Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Giáng Sinh vui.


Sài Gòn hàng năm, cứ tới dịp Giáng sinh và gần vào năm mới dương lịch là khí trời dịu dàng lại một chút, có năm trời trở lạnh. Chỉ được ít ngày thôi, những ngày cuối năm hiếm hoi ấy nhưng thường thì những ngày này là những ngày khí hậu dễ chịu nhất trong năm.
Mùa Giáng sinh năm nay Sài Gòn lạnh sớm. Mấy bữa trời mù, cả ngày không có nắng, mát mẻ và mọi người ra đường cũng muốn trưng diện một chút, nhất là các bạn trẻ.
Sắp tới Giáng sinh nhận được một vài tin vui, vui quá. Tất nhiên những tin vui vui quá ấy từ phía các con, luôn là như thế, những tin vui ở xa về. Niềm vui ấy nửa muốn chia sẻ cùng bè bạn người thân lại nửa muốn ôm giữ để cảm nhận. Cũng muốn nói với các con của mình cùng các bạn trẻ khác nữa, là sự tiến bộ trong học hành hay làm việc, sự trưởng thành trong cuộc sống của con cái luôn là kì vọng, là mong đợi của các bậc cha mẹ. Với gia đình nào cũng vậy.
Nhân ngày Giáng sinh có câu chuyện này muốn kể với Hai và Nhí, cũng muốn chia sẻ cùng bạn bè nữa, vui lắm.

Chuyện là ở nhà, bạn Nhí nhỏ năm nay sẽ hết lớp 12, bạn ấy gởi hồ sơ xin vô hai trường đại học mà bạn ấy thích. Dì Ba hơi lo lo, nhắc Nhí nên kiếm thêm trường gởi thêm hồ sơ đâu đó nữa cho chắc ăn mà chưa kịp làm.
Thường là vào dịp này hàng năm, các trường đại học ở nước Mỹ sẽ gởi thơ trả lời cho các bạn học sinh lớp cuối trung học đã gởi hồ sơ xin vào học năm tới. Ở nhà mình có một người ngày nào cũng ngóng, trông, chờ một lá thơ hồi đáp từ một trong hai ngôi trường mà bạn Nhí đã yêu thích. Người đó là dì Ba của Hai và Nhí.
Gần ngày lễ Noel, bữa nay như có linh cảm, dì Ba ngồi phòng khách với ly cafe từ sớm, có ý chờ xe thơ dù biết rõ giờ xe tới hàng ngày phải chừng giữa buổi. Hồi hộp khi nghe tiếng chiếc xe thơ chạy tới nhà và đậu lại trước cổng rồi nín thở chờ bước chân người trên bậc thềm. Thật lặng yên để nghe tiếng lạch cạch của nắp thùng thơ rồi lại khe khẽ theo tiếng chân người đưa thơ bước đi xa dần. Vẫn phải ráng đợi chờ thêm chút nữa cho tiếng máy xe nhỏ dần chạy xa khỏi cổng là dì Ba nhào tới nơi thùng thơ. Bữa nay có thơ, mà có tới ba lá thơ của một trường đại học. Lá thơ thứ nhất thông báo Nhí nhỏ của dì Ba được nhận vô trường. Lá thơ thứ hai trao đổi một số điều và lá thơ thứ ba thông báo bạn Nhí sẽ nhận được học bổng của nhà trường, là hai chục ngàn cho một năm và trong suốt bốn năm học tới.

Dì Ba, Nhí và bạn, một buổi đi tham quan trường ĐH.
Phải đọc đi đọc lại những lá thơ nhiều lần cho chắc ăn rồi mới điện thoại cho cha mẹ Nhí hay, biết là dì Ba sẽ mừng vui như thế nào sau khi nhận tin này và đó cũng là câu chuyện vui vui quá của cha mẹ Nhí mấy bữa nay. Xin một tràng pháo tay thưởng cho bạn Nhí nhỏ nhà mình nào. Lễ Noel này, cha Nhí sẽ đưa mẹ đi lễ ở ngôi nhà thờ mới, vừa được xây dựng xong ở gần nhà mình.
Có một điều muốn nói với các con ngoài sự nuôi dưỡng và chăm sóc của cha mẹ và dì Ba, đây là nguồn kinh phí đầu tiên con nhận được từ người khác, một trường đại học ở nước Mỹ lo cho con ăn học. Con phải biết và ghi nhớ điều này, để mà hàm ơn và để ráng học.

