Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

1. Đi biển.

Thị xã nhỏ với một vài con phố yên ả nằm bên bờ sông Hậu hiền hòa. Dòng sông, bến nước cho ghe thuyền tấp nập đi về. Sông ngã ba ngã bảy là nơi giao lưu của con người và hàng hóa lục tỉnh, để nơi đây đủ gạo trắng nước trong, đủ cá tôm và cây trái ngọt lành suốt năm tháng. Nếp sống người dân thị tứ miền Tây cũng chân chất mộc mạc không xa khác là mấy với người dân quê.
Gia đình lớn của Hai Hùng ở thị xã này hồi nào giờ, cũng lặng lẽ, hiền hòa, cuộc sống  của họ vốn giản đơn, yên ả lâu nay như cái thị xã nhỏ và mọi người nơi đây.  

Sáng chủ nhật ấy chở cậu con trai về nhà thăm nhà ngoại, Yến vui mừng khoe với cả nhà, Hai Hùng nhà con mới được chính thức điều động xuống đi tàu, là tàu biển chở hàng hóa đi khắp nơi, mấy bữa nữa đầy hàng, sang tuần là tàu ảnh ra khơi, kỳ này chạy nước ngoài đó, đã quá đã chưa, chuyện như nằm mơ ấy chớ.
Đúng là một chuyện lớn lao ở nhà nên ai cũng mừng vui cho vợ chồng Yến và một bữa liên hoan vừa như chia tay  vừa để cám ơn cho mọi sự tốt lành.

Những năm tháng ấy, được làm việc trên những con tàu buôn, đi về giữa các cảng biển nước trong nước ngoài là đồng nghĩa đời sẽ lên hương, là chỉ vài chuyến biển đi nước ngoài thôi sẽ mở mày mở mặt với thiên hạ, người giỏi giang, có duyên buôn bán còn làm giàu được nữa, người ta ai cũng nói vậy. Phải không phải chưa biết, chỉ biết được xuống tàu là quá mừng vui.

Ngày tỉnh nhà thành lập công ty vận tải biển, Hai Hùng đang làm bên bưu điện tỉnh. Dịp đầu năm nhân tết Nguyên đán tới thăm nhà dượng Tư, người bà con gần với mẹ Yến, nghe ông hỏi: "Thằng Hai có thích đi tàu viễn dương dượng xin cho, qua bển có cơ làm ăn buôn bán, thấy mấy đứa đi tàu biển đứa nào cũng khá". Yến nghe chuyện mừng lắm, về bàn với chồng. Dượng đang làm việc bên tỉnh, không khó. Ít bữa sau Hùng chuyển từ bưu điện về công ty vận tải biển.

Hùng đã quen với cái moóc tạch sè, đánh và nghe nhận điện gởi đi về, từ hồi nào giờ làm mỗi việc đó, rành quá rồi. Công việc vô tuyến điện dưới tàu biển trong ngành kêu bằng thợ VTD sẽ thêm vào phần nghe nhận dự báo thời tiết, cấp sóng hay gió bão mây mưa của đài khí tượng các quốc gia lân cận trong vùng biển sẽ đi qua. Hàng ngày tổng hợp lại báo cáo thuyền trưởng làm thông tin cho kế hoạch chạy tàu. Vốn sáng dạ, Hai Hùng làm quen nhanh với công việc mới. Sau chuyến đi thực tập, anh có chức danh vô tuyến điện dưới tàu Ninh Kiều. Con tàu chạy biển đầu tiên của một tỉnh miền Tây nhiều tôm cá, thứ hàng xuất khẩu chiến lược để kiếm ngoại tệ về cho tỉnh. Hai Hùng bước vào nghề đi biển nhẹ tênh.

Vợ chồng Hai Hùng háo hức hổm rày. Ở thị xã nhỏ miền Tây này rồi sẽ biết tới vợ chồng nhà Hai Hùng. Rồi hẻm Cây Sao này hàng ngày mọi người sẽ thấy và sẽ chết thèm nhìn Yến  với chiếc xe máy đẹp nhất, hàng ngày đi về chở cu Bim.  Không phải là mấy cái xe cub cối, cúp cánh nghĩa địa mà lúc này thấy người ta chạy lền ngoài đường, phải là chiếc Nữ hoàng kìa. Anh Hùng sẽ mua cho cô Hai một chiếc Honda nữ hoàng màu đỏ tươi mà có lần vợ chồng cô chợt thấy một cô gái trẻ phóng lướt qua ngoài quốc lộ, sang trọng và đẹp dữ dội. Rồi cu Bim nhà cô sẽ có rất nhiều những món đồ chơi hấp dẫn, con voi vừa đi vừa đánh trống, xe hơi trên xa lộ, xe lửa chạy trên đường rày...  Mỗi lần lên thành phố, thấy trẻ nhà người ta chơi, cô hằng ao ước, thèm muốn... Cô còn thích một chiếc xe đạp nhỏ xinh cho cu Bim tập chạy nữa.

