Thời gian chạy đi mau mắn, đánh dấu thêm một vạch, thêm một chuyến đi nữa cho mình, chuyến biển này Sáu Bảnh lên bờ nghỉ phép để chuẩn bị đi nhận một con tàu mới về cho công ty. Sáu rất vui vì đúng dịp, được ở nhà loanh quanh ngõ hẻm với mẹ lại có thêm một niềm vui mới đang chờ.
Một bữa đi ăn sáng, Sáu tình cờ gặp Hiền ngồi cùng một chàng trai ở quán hủ tiếu Kỳ Đồng. Hỏi thăm, Hiền nói:
-Anh ấy làm trên quận, bữa nay chở em đi xin việc.
-Vậy sao? Việc làm với em quan trọng đến vậy sao? Ờ mà cũng đúng, nếu xin được việc làm là quá tốt, má sẽ mừng lắm đó. Vừa hỏi, lại tự trả lời, Sáu buông một câu trật lấc. Sáu Bảnh hơi mắc cỡ nghĩ bụng cái dzụ này người đời kêu là có hơi hướm ghen tuông, lãng nhách.
Buổi chiều ấy bàn giao công việc, thu dọn tư trang, chia tay anh em tàu đi chuyến biển mới, Sáu về nhà nghỉ phép và lên kế hoạch cho những ngày sắp tới.
Gặp anh Phương ở đầu hẻm, Sáu dúi cho anh mấy gói thuốc lá rồi anh em kéo nhau xà vô gánh ốc. Chuyện qua lại chủ khách một hồi rồi cũng sang chuyện Hiền và chuyện xin việc làm. Kể chuyện sáng nay gặp Hiền đi xin việc, Sáu vui vẻ bàn với dì Tư:
-Hay là Tư cho em Hiền đi học lấy một cái nghề gì đi, rồi từ từ xin việc làm sau.
Dì Tư ngần ngừ:
-Nó nói để má cực mãi như vậy đâu được. Mới nghe đâu có cậu nào đang hứa xin việc cho nó. Tui nói tính cho kỹ, cả cuộc đời giao tay người ta, rồi lại khổ như tui... Biết mình lỡ lời, Tư chợt im lặng.
Hiểu thêm cảnh nhà và tâm sự của mẹ con Hiền, Sáu nói:
-Tư nên để em Hiền tính, là cuộc đời của cô ấy mà.
Như là hai mẹ con thường bàn về chuyện này nhiều lắm, nên Tư vẻ không chịu:
-Tui nói hoài cậu Hai, kiếm thằng chồng vững chãi lấy chỗ mà dựa, biết lo mần ăn cho vợ con nhờ. Nó nói chừng nào xin được việc làm nó mới lấy chồng.
Nghĩ mình có nhiều bạn bè, nhờ ai đó chắc là được việc, Sáu mạnh dạn, thiệt tình:
-Hay là Tư nói em Hiền khỏi tính toán nhiều. Con tính cho Tư nghe có được không nè? Thích đi làm để từ từ con tính cho, không thôi lấy chồng đi rồi ở nhà nuôi con, có Sáu này lo hết. Tư coi kỹ lại coi, không dóc miếng nào, Sáu này cũng "bảnh tẻng" ác chiến luôn, đâu chịu thua kém ai đâu Tư.
Anh Phương bơm thêm:
- Phải đó Tư, Sáu Bảnh không nói thôi, nói là làm, làm là xong việc, tui biết hắn quá mà.
Tư không nói, chỉ ngồi nhai trầu, mắt nhìn về cuối con hẻm xa xa.
Những ngày cuối tuần luôn được mọi người trông chờ và yêu thích, nhất là những đôi trẻ. Nhưng tại sao lại có một ngày cuối tuần tệ hại và vô duyên như vậy với Sáu Bảnh.
Buổi tối thứ Bảy ấy kéo qua hết nửa tuần rượu mà như không ai muốn nói chuyện với ai. Mặc kệ hai anh em ngồi uống, kêu xị sô thì Tư lấy sô xị, bỏ thêm miếng nước đá và mấy trái tắc. Suốt buổi làm như dì Tư hổng muốn nói năng chi hết, chỉ ngồi nhai trầu bỏm bẻm dù biết ý Sáu muốn trò chuyện riêng với dì . Sao vậy thì Sáu không hay nhưng với thái độ ấy của người mẹ, hẳn có chuyện gì với Hiền rồi.