Giáng sinh tới rồi và bước vào năm mới, cầu chúc an lành và hạnh phúc. Mong cho mọi điều tốt đẹp luôn tới với các con, tới các bạn bè và mọi người ở khắp nơi.

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Rồi em sẽ nhớ đến nao lòng.


Lúa vàng ở khắp nơi. Một màu vàng dịu dàng của mùa lúa chín trải dài cả mấy chục cây số. Rời quốc lộ 1 quẹo vô tỉnh lộ, bắt đầu từ khúc cua ngã ba Bốn tổng về tới tận nhà là đồng lúa, lúa chin vàng dưới nền màu xanh của xóm ấp, cơ man nào là lúa.
Bên đường, một đầm sen lạc giữa đồng lúa vàng, những bông sen muộn và gương sen lô nhô lẫn với lá xanh phủ kín mặt đầm. Loáng thoáng lẫn trong đám lá hoa sen là bầy vịt nhà ai đang tắm mát trong đầm. Lâu lâu xe chạy qua một cây cầu, một con kinh ngang. Từ trên cầu nhìn xuống thấy dòng kinh đào thẳng tắp, nhỏ dần và dài miên man mang nước chảy mãi về đâu.

Bữa nay em về quê thăm mẹ. Đã lâu rồi em mới lại được đi giữa cánh đồng quê mình, được trở về thực tại cùng một màu vàng của lúa chín, mênh mông hương vị mùa màng, một hình ảnh dù bao nhiêu năm xa em vẫn thường nhớ.
Nghe dượng Ba chỉ, về dưới má bây giờ là khỏi đi theo đường cũ về Ô Môn nữa nha. Năm nay có con lộ mới, đường về gần hơn một chút, dễ đi hơn một chút. Qua khỏi cầu Cần Thơ cứ chạy thẳng, hồi tới ngã ba Bốn Tổng, quẹo ngã ba ấy là gặp con lộ mới làm xong. Lộ mới đường lớn ngon lành, mấy cây cầu cũng mới, cũng lớn luôn. Xe cứ tới miết qua hết ba con kinh ngang, đếm đủ ba cây cầu là về tới cổng nhà má rồi đó. Nhớ nghe, xuống tới ngã ba Bốn tổng một ngàn là quẹo mặt liền nghe. Ai đó trên xe cười cười hỏi nhỏ, có cái ngã ba "Bốn tổng một ngàn", ở miền Tây quê mình có những địa danh nghe ngồ ngộ ha?

Mẹ đó, vẫn thói quen sáng sáng ở trong khu vườn nhà, nón lá và tấm lưng đã còng, hết loanh quanh bên mộ cha lại chăm chút mấy cây ăn trái, nhổ ít cỏ dại.
“Mấy đứa đã dzìa tới nơi rồi sao?” Ôi! Nụ cười của mẹ, dịu dàng trong miếng trầu cay. Em được ôm lấy mẹ già trong vòng tay của mình, nhẹ bỗng. Em được thấy khóe mắt mẹ cũng đang cười, bề bộn những nếp nhăn… Con đã về bên mẹ đây, về để cùng anh chị em mừng thọ với mẹ nè.
“Bây đã ăn cơm chưa đó? Để má nói con Năm nó đi nấu”. Mẹ hỏi rồi tới bên bộ ván ngựa, vói lấy cơi trầu và cây quạt, mẹ quạt cho em như thuở còn thơ bé, gió có hương cốt trầu của mẹ.