Có người nhắn Yến ra chợ thị xã. Cái thị xã miền Tây nhỏ xíu xiu, mấy người bán buôn hàng xỉ ở chợ ai cũng hay Hai Hùng sắp được đi viễn dương, ai cũng hỏi thăm. "Đi Sing phải hôn, hay Hồng Kông?". "Đi Sing có hàng cho thằng Hai mua về nè, lời hết biết luôn, cho hay giá mua bên bển, giá thâu vô bên đây luôn nè, hàng về là nhớ giao liền tui nghe". "Vợ chồng em cần vốn không, chị mới gom hụi đang để không nè, lời lóm nhiêu đâu, tính sau đi"...
Ai cũng vui cười với Yến, ai cũng săn hỏi. Họ đưa cho cô những tờ giấy ghi kín tên những mặt hàng, kí hiệu, số lượng, màu sắc, giá cả bán mua... Yến mừng lắm, nhìn vô giấy đã thấy giàu. Cô nghĩ, chuyện bán buôn coi vậy chớ thiệt là dễ.

Đọc tiếp tại đây.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Chuyện ku Bo.

Cậu trai nhỏ bước vô quán, vòng tay trước ngực:
- Con thưa cô, thưa chú, con cám ơn cô chú đã cho con mượn quán cà phê để quay "phưn".
He he, đã quá đã cái lỗ nhĩ.
- Hổng có chi đâu con, mà năm nay học lớp mấy rồi con?
- Dạ thưa con tám tuổi, con học lớp Ba, trường quốc tế ạ.
- Con trai giỏi, con trai ngoan và dễ thương quá, nãy giờ cô coi con đóng phim đó.
Đó là khúc đối thoại ngắn ngủi của cậu nhỏ với bà chủ quán cà phê Anh Đỗ.

Buổi trưa đi làm về nhà, bố con nhà Nhí ngồi quán vào bữa trưa muộn, nhưng sao thấy người đâu nhiều quá dzợ? Cả một đoàn người vô quán, đồ chơi máy móc lỉnh kỉnh. Thì ra là một đoàn làm phim, họ xin vô cafe Anh Đỗ để thực hiện một cảnh quay cho chương trình "Con yêu của mẹ" của ku Bo (bé Hiền Lâm) với bố Nam (Việt Anh) trên VTV3 được phát sóng vào mỗi tối chủ nhật hàng tuần.

Gạt chú trống Chuối đang giả giọng "cục tác cục te" sang một bên, kiếm các ổ điện, kéo dây cắm đèn sáng trưng, sáng hơn ban ngày, cắm máy quay se se, những người ấy tự nhiên như ở nhà, tự nhiên hơn cả người Hà Nội. Đám cỏ xanh, chủ quán nâng niu hổm rày, mới được tí ti cái nắng của ông mặt trời mùa này nghiêng về chí tuyến Bắc và lác đác mấy cơn mưa trái mùa bắt đầu lên màu non xanh chậm chạp, bữa nay sợ hãi nháo nhào. Chú trống Chuối  bị ném qua góc lạ, "e, e..." lên mấy tiếng làm cả đàn gà trên sân thượng "ồ, ồ..." lên hết cả, chúng hỏi nhau có chuyện gì đó. 
Cả tiếng đồng hồ, họ quay, cắt, rồi quay lại, rồi lồng tiếng nói này nọ sao đó. Cái rồi họ rút, cũng ào ào như khi tới, vô và ra rất chi là "ISO". Nghĩ bụng chắc là họ bận lắm.

Khi mọi người đã rút hết, cô gái nhắc tuồng, người cuối cùng của đoàn ra về tới gần cổng, chắc sực nhớ điều gì không ổn hay cảm giác một ánh mắt sau lưng, ngoái lại, đứng ngoài cổng nói vói một câu vô quán: "Cám ơn anh nhé". Ông chủ quán, tay đêu có hạng, đang mỉm cười dõi  theo bước chân của vị khách cuối cùng cũng vói theo: "Hổng có chi, tưởng quên chớ, he he..."

Nhưng không như vậy, lúc này ku Bo bước vô nhà, cám ơn gia chủ, chuyện trò đôi câu rồi nghịch ngợm tý chút. Nghịch ngợm ngoan, kiểu gần gụi, lấy đồ lau  kiếng hồ cá biển san hô, cười vui tươi, thân thiện.

