  23. -Bạn ND,
    Bạn muốn gặp bạn Giang , dễ lắm. tụi tui gặp nhau hoài, và bạn ấy cũng hay vô đây, nick Gtl.

    Trả lờiXóa