Nghĩ vậy nên nói chuyện vòng qua vòng lại, đá nọ đá kia lựa mãi mới qua được chuyện bé Hiền. Tư làm như không nghe tiếng Sáu Bảnh hỏi thăm, đứng lên xuống làm bộ xắp xếp lại rổ rá xoong nồi.
Hồi lâu yên lặng , nhổ miếng cốt trầu, lấy tay thoa miệng, mãi dì mới nói, thật nhỏ:
-Con Hiền ấy... như là nó có người yêu rồi đó cậu Hai.
-Cái gì? Tư nói lại coi?
Uống nãy giờ đã nhiều, Sáu Bảnh như tỉnh rượu hẳn, muốn nhảy nhổm.
Chờ một hồi cho Sáu bình tĩnh lại, Tư tiếp:
-Nó quen thằng Hoàn làm trên ủy ban quận, lâu lâu rồi chớ không phải mới đây.
-Lâu là bao lâu? Con mới đi ba bốn chuyến biển chứ mấy. Sáu sốt ruột.
-À... Tính tình thằng đó hiền lành, không thuốc lá trà rượu gì ráo. Ba nó đâu cũng làm lớn, đang tính xin việc cho con nhỏ vô bên Trimex, kêu là công ty xuất nhập khẩu chi đó, làm việc văn phòng đàng hoàng.
Ờ... mà thực ra con nhỏ chưa có ý gì với thằng Hoàn, mới có vụ hứa xin việc, làm con Hiền trông hoài mấy tháng nay. Mới nghe thằng Hoàn nói xa xa, chừng nào rồi công ăn việc làm nó xin phép dẫn ba má nó qua. Ờ... mà tui chưa có nói năng chi hết, cũng chưa có giờ bàn với con Hiền.
...
Tối ấy về nhà Sáu thấy buồn.
Ôi, cái gọi là công ăn việc làm, để có một vị trí làm người lao động trong xã hội là quan trọng, là khó khăn vậy sao, là lệ thuộc vậy sao, là ai cũng phải đánh đổi vậy sao?
Thật lâu rồi Sáu mới cảm nhận một nỗi buồn như thế, tự nhiên buồn, vừa như đánh mất một cái gì, vừa như tiếc nuối một cái gì. Nỗi buồn vu vơ thật lạ.
Chỉ sau đó ít bữa, Sáu Bảnh gặp Hoàn tình cờ nhưng lại như một sự xắp xếp, và lại ở ngay nơi gánh hàng ốc của dì Tư. Vừa nhai trầu bỏm bẻm, cười, dì Tư vừa hỏi thăm một cậu trai mới chạy xe tới: "Hoàn mới sang đó à, con Hiền nó đang chờ con trong nhà".
Sáu cũng đang ngồi đó, vẫn cà cưa sô xị với anh Phương như mọi khi, hai người ngạc nhiên hết sức, mà quê. Anh Phương uống nửa ly rượu cười khùng khục:
-Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Sáu tợp một hơi ly rượu bỗng dưng lạt lẽo, dĩa ốc Len đắng nghét còn cái mặt sượng trân. Bỗng dưng muốn đập phá, Sáu đá mạnh chân anh Phương:
-Ngồi đó lẩy Kiều, thôi nín đi cha nội.
Nghe cách Tư kêu thân mật "con" với cậu trai, Sáu Bảnh cảm thấy câu chuyện tình như đã rồi và với mình như là sự chối bỏ. Ấm ức và buồn lòng, Sáu đứng dậy chào dì Tư:
-Vậy là đó giờ Tư giỡn chớ hổng phải con.
...
-Mà sao Tư ác dữ, nỡ giỡn vậy với con hả Tư?...
Đó cũng là bữa ốc Len cuối cùng của Sáu Bảnh nơi ngã ba quốc tế của con hẻm Vạn Phước.