Nhận lời cám ơn của cậu trai lớp ba, nhìn cái sự ngoan của cậu trai tám tuổi, là ông bà chủ quán mềm lòng rồi.

Buồn một chút người "nhớn", vui một chút tình con trẻ, và vui thêm một chút nữa là ít gì cái khung cảnh riêng riêng, cái khoảnh vườn nho nhỏ của cafe Anh Đỗ, biết siêng chăm sóc, cũng là dễ thương, người ta mới tới xin làm cảnh quay "phưn" chớ bộ.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Vườn rau di động.

Có một vườn rau tươi tốt, xanh lá, lênh đênh theo một con tàu biển trong một hành trình vòng quanh trái đất. Nhìn thấy có đủ rau cải xanh mát mắt, rau muống cạn lơ phơ gió biển, vạt mồng tơi xanh rờn và cả những bụi rau thơm để làm gia vị.
Với những chuyến đi xa xôi và dài ngày như thế của những người đi biển, rau xanh trong bữa ăn hàng ngày là một vấn đề hết sức quan trọng cho dinh dưỡng, cho sức khỏe của anh em thuyền viên. Các bạn ấy thật là hay và chịu khó, đã có cách làm như thế này để cung cấp một lượng rau xanh lớn cho thuyền bộ trên cả một hành trình dài ngày và đi qua những đại dương mênh mông.
Bạn Giang còi (Gtl) đã ghi lại hình ảnh vườn rau của các bạn ấy trên con tàu Phoenix  của mình. Biết thêm một phần đời của những người đi biển.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Đong đưa.

 Khi người ta muốn làm quen với nhau, lúc ban đầu còn khó. Phải có một cử chỉ, một động thái như là kiểu dò đài, như là muốn ra tín hiệu, muốn tỏ ra thân thiện, rồi mới làm quen được với nhau, sau rồi có khi thành bè bạn. Người đời gọi cái tín hiệu ban đầu ấy là đong đưa thì phải. Mà không phải chỉ con gái mới biết đong đưa. Con trai người ta biết đong đưa đấy, có khi còn khéo hơn phái nữ.

Chuyến đi chơi xa ở xứ người, một bữa dùng chân ghé thăm thành phố "Người mất gậy" gắn với truyền thuyết của một vị vua ở đất này. Battambang là thành phố lớn thứ nhì của đất nước Chùa Tháp. 
Đang một mình nghiêng ngó một ngôi chùa cổ bên đường bỗng nghe: Em ơi em ơi, em đâu rồi, làm sao cho tôi hôn làn tóc rối... Ngạc nhiên, ơ ở cái xứ này sao lại có được một giọng ca Việt. Ở khung cảnh ấy, khi ấy là một giọng ca thật lạ mà thật hay. Xung quanh chỉ có mình mình với bức tượng  Bayon trên cổng chùa nhìn nhau, mỉm cười nhưng yên lặng, nào có ai đâu.

Đường phố vắng. Xa xa kia dưới bóng mát cây xanh bên công viên ven sông, có một cậu trai ngồi bán ghế xếp, võng dù. Đi tới gần hơn thì đúng là cậu trai ấy, đang say sưa cất tiếng hát, như con chim lẻ bầy một mình gọi bạn, bằng tiếng hát quê hương ở một phương trời xa. 
Thỉnh thoảng đưa mắt hướng về người khách đang đi tới, tiếng hát cậu trai ấy nhỏ dần, Làm sao, làm sao cho có đôi...
Rõ ràng là một cảm giác đong đưa, cậu trai ấy đang muốn đong đưa với mình đây. Nhận tín hiệu, thế là lại gần, là mỉm cười, người Việt phải không, rồi bắt chuyện. Thật là mừng vui khi đồng hương gặp nhau nơi xứ người, trò chuyện thăm hỏi quê nhà và một câu chuyện đời, ngắn ngủi thôi nhưng cảm lòng được một mảnh đời viễn xứ mưu sinh vất vả.

Anh bạn trưởng nhóm trong chuyến đi chơi, "Người Hà Nội", người vui tính và có duyên nhất nhóm, bữa ấy có một kiểu đong đưa thật là khéo. 
Sáng ấy ở Angko Wat. Những đoàn, những nhóm khách du lịch ở mọi phương trời đổ về nơi này thăm thú khá đông. Thật khó chịu với các du khách mang khuôn mặt Á Đông, nhất là mấy người xí số soong thủng chảo thủng, tới đâu cũng lấn ngang hông, hiếm thấy một nụ cười. Ai đó đang giương máy ảnh, máy quay, nhiều người tỉnh queo đi ngang mặt người ta. Nếu ở cái thời còn chụp hình bằng phim âm bản, băng quay từ hiếm hoi, phim hình hư bỏ là có chuyện liền. Riêng những du khách Âu Mỹ thì ai cũng dừng bước chân, chờ người ta xong việc mới bước qua, lại còn mỉm cười và gật đầu chào nhau nữa.

