Ra khỏi thành phố Quy Nhơn là gặp quốc lộ 19, con đường huyết mạch nối liền miền cao nguyên Trung phần với phố biển miền Trung. Đó là con đường lưu thông hàng hóa rất quan trọng do người Pháp nhìn thấy và xây dựng đã từ rất lâu.
Ta sẽ ghé thăm cơ ngơi của anh em nhà Tây Sơn, cách xa thành phố Quy Nhơn chừng bốn chục cây số ngoài, nằm ngay thị trấn Phú Phong trên con lộ này.

Một khu vườn nhà rộng lớn như thế của dòng họ bây giờ là bảo tàng Quang Trung. Người anh hùng nông dân, anh hùng áo vải như đã từng học khi ta bé, ra là con nhà quyền quý, thanh thế trong vùng, danh giá từ bao giờ, thày thợ đàng hoàng, học hành trọn vẹn. Anh em nhà Tây Sơn được ăn học, giỏi văn võ và đã từng khai sáng môn phái võ Bình Định nổi tiếng.
Vậy nên tới thăm đất này, thế nào ta cũng để giờ vô coi đệ tử Tây Sơn hay những hậu duệ của nữ tướng Bùi Thị Xuân ngày xưa biểu diễn võ thuật, coi diễn những bài quyền tay không và có binh khí, thế đẹp và rổn rảng. Nghe tiếng trống trận lâng lâng hào khí Quang Trung đánh Nam dẹp Bắc.
Trong khuôn viên gần chục héc ta của nhà bảo tàng có nhà trưng bày khá lớn, lưu giữ một số các hiện vật của nghĩa quân thời ấy như những vật dụng hàng ngày, những binh khí, những trang phục quan quân thời vua Quang Trung. Trong bảo tàng còn có điện thờ của ba anh em nhà Tây Sơn, một vài di tích cũ thuở xưa trong vườn nhà của gia đình.

Một giếng nước được xây bằng đá ong, chắc chắn và sạch sẽ, nguồn nước được khơi ngay mạch nước ngầm trong vắt và mát lạnh. Đó là giếng nước xài của gia đình
nhà Nguyễn Huệ mấy trăm năm trước.
Thả dây gàu xuống giếng khơi, mang lên những gàu nước trong veo. Vốc lên mặt, lên tay là cảm được cái mát lạnh và ngọt ngay của mạch nước quí, ta nhắm mắt lại, sạch bụi đường và quên đi mỏi mệt.

Kia rồi cây Me già của gia đình từ ngày đó, mới rồi được nhà nước công nhận là cây cổ thụ di sản Việt Nam.
Nghe người ta kể lại, cây do cụ thân sinh Hồ Phi Phúc trồng trong vườn nhà từ thuở ấy, nay đã hai trăm mấy tuổi, gốc cây to lớn tỏa bóng mát xum xuê. Ta sẽ ngồi nghỉ chân dưới cây, chụp tấm hình với gốc Me già và giếng nước mát, kỉ niệm một chuyến đi tới đất Tây Sơn của tam kiệt Bình Định.

Ra là dòng tộc nhà vua Quang Trung gốc tích lại mang họ Hồ Sĩ. Có thể tới đây nhiều người mới được biết, gia phả nhà Tây Sơn ở trong bảo tàng cho thấy từ đời cha Nguyễn Huệ đã cải họ từ Hồ sang Nguyễn theo bên mẹ. Về nguyên nhân sẽ có những giải thích khác nhau, đó là việc của những nhà chuyên môn. Và biết thêm một tí nữa khi đến đây, đó là nữ sĩ Xuân Hương cũng nằm một nhánh trong gia phả này, bà là bà con gần với anh em nhà Tây Sơn.
Người ta ở đấy nói, họ Hồ hay đổi họ Nguyễn cũng vậy, thờ họ Nguyễn hay họ Hồ ở đây cũng thế thôi, văn võ song toàn, tài thiệt chớ, là nói thời anh em nhà Tây Sơn ấy.
Rời bảo tàng theo quốc lộ 19 hướng lên cao nguyên, thêm một nẻo đường là tới khúc trổ ngang đi Hầm Hô, một thắng cảnh du lịch mà người ta thường nhắc tới ở vùng này. nơi đó còn là một vùng đồn trú và tập luyện của nghĩa quân Tây Sơn một thuở.
Đèo An Khê là nơi giáp ranh Bình định với Gia Lai. Du lịch vùng này nghe đâu có thể tìm hiểu về những động thực vật của rừng quốc gia. Có một số thác nước đâu đó, nhỏ nhưng dễ thương.

Chợt nhìn thấy trên đường, những xe chuyên chở gỗ từ trên rừng, vẫn từng nhóm vài ba chiếc chảy về dưới xuôi.
Hàng cây hoa dại bên đường rạp mình dưới tiếng pô xe nặng, một vài bông Dã Quỳ hiếm hoi bên đường, sắc vàng lẻ loi ngơ ngác, chợt động lòng tiếng dốc dài xe gỗ thả trôi...
Rồi sẽ lên tới đèo Mang Yang. Mang Yang theo tiếng dân tộc Gia Rai có nghĩa là cổng trời, là tới đất của những người dân tộc miền cao nguyên. Đèo An Khê và đèo Mang Yang dễ đi, độ lài vừa phải và không gấp khúc khó đi như những đèo cao vùng khác.
Quán cơm bụi cao nguyên với những người lái xe, phụ xe bụi bặm và vất vả. Một vài người dân tộc ít nói, nước da ngăm đen và mái tóc xoăn ngông nghênh với gió. Những người thợ rừng, thợ xe máy, thợ cơ khí mặt mũi mồ hôi khô vương chút dầu mỡ. Màu đen của sắt thép với dầu nhớt cùng nhựa cây thấm đã những đường cong vết móng tay.
Quán cơm yên lặng, không khí cao nguyên miền tây viễn xứ nằm ngay đỉnh đèo Mang Yang.
Không được quyền kêu món, bao nhiêu người vô là bấy nhiêu xuất, có gì dọn nấy theo ý chủ quán mà không phải ý khách. Bữa cơm ít nói, đủ chất, no bụng và ngon lành. Thích nhất là tô canh tập tàng của rừng núi. Món canh gom nhiều loại rau trong vườn và những thứ rau rừng mang hương vị lạ. Canh ngọt đứ đừ.
Bước ra ngoài cửa quán, nhìn xuống thung lũng xa, đón hơi thở của núi rừng, lồng lộng gió tự do.