Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Quảng Trị và những người nữ.



Bão mới đi qua, làng quê xơ xác. Vương vãi khắp trong nhà tới ngoài sân là những manh chiếu rách, những mảnh áo không còn lành lặn và những vật dụng sứt sẹo cũ kỹ. Tất cả nháo nhào như một đống rác. Căn nhà kê được một chiếc giường đơn, cái giạt gường không mền gối đã không còn lối cho bước chân hai người, là nhà của mệ đó. Nhìn thử quanh căn nhà bà lão coi có kiếm được thứ gì có thể mang bán đặng lấy tiền mua tôn mới. Tuyệt nhiên không có một thứ gì có thể xài được, may chăng chỉ để mệ xài chứ đừng nói mang bán mang cho ai được. Chị Dậu ngày xưa còn có đàn chó con mang bán chớ nhà mệ á...
Cứ ca ngợi mãi, cứ câu chữ và ngôn từ nhảy múa bao nhiêu năm nay hết kiên định rồi lại định hướng, mà sao khổ hoài... Làm sao có thể coi đây là cuộc sống, con người ta. May vẫn còn đâu đó chút nghĩa xóm và tình người đồng loại. Những mảnh đời cô đơn và cơ cực ấy nhiều lắm quanh ta và ở rất gần, gần ngay mặt lộ, là quốc lộ chứ chưa nói tới vùng sâu vùng xa xôi nơi núi rừng đâu đâu đó nữa.

Bàn tay khô vuốt mãi đôi má nhăn nheo và những vết đau trên thân mình, tấm lưng đã còng trên đôi chân cũng cong quằn và bàn chân nứt nẻ bước lên xuống cái bậc thềm nhà muốn té, ánh mắt xa xăm nhìn người lạ ngơ ngác và căn nhà tình thương trống hênh, u tối và nhỏ xíu xiu như không thể nhỏ hơn nữa núp giữa những bụi chuối đổ gục và rách nát tả tơi sau cơn bão.
Ôi chao, biết nói sao hả mệ, nhìn đời chán thiệt.

Nhà mệ thứ hai cũng buồn, cực và cô đơn giống căn nhà mệ kia. Đường vào nhà cũng xa xa đường lộ, nước ngập một chút bàn chân lấm bùn. Vườn nhỏ trống trải chẳng có thứ gì. Một con gà mái tha thẩn kiếm ăn bên đống rơm rạ dưới rặng tre xanh bên nhà, buồn và cô đơn như chủ nhân của nó. Căn nhà tốc mái sau bão, ai đó đang lợp lại mái dở dang thì hết mất tôn rồi. Thấy người lạ tới thăm cảm động không nói lên lời, bàn tay run nhận chút tấm lòng của những người xa, ánh mắt nói thay lời cám ơn.

Ở một xã khác gần biển, vùng đất ven biển Gio Linh Quảng Trị là một vùng cát trắng  hoang hóa bao nhiêu năm, cuộc sống trên vùng đất cằn này cũng cơ cực như đất đai quê hương ấy. Chợt mừng vì gần đây người dân đã trồng được đậu phộng, nghe nói đậu hợp đất này, một ngày nào đó giữa mùa đậu phộng trổ bông sẽ đi ngang, hy vọng được nhìn thấy màu xanh ngát ở đồng đất nơi này. Người ta nói vậy và anh ấy đang nhìn xa xa cát trắng sau nhà, thầm mong em gái nhỏ mai mốt sẽ khá lên trên vùng đất khô cằn nơi đây..

Bão tới, bão đi rồi bão lại về, năm nào cũng thế. Biết là xung quanh còn rất nhiều cuộc đời cơ cực, nhưng không nghĩ có nhiều những mảnh đời cơ cực như thế, và những người nữ thật cô đơn. Biết là ngày này người ta sẽ chúc tụng nhau trên ti vi đài báo lại những câu chữ vinh danh phụ nữ Viêt Nam. Nhưng không biết những người nữ nghèo khó cô đơn ở mảnh đất miền Trung nghèo này có biết tới cái ngày này không nhỉ, ngày 20 tháng Mười phụ nữ Việt Nam ấy. 



8 nhận xét:

  1. Du lịch là thứ phù hợp với tiềm năng của Quảng Trị, chán là chẳng ai giúp họ đi theo hướng này. Họ nghèo quá, thương ghê

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý vậy, giá mà đừng phá những rừng dương già chắn gió cát lấy làm bon sai, đừng phá rừng xây hồ xây thủy điện...

      Xóa
  2. Phụ nữ VN còn khổ nhiều lắm. Chỉ mong những người sát cánh là chồng con sẽ thông hiểu và chung tay nhiều hơn trong cuộc sống gia đình. Hôm qua em xem trên TV chương trình về người dân tộc gì ấy , chồng chăm con, nấu cơm , dọn dẹp nhà cửa , vợ đi làm đồng về chỉ việc ăn và chơi với con :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tui nghĩ người dân tộc vùng ấy thiệt hay, giống như bên Bắc Âu vậy ha bạn.

      Xóa
  3. Trả lời
    1. Ừa bạn, thương mấy người già nghèo và cô độc. Nhìn không khóc được, thấy đắng lòng.

      Xóa
  4. Moi lan co bao vo mien Trung la kho cho nguoi dan :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bão tới nơi này liền liền đó bạn. Tại nghèo quá nên sơ sài quá và cơn bão nào vô cũng có chuyện.

      Xóa