Chắc là cảm mến sự lịch sự và thân thiện của những du khách nữ xinh đẹp, lời cám ơn dường như chưa đủ, "người Hà nội" còn muốn đong đưa nữa, và anh ấy thật là tài ba khi còn phát hiện nhóm cô gái xinh đẹp ấy là người Nga. 

Buông một câu  lả lơi chiều thanh vắng là đây, thấy họ nhìn anh và cùng cười. "Chịu đèn" rồi đây, người Hà Nội nghĩ vậy và lập tức anh chuyển gam, lấy đà bước đi hùng dũng, nhịp tha thiết trầm hùng: Dza- liu- bờ- liu, chia-bia zứt... 

Thật là thú vị và bất ngờ, với câu hát đong đưa "níu bờ nìu" đã níu họ với nhau. Trình tiếng Nga cỡ "tư vư a nhí" nên cũng lõm bõm, ra là Chiều Mạc Tư Khoa rồi Cuộc sống ơi ta mến yêu người. Công nhận "người Hà nội", anh ấy tài hoa và thanh lịch. Họ chào hỏi nhau rồi chuyện trò ríu rít. Họ còn cho nhau biết tên, tôi là Zenhia, còn mình là Tùng... Họ cười vang mỹ mãn rồi bắt tay, vui thế, và cùng nhau chụp hình lưu niệm, dáng đứng  mấy cô gái Nga nghiêng nghiêng. Đong đưa thế ấy, đến là hay.

Thêm chuyện của ông bạn già Giang còi (Gtl), người đi biển, là một người vui tính và ham bạn bè. Giang còi thuộc một bài ca bằng tiếng Tây ban nha hồi nào không hay, có lẽ từ thuở còn là sinh viên học bên Tiệp. Để ý bao nhiêu năm nay, lâu lâu bất chợt tình cờ nhìn thấy cây đàn ở đâu đó, bạn mình lại ôm đàn ê a: "oy -en- mi-ven -ta -na-bri-ya-en-son"... sao anh thân yêu ra đi bỏ em lẻ loi trong xót xa... Chắc hẳn bài hát đó có nhiều kỷ niệm với bạn mình.

Vậy mà, những chuyến đi biển sang tới những bến bờ xa lạ, ở Cu Ba hay Achentina... những đất nước Nam Mỹ nói tiếng Tây ban nha, vốn liếng chỉ nhiều hơn bài hát Vì sao anh ra đi chút đỉnh để đong đưa, rồi làm quen, bạn mình đã có thêm nhiều bạn bè quốc tế, đủ mọi màu da. Vui nhất là được câu hát đong đưa cùng các cô gái xinh đẹp ở hòn đảo thơ mộng  trong vịnh Caribe, xứ sở của xì gà và điệu nhảy salsa. 

Vậy nên đâu chỉ có đầu mày cuối mắt, đâu chỉ có nụ cười hay ánh mắt mới được quyền đong đưa, người ta còn có những câu hát đong đưa để làm cho nhau phải lòng. Cái đong đưa còn như muốn biểu hiện sự cảm mến và thân thiện giữa mọi người, dù gần gũi trong nhà hay với người xa lạ, luôn làm đẹp và cần thiết biết bao cho cuộc sống này.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Chuyện người săn Nhum.

Gắp vô chén khách miếng thịt mới nướng, nâng chung rượu đế nước mắt quê hương sóng sánh, cẩn thận cụng thấp nửa dưới ly khách, Bảy Dũng hỉ hả:
- Vô cái anh Mười, làm thử miếng mồi này coi. Nhum nướng muối ớt đó, bá cháy luôn, tui mới rinh về đêm hồi hôm, mùa này hiếm rồi nghe.
Quay xuống phía bếp dượng Bảy hối:
- Má nó nhớ chừa cho bé Nhí, còn nhiêu nướng hết mang lên đây nghe.
Dưới gian bếp nghe vang tiếng cười đùa rổn rảng và tiếng dạ ran của mấy người nữ.

Ông Năm Hứa thấy con cháu nhập tiệc sớm, đang nằm chơi trên võng nhổm dậy, quơ cái chung nhỏ trong mâm, vội vàng:
- Cho cha nửa cái đi.
Thấy bà Năm nhìn trân, các con cháu yên lặng, ông giả lả:
- Phân nửa thôi mà, dzui quá, lâu quá lâu mới được uống rượu với thằng Mười.