Ở trước nhà vẫn là hàng rào bông trang ngăn cách khoảnh sân rộng với con lộ nhỏ ven kinh, bữa nay bông trang cũng nở vàng rưc đón em về. Còn phía ngoài kia là con kinh đào chạy dọc theo xóm ấp, hay nói đúng hơn là xóm ấp mọc lên dần, chạy dọc hai bên bờ của dòng kinh từ thuở sơ khai. Dòng nước mỗi lên xuống mỗi ngày ấy mang nước về cho đồng lúa quê em, miệt mài năm này qua năm khác. Dòng kinh ấy cũng bao năm tháng là đường đi lối về quen thuộc cho ghe thuyền lớn nhỏ của thảo dân sinh sống ở những xóm ấp ven kinh từ bao đời nay. Ghe chở các mẹ đi chợ, chở con nít đi học, ghe chở hàng hóa chở lúa… lao xao trên những dòng kinh.
Có tiếng ồn ào vọng tới từ phía bên kia bờ kinh, là một nhà hàng xóm đang có đám. Cái cổng chào đường lên xuống mé sông được kết bông vải lụa màu nổi bật từ xa báo hiệu cho người ta biết nhà có đám, là đám cưới. Ở bên ấy thanh niên nam nữ họ đang uống rượu, nói cười và ca hát, vui quá. Đám cưới quê, có ai đó tay vẫy chào mời gọi, nếp người quê mình thật dễ thương, lạ mà như quen, xa mà như gần, bao nhiêu là nhớ.

Anh Tám nói năm rồi mẹ bịnh nên năm nay yếu đi nhiều. Mẹ ở nhà hồi nào giờ vẫn siêng ra vườn mỗi ngày, dọn cỏ hoặc làm chút gì đó, vừa là nhớ vườn vừa là hoạt động tay chân cũng tốt cho người già.
Lúa nhà mình cũng sắp tới ngày gặt. Năm nay giá lúa không cao, trừ hết chi phí chắc còn được chừng hai triệu đồng một công. Nhà nào ít ruộng, có năm bảy công năm nay là đói. Còn những nhà ít hơn hay không có ruộng thì đi làm mướn, làm cỏ, gặt thuê, con cái thì cho lên Cần Thơ hay xa hơn như Bình Dương làm công nhân khu công nghiệp. Xóm ấp bây giờ thanh niên cũng vắng vẻ, đi đâu xa hết, tết nhất giỗ quải mới trở về.
Hổm rày mưa hoài. Mưa nặng hạt làm cây lúa ướt trĩu nặng. Lúa ướt gặt về không có nắng phơi, thương lái mua lúa ướt lại ép giá như mọi năm thôi. Điệp khúc nhà nông năm nào cũng vậy. Người nông dân quê em cực suốt cuộc đời trên ruộng lúa chỉ mong trời đất thuận hòa chớ biết trông nhờ được ai.

Ít bữa rồi em sẽ lại đi, sẽ phải trở lại công việc và cuộc sống của mình ở một thành phố cách xa mẹ nửa vòng trái đất.
Rồi em sẽ nhớ đến nao lòng dòng nước chảy ngang nhà, thuở tấm bé những trưa hè trông mẹ đi chợ về trên con kinh mùa này lục bình ở đâu về nhiều thế.
Rồi em sẽ rất nhớ ở góc nhà có tấm ván ngựa, có cây quạt và cơi trầu của mẹ, nhớ đôi bàn tay run run, mẹ ngồi đó nghiền nhỏ lá trầu trong cối, để thèm bàn tay mẹ quạt cho một miếng. Nhớ dáng mẹ lui cui trong vườn, rồi lại thèm được mẹ hỏi bây ăn cơm chưa và để được chăm lại mẹ, dù chỉ một chút gì.
Rồi em sẽ nhớ, khi quê nhà mình đang vào mùa gặt, khắp nơi một màu lúa vàng, sợ mùa này lại mưa nhiều và nỗi lo mọi người ở nhà phải bán lúa ướt.
Có ai đó hỏi tại sao những người mình thân thương mà cứ phải sống cách xa nhau như thế. Có ai nhắc tiếng cu gáy ở đâu đó, như là ở mấy bụi chuối sứ phía bên kia bờ kinh ấy. Tiếng cu gáy chiều cúc cù cu cu buồn, nghe buồn thiệt.