Ông Năm lớn tuổi, năm rồi bị tai biến, một bên chân yếu hẳn. Hồi sáng ông nói nhờ siêng đi châm cứu, may phước, Trời thương, Chúa thương, bữa nay bỏ đi nạng, còn cà nhắc chút đỉnh. Bác sĩ cấm rượu tuyệt đối, vậy mà ông cũng ráng giành cho được chung rượu cầm tay, rồi rề rà góp chuyện:
- Tui nói mơi có người Sài Gòn về quê chơi, Bảy Dũng hỏi anh Mười chắc? Lập tức đêm hồi hôm thức, chèo ghe một mình đi săn Nhum, kiếm đâu được ba bốn con, con lớn cỡ kí lô. Nó nói tiếp cha con anh Mười trên thành phố về, bữa nay phải có Nhum nó mới chịu.
Nhìn Bảy Dũng vẻ mãn nguyện, nhìn miếng thịt đùi Nhum vàng ươm, mới nướng xong còn đang sủi tăm mỡ thơm lừng là thấy tấm lòng người quê quý khách biết chừng nào.

Cha Nhí hỏi thăm chớ bắt Nhum cách gì, có khó không, kể chuyện nghe chơi dượng Bảy. Bảy Dũng nói vô cái đi đã, hồi tui kể cho nghe.

Ra là dượng Bảy sống bằng nghề săn chuột cống Nhum và soi ếch. Cũng một nghiệp nghề miền sông nước nhưng cặm cụi mỗi một thân mình, đêm hôm khuya lơ lắc bơi xuồng dọc bờ kinh mương, ruộng lúa, theo vết chân đi tìm săn con chuột con ếch, mang về bán cho người ta.
Bắt Nhum có hai cách, đặt bẫy nó và chủ động tìm bắt nó. Nghề dượng Bảy làm theo cách thứ hai. Bơi xuồng thật nhẹ nhàng dọc bờ sông, bờ kinh hay ruộng nước vào ban đêm. Rọi bằng đèn mang trên đầu, phát hiện vết chân hay vệt đi của Nhum, theo đường đi của nó, biết những nơi nó có thể tới, và đi theo.

Hai cái chung rượu đuổi nhau, xoay tới ba bốn vòng bàn tiệc. Rượu quê vùng An Giang- Đồng Tháp ngon nhưng nhẹ tênh, vô dễ nhưng cũng bốc, hèn gì thấy đàn ông con trai, ai nâng cái ly rượu là làm một hơi rõ kêu. Được cái rượu tự nấu xài, không lo dính thuốc rầy, không sợ nhức đầu. Bảy Dũng làm một cái "oóc" hết ly rồi kể tiếp chuyện đi săn Nhum.

- Con chuột Nhum không chỉ ăn lúa, nó biết bắt cá bắt cua ăn, con lớn lì lợm còn dám cắn cả gà, nên nó bự con, thịt chắc, ngon ngọt. Nhum dữ mà khôn lanh, nhanh nhẹn. Không dễ gì đào hang mà bắt nó được, bởi nó bươi đất trong hang còn lẹ hơn người ta đào, nhìn thấy nó rồi mà chỉ nháy máy, nó biến mất trong bụi đất văng ra dưới chân nó. Không biết cách không dám đưa tay bắt đâu nghe, gặp mấy con lớn, Nhum già đời, tính tình hung dữ, nó cắn dập ngón tay luôn chớ không giỡn. Con Nhum biết nhe răng khè người như rắn hổ ấy chớ. Mấy thứ chuột lang hay chuột cơm ngoài ruộng, con nào lảng vảng vô lãnh địa, nó khè cho phát chạy biến, không thôi chỉ có mà tan xương nát thịt.

Ngưng chuyện rót thêm ly rượu, tiếp thêm đồ ăn cho khách, Bảy Dũng tiếp:
- Tui nói cho hay vậy thôi chớ đừng có ai ham đi bắt Nhum như tui, cực lắm. Tại mần riết quen thành nghề thành nghiệp kiếm sống. Có nghề là tự mình nhanh ý, hay được nơi con Nhum thường tới, tính được đường nó đi, rồi tính ham đèn của nó. Nó bắt đèn trừng mắt nhìn mình như con thú vậy. Rồi muốn đi săn Nhum trước hết phải tập phóng chĩa sao cho mạnh và trúng, mỗi lần ra chĩa trật là hỏng ăn, con Nhum khôn lắm, trốn đâu mất tiêu. Cây chĩa là cây lao nhỏ góc kia kìa, dùng săn Nhum đó anh Mười. Đồ nghề của tui là cây chĩa, bộ đèn soi, bình điện sạc cho đầy và cái xuồng xíu xiu đó thôi là đủ.

Hỏi Bảy Dũng, hay là tối nay dượng cho tui đi chung, săn Nhum một bữa coi coi làm sao cho biết, Bảy nói không được, không được.
- Dzậy là dượng Bảy giấu nghề, hổng dám cho tui đi theo nghe. Cha Nhí bật cười.
Dượng Bảy thiệt tình:
- Không phải vậy. Bữa nào tui ăn thịt chuột vô là bữa sau không bắt được con Nhum nào đâu nghe, làm như giống này nó nghe hơi được sao đó. Với lại, anh Mười ở trên thành phố, ra sông chi cho cực, mà mắc mớ chi tui giấu, hổng lẽ anh Mười về cù lao này đi săn Nhum như tui sao, he he he...

Hỏi mần thịt Nhum khó dễ, Dì Bảy bếp chính, nãy giờ ngồi sau bàn nhậu coi có ai cần gì thì tiếp, nhào vô:
- Vậy nè, mần Nhum lột hết da, ruột bỏ giữ lá gan, rửa sạch. Cái... ướp thịt với bột ngọt, muối ớt, nếu nướng mọi thì khỏi. Nhớ là lấy muối hột nghen, hổng có xài muối bọt, đâm nhỏ với ớt bột, chờ chút chíu ngấm, cái... mang nướng, mà phải nướng than cây à nghe, cái... đâm thêm chén muối ớt để chấm, nhiều nhiều ớt cho thiệt cay, dzậy là kêu bạn tới nhậu được "gồi".
Có mấy người kia có cách này hay nhưng mất công hơn. Người ta cạo sạch lông con Nhum như cách mần heo, lấy rơm thui lên, cái... mang khìa nước dừa, liu riu tới hồi cạn nước, miếng thịt Nhum vừa khô, lấy ăn cơm hay mang nhậu, quên đời. Mà thịt Nhum bổ dưỡng lắm nghe anh Mười. Là em nghe người ta nói vậy biết vậy.

Bảy Dũng cạch ly, tui anh đá bổng cái coi, rồi "oóc" một phát nữa, cười lớn:
- Phải kiếm được bạn hiền mà nhậu kìa, không thôi uổng công thức đêm một mình theo Nhum rọi đèn. Như anh Mười đây, tui "phái" cái cách anh nhậu cười cười không vậy nè, he he he...
Ôi chao, Cống Nhum nướng muối ớt vợ tui làm ngon hết biết, cả cù lao Giêng này không ai qua tay bả được, bén ngót, ngọt ngay, không có thứ mồi nào trên đời này qua mặt được thịt Nhum hết đó anh Mười à.

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Thử đo đếm thời gian.

Lần đầu tiên đến thăm thú, ngắm nhìn cảnh vật, đền đài, những gốc cây, bộ rễ trên mái đền ở đất nước Chùa Tháp và hình dung thời gian, là đã mê mẩn.
Về nhà chọn lấy mấy tảng đá san hô ngấm nước, gọt đẽo sơ sơ, chọn Sanh Si Sung cho nó "soang", trồng lên trên đá, thử đo đếm thời gian. Cây nhỏ bén rễ vào đá, lớn dần lên.
Năm năm trôi qua, thời gian thêm bạc, muối tóc thêm nhiều, mà ba cây trên đá, gốc cây lớn nhất mới chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái.
Mới thấy những cây, những gốc rễ phủ trên các ngôi đền đài ấy là cổ xưa và quí giá biết nhường nào.


Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Gốc và Rễ.

Những gốc cây thật lớn, những bộ rễ cắm sâu, lan ra, phủ trùm lên trên các mái đền đài.
Ở Angko Thom. Cổ xưa, diệu kỳ và ấn tượng.



Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Theo chân những cựu binh tình nguyện.

Những người bạn ấy ở Hà Nội, mới được biết và hiểu về họ một phần nào qua những bài viết về đời lính chiến trận mạc trên trang viết của họ, yêu thích và cảm phục họ, một thời trai trẻ máu lửa nhưng yêu đời, yêu giọng văn mộc mạc và rất đời. Gặp họ ngoài đời, giản dị và dễ thương như chính họ.

Họ từng là những người lính quân tình nguyện Việt nam, năm xưa đến đất này làm nhiệm vụ quốc tế, giúp cho người dân Cambodia khỏi nạn diệt chủng của Khme đỏ, và cũng chính là chống lại cú thọc be sườn hiểm độc trước khi cuộc chiến trực diện biên giới ba mươi hai năm trước của người láng giềng phuong Bac tham lam muôn thuở. Nhiều năm sau này thấy người ta ngại ngùng ít muốn nhắc tới, sẽ có một ngày vào lãng quên.

Gặp gỡ một buổi chiều rồi cùng nhau lên đường gió bụi với những người bạn mới.
Cùng với những người cựu binh trở lại đất nước này, một chặng đường dài vòng quanh Biển Hồ, hướng Tây Bắc theo đường 1, vào đường 5, gặp đường 6 ở Sisophon gần biên giới Thái ngược về Siem Reap, xuống Kampong Cham rồi trở về Phnom Penh. Chuyến đi du lịch, thăm thú đất nước của chùa tháp và còn để sống lại những kỉ niệm, để tìm về những miền đất bom đạn năm xưa họ và đồng đội đã đi qua, đã đổ máu, đã nằm xuống. Rừng xưa nay đã xanh lá.

Tùng, người Hà Nội, nhanh nhẹn và điềm đạm, là kĩ sư làm việc trong ngành xây dựng.
Có thể nhìn thấy trên gương mặt Tùng một chuyến đi mang nhiều cảm xúc. Anh hồ hởi khi đi qua một ngôi chùa nơi đóng quân xưa ở gần Udong, anh chau mày khi lộn đường đi tìm mãi cái ga xép nhiều kỉ niệm. Ngồi ghế phụ để tiện lên xuống hỏi đường và chiếc Nikon thường trực trên tay bắn liên tục suốt cả hành trình. Sẽ chờ đón thêm những câu chuyện rất tình người từ anh.

Căn, người cựu binh năm nay độ tuổi năm mươi, cười thật hiền: chiến tranh không phải trò đùa và súng đạn là đồ khùng điên. Ai mang được cái thân về nhà là được thấy mẹ già cười trong nước mắt. Ngồi một mình trầm ngâm bên một hồ nước ven thị xã Svay Rieng, đưa mắt nhìn thật xa, anh nói anh bị thương chính ở nơi này.
Nhà anh ở ngoại thành Hà Nội, cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhưng ổn định, con cái đã lớn. Anh vui chuyện và hài hước, hiền lành và thân thiện. Cứ hình dung câu chuyện đôi chim sáo của Tùng và Căn trên tàu lại bật cười và ân hận mãi bữa rồi anh bị say nắng nằm trong chợ Kampong Thom mà chẳng ai hay, may có bà con địa phương đỡ, không bị làm sao.

Anh Si ở miền Nam nên dễ dàng hơn sang thăm nước bạn. Vốn tiếng Khme tương đối của anh có thể nhảy xe bus đi chơi bụi dễ. Sau nhiều năm làm việc trở về, anh hiểu nhiều về nước bạn và những câu chuyện kể của anh về đời sống người dân ở đất này thật thú vị.

Qua một phum nhỏ nằm bên sông, ghé hỏi thăm đường đi, bà con nghe bộ đội tình nguyện năm xưa, thật mừng vui mời các anh vô nhà chơi. Bằng vốn từ Khme ít ỏi của các anh và đôi tay khéo léo, họ trò chuyện nói cười râm ran. Đâu đó thoáng bóng cô gái xinh xinh, ánh mắt và nụ cười  rất Việt.
Trên đường thiên lý, không ít lần người dân biết những người lính tình nguyện năm xưa, ghé lại trò chuyện, họ hết sức mừng vui và quý trọng.

Bạn bè đồng ngũ của các anh ở nhà cùng theo bước chân của đoàn trên mạng. Một tin nhắn giữa hành trình dặn nhớ ghé chụp tấm hình sân bay Kampong Chnang nhé. Một cuộc điện thoại dặn đi tìm cố nhân. Có cái cô gái tên Ni xinh đẹp ở chợ Lech năm xưa ấy, bây giờ ra sao, cả đoàn vào chợ đi tìm, cũng gặp một chị Ni tóc giờ đã bạc, mà không phải nàng Ni năm xưa, vui thế.

Những năm đôi tám, thời trai trẻ của họ đi qua máu lửa, chứng kiến và ôm vào lòng những mất mát đau thương không thể bù đắp của bạn bè, đồng đội. Những người cựu binh ấy đã nhìn thấy một chế độ diệt chủng tàn ác của Khme đỏ trên đất nước Cambodia. Những câu chuyện về những thành phố không bóng người, những căn phố bỏ hoang, những cánh cửa kéo gỉ sét, những dòng người trốn chạy công xã nhân dân...

Theo chân những người lính về bên bờ sông Tonle Sab, nơi một người bạn nằm xuống. Bụi mù đất đỏ một cung đường sắt tìm về ga xép ở Bamak, nơi người đại đội trưởng hi sinh trên tháp nước. Và khói nhang miên man một chiều tắt nắng ven rừng lá Khộp khiến cho lòng ta chùng lại.

Rất nhiều khi thấy những người cựu binh yên lặng hồi lâu, mắt nhìn xa xăm nơi cánh rừng thưa hay khoảng không vô tận, biết là họ đang có những phút trầm ngâm nhớ lại và đang sống với hồi ức cùng đồng đội, với sự sống và cái chết, sự may mắn và số mệnh. 
Những câu chuyện của những người lính, bao giờ cũng rất thật và hay hơn sách vở.


Đoàn nghỉ chân bên bờ Mekong.
T/p  Kampong Cham thơ mộng.
Đất nước Cambodia nhiều tiềm năng. Những quần thể đền đài của đế chế Angko ở khắp nơi, cổ xưa và kì diệu. Những thành phố lớn, những khu chợ trung tâm đã tràn ngập hàng hóa, những cửa tiệm ăn, khách sạn, dịch vụ sáng đèn đêm phục vụ du khách. Đi qua những cánh đồng mênh mông huốt tầm mắt, những rừng cao su bạt ngàn vùng đất đỏ, và đâu đó một vùng quê xa, những kênh mương thủy lợi, những nhà máy thủy điện đang được hình thành.

Thành phố Phnom Penh yên ả nằm tại nơi giao nhau của dòng Tonle Sab chảy ra từ Biển Hồ và dòng Mekong chảy về từ phương Bắc. Ở nơi đây đôi dòng sông chỉ chạm nhẹ vào nhau để rồi lại lập tức lại chia tay nhau, dòng Mekong chảy vào Nam bộ mang tên sông Tiền còn dòng  Sab xuôi về phía nam trên đất Cambodia mang một cái tên khác Bassac, rồi dòng Bassac chảy vào đất Việt mang tên Hậu giang hiền hòa. Hàng năm mùa nước nổi, dòng Sab cùng Mekong mang về miền Tây nặng hạt phù sa cho một mùa lúa mới và bao nhiêu sản vật của Biển Hồ.

Nơi giao nhau của hai dòng sông.
Nghỉ chân bên bờ Tonle Sab, ngắm nhìn thành phố Phnom Penh thanh bình. Hoàng cung Cambodia nhìn ra nơi hai dòng sông giao nhau ấy, mùa này lòng sông chia rõ một nửa đục phù sa của dòng Sab và một nửa trong xanh của dòng Mekong.
Cây cầu sập năm xưa nay đã được xây mới, nối thủ đô vào đường 6A lên cung đường  tây bắc ngược dòng sông lên Biển Hồ, lên kinh thành chùa tháp Angko. Những cần cẩu, giàn giáo vươn cao bên kia sông của nhiều công trình xây dựng nối tiếp nhau. Thành phố và đất nước này đang mỗi ngày đổi thay.

Một chuyến đi xa nhiều thú vị và được thêm những người bạn mới đáng quý. Ai đó sẽ  nhớ "tức thốt nốt chu", nhớ nụ sầu đâu chấm mắm bồ hóc, nhớ khô mắm cá Sửu và nhiều lắm những sản vật của Biển Hồ chẳng ở đâu sánh được.


Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Làng quê và con trẻ.

Gặp gỡ những người dân Khme trên đường đi. Dừng chân thăm hỏi những sinh hoạt của họ. Những căn nhà gỗ dân gian đơn giản, những con người chất phác, hiền lành và thân thiện. Gặp gỡ người ta ở đâu cũng là nụ cười, nụ cười hiền lành lắm.
Cảm giác còn thiếu thốn rất nhiều những tiện nghi cho cuộc sống hiện  đại nhưng như là mọi người ở đây chấp nhận như vậy là đủ,  Đồng đất như là chỉ cần làm một vụ lúa mùa mưa.

Đâu đó, luôn thấy những bức tranh quê, còn nghèo nhưng hạnh phúc và yên bình.

























Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Bụi đường Cambodia.


Những cây Bằng lăng hai bên đường đại lộ Norodom dẫn vào thủ đô Phnom Penh mùa này phủ dày những chùm hoa trắng quyến rũ.
Món cá Trèng Biển Hồ thiệt lớn con, chiên lên ăn cùng với xoài non chua, thật tuyệt vời.











Giống Xoài tròn ở nơi này giòn thơm và ngọt nhẹ.
Một phiên chợ miền quê ở tỉnh Pursat đầy ắp tiếng cười con trẻ.











Và dừng chân bên đường, trò chuyện cùng cô gái Khme hiếu khách, uống nước Thốt nốt chua, một thứ nước "cay", rất riêng, làm ta lâng lâng vui chuyện suốt đường dài.

Hành trình của chuyến đi theo đường chỉ đỏ một vòng quanh Biển Hồ.